Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHÁNG CHIẾN - KIẾN QUỐC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI K...

Tài liệu QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHÁNG CHIẾN - KIẾN QUỐC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KÌ 1945 - 1954

.PDF
195
228
75

Mô tả:

QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHÁNG CHIẾN - KIẾN QUỐC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KÌ 1945 - 1954
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ MINH HUỆ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KHÁNG CHIẾN - KIẾN QUỐC CỦA TỈNH THÁI NGUYÊN THỜI KÌ 1945 - 1954 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 66 22 03 13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS.TS Trần Đức Cường 2. PGS.TS Đinh Quang Hải HÀ NỘI - 2016 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng cá nhân tôi. Các số liệu sử dụng trong luận án là trung thực, những kết quả khoa học của luận án chưa có ai công bố trong bất kì công trình nào khác. Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2016 Trần Thị Minh Huệ LỜI CẢM ƠN Luận án được hoàn thành tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong quá trình thực hiện đề tài, Tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tập thể lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ của Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Tôi xin chân thành cảm ơn về sự giúp đỡ đó. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Trần Đức Cường, PGS.TS. Đinh Quang Hải - người thầy đã trực tiếp, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ để tôi hoàn thành luận án này. Tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến các Thầy, Cô giáo trong Viện Sử học, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Viêt Nam, các Thầy, Cô giáo Khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã đọc và có nhiều chỉ dẫn khoa học xác đáng cho bản thảo của luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp trường THPT Phú Bình Thái Nguyên đã luôn động viên, quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ với tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IIII, Thư viện Quốc gia, Thư viện Viện Sử học, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, Phòng Lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện giúp đỡ để tôi được tiếp cận nguồn tài liệu quý phục vụ cho việc nghiên cứu. Tôi xin được gửi tới gia đình lòng biết ơn sâu sắc vì đã luôn đồng hành bên tôi, chia sẻ, thông cảm và hỗ trợ tôi trong suốt chặng đường dài học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án. Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2016 Trần Thị Minh Huệ MỤC LỤC MỞ ĐẦU ..............................................................................................................01 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN.....................................................................................08 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ............................................................08 1.2. Những thành tựu nghiên cứu và những vấn đề luận án tập trung giải quyết .............................................................................................................17 Chương 2: XÂY DỰNG CƠ SỞ NỀN TẢNG CHO NHIỆM VỤ KHÁNG CHIẾN VÀ KIẾN QUỐC (9-1945 – 9-1947) ...................................................20 2.1. Những yếu tố tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc ở tỉnh Thái Nguyên ........................................................20 2.2. Xây dựng cơ sở nền tảng cho nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc........ 28 Tiểu kết chương 2 ................................................................................................55 Chương 3: CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG VÀ XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG KHÁNG CHIẾN (10-1947 – 7-1954) .............................................57 3.1. Thái Nguyên tham gia góp phần trong cuộc phản công Thu - Đông 1947 ..............................................................................................................57 3.2. Tham gia đánh bại cuộc hành quân Phoque của thực dân Pháp, góp phần vào chiến thắng Biên giới năm 1950 ...................................................77 3.3. Xây dựng hậu phương đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc ..................................................................................................82 3.4. Góp phần chi viện chiến trường ............................................................117 Tiểu kết chương 3 ................................................................................................122 Chương 4: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM .................................123 4.1. Một số nhận xét .....................................................................................123 4.2. Một số kinh nghiệm ...............................................................................135 Tiểu kết chương 4 ................................................................................................140 KẾT LUẬN ..........................................................................................................141 TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................146 PHỤ LỤC .............................................................................................................167 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ATK An toàn khu BDHV Bình dân học vụ ĐVbq Đơn vị bảo quản Nxb QĐND Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân UBHC Ủy ban hành chính UBKC Ủy ban kháng chiến UBKCHC Ủy ban Kháng chiến Hành chính DANH MỤC CÁC BẢNG BẢNG TRANG Bảng 2.1. Bảng thống kê sản xuất nông sản năm 1947 của tỉnh Thái Nguyên. 41 Bảng 3.1. Bảng thống kê số vũ khí của du kích toàn tỉnh Thái Nguyên tính đến tháng 4-1948. 88 Bảng 3.2. Bảng thống kê các xưởng thủ công, nhân công, số lượng sản xuất ở tỉnh Thái Nguyên năm 1948. 92 Bảng 3.3. Bảng thống kê kết quả xóa nạn mù chữ tỉnh Thái Nguyên (1946-1950). 106 Bảng 3.4. Bảng thống kê kết quả xóa nạn mù chữ tỉnh Thái Nguyên (1951-1954). 106 Bảng 3.5. Bảng thống kê kết quả huy động dân công các huyện trong tỉnh Thái Nguyên từ tháng 1-1950 đến tháng 9-1950. 120 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Lịch sử đã chứng tỏ mỗi vùng trên đất nước Việt Nam đều có tầm quan trọng và vị trí chiến lược khác nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, tạo nên thế đứng và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc của Tổ quốc, trải qua những biến chuyển của lịch sử và thời đại, Thái Nguyên luôn nổi lên là một địa bàn trọng yếu trong bảo vệ và phát triển đất nước. Thái Nguyên là tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, là cửa ngõ của vùng Việt Bắc, Thái Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập thời phong kiến, Thái Nguyên là phên giậu của Tổ quốc, che chắn mặt Bắc cho kinh thành Thăng Long. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thái Nguyên trở thành một bộ phận của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành An toàn khu (ATK) bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ, chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước. Sự ra đời của An toàn khu trên đất Thái Nguyên đã thể hiện rõ sự đúng đắn và sáng tạo cách mạng của Đảng, đồng thời cũng chứng minh cho vị thế quan trọng của vùng đất Thái Nguyên trong những điều kiện lịch sử nhất định. Trải qua các thời kì cách mạng từ năm 1930 đến nay, truyền thống yêu nước của nhân dân Thái Nguyên luôn được phát huy cao độ. Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám, Thái Nguyên nằm trong vùng căn cứ địa cách mạng, là nơi ra đời Cứu quốc quân II (9/1941), là nơi đặt ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kì (1943-1945) và là nơi in ấn tài liệu của Đảng, là nơi đưa đón và bảo vệ cán bộ, là một trong những đầu mối liên lạc giữa đồng 1 bằng với chiến khu Việt Bắc, đồng thời cũng là nơi thống nhất Cứu quốc quân với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân (5/1945). Đặc biệt, do có vị trí chiến lược quan trọng nên trong cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Thái Nguyên cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn được Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm An toàn khu Trung ương. Định Hóa - Thái Nguyên trở thành trung tâm của An toàn khu Trung ương, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh đặt đại bản doanh để lãnh đạo toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thái Nguyên đã thực sự là một trong những hậu phương vững chắc trong kháng chiến. Mỗi bước phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đều có sự đóng góp to lớn, tích cực của nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Thái Nguyên. Việc nghiên cứu quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ góp phần làm rõ đường lối “kháng chiến và kiến quốc” của Đảng, qua đó nêu lên những đóng góp của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên vào sự nghiệp kháng chiến của toàn dân tộc; làm rõ vị thế, vai trò của Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời góp phần vào việc tiếp tục nghiên cứu về lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay. Từ những lí do trên, tôi chọn “Quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945 - 1954” làm đề tài luận án Tiến sĩ Lịch sử. 2 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Trình bày một cách hệ thống và toàn diện về “Quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954”, qua đó nêu lên những đóng góp to lớn của Thái Nguyên với tư cách vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến trong kháng chiến chống Pháp, từ đó làm rõ vị thế, vai trò và ý nghĩa lịch sử của Thái Nguyên trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau: - Những nhân tố tác động đến nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc ở tỉnh Thái Nguyên. - Công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền ở tỉnh Thái Nguyên từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. - Trình bày có hệ thống quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945 - 1954 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục… - Làm rõ cuộc chiến đấu trực tiếp bảo vệ quê hương và ATK Trung ương của quân và dân tỉnh Thái Nguyên. - Làm rõ vị trí, vai trò của hậu phương Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) trên cả nhiệm vụ xây dựng hậu phương và nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến. - Rút ra một số đặc điểm, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954. 3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của Luận án là “Quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954”, trong đó tập trung vào nhiệm vụ kháng chiến - trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương và ATK Trung ương và nhiệm vụ kiến quốc - xây dựng hậu phương, chi viện cho chiến trường. 3.2. Phạm vi nghiên cứu * Về nội dung Luận án tập trung nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống về quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, y tế trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Trên cơ sở đó đánh giá thành tựu và hạn chế, phân tích nguyên nhân, rút ra đặc điểm và nêu lên một số kinh nghiệm góp phần phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng hiện nay. * Về thời gian Luận án xác định thời gian nghiên cứu từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954, tức là toàn bộ thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam. Tháng 9 năm 1945 là thời điểm thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Tháng 7 năm 1954 là thời điểm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được kí kết. * Về không gian Toàn bộ địa bàn của tỉnh Thái Nguyên trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp gồm Thị xã Thái Nguyên, các huyện: huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hoá và Đại Từ. 4 4. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận Cơ sở lí luận của Luận án là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, các lí luận về chiến tranh cách mạng, về xây dựng căn cứ địa, hậu phương trong kháng chiến, về chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân. 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chiến tranh cách mạng. - Để thực hiện các nhiệm vụ khoa học đặt ra, Luận án sử dụng hai phương pháp chủ yếu là phương pháp lịch sử và phương pháp logic để làm rõ tiến trình lịch sử, phân tích và lí giải các vấn đề trong Luận án. - Phương pháp lịch sử được sử dụng để mô tả, trình bày một cách khách quan diễn biến các sự kiện lịch sử theo tiến trình thời gian. - Phương pháp logic kết hợp với phương pháp lịch sử là phương pháp được sử dụng để nghiên cứu để nghiên cứu một vấn đề lịch sử. Phương pháp này giúp chúng tôi khái quát được một vấn đề lịch sử từ đó rút ra đặc điểm, tính chất của vấn đề đó. - Các phương pháp so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp và điều tra khảo sát, điền dã thực địa để bổ sung thêm tư liệu và làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu. 5. Nguồn tài liệu Để thực hiện đề tài, Luận án sử dụng các nguồn tài liệu chủ yếu sau: - Luận án dựa vào những tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, các văn kiện Đảng, các văn bản của Bộ Quốc phòng, tác phẩm của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp... 5 - Luận án chú trọng khai thác nguồn tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Lưu trữ Tỉnh ủy Thái Nguyên, đó là những tài liệu gốc rất quan trọng trong quá trình thực hiện Luận án. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo tài liệu tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Viện Sử học, thư viện địa phương, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và các sách báo, tạp chí, địa chí liên quan đến đề tài Luận án. - Luận án đã tham khảo, kế thừa kết quả nghiên cứu và một số tài liệu của các công trình chuyên khảo, các bài tạp chí, kỉ yếu hội thảo khoa học liên quan đến vấn đề nghiên cứu của Luận án. - Ngoài ra còn một nguồn tài liệu cũng hết sức quan trọng là các tư liệu thu thập qua một số cuộc điều tra khảo sát thực địa tại Thái Nguyên. 6. Đóng góp của luận án - Làm rõ những nhân tố tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên. - Luận án dựng lại bức tranh toàn cảnh về Quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954 trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục y tế. - Luận án góp phần khẳng định những đóng góp của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với cuộc kháng chiến chiến chống thực dân Pháp. - Luận án nêu lên đặc điểm, trị trí, vai trò và một số kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện nhiệm vụ “kháng chiến và kiến quốc” của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954. Tập hợp, hệ thống hóa tư liệu và bổ sung tài liệu mới, đồng thời góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương. 6 7. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung Luận án gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. Chương 2. Xây dựng cơ sở nền tảng cho nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc (9-1945 – 9-1947). Chương 3. Chiến đấu bảo vệ quê hương và xây dựng hậu phương kháng chiến (10-1947 – 7-1954). Chương 4. Một số nhận xét và kinh nghiệm. 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam biên soạn: “Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954”, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội gồm hai tập (tập I - xuất bản 1994, tập II xuất bản 1995). Công trình này đã trình bày khá đầy đủ, chi tiết về cuộc kháng chiến chống Pháp, từ nguyên nhân, diễn biến, tính chất và những bài học kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo của Đảng đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Công trình còn làm rõ cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện của dân tộc Việt Nam. Với nguồn tư liệu phong phú, nội dung cuốn sách đã cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện về cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ ở Đông Dương giai đoạn 1945-1954 và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân Việt Nam đến khi kí Hiệp định Giơnevơ năm 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuốn “Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam”, tập I của Viện Lịch sử Quân sự, xuất bản năm 1994, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội đã đề cập đến thời kì trưởng thành của các lực lượng vũ trang cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng là nhân tố tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, điều đó được thể hiện qua các chiến thắng lớn của quân và dân Việt Nam như chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. 8 Các công trình trên đã đề cập đến lực lượng vũ trang Thái Nguyên, đề cập đến cuộc chiến đấu trực tiếp của quân và dân Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là những tài liệu rất quan trọng giúp chúng tôi trong quá trình thực hiện Luận án. Năm 2007, Viện Sử học xuất bản cuốn “Lịch sử Việt Nam 1945-1950”, tập X, của các tác giả Đinh Thị Thu Cúc (chủ biên), Đỗ Thị Nguyệt Quang, Đinh Quang Hải, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. Công trình đã thể hiện một cách khách quan, trung thực và toàn diện về tình hình chính trị, xã hội, quân sự, kinh tế, văn hoá của đất nước trong giai đoạn 1945-1950, trong đó có nhiều nội dung mà đề tài Luận án quan tâm. Các công trình nghiên cứu: “Hậu cần trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954” của Tổng cục Hậu cần, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội (xuất bản 1994); “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - thắng lợi và bài học”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (xuất bản 1996) và “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1954 thắng lợi và bài học”, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội (xuất bản 2000) của Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị đã nêu lên một số đặc trưng và bài học trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là những tư liệu tham khảo rất có giá trị với các nhà nghiên cứu về lịch sử chiến tranh cách mạng. Những kết quả của các công trình này đã thật sự gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề trong khi đánh giá về đặc điểm của quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954. Cuốn sách “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sự nghiệp kinh tế và văn hoá” của các tác giả Nghiêm Xuân Yêm, Lê Thanh Nghị...Nxb Sự Thật, Hà Nội (xuất bản 1960), đã đề cập đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 có ý nghĩa thiết thực giúp chúng tôi trong quá trình nghiên cứu. 9 Cuốn sách “Giáo dục Việt Nam 1945-2005” do Nguyễn Quang Kính chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội (xuất bản 2005) đã trình bày quá trình hình thành và phát triển của nền giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn và công cuộc xoá nạn mù chữ, chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Các công trình viết về giáo dục mặc dù không đề cập nhiều đến sự nghiệp giáo dục Thái Nguyên trong thời kì 1945-1954, đó là tài liệu tham khảo quan trọng giúp chúng tôi trong quá trình nghiên cứu. Ngoài các công trình khoa học nói trên, trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi cũng tìm thấy các thông tin liên quan đến đề tài được đề cập trong khá nhiều các bài viết nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu kinh tế, Lịch sử Quân sự như: Nguyễn Thị Kim Xuân “Chiến tranh Đông Dương qua nguồn tư tiệu của Pháp”, đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự năm 2002, số 3-4-5-6 ; Nguyễn Tố Uyên, “Thi đua ái quốcmột nhân tố thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử năm 1998, số 4 (299), tr.3-9; Nguyễn Ngọc Minh, “Kinh tế Việt Nam trong 9 năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, năm 1964, số 22. Có thể nói những bài viết nói trên đã giúp chúng tôi có thêm thông tin ở các lĩnh vực liên quan đến đề tài, trên cơ sở đó có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn khi đánh giá về quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu về tỉnh Thái Nguyên và liên quan đến kháng chiến chống Pháp ở Thái Nguyên Công trình “Thái Nguyên lịch sử đấu tranh vũ trang cách mạng và kháng chiến chống Pháp (1941-1954)” của Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh Thái Nguyên (xuất bản 1999) phản ánh một cách trung thực, tương đối đầy đủ và sinh động cuộc đấu tranh vũ trang toàn dân, toàn diện của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời kì vận động Cách 10 mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Cuốn sách đã ghi lại cả những thành công và thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ, chính quyền và cơ quan quân sự các cấp trong tỉnh suốt chặng đường đấu tranh gian khổ để bảo vệ quê hương, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, Trung tâm căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Đây là một công trình khoa học về lịch sử chiến tranh của tỉnh. Tuy nhiên, công trình này chỉ chủ yếu tập trung trình bày diễn biến cuộc kháng chiến trên mặt trận quân sự, chưa nêu được toàn cảnh các mặt hoạt động và đấu tranh của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong thời kì từ năm 1945 đến năm 1954. Năm 2003, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xuất bản “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tập I (1936-1965)”. Công trình này đã phản ánh quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong quá trình lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, đồng thời tổng kết và rút ra những kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Nội dung cuốn sách đã giúp chúng tôi có căn cứ tin cậy trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện Luận án. Công trình “Một số trận đánh tiêu biểu trên chiến trường Việt Bắc 19451954” của các tác giả Lê Nguyên Hồng, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Quang Tự, Phạm Văn Học, Lê Công Triệu, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội (xuất bản 1991) đã đề cập đến cuộc chiến đấu trực tiếp bảo vệ quê hương của quân và dân Thái Nguyên, bảo vệ căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến của Đảng trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950. Các công trình trên đã nêu lên vai trò của hậu phương trong kháng chiến trong đó có hậu phương Thái Nguyên, một trong những nhân tố làm nên 11 thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Quân khu I đã tổ chức biên soạn “Việt Bắc 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975)”, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội. Bộ sử gồm hai tập: tập I xuất bản năm 1990 trình bày cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tập II xuất bản năm 1992 trình bày cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Tập I, các tác giả đã viết về cuộc chiến tranh nhân dân trên địa bàn Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với các nội dung như xây dựng củng cố chính quyền cách mạng chuẩn bị kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng hậu phương, chi viện cho tiền tuyến, cuộc chiến đấu trực tiếp của quân dân Việt Bắc bảo vệ quê hương, qua đó khẳng định vai trò của Việt Bắc đối với thắng lợi của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 và Biên giới Thu - Đông năm 1950, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Tuy nội dung của cuốn sách đề cập đến Việt Bắc nói chung nhưng Thái Nguyên cũng đã được nhắc đến với những chiến dịch tiêu biểu, điều đó đã giúp chúng tôi có thêm tư liệu trong quá trình viết luận án và có cái nhìn khái quát về vai trò của Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực thực dân Pháp. Năm 2009, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cùng với Viện sử học đã biên soạn cuốn “Địa chí Thái Nguyên” do PGS.TS Trần Đức Cường (chủ biên), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Đây là công trình khoa học công phu, đề cập đến sự phát triển toàn diện của tỉnh Thái Nguyên, trong đó có chương viết về Thái Nguyên thời kì kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Những thông tin tiếp cận được từ công trình đã giúp chúng tôi định hướng được các vấn đề nghiên cứu, đồng thời có thêm cơ sở đánh giá một cách toàn diện về vị trí vai trò của Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 12 Trong quá trình nghiên cứu đề tài chúng tôi đã tiếp cận được nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến luận án từ các cuốn sách lịch sử đảng bộ các huyện trong tỉnh Thái Nguyên như: “Lịch sử Đảng bộ Phú Bình” (xuất bản 1984); “Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Từ 1930-1954”, tập I (xuất bản 1991); “Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên 1930-1975” (xuất bản 1991); “Lịch sử Đảng bộ huyện Võ Nhai 1930-1954” (xuất bản 1993); “Lịch sử Đảng bộ Phổ Yên 1930-1954” (xuất bản 1995); “Lịch sử Đảng bộ Phú Lương 1930-1954” (xuất bản 1996); “Lịch sử Đảng bộ thị xã Sông Công” (xuất bản 1998); “Lịch sử Đảng bộ Định Hóa 1930-2000” (xuất bản 2000) do các Huyện ủy, Thị ủy tổ chức biên soạn và xuất bản. Các công trình nghiên cứu của địa phương Thái Nguyên đã đề cập đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc ở các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Thái Nguyên, nêu lên những nét cơ bản nhất về công tác xây dựng lực lượng chính trị, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế kháng chiến, trên địa bàn các huyện (thành phố, thị xã) và xây dựng ATK Định Hóa ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kì 1945-1954. Đây là những nội dung rất quan trọng có liên quan đến luận án mà chúng tôi cần tham khảo và kế thừa trong quá trình nghiên cứu. Ban Chỉ huy Quân sự các huyện trong tỉnh Thái Nguyên đều đã xuất bản cuốn “Lịch kháng chiến chống xâm lược và xây dựng - bảo vệ Tổ quốc (1945-2000)” như huyện Đại Từ (xuất bản 2004), huyện Phổ Yên, huyện Võ Nhai (xuất bản 2005), huyện Đồng Hỷ (xuất bản 2006), huyện Phú Bình, Phú Lương, Định Hóa (xuất bản 2007). Ngoài ra, còn có các sách viết về lịch sử các ngành, các tổ chức xã hội, các cá nhân như: Công an, quân đội, thanh niên, phụ nữ, anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các công trình đó đã giúp chúng tôi có 13 thêm tài liệu để đánh giá một cách toàn diện về quá trình trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc của tỉnh Thái Nguyên thời kì 1945-1954. Ngoài các công trình khoa học nói trên, trong quá trình triển khai luận án chúng tôi cũng tìm thấy các thông tin liên quan đến đề tài được đề cập trong khá nhiều bài viết nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Quân sự, Tạp chí Xưa nay như: Nguyễn Xuân Minh với “Căn cứ địa ATK Việt Bắc - một sáng tạo trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 180/1995; Đỗ Thị Nguyệt Quang với “Nhân dân Việt Bắc với chiến thắng Thu - Đông 1947”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 1997, số 5 (294), tr.29-32. Trong cuốn Tạp chí Xưa nay số 105 (153) XII-2001, số chuyên về Thái Nguyên, trong đó có bài “ATK Định Hóa, Trung tâm của Thủ đô kháng kháng chiến chống thực dân Pháp” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Định Hóa ATK của Trung ương” của Hoàng Ngọc La; “ATK Định Hóa với vai trò thủ Thủ đô kháng chiến” của Trần Trọng Trung… Có thể nói những thông tin mà chúng tôi tiếp cận từ những nguồn tư liệu nói trên đã giúp chúng tôi có cái nhìn nhiều chiều và đánh giá đúng về vị trí vai trò của Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để làm rõ hơn vai trò của Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều Hội thảo khoa học đã được tổ chức tại Thái Nguyên. 0 6-12-1997 Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Thái Nguyên trong chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947” với các bài tham luận của các tướng lĩnh, các cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu lịch sử như bài viết Quân và dân Thái Nguyên với chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 của Trung tướng PGS Nguyễn Đình Ước; “Bảo vệ cuộc di chuyển của Trung ương từ Tràng Xá (Võ Nhai) đến Phú Minh (Đại Từ) của tác giả Lê Dục Tôn; “Thái Nguyên xây dựng củng cố hậu phương căn cứ địa chuẩn bị kháng chiến” của Đại tá Nguyễn Phương và Dương Văn Kham; Thái 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan