Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn nguyễn khuyến...

Tài liệu Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn nguyễn khuyến

.PDF
63
323
110

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NGÀNH: CỬ NHÂN NGỮ VĂN : HỌ TÊN: NGUYỄN MỸ LINH MSSV: 6062188 Chủ đề QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG THƠ VĂN NGUYỄN : KHUYẾN CÁN BỘ HƯỚNG DẪN PHAN THỊ MỸ HẰNG Cần Thơ, 8/5/2010 Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích, yêu cầu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu NỘI DUNG Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Khái niệm 1.1.1. Quan niệm 1.1.2. Quan niệm nghệ thuật 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại Việt Nam 1.2.1. Thế kỷ X – XV 1.2.2. Thế kỷ XVI – XIX 1.3. Nguyên nhân ảnh hưởng đến quan niệm con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến 1.3.1. Nhận ra thực chất của con người trong xã hội phong kiến triều Nguyễn 1.3.2. Nhận ra sự vô nghĩa trống rỗng của tầng lớp trí thức đương thời Chương 2 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI NHÀ NHO TRONG THƠ VĂN NGUYỄN KHUYẾN 2.1. Con người ẩn dật 2.1.1. Ưu tư về thời thế 2.1.2. Ưu tư về bổn phận 2.2. Con người tự trào 2.2.1. Mất lòng tin vào chính mình 2.2.2. Phủ nhận cuộc sống hiện tại Chương 3 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI CỦA CUỘC SỐNG NÔNG THÔN TRONG THƠ VĂN NGUYỄN KHUYẾN 3.1. Con người nông thôn được miêu tả ở khía cạnh đời thường 3.1.1. Con người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày 3.1.2. Con người trong quan hệ ứng xử cộng đồng 3.2. Con người nông thôn được miêu tả bằng ngôn ngữ đời thường 3.2.1. Ngôn ngữ của đời sống 3.2.2. Ngôn ngữ của dân gian KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -1- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến 1. Lý do chọn đề tài Có những nhà thơ chỉ thoáng nhẹ hồn người. Nhưng cũng có nhà thơ dù ra đời rất lâu vẫn để lại một sức sống rất sâu trong lòng người đọc. Nguyễn Khuyến là nhà thơ như thế! Nói như Nguyễn Văn Huyền “trăm năm bia đá thì mòn”, chứ trăm năm “bia thơ” hình như mới chỉ có thể coi là thời gian thử thách một cái tên. Mà cánh cửa đài thơ Yên Đổ dường như vẫn còn hé mở. Cứ mỗi lần hé thêm, là một lần gây sửng sốt. “Thời gian và thời đại sẽ còn cho sức khám phá” [12, tr87]. Thật vậy, với thời gian, thơ Nguyễn Khuyến ngày càng phát hiện được thêm nhiều thì ấn tượng ngày càng thêm đậm nét. Và nhìn ở góc độ nào, sáng tác của ông cũng có thể trở thành những điều luận bàn lý thú, cũng mở rộng kích thước so với cách nghĩ ban đầu. Thơ văn Nguyễn Khuyến, đó là những di sản tinh thần quý báu của dân tộc, những gì trong hàng thế kỷ qua nó vẫn sống, vẫn tồn tại và vẫn mãi được tranh luận. Bởi lẽ từng trang viết ấy được sáng tạo nên bằng cả tài năng và tâm huyết của nhà thơ, từ “một bản lĩnh rất phong phú, tưởng như mềm mại mà lại cứng cáp. Nếu có mềm cũng chỉ mềm như tơ lụa, thực chất là bền dai” [26, tr231]. Vì vậy “giáo lý nho gia khoa bảng và xiêm áo của triều đình phong kiến đã không che lấp nổi nhà thơ nhân bản Nguyễn Khuyến được nuôi dưỡng từ nhân bản Việt Nam…Chính cái nhân bản này là gốc rễ bền vững cho tài thơ, hồn thơ Nguyễn Khuyến có được cành lá sum suê rợp bóng và vĩnh viễn rợp bóng với thời gian” [26, tr152]. Nguyễn Khuyến là nhà thơ nhân bản lớn. Biểu hiện của sự nhân bản ấy là cái nhìn yêu thương, bao dung đối với con người. Bằng sự trải nghiệm của cuộc đời, ông đã có cái nhìn thấu đáo về con người cuối thế kỷ XIX. Từ đó Nguyễn Khuyến mang đến cho người đọc nhiều cách nhìn và góc nhìn mới mẻ về con người. Đọc thơ ông có thể giúp chúng ta một bài học về sự hiểu biết con người, về cuộc đấu tranh để tự nâng mình. Vì những lý do trên người viết đã chọn vấn đề “Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến” làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp. Qua đề tài này, người viết mong muốn có thể bày tỏ những suy nghĩ về cách nhìn nhận đánh giá về con người của Nguyễn Khuyến. Đồng thời người viết muốn khẳng định lại giá trị hiện hữu của thơ văn Nguyễn Khuyến. Cũng như giúp cho người viết tự SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -2- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến trau dồi thêm vốn kiến thức của mình để hiểu sâu sắc thêm về thơ văn, về tư tưởng tình cảm và tài năng của đại thi hào Nguyễn Khuyến. 2. Lịch sử vấn đề Trong khoảng bốn thập kỷ vừa qua, việc nghiên cứu thơ văn Nguyễn Khuyến đã đạt được những thành tựu hết sức cơ bản trên nhiều phương diện: Sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của nhà thơ cho sự phát triển của văn học dân tộc. Hình ảnh con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến nhìn chung đã được đề cập trong các công trình công phu nghiên cứu về tác phẩm. Còn “quan niệm nghệ thuật về con người” cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm và đặt ra trong bài viết của mình. Trong công trình nghiên cứu “Lịch sử văn học Việt Nam tập 4a” (7), Nhóm tác giả đã khái quát rõ nét và sâu sắc xã hội cuối thế kỷ XIX trong buổi giao thời. Họ gọi “nó là con đẻ của quân xâm lược nên đặc điểm nổi bật là phi nghĩa đến trắng trợn”. Bởi lẽ xã hội này không được xây dựng trên những tư tưởng tốt đẹp dành cho con người. Ngược lại xã hội ấy “sinh trên cơ sở của những tư tưởng cướp nước, đầu hàng và tư tưởng xu danh trục lợi” [7, tr8]. Đồng thời các tác giả còn chỉ rõ bản chất thực của con người dưới triều đại Nguyễn Mạc. Đó là những con người “bất nhân phi nghĩa”, những kẻ xấu xa lố bịch “lại công nhiên trơ tráo, chẳng thèm đếm xỉa đến dư luận” như “những tên bồi bếp đắc lực được Pháp cất nhắc lên chức tổng đốc, những gái đĩ, me tây được phong hàm quan tỉnh, những tên đao phủ đầm đìa máu nhân dân trở thành cột trụ của triều đình” [7, tr8]. Và khi đi sâu vào từng tác giả tiêu biểu của thơ văn cuối thế kỷ XIX, Nhóm tác giả còn phản ánh hình ảnh thê thảm, bất lực của tầng lớp trí thức cuối mùa “những người đó “tiếng có” mà “miếng không”,địa vị xã hội vào hàng “chẳng phải quan mà chẳng phải dân”. Họ sống trong cái vòng mâu thuẫn…Rõ là họ bứt xé, họ cựa quậy, nhưng dù thế nào đi nữa cái xã hội đã đổi thay ấy vẫn đẩy họ về với cuộc sống của những con người thất thế, bế tắc” [7, tr8]. Như vậy, công trình nghiên cứu về “Lịch sử văn học Việt Nam tập 4a” (7) cuối thế kỷ XIX là cơ sở quan trọng giúp người viết nắm rõ hơn về bối cảnh lịch sử cũng như tính chất vốn có của con người cuối thế kỷ XIX. Từ đó đi vào khai thác SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -3- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến nội dung “Nguyên nhân ảnh hưởng đến quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến”. Trong công trình nghiên cứu “Những thế giới nghệ thuật thơ” (21), Trần Đình Sử có một bài viết hay, cô đọng, xúc tích về “Con người trong sáng tác Nguyễn Khuyến”. Trong bài viết này, Trần Đình Sử đã có những nhận xét xác đáng về “quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến”. Ông khẳng định những nét mới, những ưu điểm mạnh trong cách quan niệm con người của Nguyễn Khuyến. Ông cho rằng Nguyễn Khuyến “đã ghi lại được bộ mặt một thời tàn tạ trong đó con người hiện lên vô bản sắc. Bị cầm tù trong thế giới quan cũ” [21, tr128]. Ông lý giải, đánh giá cách nhìn nhận, miêu tả của Nguyễn Khuyến về từng loại người dưới thời Nguyễn Mạc. Mỗi một nhận định đánh giá Trần Đình Sử đều đưa ra ví dụ cụ thể để minh chứng cho ý kiến của mình. Bên cạnh đó ông chỉ ra những mặt hạn chế cách quan niệm con người trong thơ Nguyễn Khuyến “Nguyễn Khuyến chưa có quan niệm rành rọt về con người xã hội. Ông chỉ có thể hình dung một con người đứng trong trời đất như các nhà nho, phân biệt người làm theo chuẩn mực và người bất cập chuẩn mực” [21, tr128]. Vì “Nguyễn Khuyến còn đứng cách xa phong trào yêu nước chống ngoại xâm sôi sục trong triều cũng như trong làng quê và điều đó không khỏi hạn chế cách quan niệm con người của ông” [21, tr128]. Cuối cùng Trần Đình Sử khẳng định “nhưng ông là nhà thơ cổ điển đầu tiên thấy cái rỗng không của con người lý tưởng truyền thống, là nhà thơ mở đầu sự đổi thay các ý nghĩa tượng trưng của hệ thống thi pháp cổ xưa” [21, tr139]. Như vậy, trong công trình nghiên cứu “Những thế giới nghệ thuật thơ” (21), tiêu biểu là bài viết “Con người trong sáng tác Nguyễn Khuyến” đã mang đến cho chúng ta cách nhìn nhận và đánh giá tổng quát quan niệm về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến. Công trình nghiên cứu “Nguyễn Khuyến – về tác gia và tác phẩm” (26) đã tập hợp một cách rộng rãi những bài viết và công trình khoa học tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Khuyến từ xưa đến nay. Đây là điều kiện thuận lợi giúp người viết dễ dàng tiếp xúc được nhiều nguồn tư liệu quan trọng để hoàn thành bài viết của mình: “Nhà thơ Nguyễn Khuyến”, “Tâm trạng Nguyễn Khuyến qua thơ tự trào”, “Tính bi kịch trong thơ Nguyễn Khuyến”…Trong đó bài nghiên cứu “Nhà SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -4- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến thơ Nguyễn Khuyến”, Lê Trí Viễn đã khẳng định tấm lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Khuyến, “bao trùm toàn bộ tác phẩm là một lòng yêu nước thiết tha phát xuất từ một tâm hồn nồng nàn tình cảm” [26, tr170], biểu hiện của tấm lòng yêu nước ấy là nỗi ưu tư lo lắng về thời thế, là tình cảm sâu nặng đối với gia đình, bạn bè, hàng xóm. Ngoài ra trong bài viết này tác giả còn có những nhận xét tinh tế về nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khuyến “về nghệ thuật, ông đã làm cho văn đàn cuối thế kỷ XIX tươi lên với giọng cười nhẹ nhàng, mát mẻ và làm cho văn chương mô tả của ta giàu thêm nhiều bức tranh chấm phá linh hoạt.” [26, tr187] Với bài nghiên cứu “Tâm trạng Nguyễn Khuyến qua thơ tự trào”, Vũ Thanh đã đề cập đến những vấn đề quan trọng có liên quan đến “con người tự trào” trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông đã phân tích sâu sắc diễn biến tâm trạng của Nguyễn Khuyến qua thơ tự trào. Đó là từ “thái độ tự tin vào bản thân” cho đến “từ nghi ngờ đi đến phủ định”. Như vậy, với công trình “Nguyễn Khuyến – về tác gia và tác phẩm” (26), các tác giả như Lê Trí Viễn và Vũ Thanh tuy không đi vào việc phân tích quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến nhưng ở một số khía cạnh, các tác giả cũng nghiên cứu việc thể hiện hình ảnh “con người ẩn dật” và “con người tự trào”. Chính điều đó đã gợi mở một số ý có tính chất định hướng để người viết thực hiện đề tài. Phần quan trọng nhất của “Thi hào Nguyễn Khuyến đời và thơ” (3) là những bài viết tìm tòi bản sắc, phong cách thơ Yên Đổ. Vấn đề xuất xử trước cuộc đời, những bi kịch diễn ra trong tâm trạng nhà thơ, vấn đề nhân bản, cái nhìn nghệ thuật về con người trong thơ văn đều được đề cập một cách thấu đáo. Tất cả đều được nhìn nhận một cách mới mẻ, theo hướng phân tích thi pháp tác giả, phương pháp nghiên cứu loại hình tác giả và tác phẩm, kết hợp với hướng tiếp cận nội dung xã hội đã đem lại cho cuốn sách một diện mạo vừa hiện đại vừa toàn diện. Từ đó mở ra cho người viết nhiều hướng nghiên cứu để hiểu sâu sắc hơn về đề tài. Trong công trình nghiên cứu “Thơ văn Nguyễn Khuyến” (4), Xuân Diệu khẳng định Nguyễn Khuyến là “Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” và là “Nhà thơ của dân tình”. Ông đã có những nhận xét tinh tế về cảnh vật, con người của cuộc sống nông thôn trong thơ Nguyễn Khuyến. Đặc biệt là hình ảnh con người trong quan hệ ứng xử cộng đồng. Đồng thời Xuân Diệu phân tích những lý do góp SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -5- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến phần tạo nên sự thành công về cách miêu tả làng quê và con người của ngòi bút Nguyễn Khuyến. Như nói ở trên “Nguyễn Khuyến – về tác gia và tác phẩm” (26) là công trình tập hợp một cách rộng rãi những bài nghiên cứu công phu về “Nguyễn Khuyến – Về tác gia và tác phẩm”. Trong đó có bài viết “Nghệ thuật thơ văn Nguyễn Khuyến” của Văn Tân và bài viết “Phong cách dân gian trong thơ nôm Yên Đổ” của Trịnh Bá Đĩnh đã đề cập đến những nét đặc sắc về ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Khuyến. Qua quá trình khảo sát thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Tân cho rằng “ngữ ngôn của thơ văn Nguyễn Khuyến (dĩ nhiên đây là nói thơ văn Nôm của ông) do ba nhân tố tạo thành: Ngữ ngôn văn học Việt Nam hồi thế kỷ XVIII, ngữ ngôn của văn học dân gian, chủ yếu là ngữ ngôn của ca dao tục ngữ, ngữ ngôn của nhân dân, chủ yếu là của nông dân hồi cuối thế kỷ XIX. Là tổng hòa của ba thứ ngữ ngôn trên, ngữ ngôn của thơ văn Nguyễn Khuyến biến thành thứ ngữ ngôn thực sự của nhân dân: Xác thực, gợi tả, hồn nhiên mà vẫn sáng sủa” [26, tr410]. Còn Trịnh Bá Đĩnh thì trình bày ý kiến của mình về “phong cách dân gian trong thơ Nôm Yên Đổ”. Ông cho rằng “phong cách dân gian trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến thể hiện trước hết ở cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, mà đặc điểm nổi bật nhất là sự lược quy những mặt khác nhau của hiện thực về phương diện lối sống” [26, tr459]. Ngoài ra “cách nói kiểu dân gian là một phương diện khác trong phong cách dân gian của Nguyễn Khuyến” [26, tr462]. Cuối cùng “một phương diện khác nữa tạo nên phong cách dân gian cho thơ Nguyễn Khuyến là nhà thơ đưa trực tiếp vào thơ mình vốn tục ngữ ca dao của nhân dân” [26, tr463]. Như vậy, với công trình “Nguyễn Khuyến – về tác gia và tác phẩm” (26), các tác giả như Văn Tân và Trịnh Bá Đĩnh tuy không đi vào việc phân tích “quan niệm nghệ thuật về con người của cuộc sống nông thôn trong thơ văn Nguyễn Khuyến” nhưng họ đã mang đến cho chúng ta cách nhìn nhận và những nhận xét tinh tế về đặc điểm ngôn ngữ trong thơ văn Nguyễn Khuyến. Qua quá trình tìm hiểu, tham khảo các ý kiến của các nhà nghiên cứu trong các tiểu luận, chuyên luận về thơ văn Nguyễn Khuyến ta thấy: Vấn đề “Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến” vẫn đang là vấn đề mới. Việc nghiên cứu dường như chỉ dừng lại ở nhận xét về một vài khía cạnh của việc thể hiện con người chứ chưa đi sâu vào việc lý giải con người bằng các phương tiện SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -6- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến nghệ thuật, vấn đề và giới hạn phạm vi chiếm lĩnh đời sống của một hệ thống nghệ thuật, khả năng thâm nhập của nó vào các miền khác nhau của cuộc đời. Vì thế, trong luận văn này, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến, những hướng nghiên cứu cũng như những gợi ý của các nhà nghiên cứu, người viết sẽ cố gắng đi sâu nghiên cứu vấn đề “Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến” một cách toàn diện như một chuyên luận để hiểu cách đánh giá cũng như cách nhìn nhận của Nguyễn Khuyến về con người cuối thế kỷ XIX. 3. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà nghiên cứu, đi vào tìm hiểu đề tài “Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến” nhằm hướng đến các mục đích yêu cầu sau đây: Nắm vững một số kiến thức lí luận văn học chung từ đó người viết đi tìm hiểu một số khái niệm về quan niệm, quan niệm nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật về con người. Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại Việt Nam và quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến. Đồng thời người viết còn so sánh, đối chiếu với các tác giả khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương để làm nổi bật vấn đề. Khẳng định những đóng góp của Nguyễn Khuyến trong việc thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. 4. Phạm vi nghiên cứu Khi thực hiện đề tài “Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến”, người viết sẽ khảo sát cách nhìn nhận, miêu tả, lí giải, cắt nghĩa của Nguyễn Khuyến về những biểu hiện của con người trong thơ văn. Về phạm vi tư liệu người viết chọn các quyển sau đây: Nguyễn Khuyến – Tác phẩm (11) Từ điển thuật ngữ văn học (18) Nguyễn Bỉnh Khiêm – Về tác gia và tác phẩm (25) Nguyễn Du – Về tác gia và tác phẩm (5) SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -7- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến 5. Phương pháp nghiên cứu Qua quá trình tập hợp tư liệu từ các bài viết, các công trình nghiên cứu về Nguyễn Khuyến cùng với việc sắp xếp và trình bày có hệ thống những nhận xét, những ý kiến đánh giá có liên quan đến đề tài, người viết sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh nhằm giải quyết vấn đề một cách xác thực. SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -8- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Khái niệm 1.1.1. Quan niệm Theo Trần Thị Thanh Liêm (15) : Quan (觀): Xem xét Niệm (念): Nghĩ, nhớ Quan niệm “là cách hiểu và cách nhận thức như thế nào đó về một vấn đề”[15, tr488]. Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản ngôn ngữ học Việt Nam (8) định nghĩa “quan niệm” là: a.Hiểu nhận thức như thế nào đó về một vấn đề b.Sự nhận thức như thế nào đó về một vấn đề, một sự kiện [8, tr1066] Theo Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản thống kê (9) định nghĩa: Quan niệm là “ý niệm đối với một việc gì theo quan sát của ta ” [9, tr581] Theo Nguyễn Như Ý: Quan niệm là “cách nhìn nhận đánh giá về một sự vật, một vấn đề” [29, tr1361] Theo Hoàng Phê định nghĩa: Quan niệm là “sự nhận thức như thế nào đó về một vấn đề, một sự kiện” [17, tr771] Theo Đào Duy Anh (1) : “Phàm những ý thức do sự nhận – tri mà có như cảm giác, tưởng niệm, tưởng tượng, khái niệm, đều gọi là quan niệm. Phàm ý thức do ngoại giới cảm thụ mà có cũng gọi là quan niệm, trái với tưởng niệm. Cái ấn tượng đã qua mà hiện tại trong trí nhớ người ta cũng gọi là quan niệm” [1, tr151] Các ý kiến trên tuy có nhiều điểm chưa thống nhất nhưng chúng đã dần làm sáng tỏ định nghĩa “quan niệm”. Chung quy có thể hiểu “quan niệm” là cách nhìn, cách hiểu, và cách đánh giá riêng của mỗi người về sự vật, sự việc hay vấn đề nào SVTH: Nguyễn Mỹ Linh -9- Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến đó. Quan niệm mang tính chủ quan. Mỗi người có quan niệm khác nhau sẽ có cách đánh giá khác nhau về sự vật, sự việc, hiện tượng. 1.1.2. Quan niệm nghệ thuật Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” (6) định nghĩa “quan niệm nghệ thuật là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó có khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó” [6, tr222] Quan niệm nghệ thuật còn “là sự miêu tả hữu hạn của thế giới vô hạn, là cuộc đời, hình tượng văn học phải được mở đầu và kết thúc ở đâu đó, con người và cảnh vật phải được nhìn nhận ở góc độ nào đó” [6, tr222] Do đó “quan niệm nghệ thuật thể hiện cái giới hạn tối đa trước cách hiểu thế giới và con người của một hệ thống nghệ thuật, thể hiện khả năng, phạm vi, mức độ chiếm lĩnh đời sống của nó”. Và “quan niệm nghệ thuật có liên hệ mật thiết với quan niệm thế giới và con người về mặt triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức, chính trị… vốn có của thời đại mình. Nhưng do đặc thù mà quan niệm nghệ thuật có những thể hiện bộc lộ riêng” [6, tr223] Nhận định này cũng được Lê Thu Yến (31) khẳng định “quan niệm nghệ thuật gắn liền với thế giới quan, với quan điểm chính trị. Nhưng nó có sự chuyển hóa từ quan niệm chính trị, quan niệm triết học sang quan niệm nghệ thuật” [31, tr56] Dựa vào mối quan hệ giữa quan niệm nghệ thuật và thế giới quan, Nguyễn Thị Hồng Nam (16) định nghĩa, “quan niệm nghệ thuật là cái nhìn nghệ thuật về thế giới, là cách cảm nhận riêng của mỗi người nghệ sỹ về cuộc đời, con người gắn liền với sự miêu tả nghệ thuật phương tiện nghệ thuật” [16, tr102]. Quan niệm nghệ thuật “là cái nhìn, cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống, con người cùng với mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với tự nhiên xã hội. Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm phải có “chiều sâu của những khái quát nghệ thuật”.(M. B. Khrapchenco) Trên cơ sở xem xét vai trò của quan niệm nghệ thuật Huỳnh Như Phương (18) định nghĩa “cùng với cảm hứng chủ đạo quan niệm nghệ thuật chi phối thế giới hình tượng – ngôn từ của tác phẩm và hình thành cùng một lúc với thế giới đó. Sở dĩ như vậy là vì trong văn học thế giới và con người bao giờ cũng là thế giới và con người được quan niệm. Tác phẩm văn học vì vậy bao giờ cũng mang tính quan SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 10 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến niệm, dù có thể nhà thơ không phát biểu công khai quan niệm của mình hay nhà văn cũng không ý thức thật rõ rệt quan niệm của mình” [18, 210-211] Từ ý kiến của giới nghiên cứu ta có thể rút ra kết luận: “Quan niệm nghệ thuật” là cái nhìn nghệ thuật về thế giới, là cách cảm nhận riêng của mỗi người nghệ sỹ về cuộc đời, con người gắn liền với sự miêu tả nghệ thuật, phương tiện nghệ thuật. Do đó quan niệm nghệ thuật là phương diện cảm thụ chủ quan. “Quan niệm nghệ thuật” có liên hệ mật thiết với quan niệm về thế giới và con người ở tất cả các lĩnh vực: Triết học, khoa học, tôn giáo, đạo đức, chính trị… vốn có của thời đại mình. “Quan niệm nghệ thuật” được kết tinh trong từ ngữ, trong sáng tạo của nhà văn. “Quan niệm nghệ thuật” thể hiện tầm tư tưởng trí tuệ, năng lực hiểu biết lý giải, năng lực cảm nhận và cảm xúc của tác giả trước hiện thực. Nó là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị đích thực của văn chương và vị trí của nhà văn. Nói tới “quan niệm nghệ thuật” là nói tới sáng tạo về chất trong cảm thụ và miêu tả đời sống. Điều này không phải người nghệ sỹ nào cũng làm được mà phải là người có trách nhiệm, có lương tâm nghề nghiệp và có tầm tư tưởng lớn lao, biết khái quát vấn đề. 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại. “Quan niệm nghệ thuật về con người” là một phạm trù quan trọng trong thi pháp học, nó được xem như một phạm trù nghệ thuật thẩm mỹ. Nó là các nguyên tắc cắt nghĩa con người bằng các phương tiện nghệ thuật, phản ánh giới hạn phạm vi chiếm lĩnh đời sống của một hệ thống nghệ thuật, “quan niệm nghệ thuật là nguyên tắc cảm nhận thẩm mỹ về con người nằm ẩn trong cách miêu tả, thể hiện, chứng tỏ chiều sâu chiếm lĩnh con người của tác phẩm” [20, tr41]. Có thể nói rằng “vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người thực chất là vấn đề tính năng động của chủ thể nghệ thuật trong việc phản ánh hiện thực, lý giải con người bằng các phương tiện nghệ thuật, là vấn đề và giới hạn chiếm lĩnh đời SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 11 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến sống của một hệ thống nghệ thuật, là khả năng thâm nhập vào các miền khác nhau của cuộc đời” [23, tr117]. Như vậy, nói tới “quan niệm nghệ thuật về con người” là nói đến cách hiểu, cách cảm nhận con người thể hiện trong cách tái hiện, miêu tả con người. Quan niệm nghệ thuật về con người có khi được nhà văn ý thức một cách rõ rệt, có khi hiện diện một cách vô thức trong ý thức nhà văn. Tuy nhiên nhiều nhà văn lớn khi ý thức sứ mệnh nghệ thuật của mình đã có ý thức sáng tạo ra quan niệm nghệ thuật mới. Trong lịch sử văn học, “quan niệm nghệ thuật về con người” có sự đổi thay qua từng giai đoạn. Sự đổi thay này làm cho khả năng chiếm lĩnh con người trong văn học ngày càng sâu sắc, phong phú và tạo thành lịch sử của sự cảm nhận và miêu tả con người trong văn học. Hay nói một cách khác, Con người trong văn học không phải là con người có trong thực tế mà là quan niệm về con người ấy một cách thẩm mỹ và nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật về con người cũng luôn luôn phong phú, làm cho đối tượng được nhìn từ những góc độ mới. 1.2.1. Thế kỷ X – XV Nổi bật hơn hết ở giai đoạn này là con người cộng đồng, sống vì mọi người, vì nhân dân, vì đất nước. Cái tôi riêng hòa lẫn vào cái ta chung. Xuyên suốt các triều đại Lý – Trần – Lê, hầu như toàn bộ suy nghĩ và hành động của con người đều thuộc về, hướng về đất nước và dân tộc. Con người ấy chỉ tìm thấy ý nghĩa và giá trị cuộc đời mình trong ý thức gắn bó với cộng đồng và trong hành động xả thân vì nghĩa lớn. Cái tôi cá nhân với những cung bậc cảm xúc ít được quan tâm. Điều này cũng do chính đặc điểm bối cảnh lịch sử mang lại. Thế kỷ X –XV là thời kỳ đất nước phải đối mặt với nạn ngoại xâm. Dân tộc phải đảm đương hai sứ mệnh lịch sử to lớn. Đó là “hưng văn trị”, “định vũ công”, bảo vệ tổ quốc, chống họa xâm lăng và xây dựng nền móng vững chắc cho chế độ phong kiến vừa hình thành. Cùng với con người cộng đồng, con người sử thi xuất hiện. Nó có sự kế thừa từ con người thần thoại trong “Lĩnh nam trích quái”, “Việt điện u linh”. Ngoài ra nó có nét riêng, sáng tạo, mang đặc điểm của thời đại. Con người sử thi trong thơ văn giai đoạn này là những người anh hùng, biểu tượng cho sức sống, cho tư thế của cả một dân tộc: “Múa giáo non sông trải mấy thâu SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 12 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến Ba quân khí mạnh át sao Ngâu Công danh nam tử còn vương nợ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu” (Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão). Họ xuất hiện gắn liền với những chiến công hiển hách lừng danh, khí thế ngút trời. Con người sử thi ở thế kỷ X –XV mang dày chiến công và lương tâm dân tộc. Họ khao khát lập chiến công, chiến thắng vì chính nghĩa, vì dân tộc. Họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư cá nhân của mình cho việc lớn. Đồng thời họ kêu gọi người khác hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết như Trần Quốc Tuấn “Các người nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức… Hoặc lấy chuyện chọi gà mà vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc mà tiêu khiển, hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con, hoặc lo làm giàu mà quên việc nước”. Đến phút chiến thắng kẻ thù, con người ấy luôn có những suy nghĩ đẹp đẽ và những hành động mang tính nhân văn cao cả: “Thần vũ chẳng giết hại, thề lòng trời, ta mở đường hiếu sinh Mã kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run. Họ đã tham sống sợ chết, hòa hiếu thực lòng . Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) Bên cạnh con người cộng đồng, con người sử thi, ta còn bắt gặp con người khí tiết giữ mình trong sạch. Cuối thế kỷ XIV nhà Trần không tránh khỏi con đường suy thoái. Một số nhà nho như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An,… vì chán nản, uất hận thời thế nhiễu nhương lui về cuộc sống ẩn dật. Thơ họ bộc lộ rõ nỗi đau của kẽ sĩ chân chính trước thời cuộc. Những tư tưởng yếm thế thoát ly chứa đựng ít nhiều giá trị tích cực, thấm nhuần tinh thần nhân đạo cao cả. Nỗi mong ước khát khao giúp ích đời luôn nung nấu tâm can các nhà nho tiết tháo đương thời: “Ví làm ống bễ lò rèn được. SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 13 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến Thổi thấu lòng người khắp bốn châu”. (Rét xuân – Nguyễn Phi Khanh) Con người tiết tháo, giữ mình trong sạch còn được xuất hiện ở các giai đoạn sau. Nhưng do đặc điểm của từng thời kỳ mà quan niệm về con người có sự đổi thay. Thế kỷ XV với sự xuất hiện của thơ Nôm, con người trong thơ được mở rộng về phía riêng tư, trần tục, “rõ ràng cùng với sự ra đời của thơ Nôm, phạm vi và khả năng biểu hiện của con người trong thơ được mở rộng về phía riêng tư, trần tục, ít quan phương” [22, tr215]. Con người cá nhân xuất hiện nhưng nó vẫn chưa thật sự gắn bó với cuộc đời con người một cách cụ thể, cái tôi rất là mờ nhạt, giáo sư Trần Đình Sử từng khảo sát, trong “Hồng đức quốc âm thi tập, có 59 bài về thời tiết không 1 bài nói về tiết xuân; trong 46 bài nói về nhân vật không 1 bài tiếc thương người đẹp… Chỉ có Nguyễn Trãi có 10 bài thơ tiếc cảnh nói đến tình thương người, tiếc hoa nhưng cũng là thương tiếc bóng gió, chung chung, chưa thấy gắn bó với cuộc đời, con người, số phận cụ thể” [22, tr219]. Nguyễn Trãi là nhà thơ của văn chương trung đại thượng kỳ và hạ kỳ. Trong một số tác phẩm như “Thanh minh” và “Viết trên thuyền côn sơn”, xúc cảm vẫn mang tính cộng đồng nhưng giọng điệu thơ thoang thoáng chút chiều sâu riêng tư. Đặc biệt là tập thơ “Quốc âm thi tập”, Nguyễn Trãi đã có những vần thơ bộc lộ cảm xúc riêng tư, thầm kín của mình. Tác giả gởi vào đó nỗi niềm lo lắng cho vận mệnh đất nước. Đồng thời ông khẳng định tấm lòng trong sạch, khí tiết của mình: “Bui có một lòng trung lẫn hiếu Mài trăng khuyết nhuộm trăng đen”. (Thuật hứng 24) Lúc nào ông cũng canh cánh nỗi lòng phò vua giúp nước. Con người trong thơ day dứt, khôn nguôi về thời đại và mong muốn hiến dâng sức lực, tài năng cho cuộc đời: “Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Phải là người có tầm tư tưởng lớn lao như Nguyễn Trãi mới có những suy nghĩ, ước mơ cao đẹp như thế! SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 14 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến Tóm lại, con người trong văn học giai đoạn này đã có sự phát triển vượt bậc so với thời kỳ trước. Vượt lên trên quan điểm con người lịch sử để đến với con người bình thường trong cuộc sống với ý thức, bổn phận, lương tâm dân tộc. 1.2.2. Thế kỷ XVI –XIX Đây là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội. Nội chiến phong kiến tàn khốc. Đạo đức phong kiến bị suy đồi một cách trầm trọng và mang đầy ung nhọt. Vua chúa, quan lại đương thời ngày càng bộc lộ rõ bản chất xấu xa, thối nát. Cuộc sống của người dân rơi vào cảnh lầm than, cơ cực. Họ bị áp bức, chà đạp vô cùng dã man. Thậm chí những khát vọng hạnh phúc về tinh thần, cá nhân đều bị khước bỏ. Tất cả đã được văn học phản ánh sâu sắc và toàn diện. Đặc biệt con người với khát vọng khẳng định mình và quyền hưởng hạnh phúc cá nhân được các nhà thơ thể hiện chân thực hơn bao giờ hết. Lúc đầu con người cá nhân còn phải che đậy, ẩn mình trong dáng tiên, bóng ma, có lúc mượn một lời phê phán nào đó kèm theo một câu chuyện để phủ nhận mình, tránh sự tham tàn bạo chúa. Trong tập truyện “Truyền kỳ mạn lục”, từ “Bữa tiệc đêm ở Đà Giang”, “Cuộc đối tụng ở long cung” đến “Chuyện cây gạo”, “Nàng túy tiêu”, “Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều”…, Nguyễn Dữ phê phán thẳng thừng, lên án mạnh mẽ vua quan, không trừ thần thánh, đồng thời bộc lộ hết nỗi khổ của nhân dân. Giọng điệu sôi nổi sắc bén “như đượm máu xương từ một cá tính mạnh mẽ nhằm mục đích không chỉ cho cộng đồng mà cho con người cụ thể” [ 28, tr207]. Mặt khác, Nguyễn Dữ còn cho con người dám có những biểu hiện của “lòng người” về tình yêu tự do, khát khao yêu đương, hạnh phúc trần tục bằng lời văn thông cảm, thương xót. Bước sang cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, ý thức con người cá nhân có bước tiến mới và phát triển. Thái độ đứng về phía con người cá nhân dứt khoát hơn so với trước. Sự can thiệp thô bạo của nho giáo, phong kiến trở thành thứ bất nhân, chuốc lấy những thất bại ê chề, nhục nhã. Trong truyện “Hoa tiên”, tác giả không ngần ngại viết trực tiếp, viết táo bạo về câu chuyện tình yêu đôi lứa, câu chuyện phòng the. Cái mà lễ giáo phong kiến xem là điều cấm kỵ. Người đọc bất ngờ trước lối suy nghĩ táo tợn và các lời nói, hành động vượt ra ngoài sự nghiêm ngặt lễ giáo phong kiến ở các nhân vật như con hầu, chàng trai, cô gái. Họ mạnh dạn nói đến SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 15 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến khát vọng riêng tư của mình. Khiến người đọc tưởng chừng như đang chứng kiến cuộc sống bình thường hằng ngày bên ngoài xã hội, thời đại mình. Đến cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, văn học không ngừng đề cao con người và đề cao cuộc sống trần tục. Con người luôn luôn là đối tượng phản ảnh nhận thức của văn chương. Nếu ở giai đoạn trước văn chương chủ yếu hướng tới con người cộng đồng, có nghĩa vụ đối với quốc gia, dân tộc. Con người chức năng, con người bộ phận, con người cá nhân chưa thật sự được quan tâm. Đến giai đoạn này, con người với tất cả sự phong phú của nó đã trở thành đối tượng nhận thức của văn học. Các tác giả như Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… đều viết về số phận con người bất hạnh. Các tác giả đã lớn tiếng khẳng định, ca ngợi những giá trị của con người, khẳng định vẻ đẹp hình thể lẫn vẻ đẹp tâm hồn, tài năng trí tuệ của con người. Đặc biệt là người phụ nữ. Họ không phải là những con người thoát tục mà là con người trần tục với những khát vọng trần tục thực tế. Con người bắt đầu ý thức về mình. Họ biết sống hết mình, sống cho mình và có sự đòi hỏi gắt gao, bức thiết về quyền được như một con người. Đây là phương diện con người cá nhân. Tiếng nói cá nhân có sự vượt bậc cao hơn trước rất rõ. Trước đây con người cá nhân chưa dám thể hiện mình thì bây giờ con người cá nhân được thể hiện trực tiếp, rõ nét. Nó là con người xương thịt như nàng cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc”, người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”, nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh ký”, nàng Kiều trong “Truyện Kiều”,… Con người cá nhân có bước tiến mới trong biểu hiện tình cảm, thể hiện nội tâm. Có khi được bộc lộ trực tiếp, có khi gián tiếp bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Văn học giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là đỉnh cao của văn học trung đại. Văn học chữ Hán cùng văn học chữ Nôm song song tồn tại, phát triển rực rỡ. Lực lượng sáng tác phong phú với nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ,… Nói như Trần Đình Sử “sự hiện diện song song thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm – Đặc trưng song ngữ văn học Việt Nam, từ đây mới bắt đầu lịch sử của nó. Đã làm cho con người trong thơ có triển vọng phát triển mới” (22, tr213). Thật vậy, con người trong văn học có nét độc đáo hẳn so với trước. Nó điển hình cho một hạng người và rộng hơn là tiêu biểu cho thân phận con người nói chung. Văn học xuất hiện con người trần tục, nhục thể. SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 16 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến Con người mong muốn làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời, đấu tranh để đòi quyền được xác nhận thân phận, quyền sống tự do và hạnh phúc. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã nói nhiều, nói mạnh đến thân phận con người. Hai tác giả chửi thẳng những thế lực chà đạp lên quyền sống con người. Qua đó đề cao vẻ đẹp con người, xót thương cho nhiều số phận bị oan ức tội nghiệp. Hồ Xuân Hương là nhà thơ của phụ nữ. Hình tượng người phụ nữ trong thơ bà hiện lên với tất cả vẻ đẹp về tâm hồn, tài năng, trí tuệ và hình thể. Người phụ nữ ấy dám chủ động kêu gọi một tình yêu chân thành, say đắm, thủy chung: “Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi” (Mời trầu) Cũng vì tha thiết với niềm hạnh phúc, người phụ nữ dũng cảm thách thức với lễ giáo phong kiến: “Quản bao miệng thế lời chênh lệch Không có, nhưng mà có, mới ngoan” (Không chồng mà chửa) Do ý thức được tài năng của mình, người phụ nữ cho mình cái quyền vượt lên trên những bậc hiền nhân quân tử, ngồi ở cái thế cao hơn họ mà cười cợt họ, chế giễu họ (Mắng học trò dốt). Đẩy họ vào cái thế phải cúi đầu chiêm ngưỡng và thán phục. Người phụ nữ trong “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc” chưa có được nhận thức này. Có thể nói, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương đã dám văng tục, nhổ toẹt vào lễ giáo phong kiến. Kẻ đại diện cho chính quyền phong kiến từ vua chúa cho đến quan lại, hiền nhân quân tử đều trở thành đối tượng trào phúng. Ngoài ra hàng loạt các nhân vật khác như tên bại trận Sầm Nghi Đống, bọn học trò dốt, những chàng trai sống thiếu trách nhiệm, các nhà sư, hoạn quan xấu xa có cuộc sống trái tự nhiên đều bị phê phán kịch liệt. Qua đó ta thấy sự thối rữa của đạo đức phong kiến ở giai đoạn này. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, con người cá nhân cũng mang những đặc điểm tiêu biểu: Con người ý thức về giá trị, con người cá nhân sống cho mình, con người cá nhân xót mình và con người cá nhân nhỏ bé, yếu đuối, lầm lỗi. Nhìn chung con người trong các tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du có một bản ngã mạnh mẽ, phi thường. SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 17 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến Tóm lại, con người trong văn học trung đại cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX vẫn còn mang tính cộng đồng nhưng nó chỉ chiếm vị trí nhỏ, nhường chỗ cho con người cá nhân xuất hiện với sự độc đáo, phong phú của nó. Đây là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển con người cá nhân trong văn học cuối thế kỷ XIX. Trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những đăc điểm về con người cá nhân cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, con người cá nhân cuối thế kỷ XIX không ngừng vận động, phát triển. Con người ngày càng chống lại lễ giáo phong kiến. Và chưa bao giờ con người thị dân, con người lưỡng phân lại xuất hiện nhiều, đậm nét như thời kỳ này. Tiêu biểu nhất là trong thơ văn của Tú Xương, Nguyễn Khuyến. Con người trong thơ văn Tú Xương rất đa dạng, phong phú. Nó đã khái quát lên được xã hội nửa thực dân phong kiến. Con người hiện lên với vẻ lố lăng, kệch cỡm, bao cương thường đạo lý đều tan nát. Con người bị tha hóa trước danh lợi, trước đồng tiền, trước cuộc sống đổi thay. Với cái nhìn sâu sắc Tú Xương đã mạnh dạn phản ánh trực tiếp đến mức cao độ những hình ảnh đó vào trong thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ Ậm ọe quan trường miệng thét loa Lọng cắm rợp trời quan sứ đến Váy lê quét đất mụ đầm ra” (Vịnh khoa thi hương ) Tú Xương thật sự đã vạch trần bộ mặt xấu xa, đê hèn của bọn quan lại, sĩ tử, mụ đầm. Ông còn chỉ rõ bản chất lai căng, mất nguồn gốc của con người thị dân thời bấy giờ. Đọc thơ ông ta thấy một nỗi buồn da diết và một tiếng cười lớn tức tưởi đau thương. Cùng với Tú Xương, Nguyễn Khuyến cũng phản ánh rõ rệt diện mạo của xã hội đương thời vào trong thơ văn. Ngòi bút tác giả không trực tiếp, bộc lộ rõ ràng như Tú Xương mà lúc nào cũng kín đáo, tinh tế, sâu sắc, thâm trầm. Những câu thơ của ông không bốc lên ở bề mặt mà có sức lắng đọng trong chiều sâu. Ông nhận ra thực chất con người trong xã hội phong kiến triều Nguyễn, nhận ra sự vô nghĩa trống rỗng của tầng lớp trí thức đương thời. Con người trong thơ ông hiện lên vô bản sắc, mất lý tưởng, bất lực trước lý tưởng và trở nên vô nghĩa trong sự thực hành lý tưởng. Con người hiện lên với tất cả vẻ tầm thường của cuộc sống hằng ngày, hiện lên qua các thuộc tính vật chất. “Bất chấp hiện thực cay nghiệt quy định SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 18 - Quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến và ràng buộc mình, Nguyễn Khuyến đã dành được một điểm son trong cái nhìn nghệ thuật về con người so với lớp nhà thơ cùng thế hệ” [26, tr88]. Như vậy con người cá nhân trong văn học cuối thế kỷ XIX có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó là con người quy ẩn tự trào, có ý thức về sự bất lực của một giai tầng; con người vô bản sắc, trống rỗng; con người thị dân hóa; con người với vẻ tầm thường hàng ngày. Nhìn chung, con người trong thơ trung đại Việt Nam (X-XIX) đã trải qua một quá trình biểu hiện, sáng tạo để ngày càng Việt hóa và có bản sắc riêng. 1.3. Nguyên nhân ảnh hưởng đến quan niệm nghệ thuật về con người trong thơ văn Nguyễn Khuyến. 1.3.1. Nhận ra thực chất con người trong xã hội phong kiến triều Nguyễn. “Một xã hội thực dân nửa phong kiến ra đời, rõ nét dần vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người ta thường mệnh danh là xã hội giao thời. Nó là con đẻ của quân xâm lược nên đặc điểm nổi bật là phi nghĩa đến trắng trợn. Xã hội người bóc lột người còn xã hội nào là tốt đẹp! Nhưng xã hội thuộc địa, trong đó người dân thậm chí mất đến cả tên tổ quốc, cả tên nòi giống tổ tiên, thì tính chất phi nghĩa lại càng nặng nề gấp bội. Nhất là thời kỳ đầu của cuộc xâm lược, thực dân không sao che đậy được hành động ăn cướp của chúng, công nhiên đề cao việc đầu hàng, bán nước và kết tội việc yêu nước chống giặc, chém giết những người kiên quyết bảo vệ tổ quốc . Đến khi kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện ở các đô thị thì trong xã hội lại chồng thêm lên tội ác của đồng tiền, của lợi nhuận. Xã hội giao thời ấy là một xã hội nảy sinh trên cơ sở của những tư tưởng cướp nước, đầu hàng và tư tưởng xu danh trục lợi. Ghê tởm nhất là những cảnh bất nhân phi nghĩa, những điều xấu xa lố bịch lại công nhiên trơ tráo, chẳng thèm đếm xỉa đến dư luận. Đó là thời kỳ những tên bồi bếp đắc lực được Pháp cất nhắc lên đến chức tổng đốc, những gái đĩ, me tây được phong hàm quan tỉnh, những tên đao phủ đầm đìa máu nhân dân trở thành cột trụ của triều đình, còn những người yêu nước thương nòi thì bị chém giết, tù đày, phải trốn tránh, lẩn lút…Trong tình hình như vậy, tất nhiên đạo đức phong kiến của Khổng Mạnh bị tấn công mãnh liệt và dần dần đổ vỡ một cách thảm hại. Quang cảnh xã hội đảo điên, đầy lố lăng bỉ ổi cuối thế kỷ XIX là biểu hiện cụ thể của sự biểu hiện ấy” [7, tr7-8]. Con người dưới triều đại nhà SVTH: Nguyễn Mỹ Linh - 19 -
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan