Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Skkn giúp học sinh viết bài văn hay...

Tài liệu Skkn giúp học sinh viết bài văn hay

.DOC
13
1192
125

Mô tả:

Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi GIÚP HỌC SINH VIẾT BÀI VĂN HAY PHẦN MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI. Đối với học sinh hiện nay, học văn là một thử thách. Thử thách lòng kiên trì. Thử thách tính tỉ mỉ. Thử thách cả tâm hồn. Và nhất là thử thách cả trí óc. Kết quả của quá trình thử thách ấy được thể hiện rõ nhất qua bài văn. Cho nên, việc học văn gắn liền với viết văn. Một học sinh giỏi văn không phải chỉ là học sinh chăm phát biểu trong lớp, biết phát hiện vấn đề, có tâm hồn nhạy bén, sắc sảo; một học sinh giỏi văn phải là học sinh biết cách viết một bài văn hay. Điều đó lí giải vì sao tất cả các môn học khác có thể thi trắc nghiệm nhưng môn văn thì không? Trong 8 năm dạy văn, nhiều lần bản thân người viết cũng ngộ nhận trong việc đánh giá và chọn lựa học sinh giỏi. Quả thật có một số học sinh rất tài trong phát hiện vấn đề, phát biểu rất trôi chảy nhưng khi bắt tay vào viết bài thì diễn đạt lại lúng túng. Một lẽ vì văn nói và văn viết đã có khoảng cách, một lẽ vì lời nói có thể thoáng qua nhưng lời văn thì đọng lại. Nhằm phục vụ cho công việc đào tạo học sinh giỏi không chỉ của trường chuyên mà cho tất cả các trường trung học, người viết lựa chọn đề tài: Giúp học sinh viết bài văn hay. 2. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU. - Hiểu thế nào là một bài văn hay, các yếu tố tạo nên bài hay từ nội dung (lập ý) đến hành văn. - Biết đánh giá đoạn văn, bài văn hay và biết phân tích những yếu tố tạo nên các hay của đoạn văn hay bài văn - Xác định các thao tác cụ thể cho việc viết một bài văn. - Chú trọng cách rèn luyện, nâng cao khả năng diễn đạt cho học sinh. - Hướng dẫn thực hiện một số đề văn cụ thể. Nhằm phục vụ chủ yếu cho học sinh trung học phổ thông trong các kì thi quốc gia (Học sinh giỏi, tốt nghiệp, đại học) nên người viết bàn kĩ hơn về cách viết kiểu bài văn nghị luận . SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 1 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi PHẦN NỘI DUNG I- MỘT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN HAY TRƯỚC HẾT PHẢI LÀ BÀI VĂN ĐÚNG. Yêu cầu 1: Xác định yêu cầu đề bài Đây là điều kiện trước tiên và cũng là điều kiện quan trọng nhất. Bởi vì một bài văn hay phải phục vụ cho đề văn với những yêu cầu cụ thể. Vẫn biết viết văn đề cao những sáng tạo nhưng những sáng tạo ấy chỉ có ý nghĩa khi nó nhắm tới vấn đề được yêu cầu. Giáo viên cần giúp học sinh phân biệt viết văn trong các kì thi khác với công việc sáng tác. Viết văn với tư cách học sinh không giống viết văn với tư cách nghệ sĩ. Việc nhận thức đúng yêu cầu đề là việc làm khó khăn, là thử thách đầu tiên đối với người muốn viết bài văn hay.Vì chỉ khi đã biết phải viết cái gì, viết cho ai, viết để làm gì thì người viết mới xác định được mình phải viết như thế nào. Dĩ nhiên không phải cứ nhận thức đúng đề bài là bài văn sẽ đúng. Nhưng khi đã nhận thức đề bài không đúng thì bài văn chắc chắn sẽ đi chệch mục tiêu. * Tóm lại, trước khi viết bài, giáo viên cần dạy học sinh thao tác phân tích đề. Đối với học sinh giỏi, thao tác này thường bị xem thường vì các em cho rằng xác định đề khiến em ấy mất thời gian. Thời gian khi đang thi thì quý thật, nhưng dùng thời gian quý giá ấy để làm việc xây nền tảng cho nhận thức của bài viết thì hoàn toàn không vô ích Để xác định đúng yêu cầu của đề bài, giáo viên yêu cầu học sinh trả lời ba câu hỏi sau: 1. Luận đề của bài viết là gì? 2. Sử dụng các thao tác lập luận nào? 3. Phạm vi dẫn chứng? Ví dụ: Đề văn: Bức tranh tuyệt vời Một họa sĩ suốt đời mơ ước vẽ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến hỏi vị giáo sĩ để biết được điều gì đẹp nhất. Vị giáo sĩ trả lời: “Điều đẹp nhất trần gian là niềm tin, vì niềm tin nâng cao giá trị con người”. Họa sĩ cũng đặt câu hỏi tương tự với cô gái và được trả lời: “Tình yêu là điều đẹp nhất trần gian, bởi tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào; mang đến nụ cười cho kẻ khóc than; làm cho điều bé nhỏ trở nên cao trọng, cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao nếu không có tình yêu”. Cuối cùng họa sĩ gặp một người lính mới từ trận mạc trở về. Được hỏi, người lính trả lời: “Hòa bình là cái đẹp nhất trần gian, ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp”. Và họa sĩ đã tự hỏi mình: “Làm sao tôi có thể cùng lúc vẽ niềm tin, hòa bình và tình yêu?” SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 2 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi ... Khi trở về nhà, ông nhận ra niềm tin trong ánh mắt của các con, tình yêu trong cái hôn của người vợ. Chính những điều đó làm tâm hồn ông tràn hạnh phúc và bình an. Họa sĩ đã hiểu thế nào là điều đẹp nhất trần gian. Sau khi hoàn thành tác phẩm, ông đặt tên cho nó là: “Gia đình” (Theo Phép nhiệm màu của đời, NXB Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 2004) Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì? Đề văn này người viết đã ra trong Kì thi học sinh giỏi Olympic toàn miền Nam (năm 2010). Khi chấm thi, giám khảo nhận thấy nhiều học sinh đã không xác định trúng yêu cầu đề. Các em bàn luận chung chung về niềm tin, tình yêu, hòa bình và gia đình. Tất nhiên, câu chuyện trên có tất cả các vấn đề đó, nhưng nội dung trọng tâm không thể dàn trải như vậy. Đáp án phân tích đề như sau: 1. Luận đề: Vai trò quan trọng của gia đình. Với gia đình, ta tìm thấy niềm tin, tình yêu, hòa bình. 2. Thao tác lập luận: giải thích ý nghĩa câu chuyện, phân tích vai trò của gia đình, bình luận nâng cao 3. Phạm vi tư liệu: đời sống và thơ ca (Mây và sóng, Bến quê) Yêu cầu 2: Xây dựng hệ thống luận điểm, luận cứ Để làm nên bài văn đúng thì việc phân tích chính xác đề bài dù là điều kiện cần nhưng chưa là điều kiện đủ. Phân tích đúng đề chỉ đem đến cho bài làm một định hướng, một chuẩn đích. Còn có đi theo được định hướng đó hay không còn phụ thuộc vào thực lực của người viết bài. Thực lực học sinh thể hiện ở hệ thống luận điểm, luận cứ được nêu trong bài. Muốn bài văn đúng thì các luận điểm, luận cứ không được phép sai. Làm thế nào để xác định được luận điểm và luận cứ xác đáng? Thứ nhất quan điểm của người viết phải phù hợp với chủ đề được đưa ra bàn luận. Thứ hai, người viết phải có căn cứ từ lẽ phải (sự thật hiển nhiên). Thứ ba người viết phải tổ chức luận điểm một cách rõ ràng, chặt chẽ sao cho những lời nói hợp với lẽ phải và sự thật đó tìm được lối đi vào trí tuệ và tâm hồn người đọc, để lay chuyển nhận thức của họ, thuyết phục họ nghe theo đường hướng và cách thức mà người viết đã vận dụng để giải quyết vấn đề. Ví dụ: Đề bài: Kết thúc “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”, Nguyễn Dữ viết: “Than ôi! Người ta thường nói cứng quáthì gãy. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?” Theo anh chị, Nguyễn Dữ muốn gửi gắm điều gì? Bằng thực tế cuộc sống, hãy bàn về nội dung câu văn ấy. Hệ thống luận điểm, luận cứ như sau: 1. Câu nói của tác giả là bài học về cách sống cứng rắn, can đảm, sẵn sàng bảo vệ và đi theo niềm tin đúng đắn của bản thân, không mềm yếu nhu nhược để cái xấu hoàn thành. SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 3 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi 2. Người cương trực thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, luôn giải quyết tận gốc vấn đề và đạt được kết quả tốt, làm việc có hiệu quả. DC: Hồ Chí Minh, Thomas Edison 3. Sợ “gãy” tức là mềm yếu nhút nhát, lo sợ rắc rối, vì vậy, việc làm không được giải quyết hoặc dở dang, không triệt để, để lại hậu quả xấu. DC: Vì không dám đụng đến con ông này, cháu nọ mà người thi hành pháp luật xử phạt không nghiêm minh, chắc chắn lần sau đối tượng sẽ tái phạm. 4. Người cứng thường có chính kiến riêng và sẵn sàng bảo vệ điều mình tin là đúng nên có sự ảnh hưởng đến cộng đồng, tập thể DC: Ga-li-lê 5. “Mềm” quá nên đứng không vững, luôn ở vị trí trung lập, không có tiếng nói nên dù không làm gì sai nhưng cũng không được coi trọng 6. Nguyễn Dữ nói “gãy hay không là việc của trời” nhưng có lẽ “gãy” là do hành động của con người. Cứng mà bảo thủ, không suy xét, không biết tự nhận ra khuyết điểm bản thân – cái gốc không chắc thì sẽ “gãy”. 7. Sống “cứng”, cương trực nhưng đôi khi phải “mềm” để tiếp thu cái mới, thay đổi tư tưởng lạc hậu để phù hợp với thời đại mới. Yêu cầu 3: Lựa chọn các thao tác lập luận Sự phối hợp các luận điểm, luận cứ để bài văn đạt mục đích nghị luận mà đề bài đã quy định và người viết đã đặt ra gọi là luận chứng hay lập luận. Trong một bài văn, công việc lập luận cần được tiến hành theo những bài bản, quy trình mà học sinh đã tích hợp học trong chương trình tập làm văn từ cấp trung học cơ sở. Chúng ta có nhiều lựa chọn: thao tác lập luận giải thích, thao tác lập luận chứng minh, thao tác lập luận phân tích, thao tác lập luận so sánh, thao tác lập luận bình luận, thao tác lập luận bác bỏ… Muốn bài văn đúng thì việc lựa chọn và vận dụng các thao tác lập luận không được sai lầm. Việc phân tích đề có thể giúp người viết tránh được sự lầm lẫn trong khâu lựa chọn. Chẳng hạn không thể dùng thao tác lập luận chứng minh làm thao tác chính khi yêu cầu đề văn là làm cho người đọc hiểu một vấn đề. Trong việc làm văn hiểu được mình phải vận dụng những thao tác lập luận nào vẫn là chưa đủ. Người tập làm văn còn phải khổ công rèn luyện để có thể thực hiện một cách thành thao từng thao tác, cũng như kết hợp được những thao tác đó với nhau. Có như thế mới mong đáp ứng được mục đích riêng của mỗi bài làm cụ thể. Và khi đó bài văn mới có hy vọng được coi là đúng đắn. Đề bài: Nhà văn Bùi Hiển đã phát biểu: “Ở nước nào cũng vậy thôi, sự cảm thông, chia sẻ giữa người đọc và người viết là trên hết” (Báo Văn nghệ, số ra ngày 10/2/2004) Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du để làm rõ tiếng lòng tri âm ấy. Đoạn văn giải thích của học sinh: Hai tiếng “tri âm” bắt đầu từ điển tích Bá Nha- Tử Kì. Bước ra cuộc sống, nó đã thoát khỏi nghĩa gốc hạn hẹp ban đầu để hòa nhập với cuộc đời mênh mông. SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 4 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi Đó không chỉ là thấu tỏ tiếng đàn nghĩ về núi cao hay tưởng về nước chảy mà là sự đồng cảm, thấu hiểu tâm tình của nhau, sự tâm đầu ý hợp tương giao giữa hai tâm hồn. Tri âm xuất phát từ nghệ thuật (âm nhạc) nên dĩ nhiên ý nghĩa đẹp nhất, thi vị nhất cũng dành cho nghệ thuật. Tri âm trong văn học là khúc nhạc đồng điệu réo rắt, hòa hợp giữa tâm hồn người đọc và người viết. Sợi dây đàn cảm xúc ngân rung, giao kết những tấc lòng đồng cảm, sẻ chia nỗi niềm, thấu hiểu tư tưởng, tâm huyết của người nghệ sĩ đang thao thức, trở trăn trên từng trang tác phẩm. Sự kì diệu của tri âm là ở chỗ nó giúp ta thấu hiểu những tầng bậc tâm tư, cảm xúc sâu xa, những cơn sóng ngầm dào dạt dưới lớp vỏ ngôn từ ít ỏi; thậm chí thấu rõ bao nỗi lòng thầm kín, những căn nguyên nguồn cội mà nhà văn như bất lực trước ngòi bút không thể giải bày. Và khi bản nhạc thăng hoa tuyệt đỉnh mang hai linh hồn độc giả và nghệ sĩ tương giao quyện hòa thì nó kết tinh đứa con tinh thần khác một tác phẩm văn chương chan chứa tất cả rung động mãnh liệt diệu kì thốt lên tiếng lòng tri kỉ vượt mọi không gian, thời gian. Sự giao thoa đồng điệu giữa hai tâm hồn đồng điệu trên cây cầu văn học không chỉ đơn thuần xuất phát từ việc đọc hiểu ngôn từ, hình tượng, thông điệp nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm. Nó còn chịu sự tác động của những yếu tố khách quan như hoàn cảnh lịch sử, quan niệm đạo đức xã hội, thị hiếu, nhân sinh quan,tình cảm, suy nghĩ, cảnh ngộ, trình độ nhận thức,nhạy cảm của chính mỗi cá nhân. Yêu cầu 4: Không mắc lỗi dùng từ, lỗi diễn đạt Những yêu cầu trên chỉ giúp giải quyết được phần ý của bài làm. Nếu chỉ có ý người ta chưa thể hoàn thành một bài văn. Bài văn sẽ không được coi là đúng nếu lời văn sai về ngữ pháp hoặc nội dung. Diễn đạt ý thành lời là cả một quá trình cực khổ. Thật không dễ gì để nói ra cho hết ý, và để những câu chữ không phản lại cái điều mình đang muốn nói ra. Với người đang tập làm văn, cách thức duy nhất để làm cho lời văn đạt yêu cầu là phải không tiếc công luyện tập để viết được những câu văn không mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chấm câu và làm rõ được những gì mình cần biểu lộ. Mặt khác phải làm bài sạch sẽ ngay ngắn, dễ đọc, không mắc lỗi chính tả, để qua đó giành được mối thiện cảm của những người chấm. II- MỘT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN HAY CÒN PHẢI THỂ HIỆN ĐƯỢC SỰ ĐỘC ĐÁO, HẤP DẪN, SÁNG TẠO Yêu cầu 1: Sử dụng kiến thức lí luận văn học Sự sáng tạo chỉ sinh ra khi con người đã nắm chắc những kiến thức cơ bản về công việc của mình. Kiến thức cơ bản đầu tiên và quan trọng nhất trong môn làm văn là hiểu được bản chất của văn học. 1. Văn học nhận thức, phản ánh đời sống con người. - Cũng như hội họa, ca nhạc, điêu khắc… văn học là một môn nghệ thuật. Đối tượng của văn học là con người - con người trong học tập, lao động, chiến đấu, con người trong tình yêu và những mối quan hệ xã hội khác, con người trong không gian thời gian với thiên nhiên, vũ trụ. Con người bao giờ cũng là nhân vật trung tâm của các tác phẩm, dù tả thiên nhiên hay nói về loài vật thì cũng chính là nói về SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 5 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi cuộc sống con người. Văn học không chỉ phản ánh đời sống con người mà còn phải nhận thức con người và đời sống con người, nói lên những ước mơ, khát vọng, những tâm tư, tình cảm của con người trong chiều sâu tâm hồn với sự đa dạng, phong phú. Nói cách khác, văn học nhận thức và phản ánh con người một cách tổng hợp, toàn vẹn trong mọi quan hệ đời sống đa dạng và phức tạp. Văn học nhận thức phản ánh con người theo quy luật cái đẹp nhằm thỏa mãn cho con người những tình cảm thẩm mĩ vô cùng phong phú, đa dạng. Trong tác phẩm văn học, dẫu có phản ánh người tốt, người xấu, cái tích cực, cái tiêu cực nhưng đều hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Văn học đích thực là khi văn học thể hiện được sự khám phá và sáng tạo, có những kiến giải hay và đẹp về con người và đời sống con người. => Khi viết văn, nhất là phân tích tác phẩm văn học, cần lưu ý mối quan hệ giữa văn và đời để có thể tìm ra những ý văn độc đáo. 2. Văn học là sự thể hiện tinh tế tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng, quan điểm và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn đối với con người và cuộc sống. - Mỗi trang văn, mỗi bài thơ (đích thực) dù nói về gì, đề tài gì rộng lớn hay bé nhỏ đều thể hiện lòng yêu, sự ghét của tác giả, thể hiện một quan điểm nhân sinh hoặc lên án cái ác, hoặc ca ngợi tình yêu, đưa tới sự hướng thiện, cái cao cả, cái đẹp của thiên nhiên và con người. Văn học mang tính khuynh hướng rõ rệt. Văn học là thế giới khách quan được phản ánh thông qua lăng kính chủ quan của người viết. Điểm khác nhau cơ bản giữa nghệ thuật và khoa học là các nhà khoa học không thể bộc lộ niềm vui hay nỗi buồn trong các định lí, khái niệm. Nghĩa là không thể hiện ý muốn chủ quan của người nghiên cứu. Ngược lại trong tác phẩm văn học, đằng sau bức tranh hiện thực đời sống được miêu tả, tái hiện, bao giờ cũng chứa đựng cái khát vọng thiết tha muốn thể hiện một tư tưởng, một quan niệm riêng của người sáng tác về chân lí đời sống. => Khi viết văn, người viết phải phát hiện cho được thế giới tâm tình của người nghệ sĩ. Từ đó, người viết mới có những kiến giải độc đáo. 3. Văn học nhận thức đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm bằng hình tượng nghệ thuật. - Văn thơ hàm chứa tư tưởng tình cảm. Nhưng văn chương không nói ý một cách khô khan. Văn chương đích thực là hoa quí nên mới có hương sắc. Văn chương thấm vào lòng người, bất tử với thời gian, không có biên giới bởi lẽ văn học nhận thức và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật. Tất cả các đối tượng của đời sống được tái hiện một cách sáng tạo trong tác phẩm văn học đều là hình tượng. Hình tượng nghệ thuật do nhiều yếu tố, chi tiết nghệ thuật hợp thành. Đọc tác phẩm văn học phải phát hiện ra và cảm nhận các chi tiết nghệ thuật, có thế mới khám phá được cái hay, cái đẹp của hình tượng nghệ thuật. Trong thơ văn, hình tượng nghệ thuật có thể là một bông hoa, một vầng trăng, một nàng Kiều, một Trương Phi – cũng có thể là một nét của tâm trạng, tình cảm như “Tương tư” của Nguyễn Bính, v.v… Tái hiện nghệ thuật không phải là sao chép nô lệ những hình tượng có thật, cũng không phải là liệt kê các chi tiết, sự việc của đời sống để minh họa cho một ý nghĩa trừu tượng nào đó. Hình tượng là kết tinh những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời, từng làm nhà văn day dứt trăn trở và thôi thúc họ phải nói to lên để chia sẻ với SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 6 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi người khác. Những ấn ưtợng ấy xuất hiện được là nhờ trí tưởng tượng của nghệ sĩ. Bằng trí tưởng tưởng và tài năng của mình, nhà văn nhào nặn các ấn tượng ấy, truyền cho chúng linh hồn và sức sống để chúng trở thành một hình tượng sinh động. Vậy, hình tượng là bức vẽ về con người, về cuộc đời, về thiên nhiên cụ thể được nhà văn sáng tạo nên qua liên tưởng, tưởng tượng để thể hiện tư tưởng, tình cảm và khái quát hiện thực một cách thẩm mĩ. => Khi viết văn, học sinh cần lưu ý đến hình tượng văn học, chính ở thế giới hình tượng phong phú sẽ giúp các em phát hiện ra cái độc đáo của tác phẩm. 4. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ Ngôn từ là chất liệu xây dựng hình tượng của văn học. Hình tượng văn học không giống với hình tượng âm nhạc, hội họa hay điêu khắc… Có sự khác nhau đó là do mỗi bộ môn nghệ thuật sử dụng một chất liệu riêng để xây dựng hình tượng. Hội họa dùng màu sắc, đường nét… âm nhạc diễn tả bằng âm thanh, tiết tấu… điêu khắc dùng chất liệu (kim loại, đá, gỗ...) tạo nên hình khối, đường nét v.v… Văn học lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng. Cho nên văn học là nghệ thuật ngôn từ. Mỗi tác phẩm văn học phải được gắn liền với một thứ ngôn ngữ và văn tự (gốc) nhất định. Ngôn ngữ, văn tự là công cụ của nhà văn. Nhà văn Nguyễn Tuân được ca ngợi là bậc thầy về ngôn ngữ. Văn của ông là tờ hoa, là trang hoa. Hồ Chí Minh viết văn làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ, bằng tiếng Pháp, bằng chữ Hán. Thật là kì tài. Chỉ tác phẩm nào dùng lời văn với mọi phương tiện biểu hiện của lời nói như nghĩa, vần, nhịp điệu, các biện pháp tu từ .. để tạo ra những hình tượng nghệ thuật mới gọi là văn học theo đúng ý nghĩa hiện đại của từ ấy. Nhà văn nhà thơ phải sử dụng ngôn từ và trau chuốt nó, tạo thành một thứ ngôn ngữ văn chương giàu có, sang trọng, đẹp đẽ. Ngôn ngữ văn học có những đặc điểm sau: - Tính hệ thống - Tính chính xác - Tính truyền cảm - Tính hình tượng - Tính hàm súc, đa nghĩa - Tính cá thể hoá => Khi viết văn, người viết không đựơc thoát ly khỏi văn bản ngôn từ. tất cả mọi sáng tạo sẽ trở nên suy diễn nếu không bám sát vào ngôn ngữ của tác phẩm. * Nói tóm lại, để có thể viết bài văn độc đáo có nét riêng, học sinh cần có những kiến thức nền tảng về lí luận văn học. Giáo viên cần cung cấp cho học sinh những nền tảng tảng kiến thức ấy, dạy học sinh cách ứng dụng hiệu quả. Ví dụ: Với đề văn: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Du qua bài thơ Độc Tiểu Thanh kí Một học sinh giỏi đã biết cách sử dụng kiến thức lí luận như sau: Nhà văn Pháp Antone Frana đã nói: Đọc một câu thơ hay nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn con người. Thật vậy, bao nhiêu tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ đã được chắt lọc vào từng vần thơ. Thế giới nghệ thuật của thơ là thế giới trữ tình – là lăng kính phản chiếu sinh động và chân thật tâm hồn người nghệ sĩ. Những gì sâu SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 7 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi kín khó nói, những góc khuất khó chạm nhất trong tâm hồn con người. Nguyễn Du đã viết lên những câu thơ từ đáy lòng thương người và thương mình: Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kì oan ngã tự cư Nguyễn Du đã xem mình là người đồng cảnh với Tiểu Thanh, và do đó cũng tự mang lấy vào mình nỗi đau đớn, thống khổ. Người tự buồn thương cỏ tự xanh, cái chất tâm hồn ấy của Nguyễn Du là thế, tiếng tơ lòng chỉ cần chạm khẽ là réo rắc ngân vang những thanh âm đồng cảm. Yêu cầu 2: Phát hiện những vấn đề ngược lại với đề bài Một bài văn độc đáo phải có ý tưởng sáng tạo, bùng nổ. Muốn vậy, người viết cần chú ý lật ngược lại những vấn đề, tư tưởng được đặt ra trong đề bài. Tất nhiên, cách lội ngược dòng tư tưởng này không dễ, nhất là phải lí giải sao cho hợp tình hợp lí, thuyết phục được người đọc. Ví dụ: Đề văn: : Lâm Ngữ Đường trong tác phẩm “Sống đẹp” có viết : “Mây được mặt trời chiếu vào rồi mới thành ráng, suối treo vào đá rồi mới thành thác. Cũng là vật đó mà gửi vào một cái khác thì có tên khác. Cho nên cái đạo bạn bè rất đáng quý” Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Từ đó hãy bàn luận về vai trò của tình bạn. * Ý nghĩa của câu nói: “Mây được mặt trời chiếu vào rồi mới thành ráng” được sự ảnh hưởng từ “mặt trời” “ mây” trở nên có có màu có sắc, mây tỏa ánh sáng, đẹp đẽ hơn so với đám mây trắng ban đầu. “Suối” treo vào đá rồi mới thành “thác”, khi suối chảy nương tựa vào đá, nước từ trên cao chảy xuống, nên sức nước của thác mạnh mẽ hơn khi nó chỉ là dòng suối ban đầu. Suối treo vào đá tạo ra âm thanh rộn ràng reo vui của tự nhiên. Nhờ có sự tác động của mặt trời và đá, mây suối được biến đổi thành những hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt hùng vĩ. “ Cũng là vật đó mà gửi vào một cái khác thì có tên khác” ý muốn nói rằng sự vật này ắt sẽ thay đổi nếu có ảnh hưởng từ sự vật khác. Quan điểm của Lâm Ngữ Đường là một quan điểm mang đậm sắc màu triết học , nhìn nhận xem xét mọi vật trong thế giới tự nhiên luôn có tác động qua lại lẫn nhau, luôn có mối quan hệ mật thiết chặt chẽ qua hình ảnh mây thành ráng nhờ mặt trời, suối thành thác nhờ đá, Lâm Ngữ Đường muốn đề cao tình bạn. Hình ảnh "mặt trời" , "đá" dùng để chỉ người bạn tốt, tình bạn đẹp. Cái đẹp là sự phối hợp hài hòa tôn tạo lẫn nhau, vạn vật trong tự nhiên có đẹp cũng là do chúng tựa vào nhau tôn cao nhau mà thành. “Cái đạo bạn bè “ cũng thế nếu biết hỗ trợ bổ trợ cho nhau thì sẽ làm cho nhau tốt đẹp hơn. Con người trong cuộc sống cần có mối quan hệ bạn bè để hoàn thiện bản thân mình, bạn bè tốt sẽ giúp ta sống đẹp và nâng cao giá trị bản thân. Từ việc khẳng định vai trò và ý nghĩa của tình bạn với mỗi con người, Lâm Ngữ Đường còn đưa ra lời nhắc nhở về thái độ của cá nhân với tình bạn: “cái đạo bạn bè rất đáng quý”. * Phần phản đề: SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 8 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi Tình trạng chọn bạn thật khó vì mang nhiều màu sắc vị lợi. Phải chăng “mây” chỉ nên chơi với "mặt trời", “suối” chỉ nên chơi với "đá"? Chúng ta chỉ nên chơi với những người bạn nào khiến cho ta tốt hơn, có lợi hơn? Không thể như vậy, bởi tình bạn chỉ thật sự đẹp khi nó xây dựng trên thái độ vô vị lợi. Đề: Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói: “Đời người như một bài thơ, giá trị của nó không phụ thuộc vào số câu mà tùy thuộc vào nội dung” (Sênêa-Những vòng tay âu yếm) * Ý nghĩa câu nói: Giá trị của cuộc đời con người không phụ thuộc vào tuổi tác thời gian sống ở đời mà phụ thuộc vào cách sống, hành động, suy nghĩ. * Phần phản đề: Thời gian sống không làm nên giá trị con người. Nhưng con người không được xem thường thời gian, bởi chính trong thời gian, nhờ thời gian, con người mới có thể thực hiện được những điều lớn lao, ý nghĩa. Yêu cầu 3: Diễn đạt hay Một bài văn hay là bài văn có những lời hay. Đó là vai trò quan trọng của diễn đạt. Những bài văn có hành văn tốt, sẽ đem lại cho người chấm cảm giác như ăn một món ngon. Tất nhiên, không thể câu văn nào cũng buộc học sinh phải viết hay. Trong một bài viết của học sinh giỏi, đôi khi chỉ cần 1-2 câu văn diễn đạt xuất sắc đã là đủ. Giáo viên cần chú ý trong những giờ trả bài viết, rèn luyện cho học sinh cách diễn đạt hay. Câu văn nào các em viết tốt, cần đọc lên phân tích cho cả lớp thấy cái hay để các em học tập. Câu nào chưa hay thì chữa cho thành hay. Do khuôn khổ sáng kiến kinh nghiệm, người viết chưa có dịp bàn sau về vấn đề này. Chúng tôi sẽ trở lại bàn kĩ hơn trong một chuyên đề khác. Sau đây là một vài bí quyết diễn đạt hay. 1. Lựa chọn từ ngữ chính xác, linh hoạt 2. Viết câu linh hoạt 3. Văn giàu hình ảnh 4. Biết dùng phương pháp so sánh văn học 5. Lập luận như một cuộc đối thoại 6. Biết dùng dẫn chứng và trình bày dẫn chứng 7. Có giọng văn biểu cảm * Một vài ví dụ về diễn đạt hay: Đề: Viết bài văn nghị luận xã hội với chủ đề: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ trước hết là để cảm nhận được vẻ đẹp của cuôc sống bình dị quanh mình. Đó là cái cây trong sân trường, là con đường trước mặt, là bà lão bán chè trôi nước cứ mỗi chiều chiều lại đẩy xe đi qua ngõ nhà mình. Những điều ấy quen thuộc lắm, bình thường lắm đến mức tầm thường. Hằng ngày ta nhìn thấy biết bao nhiêu điều như thế. Khoan, đúng là ta có nhìn, nhưng có chắc là ta đã thấy không? Ngày nào ta cũng đi ngang dưới những hàng cây, nhưng có SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 9 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi bao giờ ta nhận ra chúng đang vươn mình lớn lên từng giờ, từng phút? Ta có nghe tiếng gió đùa cành, tiếng chim lảnh lót, có ngửi thấy hương thơm tươi mới, trong lành, thanh khiết của buổi sớm mai? Và ta có biết tên của bác lao công sáng sáng cần mẫn quét lá? Không, phần lớn thời gian, ta chỉ lẳng lặng vội vã bước đi cho kịp việc làm việc học. Phải chăng do nhịp sống tất bật không cho phép ta dừng ại? Hay do cả cái hời hợt, chủ quan, tự bằng lòng với cái nhìn thị giác sơ sài của chính mình? Lâu dần thành thói quen, ta tự cho phép mình bỏ qua một phần cuộc sống, và do đó cũng không bao giờ hiểu được hết giá trị, ý nghĩa của cuộc sống ấy-vốn nằm trong những điều bình dị. Vậy tại sao không thử một lần vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ? Nhắm mắt lại cho mọi giác quan khác trở nên bén nhạy, từ bỏ thói quen cũ và mở cửa cho cuộc sống ùa vào theo một cách rất riêng. “Bạn chợt hiểu khu vườn đang nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn biết tiếng bước chân đó là ai, bố hay mẹ….Những bông hoa thơm hơn, và khi nhắm mắt, bạn vẫn nhìn thấy nó. Không chỉ vậy, bạn còn thấy nguyên cả khu vườn. Bạn có thể nhìn thấy bông hồng ngay trong đêm tối.” (Trích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nguyễn Ngọc Thuần). Vậy đấy, nhắm mắt lại, ta cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống này trong từng hương vị, cảm giác, thanh âm…Ta nghe thấy cả tiếng trở mình rất khẽ của vạn vật: “Thêm một chiếc lá rụng Thế là thành mùa thu Thêm một tiếng chim gù Thành ban mai tinh khiết” (Thêm một, Trần Hòa Bình) Ngắm nhìn mây trắng, lắng nghe giọng cười trong trẻo của đám trẻ trong công viên, nếm thử hương vị ngọt lành của giọt sương rơi trên đầu lưỡi,…ta bỗng thấy cuộc sống này bỗng trở nên tươi đẹp hơn, đáng sống hơn rất nhiều. Đề: Bàn về vai trò của ước mơ Ước mơ là sức sống của tâm hồn, là điểm tựa của niềm tin. Bạn có nhớ một trò chơi quen thuộc thuở bé-trò đu quay? Trò chơi rất bình thường ấy hóa ra lại là một kinh nghiệm thú vị cho tất cả chúng ta khi trưởng thành: giữ chặt tay cầm và bắt đầu xoay. Dòng đời vẫn đang cuốn xóay quanh chúng ta. Nếu bạn cảm thấy choáng váng, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ. Hãy tìm một điểm tựa để giữ thăng bằng và bắt đầu xoay. Không ai đủ mạnh để đứng một mình. Bạn cần đứng vững vì ít nhất một điều gì đó, nếu không bạn sẽ ngã vì bất cứ điều gì. Hãy đứng vững bằng những ước mơ, nó sẽ trở thành nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao cho bạn. Chính ước mơ chiến thắng bản thân đã giúp Lans Amstrong lập kỉ lục bảy lần vô địch Tour de France mặc dù mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Và chính ước mơ bảo vệ vinh quang cho điền kinh Việt Nam trong Seagames 26, cô gái vàng Nguyễn Thị Phương với nỗ lực phi thường đã vươn tay chạm vào đích cho dù đã gục ngã vì kiệt sức khi chỉ còn cách đích 2m. Mọi người đều đã nghĩ nữ vận động viên Việt Nam đã không thể đứng lên được nữa. Nhưng tất cả đều phải bất ngờ trước sức mạnh diệu kì của ước mơ. SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 10 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi (…) Có một người đặt ước mơ của họ vào cái hộp và nói: “Tôi có ước mơ, đương nhiên tôi có ước mơ” .Và sau đó họ mang cái hộp cất đi và thỉnh thỏang lại mở ra ngắm nhìn. Ước mơ vẫn còn đấy nhưng chưa bao giờ được lôi ra khỏi hộp. Ước mơ mà không được thực hiện cũng như sống mà không có ước mơ. Tất cả chúng ta đều phải hành động để biến ước mơ thành hiện thực và quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Sẽ có lúc ước mơ bị che mờ, bị vùi dập trong những thử thách của cuộc sống khiến bạn không còn muốn nghĩ về nó nữa. Nhưng bạn đừng bao giờ từ bỏ nó, vì đó chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống, là điều cần thiết tạo nên sức mạnh của bạn. (…)Thế nhưng, tiếc thay, có những con người sống trong sung sướng đủ đầy nên cho phép mình sống mà cần mơ ước, luôn bằng lòng với những gì mình đang có, sống chấp nhận và không bao giờ tiến lên phía truớc. Cuộc đời họ bị trói chặt với những tảng đá bi quan, với những nỗi buồn khổ vô tận dù đầy đủ về mặt vật chất. “Khi túi tiền phình ra thì trái tim teo lại” (Ban-zac). Sống không ước mơ như cây không có nước, con người sẽ khô héo bởi chính sự ích kỉ của mình. Cuộc sống bận rộn, con người tất bật đi trên nhiều ngã rẽ, họ dần quên đi những ước mơ của mình để sống thực tế hơn, máy móc hơn, cỗi cằn hơn. Hãy là những “Peter Pan người lớn” để luôn có những ước mơ làm điểm tựa mạnh mẽ, yêu cuộc sống hơn và biết cố gằng từng ngày. SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 11 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi KẾT LUẬN Giúp học sinh viết bài văn hay là một sáng kiến kinh nghiệm mang tính cá nhân, thông qua quá trình thực hiện tại các lớp chuyên văn. Về mặt nào đó, bài viết chưa đầy đủ. Tuy nhiên, đây là những kinh nghiệm nhỏ đã có được ít nhiều kết quả. Các thầy cô có thể từng bước thực hiện tại môi trường giáo dục phù hợp. Và tất yếu để đạt được kết quả phải trải qua thời gian rèn luyện. Bởi theo chúng tôi quan niệm: Dạy văn là mưa lâu thấm đất. Người thực hiện Ngô Đình Vân Nhi SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 12 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hòa - Đồng Nai GV: Ngô Đình Vân Nhi TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn (Đỗ Ngọc Thống, NXB GD, H, 2011). 2. Văn – bồi dưỡng học sinh giỏi (Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, NXB GD, H, 2001). 3. Lý luận văn học (Phương Lựu chủ biên, NXB GD, H, 1997). 4. 18 chuyên đề văn phổ thông trung học (Nguyễn Thị Hòa, NXB ĐHQG, Tp.HCM, 1999) 5. Tạp chí văn học và tuổi trẻ (số tháng 7+8+9, NXB GD, 2011) SKKN: Giúp học sinh viết bài văn hay 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan