Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG TIỀN VÀ LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM...

Tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG TIỀN VÀ LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM

.PDF
7
260
131

Mô tả:

MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG TIỀN VÀ LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM
MỐI QUAN HỆ GIỮA CUNG TIỀN VÀ LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM Phan Hoài Trang Học viện Ngân hàng Lạm phát là một trong những chỉ số phản ánh sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức độ vừa phải là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, lạm phát luôn là yếu tố thường trực, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Có rất nhiều nhân tố gây ra lạm phát như cung tiền, cầu kéo, chi phí đẩy, hiệu quả đầu tư thấp, kỳ vọng của người dân. Sự biến động trong tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thời gian qua chịu tác động không nhỏ bởi sự tăng giảm cung tiền trong nền kinh tế. I. Cơ sở lý luận về cung tiền và lạm phát Theo lý thuyết về lượng tiền của Milton Friedman, mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát được thể hiện qua phương trình định lượng: MV=PY Trong đó: M là lượng tiền P là giá cả V là vòng quay của tiền. Y là sản lượng (GDP thực tế) Phương trình định lượng có thể viết dưới dạng phần trăm như sau: (%thay đổi của M + % thay đổi của V = %thay đổi của P + % thay đổi của Y Công thức trên cho thấy mối quan hệ qua lại giữa các biến động của yếu tố cung tiền, vòng quay của tiền, giá cả và GDP thực tế. Thông thường, vòng quay của tiền hay còn gọi là tốc độ chu chuyển của tiền V không thay đổi nhiều qua từng năm. Giả sử V không thay đổi, khi đó tốc độ tăng của giá cả bằng tốc độ tăng của cung tiền trừ đi tốc độ tăng của GDP thực tế. Như vậy, lạm phát sẽ xảy ra khi tốc độ tăng cung tiền nhanh hơn tốc độ tăng sản lượng Y. Trong trường hợp nền kinh tế đạt mức sản lượng cố định hàng năm, tỷ lệ tăng của giá cả bằng chính tỷ lệ tăng của cung tiền tệ, tốc độ tăng trưởng cung tiền sẽ quyết định tỷ lệ của lạm phát. Như vậy, theo lý thuyết về lượng tiền thì trong dài hạn, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ và lạm phát bị quyết định chủ yếu bởi tốc độ tăng cung tiền. Các kết quả phân tích thống kê cũng cho thấy tồn tại mối quan hệ khá khăng khít giữa tăng trưởng cung tiền và lạm phát ở các nước và ở các giai đoạn kéo dài. II. Mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát tại Việt Nam 2.1 Thực trạng lạm phát Vần đề lạm phát thật sự được quan tâm tại Việt Nam kể từ khi tỷ lệ lạm phát tăng cao vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, từ năm 2007 đến nay. Và theo đó, sự không cân xứng giữa tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng là một vấn đề kinh tế đáng quan tâm; biểu đồ dưới sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể về sự không cân xứng này tại Việt Nam trong thời gian qua. Biểu 1: Tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng GDP Việt Nam giai đoạn 2001-2014e Nguồn: Tổng cục thống kê- NHNN Trong giai đoạn 2001–2006 lạm phát của Việt Nam tăng nhanh, với mức lạm phát cao nhất trong giai đoạn này là năm 2004 (9.5%). Sau đó, tỷ lệ lạm phát có sự sụt giảm, đến 2006 tỷ lệ lạm phát là 6.6%. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2007-2012 lạm phát hầu như ở mức 2 con số, chỉ có năm 2009 và 2012 là xuống mức 1 con số, đạt lần lượt là 6.52% và 6.81%, trung bình cả giai đoạn là 12.62%, gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Nguyên nhân lạm phát tăng cao chủ yếu là do Việt Nam trong giai đoạn này, và cả giai đoạn trước nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, nên lạm phát khó kiểm soát được. Bắt đầu những năm 2011, 2012, Việt Nam mới thực sự chuyển hướng mục tiêu của chính sách tiền tệ sang kiềm chế lạm phát, thay vì tăng trưởng, nên lạm phát có phần hạ nhiệt, đặc biệt là lạm phát năm 2012 đạt 6.81% và giảm còn 6.04% năm 2013. Năm 2004 dự báo lạm phát là 6.5%. Vậy, có thể kết luận lạm phát có liên quan chặt chẽ đến chính sách tiền tệ hay cụ thể hơn là cung tiền của Việt Nam trong từng thời kỳ. 1.2 Phân tích mối quan hệ cung tiền và lạm phát Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng GDP luôn được xem là mục tiêu hàng đầu. Để hiện thực hoá mục tiêu này, việc đẩy mạnh cung ứng tiền tệ và tín dụng cho nền kinh tế là tất yếu. Vai trò của chính sách tiền tệ đối với tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để có thể phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng kinh tế phải đi liền với ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì giá trị đồng tiền. Nhiệm vụ này không dễ dàng thực hiện trong điều kiện nước ta hiện nay. Thực tế là trong vài năm trở lại đây, để có được kết quả tích cực trong tăng trưởng GDP, nước ta đã phải đánh đổi mục tiêu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng cung tiền cao và liên tục trong một thời gian dài được xem là nguồn gốc của tình trạng lạm phát ở nước ta trong giai đoạn vừa qua. Biểu 2: Mối quan hệ giữa lạm phát, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2006-2010 20.00% 15.00% 10.00% lạm phát 5.00% m2 tín dụng 0.00% T3-06 T9-06 T3-07 T9-07 T3-08 T9-08 T3-09 T9-09 T3-10 T9-10 -5.00% (Nguồn: IMF và NHNN) Từ đồ thị trên có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, sự tăng trưởng về cung tiền, kéo theo tăng trưởng tín dụng có mối quan hệ khá chặt chẽ với tỷ lệ lạm phát, với độ trễ từ 3 đến 6 tháng. Những biến động lớn về tỷ lệ lạm phát luôn diễn ra tiếp sau những biến động về cung tiền rộng. Cụ thể, trong giai đoạn nửa đầu năm 2008, tỷ lệ lạm phát tăng rất cao bắt nguồn từ sự gia tăng mạnh về cung tiền cũng như dư nợ tín dụng năm 2007. Tính đến cuối quý 4/2007, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,2% so với quý trước và tăng 46,1% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 7/2008, tỷ lệ lạm phát giảm dần do chính sách tiền tệ đầu năm 2008 đã được điều chỉnh theo hướng thắt chặt, hạn chế cung tiền và tín dụng cho nền kinh tế. Nhờ đó, chỉ số giá cả dần đi xuống từ mức cao đầu năm 2008, đặc biệt, 3 tháng cuối 2008, chỉ số CPI ở mức âm cho với tháng trước. Do sức ép về tăng trưởng kinh tế cũng như tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cung tiền được mở rộng trở lại từ nửa sau năm 2008. Năm 2009, cùng với chính sách kích cầu của Chính phủ, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng rất nhanh trong 2 quý đầu năm, 2 quý sau tốc độ gia tăng chậm dần. Hệ quả là tỷ lệ lạm phát có xu hướng đi lên, đạt mức cao vào tháng 3/2010 (tăng 4,07% so với cuối tháng 12/2009), sau đó lạm phát tăng chậm lại. Tuy nhiên, sự phục hồi trong tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong năm 2010, đi kèm với các yếu tố về mặt chi phí khiến nguy cơ lạm phát xuất hiện trở lại cuối năm 2010 và tiếp tục là vấn đề nhức nhối cần giải quyết trong năm 2011. Sự gia tăng cung ứng tiền tệ không phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP ở Việt Nam chính là một trong những nguyên nhân cốt yếu dẫn tới giá cả tăng cao. Trong 10 năm qua, tổng phương tiện thanh toán tăng bình quân mỗi năm 27,2%, trong khi đó GDP chỉ tăng 7.2%. Trong suốt khoảng thời gian dài khoảng cách giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và GDP luôn ở mức 20%. Cộng dồn từ năm 2001 tới 2010, tốc độ tăng trưởng cung tiền thực tế là 281,5%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP cộng dồn cùng thời kỳ (72,4%). Nguồn tiền được đưa vào lưu thông không tạo ra lượng hàng hóa tương ứng, do đó lạm phát là hiện tượng tất yếu. Biểu 3: Tốc độ tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP hàng năm giai đoạn 2001-2013 (Nguồn: IMF và Tổng cục thống kê) Giai đoạn tiếp theo 2011 – 2012,lạm phát đầu năm 2011 tăng cao, chính sách tiền tệ chuyển hướng thành thắt chặt, các công cụ là kiểm soát tín dụng dưới mức 20%, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ và cho vay phi sản xuất. Đồng thời, NHNN đã tăng tỉ lệ DTBB đối với ngoại tệ ba lần trong giai đoạn này, từ 4% lên 8% đối với tiền gửi KKH và dưới 12 tháng, từ 2% lên 6% đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Các cặp lãi suất điều hành cũng được điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, NHNN cũng tiến hành hút tiền về bằng công cụ OMO. Ngoài ra các công cụ khác cũng được kết hợp thực hiện như áp dụng trần lãi suất huy động 14%, tiến hành thanh tra giám sát... Theo đó tốc độ tăng trưởng cung tiền năm 2011 giảm xuống còn 11,95%, lạm phát năm 2011tuy ở mức cao, 18.13% nhưng có sự cải thiện qua các tháng, giảm liên tiếp từ tháng 3(3.32%) xuống còn 0.36% vào tháng 10, và tăng nhẹ trong 2 tháng cuối năm (tháng 11 là 0.39% và tháng 12 là 0.53%)Sang năm 2012, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng một cách hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu đó được đã được hiện thực hóa bằng các biện pháp kiểm soát tín dụng từ 15%-17%, thực hiện phân nhóm các TCTD, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ. Các mức lãi suất điều hành từng bước được giảm xuống: lãi suất TCV giảm từ 15% xuống 9%, TCK từ 13% xuống 7%, OMO từ 14% xuống 7%; tỉ lệ DTBB được giữ nguyên. Kết quả năm 2012, tăng trưởng cung tiền đạt 26.86% và kiềm chế lạm phát xuống 6.81%. Trong những tháng đầu năm 2013, cung tiền tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Cụ thể, tháng 1 tăng so với tháng 12 năm 2012, đạt 1.25%, tháng 2 là 1.32%, đây là hai tháng giáp Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đẩy giá lạm phát lên. Đến tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng giảm, lạm phát là 0.19%, và tháng 4 lạm phát ở mức thấp 0.02%. Qua phân tích thực trạng trên, có thể thấy mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2001 đến nay được thể hiện là cung tiền là một trong những nguyên nhân chính của tình hình lạm phát. Và những tín hiệu lạm phát là một trong những yếu tố chi phối quyết định cung tiền của Ngân hàng Nhà nước, điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn từ 2007 trở lại đây. III. Một số kiến nghị Trong thời gian qua, tăng trưởng cung tiền là một trong những nguồn gốc chính gây nên lạm phát ở Việt Nam. Lạm phát cao không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân và gây áp lực cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, để giải quyết bài toán lạm phát hiện nay cần chú ý tới các giải pháp liên quan tới mức cung tiền tệ. Trước hết, mức cung tiền tệ cần được tính toán kỹ sao cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và mục tiêu lạm phát. Cung tiền có tác động tới tăng trưởng GDP và lạm phát với độ trễ nhất định, vì vậy mô hình khối lượng tiền tệ nhất thiết phải được xây dựng với sự tương quan chặt chẽ với các biến số khác trong khuôn khổ thời gian trung dài hạn. Trên cơ sở đó có thể xác định chính xác nhu cầu về tổng phương tiện thanh toán và tín dụng của nền kinh tế, tránh việc cung ứng tiền quá nhiều trong khi nền kinh tế không thể hấp thụ hết. Các chỉ tiêu về dòng lượng tiền tệ, tăng trưởng cung tiền được tính toán chính xác hơn sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng nội tệ. Thứ hai, việc điều hành cung ứng tiền tệ cần được thực hiện chủ động, linh hoạt, tránh hiện tượng giật cục, không nhất quán như đã từng xảy ra trước đây. Đầu năm 2008, khi lạm phát tăng liên tiếp và tăng mạnh, NHNN đã tính đến các biện pháp hút tiền về thông qua bán trái phiếu và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tuy nhiên dưới áp lực phải đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng vào thời điểm đó, NHNN đã phải bơm tiền ra đáp ứng nhu cầu thanh toán của các ngân hàng thương mại và mua vào ngoại tệ nhằm duy trì tỷ giá. Sự không nhất quán trong mục tiêu quản lý điều hành khiến việc ngăn chặn đà tăng của lạm phát thời kỳ này bị chậm trễ. Thứ ba, có nhiều công cụ điều tiết lượng cung tiền như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thị trường mở, lãi suất…do vậy NHNN cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn đúng công cụ, đúng thời điểm và đúng mức độ, tránh gây ra tác động tiêu cực hoặc cú sốc cho nền kinh tế. Thứ tư, tổng phương tiện thanh toán dồi dào nhưng mức sản lượng mà nền kinh tế tạo ra còn khiêm tốn, vì vậy, cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là tại khu vực kinh tế nhà nước cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Hiện nay, hiệu quả đầu tư trong nền kinh tế, đặc biệt là tại khu vực kinh tế nhà nước còn thấp, hệ số ICOR cao so với các nước trong khu vực. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thu hẹp khoảng cách giữa tốc độ cung ứng tiền tệ và tốc độ tăng GDP được xem là giải pháp lâu dài để giảm thiểu sức ép của cung ứng tiền tệ lên giá cả hàng hóa. Cuối cùng, ngoài nguyên nhân về tiền tệ, tình trạng lạm phát ở nước ta còn xuất phát từ từ yếu tố khác như chi phí đẩy, cầu kéo, tâm lý…Do đó, để đối phó với tình trạng lạm phát cao như hiện nay cần sự kết hợp của tổng thể các giải pháp về chính sách tiền tê, chính sách tài khóa, các giải pháp nhằm cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hợp lý. Có như vậy mới có thể duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế trong dài hạn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Cung tiền, lạm phát và những tác động đến kinh tế vĩ mô - Tạp chí Tài chính số 1 – 2014 2. The relationship between prices and money supply in Latin American – Kenneth Holden and David A Peel 3. Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2011, 2012 – VEPR 4. Tiếp cận và phân tích động thái giá cả - lạm phát của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới bằng một số mô hình toán kinh tế - Vương Thị Thảo Bình
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng