Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Phan tich cac hanh vi han che canh tranh...

Tài liệu Phan tich cac hanh vi han che canh tranh

.PDF
9
942
111

Mô tả:

LEGAL UNITED LAW COMPANY Legal Services in Vietnam PHÂN TÍCH CÁC HÀNH VI HẠN CHẾ CẠNH TRANH TRONG PHÁP LUẬT VỀ CẠNH TRANH CỦA VIỆT NAM Tháng 12/2011 02 Phung Khac Khoan, District 1, HCM City, Vietnam Tel: +84-8 3914 1275 – 3915 1019 II Fax: +84-8 3821 5287 Email: [email protected] II www.legalunited.com Hotline: +84-915 707277 Cạnh tranh trong nền kinh tế được thừa nhận là yếu tố đảm bảo cho việc duy trì tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế. Pháp luật và chính sách về cạnh tranh là một trong các bộ phận quan trọng của nền tảng pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường, và đã nói đến nền kinh tế thị trường thì yếu tố cạnh tranh là một nền tảng cơ bản, và nền kinh tế thị trường không thể vận hành nếu không có cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng đóng vai trò trụ cột, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của cơ chế thị trường. Pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh, và Việt Nam trong nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế, theo đó Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 vào ngày 03/12/2004 và luật này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2005 (sau đây gọi tắt là Luật Cạnh tranh/ Law on Competition). Luật Cạnh tranh phân nhóm các hành vi chịu sự điều chỉnh bởi luật thành hai nhóm hành vi là hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh, và hai nhóm hành vi này được định nghĩa bởi Luật Cạnh tranh như sau: “Hành vi hạn chế cạnh tranh” (Practices in restraint of competition): là hành vi của doanh nghiệp nhằm làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế. “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” (Unfair competitive practices): là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Pháp luật của nhiều nước phát triển trên thế giới, vì các ưu điểm và hệ thống sẵn có của họ, nên thường không gộp hai nhóm hành vi trên vào một luật chung như Luật Cạnh tranh ở Việt Nam, thông thường họ có hai luật/ bộ luật để điều chỉnh riêng: Luật về chống cạnh tranh không lành mạnh và Luật về chống hạn chế cạnh tranh hay luật chống độc quyền. Ví như Hoa kỳ có Luật Chống Độc quyền và Luật Cạnh tranh của EU. Bài viết sau đây tác giả phân tích khái quát về các hành vi hạn chế cạnh tranh, các hành vi này đã được Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 14/9/2005 của chính phủ quy định chi tiết nhằm điều chỉnh và kiểm soát, các hành vi hạn chế cạnh tranh bao gồm và liên quan đến: Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Lạm dụng vị trí thống lĩnh, Lạm dụng vị trí độc quyền và Tập trung kinh tế. THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH (Agreements in Restraint of Competition) Luật Cạnh tranh, Nghị định 116 và các văn bản hướng dẫn có liên quan không định nghĩa hoặc diễn giải trực tiếp về khái niệm “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”, tuy nhiên theo quy định tại Luật Cạnh tranh (khoản 3, Điều 3) thì thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được hiểu là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều doanh nghiệp nhằm mục đích làm giảm, nhằm làm sai lệch hoặc cản trở hoạt động cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Xét về khía cạnh công cụ pháp lý thì việc chống lại “thỏa thuận hạn chế cạnh tranh” là nhằm bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm khả năng hoạt động bình thường của thị trường, ngăn chặn và loại trừ việc lạm dụng vị thế thống lĩnh hoặc độc quyền kinh doanh trên thị trường vì sự phát sinh các thỏa thuận có thể có hại cho thị trường. Trang 2 Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhìn dưới khía cạnh cấu trúc và trên cơ sở mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia thoả thuận sẽ có hai dạng: Thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc và theo chiều ngang. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh “theo chiều dọc” là thỏa thuận được hình thành giữa các công ty ở các giai đoạn sản xuất hoặc phân phối khác nhau, được thể hiện dưới các hình thức như định giá, thương lượng giá và nổi bật nhất là hình thức áp đặt giá. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh “theo chiều ngang” được hình thành giữa các công ty cùng kinh doanh trong một lĩnh vực, đây là một dạng cartel để khống chế giá, phân chia thị trường hoặc có sự thoả thuận phối hợp cùng hành động nào đó để cản trở cạnh tranh từ doanh nghiệp khác. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trong mọi trường hợp sau đây và không có yếu tố miễn trừ: (i) Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; (ii) Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận; (iii) Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm khi thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận chiếm từ 30% trở lên: (i) Thoả thuận ấn định giá một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; (ii) Thoả thuận nhằm phân chia thị trường, nguồn cung cấp hàng hóa, cung cấp dịch vụ; (iii) Thoả thuận nhằm hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán; (iv) Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; (v) Thoả thuận áp đặt điều kiện ký kết hợp đồng hoặc buộc chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng hợp đồng. Nghị định 116, từ Điều 14 – Điều 18 có quy định cụ thể và khá chi tiết các dạng thỏa thuận này. Các thoả thuận khi thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận chiếm từ 30% trở lên và có thể được miễn trừ có thời hạn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại. Việc miễm trừ chỉ được áp dụng nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây nhằm hạ giá thành và có lợi cho người tiêu dùng: (i) Hợp lý hoá cơ cấu tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh doanh; (ii) Thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ; (iii) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm; (iv) Thống nhất các điều kiện kinh doanh, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá; (v) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; (vi) Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Quy định về miễn trừ có thời hạn nêu trên là một điểm “tương đối riêng” của pháp luật về cạnh tranh của Việt Nam, và xét trên bình diện thực tế thì quy định này là phù hợp với Trang 3 những quốc gia mà thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện cùng với mức độ tự do gia nhập thị trường còn bị nhiều hạn chế. HÀNH VI LẠM DỤNG VỊ TRÍ THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG (Abuse of Dominant Market Position) Theo Điều 11 Luật Cạnh tranh, vị trí thống lĩnh trên thị trường được xác định dựa trên thị phần hoặc khả năng gây ra các hạn chế cạnh tranh từ một doanh nghiệp hoặc một nhóm các doanh nghiệp, theo đó: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan (*) hoặc có khả năng gây ra các hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, và Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu nhóm doanh nghiệp này cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) 02 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; (ii) 03 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; (iii) 04 doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan. Vị trí thống lĩnh thị trường theo Điều 82 của Hiệp ước EC (Hiệp ước về Liên Minh Châu Âu) được định nghĩa là “một vị trí của sức mạnh kinh tế có được từ một cam kết cho phép để ngăn chặn cạnh tranh và duy trì hiệu quả có được {từ việc ngăn chặn này} trên thị trường có liên quan để hành xử với một mức độ có lợi trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh, với khách hàng và cuối cùng là với người tiêu dùng”. Và các chỉ số chính để đo lường của sự thống lĩnh là việc chiếm giữ một thị phần lớn trong thị trường liên quan, và cùng với các chỉ số khác bao gồm như: sự suy yếu kinh tế của các đối thủ cạnh tranh, sự vắng mặt của đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn, và kiểm soát các nguồn lực và công nghệ. Như vậy, khi so sánh với quy định của Hiệp ước EC, pháp luật Việt Nam cùng có điểm tương đồng là việc xác định thị phần bị chiếm giử trong thị trường liên quan. Pháp luật hiện tại của Hoa Kỳ, EU coi thị phần và khả năng hạn chế cạnh tranh hoặc khả năng làm sai lệch môi trường cạnh tranh là các yếu tố để xác định việc có lạm dụng vị trí thống lĩnh Thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định được xác định là “tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm” (khoản 5, Điều 3 của Luật Cạnh tranh). Việc xác định doanh thu, doanh số, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan của các nhóm doanh nghiệp liên kết trực tiếp về tổ chức và tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng được quy định cụ thể trong Điều 10, 11, 12 và 13 của Nghị định 116. Khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định trên cơ sở xem xét các yếu tố: (i) Năng lực tài chính của doanh nghiệp; (ii) Năng lực tài chính của tổ chức kinh tế, cá nhân thành lập doanh nghiệp; Trang 4 (iii) Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp; (iv) Năng lực tài chính của công ty mẹ; (v) Năng lực công nghệ; (vi) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với các đối tượng thuộc sở hữu công nghiệp; (vii) Quy mô của mạng lưới phân phối. Pháp luật Việt Nam về cạnh tranh cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới không định nghĩa thế nào là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường mà chỉ đưa ra các hành vi lạm dụng bị nghiêm cấm. Điều 13 của Luật Cạnh tranh nghiêm cấm các hành vi lạm dụng sau đây: (i) Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; (ii) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng; (iii) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng; (iv) Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh; (v) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; (vi) Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới. So sánh với các hành vi bị nghiêm cấm giữa pháp luật Việt Nam với quy định tại Điều 82 của Hiệp ước EC thì các hành vi bị cấm cũng có nhiều điểm tương đồng, Hiệp ước EC quy định các hành vi thực hành lạm dụng bị cấm như sau: Áp đặt giá không công bằng hoặc các điều kiện thương mại khác không công bằng; Hạn chế sản xuất, thị trường hoặc phát triển kỹ thuật để định kiến của người tiêu dùng; Áp dụng các điều kiện khác nhau để giao dịch tương đương với các bên kinh doanh khác; Áp đặt các nghĩa vụ bổ sung mà không có kết nối với mục đích của hợp đồng. Vì về bản chất, việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường đều dựa vào 02 yếu tố cơ bản là thị phần và các cản trở gia nhập. Trường hợp điển hình- Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam không khó để nhận ra các hành vi vi phạm, ví như trong năm 2008 Hiệp hội Thép Việt Nam (VNSA) ra nghị quyết ấn định giá bán khi yêu cầu tất cả các thành viên phải bán ra giá thép với mức giá thống nhất là 13,7 - 14 triệu đồng/tấn thép hoặc vụ việc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam thống nhất nâng mức phí bảo hiểm lên 3,95%/năm cho tất cả các đối tượng khách hàng. Ngày 29/7/2010, Hội đồng Cạnh tranh đã ra quyết định xử phạt 1,7 tỷ đồng cho 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho các vi phạm tại khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh “Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” và “ thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên” (vì thị trường của 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tham gia thỏa thuận chiếm 99,79% của thị trường bảo hiểm vật chất xe ô tô tại Việt Nam). (**) Thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan, và được định nghĩa như sau: Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả; Thị trường địa lý liên quan là Trang 5 một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận. LẠM DỤNG VỊ TRÍ ĐỘC QUYỀN (Abuse of monopoly position) Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan (Điều 12, Luật Cạnh tranh). Lạm dụng vị trí độc quyền chủ yếu liên quan tới hành vi của các doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh độc lập. Quy định pháp lý này về bản chất được hiểu doanh nghiệp có vị trí độc quyền là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh nắm giữ 100% thị phần trên thị trường liên quan. Việc doanh nghiệp nắm giử 100% thị phần trên thị trường không có gì là sai trái, pháp luật cạnh tranh của Việt Nam không cấm việc hình thành nên những doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường mà chỉ cấm sự lạm dụng vị trí độc quyền của doanh nghiệp khi đã thống lĩnh thị trường. Quy định nêu trên có điểm rất khác với pháp luật Hoa Kỳ hoặc EU, chỉ riêng hành vi cố ý độc quyền hoặc nỗ lực độc quyền tại Hoa Kỳ hoặc EU là đã bị nghiêm cấm. Ngoài các hành vi bị cấm về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định tại Điều 13 của Luật Cạnh tranh, Điều 14 Luật Cạnh tranh còn quy định thêm 02 hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm như sau: (i) Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng; (ii) Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng. Thị trường Việt Nam hiện tại, có nhiều doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc độc quyền, ví như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Vietnam Arlines ... và trong mối tương quan này người tiêu dùng không có hoặc có ít quyền được lựa chọn cho hàng hóa, dịch vụ theo ý muốn của mình. Trường hợp điển hình- Tranh chấp giữa Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) và hãng hàng không Jet-Star Pacific (JPA) về cung cấp xăng dầu. Sự việc xảy ra vào năm 2008, và vào thời điểm xảy ra vụ việc giữa Vinapco và JPA đã có hợp đồng mua bán xăng dầu, trong hợp đồng có ghi rõ phí nạp xăng dầu là 593.000 đồng/ tấn. Ngày 20/3/2008, Vinapco gởi văn bản cho JPA đề nghị tăng phí nạp xăng dầu lên 750.000 đồng/ tấn và việc tăng này sẽ được áp dụng từ ngày 01/4/2008, tuy nhiên việc tăng này chỉ áp dụng riêng cho JPA mà không lại không được áp dụng cho Vietnam Airlines (VNA)- là đối thủ cạnh tranh của JPA tại các sân bay nội địa. Cũng cần đề cập thêm, vào thời điểm tháng 4/2008 Vinapco là nhà cung ứng duy nhất được phép kinh doanh xăng dầu hàng không thương mại tại các sân bay trong nước. Khi tranh chấp đang diễn ra và chưa có sự thống nhất của JPA thì ngày vào ngày 01/4/2008, Vinapco đơn phương ngừng cung cấp nguyên liệu cho tất cả các chuyến bay của JPA và sự việc này làm ảnh hưởng tới hàng nghìn hành khách của JPA cũng như các hoạt động khác của JPA đều bị đình trệ. Vụ tranh chấp đã được phân định bởi Hội đồng Cạnh tranh (Vietnam Competition Council-VCC) vào tháng 4/2009. Hội đồng Cạnh tranh đã căn cứ vào khoản 2 và 3 của Điều 14 Luật Cạnh tranh ra quyết định xử phạt đối với Vinapco do các hành vi từ “Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng” và “Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng”. Trang 6 TẬP TRUNG KINH TẾ (Economic Concentration) Tập trung kinh tế hay thường được gọi là “sáp nhập/ M&A” bao gồm các loại hợp nhất về cấu trúc, đây là nội dung quan trọng cấu thành quyền tự do kinh doanh và đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Điều 152, 153), Luật Đầu tư năm 2005 trong các quy định về hình thức đầu tư. Ngoài ra tập trung kinh tế còn được quy định tại các văn bản pháp khác như Luật Chứng khoán năm 2006, Luật các Tổ chức Tín dụng. Với tính chất là quá trình gắn liền với việc hình thành và thay đổi của cấu trúc thị trường, tập trung kinh tế được hiểu là quá trình mà số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi thông qua các hành vi sáp nhập hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất, năng lực kinh doanh hay quản lý. Luật Cạnh tranh không đưa ra định nghĩa về tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê các loại hành vi tập trung. Điều 16 và Điều 17 của Luật Cạnh tranh quy định tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm: (i) Sáp nhập doanh nghiệp: là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập. (ii) Hợp nhất doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất. (iii) Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. (iv) Liên doanh giữa các doanh nghiệp: Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới. (vi) Các hành vi tập trung khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong các hình thức tập trung kinh tế theo Điều 16, 17 của Luật Cạnh tranh không có đề cập đến hình thức liên kết bằng cách có chung đội ngũ lãnh đạo, quản lý mà chỉ đề cập đến việc liên kết bởi và giữa các doanh nghiệp với nhau. Việc cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động tập trung hay hoạt động “sáp nhập” là nhằm ngăn chặn sự hình thành các doanh nghiệp lớn có sức mạnh khống chế thị trường qua việc kết hợp về mặt cấu trúc. Luật Cạnh tranh theo đó tạo hành lang pháp lý cho phép các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế. Tuy nhiên, việc kiểm soát này chỉ tập trung vào một số trường hợp trên cơ sở đánh giá quy mô của doanh nghiệp hình thành sau hoạt động tập trung kinh tế. Theo đó: (i) Đối với các trường hợp tập trung trong đó thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia dưới 30% hoặc trường hợp doanh nghiệp hình thành sau khi thực hiện tập trung kinh tế vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật thì các doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế mà không cần phải thực hiện thủ tục thông báo bắt buộc; (ii) Đối với các trường hợp tập trung trong đó thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia từ 30% đến 50% thì các doanh Trang 7 nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế phải thực hiện thủ tục thông báo cho Cục Quản lý Cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Luật Cạnh tranh có quy định cấm thực hiện tập trung kinh tế đối với các trường hợp trong đó thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia tập trung chiếm trên 50% trên thị trường liên quan và doanh nghiệp hình thành sau hoạt động tập trung kinh tế không thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật (Điều 18, Luật Cạnh tranh). Như vậy, chỉ có trường hợp tập trung kinh tế tạo ra trên 50% thị phần kết hợp trên thị trường liên quan mới bị cấm do tiềm ẩn nguy cơ hạn chế cạnh tranh, tương ứng với quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 11 về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, việc tập trung kinh tế thuộc diện bị cấm cũng có thể được xem xét và miễn trừ trong hai trường hợp: (i) Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản; hoặc (ii) Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ. Quy định về chống hạn chế cạnh tranh là để bảo vệ môi trường kinh doanh tự do và kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh, chứ không phải bảo vệ sản xuất hay phát triển công nghệ được hiểu theo một phương cách cụ thể. Do đó, với quy định khá chung trong khoản 2, Điều 19 đã vô hình chung miễn trừ các trường hợp tập trung kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước. Trường hợp điển hình- Vụ việc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential mua lại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA theo hình thứ sáp nhập. Tập đoàn Prudential Plc (mang quốc tịch Anh) và Tập đoàn American International Group Inc (AIG- mang quốc tịch Hoa Kỳ) vào tháng 4/2010 có gởi văn bản tham vấn đến Cục Quản lý Cạnh tranh nhằm tham vấn và hỏi ý kiến về việc mua lại Công ty AIA Việt Nam. Công ty AIA Việt Nam là công ty con, có sở hữu vốn và thuộc Tập đoàn AIG, chiếm 6,67% thị phần của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vào năm 2009. Công ty Prudential Việt Nam là công ty con và thuộc sở hữu vốn của Tập đoàn Prudential Plc, chiếm 39,97% thị phần của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vào năm 2009. Với hình thức mua lại doanh nghiệp và do thị phần kết hợp của hai Bên chiếm 46,64% thị phần của thị trường bảo hiểm nhân thọ (thuộc trường hợp thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia từ 30% đến 50%) nên trong trường hợp này phải nộp hồ sơ và thực hiện thủ tục thông báo cho Cục Quản lý Cạnh tranh trước khi tiến hành việc mua lại doanh nghiệp. Do đó, nhận thức được việc này, Tập đoàn Prudential Plc và Tập đoàn AIG đã gởi văn bản tham vấn để hỏi ý kiến và xúc tiến thủ tục. NT AIA vaø BHNT Prudential KẾT LUẬN: Khi có sự so sánh giữa các hành vi hạn chế cạnh tranh, so sánh bởi và giữa Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Lạm dụng vị trí thống lĩnh, Lạm dụng vị trí độc quyền với Tập trung kinh tế sẽ có sự phân biệt như thế này: Nếu như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và các hành vi lạm dụng (lạm dụng vị trí thống lĩnh và lạm dụng vị trí độc quyền) thuộc đối tượng cấm thực hiện và pháp luật được điều chỉnh với chức năng xử lý hành vi vi phạm pháp Trang 8 luật, thì pháp luật cạnh tranh về kiểm soát tập trung kinh tế chỉ kiểm soát những hiện tượng sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp để bảo vệ cơ cấu cạnh tranh của thị trường. Cho nên, khi tiến hành kiểm soát tập trung kinh tế, pháp luật và cơ chế thực thi cần phân tích những tác động của chúng đến thị trường cạnh tranh trong hiện tại và tương lai. Mục đích cuối cùng mà Luật Cạnh tranh và các quy định về chống hạn chế cạnh tranh mong muốn đạt tới là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Luật Cạnh tranh không thể bảo vệ người tiêu dùng ở tất cả các phương diện, Luật Cạnh tranh chỉ bảo vệ môi trường cạnh tranh tự do trước các yếu tố và hành vi có thể bị xâm hại qua việc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Các công cụ pháp lý khác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thể hiện trong trong các văn bản pháp lý khác có liên quan như: Luật An toàn Thực phẩm, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người Tiêu dùng, Luật Dược, Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về Quản lý Bán hàng Đa cấp v.v… Bài viết được viết bởi: Ls. Nguyễn Sơn Tùng - Luật sư Điều hành CÔNG TY LUẬT TNHH LEGAL UNITED ---------------------------- Các thông tin và nội dung được thể hiện trong bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả, được thể hiện theo phương thức truyền tải thông tin chung của Legal United Law, và không nhằm vào mục đích tư vấn cho một sự việc hoặc hướng đến một chổ tổ hoặc cá nhân cụ thể nào. Trong trường hợp Quý khách cần tư vấn hoặc để thêm thông tin cụ thể, vui lòng liên hệ với Legal United Law qua điện thoại hoặc thông tin được thể hiện tại trang 1. Trang 9
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất