Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Rèn luyện kĩ năng nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (bồi ...

Tài liệu Rèn luyện kĩ năng nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (bồi dưỡng học sinh giỏi ngữ văn thpt)

.DOC
24
2031
98

Mô tả:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH BÌNH ----------------*****---------------- CHUYÊN ĐỀ RÈN LUYỆN KĨ NĂNG NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC Người thực hiện: Tạ Anh Ngọc Đơn vị: Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy Ninh Bình, tháng 7 năm 2015 RÈN LUYỆN KĨ NĂNG NGHỊ LUẬN VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 0 1.1. Trong dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT, đặc biệt là giảng dạy môn chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi, ngoài việc trang bị kiến thức thì việc rèn kĩ năng nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả của công tác giảng dạy. Việc hình thành và rèn luyện kỹ năng nghị luận cho học sinh là phương pháp giúp học sinh có khả năng vận dụng tri thức, hiểu biết về các vấn đề của văn học và đời sống vào giải quyết các yêu cầu thực tế của các dạng đề nghị luận. Công việc này cả ba phân môn cùng đảm nhận, trong đó Làm văn giữ vai trò chủ đạo. Phân môn này giúp học sinh hình thành một hệ thống kỹ năng đảm bảo cho quá trình tạo lập văn bản có hiệu quả, từ kỹ năng phân tích tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý cho đến lập luận… Trên cơ sở những kỹ năng cơ bản đó, đối với yêu cầu của mỗi dạng nghị luận, học sinh cần được hình thành những kỹ năng riêng trong đó có tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. 1.2. Nhìn vào hệ thống chương trình Ngữ văn THPT, chúng ta thấy nghị luận xã hội có ba dạng chủ yếu: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; Nghị luận về một hiện tượng đời sống; Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Trong đó, dạng thứ ba dành cho chương trình nâng cao và thường gặp trong một số đề thi học sinh giỏi. Đây là dạng đề mới và khó nhưng cũng đem lại nhiều hứng thú cho thầy và trò trong nội dung dạy học Làm văn. Dạng đề này nhằm rèn luyện đồng thời năng lực đọc- hiểu văn bản văn học và năng lực làm văn nghị luận; kết hợp kiểm tra được cả kiến thức văn học, kiến thức xã hội và khả năng nghị luận của người viết. Chính vì thế, quan tâm đến những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả rèn luyện kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học là vô cùng cần thiết. 1.3. Trước đây, việc dạy học tác phẩm văn học chủ yếu hướng tới mục tiêu giúp học sinh hiểu và cảm nhận được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật đặc sắc, mà nhiều khi chưa chú ý nhiều đến ý nghĩa xã hội, tính thời sự của tác phẩm. Hiện nay, việc tiếp nhận các tác phẩm văn học không chỉ định hướng người học cảm nhận, thưởng thức cái hay, cái đẹp mang giá trị thẩm mĩ mà còn phải thấy được ý nghĩa xã hội, tính thời sự trong đó. Kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học là một dạng nghị luận xã hội có tính tích hợp, gắn chặt mối quan hệ giữa dạy 1 đọc- hiểu văn bản văn học với thực tế cuộc sống, giúp học sinh biết liên hệ, quan tâm đến các vấn đề xã hội đang diễn ra, khơi dậy khả năng sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ… Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn của việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay. Qua quá trình dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn, chúng tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện kĩ năng nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cũng như hiệu quả mà nó mang lại trong việc hình thành và nâng cao kĩ năng nghị luận cũng như tạo cho học sinh thói quen tư duy, quan tâm đến các vấn đề xã hội, vận dụng tri thức vào giải quyết các tình huống trong đời sống, có lập trường chính kiến, chủ động, độc lập trong suy nghĩ, bộc lộ quan điểm... Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này và xin chia sẻ cùng bạn bè, đồng nghiệp một số giải pháp mà chúng tôi đã vận dụng, coi đó là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn giảng dạy với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của việc giảng dạy môn Ngữ văn ở trường chuyên. 2. Mục đích của đề tài - Trong chuyên đề này, chúng tôi tập trung vào vấn đề rèn kĩ năng nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, đưa ra các giải pháp, cách làm để rèn kĩ năng viết văn nghị luận nói chung cho học sinh, đồng thời trang bị cho các em kĩ năng phân tích đề, tìm ý, xây dựng hệ thống ý, lập luận để có thể tạo lập tốt văn bản nghị luận đáp ứng yêu cầu cụ thể của dạng đề này. - Viết về vấn đề này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ, học hỏi cách làm, kinh nghiệm cùng các đồng nghiệp để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy môn Ngữ văn đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện nay. - Để thực hiện được mục tiêu đề ra, chúng tôi vận dụng một số phương pháp nghiên cứu khoa học như khái quát, so sánh, thống kê, phân tích, từ những vấn đề lí thuyết đi vào vận dụng thực hành qua một số dạng đề cụ thể. B. PHẦN NỘI DUNG 1. Khái lược về văn nghị luận Tạo lập một văn bản nghị luận là công việc mà học sinh thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình học tập ở nhà trường. Vì thế, việc trang bị cho các em 2 những tri thức cơ bản về đặc điểm của văn bản này là cần thiết. Văn nghị luận trong bảng phân loại văn, thuộc một loại hình lớn, một kiểu văn bản phân biệt với văn tự sự, văn trữ tình và văn thuyết minh, có vai trò to lớn và rất phổ biến trong đời sống. Xét về phương thức biểu đạt, văn nghị luận là văn thuyết lí, biện luận, giàu tính chất lí trí. Nó vận dụng các phương thức logic như phán đoán, suy lí để xây dựng các tư tưởng, quan niệm, khái niệm, nâng cao năng lực nhận thức lí tính cho con người. Văn nghị luận là thể loại văn viết về những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hoá, triết học…Mục đích của văn nghị luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, quan điểm nào đó … đặc trưng cơ bản của văn nghị luận là tính chất luận thuyết- khác với văn học nghệ thuật, văn chương nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ… (Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc PhiTừ điển thuật ngữ văn học- NXB Đại học quốc gia, 4- 1999). Nhìn từ đề tài, đối tượng nghị luận, có thể chia văn nghị luận thành hai loại lớn: nghị luận xã hội và nghị luận văn học, trong đó, nghị luận xã hội có ba dạng chủ yếu (Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; Nghị luận về một hiện tượng đời sống; Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học). Để tạo lập được một văn bản nghị luận, cần lưu ý tới những yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức: Về nội dung tư tưởng, bài văn nghị luận cần nêu được vấn đề mới mẻ, sâu sắc, có ý nghĩa, thể hiện những tư tưởng, lí tưởng nhân văn cao đẹp của con người. Văn nghị luận cần có tình cảm lớn làm thành mạch chìm của văn bản, thiếu tình cảm lớn thì văn nghị luận trở nên khô khan, dù lí lẽ có sắc bén cũng khó đi đến được với trái tim con người. Văn nghị luận đòi hỏi sự chặt chẽ của lập luận, sự xác đáng của luận cứ, sự chính xác, tinh tế của lời văn; đạt tới yêu cầu thấu lí đạt tình, không chỉ thuyết phục người ta bằng cách nêu vấn đề, cách luận giải sắc sảo, chặt chẽ mà còn tác động cả tới tình cảm của người đọc (người nghe). 2. Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. 3 Đây là dạng đề mới trong nội dung dạy học Làm văn. Dạng đề này nhằm rèn luyện đồng thời năng lực đọc- hiểu văn bản văn học và năng lực tạo lập văn bản nghị luận của người viết. Có thể coi đây là dạng đề tích hợp giữa đọc văn và làm văn. Đặc điểm của dạng đề này là dựa vào một vấn đề xã hội có ý nghĩa sâu sắc nào đó đặt ra trong tác phẩm văn học, yêu cầu người viết phát biểu quan điểm, bàn bạc, nêu suy nghĩ về ý nghĩa của vấn đề đó. Vì vậy, đề đòi hỏi người viết phải có cả kiến thức về văn học và kiến thức về đời sống xã hội cũng như những kĩ năng phân tích văn học và kĩ năng phân tích, đánh giá các vấn đề xã hội. Vấn đề xã hội được nghị luận có thể rút ra từ tác phẩm văn học đã học trong chương trình nhưng cũng có thể từ một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn mà học sinh chưa được học. Ví dụ: Đề 1: Từ đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, nêu suy nghĩ của anh (chị) về niềm hạnh phúc khi được sống thực với mình và với mọi người. Đề 2: CÁC DẤU CHẤM CÂU Có người đánh mất dấu phẩy, trở nên sợ sự phức tạp, cố tìm những câu đơn giản. Đằng sau những cái đơn giản là những ý nghĩ đơn giản. Sau đó anh ta đánh mất dấu chấm than và bắt đầu nói khe khẽ, không có ngữ điệu. Chẳng còn gì làm anh ta sung sướng hay phẫn nộ. Anh ta thờ ơ với mọi chuyện. Kế đó anh ta đánh mất dấu hỏi và chẳng bao giờ hỏi gì nữa. Mọi sự kiện bất kì xảy ra ở đâu, dù trên vũ trụ, trên mặt đất hay ngay trong nhà cũng không làm anh ta quan tâm. Một vài năm sau anh ta quên mất dấu hai chấm và không còn giải thích hành vi của mình nữa. Cuối đời anh ta chỉ còn lại có dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào cũng trích dẫn lời của người khác. Thế là anh ta quên mất cách tư duy hoàn toàn. Cứ như vậy anh ta đi cho tới dấu chấm hết. (Theo báo Hà Nội mới, Chủ nhật 15-3-1993). Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì? 4 Dạng bài này rất dễ lẫn với bài nghị luận văn học vì buộc phải có khâu phân tích tác phẩm để xác định vấn đề cần nghị luận. Để tránh nhầm lẫn, giáo viên cần hướng dẫn học sinh xác định và phân biệt rõ sự khác biệt về mục đích và cách thức tiến hành nghị luận. Mục đích của nghị luận văn học là bàn bạc, phân tích để đánh giá chất lượng, giá trị về nội dung và nghệ thuật của văn bản còn mục đích của nghị luận xã hội là phân tích, đánh giá để đưa ra ý kiến, quan điểm về vấn đề xã hội được đặt ra ở văn bản đó. Nghĩa là, người viết phải nhân vấn đề đặt ra trong tác phẩm mà luận bàn, kiến giải, trình bày quan điểm, tư tưởng, suy nghĩ của cá nhân. Khi làm bài nghị luận văn học, cần cắt nghĩa, bình giá cái hay, vẻ đẹp của các yếu tố của văn bản như ngôn ngữ, hình tượng về cả hai phương diện nội dung, ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật, việc phân tích văn bản là mục đích chính. Còn khi làm bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, tác phẩm chỉ là “cái cớ” khởi đầu, là điểm xuất phát, được khai thác về giá trị nội dung tư tưởng, việc phân tích chỉ là phương tiện, là thao tác đầu tiên khởi đầu cho cả một quá trình sau đó. Với dạng đề này, người viết cần tiến hành hai bước: Trước hết, phải đọc- hiểu văn bản văn học cho trong đề để làm rõ vấn đề xã hội cần bàn luận cùng với các khía cạnh, phương diện biểu hiện của nó. Trên cơ sở hiểu vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm, đi sâu bàn luận về vấn đề ấy như một bài nghị luận xã hội thông thường. 3. Kĩ năng nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. 3.1. Những kĩ năng nghị luận cơ bản. Để làm tốt kiểu bài, trước hết cần tập trung trang bị cho học sinh các kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội nói chung như sau: * Tích lũy kiến thức: Đề tài cho bài văn nghị luận xã hội rất đa dạng đòi hỏi người viết phải có vốn kiến thức phong phú. Giáo viên cần hướng dẫn để học sinh hình thành ý thức cập nhật tình hình thời sự, quan tâm đến mọi vấn đề của đời sống xã hội, quan sát, suy ngẫm, ghi chép, tích luỹ để vận dụng vào hoạt động tạo lập văn bản. Có thể định hướng học sinh huy động kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau: kiến thức từ sách vở, kiến thức từ đời sống. Kiến thức từ sách vở được huy động chủ 5 yếu từ báo chí, sách tham khảo về các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ văn học, lịch sử, khoa học, tôn giáo đến sách về gương người tốt việc tốt, " Hạt giống tâm hồn", "Hạt giống hạnh phúc", "Suy nghĩ của những người trẻ",… Điều quan trọng là hướng dẫn các em tìm và lựa chọn sách cần thiết, biết cách đọc, hệ thống hóa kiến thức thu nhận được. Kiến thức từ đời sống được bồi đắp từ thói quen quan sát những hoạt động, sự việc, những vấn đề của cuộc sống xung quanh, cập nhật thông tin và quan trọng hơn là biết suy nghĩ, đánh giá những gì mình nghe được, quan sát được. Trên cơ sở đó, các em hiểu và nắm bắt được bản chất các vấn đề của đời sống. Bên cạnh đó, kiến thức có được từ những trải nghiệm sâu sắc của bản thân trong mọi tình huống của cuộc sống sẽ là minh họa sống động, có sức thuyết phục cao nếu nó được vận dụng vào bài văn một cách tự nhiên, chân thành. * Kỹ năng nhận diện, phân tích đề: Kĩ năng nhận diện, phân tích đề cho đúng và trúng là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa định hướng nội dung và phương pháp, góp phần quyết định thành công của bài viết. Để nhận thức chính xác đề văn, học sinh cần đọc kĩ đề và trả lời một số câu hỏi như: Thực chất đề bài nêu lên và buộc người viết bàn về vấn đề gì? Đề văn này thuộc loại đề nào? Bài yêu cầu vận dụng những thao tác nghị luận, phương thức biểu đạt nào? Phạm vi kiến thức cần huy động và làm sáng tỏ ở đây là gì?... * Kĩ năng tìm ý và xây dựng hệ thống ý cho bài văn: Nhận thức đề là cơ sở cho việc tìm ý và xây dựng hệ thống ý cho bài viết. Tư tưởng trong bài văn được thể hiện thông qua hệ thống ý. Người viết phải xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ, phản ánh đúng bản chất của vấn đề, phù hợp với đối tượng, chính xác, mạch lạc, lôgic thì bài văn mới đảm bảo nội dung đúng, đủ, sâu sắc, có sức thuyết phục cao. Trong quá trình xây dựng hệ thống ý cho bài viết, học sinh luôn phải biết tự đặt ra các câu hỏi: Là gì? Như thế nào? Đúng hay sai? Tại sao lại như thế? Có ý nghĩa gì? Cần phải làm như thế nào? Bài học rút ra là gì?... 6 Một trong những cách để tìm được ý mới, sâu sắc là người viết phải biết lật đi, lật lại vấn đề, bên cạnh chính đề cần tìm ý phản đề hay giả định trong những trường hợp cần thiết. Điều đó giúp cho vấn đề bàn luận được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều góc độ và tăng thêm sức thuyết phục. Yêu cầu này phải được đặt ra đối với học sinh và cần luyện tập để các em thấy nó cần thiết, không thể thiếu đối với tư duy, giải quyết vấn đề của người học sinh giỏi, tránh được lối viết hời hợt, thuận chiều. * Kỹ năng diễn đạt: Đối với bài nghị luận xã hội, việc vận dụng kết hợp linh hoạt các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận… làm cho vấn đề được nhìn nhận thấu đáo dưới nhiều góc độ khác nhau là rất quan trọng. Việc rèn luyện kỹ năng viết bài cho học sinh là khâu công phu đòi hỏi ở người thầy sự tận tâm, lòng kiên trì, bền bỉ. Giáo viên cần dành thời gian hướng dẫn học sinh các kĩ năng tạo lập văn bản nghị luận, định hướng cho các em từ cách phát hiện, tư duy vấn đề đến cách diễn đạt sao cho vừa khoa học, logic mà vẫn phải đượm "chất văn"… Bởi lẽ, một bài văn nghị luận được coi là đạt, là hay ngoài lập luận mạch lạc, sắc sảo vẫn rất cần cái tình của người viết, cách diễn đạt phải "thấu tình đạt lí". Từ cách lập luận, trình bày các ý lớn, ý nhỏ; kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng đến cách lựa chọn, sử dụng từ ngữ; từ việc hiểu vấn đề nghị luận đến diễn đạt cái hiểu ấy như thế nào có nhiều mức độ, phải qua rèn luyện, trau dồi mới dần hoàn thiện. Việc giáo viên sửa trên bài, chỉ lỗi và sửa lỗi cho học sinh, chấm trả bài tay đôi là cách làm rất hiệu quả tuy mất nhiều thời gian. Học sinh cũng cần chủ động tự rèn kĩ năng cho mình dưới hướng dẫn của giáo viên qua các đề bài cụ thể, tham khảo bài viết của nhau để tự rút kinh nghiệm; tham khảo bài viết hay của học sinh đội tuyển các khóa trước… Những cách làm này rất phù hợp và hiệu quả đối với các học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi. 3.2. Rèn luyện kĩ năng nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Để làm tốt kiểu bài này, cần rèn cho học sinh các kĩ năng chung đáp ứng yêu cầu của bài nghị luận: kĩ năng phân tích đề, tìm ý, xây dựng hệ thống ý, diễn đạt để 7 tạo lập một văn bản hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, cần trang bị cho các em những kĩ năng phù hợp với đặc trưng riêng của dạng đề. Dưới đây là một số kĩ năng cần thiết: 3.2.1. Phân tích đề - Yêu cầu học sinh đọc kĩ đề, xác định yêu cầu về kiểu bài, xem đây là dạng đề nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học đã học hay chưa học trong chương trình. - Nếu là tác phẩm đã được học thì đề thường nêu giới hạn phạm vi vấn đề nghị luận để định hướng cho người viết vì dung lượng những tác phẩm này thường dài, nội dung phong phú nên khó cho việc xác định vấn đề (Chẳng hạn: “Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu và bài học: Sống cần có nghĩa, có tình thuỷ chung trọn vẹn”; hoặc “Qua Đời thừa, nghĩ về ý nghĩa sự tồn tại của mỗi cá nhân trong gia đình và xã hội”; “Từ bài viết Tiếng mẹ đẻ-nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức của Nguyễn An Ninh, suy nghĩ về hiện tượng thích dùng tiếng nước ngoài trong đời sống hiện nay”…) - Nếu là văn bản chưa được học trong chương trình (một câu chuyện ngắn, một bài thơ, một trích đoạn…), đề cũng có thể nêu giới hạn vấn đề nghị luận nhưng đa phần chỉ hỏi: “nêu suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện…” hoặc “Câu chuyện đem lại cho anh (chị) bài học nhân sinh nào”… thì việc xác định đúng và trúng vấn đề nghị luận khó khăn hơn. Học sinh cần đọc thật kĩ văn bản để nắm bắt được tinh thần chung và xác định vấn đề nghị luận, nội dung nghị luận, phạm vi tư liệu, các thao tác nghị luận và các phương thức biểu đạt sẽ vận dụng. 3.2.2. Tìm ý - Để tìm được ý cho một đề văn, một trong những cách tương đối có hiệu quả là rèn cho học sinh thói quen đặt ra các câu hỏi và tìm cách trả lời các câu hỏi đó. Việc đặt ra các câu hỏi thực chất là biết soi sáng đối tượng dưới nhiều góc độ, biết lật đi lật lại vấn đề để tìm hiểu, xem xét cho kĩ càng và thấu đáo. + Phần tìm ý cần đặt ra các câu hỏi và trả lời các câu hỏi (Văn bản có nội dung gì? Đặt ra vấn đề gì? Vấn đề đó thực chất là gì? Có những biểu hiện, khía cạnh nào? Tại sao? Có ý nghĩa như thế nào?...) 3.2.3. Xây dựng hệ thống ý 8 - Có ý rồi, người viết cần biết tổ chức sắp xếp các ý thành một hệ thống nhằm làm nổi bật đối tượng, vấn đề nghị luận. Đây là kĩ năng xây dựng bố cục, kết cấu cho bài viết. Tuỳ vấn đề, đối tượng nghị luận, mục đích, cách thức mà người viết có thể sắp xếp ý một cách linh hoạt miễn là lôgic chặt chẽ, làm sáng tỏ vấn đề nghị luận và có tính thuyết phục cao. - Thông thường bài văn có ba phần, mỗi phần đảm nhận một nhiệm vụ cụ thể: + Phần mở bài: Giới thiệu khái quát về tác phẩm và giá trị cơ bản về nội dung tư tưởng. Dẫn dắt vào vấn đề trọng tâm cần làm sáng tỏ. + Phần thân bài: thường gồm hai phần lớn: Phần một: Phân tích ý nghĩa, giới thiệu và nêu vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học. Nếu đề văn đã nêu sẵn vấn đề rút ra từ tác phẩm thì phân tích qua vấn đề ấy đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm. Nếu đề không cho sẵn vấn đề thì cần đọc- hiểu, phân tích để rút ra vấn đề xã hội và ý nghĩa của vấn đề. Có thể đặt ra các câu hỏi để lập ý cho phần phân tích văn bản: Văn bản có nội dung gì? Đặt ra vấn đề mang ý nghĩa xã hội nào? Vấn đề đó xuất phát từ hoàn cảnh, tình huống thực tế nào của đời sống?... Tất nhiên phần phân tích để rút ra vấn đề xã hội cần khái quát, sơ lược, không quá sa đà vào việc phân tích chi tiết tỉ mỉ hoặc giá trị nghệ thuật. Phần hai (trọng tâm): nghị luận về vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm văn học. Khi đã có vấn đề (đề tài, chủ đề) cần bàn bạc rồi thì mới bắt đầu làm bài nghị luận xã hội, nêu lên quan điểm, suy nghĩ của bản thân về vấn đề đó, xem xét các khía cạnh của vấn đề, bàn bạc mở rộng, liên hệ thực tế, rút ra bài học cho bản thân… Có thể lập ý bằng các câu hỏi: Vấn đề xã hội được đặt ra thực chất là gì? Có những biểu hiện, khía cạnh gì? Tại sao? Có ý nghĩa như thế nào? Đem đến bài học nào? + Phần kết luận: Chốt lại vấn đề, nêu những suy nghĩ, bài học… 4. Vận dụng thực hành 4.1. Dạng đề nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học đã học trong chương trình. Các tác phẩm được chọn đưa vào giảng dạy trong nhà trường đều mang ý nghĩa xã hội, tính thẩm mĩ, tính giáo dục sâu sắc. Khi tiếp nhận văn bản là HS đi tìm giá trị của nó cả về nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Nhưng dạng đề này chỉ yêu cầu 9 HS khai thác khái quát giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, từ đó rút ra ý nghĩa xã hội, vấn đề đạo lí, đạo đức, triết lí nhân sinh, bài học cuộc sống… của nó và nêu quan điểm, ý kiến bàn bạc về vấn đề đó. Ví dụ 1: Từ văn bản Cha tôi của Đặng Huy Trứ, anh (chị) hãy phát biểu quan niệm của bản thân về việc đỗ - trượt trong thi cử. * Tìm ý: Có thể đặt ra những câu hỏi tìm ý như sau: + Văn bản Cha tôi có nội dung gì? + Quan niệm về vấn đề đỗ - trượt của người cha trong câu chuyện có gì đáng chú ý? + Quan niệm đó gợi cho ta suy nghĩ gì về vấn đề đỗ- trượt trong thi cử ngày nay? + Có thể rút ra bài học gì về con đường thi cử, phấn đấu của bản thân? * Dàn ý: Mở bài: Giới thiệu khái quát nội dung chính của văn bản Cha tôi và quan niệm về vấn đề đỗ- trượt được đặt ra trong văn bản. Thân bài: - Tóm lược nội dung câu chuyện và phân tích quan niệm đỗ trượt của thân phụ Đặng Huy Trứ, chỉ rõ sự đặc biệt trong hành động thể hiện suy nghĩ, quan niệm khác lẽ thường: + Thấy con hai lần thi đỗ: Lẽ thông thường thì phải hạnh phúc, vui mừng nhưng người cha “ nước mắt ướt áo”, “rớt nước mắt” như gặp việc chẳng lành vì sợ con còn trẻ chưa có đức nghiệp gì mà sớm đỗ đạt, thành công dễ dàng nên dễ sinh kiêu căng, tự mãn, “ếch ngồi đáy giếng”, coi trời bằng vung, phúc đâu chẳng thấy, hoạ đã sẵn chờ. + Khi Đặng Huy Trứ bị truất tiến sĩ và cách học vị cử nhân: người cha lại coi như không có chuyện gì đáng kể, thậm chí còn cho rằng đó là “phúc cho nhà ta mà cũng may lớn cho bản thân Trứ”. Ông đã đưa ra một số tấm gương để động viên con không nên nản lòng, thoái chí “người ta ai chẳng có lúc mắc sai lầm, quý là ở chỗ biết sửa chữa”, tin rằng vấp ngã, thất bại sẽ làm cho con người trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. 10 - Suy nghĩ về chuyện đỗ- trượt trong thi cử ngày nay: + Đỗ cao trong thi cử khi còn ít tuổi được xem là biểu hiện của tài năng, thông minh, thành đạt, là hạnh phúc của bản thân, gia đình, niềm tự hào của dòng họ… + Ngược lại việc thi trượt là nỗi buồn, là sự bất hạnh, không may mắn… - Triết lí về việc đỗ trượt trong thi - cử của Đặng Dịch Trai đã gợi cho ta nhiều bài học quý báu: + Trong thi cử, đỗ hay trượt là điều bình thường, khi có thi thì cũng có chuyện đỗ và trượt, có nụ cười và nước mắt cũng như quy luật vận động của cuộc sống có biến động thăng trầm, khó khăn và thuận lợi, thành công và thất bại, khổ đau và hạnh phúc… Không nên coi đó là chuyện sinh tử nhưng cũng không được xem thường. + Đừng thấy chuyện thành đạt dễ dàng mà tự mãn, tự bằng lòng với chính mình, để rồi lại thất bại. Mọi sự thành đạt trong cuộc sống đều phải là kết quả của sự cố gắng không mệt mỏi. + Khi thi trượt, thất bại trong cuộc sống cũng không nên bi quan, chán nản tuyệt vọng mà cần rút kinh nghiệm, vượt lên mặc cảm, vượt qua áp lực để tiếp tục kiên trì mục tiêu phấn đấu. + Thành công không tự mãn, thất bại không nản lòng. Đó là bí quyết của thành công và hạnh phúc. Kết bài: Mỗi người nên có quan niệm đúng đắn về chuyện thi cử, đỗ- trượt và rộng hơn, cần có cách nhìn đúng về thành công và thất bại trong cuộc sống. Cần nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động để vượt qua những cuộc thi của trường đời. Câu chuyện của người xưa đến nay vẫn còn ý nghĩa. Ví dụ 2: Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu trong Xuất dương lưu biệt có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của lớp trẻ ngày nay? Mở bài: Giới thiệu tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận. Thân bài: 1. Quan niệm về chí làm trai thể hiện trong bài thơ: Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu thể hiện như thế nào trong bài thơ? 11 - Nam nhi chí là một quan niệm nhân sinh tích cực thời phong kiến, thể hiện ý thức của cái tôi tự nhiệm, gánh vác trọng trách, sứ mạng với cuộc đời. - Phan Bội Châu khẳng định đã sinh ra làm trai thì phải làm được điều “hi kì”, điều phi thường, kiệt xuất. Đó là phải ghi dấu ấn cá nhân vào càn khôn vũ trụ, phải chủ động xoay chuyển trời đất chứ không để trời đất xoay chuyển; phải ghi dấu ấn của mình vào thời gian lịch sử vĩnh hằng, vào cõi nhân sinh; phải có cái nhìn đúng đắn với nền học vấn đã lỗi thời; từ nhận thức phải chuyển thành hành động thiết thực, cụ thể ( vượt biển Đông du tìm đường cứu nước….) - Đây là một quan niệm sống nhập thế tích cực của một chí sĩ cách mạng hồi đầu thế kỉ XX, thể hiện ý thức cá nhân sâu sắc, khẳng định một cách sống chói lọi, có ích cho dân cho nước, có ý nghĩa sâu sắc, mang tầm vóc thời đại. 2. Bàn luận vấn đề: Quan niệm đó có ý nghĩa như thế nào đối với lớp trẻ hiện nay? Những biểu hiện cụ thể của nó như thế nào? Quan niệm này có phải chỉ đúng với nam giới không? - Đối với lớp trẻ hiện nay, quan niệm sống này vẫn còn nguyên giá trị tích cực, nó cổ vũ một lối sống có lí tưởng cao đẹp, đầy bản lĩnh, khát khao khẳng định mình bằng tài năng, phẩm cách, bằng những cống hiến cho cộng đồng xã hội, cho quê hương đất nước; dám nhìn thẳng vào những yếu kém khuyết điểm, dũng cảm đấu tranh với những cái cũ kĩ, lỗi thời, mạnh dạn tiếp cận cái mới, bứt phá để đạt tới thành công… ( Nêu những biểu hiện của lối sống đẹp này qua các dẫn chứng cụ thể.) - Ngày nay, quan niệm này không chỉ đúng với riêng nam giới mà dành cho tất cả mọi người. Nó khiến cho con người sống đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, bản lĩnh hơn… 3. Bài học nhận thức và hành động: Bài học nào cho bản thân được rút ra từ quan niệm đó? - Sống đẹp, sống có ích, có cá tính. - Phê phán lối sống thụ động, thực dụng, buông thả, ích kỉ cá nhân, chạy theo lối sống vật chất tầm thường, sống không lí tưởng, không mục đích của một bộ phận thanh niên hiện nay. 12 Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề. Ví dụ 3: Từ các tác phẩm Một người Hà Nội của Nguyễn Khải và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, bàn về vai trò của gia đình trong đời sống của mỗi con người. * Tìm ý: - Vấn đề gia đình được thể hiện như thế nào trong hai tác phẩm? - Gia đình có vai trò như thế nào với cuộc đời của mỗi con người? Những biểu hiện cụ thể? Vì sao cần phải vun đắp, bảo vệ nuôi dưỡng gia đình? - Mỗi người cần phải làm gì để gìn giữ, phát huy vai trò, truyền thống gia đình? * Dàn ý: Mở bài: Nêu vấn đề vai trò của gia đình đối với mỗi con người. Thân bài: 1. Vấn đề gia đình được thể hiện trong hai tác phẩm: - Tác phẩm Một người Hà Nội: đề cao vai trò của truyền thống và nền nếp, gia phong qua câu chuyện về một gia đình Hà Nội (gia đình bà Hiền), qua việc dạy dỗ con cái, xây dựng nếp nhà và nếp người của nhân vật bà Hiền. - Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa: qua câu chuyện của một gia đình hàng chài với những số phận bất hạnh sống cuộc đời lam lũ, nghèo đói, thất học, bế tắc…, tác giả trực tiếp cảnh báo vấn đề bạo hành trong gia đình đã gây ra hậu quả xấu, tạo nên nỗi đau trong tâm hồn các thành viên (sự tổn thương trong tâm hồn người vợ, những đứa con, sự hằn thù của đứa trẻ (thằng Phác) với bố mình…). - Cả hai tác phẩm qua những câu chuyện khác nhau cùng đặt ra vấn đề vai trò của gia đình và ý nghĩa của nó đối với những buồn vui, ấm lạnh của mỗi cuộc đời, số phận; ảnh hưởng của nó đối với đời sống tinh thần, tư tưởng, sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. 2. Suy nghĩ về vai trò của gia đình trong đời sống của mỗi người. - Gia đình là mái ấm để yêu thương, để con người sống và trưởng thành. + Trong nếp sống truyền thống của người Á Đông, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn và giáo dục nhân cách con người. 13 + Gia đình là mái ấm, nơi dành tặng những yêu thương, là nơi ông bà, bố mẹ, anh chị em gắn bó, chở che, quan tâm chăm sóc, nâng đỡ cuộc đời, là “bến đỗ” bình yên trong tâm hồn mỗi con người trước mọi biến động thăng trầm của cuộc sống. Vì vậy, mỗi người luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ mái ấm của mình. - Gia đình có vai trò và tác động rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi người. + Gia đình với truyền thống tốt đẹp, nề nếp gia phong là môi trường lành mạnh ảnh hưởng đến nhân cách của con người. Sự tiếp nối văn hoá qua các thế hệ trong gia đình vừa là nền tảng vừa là hành trang để con người bước vào đời với tâm thế vững vàng, gìn giữ, vun đắp những giá trị truyền thống, có ý thức hoàn thiện nhân cách. + Ngược lại, một gia đình không có nề nếp gia phong, thiếu hạnh phúc sẽ tạo ra những hậu quả xấu trong việc giáo dục con cái (Có những gia đình, đời sống vật chất quá khó khăn, các thành viên bị gánh nặng áo cơm ghì sát đất, những khổ sở nhọc nhằn làm chai sạn tâm hồn khiến họ trở nên vô tâm, tàn nhẫn, đánh mất lòng yêu thương với chính những người thân của mình; cũng có khi các thành viên trong gia đình mải lo kiếm sống mà quên đi trách nhiệm, sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Có những gia đình, người lớn sống không gương mẫu, không có trách nhiệm với con cái khiến cho con cái mất lòng tin, chán nản, tổn thương tâm hồn sinh ra bướng bỉnh, sống bất cần, hư hỏng…) - Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc là xây dựng xã hội phát triển văn minh. 3. Liên hệ bản thân- Bài học - Việc giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình là trách nhiệm, tình cảm, thể hiện trong nhận thức và những hành động cụ thể, thiết thực của mỗi người trong suốt hành trình cuộc đời. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận. 4.2. Dạng đề nghị luận về một vấn đề xã hội trong một tác phẩm chưa được học trong chương trình. 14 - Thông thường khi cho dạng đề này người ra đề sẽ chọn những văn bản ngắn, có thể là một câu chuyện với dung lượng khoảng nửa trang giấy, một bài thơ (đoạn thơ) rất giàu ý nghĩa… - Đây là dạng đề dành cho học sinh khá giỏi, kích thích được những suy nghĩ sáng tạo độc đáo của người viết; khó nhưng hay, có độ mở, kết hợp kiểm tra được năng lực đọc- hiểu, cảm thụ văn học và năng lực nghị luận về một vấn đề xã hội của học sinh. Vì chưa được học nên học sinh sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc hiểu và tìm ra ý nghĩa tư tưởng của văn bản. - Cách làm cũng tương tự các bước đã nêu ở dạng đề nghị luận về một vấn đề xã hội trong một tác phẩm đã học trong chương trình. Nếu đề không cho sẵn vấn đề nghị luận thì học sinh cần đọc- hiểu văn bản, nêu và phân tích để rút ra ý nghĩa của vấn đề rồi luận bàn, kiến giải, phát biểu những suy nghĩ của mình ... + Trước tiên, học sinh cần đọc kĩ văn bản. Việc đọc kĩ văn bản là một yêu cầu quan trọng giúp học sinh cảm thụ được tinh thần chung của nội dung từ đó có cơ sở xác định đúng vấn đề nghị luận. Học sinh cần lưu ý đến các yếu tố như thông tin về nguồn trích dẫn, nhan đề của văn bản vì đó cũng là những gợi dẫn có giá trị. + Sau đó, là bước phân tích để tìm ra nội dung tư tưởng, ý nghĩa của văn bản và khoanh vùng trọng tâm vấn đề cần nghị luận. Theo lí thuyết tiếp nhận, mỗi học sinh có thể hiểu ý nghĩa của văn bản theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên hiểu theo cách nào cũng cần có lí và có sức thuyết phục. Mỗi văn bản, nhất là những câu chuyện ngắn thường rất giàu ý nghĩa, nêu lên nhiều bài học nhưng thường có một ý nghĩa chủ đạo (ý nghĩa chính). Đó là ý nghĩa chung mà ai đọc cũng cảm nhận và hiểu như thế và đây chính là cái đích cần đạt được khi xác định vấn đề nghị luận. (Chẳng hạn, với văn bản Các dấu chấm câu, ý nghĩa chính được hiểu đó là vấn đề cách sống và ý nghĩa sự tồn tại của mỗi con người trong cuộc đời. Nếu con người sống quá đơn điệu, thờ ơ vô cảm với mọi thứ xung quanh, không tư duy, không học hỏi, không sáng tạo, sống không bản lĩnh,… thì cuối cùng chỉ là một cuộc đời vô ích, vô nghĩa, một cuộc đời thừa. Giá trị, ý nghĩa cuộc đời của mỗi người phụ thuộc vào sự lựa chọn cách sống của chính bản thân). 15 + Học sinh cần chú ý đến diễn biến của câu chuyện, các sự kiện, chi tiết, hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ của các nhân vật, những “bước ngoặt” trong mạch truyện, đặc biệt là kết thúc truyện vì đó là những gợi mở hết sức quan trọng trong việc tìm ra ý nghĩa chính của văn bản. Với văn bản thơ, cần chú ý đến ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, cách diễn đạt... để giải mã nội dung. + Sau khi đã xác định được vấn đề nghị luận, tuỳ thuộc vào đối tượng, phạm vi vấn đề nghị luận mà học sinh triển khai phần tiếp theo của bài viết một cách linh hoạt và thuyết phục bởi không có một công thức cố định nào cho bước này. Ví dụ 1: Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Chi-lê Luis Sepúlveda kể về một câu chuyện đại ý như sau: Có một cô hải âu tên là Kengal bị nhấn chìm trong váng dầu- thứ chất thải nguy hiểm mà những con người xấu xa bí mật đổ ra đại dương. Với nỗ lực đầy tuyệt vọng, cô bay vào bến cảng Hamburg và rơi xuống ban công của một con mèo mun to đùng, mập ú Zorba. Trong phút cuối cuộc đời, cô sinh ra một quả trứng và con mèo mun hứa với cô sẽ thực hiện ba lời hứa chừng như không tưởng với loài mèo: - Không ăn quả trứng. - Chăm sóc cho tới khi nó nở. - Dạy cho con hải âu bay. Lời hứa của một con mèo cũng là trách nhiệm của toàn bộ mèo trên bến cảng. Bởi vậy, bè bạn của Zorba bao gồm ngài mèo Đại Tá đầy uy tín, mèo Secretario nhanh nhảu, mèo Einstein uyên bác, mèo Bốn Biển đầy kinh nghiệm đã chung sức giúp nó hoàn thành trách nhiệm. Tuy nhiên, việc chăm sóc, dạy dỗ một con hải âu đâu phải chuyện đùa, có hàng trăm rắc rối nảy sinh và cần có những kế hoạch đầy linh hoạt được bàn bạc kĩ càng... Và loài mèo đã thành công với nhiệm vụ đó. “Tất cả chúng ta đều yêu con, Lucky. Và chúng ta yêu con bởi vì con là một con hải âu. Một con hải âu xinh đẹp. Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo... Con là một con chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con chim hải âu. Con phải bay...Nhờ con, chúng ta đã học được một 16 điều đáng để tự hào: Chúng ta học được cách trân trọng, yêu mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta”. Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của câu chuyện và lời nói của chú mèo Zorba? 1. Trước hết, phân tích để rút ra ý nghĩa của câu chuyện: - Nội dung của câu chuyện nói về vấn đề gì? Được biểu hiện như thế nào? (Câu chuyện nói về tình yêu thương vượt biên giới, vượt qua những khoảng cách của các chú mèo ở bến cảng Hamburg đối với một chú chim hải âu mồ côi mẹ đã giúp họ có được sức mạnh phi thường, nhẫn nại vượt qua khó khăn để làm được một việc tưởng chừng không tưởng với loài mèo: không ăn trứng hải âu, nuôi chú hải âu lớn và dạy hải âu bay.) - Câu nói của chú mèo Zorba trong câu chuyện với chú chim hải âu có ý nghĩa gì? (+ Yêu thương một người khác mình thật không dễ nhưng không phải là không làm được, nếu ta có tình yêu thương thật sự vô tư, lòng hào hiệp, sự thành tâm và niềm tin vững chắc. + Yêu thương không có nghĩa là trói buộc, gò ép người ta sống như mình muốn mà để người ta sống đúng với bản chất, được phát huy giá trị thực sự của mình...) - Câu chuyện hư cấu nhưng lại đánh thức ở con người những suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa của tình yêu thương: không chỉ yêu thương đồng loại mà cao hơn là yêu thương những người khác mình, thậm chí có thể là người không cùng lí tưởng, đối lập với mình. 2. Sau khi xác định được vấn đề nghị luận là tình yêu thương, nêu suy nghĩ, bàn luận về vấn đề: - Thế nào là tình yêu thương? (Là tình cảm cao thượng, tốt đẹp mà con người dành cho nhau, đùm bọc, quan tâm đến nhau khi hoạn nạn, chia sẻ vui buồn...) - Thế nào là yêu thương những người không giống mình? (Là tình cảm giữa người với người một cách vô điều kiện, vượt qua mọi rào cản, hận thù, không có sự phân biệt thân sơ, sang hèn, sắc tộc, tôn giáo, quan điểm...) - Cơ sở nào tạo nên tình yêu thương? (Tình yêu thương xuất phát từ trái tim, sự đồng cảm, niềm trắc ẩn, tinh thần đồng loại của con người với nhau trong xã hội...) 17 - Tình yêu thương có những biểu hiện như thế nào? (Sự quan tâm, sẻ chia giúp đỡ trước những thăng trầm của cuộc sống; sự bao dung, chở che cưu mang; tình cảm vị tha...) - Tác dụng của tình yêu thương? (Khiến cho con người xích lại gần nhau, nhân lên những giá trị tốt đẹp; nâng cao phẩm cách con người, tạo nên sức mạnh tinh thần giúp con người có thể làm nên những điều phi thường kì diệu, tạo lập môi trường xã hội nhân văn, nhân ái...) + Phê phán những kẻ sống vô cảm, không có tình thương, sống vụ lợi, cá nhân ích kỉ hoặc hằn thù, tôn thờ vật chất, hưởng thụ thực dụng. - Làm thế nào để nhân lên yêu thương trong cuộc sống? (Mỗi người cần nhận thức được sống phải biết yêu thương sẻ chia, sống bao dung nhân ái, không chỉ yêu thương những người giống mình, thân yêu gần gũi mà phải yêu thương cả những người khác mình...) Ví dụ 2: Dân gian Việt Nam có câu: Không có mợ thì chợ vẫn đông, Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui. Nhà thơ Nga Evtushenkô lại viết: Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời Mỗi số phận chứa một phần lịch sử Mỗi số phận riêng, dù rất nhỏ Chẳng hành tinh nào sánh nổi được đâu. (Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời- Bằng Việt dịch). Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra trong hai trích dẫn trên. 1. Giải thích và rút ra vấn đề nghị luận từ hai văn bản trích dẫn: Hai văn bản có nội dung gì? Đề cập đến vấn đề nào? (- Không có mợ… vẫn vui: mỗi cá nhân chỉ là một phần tử bé nhỏ của tập thể, cộng đồng, xã hội, không có cá nhân ấy thì xã hội vẫn tồn tại, hoạt động bình thường. 18 - Chẳng có ai tẻ nhạt… sánh nổi đâu: mỗi cá nhân là duy nhất, mang trong nó một phần đặc tính, lịch sử phát triển của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân dù nhỏ bé nhưng là một giá trị riêng góp phần làm nên sự đa dạng, thúc đẩy xã hội phát triển. - Tác giả dân gian Việt Nam và nhà thơ Nga Evtushenkô đã đặt ra vấn đề mang ý nghĩa triết học về sự tồn tại của mỗi cá nhân con người, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.) 2. Lí giải- Bàn luận: - Hai quan niệm có mối quan hệ với nhau như thế nào? (Tương phản, đối lập hay bổ sung?) ( Hai quan niệm tưởng mâu thuẫn nhưng thực ra lại phản ánh hai mặt của một vấn đề: mỗi cá nhân con người là vô cùng nhỏ bé, thiếu một cá nhân thì xã hội vẫn tồn tại và phát triển bình thường nhưng chính mỗi con người bé nhỏ lại góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội). - Quan niệm như thế đúng hay sai? Tại sao? (Cả hai quan niệm đều có cơ sở thực tế, có những khía cạnh đúng. Bởi vì: + Xã hội hợp thành từ hàng triệu triệu con người, thiếu đi một cá thể thì sẽ có người khác điền vào vị trí thiếu hụt đó, xã hội vẫn hoạt động, phát triển bình thường; sự tác động của mỗi cá nhân đến đời sống xã hội là rất nhỏ. + Mỗi con người là một cá thể độc đáo, không lặp lại, mỗi cá nhân có nhân cách độc lập duy nhất không thể thay thế, là một thế giới bí ẩn chứa đựng những giá trị người to lớn với hiểu biết, trí tuệ, tài năng, tâm hồn… Cá nhân gia nhập vào tập thể xã hội như là bộ phận của cái toàn thể, thể hiện bản sắc của mình thông qua hoạt động tập thể, trong các mối quan hệ xã hội nhưng không "hoà tan" vào tập thể. - Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau: + Xã hội là điều kiện, là môi trường, là phương thức để lợi ích cá nhân được thực hiện. Cá nhân chỉ được hình thành, phát triển, giá trị được khẳng định trong các mối quan hệ xã hội, trong tập thể (gia đình, giai cấp, dân tộc, nhân loại...). + Cá nhân không chỉ là sản phẩm của xã hội mà còn là chủ thể của sự phát triển xã hội. Mỗi cá nhân là vô cùng nhỏ bé nhưng đều góp sức vào sự phát triển chung của xã hội, không có cá nhân thì không thể có xã hội, không có lịch sử phát triển của xã hội. (Thí sinh đưa dẫn chứng cụ thể để minh hoạ) 19
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan