Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua nghệ nhân và ma...

Tài liệu Những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại hiện đại qua nghệ nhân và margarita của m.bulgakov

.PDF
197
1196
96

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG NHỮNG ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA TIỂU THUYẾT HUYỀN THOẠI HIỆN ĐẠI QUA NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA CỦA M.BULGAKOV LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI - 2012 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG NHỮNG ĐẶC ĐIỂM THI PHÁP CỦA TIỂU THUYẾT HUYỀN THOẠI HIỆN ĐẠI QUA NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA CỦA M.BULGAKOV Chuyên ngành: Văn học Nga Mã số: 62 22 30 01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Phạm Gia Lâm MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Sự xuất hiện các cuốn tiểu thuyết Ulysses (1922) của J.Joyce, Núi thần (1924) của T.Mann, Nghệ nhân và Margarita (hoàn thành năm 1940 – xuất bản năm 1967) của M.Bulgakov đã khiến độc giả cũng như giới phê bình băn khoăn về thể loại của chúng: đó phải chăng là “biến thể văn học. Tiểu thuyết? Dĩ nhiên là không. Đó không phải là tiểu thuyết mà là một dạ hội ma quái của phù thủy, một bản nhạc Capriccio đồ sộ, một đêm vũ hội của Quỷ hiếm có trong tưởng tượng” [127, tr. 206-207]. Những tác phẩm như thế tuy thuộc về một khuynh hướng mới của tiểu thuyết thế kỉ XX, được định danh về mặt thể loại là “tiểu thuyết huyền thoại” (роман-миф) nhưng những dấu hiệu đặc trưng thể loại của nó vẫn là vấn đề gây tranh luận. Khám phá đặc trưng thể loại khả dĩ định hình được một hướng tiếp cận mạch lạc, cách giải thích logic cho những cuốn tiểu thuyết vốn dĩ rất “rối rắm” trong cấu trúc và ý nghĩa. Những lí giải về đặc trưng thể loại sẽ trở nên cụ thể và có cơ sở hơn nếu nghiên cứu thông qua một vài trường hợp cụ thể. Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov là một trong những hiện tượng lớn nhất của văn học nghệ thuật Nga thế kỉ XX. Đó là cuốn tiểu thuyết được hoàn thành sau nhiều lần bị chính nhà văn xé, đốt… do những áp lực từ chế độ chính trị. Đó cũng là cuốn tiểu thuyết, do sự gắt gao của chế độ kiểm duyệt, phải 20 năm sau khi hoàn thành mới được in và đến với độc giả (1967). Số phận cuốn tiểu thuyết đã khẳng định “định đề” nhà văn đặt vào lời của Quỷ ở gần cuối tác phẩm: “bản thảo không bao giờ cháy”. Ở Nghệ nhân và Margarita người đọc có thể tìm thấy và khám phá mã lịch sử - tôn giáo – văn hóa folklore, dấu ấn truyền thống văn học Nga, sự hiện hữu của truyền thống văn học Phương Tây, những nét tương đồng về mặt thi pháp và những cảm thức thời đại với nhiều tác phẩm lớn của văn học thế giới thế kỉ XX (Ulysses của J.Joyce, Núi thần của T.Mann…) và rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong phong cách cũng như tư duy nghệ thuật của M.Bulgakov. Có lẽ cũng vì vậy, từ thời điểm xuất hiện của cuốn tiểu thuyết cho đến nay, những bàn cãi, tranh luận về nó trong giới phê bình Nga 1 và Phương Tây luôn sôi nổi và chưa có điểm dừng. Một trong những tâm điểm của những bàn thảo ấy vẫn là vấn đề thể loại của tác phẩm. Mặt khác, trong văn học Nga thế kỉ XX, M. Bulgakov được coi là nhà văn thuộc bộ phận văn học phi chính thống, một bộ phận văn học tạo thêm tính phức tạp, đa diện cho bức tranh văn học của giai đoạn này, một bộ phận văn học dẫu không nhận được sự ủng hộ, “đồng vọng” của thể chế chính trị xô viết, nhưng vẫn tồn tại và khẳng định được giá trị và ý nghĩa tồn tại của chính mình, không chỉ với độc giả Nga mà với cả thế giới, không chỉ ở thời điểm ra đời mà cả sau khi cùng với sự sụp đổ của thể chế xô viết, cái định tính “phi chính thống” đã được gỡ bỏ. Vì thế, nghiên cứu M.Bulgakov với “tiểu thuyết định mệnh” Nghệ nhân và Margarita còn góp phần lí giải sự tồn tại, những đóng góp, những đặc điểm riêng biệt của bộ phận văn học Nga từng bị cấm đoán trong tổng thể thẩm mĩ – Văn học Nga thế kỉ XX. Với tất cả những lí do đó, chúng tôi chọn Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov như một trường hợp để nghiên cứu những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX. 2. Lịch sử vấn đề Kể từ thời điểm cuốn tiểu thuyết được in cho đến nay, số lượng các bài báo, công trình nghiên cứu về Nghệ nhân và Margarita trên thế giới khó có thể thống kê hết được. Ở Nga, những nghiên cứu chuyên sâu về M.Bulgakov chủ yếu tập trung ở các chuyên luận của L.Ianovska, M.Chudakova, A.Smeliansky… và các công trình nghiên cứu của V.Lakshin, A.Vulis, B.Sokolov, E.A.Yablokov… Theo thống kê của B. T. Georgievna trong luận án bảo vệ năm 2001 tại MGU - Sáng tác của Mikhail Bulgakov trong phê bình viết bằng tiếng Anh những năm 1960-1990 [56], số lượng bài báo và sách nghiên cứu ở Nga về M.Bulgakov từ năm 1967 đến 1997 là 220 [56, tr. 193-201]. Ở Mĩ và Phương Tây, số lượng những bài báo nghiên cứu về cuốn tiểu thuyết cuối cùng của M.Bulgakov đăng trên các tạp chí New York Times, Australia Slavonic and East European Studies, Slavic Review, Slavic and East European Journal, Russian Review, Slavonic And East European Review, Canadian Slavonic Papers, Russsian Literature Triquaterly từ 1967 đến 2 1997 là 289 [56, tr. 177-192]. Số lượng bài báo đã công bố nghiên cứu về Nghệ nhân và Margarita ở Việt Nam: 03 bài và lời giới thiệu văn xuôi M.Bulgakov của Đoàn Tử Huyến mở đầu Tuyển tập văn xuôi M.Bulgakov. Phổ chung nghiên cứu của ngành “Bulgakov học” (Bulgakovedenie) rất rộng, bao gồm: các lĩnh vực thi pháp học, văn bản học, văn hóa học, nghiên cứu so sánh,… các vấn đề giai đoạn sáng tác cuốn tiểu thuyết, ngọn nguồn, thể loại, cấu trúc, motif, tư tưởng của nó. Luận án tập trung nghiên cứu vấn đề thể loại của Nghệ nhân và Margarita, nên chúng tôi quan tâm nhiều đến các tài liệu bàn về thể loại, đặc biệt là những công trình trực tiếp hoặc gián tiếp gợi ý cách hình dung Nghệ nhân và Margarita như một tiểu thuyết huyền thoại và những đặc điểm thi pháp thể loại của tác phẩm. Bàn về thể loại của Nghệ nhân và Margarita, các nhà nghiên cứu đi theo bốn hướng. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng tiểu thuyết được xây dựng dựa trên việc kết hợp sử dụng các thể loại đã tồn tại trước đây. Hầu hết các nhà phê bình đều lưỡng lự trong việc xác định thể loại cụ thể, họ nhận ra các đặc điểm khác nhau giữa các chương Moskva và Yershalaim và không thể hợp nhất các tuyến truyện vào trong tổng thể thống nhất. Khuynh hướng thứ hai nhìn tiểu thuyết như một dạng thức của thể loại châm biếm. Các nhà nghiên cứu tranh cãi về các thể loại từ châm biếm chính trị đến châm biếm Menippus. Khuynh hướng thứ ba coi tiểu thuyết như một tác phẩm quan trọng của chủ nghĩa hiện đại. Khuynh hướng thứ tư nhìn Nghệ nhân và Margarita như một tác phẩm thuộc chủ nghĩa tân huyền thoại của thế kỉ XX. Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt phân tích từng khuynh hướng nghiên cứu. Theo đó, chúng tôi không triển khai lịch sử vấn đề theo nhóm những nghiên cứu của Nga, Phương Tây và Việt Nam, cũng như không phân định theo các giai đoạn mà đi theo các cụm vấn đề đã được đặt ra. Nghệ nhân và Margarita - tiểu thuyết thống hợp nhiều thể loại Trong cuốn sách Thập kỉ cuối cùng của Mikhail Bulgakov: nhà văn như là nhân vật [151], học giả J.A.E.Curtis của Đại học Oxford đã chỉ ra rằng cuốn tiểu thuyết mang hình thức thể loại đặc biệt. Theo bà, cấu trúc phức tạp và các phong cách khác nhau chạy suốt các chương Moskva và Yershalaim đã khiến các nhà 3 phê bình tranh cãi về thể loại của nó. Họ khẳng định rằng các tác phẩm văn học những giai đoạn trước hoặc các truyền thống văn học đã ảnh hưởng đến M.Bulgakov và hướng đến miêu tả sự kết hợp khác thường của các thể loại trong bản thân tác phẩm. Nhà phê bình người Nga A.Lesskis hướng nhiều đến vấn đề hình thức trong công trình phê bình của mình. Ông chỉ ra những đặc điểm khác nhau của các chương Yershalaim và Moskva, và gọi tác phẩm của M.Bulgakov là “tiểu thuyết cặp đôi” (двойной роман), tiểu thuyết trong tiểu thuyết, một tiểu thuyết về một tiểu thuyết [75, tr. 52]. Theo ông, Nghệ nhân và Margarita không trùng với diện mạo thể loại của một tiểu thuyết (ông định nghĩa tiểu thuyết là thể loại bàn luận về số phận của một người hoặc một nhóm người, kết nối với những người khác), mà đó là một hiện tượng thể loại đặc biệt [75, tr. 54]. Lesskis hoàn toàn đúng khi lưu ý rằng Nghệ nhân và Margarita vượt ra ngoài cách hình dung truyền thống về thể loại tiểu thuyết nhưng cách phân loại Nghệ nhân và Margarita như một tiểu thuyết cặp đôi đã bỏ qua tính chặt chẽ trong cấu trúc, những dấu hiệu lặp lại giữa trần thuật Moskva và Yershalaim, tính tổng thể thống nhất về mặt triết mĩ của nó. K.Simonov [101, tr. 181] tuy vẫn sử dụng khái niệm “tiểu thuyết cặp đôi”, nhưng khẳng định rằng M.Bulgakov về cơ bản đã đưa một tiểu thuyết tâm lí vào trong tiểu thuyết huyễn tưởng. Việc nhà phê bình nhấn mạnh huyễn tưởng như một phương thức nổi trội của tác phẩm vẫn còn mơ hồ ở chỗ nó không giải thích được sức nặng của những đoạn miêu tả tâm lý liên quan đến Nghệ nhân và Pilate. Nhà phê bình Larisa Fialkova tiếp cận tác phẩm của M.Bulgakov theo hướng so sánh, bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng tiểu thuyết kết hợp trong nó nhiều thể loại. Khi bàn về những nét tương đồng giữa cái nhìn của M.Bulgakov và Andrei Belyi về thành phố Moskva, Fialkova cho rằng các chương Yershalaim được viết theo thể loại tiểu thuyết lịch sử [117, tr. 366]. Khi bàn về các yếu tố ảo trong các chương Moskva bà không đưa ra những phân định về thể loại (như bà đã từng tiến hành với các chương Yershalaim). L.Fialkova không giải thích tại sao 4 M.Bulgakov lựa chọn thể loại tiểu thuyết lịch sử cũng như không trả lời câu hỏi về hiệu ứng tổng thể do nó tạo ra. Giống như A.Lesskis, L.Fialkova không giải thích thỏa đáng về sự liên kết giữa hai phần của tiểu thuyết, cũng như không đề xuất một nguyên lí liên kết chung của toàn bộ tác phẩm. Mikhail Kreps đi xa hơn L.Fialkova trong cách nhận diện các thể loại tồn tại trong tiểu thuyết. M.Kreps khẳng định rằng kiệt tác của M.Bulgakov chứa đựng trong nó ít nhất bốn thể loại: 1) truyện trào phúng (liên quan đến phần miêu tả đời sống văn chương và sân khấu ở Moskva đương đại); 2) truyện lịch sử (Yeshua và Ponti Pilate); 3) truyện lãng mạn (Nghệ nhân và Margarita); 4) truyện phiêu lưu (cuộc phiêu lưu của Voland và đoàn tùy tùng ở Moskva đương đại) [70, tr. 70]. Đoàn Tử Huyến với lời giới thiệu của Tuyển tập văn xuôi Bulgakov có phần giống với M.Kreps khi đưa ra nhận định về tính chất tổng hợp và phức tạp của thể loại ở Nghệ nhân và Margarita, thậm chí ông còn “mở rộng” danh sách thể loại tồn tại trong tiểu thuyết này: “chúng ta có thể xếp Nghệ nhân và Margarita vào các loại: tiểu thuyết triết học, tiểu thuyết trào phúng, tiểu thuyết giả tưởng, tất nhiên cả tiểu thuyết hiện thực và…” [23, tr. 16]. Làm rõ sự kết hợp của nhiều thể loại trong tác phẩm, Đoàn Tử Huyến đã phân tách ba nhóm sự kiện: nhóm sự kiệm trào phúng, nhóm sự kiện liên quan đến Nghệ nhân – nhóm sự kiện mang tính bi kịch và nhóm sự kiện về lịch sử cổ đại; tương ứng với các nhóm sự kiện là các nhóm nhân vật. Về cơ bản, Đoàn Tử Huyến gợi ý cho người đọc hình dung về sự phức tạp của các thể loại tồn tại trong Nghệ nhân và Margarita. Rất nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng tiểu thuyết của M.Bulgakov là sự tiếp nối của truyền thống Faust. Dựa vào trên những trích dẫn và những ám gợi truyền thuyết nhiều người đã tranh cãi về bản chất và phạm vi sự tồn tại của Faust trong Nghệ nhân và Margarita. Năm 1969, Elizabeth Stenbock- Fermor, một trong những nhà phê bình đầu tiên của Phương Tây về M.Bulgakov, đã so sánh tiểu thuyết của Bulgakov với Faust của Goethe và những phiên bản khác của truyền thuyết Faust ở thế kỉ XVI [180]. Andrew Barratt, người viết lời giới thiệu cho cuốn chuyên khảo về Nghệ nhân và Margarita, cho rằng trong chương 5 đầu cuốn tiểu thuyết của M.Bulgakov những ám gợi về Faust quá rõ ràng [143, tr. 138]. Edythe Haber [160] và sau đó là Gisela Zimmermann [186] thừa nhận sự phân chia các nguyên mẫu của Goethe trong một số nhân vật. E.Habber chỉ ra rằng tác phẩm của M.Bulgakov gắn kết chặt chẽ với nhiều yếu tố trong câu chuyện về Faust và Chúa; tuy nhiên, ông không chuyển tải nguyên vẹn toàn bộ cốt truyện và nhân vật của Faust vào trong tiểu thuyết của mình [160, tr. 384]. Hơn nữa, E.Habber khẳng định, M.Bulgakov “tiếp cận các huyền thoại như là những phức hệ của các motif cốt truyện và các đặc điểm nhân vật, những yếu tố có thể bị phá vỡ để xuất hiện trong những kết hợp hoàn toàn khác ở cốt truyện chính của ông” [160, tr. 384]. Ý kiến này gợi đến thi pháp liên văn bản trong tiểu thuyết của M.Bulgakov mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở khuynh hướng tiếp cận thể loại thứ tư. Sự tồn tại của nhiều thể loại khác nhau trong Nghệ nhân và Margarita cũng được giới nghiên cứu quan tâm đến. Một số nhà phê bình dùng thể loại truyện cổ tích (сказка) để giải thích các đặc điểm hình thức của tiểu thuyết. Sona Hoisington, một nhà nghiên cứu người Mĩ [161, tr. 44], sau đó là Rita Giuliani, một chuyên gia người Italia về M.Bulgakov [58, tr. 288], cũng như nhà phê bình người Serbia M.Povanovic [96, tr. 61] đã bàn luận rằng các phần của tiểu thuyết dường như tuân theo mô hình về truyện cổ tích mà Vladimir Propp miêu tả trong Hình thái học truyện cổ tích (1928). L.Milne trong bài viếtNghệ nhân và Margarita - một vở hài kịch về chiến thắng [167] nhìn thấy kịch tôn giáo và carnaval thời Trung Cổ đi kèm với các lễ hội tôn giáo trung cổ như là những tiền đề của hình thức tiểu thuyết [167, tr. 2]. Tìm ra những nét tương đồng của tiểu thuyết M.Bulgakov với cách giải thích về Chúa và những cảnh vui đùa, khôi hài xung quanh câu chuyện linh thiêng, thần thánh, chỉ ra mối quan hệ giữa sân khấu dân gian Nga và truyền thống Trung cổ này và mối quan hệ với cả tiểu thuyết của M.Bulgakov [167, tr. 3], nhà phê bình kết luận tiểu thuyết là “một vở hài kịch về chiến thắng tinh thần đối với thế giới vật chất và cái chết” [167, tr. 33]. Guiliani khi lưu ý đến mối liên hệ với truyện kể dân gian, cũng nói thêm: tiểu thuyết của M.Bulgakov đã kết hợp nhiều thể loại khác nhau của sân khấu bình 6 dân Nga và Ukraina. Nhà phê bình chỉ ra rằng M.Bulgakov sử dụng chúng như là “kí ức khách quan về thể loại”, theo cách nói của M.Bakhtin. Chúng tôi khi tiếp cận với các công trình trên hoàn toàn chia sẻ với các nhà nghiên cứu quan điểm cho rằng tác phẩm của M.Bulgakov đã thay đổi cách hình dung thông thường trước đây về thể loại, giới hạn thể loại tiểu thuyết được mở rộng tối đa, thậm chí bị phá vỡ. Từ đó chúng tôi thấy cần cắt nghĩa tại sao có hiện tượng đó và cần có khái niệm lí luận định danh thể loại/ biến thể thể loại này. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu đã nêu cũng gợi ý cho chúng tôi rằng, với Nghệ nhân và Margarita không thể bỏ qua các văn bản và truyền thống triết mĩ liên quan, vai trò của nó đối với việc định hình tư duy thể loại. Hai vấn đề này sẽ được triển khai trong chương 1 và chương 2 của luận án. Nghệ nhân và Margarita - tiểu thuyết châm biếm và giễu nhại Từ thời điểm bản in tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita xuất hiện vào năm 1967, rất nhiều nhà phê bình phương Tây và Nga đều coi cuốn tiểu thuyết như một hình thức châm biếm. Các nhà phê bình Phương Tây thời kỳ đầu, chẳng hạn Elena Mahlow, cho rằng tiểu thuyết chứa đựng bộ mã và phúng dụ về thời đại Stalin trong lịch sử xô viết. L.Skorino, năm 1968, với bài báo có tên gọi Những khuôn mặt không có mặt nạ carnaval [102] xuất bản trên Voprosy Literatury coi tiểu thuyết của M.Bulgakov như một cuộc tấn công ngầm ẩn vào hiện thực xô viết qua việc sử dụng yếu tố huyễn tưởng [102, tr. 17]. Châm biếm ở tác phẩm của M.Bulgakov rõ ràng hướng vào hiện thực xô viết, nhưng nó không đơn thuần chỉ là một vấn đề chính trị mà liên quan đến cả quan điểm triết học và thế giới quan siêu hình của M.Bulgakov. L.Skorino, tuy nhiên, lảng tránh những câu hỏi về triết học nảy sinh trong tiểu thuyết. I.Vinogradov cũng đưa ra một cái nhìn tương tự với L.Skorino, coi Nghệ nhân và Margarita như một tác phẩm châm biếm chính trị. Trong bài báo Di chúc của Nghệ nhân [49], I.Vinogradov khi tập trung vào các chương Yershalaim đã so sánh tình trạng tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức của Pilate với trí thức Nga - những người cố gắng giữ lại sự thật trong lương tâm của mình [49, tr. 43]. Cùng năm, Vladimir Lakshin tiếp tục phát triển luận điểm 7 của I.Vinogradov trong bài báo Tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” của M.Bulgakov [73] đăng trên “Novy Mir”, tập trung vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi Pilate quyết định hành hình Yeshua. Luận điểm của cả V.Lakshin và I.Vinogradov cho rằng tiểu thuyết thể hiện tình thế lưỡng nan của trí thức Nga khi vật lộn trong sự giam cầm của xã hội xô viết đều không có sức thuyết phục. Song cũng cần ghi nhận ở bài báo của V.Lakshin những gợi ý, những ý tưởng quan trọng, đặt cơ sở ban đầu cho những nghiên cứu thể loại của Nghệ nhân và Margarita, dẫu ông chưa đưa ra được cách gọi tên thể loại hợp lí. Nhà nghiên cứu cho rằng M.Bulgakov đã “liên kết một cách dễ dàng cái không thể liên kết: lịch sử và châm biếm, trữ tình và huyền thoại, sự tồn tại và cái huyễn tưởng – tạo ra khó khăn nhất định khi xác định thể loại của tác phẩm” [73, tr. 284]. Theo V.Lakshin nếu gọi tên thể loại tiểu thuyết là Menippus sẽ không diễn đạt được tính đa dạng của phong cách. Các nhà phê bình cũng sai lầm khi gọi Nghệ nhân và Margarita là “sử thi hài hước” hay “tiểu thuyết không tưởng châm biếm”. Ông cho rằng chỉ cần gọi Nghệ nhân và Margarita là “tiểu thuyết”, ở đó có sự kết hợp các yếu tố hài hước và hiện thực, hiện thực và dị thường, cái bình thường và cái bất thường. Những ý tưởng về hình ảnh một Yeshua không giống với truyền thống Phúc âm, một hình ảnh Jesus của riêng M.Bulgakov, một Voland và ý nghĩa nước đôi về cái ác đã được khơi lên ở bài báo này. Nhiều nhà phê bình Phương Tây thừa nhận sự hiện diện của các yếu tố châm biếm trong tác phẩm của M.Bulgakov. Tuy nhiên, họ không coi toàn bộ tác phẩm là sự châm biếm trực diện với xã hội xô viết. Quan điểm cho rằng M.Bulgakov không đơn thuần châm biếm một đối tượng riêng, đặc biệt mà giễu nhại cả hệ thống đức tin đã được khơi lên trong giới phê bình. Donald B.Pruit, chẳng hạn, nghiên cứu giễu nhại (parody) trong tác phẩm của M.Bulgakov, nhưng ở phạm vi tôn giáo. D.Pruit coi tiểu thuyết như một tổng thể thể hiện thái độ giễu nhại Phúc âm của St.John trong cả cách xây dựng nhân vật và văn phong [174, tr. 319]. Voland, theo ông, là hình tượng giễu nhại Chúa [174, tr. 313]. Ông luận bàn rằng hành động “ác” của Voland rất mong manh. Sự chuộc lỗi của Pilate gắn liền với khái niệm về Thượng Đế thần thánh. 8 Một nhóm các nhà phê bình khác coi Nghệ nhân và Margarita như một hình thức châm biếm Menippus. Nhà phê bình người Nga A.Vulis, trong lời bạt cuốn sách Nghệ nhân và Margarita xuất bản năm 1966 đã miêu tả tiểu thuyết như một thể loại châm biếm Menippus, ở đó có sự xuất hiện của các yếu tố tiếng cười và carnaval thể hiện những tư tưởng triết học. Ellendea Proffer chia sẻ với A.Vulis quan điểm về thể loại của Nghệ nhân và Margarita trong bài báo năm 1969 [172, tr. 616] và công trình sau này Bulgakov - cuộc đời và tác phẩm (1984) [173, tr. 531] rằng Nghệ nhân và Margarita có thể được xếp vào phạm trù của châm biếm Menippus. Cách hiểu của E.Proffer về thể loại châm biếm Menippus dựa trên những nghiên cứu của N.Frye, M.Bakhtin. Theo bà, trong châm biếm Menippus tác giả sử dụng cái huyễn tưởng, cái nghiêm trang, cái hài, tính kịch, trần thuật không còn tính cân đối, hòa trộn hiện thực và huyễn tưởng [172, tr. 617]. Kiểu châm biếm này phá vỡ truyền thống không - thời gian và không bị hạn chế bởi nguyên tắc miêu tả giống như thật. Các nhân vật của châm biếm Menippus thuộc về truyền thuyết và có thể là những nhân vật lịch sử có thật. Các yếu tố tôn giáo và thần bí thường được thể hiện dưới hình thức hài hước và thô lỗ. Những nhà văn châm biếm viết theo lối Menippus thường kết hợp triết học và huyễn tưởng. Họ tạo ra những trạng thái tư duy đặc biệt, chẳng hạn như những giấc mơ và tình trạng mất trí, điên rồ đặc biệt là bệnh schizophrenia (bệnh tâm thần phân liệt). Nhà văn loại bỏ thế giới dựa trên lí trí và có trật tự, bởi vậy sự gián đoạn, đứt gãy và mâu thuẫn là đặc điểm thường xuất hiện trong câu chuyện. Bà chỉ ra rằng tiểu thuyết của M.Bulgakov có đầy đủ tất cả các đặc điểm đó [172, tr. 619]. Bruce A.Beatie và Phyllis W.Powell, hai nhà phê bình người Mĩ coi phân tích cấu trúc như một công cụ để giải mã tiểu thuyết của M.Bulgakov, có phần lưỡng lự khi xác định thể loại cho Nghệ nhân và Margarita. Trong khi vẫn thừa nhận có thể coi Menippus là biến thể của tiểu thuyết, họ lại khẳng định Nghệ nhân và Margarita cùng với Ulysses của Joyce thuộc về “thể loại hiếm khi xuất hiện mà Northrop Frye gọi là “tiểu thuyết bách khoa” [145, tr. 237]. Các nhà phê bình cho rằng đặc điểm “các cấu trúc ám dụ đa nghĩa đan cài vào nhau, các phức hợp motif và biểu tượng liên kết với nhau…, đặc biệt không thay đổi là những 9 ám dụ ngẫu nhiên bên ngoài đối với lịch sử xã hội và văn chương” được tìm thấy trong tiểu thuyết của M.Bulgakov tương ứng với châm biếm Menippus, nhưng cách tổ chức hướng tâm cao độ và cấu trúc biểu tượng “đơn tử” lại hướng vào đặc trưng của tiểu thuyết bách khoa (encyclopedic fiction) [145, tr. 237]. Tuy nhiên, theo quan điểm của N.Frye, thực chất tiểu thuyết bách khoa luôn gắn chặt với thể loại châm biếm Menippus. Vì vậy, mặc dù cố gắng phân biệt châm biếm Menippus với tiểu thuyết bách khoa, các nhà phê bình vẫn miêu tả chúng giống nhau. Ngoài ra, A.Beatie và Ph.Powell còn khẳng định rằng tiểu thuyết này trên hết là một tiểu thuyết mỉa mai, châm biếm (ironic fiction). Sự nhập nhằng về thể loại theo họ xuất phát từ tính đa dạng trong các phương diện châm biếm. A.Beatie và Ph.Powell cũng nói rằng những ám gợi về kinh ngụy tác trong phức hệ biểu tượng “những cái đầu bị chặt” gợi ý rằng tiểu thuyết này là tiểu thuyết ngụy tác, rằng đó là một tác phẩm hướng vào “sự kết thúc của tất cả mọi thứ” [145, tr. 237]. Trong công trình nghiên cứu Hình ảnh sách khải huyền trong tiểu thuyết Nga hiện đại (1989) [147], David Bethea một lần nữa khẳng định quan điểm này. Bethea coi đây là tiểu thuyết khải huyền (apocalyptic fiction), và nhận xét rằng tiêu điểm của các tiểu thuyết khải huyền không phải là sự chuyển đổi thế giới trần tục sang một trạng thái được hiểu là nhân văn hoàn hảo mà dự báo về sự kết thúc của con người và vũ trụ như đã được tiên tri trong Tân ước hoặc trong những cuốn sách Khải huyền khác [147, tr. 149-150]. Quả thực, cuốn sổ tay về Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov những năm 1938-1939 đã thể hiện rõ rằng ông dành sự quan tâm đặc biệt cho sách Khải huyền. Dưới tiêu đề “Nostradamus”, M.Bulgakov tô đậm bằng bút chì đỏ và xanh một ghi chú rằng sự kết thúc của thế giới được tiên đoán xảy ra vào năm 1943. Như vậy khuynh hướng phê bình này coi châm biếm như thể loại gốc của Nghệ nhân và Margarita. Cách phân loại này có cơ sở hợp lí nhất định. Chúng tôi cho rằng châm biếm là một trong những phương thức chủ đạo trong cách tổ chức tác phẩm của M.Bulgakov. Phân tích tác phẩm không thể bỏ qua phương thức và hiệu ứng châm biếm được tạo ra. Tuy nhiên, cách định danh Nghệ nhân và Margarita là tiểu thuyết châm biếm không bao trùm được tất cả các đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết. 10 Nghệ nhân và Margarita - tiểu thuyết của chủ nghĩa hiện đại Một số nhà phê bình cho rằng Nghệ nhân và Margarita chắc chắn là một dẫn chứng của văn xuôi chủ nghĩa hiện đại – một khuynh hướng ở đó các nhà văn muốn loại bỏ thực tại hỗn loạn để dựng nên một thế giới độc lập với thế giới đang diễn ra và trong đó người nghệ sĩ/ nhà văn là thực thể tối cao, được đặt lên trên hết. L.Milne coi đây là một tiểu thuyết hiện đại, nếu hiểu chủ nghĩa hiện đại theo nghĩa rộng nhất là một phong trào chung của Châu Âu cố gắng lấy ra những giá trị và ý nghĩa từ khủng hoảng [168, tr. 261]. D.Bethea cho rằng Nghệ nhân và Margarita có thể được coi là tiểu thuyết “hiện đại” đặc biệt (par excellence) của Nga-soviet [147, tr. 205-206]. Luận điểm này của nhà nghiên cứu dựa trên một vài đặc điểm của tiểu thuyết. Thứ nhất là khả năng của M.Bulgakov trong việc mã hóa các giễu nhại phức tạp đối với câu chuyện Kinh Thánh và Faust của Goethe. Thứ hai là khả năng đưa chính cuộc đời của mình vào trong tiểu thuyết. Thứ ba là mối quan tâm sâu sắc dành cho vấn đề cái thiện và cái ác, khớp nối với một cấu trúc cực kỳ phức tạp. Vladimir Tumanov bàn luận về vai trò của Quỷ trong tác phẩm của M.Bulgakov, khẳng định rằng đây là “một tác phẩm độc đáo của chủ nghĩa hiện đại” [181, tr. 49]. Với V.Tumanov, Voland xuất hiện như một biểu tượng về sự giải phóng tinh thần, nghệ thuật và vật chất [181, tr. 50]. V.Tumanov sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại” trong sự đối lập với các tiêu chí của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Quỷ như một nhân tố trong cuộc nổi loạn nghệ thuật, theo quan điểm của V.Tumanov, hắn thất bại trong cuộc đấu tranh của mình ở cuối cuốn tiểu thuyết [181, tr. 61]. Giống như E.Proffer, B.A.Beatie và Ph.W.Powell, O.Kushlina và Yu. Simrnov lưu ý đến sự hòa trộn các phong cách và truyền thống trong tiểu thuyết của M.Bulgakov [72, tr. 285]. Tuy nhiên, các nhà phê bình không phân định rõ tiểu thuyết thuộc thể loại nào. Họ gọi tiểu thuyết là một “mô hình văn hóa” (модель культуры) [72, tr. 303] bởi nó có nguồn gốc từ sự hòa trộn các truyền thống cổ xưa, ngoại giáo, đạo Do Thái, tiền Kito giáo, Quỷ học Trung cổ Đông Âu, cả huyền thoại tiền Kito và hậu Kito. Một số nhà nghiên cứu, để khẳng định tính chất hiện đại của tác phẩm, đã chứng minh rằng Nghệ nhân và Margarita chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết học 11 Kỉ nguyên bạc và coi đây là “tiểu thuyết triết học” (philosophical novel). A.Barratt [143] và I.L.Galinskaya [53] đặt tiểu thuyết của M.Bulgakov trong mối liên hệ với triết học của V.Soloviev. Sau này, Riitta Pittman nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tư tưởng Nikolai Berdiaev với tác phẩm của M.Bulgakov. Đặc biệt những ảnh hưởng của triết học P.A.Florensky đối với M.Bulgakov được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến. M.Chudakova cho rằng cuốn sách Tính ảo trong hình học của P.A.Florensky ảnh hưởng rất lớn đến M.Bulgakov trong cách tổ chức thời gian – kiểu thời gian đứt đoạn [129]. Ý tưởng đó tiếp tục được B.A.Beatie và Ph.W.Powell khai thác khi nhìn thấy sự tương ứng của mô hình vũ trụ do P.A.Florensky đưa ra với cấu trúc không thời gian của Nghệ nhân và Margarita: những giao cắt bề mặt, những chuyển dịch từ tưởng tượng sang hư ảo, những yếu tố phi lí trong không gian và thời gian của tiểu thuyết theo họ cần phải được lí giải từ “tri thức về tính hư ảo” mà P.A.Florensky đưa ra [146, tr. 260-261 ]. J.A.E.Curtis [151], B.Sokolov [105], G.Krugovoy [165] và đặc biệt là Howard Solomon [179] đi xa hơn nữa trong nghiên cứu ảnh hưởng của nhà triết học này với M.Bulgakov khi đặt cả P.A.Florensky và M.Bulgakov trong mạch chảy của chủ nghĩa tượng trưng Nga và triết học kỉ nguyên bạc, nhấn mạnh ảnh hưởng của P.A.Florensky đến M.Bulgakov ở tư duy siêu hình. Luận án của chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến phương diện này, coi đó là nền tảng triết học quan trọng để giải thích ý nghĩa của các huyền thoại trong tác phẩm. Đặt Nghệ nhân và Margarita trong bối cảnh văn xuôi hiện đại chủ nghĩa là khuynh hướng được nhiều nhà phê bình, nhà nghiên cứu ủng hộ, tuy nhiên đây vẫn chưa phải là cách xác định thể loại cụ thể, chuyển tải được một cách khái quát đặc điểm thi pháp của tác phẩm. Bên cạnh đó, khẳng định tác phẩm thuộc văn xuôi hiện đại chủ nghĩa song các nhà nghiên cứu chưa đưa ra được các tiêu chí thể loại cụ thể cho các luận điểm của mình. Những công trình nghiên cứu đã nêu, dù vậy, cũng đã chỉ ra cho chúng tôi một định hướng quan trọng: muốn hiểu ý nghĩa của huyền thoại trong Nghệ nhân và Margarita phải đặt tác phẩm trong mối liên hệ với môi trường triết học kỉ nguyên bạc, đó là “trường” triết –mĩ quan trọng đối với tác phẩm. 12 Nghệ nhân và Margarita - tiểu thuyết huyền thoại (роман – миф) A.V.Mironov [89], B.Gasparov [52], S.Telegin [111]…. trong các công trình nghiên cứu của mình đã xác định Nghệ nhân và Margarita là tiểu thuyết huyền thoại.S.Telegin trong công trình Tiểu thuyết huyền thoại Nga không dành một chương riêng để phân tích Nghệ nhân và Margarita. Song, trong chương 1 – Huyền thoại – văn học - tiểu thuyết, khi đề cập đến sự phân biệt tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XIX và tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX, nhà nghiên cứu xếp Nghệ nhân và Margarita vào nhóm tiểu thuyết huyền thoại (роман – миф) cùng với Lâu đài, Biến dạng, Trăm năm cô đơn,… ở đó huyền thoại “không phải là một thủ pháp (như thế kỉ XIX) mà trở thành “khung” của tiểu thuyết [111, tr. 24]. “Khu vực huyền thoại hóa” của các tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX theo S.Telegin: “được chuyển từ thế giới bên ngoài vào trong tâm hồn con người” [111, tr. 24]. Ông nhấn mạnh sự tác động tổng thể của huyền thoại đối với tiểu thuyết thế kỉ XX đặc biệt ở phạm trù tư duy thẩm mĩ. Dẫu không đưa ra những chứng minh cụ thể song luận điểm đó đã gợi cho chúng tôi ý tưởng về sự khác nhau cơ bản giữa tiểu thuyết có chứa yếu tố huyền thoại của thế kỉ XIX và tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX từ đó có định hướng để tiếp cận Nghệ nhân và Margarita với tư cách là một tiểu thuyết huyền thoại. Công trình của S.Telegin ngoài chương 1 đề cập một chút đến tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX, phần lớn các trang viết dành để nghiên cứu huyền thoại trong tiểu thuyết thế kỉ XIX (tiểu thuyết của I.A. Goncharov ở chương 2, của M.E. Santykov-Shedrin ở chương 3 và chương 8, của N.X. Leskov ở chương 4, của F. Dostoevsky ở chương 5 và chương 9, của P.I.Melnikov ở chương 6, của L.Tolstoy ở chương 7) và nặng về phân tích cổ mẫu. B.Gasparov chứng minh Nghệ nhân và Margarita là tiểu thuyết huyền thoại thông qua việc phân tích các motif cấu trúc. Nhà nghiên cứu đi tìm motif của Kinh Thánh, Faust … trong các nhân vật như Bezdomny, Berlioz; khẳng định hình ảnh đám cháy ở Moskva hiện đại như một huyền thoại chứa đựng hình ảnh đám cháy ở Rome dưới thời Nero và đám cháy ở Moskva vào năm 1812, đó vừa là quá khứ vừa là tương lai, chuyển động vào hiện tại, một sự hồi ức mang tính huyền thoại và đồng thời là lời tiên tri; khám phá hình ảnh Moskva và sự phản chiếu một Yershalaim huyền thoại. A.V.Mironov cho rằng nghiên cứu tiểu thuyết 13 Ket-noi.com Ket-noi.com kho kho tai tai lieu lieu mien mien phi phi huyền thoại (Nghệ nhân và Margarita, Hố móng …) không chỉ dừng lại ở yếu tố hình ảnh, motif hay cốt truyện mà cần quan tâm đến các nguyên lí thể loại, để tìm ra nguyên lí thể loại cần phải trả lời được huyền thoại là gì và tại sao tư duy huyền thoại xâm nhập được vào tiểu thuyết. Luận án của chúng tôi tiếp tục quan điểm của các nhà nghiên cứu về cách xác định thể loại của tác phẩm. Từ “điểm dừng” cũng như gợi ý của các nhà nghiên cứu chúng tôi nhận thấy rằng để chứng minh tiểu thuyết huyền thoại như một thể loại cần phải xác định được những tiêu chí cụ thể về phương diện thi pháp. Các tiêu chí nhận diện thể loại này được chúng tôi nêu ra trong chương 1 của luận án. Một số công trình nghiên cứu cấu trúc tác phẩm tuy không nêu ra cách định danh thể loại cho Nghệ nhân và Margarita song đã chỉ ra một vài đặc điểm thi pháp nổi bật của tiểu thuyết, có mối liên hệ với yếu tố huyền thoại. Khi nghiên cứu đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết huyền thoại Nghệ nhân và Margarita chúng tôi không thể không lưu ý đến những luận điểm trong những công trình đó. Ekaterina Skorospelova nhận định rằng các motif cấu trúc trong Nghệ nhân và Margarita về cơ bản dựa trên sự đối lập “cái của mình”/ “của kẻ khác” (cвое/ чужое). Không đưa ra những phân tích quá cụ thể và chi tiết song theo Skorospelova, cặp đối lập này hiện diện trong cả không gian, thời gian, hệ thống nhân vật của tác phẩm [103, tr. 84-86]. Luận điểm này gợi ý cho chúng tôi tìm hiểu sự chi phối của đặc điểm tư duy huyền thoại (hướng đến sự đối lập) với cấu trúc tiểu thuyết đặc biệt là cấu trúc không-thời gian trong chương 2. Một số motif ít nhiều gắn liền với huyền thoại đã lần lượt được các nhà nghiên cứu đưa ra. Chẳng hạn, Vũ Công Hảo trong bài báo Bàn thêm về motif và cấu trúc motif trong tiểu thuyết thuyết Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov đã khái quát và phân loại hai nhóm motif quan trọng trong tác phẩm: “motif xác định tổ chức cốt truyện” và “motif xác định vị thế của nhân vật”. Luận án của chúng tôi quan tâm nhiều đến những phân tích về sự chuyển hóa của “cặp motif đối lập thiện – ác” trong “motif xác định tổ chức cốt truyện”, đồng thời chúng tôi cũng đề cập đến một số motif mà nhà nghiên cứu nêu ra, chẳng hạn motif “gặp gỡ”, nhưng nhấn mạnh hơn mối liên hệ của nó với các cổ mẫu huyền thoại. 14 Liên văn bản là một trong những phương pháp chủ đạo được sử dụng khi nghiên cứu tiểu thuyết huyền thoại. Rất nhiều công trình về Nghệ nhân và Margarita ở cả Nga, phương Tây và Việt Nam từ cuối những năm 90 của thế kỉ XX đến nay hướng đến sử dụng phương pháp này. Chúng tôi tìm thấy ở đó những gợi ý quan trọng cho việc giải quyết vấn đề nghiên cứu của mình. Không phải đến những năm 90, giới phê bình phương Tây mới đặt Nghệ nhân và Margarita trong mối liên hệ liên văn bản với Kinh Thánh, Faust… Những năm 70-80 nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến sự có mặt của các hình ảnh, nhân vật trong Faust và những hình ảnh trong Kinh Thánh ở tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita, nhưng đó mới chỉ là những phân tích ở cấp độ hình ảnh, chi tiết, và hướng đến làm rõ ý nghĩa giễu nhại, châm biếm. Từ những năm 90, giới phê bình Nga và Phương Tây mở rộng dần cấp độ liên văn bản trong tiểu thuyết, từ hình ảnh, chi tiết sang cốt truyện, nhân vật, và đặc biệt hơn nữa liên văn bản được gắn liền với triết học, cố gắng giải mã ý nghĩa triết học của tác phẩm. Đó là hướng đi của các công trình của O.Gurevich [159], A.Barratt [144], E.A.Yablokov [136, 137], G.Williams [185],… Theo E.A.Yablokov “mô hình cuộc đối thoại vĩnh hằng giữa văn hóa và lịch sử đóng vai trò quan trọng trong tư duy nghệ thuật của Bulgakov” [136, tr. 99] vì vậy khi phân tích cấu trúc nghệ thuật văn xuôi M.Bulgakov trên tất cả các cấp độ cốt truyện, hình ảnh thời gian, hình ảnh không gian, những biểu tượng thiên nhiên, ông luôn có sự so sánh với thuyết mạt thế (эсхатология), chẳng hạn hình ảnh bầu trời, hình ảnh ánh sáng và sự kết thúc của thế giới… G.Williams cho rằng Nghệ nhân và Margarita chịu ảnh hưởng từ thuyết Mani (Manichaeism). G.Williams chỉ ra trong truyền thống Mani, thế giới của bóng tối và cái ác chứa đựng năm yếu tố: sự hiểm độc, bóng tốí, sương mù, những cơn bão, và những ngọn lửa thiêu rụi. Tất cả những yếu tố này đều xuất hiện nhiều trong Nghệ nhân và Margarita. Dùng thuyết Mani, nhà nghiên cứu cũng đưa ra những giải thích thú vị về hiện tượng kết cục số phận của các nhân vật (Pilate, Yeshua, Ivan Bezdomny..) gắn liền với ánh trăng – một hình ảnh liên quan đến sự tẩy rửa. Cũng vận dụng thuyết Mani, ông giải thích được tại sao các chương cổ đại Yershalaim khác với Cựu ước,… Mối liên hệ liên văn bản của Faust với Nghệ nhân và Margarita được các nhà nghiên cứu như 15 Ket-noi.com Ket-noi.com kho kho tai tai lieu lieu mien mien phi phi E.Olonova và A.Barrat nhấn mạnh, cả hai đều thống nhất rằng mối liên hệ đó không chỉ nằm ở các nhân vật mà ở chính triết lí quan niệm về cái thiện – cái ác, sáng tạo và hủy diệt… O.Gurevich đặt ra câu hỏi “Tại sao các nhà phê bình không thống nhất về cách hiểu Nghệ nhân và Margarita?” và chỉ ra hạn chế lớn nhất trong cách tiếp cận của một số nhà nghiên cứu đối với tiểu thuyết của M.Bulgakov: cứng nhắc trong việc tạo ra mô hình song trùng giữa ba thế giới. Bà gợi ý rằng có thể dùng lí thuyết không gian tâm lí để hình dung về sự song trùng đó, để “chỉ ra tính phức tạp và chưa hoàn toàn của những mối quan hệ song trùng giữa các thế giới của tiểu thuyết, giữa tiểu thuyết và Faust của Goethe…” [159, tr. 25]. Thực chất O.Gurevich hướng người đọc đến cách tiếp cận liên văn bản với tác phẩm; quá trình liên văn bản diễn ra không chỉ giữa văn bản tác phẩm với các văn bản ngoài tác phẩm (Nghệ nhân và Margarita với Faust và Kinh Thánh) mà còn ở bên trong văn bản tác phẩm (Nghệ nhân và Margarita với cuốn tiểu thuyết của Nghệ nhân). Do vậy, liên văn bản ở Nghệ nhân và Margarita không tạo ra những mô hình đối xứng tuyệt đối. Chúng tôi sẽ đi tiếp ý tưởng này trong những phân tích ở chương 2 và chương 3. Trong bài báo Motip Kyto giáo trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” của M.Bulgakov (Thử nghiệm tiếp cận liên văn bản), Phạm Gia Lâm nói rõ hơn ý tưởng gắn kết thi pháp liên văn bản với tiểu thuyết huyền thoại: “Thi pháp liên văn bản có liên quan đến đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa tân huyền thoại với vai trò đặc biệt của huyền thoại cổ đại, huyền thoại Thánh Kinh và các văn bản được huyền thoại hóa (như Hamlet, Don Juan, Faust,...) trong việc tạo nên tư tưởng của tác phẩm [29, tr. 38]. Nhà nghiên cứu đã “thử nghiệm” cách đọc tác phẩm từ góc nhìn liên văn bản ở ba cấp độ: không gian hành động, nhân vật và cốt truyện. Những ý tưởng mà bài báo nêu ra về sự vận động ngược chiều nhau của ba lớp không gian, về các bộ ba nhân vật, về những “trích dẫn”, cắt dán, “ám gợi” trên cơ sở liên kết các văn bản Phúc âm, Faust và văn cảnh văn hóa – xã hội Nga sẽ được chúng tôi tiếp tục triển khai trong luận án của mình, đặt tất cả trong “tọa độ” đặc trưng thi pháp thể loại tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX. Từ gợi ý của các nhà nghiên cứu, chúng tôi coi văn bản Kinh Thánh và Faust là hai “văn bản nguồn” quan trọng của Nghệ nhân và Margairta. Mối liên 16 hệ của tiểu thuyết với các văn bản đó không chỉ được khai thác trong chương 2 của luận án mà còn được đề cập đến trong một vài luận điểm ở các chương sau. Hơn nữa, liên văn bản trong Nghệ nhân và Margairta theo chúng tôi không còn là một phương thức gắn kết các văn bản mà đã trở thành một hình thức trò chơi độc đáo trong sự tương tác giữa tư duy huyền thoại và tư duy tiểu thuyết. Trong phạm vi quan sát của mình, chúng tôi thấy chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về Nghệ nhân và Margarita từ góc độ thi pháp thể loại tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX. Vì thế luận án của chúng tôi có thể coi là thử nghiệm đầu tiên tường giải kiệt tác này trong khung tham chiếu thi pháp tiểu thuyết huyền thoại thế kỷ XX. 3. Phạm vi, đối tượng và mục đích nghiên cứu 3.1. Phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu Đề tài của luận án đòi hỏi chúng tôi phải bao quát một lượng tác phẩm đồ sộ và vô cùng phức tạp trong lối viết thuộc thể loại tiểu thuyết huyền thoại. Luận án cố gắng tiếp cận với một số tác phẩm tiêu biểu cho thể loại tiểu thuyết này của văn học Phương Tây (các tác phẩm của J.Joyce, T.Mann, A.Platonov, Ch.Aitmatov, F.Kafka…) trong phần khái quát về tiểu thuyết huyền thoại ở chương 1. Song cần nhấn mạnh rằng, tâm điểm của luận án là xác định những đặc trưng thi pháp của thể loại tiểu thuyết huyền thoại thông qua nghiên cứu trường hợp. Vì vậy phạm vi khảo sát chủ yếu và chuyên sâu của chúng tôi là cuốn tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov. Những nghiên cứu và khảo sát của chúng tôi được tiến hành trên bản dịch của Đoàn Tử Huyến. Trong trường hợp cần khảo sát trên nguyên bản, chúng tôi sử dụng bản Nga ngữ của NXB AST Moskva, năm 2009. Để hình dung sự tồn tại và chi phối của tư duy huyền thoại trong cấu trúc tiểu thuyết, để chứng minh sự tồn tại về mặt thể loại của tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX, chúng tôi tiến hành phân tích văn bản tiểu thuyết trên tất cả các yếu tố cấu trúc: không – thời gian, hệ thống nhân vật, tổ chức cốt truyện và cấu trúc chủ thể trần thuật. Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu văn bản và cấu trúc tác phẩm Nghệ nhân và Margarita, trong luận án, ở một số trường hợp cần thiết chúng tôi có đề 17 Ket-noi.com Ket-noi.com kho kho tai tai lieu lieu mien mien phi phi cập đến một số truyện vừa (Trái tim chó, Những quả trứng định mệnh) và tiểu thuyết Bạch vệ của M.Bulgakov. Các định hướng về mặt lí luận của luận án chủ yếu dựa trên những nghiên cứu của M.Bakhtin, N.T.Rymar về thể loại văn học, của B.A.Uspensky, M.Bakhtin, W.Schmid về cấu trúc chủ thể của tác phẩm văn học; của O.M.Freydenberg, Yu.Lotman về thi pháp motif, cốt truyện; của Yu.Lotman, M.Bakhtin, V.N.Toporov về không –thời gian. Cơ sở nghiên cứu thi pháp huyền thoại trong văn bản nghệ thuật được chúng tôi tiếp thu từ một số công trình của D.E.Maksimov, Z.G.Mints, E.M.Meletinsky, A.F.Losev, M.M.Bakhtin, Yu.M.Lotman, V.N.Toporov, R.Barthes… 3.2. Mục đích nghiên cứu - Xác định đặc điểm của thể loại tiểu thuyết huyền thoại hiện đại thông qua việc nghiên cứu sự tương tác của tư duy huyền thoại và tư duy tiểu thuyết trên tất cả các yếu tố cấu trúc (không-thời gian, nhân vật, tổ chức cốt truyện, cấu trúc chủ thể), từ đó đưa ra cách hình dung về khái niệm “tiểu thuyết huyền thoại” thế kỉ XX, điểm khác nhau cơ bản giữa tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX và những tiểu thuyết có chứa đựng những yếu tố huyền thoại của thế kỉ XIX. - Xác định các lớp liên văn bản tạo cơ sở cho việc hiểu ý nghĩa huyền thoại trong văn bản Nghệ nhân và Margarita. - Chỉ ra những nguyên lí cơ bản chi phối sự vận động các yếu tố cấu trúc tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita khi có sự tác động của tư duy huyền thoại. - Góp phần xác định đặc điểm phong cách văn xuôi M.Bulgakov. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án đề cập đến những vấn đề liên quan đồng thời đến cả thi pháp trào lưu, thi pháp thể loại và thi pháp tác giả. Bởi vậy phương pháp chủ đạo chúng tôi sử dụng là thi pháp học lịch sử, nhìn đối tượng nghiên cứu trong cả lát cắt đồng đại và lịch đại, “xem xét trước hết tính kế thừa trong sự phát triển thi pháp các thời đại, sau đó là lịch sử của các dạng và hình thức phóng chiếu đời sống” [28, tr. 50]. Đặc trưng thi pháp thể loại tiểu thuyết huyền thoại luôn là vấn đề chúng tôi xoáy sâu, coi đó là trục chính để triển khai các luận điểm nghiên cứu. Do đó, 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan