Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Sáng kiến kinh nghiệm Skkn đặc điểm cơ bản của một số thể thơ trong chương trình ngữ văn 7...

Tài liệu Skkn đặc điểm cơ bản của một số thể thơ trong chương trình ngữ văn 7

.PDF
7
268
62

Mô tả:

PHÒNG GD&ĐT HÒA BÌNH TRƯỜNG THCS VĨNH THỊNH ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA MỘT SỐ THỂ THƠ TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 7 Người viết: Nguyễn Thị Phượng Vĩ Chức vụ: Giáo viên Vĩnh Thịnh, ngày 13 tháng 01 năm 2014 ĐẶT VẤN ĐỀ Trong các tác phẩm văn học, hình thức là phương tiện mà người viết dùng để thể hiện nội dung tư tưởng. Để tác phẩm của mình hay, hấp dẫn, dễ đi vào lòng người, tác giả đã sử dụng rất nhiều nghệ thuật ngôn từ. Đối với tác phẩm thơ, một trong những cách chuyển tải tư tưởng, tình cảm của nhà thơ là lựa chọn thể thơ phù hợp với nhu cầu sáng tác của mình. Chương trình Ngữ văn 7 có nhiều tác phẩm thơ bất hủ, lại mang sắc thái cổ. Sẽ là một thiếu sót nếu trong quá trình hướng dẫn học sinh tìm hiểu tác phẩm thơ mà giáo viên không quan tâm đến việc giúp các em nắm được đặc điểm của thể thơ. Có nhiều người cho rằng việc trang bị kĩ cho học sinh lớp 7 kiến thức về thể thơ là tương đối sớm, chỉ nên cho học sinh nhận dạng thể thơ thông qua việc nhận biết số câu số chữ là đủ. Nhưng theo tôi như vậy là chưa đủ. Đọc và cảm thụ thơ ca không phải chỉ có đọc để nắm được tư tưởng tình cảm được nhân vật trữ tình gửi gắm trong đó mà còn cảm thụ được vẻ đẹp về ngôn từ, nhận ra được cái hay trong cách gieo vần, cái độc đáo trong cách đối câu…Tất cả sẽ dễ dàng hơn nếu người đọc có những kiến thức cơ bản về thể thơ. Hơn nữa, năng lực cảm thụ văn chương của học sinh không phải chỉ đến tuổi trưởng thành mới bắt đầu luyện tập mà nó phải được hình thành ngay từ bây giờ. Đặc điểm của các thể thơ đã được nhiều tài liệu nhắc đến nhưng chúng còn tảng mạn, mông lung khó hiểu. Một số tài liệu thì quá tinh gọn, chưa đầy đủ những đặc điểm cơ bản của các thể thơ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của việc phân tích tác phẩm thơ, nhất là các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7. Vì thế, tôi quyết định trình bày vấn đề này nhằm trao đổi với đồng nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả dạy và học tác phẩm thơ. Trong chuyên đề này, tôi sẽ nêu lên tầm quan trọng của việc tìm hiểu thể thơ khi phân tích tác phẩm thơ. Đồng thời, tôi cũng nêu lên những đặc điểm cơ bản của các thể thơ trong chương trình Ngữ văn 7 như thể thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú,… mà theo tôi người giáo viên cần phải trang bị cho mình và cung cấp thêm cho học sinh. NỘI DUNG I. Thực trạng của việc nhận diện thể thơ trong dạy học các tác phẩm thơ ở Trường THCS Vĩnh Thịnh. Việc nhận diện thể thơ thường được người biên soạn SGK yêu cầu thông qua một số câu hỏi ở phần Đọc- Hiểu văn bản. Song một số giáo viên chỉ thực hiện chiếu lệ chứ chưa thực sự đi sâu vào phân tích đặc điểm của các thể thơ với nhiều lí do. Một phần là do hiểu biết của giáo viên về thể thơ còn hạn chế. Phần lớn thời lượng của tiết dạy chi phối, không cho phép giáo viên đi sâu hơn nội dung mà đa số giáo viên cho là ít quan trọng. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành năng lực cảm thụ thơ ca của học sinh, làm cho quá trình đó thiếu tính toàn diện. II. Tầm quan trọng của việc tìm hiểu thể thơ. Như tôi đã nói trên, một trong những cách chuyển tải tư tưởng, tình cảm của nhà thơ là lựa chọn thể thơ phù hợp với nhu cầu sáng tác của mình. Để thể hiện tình cảm chứa chan thắm thiết, nhiều nhà thơ đã lựa chọn cho tác phẩm của mình thể thơ lục bát- một thể thơ mang âm hưởng của lời ca tiếng hát, uyển chuyển, mềm mại, dễ đọc, dễ nhớ. Hoặc để thể hiện tâm trạng đau buồn, mong nhớ thì lựa chọn tối ưu của người viết chính là thể thơ song thất lục bát…. Như vậy, người đọc nắm được đặc điểm của thể thơ thì phần nào cũng đã nhận ra được tư tưởng tình cảm mà tác giả đã gửi gắm vào đó. Bên cạnh đó, các yếu tố vần, niêm, luật, đối... trong từng thể thơ cũng góp phần quan trọng trong việc tạo ra âm hưởng của bài thơ. Nếu nắm chắc các yếu tố này thì việc hướng dẫn phân tích và tìm hiểu văn bản thơ sẽ được dễ dàng hơn. III. Đặc điểm cơ bản của một số thể thơ trong chương trình Ngữ văn 7. 1. Thể thơ lục bát. Lục bát là thể thơ cổ truyền của người Việt từ lâu đã ăn sâu bắt rễ trong nhân dân. Nó đã có sẵn trong kho tàng ca dao, tục ngữ truyền từ bao đời nay, đặc biệt ấn tượng trong lời ru của bà, của mẹ. Gọi là thơ lục bát vì trong bài thơ có hai cặp câu: trên sáu (lục), dưới tám (bát) song hành liên tiếp với nhau cho đến khi diễn tả trọn vẹn thì dừng. Ví dụ: Thân em như trái bần trôi Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu. ( Ca dao) Thông thường bài thơ lục bát dừng ở câu bát. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ tùy theo cảm xúc và quyết định của tác giả. Một bài thơ, một câu thơ đi vào lòng người ngoài nội dung truyền tải phải là một khúc ca. Lục bát có đầy đủ thuộc tính đó vì vần và nhịp điệu của lục bát rất uyển chuyển, dễ thuộc: a. Vần của thơ lục bát: Vần là những từ cùng âm điệu tạo nhịp cầu nối liền về âm luật cho người đọc dễ nhớ, dễ thuộc. Thơ lục bát chủ yếu gieo vần bằng. Vần của cả câu lục và câu bát đều là thanh bằng. Chữ thứ sáu của câu lục vần với chữ thứ sáu của câu bát, chữ thứ tám của câu bát vần với chữ thứ sáu của câu lục tiếp theo. Ví dụ: Anh đi anh nhớ quê nhà Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao. (Ca dao) b. Luật bằng trắc: Đây là phần rất quan trọng tạo nên nhịp điệu và tiết tấu của thơ nói chung trong đó có thơ lục bát. - Thanh bằng: gồm thanh ngang (không dấu), thanh huyền- viết tắt là B. - Thanh trắc: gồm các thanh sắc, nặng, hỏi, ngã- viết tắt là T. - Vần viết tắt là V. - Luật bằng trắc: + Câu lục: B B T T B B (V) + Câu bát: B B T T B B (V) T B (V) Tuy luật bằng trắc đã quy định như trên, nhưng những chữ thứ 1, 3, 5, 7 không bắt buộc theo luật bằng trắc. Còn các chữ thứ 2, 4, 6, 8 bắt buộc phải đúng theo luật. Trong câu bát , nếu tiếng thứ sáu là thanh ngang (bổng) thì tiếng thứ tám phải là thanh huyền (trầm) và ngược lại. Anh em nào phải người xa B B B T B BV Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân (Ca dao) B B T T T BV B BV Ví dụ: c. Nhịp điệu: Trong thơ lục bát việc ngắt nhịp không cố định. Có khi là nhịp 2, nhịp 3, nhịp 4, nhịp 5, xen kẽ nhau theo giai điệu. Thể thơ lục bát cơ bản là thể thơ chỉnh chu với những quy định rõ ràng về vần nhịp, về số tiếng mỗi dòng thơ, về chức năng đảm trách của mỗi câu trong thể. Tuy vậy cũng có lúc câu lục tràn sang câu bát, câu lục và câu bát dài quá khổ, có khi xê dịch phối thanh, hiệp vần... đó là dạng lục bát biến thể. Sự biến đổi đó là do nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phong phú, đa dạng phá vỡ khuôn hình 6-8 thông thường. Tuy nhiên dù phá khuôn hình, âm luật, cách gieo vần của thể thơ lục bát cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là dấu hiệu đặc trưng cho ta nhận biết nó vẫn là thể lục bát. 2. Thể thơ song thất lục bát. Ngoài thể thơ bảy chữ, thơ lục bát thì thể thơ song thất lục bát là một thể thơ đặc biệt của dân tộc, thơ song thất lục bát ra đời trên cơ sở kết hợp từ thể thơ lục bát và thể thơ bảy chữ vốn có trong thơ ca dân gian. Như vậy, có thể nói rằng thể thơ song thất lục bát ra đời muộn hơn thể thơ lục bát trên cơ sở kế thừa những nét tinh hoa đặc trưng của thể loại này và nét độc đáo của thơ ca dân gian. Thể thơ này thường lặp đi lặp lại, cuộn trào như ngọn sóng phù hợp cho việc diễn tả tâm trạng buồn đau của nhân vật trữ tình. Thể song thất và lục bát kết kết hợp nhau làm cho tình cảm vốn đa chiều, phức tạp được thể hiện có hiệu quả rõ rệt với cách nói đa giọng, nhiều cung bậc và gam màu. Chính những đặc trưng của thể thơ góp phần thể hiện nội dung của bài ca dao được sâu sắc và diễn đạt nhiều cung bậc cảm xúc của chủ thể trữ tình. Dựa vào kết cấu của bài thơ mà tên gọi song thất lục bát được hình thành. Song thất lục bát là thể thơ cứ hai dòng bảy chữ (song thất) thì có một dòng sáu chữ và một dòng tám chữ (lục bát), kết cấu thành từng khổ mỗi khổ có bốn câu, cũng như thể thơ lục bát và một vài thể thơ khác thì trong thể thơ song thất lục bát không hạn chế về dung lượng câu trong một tác phẩm. a. Cách hiệp vần. Cách hiệp vần trong thơ song thất lục bát tương đối khó hơn các thể thơ khác, chữ cuối của dòng bảy thứ nhất hiệp vần với chữ thứ năm của dòng bảy thứ hai (đều là thanh trắc). Chữ thứ bảy của dòng bảy thứ hai hiệp vần với chữ thứ sáu của dòng lục tiếp theo (đều thuộc thanh bằng). Chữ thứ sáu của dòng lục hiệp vần với chữ thứ sáu của dòng bát (đều thuộc thanh bằng). Ví dụ: Cùng trông mà lại cùng chẳng thấy Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu Ngàn dâu xanh ngắt một màu Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? Chữ cuối của câu tám vần với chữ thứ năm của câu bảy tiếp theo(đều thuộc thanh bằng). Tuy nhiên, chữ cuối của câu tám vần với chữ thứ ba của câu bảy tiếp theo, biến đổi âm trong vần chữ này đổi sang vần bằng do đó chữ thứ ba trong câu thứ bảy trên có thể trắc hay bằng. Câu thơ song thất lục bát cũng có thể giản rộng ra bằng cách thêm vào một số chữ. Lúc đó ta có song thất lục bát biến thể, nghĩa là không theo đúng quy luật của nó nữa. Một bài thơ song thất lục bát nếu được mở đầu bằng một cặp lục bát rồi mới đến hai câu thất thì ta gọi đó là lục bát gián cách. b. Nhịp thơ. Hai câu thất thường dùng nhịp 3/4 và hai câu lục bát thường sử dụng nhịp đôi 2/2. Đôi khi kết cấu nhịp lại thay đổi, sự thay đổi này gắn liền với tâm trạng. c. Về đối. Một trong những đặc điểm nghệ thuật cần nhắc đến khi nghiên cứu về thể thơ song thất lục bát chính là đối (các chi tiết đối phải cân với nhau về nhiều bình diện). Một số kiểu đối được sử dụng như: - Bình đối: Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại > < Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang - Tiểu đối: Hình khe > < thế núi/ gần > < xa - Đối ngữ đoạn: Xông pha, gió bãi > < trăng ngàn d. Phối thanh: Chữ thứ năm và chữ thứ bảy của dòng thất đầu tiên là bằng và trắc, dòng thất ở dưới thì ngược lại. Thanh bằng trắc trong câu sáu- tám giống như trong thơ lục bát. 3. Thất ngôn bát cú. Thể thất ngôn bát cú là thơ Đường chuẩn luật, gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Sau đây là một số điểm khái quát về bố cục và luật lệ căn bản của thể thơ này: a. Bố cục: - Đề gồm: + Câu phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề. + Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống. - Thực gồm câu 3 và câu 4: giải thích, khai triển tựa đề. - Luận gồm câu 5 và câu 5: bàn luận ý nghĩa của bài. - Kết gồm câu 7 và câu 8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm và thái độ. b. Luật lệ căn bản: * Vần: Trong thơ thất ngôn bát cú chỉ gieo một vần, gọi là độc vận rơi vào năm chữ cuối của năm câu: 1, 2, 4, 6, 8 thường là vần bằng, ít khi dùng vần trắc, 5 chữ này tránh trùng lặp nhau, phải hiệp vần cho đúng nêu sai gọi là lạc vận, gieo vần không sát gọi là gượng ép. Vần có vần chân và vần lưng. Ví dụ: Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà, Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. Lom khom dưới núi, tiều vài chú, Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia. Dừng chân đứng lại, trời non nước, Một mảnh tình riêng, ta với ta. (Qua đèo Ngang) * Đối: Là phép đặt hai câu thơ đối nhau gồm có: - Đối chữ: bằng đối trắc, trắc đối bằng, danh từ đối danh từ, động từ đối động từ... - Đối ý: Ví dụ cảnh dưới núi đối với cảnh bên sông, cảnh động đối với cảnh tĩnh nhứ trong hai câu: Lom khom dưới núi, tiều vài chú, Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. (Qua đèo Ngang) Trong thể thơ này , hai câu thực phải đối nhau, hai câu luận phải đối nhau. * Luật: Các tiếng 1, 3, 5 không ràng buộc phải theo luật bằng trắc. Tiếng thứ 2 và 6 phải là vần bằng, tiếng thứ 4 phải là vần trắc hay ngược lại. Ví dụ: Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà, T T B B T T B Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. T B B T T B B * Niêm: Nghĩa là dán lại cho dính. Phép niêm trong thơ là quy tắc sắp xếp các câu thơ trong bài dính lại với nhau về âm điệu , hay nói cách khác niêm là sự liên lạc về âm luật giữa hai câu thơ với nhau. Trong bài Đường luật, câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 niêm với nhau. Hai chữ thứ hai phải cùng một thanh. Ví dụ: Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà, T Cỏ cây chen đá, lá chen hoa. B Lom khom dưới núi, tiều vài chú, B Lác đác bên sông, chợ mấy nhà. T Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc, T Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia. B Dừng chân đứng lại, trời non nước, B Một mảnh tình riêng, ta với ta. T 4. Các thể thơ khác. a. Cổ phong (hay cổ thể): Là một thể thơ cổ có từ nhiều thời đại trước đời nhà Đường. Về sau trở thành tên gọi chung cho tất cả thơ ngũ ngôn, thất ngôn mà không theo luật, không theo niêm luật, không hạn chế số câu, chữ như thơ Đường luật. Thơ Cổ phong có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có luật bằng trắc xen nhau cho dễ đọc. b. Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Thất ngôn tứ tuyệt thực chất là một bài thất ngôn bát cú đem bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối. Luật bằng trắc và niêm, vần... vẫn giữ nguyên, có thể bỏ luật đối ở hai câu 3, 4 hoặc 5, 6. c. Ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật. Ngũ ngôn tứ tuyệt thực chất là bài thất ngôn tứ tuyệt đem bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu; các chữ còn lại vẫn giữ nguyên luật bằng trắc, niêm và vần. IV. Kết quả đạt được. Trong thời gian dạy Ngữ văn 7, tôi đã vận dụng những kiến thức trên vào việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản thơ . Qua đó, nhiều học sinh đã nắm được một số kiến thức cơ bản về các thể thơ, bước đầu vận dụng nhận diện thể thơ, xác định vần, luật bằng trắc, phép đối trong thơ Đường luật... Các em đã hạn chế tình trạng cảm thụ tác phẩm thơ một cách phiến diện mà đã từng bước tiếp thu thơ ca thông qua những giá trị nghệ thuật của nó. Tuy các em chưa vận dụng được một cách thành thạo nhưng tôi tin rằng đây là một sự trang bị cần thiết cho quá trình hình thành năng lực cảm thụ thơ ca của các em. KẾT LUẬN Kiến thức là vô tận. Con người phải thường xuyên học tập để tự hoàn thiện bản thân. Xã hội đã giao cho thầy cô giáo sứ mệnh trồng người thì mỗi giáo viên cũng phải thường xuyên trau dồi tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn. Có như vậy chúng ta mới hoàn thành được trọng trách của mình. Kiến thức về các thể thơ rất nhiều và phức tạp. Trên đây tôi chỉ chọn lọc và nêu ra các vấn đề mà theo tôi đó là cơ bản nhất. Trong quá trình thực hiện chuyên đề này tôi cũng đã tham khảo một số tài liệu có liên quan. Nó có thể đáp ứng được nhu cầu dạy và học các tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 7. Và tôi hi vọng là nó sẽ giúp ích cho các đồng nghiệp. Nếu có vấn đề nào tôi chưa nêu hoặc nêu chưa đúng rất mong quý đồng nghiệp đóng góp ý kiến để chuyên đề này ngày càng hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn! Vĩnh Thịnh, ngày 13 tháng 01 năm 2014 Người viết Nguyễn Thị Phượng Vĩ
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng