Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Noidungttkh so cuoi (2015)...

Tài liệu Noidungttkh so cuoi (2015)

.PDF
278
289
103

Mô tả:

Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 PHONG TRÀO MỖI LÀNG MỘT SẢN PHẨM CỦA NHẬT BẢN VÀ HƯỚNG ĐI CHO NÔNG SẢN TÂY BẮC TS. Đoàn Đức Lân ThS. Đào Hữu Bính Tóm tắt: Phong trào mỗi làng một sản phẩm (viết tắt là OVOP) bắt nguồn từ Nhật Bản từ những năm 1979, sau đó lan ra toàn thế giới như: Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Lào. Tại Việt Nam phong trào OVOP cũng đã được khởi động từ năm 2005 nhưng đến nay các kết quả vẫn đang còn rất hạn chế. Khoá tập huấn của Phó giáo sư Eiichi Yoshida – Trường Đại học Thành phố Yokohama đã chỉ ra cho chúng ta thấy phong trào mỗi làng một sản phẩm là hướng đi tiềm năng cho các nông sản Tây Bắc. Kết quả khảo sát bước đầu cho chúng ta những ý tưởng quan trọng để triển khai chương trình OVOP tại Tây Bắc. Từ khóa: Mỗi làng một sản phẩm, Nhật bản, nông sản, thị trường. 1.Mở đầu Tại Nhật Bản và các quốc gia áp dụng thành công OVOP cho chúng ta thấy điểm tương đồng về xuất phát điểm nông nghiệp nông thôn so với Việt Nam, nhưng tại sao sau hơn 10 năm áp dụng chúng ta vẫn chưa thu được những kết quả khả quan. Chúng ta cần nhìn nhận lại những điểm mấu chốt trong việc áp dụng một cách linh động phong trào OVOP của các quốc gia. Tây Bắc với lợi thế về điều kiện tự nhiên có rất nhiều sản phẩm đặc trưng có thể phát triển theo hướng OVOP. Nhưng để triển khai và thực hiện chương trình này thì cần có những khảo sát và nghiên cứu để xác định hiện trạng vấn đề và đề ra giải pháp triển khai phù hợp với đặc thù của vùng miền. Khoá tập huấn của Phó giáo sư Eiichi Yoshida – Trường Đại học Yokohama đã giới thiệu một số phương pháp và cách thức triển khai áp dụng OVOP giúp cho chúng tôi hình thành các ý tưởng cho sản xuất và tiêu thụ nông sản địa phương. 2.Địa điểm, thời gian và phương pháp nghiên cứu 2.1.Địa điểm khảo sát - Bản Thẳm – Phường Chiềng Sinh – Thành phố Sơn La - Bản Cống – Xã Muổi Nọi – Huyện Thuận Châu 2.2.Thời gian Thời gian thực hiện: Từ ngày 03/11/2014 - 08/11/2014. 2.3.Phương pháp Phân tích dữ liệu thứ cấp về phong trào mỗi làng một sản phẩm. Phỏng vấn trưởng bản, các hộ dân và người bán hàng. Số liệu sẽ được tổng hợp, so sánh, phân tích để đưa ra những kết luận. 3.Kết quả nghiên cứu 3.1. Phong trào mỗi làng một sản phẩm tại Nhật Bản và một số nước trên thế giới 1 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 Từ năm 1979, tại tỉnh Oita, Nhật Bản đã hình thành và phát triển phong trào OVOP. Người khởi xướng phong trào này là tiến sĩ Morihiko Hiramatsu, khi ấy là tỉnh trưởng Oita hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển mỗi làng một sản phẩm Oita. Có ba nguyên tắc chính của phong trào OVOP là: Địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm [1]. Những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như: Nấm hương khô, rượu Shochu lúa mạch, chanh Kabosu... đem lại những bài học sâu sắc đúc kết từ thành công và cả sự thất bại. Người dân sản xuất, tự chế biến, tự đem bán sản phẩm mà không phải qua trung gian. Họ được hưởng toàn bộ thành quả chứ không phải chia sẻ lợi nhuận cho thương lái. Chỉ tính riêng trong 20 năm kể từ năm 1979 - 1999, phong trào OVOP đã tạo ra được 329 sản phẩm như nấm, cam, cá khô, chè, măng tre... được sản xuất với chất lượng và giá bán cao [1]. Ở Thái Lan, Chính phủ đã ưu tiên cho việc nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản gạo, dứa, tôm sú, cà phê bằng một chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (One tambon, One product – OTOP). Mỗi làng làm ra một sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng và có chất lượng cao. Trên thực tế chương trình này trung bình 06 tháng đem lại cho nông dân khoảng 84,2 triệu USD lợi nhuận. Bên cạnh chương trình trên, Thái Lan cũng thực hiện chương trình “Quỹ Làng” (Village Fund Progam): mỗi làng sẽ nhận được một triệu baht từ chính phủ để cho dân làng vay mượn. Đã có trên 75.000 ngôi làng ở Thái Lan được nhận khoản vay này [4]. Tại Trung Quốc, phong trào “Nhất thôn, nhất phẩm” (Mỗi thôn có một sản phẩm) được phát triển mạnh mẽ với sự ưu tiên phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp. Với phương thức này, hiện tại Trung Quốc đã có 154.842 doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp kéo theo sự phát triển của 90.980.000 hộ sản xuất trên 1.300.000.000 mẫu diện tích trồng cây các loại; 95.700.000 mẫu chăn nuôi thủy, hải sản. [4]. Một số nước Đông Nam Á như: Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Lào cũng đã có những chính sách áp dụng theo OVOP và ưu tiên phát triển các làng nghề. Nhưng khó khăn nhất cho phong trào này tại các nước Đông Nam Á là huy động các nguồn lực địa phương, duy trì động lực của người dân và tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương. Sự thành công của phong trào OVOP tại Nhật Bản và các nước châu Á là những bài học quý giá cho Việt Nam trong việc phát huy nội lực, phát triển bền vững các sản phẩm đặc thù của địa phương, mang lại thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. 2 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 3.2. Phong trào mỗi làng một sản phẩm ở Việt Nam Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án “chương trình phát triển mỗi làng, một nghề, giai đoạn 2006-2015” với mục tiêu đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm, mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm ngành nghề đạt 20-22%/năm.... Phong trào OVOP được triển khai nhằm khuyến khích nỗ lực của người dân tận dụng hiệu quả các nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống và góp phần thành công thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa được như mong đợi [5]. Đầu năm 2014, Sở Công thương Hà Nội đã tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí cho các sản phẩm OVOP, dùng cách chấm điểm theo 4 nhóm gồm tổng cộng 28 tiêu chí. Tiếp theo là xây dựng “Khung chính sách hỗ trợ”gắn liền với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Khung chính sách hỗ trợ bao gồm các nhóm giải pháp cụ thể, phát huy các nguồn lực địa phương nhưng phù hợp với các định chế quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó là sự lựa chọn hàng đầu là hoạt động xúc tiến thương mại. Ba vùng có tiềm năng phát triển làng nghề với số lượng lớn là đồng bằng sông Hồng (43%), Tây Bắc (12,2%) và đồng bằng sông Cửu Long (10,5%). Tại bốn tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La và Hòa Bình thuộc khu vực Tây Bắc, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp với các địa phương thực hiện các dự án nâng cao năng lực xúc tiến ngành nghề thủ công. Các nghề truyền thống được hỗ trợ phát triển là dệt thổ cẩm, sản xuất chè cổ thụ, chế biến rượu Sơn tra... Phong trào OVOP đã khởi động tại Việt Nam 10 năm nay nhưng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do thiếu tính chuyên nghiệp và chưa có định hướng phát triển bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 3.3. Tây Bắc và phong trào OVOP Tại vùng Tây Bắc, với sự đặc thù về điều kiện tự nhiên, đa dạng về bản sắc văn hóa và có nhiều các sản phẩm bản địa giá trị. Việc áp dụng phong trào OVOP cũng là một hướng đi đầy tiềm năng. Tỉnh Lào Cai đã khai thác thành công du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Sapa và các vùng lân cận, gắn liền với việc phát triển các sản phẩm địa phương: thổ cẩm, dược liệu, thuốc tắm…Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Điện Biên cũng đã có sản phẩm chè Tủa Chùa. Tỉnh Hòa Bình gần đây nổi tiếng với vùng trồng cam Cao Phong, mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập tốt để cải thiện cuộc sống. Năm 2009, tại Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về phong trào OVOP cho các lớp sinh viên. Các sinh viên hào hứng tham gia cuộc thi để giới thiệu các đặc sản của vùng, miền quê hương và đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo để phát triển sản phẩm. Từ tháng 2/2011 – 3/2015, Dự án “Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc 3 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 góp phần phát triển bền vững nông thôn khu vực Tây Bắc” được thực hiện với sự hỗ trợ của JICA và các bộ, ngành, địa phương. Trong 11 nghiên cứu của Dự án, các giảng viên rất chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm địa phương như: Rau Sắng, Mắc Khén, Dưa, Đào, Gà bản địa, Lúa địa phương, cây củ mài…Dự án cũng có một số khoá tập huấn liên quan đến chương trình OVOP như: Khoá tập huấn phát triển nông nghiệp nông thôn có sự tham gia được giảng dạy tại Trường Đại học Tây Bắc bởi giáo sư Miho Ota – Trường Đại học Tamagawa, khoá tập huấn phát triển nông nghiệp và nông thôn tổng hợp thông qua sự tham gia của nông dân địa phương tại Nhật Bản, khoá tập huấn thúc đẩy doanh nghiệp địa phương Châu Á và tăng cường chức năng đẩy mạnh địa phương của Trạm dừng nghỉ ven đường. Phó giáo sư Eiichi Yoshida – Trường Đại học Yokohama đã tới Trường Đại học Tây Bắc và tập huấn về Phong trào mỗi làng một sản phẩm. Ngoài thời gian giảng dạy lý thuyết ( Kinh nghiệm từ phong trào mỗi làng một sản phẩm ở Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi; cách thức marketing sản phẩm nông nghiệp; cách thức hình thành và duy trình một OVOP) các học viên còn được hướng dẫn kỹ năng khảo sát, phỏng vấn và lựa chọn địa điểm, nội dung để triển khai một OVOP. Bởi theo PGS. Yoshida thì không phải địa điểm, sản phẩm nào cũng triển khai OVOP thành công [2]. Trong nội dung khảo sát, PGS. Yoshida yêu cầu chúng tôi phải phát hiện ra mức độ gia tăng giá trị của các sản phẩm do người dân tạo ra, việc sử dụng thời gian rảnh rỗi của người nông dân, việc sử dụng sản phẩm hỏng từ nông sản như thế nào, hoạt động của các tổ chức đoàn thể ra sao,… Khảo sát tại 2 địa điểm (Bản Thẳm và Bản Cống) chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sản phẩm địa phương đang được người dân phát triển những mới chỉ ở quy mô hộ gia đình và sản phẩm ở dạng thô. Bản Cống có 24 hộ (23 dân tộc Kinh, 1 dân tộc Thái), sản xuất nông nghiệp là nguồn thu chủ yếu của người dân, trước đây người dân đã sản xuất tập trung cây mía và cây cà phê nhưng đều gặp rủi ro vì không thể bán sản phẩm, hiện nay các hộ dân tự lựa chọn cây trồng cho gia đình mình. Sản phẩm khoai lang đang là một thế mạnh của người dân với nhiều giống khoai lang như: Ruột vàng, ruột trắng, thanh long, khoai giống mới. Mặt khác chất lượng khoai lang ở khu vực cũng đã được khẳng định sau một vài năm sản xuất và tiêu thụ. Tại khu vực có khoảng 55-60 quán bán nông sản tại nhà với các mặt hàng chủ yếu là: Khoai lang, khoai sọ, đu đủ, mận… Đối với sản phẩm khoai lang và khoai sọ người dân mới chỉ áp dụng biện pháp gia tăng giá trị đơn giản như: Phân loại, làm sạch, đan rọ tre… bên cạnh đó là giải pháp bảo quản bằng cách ủ khoai vào đất cát pha hoặc để cả dây. Kết quả phỏng vấn 3 hộ dân có sản xuất và bán sản phẩm khoai lang cho biết việc tiêu thụ diễn ra quanh năm vì hiện nay tại khu vực đã trồng gối được nhiều vụ, chỉ có một vài tháng là phải nhập khoai ở nơi khác về, giá khoai không có sự giao động nhiều. Điều này cho 4 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 thấy thị trường khoai có tính ổn định cao và là một sản phẩm tiềm năng phát triển theo hướng OVOP. Tại Bản Thẳm chúng tôi có gặp gỡ lãnh đạo bản và một số hộ dân, thông qua trao đổi thì chúng tôi được biết người dân tại đây trồng rất nhiều loại rau cung cấp cho trị trường Thành phố Sơn La. Điều kiện đất đai ở đây khá thuận lợi bởi có nhiều hồ nước tự nhiên và nhân tạo được cung cấp nước bởi diện tích rừng tự nhiên khoảng 170 ha của Bản, do vậy việc sản xuất rau có rất nhiều thuận lợi. Mặt khác người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất rau cho nên năng suất rất cao và chất lượng có tính ổn định. Một yếu tố quan trọng khác là tại Bản Thẳm có rất nhiều hộ dân tham gia bán hàng tại chợ Chiềng Sinh và chợ cổng Trường Đại học Tây Bắc, do vậy việc tiêu thụ sản phẩm rau rất thuận lợi. Sau khi khảo sát hai địa điểm, nhóm khảo sát đã thảo luận và đề xuất hai chương trình OVOP cho 2 dòng sản phẩm là rau hữu cơ và khoai lang. Đối với sản phẩm rau thì vấn đề sản xuất theo hướng hữu cơ là một lựa chọn ưu tiên để phát triển theo hướng OVOP. PGS.Yoshida đã chỉ ra một số điểm mà chúng ta cần lưu ý là hiện nay người dân không có thời gian rảnh rỗi do vậy nếu phát triển sản phẩm rau hữu cơ hay khoai lang thì cần phải tăng công lao động để gia tăng giá trị, như vậy giải pháp sẽ là thuê thêm lao động hay giảm diện tích sản xuất. Mặt khác hỗ trợ từ bên ngoài như: Trường Đại học Tây Bắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Trung tâm khuyến nông tỉnh sẽ ở mức độ như thế nào. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn quan tâm đến sản lượng, vấn đề chất lượng chưa được chú trọng do vậy việc giá tăng giá trị và chất lượng sản phẩm vẫn là một khâu yếu trong sản xuất. Muốn phát triển theo hướng OVOP, nông nghiệp Tây Bắc phải đặt chất lượng và sự hài lòng của khách hàng lên hàng đầu. Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nông nghiệp, doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng là một yếu tố quan trọng mang tính quyết định tới sự thành công của chương trình. 4. Kết luận và đề nghị Phong trào OVOP không chỉ thành công rực rỡ tại Nhật Bản mà tại các nước Đông Nam Á cũng cho thấy việc áp dụng OVOP một cách linh động sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra những giải pháp bằng những chính sách cụ thể để phát triển nông nghiệp nông thôn mà trọng tâm là phát triển các làng nghề theo hướng OVOP. Tây Bắc với nhiều lợi thế đã tạo ra nhiều sản phẩm mang tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp hướng chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường là hai yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Trường Đại học Tây Bắc đã có một số nghiên cứu phát triển các sản phẩm địa phương theo hướng OVOP. Các nghiên cứu cho thấy vấn đề thị trường và việc gia tăng giá trị sản phẩm nông sản là những ưu tiên hàng đầu cần chú trọng. 5 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 Lời cảm ơn: Chúng tôi chân thành cảm ơn Dự án "Nâng cao năng lực Trường Đại học Tây Bắc, góp phần phát triển nông thôn bền vững khu vực Tây Bắc" (Dự án TBU-JICA) đã có những hỗ trợ về mặt tài chính, thiết bị, vật liệu, phương tiện để chúng tôi thực hiện nội dung nghiên cứu này. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Xây dựng nông thôn mới từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" – Báo cáo của tổ chức IPSARD. [2]. Tài liệu giảng dạy phong trào mỗi làng một sản phẩm của Phó giáo sư Eiichi Yoshida – Trường Đại học Thành phố Yokohama. [3]. Báo cáo họp ban điều phối hỗn hợp Dự án TBU-JICA lần thứ 4. [4]. TS. Nguyễn Hoàng Sa, Kinh nghiệm xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn ở Thái Lan và Trung Quốc bài học đối với Việt Nam hiện nay. [5]. Hiệp Đức (2011), Xây dựng nông thôn mới từ phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" . JAPANESE MOVEMENT OF ONE PRODUCT PER VILLAGE AND THE DIRECTION FOR NORTHWESTERN AGRICULTURE PRODUCTS Dr. Doan Duc Lan Dao Huu Binh M.A Abstract: One Village One Product (OVOP) originated in Japan in 1979, and then widespread over the world. Training course of Professor Eiichi Yoshida – Yokohama City University has pointed out that OVOP program is potential measure to develop agricultural products in Northwest. The result of this preliminary investigation gives us some important conclusions to carry out OVOP program in the Northwest. Keywords: One village – one product, Japanese, agricultural product, market. 6 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 KHÔNG GIAN BÃI CỎ - CÕI LƯU ĐÀY VÀ TÁI SINH TRONG “NHẠC ĐỜI MAY RỦI” CỦA PAUL AUSTER ThS. Lê Thị Thúy Khoa Ngữ Văn Tóm tắt: Chính ở không gian bãi cỏ, không gian nô lệ và tù đày - diễn ra sự thể nghiệm với những hình phạt, Nashe đã thực sự tìm lại quyền tự chủ đối với chính mình trong mối quan hệ với thế giới bao la và những điều ngẫu nhiên, phi lí. Anh chấp nhận đối diện và thách thức với chính nó. Bởi vậy, bãi cỏ - không gian nô lệ và tù đày, trở thành cõi tái sinh. Từ khóa: Paul Auster, cái ngẫu nhiên. 1. Đặt vấn đề Paul Auster là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học hậu hiện đại Mỹ. Tác phẩm của ông hấp dẫn người đọc bởi những khát khao cháy bỏng kiếm tìm cái quyền lực vô biên hòng kiểm soát cho được sự thăng bằng nơi tâm hồn con người trong thế giới đầy hỗn mang, bế tắc, chất chứa bao điều bất ngờ. Paul Auster quan niệm: “Cuộc sống của chúng ta không thực sự thuộc về chính chúng ta. Bạn hiểu nó thuộc về thế giới, và mặc dù chúng ta luôn nỗ lực ý thức về nó thì thế giới vẫn là một nơi vượt quá sự hiểu biết của chúng ta” [Dẫn theo 7, 55]. Nhạc đời may rủi là tiểu thuyết gây được tiếng vang lớn trong dư luận của Paul Asster. Tác phẩm đề cập đến những vấn đề mang tính triết học và chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc của đời sống con người: số phận, lòng trung thành, ý thức trách nhiệm, bản chất của cái ác và ý nghĩa thực sự của tự do... Đặc biệt, trong đó, nhà văn còn đề cập đến một yếu tố vô cùng quan trọng, có sự tác động chi phối đến sự vận động của đời sống xã hội, nhưng cũng ẩn giấu rất nhiều điều bí ẩn, mơ hồ gây rất nhiều tranh cãi đồng thời gợi lên bao khát khao khám phá, lý giải: Cái ngẫu nhiên. Paul Auster coi cái ngẫu nhiên là một trong những yếu tố để thể hiện và giải thích sự phức tạp, bất ngờ muôn màu muôn vẻ của những biến cố trong đời sống và thế giới nội tâm con người. Biểu hiện hành trình truy tìm bản thể của nhân vật trước sức mạnh của yếu tố ngẫu nhiên, ngòi bút của Paul Auster biến hóa, linh hoạt dẫn dắt người đọc di chuyển từ không gian rộng mở, lãng du vào không gian khép kín, lưu đày và tái sinh. Tuy nhiên, sự vận động trong không gian của nhân vật được thể nghiệm tương ứng với những bước ngoặt bất ngờ của cuộc hành trình. Cho nên, ta có thể kể ra những tọa độ không gian nổi bật bao chứa và chứng kiến diễn tiến số phận cũng như diễn tiến cảm xúc, nhận thức của nhân vật: Những con đường vô định và chiếc Sabbi đỏ, Tòa nhà bí ẩn – thế giới bị phù phép, Bức tường - sự thể nghiệm của những giới hạn, Bãi cỏ - cõi tái sinh. Bài viết này tập trung làm nổi bật sự độc đáo của không gian Bãi cỏ - cõi lưu đày và tái sinh. 7 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 2. Giải quyết vấn đề Chính ở không gian bãi cỏ, không gian nô lệ và tù đày - diễn ra sự thể nghiệm với những hình phạt, Nashe đã thực sự tìm lại quyền tự chủ đối với chính mình trong mối quan hệ với thế giới bao la và những điều ngẫu nhiên, phi lí. Anh chấp nhận đối diện và thách thức với chính nó. Bởi vậy, bãi cỏ - không gian nô lệ và tù đày, trở thành cõi tái sinh. Khác với sự miêu tả không gian những con đường nước Mỹ với những đường nét chằng chịt, đan chéo tựa như một mê hồn trận để biểu hiện cái hư vô trong hành động di chuyển giữa không gian của nhân vật, cũng khác với những đường nét mơ hồ khắc họa không gian tòa lâu đài bí ẩn với những ảo giác hư thực để biểu hiện sự lạc lối cuộc đời, những đường nét miêu tả không gian bãi cỏ thật tự nhiên, sinh động và tràn đầy sức sống. Không gian bãi cỏ trong sự cảm nhận của Nashe - một tù nhân thi hành bản án trừng phạt là không gian tự do và nguyên sơ, có sức mạnh hồi sinh: “Một quãng đất mênh mông lún phún toàn loại cỏ cứng, phẳng phiu và im ắng như đáy hồ (…). Bãi cỏ là một nơi hoang vắng; nhưng nó cũng có một vẻ đẹp ban sơ nào đó, một không khí hiu quạnh và hầu như có thể gọi là an ủi được (…). Tiếng chim hót xa xa, tiếng gió thổi qua cây lá, một con ve sầu cất tiếng lanh lảnh ngay dưới cửa sổ” [2, 180]. Tồn tại trong không gian ấy, Nashe đã bắt đầu cảm thấy như mình vừa lấy lại được một phần nào tự do. Không gian ấy không chỉ được miêu tả qua cảm nhận về đường nét, hình ảnh, âm thanh mà còn qua cảm nhận về mùi vị: “mùi cỏ dễ chịu khiến cho không khí có vẻ ngòn ngọt bỗng làm cho Nashe nhớ lại nhiều chuyện xưa”. Sự huy động mọi cảm giác để tiếp nhận thế giới xung quanh đã chứng tỏ một sự hồi sinh trong Nashe. Ngược lại, có thể nói không gian nguyên sơ, hoang vắng thực sự trở thành môi trường an lành để tái tạo sự cân bằng trong tâm hồn con người sau những đổ vỡ, mất mát. Nashe tinh tế lắng nghe những chuyển động mơ hồ trong tâm hồn mình ở không gian ấy: “Nashe phát hiện rằng anh thích làm việc ở bãi cỏ ngoài trời, và sau một thời gian, cái tĩnh lặng của bãi cỏ đã tác động đến anh như một liều thuốc an thần, như thể cây cỏ đã làm biến đổi quá trình trao đổi chất của anh” [2, 193]. Theo Từ điển các biểu tượng văn hóa thế giới, cỏ là biểu tượng của tất cả những gì tái lập sự sống, trả lại sức khỏe, sự cường tráng và lành mạnh cho tâm hồn và thân thể con người. Được đắm chìm trong không gian bao trùm của cỏ, được hít thở trong bầu không khí trong lành của thế giới tự nhiên, tâm hồn Nashe đã thực sự tái sinh. Bởi thế, những hành động thực thi những điều khoản của bản giao kèo diễn ra nơi không gian này không chỉ đơn thuần là sự chấp nhận hình phạt mà vượt lên là một cuộc đấu tranh để vá víu lại cuộc đời, một cách chuộc lại những liều lĩnh và vị kỉ. Khi nhân vật vượt qua được những biến cố đầy thử thách, họ cảm nhận không gian trở nên lung linh: “Họ đã bước vào một tiết thu tuyệt đẹp: trời lung linh rỡ ràng, đất rắn chắc dưới chân; lá khô xào xạc trong gió bay” [2, 223]. Không gian trời đất tỏa chiếu, sưởi ấm lòng người hay tâm hồn 8 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 con người được tái sinh hòa hợp, thăng hoa cùng trời đất. Mọi giác quan của nhân vật được đánh thức để đón nhận những chuyển động từ thế giới bao la. Nhưng trong không gian ấy vẫn ẩn khuất những hiểm nguy đe dọa, hàng rào thép gai cùng những ngón đòn man rợ dành cho sự chạy trốn của Pozzi đã chứng minh điều đó. Và Nashe, sau khi trải qua những nỗi niềm thương nhớ và khổ đau, sau những cơn điên dại khát máu, đã thực sự tìm thấy trạng thái cân bằng đích thực cho tâm hồn mình. Nhân vật ý thức được ý nghĩa của tất cả những biến cố mà mình đã trải nghiệm, để rồi thấu triệt lẽ tồn tại và vận động của những điều ngẫu nhiên, tình cờ. Có một sự hòa hợp giữa ý thức ấy với khung cảnh không gian qua cảm nhận của chính nhân vật: “Chim sẻ, chào mào, chích chòe, sáo sậu. Giờ đây trong rừng chỉ còn lại chúng. Và quạ nữa. Những con chim hay nhất. Thỉnh thoảng, chúng vẫn chao lượn trên bãi cỏ, cất những tiếng kêu lảnh lót lạ lùng của chúng, và anh ngừng tay nhìn chúng bay qua đầu. Anh yêu thích cái đến đi bất chợt của chúng, cái lối chúng xuất hiện và biến mất, như thể chẳng có tí lí do nào” [2, 303]. Qụa – “những con chim hay nhất” – “biểu tượng của sự cô đơn, hay nói đúng hơn của sự cách li tự nguyện của những ai đã quyết sống để thực hiện một ý đồ cao siêu. Nó cũng là biểu hiện hy vọng, bởi vì quạ luôn luôn lặp đi lặp lại: cras, cras, tức là ngày mai, ngày mai (…). Trong đa số các tín ngưỡng, quạ xuất hiện như một nhân vật anh hùng với bản chất mặt trời, nhiều khi như một hóa công hoặc sứ giả của thần linh, trong mọi trường hợp như một người dẫn đường, thậm chí dẫn dắt các linh hồn trong cuộc du hành cuối cùng của chúng, bởi vì, với tư cách kẻ dẫn linh hồn, nó không ngần ngại chọc thủng bức màn che kín của bóng tối” [4, 750]. Sự xuất hiện của loài chim này trong tác phẩm là một ngụ ý đầy tính nghệ thuật và tư tưởng của Paul Auster. Bóng đêm trong tâm hồn Nashe đã hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho ánh sáng của sự bừng ngộ, sự thấu hiểu lẽ tồn tại của chính mình giữa cuộc đời với bao điều ngẫu nhiên, tình cờ. Sự “ra đời trọn vẹn, phát triển nhận thức, lí tính, khả năng yêu thương của mình đến một điểm mà mình vượt qua được sự vướng kẹt qui kỉ của chính mình, và đạt đến một hài hòa mới, đến một sự hợp nhất mới đối với thế giới” [2, 355] là điều Nashe đã tìm thấy. Cái ngẫu nhiên vẫn tồn tại bí ẩn đâu đó trong thế giới bao la, trong cõi nhân sinh ấm áp nhưng cũng đầy bất trắc. Nó có thể đem đến sự cứu rỗi cho linh hồn của mỗi cá nhân, có thể đem đến hạnh phúc bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, nhưng cũng có khi gây nên những bất hạnh, khổ đau. Điều quan trọng là mỗi con người, ngẫu nhiên tồn tại trong cuộc đời, dám đối mặt và kiên cường tìm ra lẽ sống để thích ứng và phản kháng với cái phạm trù bí ẩn và bất ngờ đó. Hòa hợp với những điều ngẫu nhiên đến từ thế giới tự nhiên nguyên sơ, thanh khiết ấy, Nashe dường như đã thực sự trải nghiệm để “ý thức được cái vô thức” có nghĩa là vượt qua dồn ép và phân li khỏi chính mình, do đó khỏi kẻ lạ. Nó có nghĩa là thức tỉnh, gạt bỏ những ảo tưởng, tưởng tượng, và dối trá, thấy thực tại như chính nó. “Con người thức tỉnh là 9 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 con người giải thoát, con người mà sự tự do của mình không bị hạn hẹp bởi những kẻ khác hay chính mình (…). Làm vô thức hữu thức có nghĩa là sống trong chân lí” [2, 412]. 3. Kết luận Việc tạo dựng trong tác phẩm kiểu không gian có ý nghĩa lưu đày và tái sinh đã giúp Paul Auster thể hiện một cách phong phú nhiều mặt những biểu hiện của cái ngẫu nhiên trong thế giới và trong tâm thức con người. Đồng thời, nó cũng giúp nhà văn khắc họa một cách rõ nét và thuyết phục sự vận động của nhận thức nhân vật trên hành trình khám phá ý nghĩa của những sức mạnh ngẫu nhiên đối với số phận con người. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (sưu tầm và biên soạn), 2003, Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết, Nxb Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. [2]. Paul Auster, Nhạc đời may rủi, 2007, Trịnh Lữ dịch, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. [3]. Lê Huy Bắc, 2009, Paul Auster và Nhạc đời may rủi, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 6, trang 74 - 95. [4]. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, 1997, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vĩ dịch, Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du. THE LAWN - AN EXILED AND REBORNED WORLD IN “THE MUSIC OF LIFE’S CHANCE” BY PAUL AUSTER Le Thi Thuy M.A Faculty of Literature Abstract: Right at the lawn, the space of slavery and imprisonment - the place for experiments of punishment, Nashe was finally able to fìnd out his autonomy for himself in relationship to the immense world and absurd, random things. He accepted to face and challenge them himself. Therefore, the slavery and imprisonment lawn, became a reborn world. Keywords: Paul Auster, contigency. 10 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO VIỆC DẠY - HỌC MÔN MÚA VÀ VẬN ĐỘNG THEO NHẠC CHO SINH VIÊN MẦM NON TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC ThS. Trần Anh Đức Khoa Tiểu học - Mầm non Tóm tắt: Đối với các lớp mầm non việc học tập môn giáo dục âm nhạc là rất quan trọng. Bên cạnh đó phân môn múa và vận động theo nhạc cũng là một học phần rất cần thiết đối với các bạn sinh viên mầm non. Với nhận thức như trên, việc giảng dạy tốt môn múa và vận động theo nhạc chính là đòi hỏi thực tế mỗi giảng viên phải đi sâu nghiên cứu chất liệu động tác múa kết hợp với kỹ năng sư phạm để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với quyết tâm vào cuộc một cách có trình tự logic khoa học kết hợp giữa việc nắm vững các chất liệu, các động tác múa cơ bản kết hợp với nghiệp vụ sư phạm... thì phần thuyết trình của giảng viên đã đạt được 50% kết quả bài dạy. Phần còn lại của phía người học chúng tôi cho rằng cũng là 50%. Lý do được nhận thấy qua thực tế giảng dạy mà chúng tôi hiểu khá rõ, khi giảng viên nhiệt tình, giảng dạy có chất lượng... nếu sinh viên - người học mà không hưởng ứng một cách có cơ sở của phân môn... thì kết quả học tập đạt được là rất thấp. Để có kết quả học tập tốt phía người học, đòi hỏi các giảng viên cần hỗ trợ tích cực việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm phía người học. Việc học tập theo học chế tín chỉ cần phải được người học tuân thủ đúng yêu cầu. Từ đó kết quả dạy - học môn múa và vân động theo nhạc mới có thể đạt kết quả cao. Từ khóa: Thực trạng, dạy - học Múa và vận động theo nhạc, sinh viên Mầm non. 1. Những điều kiện đối với việc dạy - học múa và vận động theo nhạc ở các lớp mầm non Ở loại hình đào tạo ngành sư phạm mầm non việc học tập các học phần âm nhạc trong chương trình là nhiệm vụ và là điều kiện tiên quyết đối với những sinh viên mầm non. Việc giảng dạy và học tập phân môn Múa và vận động theo nhạc lại có những đòi hỏi riêng. Ngoài việc yêu cầu có trình độ đáp ứng về chuyên môn chuyên ngành múa của người dạy cũng như Ngôn ngữ cơ thể... phải đạt những tiêu chí đòi hỏi của Ngành múa. Phía người học cũng cần phải đạt những yêu cầu về năng khiếu vận động, tai nghe nhạc, dáng vẻ, chiều cao cân nặng... Nếu thiếu các tiêu chí cơ bản trên chắc việc dạy - học môn múa và vận động theo nhạc sẽ cho những kết quả không đảm bảo về yêu cầu chuyên môn, không cân đối, không hài hòa, không đầy đủ. Thực trạng về việc dạy học múa cho sinh viên mầm non ở trường ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh điều kiện như hiện nay việc dạy và học tập học phần Múa và vận động theo nhạc cho sinh viên các lớp mầm non còn thiếu thốn rất nhiều thứ. Chúng ta chưa có phòng dành riêng cho việc dạy và học môn múa theo những tiêu chí chung. Một phòng học thực hành múa cần có hệ thống gương tường, hệ thống tay vịn bằng gỗ để uốn các động tác, chưa có cột trụ gỗ đánh bóng để tập treo chân uốn dẻo, nhào lộn trên dây đu có treo vòng, vòng lắc... Bên cạnh đó còn chưa có các đạo cụ như khèn H'mông, khèn bè Ai Lao, Tính Tảu Thái - Tày, Quả nhạc, Chuông lắc, Quạt, Nón, Ô, Bông xúc, hệ thống trang âm vận hành máy nghe nhạc... Những đạo cụ - vật dụng, phòng ốc chuyên ngành còn thiếu thốn nêu trên đều được thầy và trò cố gắng khắc phục phần nào. Chủ yếu là khắc phục bằng cách tự 11 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 chế tự biên những gì có thể trong khả năng eo hẹp về tài chính và giới hạn về khả năng tư duy sáng tạo vật dụng (đạo cụ). Sơ qua một chút về những trang thiết bị và đồ dùng dạy học chúng ta dễ dàng nhận thấy để chuyên nghiệp hóa dạy và học môn Múa và vận động theo nhạc chắc cũng còn khá xa vời với thực trạng những gì chúng đang có. 2. Thực tế và giải pháp cho việc dạy - học môn múa và vận động theo nhạc ở các lớp mầm non hiện nay a. Thực trạng: Khoa Tiểu học - Mầm non trường Đại học tây Bắc (ĐHTB), đã đào tạo ra trường 11 khóa các lớp Đại học - Cao đẳng mầm non hệ chính quy và phi chính quy. Hiện nay vừa tuyển sinh xong K55 Đại học - Cao đẳng mầm non vào học kỳ 1 năm thứ nhất. Với những trải nghiệm về việc giảng dạy môn Múa và vận động theo nhạc cho sinh viên hệ chính quy và phi chính quy chúng tôi đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc dạy và học môn Múa và vận động theo nhạc luôn được những người giáo viên giảng dạy trực tiếp các hoạt động âm nhạc trong đó có môn Múa và vận động theo nhạc quan tâm và nghiên cứu. Dưới đây là một đoạn trích của tác giả Lê Thị Tuyết trong đề tài "Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy Múa - vận động theo nhạc cho trẻ mầm non" - Trường Mầm Non Thượng yên công - Uông Bí - Quảng Ninh - Báo Giáo dục số 06 Sở GD và Đào tạo QN năm 2014. "Mỗi giảng viên dạy Múa và vận động theo nhạc đều ý thức được rằng giữa âm nhạc và vận động có mối liên hệ trực tiếp, xuất phát từ cơ sở sinh lý, đó là cơ quan thính giác và cơ quan cảm giác về chuyển động và thăng bằng. Nhà tâm lý học B.N Chep-lô-va cho rằng: "Việc tri giác âm nhạc xảy ra cùng lúc hoàn toàn trực tiếp với phản ứng vận động âm nhạc theo diễn biến thời gian".Đối với trẻ mầm non, do đặc điểm hồn nhiên, ham hoạt động nên mối quan hệ giữa âm nhạc và vận động được hình thành dễ dàng. Các bài hát, bản nhạc tạo cho trẻ những cảm xúc mạnh, trẻ vận động phù hợp với đặc tính của âm nhạc. Ở đây âm nhạc giữ vai trò chủ đạo còn vận động là công cụ thể hiện hình tượng âm nhạc qua hành vi thực hiện sự bắt trước động tác của trẻ. Vận động theo nhạc giúp trẻ phát triển cảm giác, nhịp điệu, sự khéo léo, khả năng phản ứng nhanh và đúng với những hình dung, tưởng tượng qua tư duy của các cháu khi nghe được những cảm xúc của tư duy hình tượng trong âm nhạc. Ngoài ra còn làm thoả mãn nhu cầu tình cảm của trẻ, trẻ được bộc lộ cảm xúc, giao tiếp với bạn bè. Hiện nay, chương trình âm nhạc đang được phổ biến rộng rãi trong các trường mầm non, nhằm giúp cho việc thực hiện giáo dục âm nhạc cho trẻ theo đúng chương trình quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những sinh viên mầm non có được những cơ hội và điều kiện thể hiện khả năng của mình. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều bạn sinh viên chưa chú ý hình thành kỹ năng vận động theo nhạc cho trẻ, chưa vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, chưa có biện pháp thiết thực 12 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 trong quá trình dạy trẻ, dẫn tới kết quả chưa đạt được so với yêu cầu. Do vậy, việc áp dụng biện pháp tiên tiến để dạy trẻ mầm non múa và vận động theo nhạc là rất cần thiết, cần được chú trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy trẻ múa và vận động theo nhạc, chúng tôi nghiên cứu và tìm ra một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy vận động theo nhạc cho trẻ ở các lớp mầm non". Những đòi hỏi về những kiến thức cơ bản về nghệ thuật múa đối với mỗi giảng viên là rất quan trọng. Mỗi giảng viên khi giảng dạy môn này cần phải biết phân loại nghệ thuật múa. Trong đó có các loại hình như: Múa sinh hoạt (diễn xướng dân gian); Múa sân khấu có thể là các tiết mục múa dân gian được Sân khấu hóa hoặc các tiết mục múa được biên đạo và dàn dựng bởi các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Đồng thời chúng ta cũng phải hiểu được các chức năng và những nét đặc trưng của nghệ thuật múa, thông qua hình tượng trong động tác của một hay nhiều người xây dựng nên hình tượng múa biểu trưng cho ý tưởng điển hình của nghệ thuật trong hình tượng ngôn ngữ múa. Đương nhiên đã xây dựng nên hình tượng của ngôn ngữ múa thông qua ý tưởng của biên đạo múa thì tiết mục đó, hình tượng trong tác phẩm đó phải là tác phẩm chuyên nghiệp. Thuật ngữ Biên đạo ở đây cần phải được hiểu đúng nghĩa. Biên đạo múa chuyên nghiệp phải được đào tạo bài bản theo hệ thống trường múa chuyên nghiệp, có Học hàm - Học vị đúng tiêu chí giảng dạy hay dàn dựng biểu diễn nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Để có được những yêu cầu trên thì các giảng viên dạy môn Múa và vận động theo nhạc cần nắm vững và đã được hình thành những kỹ năng cơ bản của nghệ thuật múa. Đồng thời cũng phải hiểu rõ ý nghĩa của các động tác cơ bản của múa. Các động tác cơ bản của múa cũng giống như 7 bước tấn cơ bản của bất cứ trường phái võ thuật nào trên thế giới như: 1. Trung bình tấn 2. Đinh tấn 3. Kim kê độc lập (gà vàng đứng một chân) 4. Xà tấn (thế võ rắn) 5. Chảo mã tấn (thế võ đá hậu của ngựa) 6. Thiên lôi cổn phiên (sét đánh ngang trời) 7. Song long quá hải (đôi rồng vượt biển). Ngoài ra còn rất nhiều các phân thế, biến thể khác của các bước tấn. Theo Nhất Nam căn Bản của võ sư Nguyễn Bính, Nxb HN 1996. Như vậy giảng viên dạy múa cũng cần nắm vững các chất liệu của múa hiện đại cũng như chất liệu cơ bản của múa dân gian Việt Nam và đặc trưng của ngôn ngữ múa. Chuyên ngành múa có 6 thế chân cơ bản, các bước chân cơ bản như: 1. Nhún mềm tại chỗ; 2. Nhún nhấc gót; 3. Nhún giật thế 1; 4. Bước chậm quả chám... Ngoài những bước chân cơ bản và các bước cách điệu của nghệ thuật múa chúng ta cần nghiên cứu một số tổ hợp múa chất liệu cơ bản dân gian Việt Nam. - Tổ hợp hái đào gồm các động tác: + Hái đào một tay + Hái đào hai tay + Động tác vuốt cánh tay + Động tác dệt cửi - Tổ hợp guộn đèn gồm các động tác: 13 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 + Động tác guộn đèn + Động tác guộn hạ - guộn trung - guộn thượng + Động tác đi thường thế 1 + Động tác đi lướt thế 2 - Tổ hợp động tác xiến: + Động tác xiến thế 1 + Bước quay ngang di động + Bước quay ngang nhún ký - Tổ hợp phần quạt: + Động tác trao quạt + Động tác đổi quạt + Động tác vờn quạt + Động tác cháo quạt - Tổ hợp mõ: + Động tác mõ mời + Động tác mõ nhảy đổi chỗ + Động tác mõ nhảy sệt Ngoài ra còn rất nhiều các tổ hợp chất liệu múa các dân tộc Việt Nam khác rất phong phú và đa dạng như: Tổ hợp chất liệu dân tộc Tày, tổ hợp chất liệu dân tộc H'Mông, tổ hợp chất liệu dân tộc Kh'Mú (còn gọi là dân tộc Xá), tổ hợp dân tộc Thái (bao gồm 02 ngành Thái đen và Thái trắng)... Qua phần lý luận cùng với nhận định và phân tích về những vấn đề chuyên môn có liên quan tích cực đối với việc dạy - học môn Múa và vận động theo nhạc của các giảng viên, sinh viên mầm non khoa TH - MN trường ĐHTB chúng ta đi đến một ví dụ cụ thể về việc hướng dẫn thực hiện chất liệu các động tác cơ bản của điệu Múa Khăn (Xe Khăn) dân tộc Thái Tây Bắc. - Giảng viên giới thiệu cách cầm khăn cơ bản: Bàn tay ngửa, các ngón tay cầm vào 02 mép khăn. Khoảng cách giữa 02 bàn tay rộng hơn hai vai.Độ cao cánh tay dưới gập lên gần vuông góc với cánh tay trên. - Bài học Chất liệu Xe Khăn - Múa Khăn dân gian Thái Tây bắc được trích dẫn từ giáo trình: MÚA DÂN GIAN MỘT SỐ DÂN TỘC VÙNG TÂY BẮC của các tác giả Trương Văn Sơn - Điêu Thúy Hoàn - Nguyễn Thị Mai Hương; Nxb Văn Hóa Dân Tộc; năm 2003. 1. Cá ước (Động tác, chất liệu cơ bản) - Hoàn thành mỗi động tác trong 4 nhịp 2/4 nhẹ nhàng, mềm mại chậm rãi. - Chuẩn bị: Chân thế 03 tay trái làm trj xế hướng 08. Tay phải ấp khăn lên vai trái, tay trái buông mềm, người nghiêng trái, vai trái thấp, xế về sau mặt nhìn thẳng đầu nghiêng trái. 14 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 - (tà) Hai chân nhún nhẹ xuống - (1) Nhún đẩy lên đồng thời chân trái xiết nhẹ, đẩy vòng sang trái một bước nhỏ lên ngang song song với chân phải, chuyển trọng tâm chính sang chân trái. - Tay phải tung khăn nhẹ, hơi lượn rộng vòng ra trước sang phải, dừng ở hướng 1, hai tay nâng khăn ngang trước bụng, 02 bàn tay ngửa xế hướng 02 và hướng 08. Khoảng giữa khăn trùng mềm tự nhiên. Thân trên vai phải chuyển mở ra theo tay phải về hướng thẳng. - (tà) Hai chân nhún nhẹ xuống - (2) Nhún lên, đồng thời kéo chân phải về song song sát với chân trái. Hai tay hơi hạ võng xuống và lượn vào gần người rồi nâng khăn che ngang ngực (khăn đưa lên hơi căng ra). Đầu và thân giữ thẳng. - (tà) Hai chân nhún nhẹ xuống - (3) Nhún lên, đồng thời miết nhẹ chân trái dịch sang ngang, tách xa một chút và song song với chân phải. Khăn lại được chuyển về vị trí cũ, hạ xuống thấp hơi lượn, đẩy ra và nâng khăn lên ngang bụng. Thân và đầu giữ thẳng. - (tà) Hai chân nhún nhẹ xuống - (4) Nhún lên, đồng thời chân phải rút về thế 03, đằng sau gót chân trái, xế hướng 03. Tay trái ấp khăn vào vai phải, tay phải để xuôi mềm tự nhiên. - Kỹ năng sư phạm: Trong khi giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện những động tác cơ bản trên nên sử dụng ngôn từ, câu chữ theo đúng thuật ngữ múa sẽ phát huy được khả năng cảm nhận của người học. 2. Chẩu pô (a, b, c) - Chẩu pô a (Nâng khăn lên đằng trước) - Hoàn thành mỗi động tác trong 02 nhịp 2/4 nhẹ nhàng, trang nghiêm, chậm rãi. Chuẩn bị: Chân thế 1. Tay cầm khăn cơ bản, để thấp. - (tà) Chân phải bước lên thế 02 - (1) Chân trái đưa ra phía trước. Chân phải nhấc lên khỏi sàn 25 độ, đồng thời chân trụ nhún nhẹ. Khi chân đưa ra trước, tay cầm khăn cũng đưa lên ngang trước ngực, đưa ra phía trước, thân trên ngửa, tay và toàn thân cũng nhún nhẹ, mặt nhìn xế phải. - (tà) Chân trái lùi về sau - (2) Chân phải thu về thế 05, nhún nhẹ. Hai tay cầm khăn hạ xuôi xuống ngang đùi, thân hơi cúi, mặt nhìn xuôi theo tay trái. Động tác được làm lại từ đầu không đổi chân. - Chẩu pô b (Đưa khăn sang cạnh) - (tà 1) Chân phải bước ngang sang phải một bước, thu chân trái vào thế 05 so le, nhún xuống nhẹ. Hai tay đưa khăn ngang sang phải, để khăn thành đường chéo trước ngực, tay phải nâng cao hơn đầu, tay trái ngang hông, thân nghiêng trái, đầu quay lại nhìn khăn tay phải. - (tà 2) Đổi bên làm bên trái. 15 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 - Chẩu pô c (Quay đổi chỗ 1/2 vòng) - Phần chân: - (tà 1) Chân phải bước sang thế 03 hơi rộng về hướng 03. - (1) Chân trái bước tiếp sang phải về hướng 03 (thế 03 ngược), thân trước và mặt chuyển về hướng 05. - (tà 2) Chân phải bước hơi lùi sang ngang hướng 07. - (2) Thu chân trái vào thế so le nhún nhẹ - (tà 3, tà 4) Động tác được tiếp tục đổi bên trái luôn, bước chân: trái, phải, trái, thu chân phải về. - Phần tay (trong 02 nhịp trên): (vào tà) Tay phải đánh tung khăn lên về hướng 03, mu bàn tay đi trước, tay trái thấp. (vào 1) Tay trái đánh khăn lên, bàn tay sấp đánh vớt lên cao vẫn về hướng 03, mu bàn tay đi trước, tay trái thấp. (vào tà 2) Tay phải đánh khăn sang phải, về hướng 07, dừng lại ở điểm này tạo thành thế chéo, tay phải cao hơn đầu, tay trái thấp ngang hông, thân và đầu nghiêng trái, mặt nhìn theo hướng khăn. - Lưu ý: Kỹ năng sư phạm. Giảng viên cần giải thích rõ, chính xác và thị phạm động tác mẫu thật uyển chuyển. - Kỹ năng chuyên ngành: Giảng viên cần khai thác triệt đẻ ưu thế về ngôn ngữ cơ thể của mình (nếu có). 3. Táng xạ - (1) Hoàn thành mỗi động tác trong 02 nhịp 2/4, thực hiện nhẹ nhàng uyển chuyển, mềm mại và chậm rãi. - Chuẩn bị: Khăn quàng vai, chân thế 05, chân trái làm trụ, thân trên nghiêng sang phải, tay trái cao, khung tay tròn thế 03, tay phải xuôi mặt ngước lên nhìn qua dưới vòm tay trái, xế hướng 08. Chú ý giữ khung tay tròn để khăn vắt trên tay không bị tuột xuống. - (tà 1) Chân nhún nhẹ xuống và lên, giữ nguyên thế tay, cổ tay. Bàn tay trái nhấn nhẹ xuống rồi lại nâng lên theo chân nhún. - (tà 2) Nhún nhẹ xuống lần nữa, tay trái lại nhấn xuống như trên (giữ nguyên). - (2) Nhún lên đồng thời bước chân phải sang ngang, sang phải về hướng 03. Tay trái nâng lên đồng thời mở rộng vươn về bên trái, hướng 07, tay phải hơi thu vào khung tròn, nâng lên trước ngực. - (tà 3) Thực hiện giống như (tà 1) đồng thời nhún nhẹ lên và xuống một cách nhịp nhàng đồng thời thu chân trái vào thế 05 so le, tay phải nhấn nhẹ và nâng lên thế 03. - (tà 4) Thực hiện giống như (tà 2) - Lưu ý: 16 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 - Thân luôn nghiêng theo chân động - Tay bên chân trụ luôn là tay cao - Khi chuyển thế, dáng luôn mở về chân trụ - Cần phải nâng đều cân đối khung tay để khăn không bị tuột - Phối hợp mềm mại uyển chuyển giữa tay cao, vai và thân trên. Mỗi khi chuyển dáng, đổi bên, luôn ngược với chiều chuyển động của chân. - Động tác có thể di động liên tục theo chiều ngang, về một bên. khi sang ngang, chân không dừng ở thế 05, bước liên tục. Ví dụ: Đi sang hướng 03 thì chân phải sẽ đi ngang bàn chân sang phải rồi chập chân trái vào với chân phải thành thế 01 hẹp. Cứ thực hiện đều như vậy ở phái bên phải về thế 01 hơi rộng rồi lại khít. Hai tay đuổi nhau về thế 03 và mở ra liên tục không có nhấn ở tại chỗ, tay phải mở sang phải, tay trái mở hướng trái. Phối hợp chân nọ, tay kia, đi về phía nào thì chân đó bước tách ra về phía bên đó, chân còn lại kéo theo. Thân và vai cũng liên tục chuyển nghiêng theo từng tay mở... Phần hướng dẫn sinh viên thực hiện những động tác cơ bản trong chất liệu Xe Khăn - Múa Khăn của điệu múa khăn dân gian Thái vùng Tây Bắc được thực hiện trong phạm vi một tiết học Múa và vận động theo nhạc. - Trong phần này còn những động tác cơ bản như: Tạp lào (Khăn quàng vai); Nhủm hưa (Đưa khăn chéo); Quát bó héo (Vòng khăn tạo cánh hoa)... sẽ được luyện tập trong tổ hợp múa khăn dân gian thái Tây bắc ở các tiết kế tiếp.. Phụ lục ảnh minh họa: MỘT SỐ HÌNH ẢNH MINH HỌA CHO ĐIỆU MÚA XE KHĂN CỦA DÂN TỘC THÁI TÂY BẮC (Điệu múa Xe khăn do các diễn viên không chuyên bản Co Ké xã Chiềng Pấc huyện Thuận Châu thể hiện vào mồng 07 tháng giêng âm lịch năm 2011) 17 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 b. Giải pháp: Những phân tích có cả yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan về việc dạy - học Múa và vận động theo nhạc đã giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về bộ môn này. Xuất phát từ những nhận định đó tôi đưa ra một số giải pháp sau: - Đối với giảng viên dạy môn nghệ thuật Múa và vận động theo nhạc cho các lớp mầm non cần phải nắm vững kiến thức cơ sở. Để có được điều đó, giảng viên phải trau rồi thường xuyên về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. - Về chuyên môn, giảng viên phải là người thường xuyên nghiên cứu về phương diện lý thuyết. Thường xuyên áp dụng lý thuyết vào các phần thực hành. Nếu giảng viên nắm vững lý thuyết và kỹ năng, kỹ xảo khi thực hành thì việc làm mẫu các động tác sẽ thuyết phục và gây ấn tượng mạnh với người học. Như vậy phần thể hiện mô phạm các động tác đơn lẻ và tổng thể của Ngôn ngữ cơ thể ở người dạy là hết sức quan trọng. Lý do của hành động thị phạm (làm mẫu) rất quan trọng bởi nghệ thuật âm nhạc hay nghệ thuật múa đều mang tính Tư duy hình tượng, thông qua âm thanh và động tác (ngôn ngữ múa) làm cho người nghe - xem cảm nhận được cảm xúc, trạng thái a hay b... Cảm xúc đó có thể được diễn tả bằng các trạng thái như Rất hào hứng xúc động hay Khó chịu, phản cảm... Như vậy chúng ta cũng dễ hiểu khi người dạy thực hiện động tác mẫu hay múa minh họa mà không đảm bảo những tiêu chí cơ bản của một người dạy múa thì người học sẽ đón nhận nguồn cảm xúc nào? Ngược lại nếu người dạy mà đảm bảo, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của điều kiện cần và đủ với việc dạy nghệ thuật múa vận động theo nhạc thì người học sẽ có được sự hứng khởi, cảm xúc tốt khi nghe - xem và chuẩn bị thực hành bài học. - Kỹ năng sư phạm, người dạy cần sử dụng ngôn ngữ tế nhị (nhẹ nhàng), chính xác và cần sự xúc tích cô đọng về mặt lời thoại (thuyết trình). Thuyết trình ở tốc độ chậm, giải nghĩa, chú thích kỹ, rõ những động tác mình vừa thị phạm (làm mẫu). Lý do phải thực hiện như vậy bởi sinh viên mầm non không phải là sinh viên chuyên ngành múa. Đây là yếu tố quan trọng đối với người dạy bộ môn này. Mặt khác khi soạn giảng cần lưu ý đến mức độ, cấp độ về những bài đã và sẽ dạy cho sinh viên mầm non. Nhiệm vụ của sinh viên mầm non là trau rồi kiến thức, tri thức môn Múa và vận động theo nhạc để sau này tổ chức các hoạt Múa và vận động theo nhac cho trẻ mầm non. Trước khi dàn dựng dạy một bài múa cụ thể phù hợp với chương trình Giáo dục mầm non, cần phải trang bị cho sinh viên một số các chất liệu (động tác cơ bản về múa trong chương trình).Giảng viên nên tìm hiểu, nghiên cứu đưa các ý tưởng hợp lý vào từng bài múa cụ thể khi dàn dựng bài múa. Khi dàn dựng múa cho sinh viên mầm non, giảng viên cần lưu ý phải hướng dẫn chậm rãi, tinh tế, đơn giản về mặt câu chữ ngôn từ nhưng phải chuẩn xác về động tác thị phạm (làm mẫu) cũng như múa Solo (múa mẫu). Để thực hiện được một số tiêu chí vừa nêu trong những giải pháp trên, đòi hỏi người dạy phải có sự đam mê 18 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 nghề nghiệp. Có lẽ đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng với những giảng viên nghệ thuật nói chung, đối với giảng viên dạy môn Múa và vận động theo nhạc nói riêng. 3. Kết luận và kiến nghị a. Trách nhiệm của giảng viên - Mỗi giảng viên cần thường xuyên nghiên cứu tài liệu chuyên ngành để nâng cao trình độ. Trong đó bao gồm các yếu tố như: nắm vững về mặt lý thuyết, thực hiện chính xác, đẹp thông qua Ngôn ngữ cơ thể của mình khi thực hiện động tác mẫu (phần thực hành). - Phong thái, tính mô phạm của giảng viên dạy múa và vận động theo nhạc có đặc điểm riêng biệt khác việc dạy các môn học khác. Chẳng hạn như trang phục phù hợp với dáng vẻ của ngôn ngữ cơ thể của người dạy. Trang điểm khi dạy từng bài cần có sự tinh tế, hợp lý với nội dung bài dạy. Thái độ cần hài hòa, vui vẻ, thanh tú, khoan thai, thướt tha, yêu kiều... dẫn đến bản thân người dạy là biểu tượng là hiện thân của cái đẹp. Một số nét đặc trưng phù hợp với một giảng viên dạy Múa và vận động theo nhạc như trên, sẽ tạo ra một bầu không khí tâm lý tốt, tạo ra niềm đam mê cũng như sự hứng khởi đối với người học. Chất lượng giảng dạy và học tập sẽ được nâng lên đáng kể khi giảng viên thực hiện tác nghiệp ở học phần này. b. Trang thiết bị - thời gian biểu - Cần có một phòng chức năng có những trang thiết bị phù hợp với việc giảng dạy bộ môn Múa và vận động theo nhạc. - Giờ học Múa và vận động theo nhạc nên sếp lịch dạy 05 tiết trên một tuần vào một buổi để có đủ thời lượng học lý thuyết và thực hành luyện tập. Nếu sếp 05 tiết trên một tuần có thể sẽ kết thúc học phần sớm hơn qui định thời gian biểu của một học kỳ. Tuy nhiên việc được tập luyện với một thời gian dài trong từng buổi sẽ giúp cho việc nắm bắt kiến thức của sinh viên được chắc chắn và sâu sắc hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lê Thị Tuyết trong đề tài Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy Múa - vận động theo nhạc cho trẻ mầm non - Trường Mầm Non Thượng yên công - Uông Bí - Quảng Ninh - Báo giáo dục số 06 sở GDQN năm 2014. [2]. Nguyễn Xuân Bính, Nhất Nam căn Bản, Nxb HN 1996. [3]. Trương Văn Sơn - Điêu Thúy Hoàn - Nguyễn Thị Mai Hương; MÚA DÂN GIAN MỘT SỐ DÂN TỘC VÙNG TÂY BẮC, Nxb Văn hóa Dân tộc; năm 2003. [4]. Nhiều tác giả (2002), Giáo trình Âm nhạc và Múa, Nxb Giáo dục. [5]. Trần Minh Trí (2002), Giáo trình Múa tập 1, Nxb Đại học Sư phạm. [6]. Trần Minh Trí (2002), Giáo trình Múa tập 2, Nxb Đại học Sư phạm. 19 Trường Đại học Tây Bắc Thông tin KH&CN số 1 - 6/2015 REALITY AND SOLUTIONS FOR TEACHING - LEARNING OF DANCE AND MOVEMENT TO MUSIC FOR PRE-SCHOOL STUDENTS IN TAY BAC UNIVERSITY Tran Anh Duc M.A Faculty of Kindergarten and Primary Education Abstract: For pre-school classes, learning music education course is very important. Besides, dancing and movement to music is an essential part of learning for preschool students. With such awareness, good teaching that subject is a pratical requirement that each teacher must depth study about material dance movements combined with pedagogical skills to perform their tasks. With a commitment to the scientific logic sequence, combining mastery of the material, the basic dance movements to the pedagogical… the presentation of faculty has achieved 50% outcomes of the lecture. The rest of the students, we believe that also accounts for 50% of the outcomes. The reason is seen in the fact that we know is even if teachers are very enthusiastic and good quality… if students - who learn that do not respond in a way that has the basis of subject… the achieved learning outcomes is very low. For better learning outcomes, requires teachers need active support to raise the awareness and responsibility of the students. Students need to comply with the requirements of the learning credit system. Since then, the outcomes of the dancing and movement to music still can archieve good results. Keywords: Reality, teaching-learning dancing and movement to music, pre-school students. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất