Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Một số kinh nghiệm trong công tác dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn lịch sử cấp th...

Tài liệu Một số kinh nghiệm trong công tác dạy bồi dưỡng học sinh giỏi môn lịch sử cấp thcs

.DOC
11
103
64

Mô tả:

SỞ GD-ĐT ĐỒNG NAI PHÒNG GD-ĐT XUÂN LỘC MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI BẬC THCS Bồi dưỡng học sinh giỏi là một hoạt động mà bất cứ giáo viên và nhà quản lý trường học bậc phổ thông nào cũng đều ưa thích bởi đó là đỉnh cao của quá trình giảng dạy, tìm hiểu và vận dụng tri thức. Kết quả đạt được của việc bồi dưỡng học sinh giỏi là mục tiêu cao của lãnh đạo nhà trường và của giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh học sinh. Bởi chính kết quả ấy thể hiện rõ khả năng học tập, lĩnh hội và vận dụng kiến thức của học sinh; thể hiện công sức đầu tư của thầy cô giáo, là định hướng phát triển thế mạnh của lãnh đạo trường học và cũng qua đó thể hiện khả năng vượt trội của một số học sinh trong từng bộ môn, từ đó tài năng của học sinh có điều kiện để phát triển trong tương lai qua từng lĩnh vực mà các em yêu thích . Ở cấp THCS việc bồi dưỡng và tổ chức thi học sinh giỏi cấp Tỉnh ở tỉnh ta được tổ chức từ khá lâu và duy trì cho đến nay, riêng môn lịch sử có gián đoạn một thời gian (từ 2006-2008). Tuy nhiên chưa hề có một chuyên đề, một hội nghị nào đề cập đến vấn đề này. Mỗi một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đều phải tự mò mẫm dựa vào sách giáo khoa, sách tham khảo, các tài liệu có được để định hình việc bồi dưỡng . Do đó kết quả đem lại cũng chưa đồng bộ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chưa phát hiện hết khả năng hiện có của học sinh. Có thể có những nơi học sinh có năng lực nhưng do giáo viên chưa có kinh nghiệm hoặc do việc định hướng trong bồi dưỡng nên học sinh không đạt kết quả cao. Xét về mặt bằng trong huyện hay trong tỉnh thì điều này làm ngành giáo dục mất đi một số học sinh giỏi bậc THCS làm cơ sở cho việc phát triển đội ngũ học sinh giỏi ở cấp PTTH. Xuất phát từ những điều trên , tôi xin đưa ra một số kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được trong nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn lịch sử để quý thầy cô tham khảo. Tôi xin đề cập đến việc bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn lịch sử ở bậc THCS. Chuyên đề gồm ba phần: + Thành lập đội tuyển học sinh giỏi. + Xác định trọng tâm chương trình bồi dưỡng . + Một số phương pháp sử dụng hiệu quả nhất trong bồi dưỡng. I. Việc thành lập đội tuyển học sinh giỏi: Một thực tế hiện nay, theo tôi nghĩ là phổ biến, đó là : việc tuyển sinh vào đội tuyển học sinh giỏi môn lịch sử là rất khó khăn và thiệt thòi nhất. Bởi lẽ ở cấp THCS khả năng nổi trội từng môn học chưa rõ nét như ở bậc THPT, một học sinh giỏi có thề đạt điểm rất cao ở tất cả các môn kể cả môn lịch sử. Mặt khác đa số học sinh chọn vào các môn tự nhiên hay Văn, Anh văn . Rất ít học sinh ngay từ đầu định hướng học môn sử ( có nhiều lý do, trong đó có lý do là định hướng môn để thi vào cấp THPT) Vì vậy việc tuyển chọn học sinh vào đội tuyển môn lịch sử phải hết sức coi trọng, chúng ta không thể chỉ căn cứ vào việc xếp loại học lực giỏi hay khá là được. Theo tôi để có được đội tuyển môn lịch sử tốt cần thực hiện các các việc sau: + Lãnh đạo trường cần bố trí giáo viên dạy bồi dưỡng đảm nhận dạy một số lớp hoặc cả khối Tám, để thông qua việc giảng dạy giáo viên có thể theo dõi, phát hiện học sinh có năng khiếu về môn lịch sử. + Thông qua các giờ dạy giáo viên đặt một số câu hỏi nâng cao nhằm phát hiện những học sinh có cách nắm bắt vấn đề, lập luận, trả lời tốt. + Qua việc chấm bài kiểm tra, giáo viên cần lưu ý những bài có cách trình bày mạch lạc, súc tích đúng trọng tâm câu hỏi. Có thể ý trả lời chưa đúng nhưng cách lập luận mạch lạc, có sức thuyết phục cao là cần lưu ý chọn. + Đặc biệt thông qua việc ra bài về nhà như làm bài tập, đọc sách giáo khoa, sách tham khảo, tư liệu.. Nếu học sinh nào thực hiện tốt thì chọn vì điều này có nghĩa là khả năng tự học, tự tìm hiểu rất cao. + Cần lưu ý một số học sinh có xếp loại học lực trung bình nhưng trong học tập thể hiện được các vấn đề nêu trên, giáo viên có thể mạnh dạn động viên chọn vào đội tuyển từ đó giúp các em vừa phấn đấu học tốt môn lịch sử vừa phấn đấu học tốt các môn học khác để được xếp loại trên trung bình. Như vậy từ giữa học kỳ II lớp 8 thầy cô sẽ chọn được đội tuyển khá vừa lòng. Sang đầu lớp 9 có thể sàng lọc, bổ sung thêm cho hoàn chỉnh đội tuyển. II. Những phương pháp giảng dạy có hiệu quả trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi cần có yêu cầu khác với học sinh đại trà. Giáo viên trong một tiết dạy phải phối hợp nhiều phương pháp trong đó phương pháp tự học, tự nghiên cứu có sự hướng dẫn của giáo viên là chủ đạo. Sau đây tôi xin nêu một số phương pháp giảng dạy có hiệu quả nhất. + Tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở định hướng của giáo viên. + Dùng sơ đồ hóa ( hay bản đồ tư duy), các bảng thống kê, bảng so sánh để trình bày các vấn đề lịch sử. + Dùng các phương pháp so sánh, đối chiếu, liên hệ nối kết và thường xuyên liên hệ với thực tế nếu có thể. + Chú trọng các câu hỏi nâng cao hay các câu hỏi khó ở SGK. + Coi trọng các tiết làm bài, chữa bài qua đó rèn kỹ năng xác định đề, trình bày bài, kỹ năng tư duy lịch sử. 1. Tự học, tư nghiên cứu: Trong các tiết dạy kiến thức mới hoặc ôn lại kiến thức cũ giáo viên nên cho học sinh đọc lại SGK, trao đổi lẫn nhau thông qua các yêu cầu của giáo viên. Trên cơ sở đó giáo viên yêu cầu học sinh tự trình bày nhận thức của mình về nội dung học, xong giáo viên phân tích, đúc kết vấn đề và ghi chép nội dung. Làm được như vậy sẽ giúp học sinh chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức do đó sẽ nhớ lâu và chắc. Trong mỗi bài giáo viên cố gắng tìm một số câu hỏi nâng cao có thể có ở SGK hay giáo viên tự nghĩ ra để giúp học sinh tìm hiểu sâu bài học. Ngoài ra giáo viên nên cho học sinh tìm tài liệu có liên quan để đọc thêm ở nhà. Một số ví du: + Khi dạy bài Liên Xô giáo viên đặt câu hỏi sau: Vì sao sau chiến tranh Liên xô lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho hòa bình và cách mạng thế giới? Tìm dẫn chứng minh họa. + Khi dạy bài Đông Nam Á giáo viên đặt câu hỏi: Vì sao năm 1967 Việt Nam không tham gia vào ASEAN mà phải đợi đến năm 1995 mới gia nhập? + Bài Nhật Bản, Tây Âu: Với mục đích gì mà sau chiến tranh Mỹ viện trợ cho các nước kể cả những kẻ thủ trước đó như Nhật, CHLB Đức? hoặc Chúng ta học được những gì qua những nguyên nhân làm nền kinh tế Nhật phát triển ? + Bài phong trào GPDT ở Á, Phi, Mỹ la tinh: So sánh sự khác nhau giữa phong trào GPDT ở Á, Phi với phong trào cách mạng Mỹ la tinh về tình hình trước 1945, mục tiêu đấu tranh và kết quả…. v..v 2. Dùng sơ đồ hóa kiến thức hay điền vào các bảng thống kê, niên biểu, so sánh.. Một kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy là nếu ta ghi chép ra cụ thể, rõ ràng cho học sinh học thì sẽ rất chậm trong việc tiếp thu, phải cần một thời gian lâu học sinh mới thuộc kiến thức, nhưng nếu ta cho học sinh tự điền vào sơ đồ hay các bảng, biểu thì học sinh sẽ chủ động, thuộc nhanh và nhớ lâu. 3. Thường xuyên liên hệ thực tế : việc đặt câu hỏi để liên hệ thực tế sẽ giúp học sinh hiểu rộng thêm vấn đề và phát triển tư duy tốt. + Ví dụ khi dạy về công cuộc cải cách ở Liên Xô từ 1985 giáo viên liên hệ cuộc cải cách ở nước ta bắt đầu từ năm 1986 về hoàn cảnh, nội dung cải cách và kết quả. Giáo viên cho học sinh về tìm tư liệu đọc + Khi dạy Nhật Bản giáo viên cho học sinh so sánh với tình hình Việt Nam cùng thời điểm ( Nhật sau chiến tranh 1945- VN sau chiến tranh 1975), kết quả đạt được sau 20 năm của Nhật từ đó yêu cầu học sinh tìm nguyên nhân nào là nguyên nhân chính giúp Nhật phát triển mạnh mẽ, qua đó ta có thể học tập được những kinh nghiệm nào để áp dụng vào phát triển đất nước. 4. Coi trọng việc làm bài, ghi chép, chấm và chữa bài: Đây là hoạt động thường xuyên sau mỗi chương. Việc làm này giúp học sinh tự trình bày những kiến thức đã thu nhận được, qua đó giáo viên sẽ có điều kiện giúp các em hiệu chỉnh cách trình bày bài, cách dùng từ, diễn đạt ý. Một trong những điểm yếu của học sinh THCS là chưa biết trình bày vấn đề dưới một đoạn văn hoàn chỉnh mà thường là gạch đầu dòng để diễn đạt ý. Điều này làm mất đi tính mạch lạc của vấn đề. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh trả lời một vấn đề cần có câu mở đề (hay đặt vấn đề), giải quyết vấn đề và đúc kết vấn đề. Trong cách làm bài lịch sử giáo viên hướng dẫn cho học sinh các yêu cầu sau: + Nắm thật vững kiến thức cơ bản thuộc phạm vi đề thi đòi hỏi. + Đọc thật kĩ đề. Xác định rõ yêu cầu của đề thi: trình bày vấn đề gì? Liên quan đến giai đoạn lịch sử nào? Bao gồm những ý gì? Sự kiện nào? + Soạn dàn ý theo đề cương chi tiết gồm cấu trúc ba phần : mở bài, giải quyết vấn đề, đúc kết vấn đề tức chốt lại một số vấn đề chính. Cần lưu ý đây là phần rất quan trọng trong làm bài, nó giúp học sinh thực hiện đúng yêu cầu đề, không lạc đề hay thiếu ý.. + Hình thức thể hiện: từ ngữ gọn, rõ ý , mạch lạc. viết đúng chính tả. không gạch xóa lung tung… III. Xác định trọng tâm chương trình bồi dưỡng lịch sử : Trong dạy bồi dưỡng việc xác định trọng tâm chương trình là đều hết sức quan trọng vì thời gian bồi dưỡng học sinh ngắn, không thể tải hết các kiến thức của từng bài, từng chương. Mặt khác đối với học sinh giỏi cần yêu cầu nắm những vấn đề vừa mang tính cụ thể vừa mang tính khái quát cao của từng giai đoạn lịch sử. Trong chuyên đề này tôi xin đề cập đến những trọng tâm của chương trình lịch sử Việt Nam lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9. Lịch sử thế giới cận đại, hiện đại lớp 8, lớp 9. A. Lịch sử Việt Nam: 1. Chương trình lịch sử lớp 6 GV cho học sinh nắm chủ đề các cuộc đấu tranh chống xâm lược của phong kiến phương Bắc từ TK I đến TK X dưới dạng thống kê: Tên cuộc khởi nghĩa, thời gian, ý nghĩa. 2. Ở lớp 7 giáo viên tập trung các chủ đề sau: + Các triều đại phong kiến Việt Nam: tên triều đại, thời gian, vua đầu tiên, nơi đóng đô, tên nước. + Các cuộc kháng chiến chống xâm lược : triều đại, chống xâm lược nào, thời gian, tướng chỉ huy chính, những trận thắng tiêu biểu, nguyên nhân thắng lợi + Một số thành tựu về giáo dục, khoa học, nghệ thuật: giáo dục thời Trần- Lê sơ, các thành tựu và danh nhân thuộc các lĩnh vực thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX + Cải cách Hồ Quý Ly: Nội dung cải cách, ý nghĩa và tác dụng. + Phong trào Tây Sơn: các sự kiện chính trong quá trình xóa bỏ các nhà nước phong kiến cát cứ, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi. 3. Lịch sử Việt Nam lớp 8 tập trung các chủ đề sau: + Quá trình xâm lược của Pháp vào VN: các sự kiện chính, các hòa ước, ý nghĩa. + Các cuộc kháng chiến chống Pháp tiêu biểu từ 1858 đến 1884. + Phong trào Cần Vương: Sự hình thành phong trào, đặc điểm, mục đích đấu tranh, nguyên nhân thất bại. + Trào lưu cải cách duy tân cuối TK XIX. + Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914): nội dung khai thác về chính trị, kinh tế, văn hóa. Những chuyển biến của xã hội Việt Nam . + Phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ tư sản: hoàn cảnh ra đời, các phong trào: Đông Du của cụ Phan Bội Châu và cuộc vận động duy tân của cụ Phan Chu Trinh.. + Hoạt động của Nguyễn Tất Thành từ 1911 đến 1917. 4. Lịch sử Việt Nam lớp 9: Do lịch thi học sinh giỏi cấp huyện thường tổ chức vào đầu tháng một tức tuần chương trình 21 đến 22 nên giáo viên các trường chỉ dạy đến bài 17 Cách mạng Việt Nam trước khi ĐCS ra đời. Gồm các chủ đề sau: + Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai: thời gian, nội dung, mục đích khai thác. Sự phân hóa của xã hội Việt Nam: các giai cấp, tầng lớp xã hội: xuất thân, số lượng, đới sống kinh tế, thái độ và khả năng cách mạng. + Phong trào dân tộc dân chủ công khai: các hoạt động chính, mục tiêu, tính chất, điểm tích cực và hạn chế của phong trào. + Phong trào công nhân từ 1919 đến 1927: các giai đoạn phát triển và đặc điểm. + Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1919 đến 1925, sự chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam như thế nào? + Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên: Sự thành lập, mục đích, hoạt động nổi bật. So sánh Hội VNCMTN với Tân Việt cách mạng đảng . B. Lịch sử thế giới : I. Lich sử thế giới cận đại: Giáo viên dựa vào bài tổng kết lịch sử thế giới Cận đại để xác định trọng tâm. Cụ thể chương trình lịch sử Cận đại thế giới gồm những vấn đề lớn sau: + Cách mạng tư sản bùng nổ, phát triển, thắng lợi và CNTB xác lập trên pham vi thế giới. + Kinh tế TBCN phát triển và bùng nổ cuộc cách mạng Công nghiệp. + Phong trào công nhân phát triển và sự ra đời chủ nghĩa Mác. + Quá trình xâm lược thuộc địa của các nước đế quốc ở các nước Á, Phi. + Sự phát triển không đồng đều của CNTB dẫn đến mâu thuẫn giữa các đế quốc và bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mỗi một vấn đề lớn trên có một số trọng tâm cần khai thác. 1. Các cuộc CMTS ở TK XVIII - XIX. + Hoàn cảnh bùng nổ CMTS và mục tiêu cuối cùng của cách mạng. + Tên các cuộc CMTS và các hình thức diễn ra. + CMTS Pháp: một số sự kiện chính, tính triệt để và phạm vi ảnh hưởng của cuộc cách mạng. 2. Cuộc cách mạng Công nghiệp. + Những phát minh lớn về kĩ thuật, phát minh có tính chất mốc của cuộc cách mạng. + Hệ quả cuộc cách mạng về kinh tế, xã hội. 3. Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác. + Công xã Pa-ri: Hoàn cảnh ra đời các sự kiện chính, ý nghĩa. 4. Quá trình xâm lược thuộc địa ở Á, Phi của các nước đế quốc. + Nguyên nhân dẫn đến xâm lược thuộc địa, tính chất của cuộc xâm lược II Lịch sử hiện đại giai đoạn một từ 1917 - 1945: Phần lịch sử hiện đại từ 1917 đến 1945 được bố trí học ở lớp 8. Tuy nhiên khi giảng dạy chúng ta không nên chia theo lớp mà chỉ chia theo phân kỳ lịch sử để học sinh thấy được tính tổng quát và liền mạch của chương trình lịch sử. Lịch sử hiện đại giai đoạn một gồm các nội dung sau: + Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. + Phong trào công nhân và phong trào cộng sản thế giới. + Các nước tư bản: Châu Âu, nước Mỹ, Nhật Bản. + Phong trào GPDT ở Châu Á + Chiến tranh thế giới lần thứ II 1. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 + Các sự kiện chính của CM tháng Hai và tháng Mười năm 1917. Mục tiêu, tính chất, kết quả và ý nghĩa của hai cuộc cách mạng . + Công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô: Chính sách cộng sản thời chiến và chính sách Kinh tế mới. 2. Phong trào công nhân và phong trào cộng sản thế giới. + Sự ra đời của QTCS . Vai trò và ảnh hưởng của tổ chức này đối với thế giới. 3. Các nước tư bản: + Các giai đoạn phát triển: 1919-1923, 1924 - 1929, 1929- 1939. + Sự ra đời của chủ nghĩa Phát xít: chính sách đối nội và đối ngoại 4. Chiến tranh thế giới lần thứ II: Nguyên nhân, các sự kiện chính, hậu quả. III Lịch sử thế giới hiện đại giai đoạn II: từ 1945 đến nay. Trong giai đoạn này giáo viên cần xác định: từ sau 1945 thế giới phát triển theo các xu hướng khác nhau với những nội dung sau: + Một số nước phát triển theo XHCN cùng với Liên Xô. Hệ thống XHCN hình thành, phát triển và sụp đổ vào 1991. + Phong trào GPDT phát triển mạnh mẽ và giành thắng lợi ở Á, Phi, Mỹ la tinh, nhiều quốc gia độc lập ra đời. + Sự phát triển mạnh mẽ của các nước tư bản + Quan hệ quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ II + Cuộc cách mạng KH - KT-công nghệ lần thứ II. 1. Các nước XHCN: Liên Xô , Đông Âu. + Những thành tựu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng CNXH: Mục tiêu , thành tựu về kinh tế, khoa học - kỹ thuật, quân sự, đối ngoại. + Sự ra đời các nhà nước DCND Đông Âu. + Sự hình thành hệ thống XHCN: hoàn cảnh, cơ sở và biểu hiện + Quá trình sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu: Hoàn cảnh, nội dung cải cách, những sự kiện chính dẫn đến Liên Xô tan rã, nguyên nhân, hệ quả. 2. Phong trào GPDT ở Á, Phi, Mỹ la tinh. + Quá trình phát triển của phong trào GPDT sau 1945 và các sự kiện lớn ở Á, Phi, Mỹ la tinh + Những nét chung của Châu Á, Đông Nam Á, Châu Phi, Mỹ la tinh. + Nước CHND Trung Hoa: Sự thành lập, ý nghĩa. Công cuộc cải cách, thành tựu đạt được cho đến nay. + Sự thành lập tổ chức ASEAN: Hoàn cảnh, mục tiêu, nguyên tắc, thành tựu cho đến nay. + Chủ nghĩa Apác thai và quá trình đấu tranh của nhân dân CH Nam Phi. + Cách mạng Cu-ba. 3. Các nước tư bản chủ yếu: + Nhật: Sự phát triển kinh tế từ sau 1946, nguyên nhân phát triển, hạn chế của kinh tế Nhật. Chính sách đối ngoại. + Mỹ: thành tựu kinh tế, khoa học - kỹ thuật từ sau 1945, nguyên nhân phát triển và giảm sút. Chính sách đối ngoại. + Các nước Tây Âu: Chính sách đối ngoại. Quá trình thành lập Liên minh châu Âu (EU), mục đích, thành tựu, cơ sở liên kết. 4. Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới lần II: + Tổ chức Liên Hiệp Quốc: sự thành lập, nhiệm vụ, nguyên tắc, vai trò, các tổ chức chuyên môn. + Chiến tranh lạnh: Bối cảnh ra đời, khái niệm, biểu hiện, hậu quả, sự kết thúc. + Các xu thế phát triển của thế giới sau chiến tranh lạnh. 5. Cuộc cách mạng KH -KT : + Nguồn gốc và đặc điểm. + Những thành tựu chủ yếu. + Ý nghĩa và tác động của cuộc cách mạng Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi, xin cung cấp để quý thấy cô tham khảo. Rất mong sự góp ý của quý thầy cô. Xuân lộc, ngày 24 tháng 9 năm 2013 Người viết Mai Sa
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất