Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Quan niệm thơ, hình tượng và ngôn từ nghệ thuật qua di cảo thơ của chế lan viên...

Tài liệu Quan niệm thơ, hình tượng và ngôn từ nghệ thuật qua di cảo thơ của chế lan viên

.PDF
164
801
90

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Đào Thị Kim Ngân QUAN NIỆM THƠ, HÌNH TƯỢNG VÀ NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT QUA DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Đào Thị Kim Ngân QUAN NIỆM THƠ, HÌNH TƯỢNG VÀ NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT QUA DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN Chuyên ngành Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. PHÙNG QUÝ NHÂM Thành phố Hồ Chí Minh - 2012 LỜI CÁM ƠN Sau hơn hai năm theo học lớp Cao học Văn học Việt Nam khóa 20, được sự hướng dẫn tận tình của PGS. TS. Phùng Quý Nhâm, tôi đã hoàn thành luận văn thạc sĩ. Tôi xin gửi đến thầy lời tri ân chân thành và sâu sắc nhất. Ngoài ra, tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy cô khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đã tận tâm giảng dạy trong quá trình tôi theo học tại trường. Tôi xin chân thành cảm ơn nhà văn Vũ Thị Thường, vợ của nhà thơ Chế Lan Viên đã cung cấp cho tôi những kiến thức bổ ích, giúp tôi hiểu thêm về nhà thơ. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cán bộ thư viện trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tôi trong quá trình tìm kiếm tư liệu nghiên cứu. Tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của gia đình và bè bạn - là nguồn động lực tinh thần rất lớn giúp tôi hoàn thành luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan những nội dung trong luận văn này chưa được công bố trong luận văn nào. Nếu có tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Người viết Đào Thị Kim Ngân MỤC LỤC TRANG BÌA .......................................................................................................................... 1 LỜI CÁM ƠN ........................................................................................................................ 2 LỜI CAM ĐOAN .................................................................................................................. 3 MỤC LỤC ............................................................................................................................. 4 MỞ ĐẦU ............................................................................................................................. 7 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................ 6 2. Lịch sử vấn đề ................................................................................................................. 7 3. Mục đích nghiên cứu .................................................................................................... 12 4. Phạm vi nghiên cứu ...................................................................................................... 12 5. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................. 12 6. Những đóng góp của luận văn ...................................................................................... 13 7. Cấu trúc của luận văn.................................................................................................... 13 CHƯƠNG 1.QUAN NIỆM THƠ QUA DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN ................. 15 1.1 Quan niệm về thơ ca ................................................................................................. 15 1.1.1 Thơ phải “ăn mặn vào miếng đời phàm tục” và “cần nhân thế” ....................... 15 1.1.2 Thơ là sự sáng tạo hồn bằng chữ ........................................................................ 27 1.1.3 Thơ là sức nặng của tư duy và tình cảm ............................................................. 33 1.2 Quan niệm về nhà thơ ............................................................................................... 36 1.2.1 Nếu làm thơ phải có hồn thi sĩ ............................................................................ 36 1.2.2 Nhà thơ viết câu thơ theo số phận của mình, chẳng bắt chước được ai.............. 40 1.2.3 Là nhà thơ, anh sống nơi này phải nghĩ đến nơi kia ........................................... 44 1.3. Quan niệm về mối quan hệ giữa thơ, nhà thơ và người đọc ...................................... 48 1.3.1. Nhà thơ – người đọc: Từ niềm khắc khoải tri âm đến sự đồng hành trong sáng tạo ............................................................................................................................ 48 1.3.2. Người đọc, vị quan tòa quyết định số phận của thơ ca ....................................... 52 CHƯƠNG 2. HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT QUA DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN ........................................................................................................ 55 2.1. Hình tượng thiên nhiên ............................................................................................. 55 2.1.1.Thiên nhiên kì vĩ, huyền ảo ................................................................................. 55 2.1.2. Thiên nhiên bình dị, cao khiết ............................................................................ 59 2.2. Hình tượng Tổ quốc .................................................................................................. 67 2.2.1. Tổ quốc rộng lớn, vận động từ quá khứ đến hiện tại .......................................... 67 2.2.2. Tổ quốc trong mối quan hệ với nhân dân ........................................................... 79 2.2.3. Tổ quốc trở về với vùng quê thanh bình ............................................................. 86 2.3. Hình tượng chủ thể trữ tình....................................................................................... 87 2.3.1. Con người chiêm nghiệm .................................................................................... 87 2.2.2. Con người với nhân sinh quan tích cực .............................................................. 97 CHƯƠNG 3.NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT QUA DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN .. 100 3.1. Ngôn từ nghệ thuật .................................................................................................. 100 3.1.1. Phong phú trên nhiều lĩnh vực ......................................................................... 100 3.1.2. Sự đa năng của ngôn từ nghệ thuật .................................................................. 102 3.1.3. Ngôn từ đậm sắc thái tu từ ............................................................................... 105 3.1.4. Ngôn từ giàu chất triết lí .................................................................................. 118 3.2. Không gian nghệ thuật ............................................................................................. 128 3.2.1. Không gian tưởng tượng: hoài vãng, hư vô và dự cảm .................................. 128 3.2.2. Không gian sử thi .............................................................................................. 134 3.3.3.Không gian tâm trạng ........................................................................................ 139 3.3. Thời gian nghệ thuật ................................................................................................ 143 3.3.1.Thời gian quá vãng hư cấu ................................................................................. 143 3.3.2.Thời gian lịch sử ................................................................................................ 146 3.3.3.Thời gian đời tư, chiêm nghiệm ......................................................................... 149 KẾT LUẬN..................................................................................................................... 155 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................. 159 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam thế kỉ XX như dự đoán của nhà phê bình Hoài Thanh từ hơn nửa thế kỉ trước: Con người này quả là người của trời đất, của bốn phương, không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được. [39, 224] Sinh thời, Chế Lan Viên là nhà thơ có vị trí chắc chắn trong lịch sử văn học. Khi mất đi, ông xứng đáng được tôn vinh là nhà thơ của dân tộc. Với hành trình sáng tạo kéo dài hơn nửa thế kỉ, được đánh dấu bằng từng mốc lịch sử đặc biệt: Trước và sau Cách mạng tháng Tám, trong thời chiến và trong thời bình, Chế Lan Viên đã để lại trên thi đàn không ít thành tựu rực rỡ với nhiều giá trị thể hiện tâm hồn nhạy cảm và trí tuệ minh triết. Cuộc hành trình sáng tạo bền bỉ, không ngừng nghỉ bằng tài năng và tâm huyết của Chế Lan Viên được bắt đầu bằng tập thơ đầu tay Điêu tàn. Tập thơ được sáng tác khi tác giả mới 17 tuổi nhưng đã tạo được tiếng vang nhất định. Nó xuất hiện giữa đồng bằng văn học Việt Nam giữa thế kỉ XX như một niềm kinh dị, chắc chắn, lẻ loi và bí mật [39, 225] với thế giới siêu thực, giàu chất suy tưởng thấm đượm nỗi đau uất hận, nỗi đau trước cảnh điêu tàn, hoang phế của Chiêm quốc hay của chính dân tộc mình. Với tập thơ đầu tay, Chế Lan Viên đã khiến bao người ngạc nhiên và trở thành một trong số những nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào Thơ mới. Thành công ban đầu của Điêu tàn là bước khởi đầu vững chắc, tạo động lực để Chế lan Viên tiếp tục cho ra đời những tập thơ tiếp theo tạo được nhiều tiếng vang như: Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường – Chim báo bão, Hoa trên đá… . Những tập thơ sau này tiếp tục khẳng định chỗ đứng của Chế Lan Viên trên thi đàn với tài năng đang độ chín, sức sáng tạo đang ở thời kì sung mãn nhất. Người ta tìm thấy một Chế Viên đã từ giã thung lũng đau thương để đi đến cánh đồng vui, một nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy của trận địa đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, được coi là một trong những cây đại thụ tỏa bóng trong khu rừng lớn của văn học Cách mạng Việt Nam thế kỉ XX và là một cây bút luôn trăn trở về cuộc đời, về con người với những suy tư, chiêm nghiệm. Chế Lan Viên là một hồn thơ phong phú, đa dạng với sức sáng tạo bền bỉ. Như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi lặng im hóa kiếp, đến những ngày cuối đời, vật lộn trên giường bệnh, nhà thơ vẫn chạy đua với thời gian để tiếp tục sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho đời những vần thơ giá trị. Sau khi nhà thơ qua đời, một lần nữa người đọc phải sửng sốt trước ba tập Di cảo thơ mà vì nhiều lí do khác nhau mà ông chưa có dịp công bố. Ba tập Di cảo thơ với số lượng đồ sộ 581 bài thơ, đã hoàn chỉnh hoặc còn ở dạng phác thảo, được nhà thơ viết trong nhiều năm khi còn khỏe mạnh cho đến lúc lâm trọng bệnh, từ giã cõi đời. Như vậy, ba tập thơ là ba tập di chúc, ba tập tâm huyết của nhà thơ trước lúc ra đi, chứng tỏ một tài thơ trác tuyệt với bút lực dồi dào. Người đọc tìm thấy trong ba tập Di cảo thơ dấu vết của Điêu tàn, thế giới của Ánh sáng và phù sa, Hoa trên đá...,tiếp nối phong cách tài hoa, trí tuệ, giàu tính triết luận ở những tập thơ trước đó song cũng bắt gặp những vận động, thay đổi về quan niệm, hình tượng, cảm xúc, tư tưởng...Đến với Di cảo thơ, ta lại tiếp tục thấy một cá tính sáng tạo độc đáo với những quan niệm sâu sắc về thơ ca, với những hình tượng, ngôn từ nghệ thuật thể hiện cái nhìn suy tư, chiêm nghiêm, đa chiều về con người, cuộc sống trong dòng chảy thời gian. Tìm hiểu về quan niệm thơ, hình tượng và ngôn từ nghệ thuật trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên góp phần tạo nên cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống quan niệm, thế giới nghệ thuật của một cây bút được mệnh danh là “thần đồng” thi sĩ. 2. Lịch sử vấn đề Chế Lan Viên sáng tác phong phú với nhiều thể loại, trong đó thơ giữ một vị trí then chốt. Ngay từ khi mới xuất hiện, Chế Lan Viên và thơ của thi sĩ đã làm người yêu thơ phải ngạc nhiên, trầm trồ thán phục và trở thành đề tài hấp dẫn nhiều ngòi bút phê bình, nghiên cứu. Sau khi nhà thơ mất, ba tập Di cảo thơ ra đời đã tạo được sự quan tâm, chú ý của các ngòi bút phê bình, nghiên cứu. Một số công trình nổi bật nghiên cứu về Di cảo thơ như: Đoàn Trọng Huy với Đọc những trang để lại, thêm hiểu một hồn thơ Di cảo (Văn nghệ, số 11, 13-3-1993) đã phân loại, thống kê ba mảng chính trong Di cảo thơ: mảng tình yêu, mảng thơ về thơ và mảng thơ triết lý và khẳng định phong cách thơ Chế Lan Viên biểu hiện tính triết luận. Đối với mảng suy nghĩ về thơ, Đoàn Trọng Huy đã khẳng định sự đóng góp to lớn của Chế Lan Viên: Trong các nhà thơ Việt Nam hiện đại, anh là người đã từng viết nhiều nhất, bằng thơ và cả văn xuôi, về quan niệm thơ, về nghề thơ trong đó có những vấn đề cốt yếu nhất.[18, 359]. Những vấn đề cốt yếu ấy là cái tâm của nhà thơ, thơ ca được nâng lên thành đạo với tất cả sự thiêng liêng [18, 359] và thơ trở thành đối tượng nằm trong hệ thống tư duy triết luận [18, 360]. Trong một bài nghiên cứu khác Khuynh hướng vận động thơ Chế Lan Viên từ sau 1975 (Tạp chí văn hóa, số 6/1993), Đoàn Trọng Huy đã chỉ ra sự vận động, thay đổi trong Di cảo thơ so với những tập thơ trước về đề tài, cái tôi trữ tình và ngôn ngữ. Về đề tài, tác giả nhận xét: Chế Lan Viên đã từ khai thác lịch sử - dân tộc đi về hướng thế sự - đạo đức, từ sự chú ý “khía cạnh anh hùng” chuyển sang “khía cạnh đời thường” [19, 101]. Về cái tôi trữ tình, tác giả cũng nhận thấy sự đổi khác: Đó là sự đòi hỏi khẳng định cá tính cùng với cá tính sáng tạo, là nhu cầu giãi bày về muôn mặt đời thường, về tình yêu trần thế […]. Trong quá trình hoàn thiện nhân cách, nó đi tìm lại mình – tìm một bản lĩnh riêng, một gương mặt tâm hồn riêng, dựa vào chính mình, vào sự trải nghiệm cá nhân, vào nhân cách bản thân. [19, 103-104]. Còn về giọng thơ, tác giả cũng chỉ ra sự chuyển biến từ mạnh mẽ đến trầm tĩnh, sâu lắng mang tính thời sự. Bên cạnh đó, Trần Thanh Đạm với Những vần thơ triết lý của Chế Lan Viên qua những trang Di cảo ( Văn nghệ, số 36, 4 – 9 – 1993 ) nghiên cứu biểu hiện triết lý trong Di cảo thơ qua giọng thơ và triết lý về thơ của Chế Lan Viên. Đối với những bài thơ triết lý về thơ, tác giả đã khẳng định: Đây có lẽ là phần đặc sắc nhất trong thơ triết lý của anh [9, 348]. Trần Thanh Đạm cho rằng: Chế Lan Viên không đồng nhất nghệ thuật với đời sống, không hề chủ trương “phản ánh hiện thực” một cách thô thiển, dung tục. [9, 349] Ngoài ra, tác giả còn nhận thấy Chế Lan Viên có những bài thơ đặc sắc về sự sáng tạo nghệ thuật, có những bài thơ ghi lại nỗi thao thức, day dứt sáng tạo của nhà thơ trong giai đoạn cuối đời [9, 350 - 351]. Nguyễn Bá Thành với Đọc hai tập Di cảo thơ (Tạp chí Văn nghệ quân đội, 4 - 1994) quan tâm đến hình ảnh, giọng thơ và nhận ra sự thay đổi về giọng thơ, hình ảnh thơ, âm điệu thơ, phương pháp tư duy. Nguyễn Thái Sơn qua Chế Lan Viên và Di cảo thơ (Văn nghệ, 4-3-1995) chú ý và phát hiện ra những tình cảm, nỗi niềm, những giá trị nhân văn và nghệ thuật. Di cảo thơ Chế Lan Viên của Võ Tấn Cường (Tạp chí Cửa Việt, 9 -1995) khẳng định ba tập thơ là di chúc thơ về cuộc đời và nghệ thuật. Di cảo thơ Chế Lan Viên hành trình tìm lại chính mình của Nguyễn Quốc Khánh (Tạp chí Văn học, 1999) và Chế Lan Viên trong Di cảo của Vũ Quần Phương (Tài hoa trẻ, tháng 8 -1999) chú ý “cái tôi” của nhà thơ luôn trăn trở về thơ, nghề thơ, cuộc sống, con người… Những cách tân về cấu trúc câu thơ của Nguyễn Lâm Điền (Chế Lan Viên giữa chúng ta, tháng 5 - 1999) nghiên cứu về nghệ thuật mở rộng câu thơ trong thơ Chế Lan Viên từ Ánh sáng và phù sa cho đến những bài hoàn chỉnh trong Di cảo thơ có một bước phát triển ở mức cao hơn. Ở đó, loại câu thơ 5, 6, 7 tiếng và nhiều hơn đạt được thành công đáng kể. Trong bài viết, tác giả cũng cho thấy Chế Lan Viên tìm đến những câu thơ dài, ngắn để diễn tả trọn vẹn ý tình của nhà thơ đối với cuộc sống, mặc dù có những câu thơ ngắn nhưng lại có khả năng sải cánh cả tâm hồn. Hồng Diệu với bài viết Thơ về thơ của Chế Lan Viên (Chế Lan Viên giữa chúng ta, 1999) nghiên cứu về quan niệm thơ của Chế Lan Viên trong Di cảo thơ gồm: quan niệm về vị trí, trách nhiệm của nhà thơ, về mối quan hệ giữa thơ với con người, thơ với hiện thực, về thơ với người đọc, về nghệ thuật làm thơ. Tài năng và tính cách độc đáo Huy Phương (Chế Lan Viên giữa chúng ta, 1999) đã đưa ra nhận xét khá khái quát về đời thơ của Chế Lan Viên: Nghĩ về anh với đời thơ của anh, tôi cứ muốn dùng hình ảnh cây cầu bắc ngang dòng sông lớn của thời đại mà mốc cầu bên này là Điêu tàn […] và mốc cầu bên kia là Di cảo thơ, một bộ tâm sử bằng thơ hiếm thấy trong bất cứ nền thi ca xứ sở nào [34, 187]. Trong bài viết, tác giả nghiên cứu Di cảo thơ dưới góc độ nội dung. Di cảo thơ là sự độc thoại, tự xem xét mình một cách nghiệt ngã và chân thành của Chế Lan Viên, là nỗi đau của nhân thế, những băn khoăn, day dứt với vận mệnh con người của nhà thơ. Bài nghiên cứu Trí tuệ, tài năng, tâm hồn của Lê Đình Kỵ (Chế Lan Viên giữa chúng ta, 2000) viết về sự thay đổi giọng điệu của Chế Lan Viên trong Di cảo thơ so với những tập thơ trước. Tác giả nhận thấy Chế Lan Viên trong Di cảo thơ chú ý đến nỗi đau của đời người sau những âm vang hùng tráng của chiến tranh, chú ý đến bi kịch của sáng tạo, quan tâm đến mọi vấn đề của cuộc sống, thi ca với một trí tuệ, tâm hồn mẫn tiệp: Chế Lan Viên đã đào xới, lật xuôi lật ngược đủ thứ vấn đề lớn nhỏ của đời sống, của tâm hồn, của thơ ca.[26, 35] Đến bài viết Quan hệ thơ và phê bình trong trước tác của Chế Lan Viên của Lê Quang Trang (Chế Lan Viên giữa chúng ta, 2000) đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa chất thơ và chất phê bình. Sự lựa chọn đề tài, chủ đề để biểu lộ, suy nghĩ, ý tưởng triết lý từ tác phẩm đầu tay Điêu tàn đến những tập Di cảo thơ sau này đều có sự chi phối của lý trí, ý thức hay nói như Chế Lan Viên là với óc phê bình giúp đỡ. Triết luận về thân phận con người trong Di cảo thơ của Trần Hoài Anh (2003) chú ý tính triết lý trong Di cảo thơ biểu hiện qua “cái tôi” của nhà thơ. Đến Di cảo thơ: Một cái nhìn mới về hiện thực, một quan niệm của Trần Hoài Anh (2006) phát hiện cái mới mẻ, độc đáo trong quan niệm thơ hướng về hiện thực ở Di cảo thơ so với những tập thơ trước. Ngoài những bài viết trên, tập chuyên luận Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên của Hồ Thế Hà (2005) nghiên cứu khá toàn diện, sâu sắc về đặc trưng nghệ thuật thơ Chế Lan Viên. Trong tập chuyên luận, tác giả chỉ ra sự thay đổi về nghệ thuật trong Di cảo thơ so với những tập thơ trước như: không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật ở Di cảo thơ là không gian đời tư, triết lý: Từ không gian rộng, ông lui về tâm tình, tự vấn, tự thoại trong vùng không gian hẹp để phát giác nhiều quan hệ mới. [14, 133]. Thời gian nghệ thuật trong ba tập thơ này là thời gian đời tư, chiêm nghiệm giúp nhà thơ phát hiện thêm những chân lý mới của đời sống: Di cảo thơ chính là hành trình tìm lại thời gian và phát hiện mới về thời gian của Chế Lan Viên.[14, 161]. Bên cạnh đó, Hồ Thế Hà cũng chú ý đến phương thức biểu hiện trong thơ, đặc biệt là các biện pháp tu từ đặc sắc. Tác giả nhấn mạnh: Vẻ đẹp duy lý của thơ Chế Lan Viên tạp trung đậm đặc ở biện pháp so sánh và biện pháp đối lập [14, 173]. Đi vào nghiên cứu biện pháp đối lập, tác giả chú ý đến biện pháp đối lập trong Di cảo thơ và rút ra những giá trị của biện pháp này: Đó là đối lập từ gần – đến xa, trên – dưới, tạo ra sự đối lập không gian, biểu hiện chiều kích của cuộc sống và lịch sử; đối lập xưa – nay, hiện tại – quá khứ - tương lai […] Tất cả những đối lập đó được điều khiển bởi một tư duy duy lí sắc sảo. [14, 177]. Nghiên cứu biện pháp so sánh, tác giả chú ý các kiểu so sánh: A là B, A như B, A thành B và khẳng định: Giá trị của những sao sánh và cấu trúc trong thơ Chế Lan Viên là đã tạo được nhiều tầng nghĩa, nhiều kết hợp và nhiều giọng điệu, hình ảnh mới lạ.[14, 189]. Những bài nghiên cứu đã đánh giá, tìm hiểu quan niệm thơ, cái tôi trữ tình cùng phong cách thơ triết luận của Chế Lan Viên qua Di cảo thơ. Từ đó khẳng định tài năng, đóng góp nhiều giá trị cùng sự trường tồn của Chế Lan Viên trong nền văn học dân tộc. Những bài viết trên chỉ dừng lại ở tính chất gợi mở, chưa thực sự đi sâu, hệ thống về quan niệm thơ, hình tượng cũng như ngôn từ nghệ thuật. Nhưng những giá trị của những bài nghiên cứu trên, là cơ sở để người viết tiếp thu, phát huy những thành quả để phát triển đề tài. 3. Mục đích nghiên cứu - Tìm hiểu những quan niệm mới mẻ sâu sắc của Chế Lan Viên về thơ ca qua Di cảo thơ. - Khẳng định những khám phá, đóng góp mới, đặc sắc của Chế Lan Viên về hình tượng, ngôn ngữ nghệ thuật qua ba tập Di cảo thơ. 4. Phạm vi nghiên cứu - Ba tập Di cảo thơ: + Chế Lan Viên 1992. Di cảo thơ (tập 1). NXB Thuận Hóa. Huế. + Chế Lan Viên 1993. Di cảo thơ (tập 2). NXB Thuận Hóa. Huế. + Chế Lan Viên 1996. Di cảo thơ (tập 3). NXB Thuận Hóa. Huế. - Do mục đích của đề tài, người viết tập trung vào quan niệm thơ, hình tượng và ngôn từ nghệ thuật. - Ngoài ra, người viết so sánh quan niệm thơ, hình tượng và ngôn từ nghệ thuật trong ba tập Di cảo thơ với những tập thơ Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường – Chim báo bão, Đối thoại mới, Hái theo mùa… 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp phân tích, tổng hợp Người viết sử dụng phương pháp này để phân tích một số bài thơ, dẫn chứng đặc sắc, nổi bật để làm sáng tỏ những luận điểm của luận văn. Từ đó thấy rõ những đóng góp mới mẻ của Chế Lan Viên trong quan niệm thơ, hình tượng, ngôn từ, không gian và thời gian nghệ thuật qua Di cảo thơ. - Phương pháp so sánh + So sánh lịch đại: so sánh Di cảo thơ với những tập thơ trước như; Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường – Chim báo bão, Hoa trên đá… để thấy điểm tương đồng và khác biệt. Từ đó thấy được tính ổn định cũng như sáng tạo của Chế Lan Viên trên hành trình nghệ thuật của ông. + So sánh đồng đại: so sánh Di cảo thơ của Chế Lan Viên với thơ của một số nhà thơ như Tố Hữu, Yến Lan…để thấy được nét khác biệt, sáng tạo, những đóng góp riêng của Chế Lan Viên. - Phương pháp thống kê, phân loại: Với phương pháp này, người viết có thể để đưa ra những số liệu cụ thể, chính xác về các biện pháp nghệ thuật mà Chế Lan Viên sử dụng trong Di cảo thơ. Từ đó thấy được sự nổi bật trong đặc điểm, sự sáng tạo của Chế Lan Viên về ngôn ngữ thơ. - Phương pháp xã hội học: Người viết chú ý đến hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh sống của Chế Lan Viên trong khi sáng tác những bài thơ vào lúc cuối đời để thấy được sự tác động của lịch sử xã hội, đời sống tác động đến quan niệm thơ cũng như hình tượng, ngôn từ, không gian và thời gian nghệ thuật trong Di cảo thơ. 6. Những đóng góp của luận văn - Hệ thống quan niệm thơ của Chế Lan Viên cùng hình tượng, ngôn từ, không gian và thời gian nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng trong Di cảo thơ. - Khẳng định phong cách nghệ thuật cũng như những đóng góp độc đáo của Chế Lan Viên về quan niệm thơ, hình tượng, ngôn từ, không gian và thời gian nghệ thuật qua Di cảo thơ. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài mở đầu và kết luận thì luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Quan niệm thơ trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên Trong chương này, tìm hiểu quan niệm độc đáo của Chế Lan Viên về thơ ca và nhà thơ. Chương 2: Hình tượng nghệ thuật qua Di cảo thơ của Chế Lan Viên Trong chương 2, luận văn trình bày những hình tượng nổi bật trong Di cảo thơ: hình tượng thiên nhiên, hình tượng Tổ quốc và hình tượng con người Chương 3: Ngôn từ nghệ thuật qua Di cảo thơ của Chế Lan Viên Trong chương 3, luận văn tìm hiểu, khám phá những điểm nổi bật về ngôn từ, không gian và thời gian nghệ thuật ở phương diện: giàu tính triết luận, kết hợp đa dạng các biện pháp tu từ… CHƯƠNG 1 QUAN NIỆM THƠ QUA DI CẢO THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN 1.1. Quan niệm về thơ ca Chế Lan Viên là nhà thơ tiêu biểu cho phong cách thơ giàu trí tuệ, giàu tính triết luận với tư duy sắc sảo. Trong cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật của mình, nhà thơ không chỉ đơn thuần sáng tác thơ mà biến thơ thành những quan niệm, thành những lý luận độc đáo, sâu sắc về thơ. Những quan niệm nghệ thuật đúc kết từ hành trình lao động nghệ thuật không mệt mỏi của Chế Lan Viên được tập hợp trong nhiều tập thơ, phê bình, tiểu luận. Lê Đình Kỵ cho rằng những bài thơ viết về thơ của Chế Lan Viên là thơ lí luận và hình như ở thơ Việt Nam hiện đại, Chế Lan Viên là người mở đầu cho lối thơ này [25, 39]. Thật vậy, quan niệm về thơ ca của Chế Lan Viên được hình thành sau những trăn trở, nghĩ suy, khao khát khám phá thấu đáo công việc sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ đã trở thành một bộ phận quan trọng trong các tập thơ của ông, bắt đầu từ lời tựa trong tập Điêu tàn cho đến những bài thơ viết về thơ trong các tập thơ thời cách mạng và đặc biệt là trong Di cảo thơ, ba tập thơ được viết lúc cuối đời. Qua tìm hiểu, người viết nhận thấy quan niệm thơ của Chế Lan Viên trong ba tập Di cảo thơ có sự kế thừa cũng như đổi thay so với quan niệm thơ thể hiện ở những tập thơ trước đó, được biểu hiện nổi bật ở một số phương diện sau: 1.1.1. Thơ phải “ăn mặn vào miếng đời phàm tục” và “cần nhân thế” Con đường thơ của Chế Lan Viên trải qua nhiều giai đoạn từ trước cách mạng cho đến lúc cuối đời. Di cảo thơ là tập hợp phần lớn những bài thơ được viết sau 1975. Hoàn cảnh xã hội của đất nước sau 1975 chuyển sang giai đoạn mới đã tác động mạnh mẽ đến cái nhìn hiện thực cũng như quan niệm thơ của Chế Lan Viên. Hiện thực cuộc sống bây giờ không phải là những tháng năm hào hùng, vinh quang của một thời đại vẻ vang mà là những đắng cay của con người khi đối diện với muôn mặt của cuộc sống đời thường. Vấn đề đặt ra lúc này không phải là vận mệnh dân tộc mà là số phận của từng cá nhân. Điều đó tạo xu hướng vận động của văn học giai đoạn này hướng đến cảm hứng thế sự và đời tư, thay thế cảm hứng lịch sử và dân tộc trước đó. Và đây trở thành tiền đề làm nên cái nhìn mới mẻ về hiện thực của Chế Lan Viên trong Di cảo thơ. Trong quan niệm về thơ ở Di cảo thơ, Chế Lan Viên đề cao vai trò phản ánh hiện thực của thơ ca. Hiện thực của Chế Lan Viên trong ba tập thơ này xoay quanh trục cảm hứng về bản thể thơ và bản thể của con người. Nhà thơ đã từng trăn trở, băn khoăn và hoài nghi về những giá trị, nhiệm vụ, bản chất của thơ mình ở những chặng đường trước kia: Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ Nghĩ mà thương (Sử) Nhìn lại một chặng đường thơ đã qua với những tập thơ Gửi các anh, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường – Chim báo bão, … Chế Lan Viên nhận thấy sứ mệnh của thơ là song hành với lịch sử biến động của dân tộc, phục vụ cho kháng chiến, cho cách mạng, tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước. Lúc này số phận của từng cá nhân không phải là vấn đề bức thiết đặt lên hàng đầu mà số phận của dân tộc mới là vấn đề cần giải quyết. Vì thế thơ ca phải làm nhiệm vụ có ý nghĩa và thiết thực là đáp ứng yêu cầu bức thiết của thời đại. Thơ và quan niệm thơ của Chế Lan Viên không nằm ngoài xu hướng đó. Chế Lan Viên đã khái quát thiên chức xã hội của thơ: Thơ cần có ích Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi. (Nghĩ về thơ) Với Chế Lan Viên, quan niệm Thơ cần có ích lúc đó không chỉ dừng ở mặt tư duy, ở nhận thức, ở lý luận mà đã biến thành tình cảm, là thái độ sống, là hoài bão của nhà thơ trong những ngày tháng đau thương mà anh dũng: Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngã vào tay. (Thơ bình phương - Đời lập phương) Có thể nói quan niệm Thơ cần có ích của Chế Lan Viên cũng nằm trong dòng cảm xúc chủ lưu của thơ ca cách mạng và kháng chiến. Đó cũng là một trong những yêu cầu mà thời đại đặt ra cho thơ, và là một phẩm chất, một chuẩn thẩm mỹ của thơ chi phối quá trình sáng tạo của nhà thơ. Để chỉ rõ hơn sự có ích của thơ, Chế Lan Viên cho rằng thơ không phải chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh, phải đập bàn quát tháo lo toan, nghĩa là thơ phải trở nên mạnh mẽ, dữ dội, phải có chất “thép” và tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, quan niệm ấy thật có ý nghĩa và thiết thực, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của dân tộc và thời đại. Vì vậy, thơ có ích còn là loại thơ phải đem đến cho con người sự hồi sinh, sự bừng ngộ, và hơn thế nữa thơ phải biến thành một thứ lửa truyền qua muôn đời: Câu thơ ư, là cách chuyển lửa qua muôn đời (Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...). Nhiệm vụ của thơ cũng thay đổi khi thời đại đổi thay. Những tháng năm lắm hào hùng nhưng cũng không ít đau thương qua đi nhường chỗ cho thời kì “đổi mới” quá độ của đất nước mà mỗi cá nhân phải đối diện với muôn vàn đắng cay, vất vả của cuộc sống đời thường đầy biến động của nền kinh tế thị trường. Các nhu cầu về xã hội, về cá nhân dần dần thay thế cho nhu cầu chính trị, cộng đồng và trở thành trung tâm của tiếng nói trữ tình. Nằm trong dòng chảy của đời sống xã hội nói chung và đời sống văn học nói riêng, quan niệm về thơ của Chế Lan Viên đã có sự thay đổi và chuyển hướng theo xu thế gần với đời tư, thế sự, nhân sinh. Nhà thơ đã tìm ra hướng đi mới cho thơ mình để phù hợp với thời đại và sự vận động trong quan niệm về thơ của mình đã được chính nhà thơ khẳng định: Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm Tiếng hát lẫn với im lìm của đất Vườn lặng yên mà thơm mùi mít mật Còn hơn anh rồ giọng hát vang ngân (Giọng trầm) Trong thời đại cả dân tộc nêu cao tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và đất nước giành được những thắng lợi vẻ vang thì giọng cao hào sảng mang hồn chiến trận, phải đập bàn quát tháo lo toan của thơ là điều cần thiết. Nhưng khi chiến tranh đi qua, những chiến tích chỉ còn là quá khứ thì giọng trầm của thơ lúc này lại cần thiết cho việc đi sâu vào bản thể thơ, bản thể con người, quan tâm đến những số phận bé nhỏ đời thường đang đối diện với những đổi thay trong thời đại mới. Nhân sinh, thế sự đem đến hơi thở, hồn thơ và trở thành chủ đề chính trong sáng tác của Chế Lan Viên. Hàng loạt những bài thơ được viết ra như Từ thế chi ca, Lộn trái, Thời gian nước xiết, Hồi ký bên trang viết….là những suy niệm mới của nhà thơ về vấn đề sống, chết, sáng tạo, sự hữu hạn, cõi vĩnh hằng trong cuộc đời và trong mỗi người. Lấy đời tư, thế sự làm chất liệu, nguồn cảm hứng cũng như đối tượng phục vụ của thơ ca, Chế Lan Viên quan niệm: Đâu dám dựng thơ như tháp nhiều tầng Tôi lại thích bài thơ nằm giữa cỏ (Tháp cao tăng) Thơ nằm giữa cỏ là thơ đến với đời thường, những cuộc đời, những số phận, những vấn đề tưởng chừng quá quen thuộc, nhỏ bé, thậm chí bị khuất lấp ít được quan tâm thì giờ lại đem đến sức sống cho thơ của Chế Lan Viên. Quan niệm này gần tương đồng với quan niệm trong Ánh sáng và phù sa: Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép (Tiếng hát con tàu) Ở Ánh sáng và phù sa, Chế Lan Viên bộc lộ quan điểm thơ phản ánh hiện thực. Hiện thực hiện lên trong tập thơ là hiện thực lớn lao của dân tộc, Tổ quốc đang thay da đổi thịt. Còn trong Di cảo thơ, quan niệm thơ phản ánh hiện thực đi vào chiều sâu của thế sự, đời tư. Để thể hiện được sự đa diện, đa chiều của vấn đề thế sự, nhân sinh, thơ không chỉ phản ánh hiện thực ở bề mặt của nó mà phải đi vào bề sâu, bề xa, phải ăn mặn vào miếng đời phàm tục (Thơ thế kỷ 20). Trước đây, Chế Lan Viên đã quan niệm đời cho thơ chất mặn: Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Chất mặn của đời theo nhà thơ cảm nhận là cái vị rất thực của đời, là cảm hứng của thơ ca. Giờ đây cũng thế, thơ ca tìm được vị mặn của cuộc đời để tạo nên vị mặn cho nó, phải bước vào cuộc sống còn nhiều những lo toan, cay đắng, khốn khó trong những ngày đầu “đổi mới” để nêu bật được vấn đề xã hội, cá nhân con người đang quan tâm một cách chân thành, sâu sắc, toàn diện. Không chỉ vậy, thơ cần phải lăn lộn với cuộc đời dạn dày ăn gió nằm sương, lội tuyết, lội bùn, xông vào lửa bỏng (Thơ ) thì mới thể hiện đời sống của cá nhân và bể đời rộng lớn một cách phong phú, đa chiều, đa diện ở mặt phải lẫn mặt trái. Vì vậy mà nhà thơ khẳng định Thơ là cộng đời anh cùng vô vàn cái không phải nó (Chống lại thơ Đường). Bên cạnh đó, quan niệm mới về thơ gắn liền với cảm hứng đời tư, thế sự cũng được Chế Lan Viên khái quát trong Di cảo thơ. Đó là quan niệm thơ cần nhân thế (Thơ hiện đại), tức là thơ quan tâm đến thân phận của con người. Lúc này, thơ trong quan niệm của Chế Lan Viên không còn là sự đưa ru hay thức tỉnh, đập bàn quát tháo lo toan mà thơ phải hướng tới với những nỗi đau của con người, phải lau nước mắt, phải là nước mắt/ dưới xa kia (Tìm đường). Thơ phải quan tâm, trăn trở tìm sự hòa hợp giữa mối quan hệ “ta” và “mình”, giữa niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, được và mất, vinh quang và cay đắng của kiếp nhân sinh: Câu thơ có nghĩa đơn mà hồn phải kép Viết cái ấm của ta mà không quên cái rét của mình (Hai xứ) Với một hồn thơ không yên ổn, đầy những dằn vặt, trăn trở như Chế Lan Viên thì thơ trong quan niệm của ông phải bao trùm cõi tinh thần của con người, không được phép chỉ hướng tới niềm vui, hạnh phúc, vinh quang… mà quên đi khổ đau, bất hạnh, đắng cay…. Nhưng thơ không chỉ dừng lại ở việc phản ánh cõi tinh thần sâu thẳm, phức tạp của con người mà trên hết thơ phải là Thuốc có khả năng chữa lành những vết thương trong cõi tinh thần của con người: Có vào nỗi đau mới có ích cho người. Đó mới chính là những vần thơ có giá trị:
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan