Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ MỘT SỐ VẤN ĐỀ XUNG QUANH KHÁI NIỆM VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG ...

Tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ XUNG QUANH KHÁI NIỆM VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG

.PDF
17
338
72

Mô tả:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ XUNG QUANH KHÁI NIỆM VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG TS. Nguyễn Đức Hạnh∗ 1. Con người và toàn bộ đời sống của xã hội loài người vừa là sản phẩm của tiến trình phát triển theo quy luật tự nhiên đồng thời vừa là kết quả của quá trình mà nó tách khỏi giới tự nhiên, tác động vào thế giới tự nhiên và sáng tạo nên đời sống xã hội theo ý chí của nó. Trong lịch sử xã hội loài người, điều có ý nghĩa nhất và cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm hàng đầu chính là nền văn hóa mà con người đã sáng tạo ra trải rộng dài theo không gian và thời gian. Chính nhờ có văn hóa, nhờ có sự sáng tạo nền văn hóa mà con người trở thành con người với tư cách là động vật tư duy hay cũng có thể nói, chính vì là động vật tư duy nên con người đã trở thành sinh vật duy nhất có khả năng sáng tạo văn hóa. Nghiên cứu để hiểu được con người và xã hội loài người cũng như cách thức mà con người sáng tạo ra cuộc sống chính là đi tìm câu trả lời cho những động cơ văn hóa của nó. Chính bởi do những động cơ văn hóa mà con người có thể đạt được những thành tựu đáng tự hào trong tất cả các lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật… Có thể nói văn hóa bao trùm lên mọi mặt, mọi khía cạnh của đời sống con người. Tuy nhiên chúng ta lại không thể có một khái niệm văn hóa để có thể sử dụng trong mọi trường hợp. Trên cơ sở một quan niệm chung rằng văn hóa là tất cả những yếu tố mang tính người, là sản phẩm do nhu cầu của xã hội loài người sản sinh ra, người ta tìm cách định nghĩa khái niệm văn hóa theo từng góc độ tiếp cận khác nhau nhằm đạt được những nhận thức phù hợp với khía cạnh cần quan tâm vượt qua những trở ngại về sự thiển cận hoặc tính mơ hồ. Người ta có thể phân loại và phân cấp toàn bộ nền văn hóa của loài người theo nhiều hệ thống khác nhau bởi những góc độ tiếp cận khác nhau thành những hiện tượng văn hóa ∗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền cụ thể. Từ hiện tượng các cộng đồng người tập hợp thành dân tộc sẽ cho ta văn hóa dân tộc Việt, văn hóa dân tộc Hoa, văn hóa dân tộc Chăm… Hiện tượng các cộng đồng người sinh sống trong cùng điều kiện sẽ tạo nên những mô hình văn hóa mà từ đó chúng ta có thể nói tới văn hóa du mục, văn hóa buôn sóc, văn hóa làng xã … Từ các cộng đồng tôn giáo sẽ tạo nên văn hóa Phật giáo, văn hóa Hồi giáo, văn hóa Thiên chúa giáo… Từ những hiện tượng xã hội thuộc mọi lĩnh vực khác nhau trong đời sống cũng tạo nên những hiện tượng văn hóa đặc thù như: văn hóa giao thương, văn hóa hôn nhân, văn hóa quân sự, văn hóa chính trị, văn hóa truyền thông… Trong vô số những hiện tượng xã hội thì hoạt động truyền thông có một vai trò và vị trí đặc biệt. Nhờ có hoạt động truyền thông mà loài người có thể kết nối được giữa cá nhân này với cá nhân khác, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng xã hội với nhau. Nếu con người không có được những kết nối như vậy thì không có sơ sở để hình thành xã hội loài người với những thành tựu kỳ diệu và tiềm năng vô tận như chúng ta đang thấy ngày nay. Nếu chúng ta ví xã hội loài người cũng là một thực thể giống như trái đất trong vũ trụ thì hoạt động truyền thông chính là bầu khí quyển đối với nó. Với vai trò là bầu khí quyển của đời sống, hoạt động truyền thông đã góp phần quan trọng để tạo ra, duy trì và thúc đẩy sự sống của xã hội loài người không ngừng phát triển. Tuy nhiên, bản thân hoạt động truyền thông cũng chính là một hiện tượng xã hội do con người sản sinh ra và vì thế nó gắn liền với nền văn hóa của nhân loại. Trên thế giới, nhất là từ nửa sau của thế kỷ XX, trong giới nghiên cứu đã hình thành khái niệm Văn hoá truyền thông (Media Culture) dùng để chỉ những hiện tượng của đời sống xã hội do phương tiện truyền thông (và cũng là hoạt động truyền thông) chi phối (hay thậm chí thống trị). Một loạt những tác động ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực của hệ thống báo chí, truyền hình, phim ảnh, quảng cáo, internet…làm thay đổi hành vi, quan điểm, lối sống của con người trong những cộng đồng khác nhau đã trở thành đề tài nghiên cứu thường xuyên của giới chuyên môn. 2. Khi con người thực hiện các hoạt động truyền thông để liên hệ, gắn kết với nhau trong quá trình duy trì và phát triển xã hội, cũng có nghĩa là nó đồng thời đang thực hiện các hoạt động sáng tạo văn hóa. Và trong toàn bộ hệ thống các hiện tượng xã hội, truyền thông được coi là một hoạt động văn hóa đặc thù. Nó vừa là kết quả của một quá trình văn hóa vừa có sự liên hệ tác động qua lại đối với các hiện tượng văn hóa khác. Như vậy, thuật ngữ văn hóa truyền thông trước hết xác định truyền thông là một hiện tượng văn hóa. Bất kỳ một hiện tượng văn hóa nào cũng vừa mang tính phổ biến đồng thời lại vừa là một hiện tượng đặc thù. Nói tới văn hóa truyền thông nghĩa là muốn nói tới những hoạt động do con người tiến hành xuất phát từ động cơ văn hóa thuộc tính người và chính vì thế hoạt động truyền thông là họat động phổ biến của xã hội loài người. Song hoạt động truyền thông lại tuân theo những nguyên tắc riêng và mô hình riêng so với mọi lĩnh vực hoạt động khác mặc dù bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của con người cũng đều có quan hệ với truyền thông. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những cơ sở đầu tiên xuất hiện truyền thông chính là từ khi con người hình thành nên ngôn từ và chữ viết. Người ta đã coi ngôn từ và chữ viết chính là những “kỹ thuật đầu tiên” trong lịch sử truyền thông. Mặc dù vấn đề hoạt động truyền thông trong thực tế phức tạp hơn rất nhiều, bởi vì bên cạnh truyền thông bằng lời người ta còn có thể nói đến truyền thông không lời (tức giao tiếp phi ngôn từ). Có nhiều cách định nghĩa lĩnh vực truyền thông, trong đó có truyền thông bằng ngôn từ, truyền thông phi ngôn từ và truyền thông biểu tượng. Truyền thông phi ngôn từ được hiểu là việc thực hiện truyền thông qua cử chỉ, điệu bộ và nét mặt... Các tác giả Brook và Health khẳng định rằng: Con người giao tiếp bằng ngôn từ để chia sẻ những thông tin mang tính nhận thức và để truyền bá kiến thức, nhưng họ phụ thuộc rất nhiều vào giao tiếp phi ngôn từ để chia sẻ tình cảm, xúc cảm và thái độ (1). Một số nghiên cứu đã cho thấy khoảng 93% “ý nghĩa biểu cảm” mà chúng ta cảm nhận được từ người khác là qua nét mặt và giọng nói. 7% còn lại là từ những ngôn từ mà chúng ta nghe được. Khi chúng ta truyền đạt thông điệp thông qua phương tiện lời nói tới người khác chính là việc thực hiện truyền thông bằng ngôn từ. Truyền thông biểu tượng được thực hiện thông qua những sự vật và ký hiệu trung gian được chúng ta qui ước, định sẵn một ý nghĩa và thể hiện một ý tưởng nhất định, ví dụ như những logo nhãn hiệu của hàng hóa hay các biểu tượng biểu trưng cho doanh nghiệp. Đề cập đến khái niệm văn hóa truyền thông và xem truyền thông như là một hiện tượng văn hóa, chúng ta cũng cần tham khảo những nội dung liên quan đến khái niệm văn hóa. Quan niệm truyền thông là một hiện tượng văn hóa (một hiện tượng văn hóa đặc thù) chứ không chỉ như là một mặt, một khía cạnh của văn hóa là có ý nghĩa rất quan trọng về mặt phương pháp luận. Dĩ nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể coi hoạt động truyền thông là một bộ phận cấu thành đối với tổng thể nền văn hóa, nhưng để nhấn mạnh đến những yếu tố đặc thù của một hiện tượng văn hóa thì phải xem xét nó như một chỉnh thể mà thông qua đó những quy luật chung của văn hóa được vận hành. Chúng ta cần biết rằng một khái niệm văn hóa dù rộng hay hẹp, dù bao quát hay chuyên biệt đều có một nhân lõi chung coi văn hóa là tiêu chí để phân biệt giữa con người và động vật. Những khía cạnh văn hóa liên quan đến thuật ngữ văn hóa truyền thông sẽ ít sử dụng tới những nội dung mà được coi như là đối tượng chuyên biệt của ngành văn hóa học mặc dù ít nhiều chúng đều có liên hệ với nhau. Có bao nhiêu công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến văn hóa thì cũng có bấy nhiêu cách định nghĩa về văn hóa. Ở đây, chúng tôi cho rằng những cách hiểu và cách định nghĩa về văn hóa mà theo quan điểm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực truyền thông phải là những định nghĩa hay cách hiểu mang tính phổ quát và như vậy nó gắn liền với những quan điểm về nhân học văn hóa. Trước hết, văn hóa bao gồm đặc điểm mang tính người được học và có thể học được, vì thế những đặc điểm này được trao truyền thông qua cơ chế tinh thần và xã hội mà hầu như ít chịu qui định bởi các yếu tố sinh học. Thứ hai, trong quan niệm đầy đủ, văn hóa phải được coi là một tổng thể phức hợp. Nói chung, chúng ta cần hiểu rằng khái niệm về văn hóa ra đời phần nào do sự tiếp xúc lẫn nhau giữa các xã hội trên quy mô toàn cầu và do phản ứng nhân văn nhằm tạo ra một hệ thống kiến thức mà qua đó con người có thể dễ dàng chấp nhận, hiểu biết lẫn nhau. Bản chất xã hội của loài người xét cho cùng là vượt quá giới hạn theo quan điểm văn hóa đơn thuần. Tuy nhiên, con người ngay từ khi chào đời dường như đã được sở hữu những phẩm chất bẩm sinh mà chúng ta dễ dàng nhận thấy nhưng cũng rất khó giải thích: đó là một năng lực bẩm sinh cho các mối quan hệ xã hội. Năng lực này không ngừng vận động dưới tác động của các đối tượng xung quanh, chính điều này đã tạo nên một nền tảng cho sự hình thành “năng lực và thói quen văn hóa”, hay cũng có thể gọi là “nhu cầu văn hóa” mang thuộc tính của con người trong suốt quá trình phát triển. Leslie Alvin White, nhà nhân chủng học người Mỹ nổi tiếng đã phân tích sự phát triển từ hành vi động vật đến hành vi người và đã đưa ra một quan điểm: Động vật, chỉ đến khi biết sử dụng biểu trưng, mới trở thành con người. Xuất phát từ đặc trưng cơ bản ấy, L.White đã định nghĩa văn hóa như sau: "Văn hóa là cơ chế của các hiện tượng, sự vật, hành động, tư tưởng, cảm xúc. Cơ chế này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu trưng hoặc phụ thuộc vào biểu trưng đó" (2). Trên cơ sở những quan điểm của L. White, trong Từ điển danh mục tiêu đề về phát triển văn hóa, UNESCO đã đưa ra định nghĩa văn hóa như sau: “Văn hóa là một tập hợp các hệ thống biểu trưng qui định thế ứng xử của con người và làm số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt"(3). Ở một chỗ khác, tại Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ 26-7 đến 6-8-1982 tại Mêhicô đã ra Tuyên bố về những chính sách văn hóa, trong đó có nêu ra cách hiểu về văn hóa: “Văn hóa hôm nay có thể coi là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội”(4). Ở Việt Nam, trong nhiều năm qua đã có nhiều nhà nghiên cứu nỗ lực đi tìm lời giải cho những vấn đề văn hóa liên quan đến quá trình phát triển của đất nước nói riêng cũng như của thời đại nói chung. Tác giả Trần Ngọc Thêm sau khi xác định 4 đặc trưng cơ bản đã nêu lên một định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (5). Đây là định nghĩa có tính bao quát và rất “trừu tượng”, chính vì thế khả năng ứng dụng của nó đối với những lĩnh vực nghiên cứu cụ thể cũng mang tính “trừu tượng”. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc đưa ra định nghĩa sau: “Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác”(6). Định nghĩa này là định nghĩa có tính chất thao tác luận để nghiên cứu một mô hình văn hóa trong sự tương quan với các mô hình văn hóa khác. Tác giả Đoàn Văn Chúc trong cuốn Văn hoá học, sau khi quan niệm rằng "Văn hóa chỉ định toàn thể những sản phẩm mang tính biểu tượng do một xã hội sản xuất" đã đưa ra định nghĩa văn hóa thông qua “tác phẩm văn hóa". Theo tác giả thì “tác phẩm văn hóa là một loại sản phẩm tinh thần mang tính biểu tượng, có chức năng xã hội cơ bản là phản ánh và điều chỉnh các quan hệ xã hội, được sản xuất và tiêu thụ chủ yếu trong thời giờ rỗi, dưới các hình thức của dấu hiệu ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, đồ thị, âm thanh, hình ảnh hoặc lai pha, được bảo tồn và truyền bá một cách lâu dài và thường trực bằng những thiết chế thích hợp"(7). Như vậy, tác giả cuốn sách này đã xem xét văn hóa không phải ở các giá trị trừu tượng mà tiếp cận văn hóa thông qua những "sản phẩm" cụ thể, tức là tiếp cận theo hình thái sự vật. Mặc dù các định nghĩa và nhận thức về văn hóa rất đa dạng với phạm vi rộng hẹp khác nhau, song điều cơ bản nhất khi chúng ta đặt vấn đề nghiên cứu những hoạt động truyền thông như một hiện tượng văn hóa chúng ta đều có thể liên hệ và vận dụng các tri thức về văn hóa để tìm hiểu các yếu tố trong toàn bộ quá trình hoạt động truyền thông của xã hội loài người. 3. Hiện nay trong một số công trình nghiên cứu về báo chí và truyền thông thường tồn tại nhiều cách hiểu và cách sử dụng khác nhau đối với hai thuật ngữ thông tin và truyền thông. Tác giả Claudia Mast (CHLB Đức), trong cuốn Truyền thông đại chúng, những kiến thức cơ bản, (Trần Hậu Thái chuyển dịch tiếng Việt), đã dùng khái niệm thông tin và phân biệt với khái niệm truyền thông. Tuy nhiên các nội dung gắn với khái niệm thông tin dường như trùng với các nội dung gắn với khái niệm truyền thông thường thấy trong cách sử dụng của một số tác giả khác. Trong cuốn sách của mình, Claudia Mast thường sử dụng khái niệm thông tin thay cho truyền thông và thông tin đại chúng thay cho truyền thông đại chúng. Có lẽ đối với tác giả, khái niệm truyền thông trực tiếp gắn với hành vi chứ không phải gắn với những vấn đề thuộc về nội dung. Ví dụ, tác giả viết: “Báo chí là thông tin và thông tin là sự liên hệ quan trọng giữa con người hoặc thông qua ngôn ngữ, gọi là thông tin truyền khẩu hoặc qua các dấu hiệu khác như bắt chước và dùng điệu bộ, từ chuyên môn gọi là thông tin phi ngôn ngữ”(8). Thực ra trong tiếng Anh, sự phân biệt ý nghĩa giữa thông tin và truyền thông được thể hiện bằng hai từ khác nhau là Information (thông tin) và Communication (truyền thông). Ngày nay, thuật ngữ "thông tin" (information) được sử dụng khá phổ biến. Người ta hiểu Thông tin là sự phản ánh sự vật, sự việc, hiện tượng của thế giới khách quan và các hoạt động của con người trong đời sống xã hội. Bản thân thông tin chưa phải là truyền thông, tự nó chưa tạo nên cái gọi là truyền thông. Chỉ khi nào có sự tham gia của ý chí con người và truyền đạt thông tin một cách có định hướng, có mục tiêu thì mới hình thành nên hiện tượng gọi là truyền thông. Ví dụ trong tế bào sinh vật có chứa đựng các phân tử acid deoxyribonucleic (ADN) mang thông tin di truyền mã hóa cho hoạt động sinh trưởng và phát triển của các dạng sống, nhưng tự bản thân những thông tin di truyền này không thể tạo nên hiện tượng truyền đạt và giải mã thông tin. Thông tin có thể được lưu trữ trên những dạng vật liệu khác nhau như được khắc trên đá, được ghi lại trên giấy, trên phim ảnh, trên băng từ, đĩa từ... Thông tin có thể được hiểu là tất cả những gì mang lại hiểu biết cho con người, là nguồn gốc của nhận thức và là cơ sở của hành vi. Con người luôn có nhu cầu thu thập thông tin bằng nhiều cách khác nhau. Trong xã hội hiện đại, người ta thu nhận thông tin bằng cách đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, giao tiếp với người khác... Trong khi đó, Truyền thông (communication) là một quá trình mà thông tin được chia sẻ và cũng là một kiểu tương tác xã hội trong đó ít nhất có hai tác nhân tương tác lẫn nhau, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu chung. Ở dạng mô hình truyền thông đơn giản, thông tin được truyền từ người gửi tới người nhận. Ở dạng phức tạp hơn, quá trình truyền đạt thông tin cũng là quá trình tạo nên sự trao đổi liên kết giữa người gửi và người nhận. Từ điển Wikipedia định nghĩa: “Truyền thông không chỉ là quá trình chia sẻ thông tin. Trong phần lớn trường hợp, các quá trình truyền thông là sự tương tác bằng dấu hiệu trung gian và giải mã. Ba mức độ quy tắc tín hiệu học thống trị các quá trình truyền thông là: cú pháp, thực dụng và ngữ nghĩa. Thế nên, truyền thông phần nào là một loại tương tác xã giao có ít nhất hai tác nhân tương tác cùng chia sẻ chung một bộ các ký hiệu và chung một quy tắc tín hiệu học”. Các tác giả trong cuốn Truyền thông đại chúng trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản phát triển đã phân biệt danh từ Thông tin với tư cách là nội dung của truyền thông và động từ Thông tin với tư cách là hoạt động truyền thông. Từ đó, trên cơ sở của từ tiếng Anh ‘communication’ (nguyên gốc Latinh ‘communicare’) các tác giả đã nêu lên một cách hiểu về khái niệm Truyền thông là: “ một quá trình trao đổi thông điệp giữa các thành viên trong xã hội nhằm đạt được sự hiểu biết, qua đó liên kết với nhau” (9). Các tác giả trong cuốn Truyền thông, lý thuyết và kỹ năng cơ bản sau khi giới thiệu hàng loạt định nghĩa về khái niệm truyền thông do các học giả nước ngoài (chủ yếu là các học giả phương Tây) nêu lên và sử dụng tương đối phổ biến trong thế kỷ 20, đã đưa ra một định nghĩa về truyền thông như sau: “Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm… chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng/xã hội” (10). Trong quá trình tiếp xúc với các tài liệu nước ngoài về lĩnh vực thông tin và truyền thông chúng ta thường gặp từ Media (tiếng Anh). Bản thân từ media có nhiều nghĩa và nhiều cách sử dụng, trong đó có nghĩa là vật trung gian, môi trường trung gian, vật môi giới và cũng có nghĩa là phương tiện. Trong những văn cảnh nội dung liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, từ media thường được hiểu là phương tiện truyền thông (chính vì vậy từ multi-media đã được dịch ra tiếng Việt là ‘truyền thông đa phương tiện’). Tác giả Jostenim Gripsrud, giáo sư nghiên cứu truyền thông người Na Uy, năm 2002 đã cho xuất bản cuốn Understanding Media Culture, (tạm dịch là: Hiểu biết về văn hóa truyền thông). Trong công trình này, tác giả đã nghiên cứu về toàn bộ cấu trúc của hoạt động truyền thông đại chúng về các phương diện chủ yếu như mối liên hệ giữa khán giả và phương tiện truyền thông đại chúng; Về các phương pháp tiếp cận văn bản truyền thông trong lịch sử; Về bối cảnh và các điều kiện xã hội, điều kiện công nghệ trong tương quan với lĩnh vực sản xuất truyền thông. Như tiêu đề của cuốn sách, tác giả gắn liến cấu trúc và quá trình của hoạt động truyền thông đại chúng như tổng thể một quá trình văn hóa, một hiện tượng văn hóa. Hiện tượng văn hóa này vừa là sản phẩm của môi trường văn hóa có tính lịch sử cụ thể vừa có sự liên hệ tương tác với các hiện tượng văn hóa khác và có tác động lên diện mạo của đời sống văn hóa, xã hội (11). Và theo những gì mà cuốn sách đề cập thì dường như thuật ngữ Media trong tiêu đề của tác phẩm, trong nhiều tình huống có thể được thay thế bởi thuật ngữ Communication. Tuy nhiên, với thuật ngữ Media các nhà nghiên cứu thường liên hệ đến một phương diện cụ thể của hoạt động truyền thông đó là các phương tiện thông tin đại chúng (Tiếng Anh: mass media). Chúng ta biết rằng tương tự như con người, ở động vật cũng có những hiện tượng “trao đổi thông tin”, đó là những tiếng kêu gọi đàn, những tín hiệu chỉ dẫn nguồn thức ăn hay báo động nguy hiểm… Tuy nhiên các nhà nhân loại học đã coi sự phức tạp của năng lực và tập quán truyền thông như một thước đo những điểm khác biệt giữa loài người và các hình thái sống khác. Trong khi nhiều động vật là hiện thân của một hình thái trao đổi thông tin nào đó trong các hành vi cơ bản của chúng thì từ lâu người ta đã cho rằng chỉ có con người mới có khả năng sử dụng hình thức truyền thông phức tạp, đó là NGÔN NGỮ. Nhiều cuộc thử nghiệm được các nhà nghiên cứu tiến hành đã cho kết quả đáng tin cậy cho rằng không một loài nào có thể phát triển năng lực truyền thông với cấp độ phức tạp như con người. Bằng việc phát triển các lý thuyết của mình về chức năng các ký hiệu, nhà ký hiệu học, đồng thời là nhà ngôn ngữ học Ferdinand de Saussure và nhà triết học thực dụng Charles Peirce đã đưa ra nền tảng cho những nghiên cứu sau này về cơ cấu chung của truyền thông. Nhà nhân loại học Edward Sapir đã đưa ra một trong các công thức chung sớm nhất về một phương pháp tiếp cận truyền thông bằng hành vi, ông cho rằng “mỗi mô hình văn hóa và mỗi hành động đơn lẻ trong hành vi xã hội đều liên quan đến truyền thông xét cả về nghĩa đen hay nghĩa bóng” (12). Nhân loại học đã cố gắng dùng tư liệu để chứng minh tính phức tạp của tập quán truyền thông trong tất cả các nền văn hóa. Trong những năm gần đây, các nhà nhân loại học đã chuyển sang các mô hình truyền thông lưu tâm tới tính sáng tạo của con người và tính bất định vốn có trong tất cả các họat động truyền thông. Các nghiên cứu về cấu trúc ẩn dụ trong truyền thông cho thấy cách thức con người cố gắng khắc phục tính không chính xác thông qua hình tượng. Để phân tích năng lực truyền thông của con người, các nhà nghiên cứu đã ưu tiên lựa chọn phương pháp được gọi là phân tích ngôn bản. Phương pháp tiếp cận này thừa nhận quá trình truyền thông mang tính hợp tác giữa hai hay nhiều người. Các phương pháp tiếp cận lấy ngôn bản làm trung tâm không coi truyền thông là một hệ thống các cách truyền thông điệp tách biệt từ người này sang người kia. Thay vào đó, các phương pháp này lại coi truyền thông là một quá trình nổi bật lên mà khi tiếp diễn nó liên tục thay đổi hình thái và mục đích. 4. Vấn đề nghiên cứu văn hóa truyền thông trong những năm qua đã được nhiều học giả quan tâm ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên cách hiểu về khái niệm văn hóa truyền thông trong thực tế vấn còn chưa có sự thống nhất và thực sự vẫn còn đang là một đề tài mới mẻ với nhiều người. Trong chương trình giảng dạy tại các khoa báo chí và truyền thông thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền hay tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh mặc dù các sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức về các môn cơ bản, các môn cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành nhưng chưa có một chương trình trang bị kiến thức về văn hóa truyền thông như một môn học riêng biệt. Trong đời sống hàng ngày và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đây đó chúng ta bắt gặp nhiều người sử dụng cụm từ văn hóa truyền thông theo cách tự phát. Đây là cách hiểu đơn giản do ảnh hưởng thói quen ngôn ngữ hàng ngày, như chúng ta thường nói đến văn hóa công sở, văn hóa bãi tắm, văn hóa giao thông… Hiện nay, trong thực tế có những người hiểu một cách đơn giản rằng văn hóa truyền thông là những cách ứng xử “có văn hóa” của những người làm truyền thông đối với các đối tượng xã hội và ngược lại. Ví dụ: tháng 6 năm 2005, trên báo điện tử VIETNAMNET có đăng một bài báo với tiêu đề Văn hóa truyền thông có cần hội nhập? Bài báo này là sự phê bình thái độ coi thường các nhà báo của sở Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh khi sở này không tạo điều kiện cho các nhà báo tiếp cận các cuộc họp của đơn vị mình để đưa tin. Và bài báo nhận định: “Ý thức về vai trò truyền thông trong DN (doanh nghiệp) có thể do mỗi người cảm nhận khác nhau, song thật khó có DN nào thành công mà không có sự hợp tác tốt với phương tiện truyền thông đại chúng. Ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên, một DN rất trẻ nhưng đã có những thành công nhất định nhờ truyền thông tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi biết có những DN cư xử với PV “hết sức cổ hủ” như vậy” (13). Dĩ nhiên, mối liên hệ và tương tác giữa những người hoạt động báo chí, truyền thông và các đối tượng kinh tế xã hội cũng là một khía cạnh biểu hiện của văn hóa truyền thông, nhưng nếu chỉ hiểu văn hóa truyền thông là như vậy thì chưa đủ. Một ví dụ khác, năm 2007 báo điện tử DANTRI của Hội khuyến học Việt Nam có đăng một bài báo mổ xẻ về Văn hóa bóng đá của người Việt Nam. Sau khi phân tích rất nhiều bất cập về Văn hóa, như văn hóa cầu thủ quá thấp, văn hóa người hâm mộ quá cực đoan và nặng tính chất “a dua” dẫn đến hậu quả đáng tiếc là những tài năng bóng đá như cầu thủ Văn Quyến vi phạm pháp luật và buộc phải bị loại khỏi danh sách đội tuyển mà tác giả gọi là “cái chết” của danh thủ, tác giả bài báo đi đến kết tội và phê phán văn hóa truyền thông: “nói gì thì nói cũng không thể phủ nhận rằng trong “cái chết” của Quyến có một phần lỗi của truyền thông. Nếu những tờ báo không quá “lăng-xê” Quyến, nếu người ta không quá tâng bốc Quyến để đẩy một đứa trẻ thiếu hành trang đi tới chỗ tự tôn, ngộ nhận thì Quyến có “chết đau” như lúc này không?...”(14). Quả thực tất cả những vấn đề xảy ra trong hoạt động báo chí ở bất cứ đâu, tại bất cứ thời điểm nào cũng đều thuộc về hiện tượng văn hóa truyền thông. Nhưng văn hóa truyền thông hiểu một cách đầy đủ phải là một chỉnh thể, trong đó bao gồm cả những điều được coi là có giá trị và cả những điều chưa hoàn thiện có nguyên nhân sâu xa từ chính bản thân đời sống xã hội. Năm 2008, tại hội thảo "Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" do trường ĐH Mỹ Thuật, Viện Mỹ Thuật tổ chức tại Hà Nội, tác giả Phạm Trung có bài nghiên cứu Ảnh hưởng của văn hóa truyền thông đối với mỹ cảm của giới trẻ Việt nam hiện nay. Trong bài này, tác giả đã nhìn nhận truyền thông như một hiện tượng văn hóa có tác động mạnh đến mỹ cảm của giới trẻ, cụ thể là trong thị hiếu nghệ thuật của giới trẻ. Tác giả nêu ra ở đây trường hợp thanh thiếu niên nhiệt tình tiếp nhận nhạc Hip Hop (âm nhạc và văn hóa đường phố của Mỹ) và Manga (Truyện tranh Nhật Bản), từ đó lói sống sinh hoạt và thị hiếu của lớp trẻ có xu hướng thay đổi theo hướng thích nghi với sự tiêu dùng những sản phẩm văn hóa mới được du nhập. Ở đây tác giả nhấn mạnh đến những điều kiện của công nghệ thông tin hiện đại đã tạo nên sức mạnh ảnh hưởng to lớn của truyền thông đại chúng (15). Điều đáng chú ý ở đây là tác giả đã coi những hiện tượng văn hóa đại chúng là có liên hệ chặt chẽ với truyền thông đại chúng (nghĩa là nền văn hóa hiện đại trên một mức độ nào đó chính là sản phẩm của văn hóa truyền thông hiện đại). Một số sách của các tác giả khác nghiên cứu về truyền thông đại chúng và ở những mức độ nhất định cũng đã đề cập đến những bình diện khác nhau của văn hóa truyền thông. Có thể kể tên một số tác phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề này như: Vai trò của truyền thông đại chúng trong giáo dục thẩm mỹ ở nước ta hiện nay của tác giả Trần Ngọc Tăng (16); Báo chí truyền thông và kinh tế văn hóa xã hội của tác giả Lê Thanh Bình(17); Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam của tác giả Bùi Hoài Sơn (18); Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội của tác giả Lê Thanh Bình(19); Cẩm nang đạo đức báo chí, do hai tác giả Tạ Ngọc Tấn và Đinh Thị Thúy Hằng biên soạn (20)… Tuy nhiên trong các công trình như chúng tôi đề cập trên đây không đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện các vấn đề của văn hóa truyền thông. Có thể nói, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu về văn hóa truyền thông một cách toàn diện tức là nghiên cứu truyền thông như một hiện tượng văn hóa và tìm ra trong đó những tiêu chí đặc thù để tiếp cận những vấn đề của truyền thông từ góc độ văn hóa một cách phù hợp và thích đáng nhất. Một cách tiếp cận tương đối đầy đủ và hệ thống về lĩnh vực văn hóa truyền thông trước hết được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài, nhất là trong giai đoạn những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Trong số những tác giả đáng chú ý, trước hết chúng tôi muốn nhắc đến Raymond Williams (1921 - 1988), là một nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình về chính trị, văn hóa và truyền thông đại chúng người xứ Wales. Các công trình của ông đặt nền móng cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến các vấn đề văn hóa và chính trị. Công trình nghiên cứu mang tên Văn hóa và xã hội, xuất bản lần đầu tiên năm 1958 và sau đó được dịch và xuất bản tại các nước Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và CHLB Đức ngay lập tức làm cho tác giả trở nên nổi tiếng (21). Tác giả trở thành một học giả có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chính trị, văn hóa xã hội và truyền thông ở Tây Âu từ nửa sau của thế kỷ 20. Năm 1974, Raymond Williams tiếp tục cho xuất bản cuốn sách Truyền hình: Công nghệ và hình thức văn hóa, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực truyền hình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của sự phát triển công nghệ cũng như ảnh hưởng của truyền hình đối với nền tảng văn hóa của đời sống xã hội hiện đại (22). Trong số những học giả có ảnh hưởng quan trọng đến giới nghiên cứu văn hóa truyền thông là Clifford James Geertz (1926–2006), nhà nhân học người Mỹ mà với những nghiên cứu thực địa ban đầu của ông tại Indonesia, nơi ông đã xây dựng nên khái niệm Negara giúp giải thích toàn bộ các hoạt động văn hóa và chính trị trong vùng Đông Nam Á. Một trong những công trình tiêu biểu của ông là cuốn The Interpretation of Cultures: Selected Essays (Tạm dịch là ‘Giải thích (học) về văn hóa – tuyển tập tiểu luận’ được xuất bản năm 1973. Với công trình này, ông được coi là người đã đóng góp lớn trong việc chuyển đổi tư duy trong các ngành xã hội và nhân văn, từ lối suy nghĩ tìm qui luật nhân quả sang tư duy xã hội học diễn giải (interpretative), đặt sự vật và hiện tượng trong hệ qui chiếu bản địa của ý thức địa phương. Nhìn xã hội qua văn hóa, và đặc biệt là những biểu tượng (symbol) phổ biến và đặc trưng trong nền văn hóa đó, Clifford cũng được coi là cha đẻ cho ngành nhân học biểu tượng và văn hóa học. Văn hóa được định nghĩa là "một hệ thống các khái niệm nối tiếp được diễn đạt thông qua các hình thức biểu tượng với các phương tiện mà người ta dùng để liên lạc, ghi nhớ và phát triển kiến thức và thái độ đối với cuộc sống" (23). Những vấn đề mà Clifford quan tâm và đặt ra những câu hỏi lớn về sự đa dạng của chủng tộc và bản chất khách quan của hệ thống trật tự xã hội đã góp phần quan trọng đối với các nghiên cứu văn hóa truyền thông với tư cách là một trong những lĩnh vực hoạt động có tính quyết định đối với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Một trong những học giả nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết liên quan đến lĩnh vực văn hóa truyền thông là Robert Stam Giáo sư tại Đại học New York University. Ông là chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về văn học Pháp, văn học so sánh và về các vấn đề liên quan lý thuyết và lịch sử phim ảnh. Những công trình quan trọng của ông có liên quan đến văn hóa truyền thông là các cuốn Subversive Pleasures: Bakhtin, Cultural Criticism, and Film, (tạm dịch là ‘Người làm lật đổ thú vị: Bakhtin, phê bình văn hóa và phim ảnh’), xuất bản năm 1989 (24); và Unthinking Eurocentrism: Multiculturalism and the Media, (tạm dịch là ‘Phản thuyết Châu Âu là Trung tâm: Đa văn hóa và truyền thông’) viết chung với Ella Shohat, xuất bản năm 1994 (25). Trong các công trình này Robert dành sự quan tâm đặc biệt tới những vận động văn hóa gắn liền với các hình thức truyền thông đại chúng có ảnh hưởng rộng rãi đến đời sống tinh thần của công chúng hiện đại. Trong mấy chục năm trở lại đây, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến văn hóa truyền thông ngày càng tăng lên. Có thể bắt gặp rất nhiều những công trình nghiên cứu tập trung vào chủ đề văn hóa truyền thông trên rất nhiều khía cạnh và những cấp độ khác nhau. Năm 1995, Giáo sư người Mỹ Douglas Kellner cho xuất bản cuốn Văn hóa truyền thông (Media culture), trong đó tác giả đề cập đến những nội dung khác nhau liên quan đến các phương pháp tiếp cận mới về văn hóa, mối liên hệ giữa văn hóa truyền thông và đời sống chính trị xã hội, những vấn đề về chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại trong văn hóa, xã hội và truyền thông (26). Trước đó, năm 1989, Giáo sư Vincent Porter công bố trên tạp chí Văn hóa truyền thông và xã hội một bài viết nhan đề “Việc sắp đặt lại của truyền hình: tính đa nguyên, tính hợp pháp và thị trường tự do ở Mỹ, Tây Đức, Pháp và Vương quốc Liên hiệp Anh” đã chỉ rõ những tác động mạnh mẽ của hệ thống truyền thông (truyền hình) đối với toàn bộ đời sống văn hóa xã hội ở Tây Âu trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20 (27). Liên tiếp trong những thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, nhiều công trình nghiên cứu tập trung về những vấn đề rất đa dạng của văn hóa truyền thông. Chúng ta có thể kể một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu như: R.Collins, Truyền thông, văn hóa và xã hội, London, Sage Publications, 1986; David Morley, Truyền hình, khán giả và nghiên cứu văn hóa (‘Television, audiences and cultural studies’), London and New York: Routledge, 1992; M. Skovmand and K.C. Schroder, Văn hóa truyền thông: đánh giá về truyền thông đa quốc gia, London and New York: Routledge, 1992; McGuigan, Jim, Văn hóa và không gian công cộng (‘Culture and the Public Sphere’), London and New York: routledge, 1996; Jostenim Gripsrud, Nghề làm báo và văn hóa đại chúng London, Sage Publications, 1992; Cũng tác giả Jostenim Gripsrud có công trình đáng chú ý Hiểu biết về văn hóa truyền thông xuất bản năm 2002 mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên... Từ những vấn đề của thực tiến và lý luận đã được nêu ra trên đây, chúng tôi thử đưa ra một định nghĩa có tính chất tổng quát theo cách hiểu của mình về văn hóa truyền thông như sau: Toàn bộ quá trình xuất hiện và biến đổi của hiện tượng truyền thông trong đời sống nhân loại cùng sự xác lập những mối tương tác của nó đối với các hiện tượng xã hội khác được gọi là Văn hóa truyền thông. 5. Bản thân khái niệm văn hoá truyền thông là một khái niệm được hình thành trên cơ sở những tác động qua lại có tính thực tiễn của hoạt động truyền thông lên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Cũng như nhiều hiện tượng xã hội khác, để có được một nhận thức khách quan đối với các vấn đề của hiện tượng Văn hoá truyền thông cần phải đồng thời có một quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể. Đây là một quá trình hoàn thiện nhận thức một cách có điều kiện và không phải nhất thành bất biến. Chính một quan điểm linh hoạt phù hợp với thực tiễn sẽ giúp điều chỉnh hoạt động truyền thông vào các mục tiêu phát triển xã hội phù hợp với đặc điểm văn hóa của dân tộc và thời đại đối với từng quốc gia, từng khu vực trong từng giai đoạn cụ thể. Xã hội hiện đại là xã hội bùng nổ truyền thông, nếu không có kiến thức văn hóa truyền thông vững vàng con người không những không làm chủ được những thành quả của văn minh nhân loại mà có thể còn bị những tác động tiêu cực của truyền thông chi phối. Con người hiện đại là con người của môi trường truyền thông đa dạng và phong phú. Cùng với sự phát triển của xã hội, những kiến thức về văn hóa truyền thông cũng trở nên phong phú và ngày càng phức tạp, khó nắm bắt. Những kiến thức và nhận thức về văn hóa truyền thông sẽ giúp cho con người chủ động và trở nên tích cực trong môi trường sống. Tìm hiểu một số vấn đề xung quanh khái niệm văn hóa truyền thông, chúng tôi muốn thông tin, trao đổi tìm tiếng nói chung rộng rãi đối với những người quan tâm. Đồng thời hy vọng từ đó tiến tới đặt vấn đề trang bị kiến thức liên quan đến văn hóa truyền thông cho sinh viên các ngành báo chí hiện nay. Đối với lĩnh vực họat động báo chí, văn hóa truyền thông là một trong những kiến thức nền tảng để các nhà báo mở rộng và nâng cao tri thức xã hội đồng thời biết phát huy tốt sức mạnh của vũ khí truyền thông trong hoạt động thực tiễn. Tài liệu tham khảo 1. 2. 3. 4. Dẫn theo Nguyễn Quang, Giao tiếp phi ngôn từ qua các nền văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, H, 2008. White, Leslie Alvin, The Science of Culture: A study of man and civilization (Khoa học văn hoá: Nghiên cứu con người và nền văn minh), Farrar, Straus and Giroux, 1949. Dẫn theo Hoàng Vinh Một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hoá ở nước ta, Nxb. Văn hoá Thông tin, H, 1999, tr 18 -21; tr 36 - 37. 5. Dẫn theo Trần Quốc Vượng (chủ biên) Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, H, 2003, tr 23 -24. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, H, 1997, tr 10. 6. 7. 8. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, H, 2002, tr 19 - 20). Đoàn Văn Chúc, Văn hoá học, Nxb Văn hoá Thông tin, H, 1997,tr. 56- 61. Claudia Mast, Truyền thông đại chúng, những kiến thức cơ bản, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2003, tr.8 9. Lưu Văn An (chủ biên) Truyền thông đại chúng trong hệ thông tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản phát triển, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2008, tr. 10. 10. Nguyễn Văn Dững (chủ biên), Truyền thông, lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 14-15. 11. Jostenim Gripsrud Understanding Media Culture, (Hiểu biết về văn hóa truyền thông), 12. 13. 14. 15. Published house Arnold, London, 2002. (Dẫn theo) Thomas Barfield (1997), The Dictionary of Anthropoligy (Từ điển Nhân học), Harvard. www.vietnamnet.vn/ (2005) www.dantri.com.vn/ (2007) Phạm Trung, Ảnh hưởng của văn hóa truyền thông đối với mỹ cảm của giới trẻ Việt nam hiện nay, bài tham luận tại Hội thảo "Mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" do trường ĐH Mỹ Thuật, Viện Mỹ Thuật tổ chức tại Hà Nội, 2008. 16. Trần Ngọc Tăng, Vai trò của truyền thông đại chúng trong giáo dục thẩm mỹ ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2001 17. Lê Thanh Bình, Báo chí truyền thông và kinh tế văn hóa xã hội, Nxb Văn hóa – Thông tin, H, 2005 18. Bùi Hoài Sơn, Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H, 2008 19. Lê Thanh Bình, Truyền thông đại chúng và phát triển xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2008 20. Tạ Ngọc Tấn, Đinh Thị Thúy Hằng - Cẩm năng đạo đức báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam xuất bản năm 2009 21. Williams,Raymond, Culture and Society (‘Văn hóa và xã hội’), London, Chatto and Windus, 1958. New edition with a new introduction, New York, Columbia University Press, 1963 22. Williams, Raymond, Television: Technology and Cultural form (‘Truyền hình: Công nghệ và hình thức văn hóa’), Technosphere Series, London, Collins, 1974 23. Clifford Geertz, The Interpretation of Cultures (‘Giải thích học về văn hóa’), New York: Basic Books, 1973 24. Stam, Robert, Subversive Pleasures: Bakhtin, Cultural Criticism, and Film ( ‘Người làm lật đổ thú vị: Bakhtin, phê bình văn hóa và phim ảnh’), Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1989 25. Stam, Robert (with Ella Shohat):Unthinking Eurocentrism: Multiculturalism and the Media (‘Phản thuyết Châu Âu là Trung tâm: Đa văn hóa và truyền thông’), Routledge, 1994 26. Kellner, Douglas, MEDIA CULTURE (Culture Studies; Identity and politics; Between the modern and the postmodern) First Published 1995 by Routledge 27. Porter, Vincent, “Việc sắp đặt lại của truyền hình: tính đa nguyên, tính hợp pháp và thị trường tự do ở Mỹ, Tây Đức, Pháp và Vương quốc Liên hiệp Anh”, Văn hóa truyền thông và xã hội 11 (1/1989), 5 -27
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan