Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Màu sắc siêu thực trong thơ chế lan viên trước cách mạng tháng tám- 1945...

Tài liệu Màu sắc siêu thực trong thơ chế lan viên trước cách mạng tháng tám- 1945

.PDF
77
915
128

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN Nguyễn Tuyền An MÀU SẮC SIÊU THỰC TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM- 1945 Luận văn tốt nghiệp Đại học Ngành Sư phạm Ngữ văn Cán bộ hướng dẫn: Hồ Thị Xuân Quỳnh Cần Thơ, tháng 5- 2010 1 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Phần mở đầu 2. Lí do chọn đề tài 3. Lịch sử vấn đề 4. Mục đích nghiên cứu 5. Phạm vi nghiên cứu 6. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương 1- CHẾ LAN VIÊN VỚI PHONG TRÀO THƠ MỚI 1932- 1945 1.1 Sơ lược về tình hình xã hội và tình hình văn học Việt Nam giai đoạn 1932- 1945 1.1.1 Tình hình xã hội 1.1.2 Tình hình văn học 1.2 Mấy nét về tiểu sử Chế Lan Viên 1.3 Sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên 1.3.1 Trước cách mạng tháng Tám- 1945 1.3.2 Sau cách mạng tháng tám- 1945 1.4 Những biểu hiện trong thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng tám- 1945 1.4.1 Thơ mang tâm trạng u buồn, chán chường 1.4.2 Thơ giàu chất suy tưởng, giàu tính triết lí Chương 2: CHẾ LAN VIÊN- TỪ NHÓM THƠ BÌNH ĐỊNH ĐẾN TRƯỜNG THƠ LOẠN 2.1 Vài nét về nhóm thơ Bình Định và Trường thơ Loạn 2.2 Chế Lan Viên với Trường thơ Loạn Chương 3: DÙNG CÁI PHI THỰC ĐỂ KHÁM PHÁ HIỆN THỰC- MỘT KHÁM PHÁ CỦA CHẾ LAN VIÊN 3.1 Giới thuyết về chủ nghĩa Siêu thực 3.2 Những biểu hiện của vấn đề siêu thực trong thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám- 1945 3.2.1 Chủ thể sáng tạo cực đoan, thần bí, quái đản 3.2.1.1 Thoát li hiện thực và tìm đến nơi phi hiện thực 3.2.1.2 Khát vọng làm thay đổi thời gian 3.2.2 Đối tượng thẩm mĩ 3.2.2.1 Thế giới hai cực thể xác và linh hồn] 3.2.2.2 Thế giới hai cực dĩ vãng và hiện tại 3.2.2.3 Thế giới hai cực ánh sáng và bóng tối 3.2.2.4 Nghệ thuật tạo nên chất siêu thực cho tập thơ Điêu tàn PHẦN TỔNG KẾT Tài liệu tham khảo 2 A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Phong trào Thơ mới ra đời khi mà xã hội Việt Nam đã có những chuyển biến lớn về kinh tế, chính trị,văn hóa… Nó công khai phát triển rộng rãi trên thi đàn trong những năm 1932- 1945. Thơ mới tuy đau buồn nhưng vẫn nặng lòng với cuộc sống. Xét cho cùng những lúc nhà thơ thấy cô đơn, bơ vơ hay đau xót nhất cũng chính là lúc họ muốn gắn bó với cuộc đời nhiều nhất. Chế Lan Viên là một nhà thơ mới. Ông đã nhờ thơ để bộc lộ nỗi lòng của mình. Nhưng thơ ông không giống thơ của những nhà thơ Thế Lữ, Huy Thông, Vũ Đình Liên… hay cũng không giống với các nhà thơ ở thời kỳ thứ 2 của phong trào Thơ mới như Xuân Diệu, Anh Thơ, Nguyễn Bính… Chế Lan Viên giống với những nhà thơ thuộc Trường thơ Loạn như: Hàn Mặc Tử, Bích Khuê, Yến Lan ở chỗ đã đưa đến cho vườn hoa của Thơ mới những bông hoa mang hương sắc rất lạ, rất mới so với các nhà Thơ mới đương thời. Tuy là vậy, nhưng ở họ vẫn có những phong cách nghệ thuật rất riêng. Họ đã góp phần làm phong phú cho hồn thơ của phong trào Thơ mới những năm 1932- 1945. Khi nhắc đến Trường thơ Loạn, người ta thường bàn nhiều đến vấn đề màu sắc siêu thực trong thơ của các nhà thơ thuộc trường thơ này. Như đã nêu trên, mặc dù họ đều là những nhà thơ trong Trường thơ Loạn nhưng màu sắc siêu thực trong thơ của mỗi người cũng có nhiều nét riêng. Màu sắc siêu thực trong thơ Chế Lan Viên khác màu sắc siêu thực trong thơ Hàn Mặc Tư và cũng khác so với thơ của Bích Khuê. Có thể nói: yếu tố siêu thực trong thơ của họ là những yếu tố có sức cuốn hút rất lớn đối với người đọc bởi sự huyền bí, hư hư, thực thực… của nó. Đã có nhiều nhà nghiên cứu từng đặt chân lên để tìm hiểu mãnh đất siêu thực của các nhà thơ trong Trường thơ Loạn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là vấn đề này đã được khai thác triệt để. Thông qua việc tìm hiểu đề tài “Màu sắc siêu thực trong thơ Chế Lan Viên trước Cách mạng tháng Tám- 1945”, người viết mong muốn góp một phần công sức của mình nhằm làm sáng tỏ hơn vấn đề siêu thực trong thơ của Chế Lan Viên. Đây cũng chính là lý do người viết lựa chọn đề tài này làm luận văn tốt nghiệp. 3 2. Lịch sử vấn đề Tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên được xuất bản năm 1937, lúc ông mới 17 tuổi. Tuy nhiên, ngay từ khi mới ra đời, nó đã tạo được một vị thế vững chắc trên thi đàn Việt Nam. Vì tính chất quá mới lạ nên đã có nhiều cách đánh giá khác nhau về tập thơ này. Nhưng dù là cách nào các nhà nghiên cứu cũng có sự phân tích, lý giải hợp lý để tiếp cận cái “Tháp Chàm thơ” của Chế Lan Viên. Trong Thi nhân Việt Nam, ông Hoài Thanh viết: “…Cũng lạ! bị chinh phục đến tiêu diệt mà cảm nhận được lòng những kẻ đã tiêu diệt mình một cách sâu sắc như thế dễ có dân tộc Chiêm Thành. Những nhạc công chúng ta luôn luôn ca nỗi oán hờn của họ. Chúng ta còn dành riêng cho họ một nhà thơ, để vì họ giải dùm cho những nỗi uất ức bao nhiêu năm nghẹn ngào trên núi sông này. Vong linh đau khổ của giống nòi họ đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên, dẫu không phải là người họ Chế, Chế Lan Viên vẫn là một nhà thơ Chiêm Thành. Quyển Điêu tàn đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam một niềm kinh dị. Nó dựng lên một thế giới đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma. Hẳn có người sẽ nghĩ: Thơ muốn hay chứ muốn lạ thì khó gì, cứ nói trái sự thật là được. Sự thật người ta ngủ trong nhà thì cứ việc nói người ta ngủ trong sao. Đừng tưởng! Lịch sử văn học cổ kim không từng có hai Bồ Tùng Linh. Nói láo đành dễ, nhưng cái khó là nói láo mà vẫn không biết mình nói láo; cái khó là có thể tin mình nói.” [197, 3] Ở đây, Hoài Thanh đã đánh giá quyển thơ Điêu tàn như một niềm kinh dị. Nó kinh dị vì nó được tạo ra từ một thế giới của những đầu lâu, xương sọ, của máu trào, xương vỡ, từ yêu ma, quỷ quái… Và thế giới quái đản này đột ngột “chen chân” vào “giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở thế kỉ XX, nó đứng sừng sững như như một cái tháp Chàm chắc chắn, lẻ loi, bí mật” [200, 3]. Bên cạnh nó, có vô số những thế giới khác như: thế giới tình yêu của hai người trong thơ Xuân Diệu, thế giới của Lửa thiêng trong thơ Huy Cận, hay thế giới làng quê mộc mạc trong thơ Nguyễn Bính… nhưng Điêu tàn giống như con chim lạ từ một thế giới khác bay lạc đến đây. Để rồi trước đó và cả sau này, không có một bản sao thứ hai xuất hiện. Tuy nhiên, niềm kinh dị của Điêu tàn không chỉ là một thế giới kinh dị mà còn là việc thi nhân tạo ra nó đã dám làm những điều phi thường. Có lúc ngồi trên bãi biển 4 bàng hoàng tự hỏi những câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp chính xác; có lúc say sưa để tâm trí bay lên cung trời; lại có khi lặng đứng suốt đêm mà tâm sự với những bóng ma; có lúc hốt hoảng thấy mình đã chết, thi thể đang nằm trong quan tài…. Như vậy, không chỉ có đối tượng thẩm mĩ mang tính hư cấu, siêu hình mà chủ thể sáng tạo cũng mang tính cực đoan, thần bí, phi thường. Có lẽ chính vì thế mà Điêu tàn được xem như một cái “Tháp Chàm chắc chắn, lẻ loi và bí mật”. Ông Hoàng Diệp- một người bạn thân của Chế Lan Viên cũng là một thành viên trong Trường thơ Loạn viết về Điêu tàn như sau: “Từng hàng chữ, từng bài thơ đều có nhắc đến hoặc những lời than, điệu khóc, hoặc những dấu vết trên bờ nghĩa địa, dưới chân ngôi tháp vắng. Có lắm khi những di tích xưa, những kỷ niệm cũ của giống dân Hời lại nằm ngay giữa hàng chữ của Chế Lan Viên, phơi mình trần như nhộng trên mãnh giấy trắng đến rợn người của thi sĩ [268, 12] Theo nhận xét của Hoàng Diệp, thì ông cho rằng tác phẩm Điêu tàn viết về thế giới chết của dân tộc Chiêm Thành- một dân tộc đã bị tiêu diệt từ lâu. Trong từng hàng chữ, từng bài thơ đều là thế giới của ma quỷ, yêu tinh…. với những lời than, điệu khóc đêm đêm bên bờ nghĩa địa. Những hồn ma Hời là những linh hồn của giống dân Hời đã chết, vì mang nỗi oan quá lớn nên không thể siêu thoát nay hóa thành yêu tinh “phơi mình trần như nhộng”, đêm đêm “sờ soạng dắt nhau đi”… hoặc những đầu lâu xương trắng… lăn lông lốc, hoặc máu óc, tim phổi tủy sống, trào lên. Ngoài ra, thế giới của Điêu tàn chẳng còn gì khác. Như vậy, theo ông, thì thế giới chung của Điêu tàn vẫn chỉ là thế giới của chết chóc, của những điều rùng rợn, kinh dị. Còn khi đề cập đến tác giả, Hoàng Diệp đã dùng hai chữ “xuất thần” nói về tình trạng của Chế Lan Viên lúc đó. “Người phương Tây gọi lối thoát ấy là sự “bốc hơi của cái Ta” và ở phương Đông, danh từ “xuất thần” có thể bao gồm đầy đủ ý nghĩa hơn cả. Nhờ thế, Hàn Mạc Tử muốn lên tiên dự hội Bàn Đào, chàng phải dùng vài ba cốc “Xuất Thần tửu”, một thứ rượu rất say, rất ngọt, uống vào, con người trở nên rất dại, rất khờ. “Xuất Thần tửu” là cứu cánh của sự rời bỏ cõi Ta để bắt gặp cái Ta. Chế Lan Viên không quen dùng “Xuất Thần tửu”, nên chàng phải tự giết mình, phải chết đi trong một khoảnh khắc để tìm về nước non Chiêm, xứ sở của muôn vạn xác chết. Cái chết trong khoảnh khắc ấy đã thay thế chất rượu thần, giúp Chế Lan Viên thoát ra khỏi cõi ta để tìm về với cái Ta vậy”. [270, 12] 5 Cuối cùng là không chỉ có thế giới của Điêu tàn kinh dị mà ngay cả tác giả của nó cũng dám làm điều kinh dị là tự giết mình chết đi trong một khoảnh khắc nào đó để tìm đến và hòa nhập với xứ sở của muôn vạn xác chết, của những oan hồn. Cho nên, khi nhìn lại cách đánh giá, phân tích vấn đề của Hoài Thanh và Hoàng Diệp tuy có khác nhau về câu chữ nhưng điểm chung của họ là đều khẳng định Điêu tàn kinh dị vì khách thể thẩm mĩ và chủ thể sáng tạo của nó quá kinh dị, phi thường. Trong bài viết Chế lan Viên và ba niềm sửng sốt, ông Trần Mạnh Hảo đã phát biểu: “Điêu tàn như một hiện tượng kì vĩ, ngay lập tức làm sửng sốt thi đàn Việt Nam, như “một niềm kinh dị” theo chữ của Hoài Thanh. Không sửng sốt, không kinh dị sao được khi một cậu thiếu niên dáng vẻ hiền lành, bổng học được phép chui vào quan tài của nỗi hư vô, dùng thi ca tỏ tình cùng thần chết. Chế Lan Viên dẫn đầu một phái đoàn ma, kéo vào thi đàn Việt Nam như cô hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn Du xưa kéo về rằm tháng bảy: “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (Trên đường về). Ông ước: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh! Một vì sao trơ trọi cuối trời xa” (Những sợi tơ lòng) Tinh cầu ấy, vì sao ấy với Chế Lan Viên chính là chiếc sọ người. Chiếc sọ người chính là biểu tượng hóa niềm siêu hình thăm thẳm, bao hàm ba trạng thái: cô đơn- cái chết- hư vô từng thách đố triết học và tôn giáo. Chế Lan Viên dùng thi ca giải mã chiếc sọ người mong tìm tôn giáo và triết học, tìm bí mật phía bên kia tồn tại như tìm nỗi không đâu vơ vẩn kiếp người. Với Điêu tàn, bầu trời kia cũng mang hình hộp sọ. Tinh cầu- sọ người bay lơ lửng trong không gian Chế Lan Viên như một thứ hạt giống thi ca gieo vãi hư vô lên từng trang giấy. Đến nỗi, nhà thơ muốn cắn chiếc sọ người vỡ tan như cắn hột bồ đào: Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô (Cái sọ người) Hãy nghe Chế Lan Viên nói về công việc trước tác của mình: Nền giấy trắng như xương trong bãi chém Bỗng run lên kinh hãi dưới tay điên Tiếng bút đưa rợn mình như tiếng kiếm 6 Nạo những thành sọ trắng của ma thiêng. (Tiết trinh) Điêu tàn mang âm hưởng sọ người cọ nhau kêu ken két, như cái chết cũng biết nghiến răng.” [222, 12] Cũng giống như hai tác giả ở trên, Trần Mạnh Hảo cũng cho rằng Điêu tàn kinh dị vì chủ thể sáng tạo của nó dám làm một việc phi thường là “chui vào quan tài của nỗi hư vô, dùng thi ca tỏ tình cùng thần chết”. Chế Lan Viên đã dùng tiếng thơ của mình để viết về thế giới chết chóc, điêu tàn, về “cuộc sống” nơi cõi âm của các đầu lâu, xương sọ, của ma quỉ, yêu tinh. Trong khi đó, Xuân Diệu dùng thi ca để viết về những cuộc tình thơ mộng, đắm say: Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang nắng trở chiều Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn Lần đầu rung động nỗi thương yêu (Thơ duyên) Hay như Nguyễn Bính- nhà thơ chuyên sáng tác về những mối tình mộc mạc ở chốn làng quê: Hôm qua em đi tỉnh về Đợi em ở mãi con đê đầu làng Khăng nhung, quần lĩnh rộn ràng Áo cài, phi bấm em làm khổ tôi (Chân quê) Tuy nhiên, nếu như hai tác giả Hoài Thanh và Hoàng Diệp đánh giá sự phi thường của chủ thể sáng tạo chỉ là việc dám thâm nhập vào thế giới ma của vạn xác chết, thì Trần Mạnh Hảo có cách đánh giá mở rộng hơn về sự phi thường của chủ thể. Ông thấy, Chế Lan Viên còn dùng thi ca để lí giải cho sự bí ẩn của tôn giáo, của triết hoc, của vũ trụ, của kiếp người ở một thế giới khác thế giới con người đang sống… Và từ đây, nó cũng góp phần tạo nên chất trí tuệ, chất triết lí của Điêu tàn. Mặc dù với tư duy của cậu bé mười bảy tuổi, những vấn đề này chưa có lời giải đáp thuyết phục, nhưng đây lại là tiền đề quan trọng cho những vần thơ triết lí của ông sau này. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu, phê bình đã có nhiều điểm gặp gỡ khá thú vị khi cùng nhận xét về Điêu tàn. Sau đây, chúng tôi xin trích ra một số ý 7 kiến của các nhà nghiên cứu đã nhận định về tập thơ này do nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh đã tập hợp lại đưa vào quyển Chế Lan Viên, tác gia và tác phẩm, nhà xuất bản Giáo dục, 2003. - Ông Vũ Tuấn Anh cho rằng: “Điêu tàn nằm trong bối cảnh chung của Thơ mới mà vẫn khác lạ. Hoài Thanh đã rất sâu sắc và chính xác khi dùng hai chữ “lẻ loi” và “bí mật” khi nói về Điêu tàn. “Lẻ loi” giữa không khí chung của Thơ mới. “Bí mật” vì nó là một thế giới đầy bóng tối siêu hình, khép kín…” [21, 12] - Còn ông Lê Thiều Quang thì bày tỏ: “Không rụt rè, tôi mừng rỡ đón tiếp tia sáng mới lạ ấy, nó bắt đầu lấp ló trong vườn thơ Việt nam, bên cạnh và cũng không kém những tia sáng khác và đồng thời, nó không giống với một tia nào. Điêu tàn mới lạ quá đến làm ngạc nhiên và ngờ vực nhiều người” [253, 12] - Và ông Hồ Thế Hà cũng nhận xét rằng: “Căn cứ vào toàn bộ sáng tác trong thời kì này của ông, ta thấy Chế Lan Viên tự chọn cho mình một khách thể lạ mang tính tưởng tượng, hư cấu, siêu hình, khác xa với quan niệm của các nhà thơ mới đương thời là đi tìm cái đẹp thuần túy, mang màu sắc duy mĩ…”.[293, 12] Nhìn chung, cả ba tác giả này đều khẳng định tính chất mới lạ của tập thơ. Riêng ông Lê Thiều Quang còn gọi nó bằng một cái tên khá hay là “Tia sáng mới lạ”. Khi đem so sánh với bối cảnh chung của Thơ mới, nhà nghiên cứu phê bình Hồ Thế Hà đã cho rằng: Điêu tàn mới lạ vì mẫu hình thi sĩ “ru với mây gió”, “đẫm tình và mộng”… đã bị thay thế hoàn toàn trong tập thơ này. Chủ thể sáng tạo lúc này là một thi nhân cực đoan, mạnh mẽ, dị thường. Chế Lan Viên muốn xác lập một thế giới mới trong thi ca khác xa với những mối quan hệ quen thuộc đời thường vì “cái bình thường là cái chết trong nghệ thuật”. Vậy là trong Điêu tàn không chỉ có sự thay đổi về tư duy sáng tác mà cả nội dung sáng tác cũng có sự thay đổi mạnh mẽ, cho nên nó trở nên quá mới lạ. Từ việc nó quá mới lạ, làm cho nó lẻ loi khi đứng giữa không khí chung của Thơ mới nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị của nó. Tổng hợp nhiều bài viết khác nhau của các nhà nghiên cứu về những vấn đề xung quanh tập thơ Điêu tàn, chúng tôi thấy: mặc dù đôi lúc họ có cách lí giải khác nhau về nhiều mặt, nhưng ở họ vẫn có sự thống nhất. Về cơ bản, Điêu tàn đã có sự thay đổi mạnh mẽ và gần như triệt để ở cả hai phương diện: chủ thể sáng tạo và đối tượng thẩm mĩ so với các sáng tác khác trong phong trào Thơ mới. Và sự thay đổi đó ngoài tính mới lạ, nó còn mang vẻ kinh dị, khác thường. 8 Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đôi khi đã lướt qua một số vấn đề quan trọng thể hiện tính mới mẽ, dị thường cho Điêu tàn. Trong tập thơ này, không phải nhất nhất lúc nào cũng chỉ là thế giới của đầu lâu, xác chết, hồn ma… mà đôi khi còn là thế giới của ánh sáng, của cõi tiên. Mây chắp lụa dài vây núi biếc Sương xây mồ bạc dấu trăng vàng Thuyền ai dỡn nước sông Ngân ấy Mà để sao sa xuống cõi trần (Mơ trăng) Lấy thế giới thực tại làm trung tâm, nhà thơ đã tạo ra cho mình cùng một lúc hai hướng đi: có lúc, ông chạy xuống địa ngục “kết bạn” cùng với đám ma Hời; hoặc có lúc, ông thoát liên cõi tiên, lên cung Hằng tìm người Chiêm nữ… Cả quyển thơ là sự đan xen, xáo trộn… giữa nhiều thứ: hiện tại- quá khứ, cõi tiên- cõi âm, ánh sáng- bóng tối. Đôi lúc, Chế Lan Viên còn cố tình xóa nhòa đi mọi khoảng cách, mọi khái niệm về thời gian, không gian, tiên tục, ma quỷ… để đan xen, kết hợp mọi thứ lại cùng nhau một cách có logic, hợp lí. Chất siêu thực trong Điêu tàn ngoài những điều mà các nhà nghiên cứu đã đưa ra còn phải là sự tổng hợp chung của các yếu tố này. 3. Mục đích nghiên cứu Chế Lan Viên là một nhà thơ tài năng, nhà hoạt động văn hóa có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Với hơn năm mươi năm hoạt động trong lĩnh vực văn học, nhà thơ đã để lại một khối lượng tác phẩm hết sức phong phú và đa dạng. Việc nghiên cứu đề tài Màu sắc siêu thực trong thơ ông giai đoạn trước cách mạng tháng Tám- 1945 tuy chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng chúng tôi muốn cho người đọc có cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về yếu tố siêu thực trong thơ của tác giả này. Ngoài ra, việc đặt trong mối quan hệ so sánh với một số tác phẩm của các tác giả khác cùng và khác Trường thơ Loạn, chúng tôi cũng muốn giúp người đọc nhận ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa các sáng tác nghệ thuật của Chế Lan Viên và của những nhà thơ khác. 4. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu chủ yếu của đề tài này là Màu sắc siêu thực trong thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám- 1945. Cụ thể là những bài thơ trong tập thơ 9 Điêu tàn được ông sáng tác năm 1937 và một số bài thơ khác sáng tác trước năm 1945. Ngoài ra chúng tôi còn đưa vào nghiên cứu một số bài thơ của các nhà thơ khác như Hàn Mặc Tử, Bích Khuê, Quách Tấn, Xuân Diệu, Huy Cận… để so sánh nhằm làm rõ vấn đề và thực hiện tốt mục tiêu nghiên cứu đã đề ra. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong qua trình nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau: Trước tiên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu về tình hình chung của xã hội và của văn học để biết được mức độ tác động đến tư tưởng, tình cảm, cũng như ảnh hưởng đến các sáng tác của Chế Lan Viên giai đoạn trước cách mạng tháng Tám- 1945. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về tiểu sử của tác gia này để lí giải tại sao ông lại đưa vào sáng tác của mình nhiều hình tượng độc đáo và kì lạ như vậy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham khảo một số tài liệu viết về nhà thơ, nhất là các bài viết về tập thơ Điêu tàn. Những tài liệu này giúp chúng tôi định hướng vấn đề một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Nhưng chủ yếu trong bài nghiên cứu này, chúng tôi dùng phương pháp phân tích đi sâu tìm hiểu, lí giải các chi tiết đặc sắc trong tác phẩm, nhất là các chi tiết có liên quan đến vấn đề Màu sắc siêu thực trong thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám- 1945. Bên cạnh đó, nhờ phương pháp so sánh, chúng tôi sẽ tiến hành đối chiếu với các tác phẩm khác để tìm ra những nét đặc sắc riêng trong tác phẩm và trong phong cách sáng tác của nhà thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám- 1945. 10 B. PHẦN NỘI DUNG Chương 1 CHẾ LAN VIÊN VỚI PHONG TRÀO THƠ MỚI NĂM 1932- 1945 1.1 Sơ lược về tình hình xã hội và tình hình văn học Việt Nam giai đoạn 1932- 1945 1.1.1 Tình hình xã hội Giai đoạn văn học này tuy diễn ra không đầy nữa thế kỉ, nhưng có vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển lịch sử văn học Việt Nam. Đây là giai đoạn mà xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi lớn dẫn tới sự biến đổi sâu sắc trong ý thức và tâm lí con người. Sau khi Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và lần thứ hai (trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914- 1928), cơ cấu xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc. Từ Nam chí Bắc, có nhiều đô thị mọc lên như những trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính của xã hội thực dân nửa phong kiến. Cùng với sự xuất hiện của những đô thị, những khu khai thác hầm mỏ là sự ra đời của nhiều tầng lớp, giai cấp xã hội mới: công nhân, tư sản, tiểu tư sản (viên chức, học sinh, dân nghèo thành thị… ). Những tầng lớp, giai cấp này có nhu cầu văn hóa, thẩm mĩ mới. Họ tạo thành một tầng lớp công chúng yêu văn học ngày càng đông đảo và đòi hỏi phải có một thứ văn chương mới phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của họ. Nhìn chung, văn học thời kì này là văn học của các đô thị. 1.1.2 Tình hình văn học Đây là giai đoạn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với văn học Việt Nam: sự chuyển hướng mạnh mẽ từ thi pháp trung đại đến thi pháp hiện đại. Nó tạo thành một không khí sôi nổi, rầm rộ. Trong giai đoạn này, lực lượng sáng tác đã trở thành một đội ngũ hùng hậu, đông đảo và có tính chuyên nghiệp cao, và được chia thành hai thế hệ: các nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ già (Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan….); và các nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ trẻ (Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…). Ngay trong đội ngũ các nhà văn cũng có sự phân hóa sâu sắc. Dựa vào khuynh hướng sáng tác, ta thấy có nhà văn sáng tác theo khuynh hưỡng lãng mạn (nhóm Tự lực văn đoàn…), có 11 nhà văn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực (Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…), các nhà văn sáng tác theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa (Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Trần Huy Liệu…) Dựa vào cơ sở ý thức hệ và hình thức lưu hành, văn chương giai đoạn này phân hóa thành hai bộ phận: bộ phận văn chương công khai, hợp pháp và bộ phận văn chương bí mật, bất hợp pháp. Hai bộ phận ấy lại được phân chia thành ba lưu phái: lưu phái văn chương sáng tác theo phương pháp của chủ nghĩa lãng mạn, lưu phái văn chương sáng tác theo phương pháp của chủ nghĩa hiện thực phê phán, lưu phái văn chương mang tính chất manh nha của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong đó, phong trào Thơ mới thuộc vào lưu phái văn chương sáng tác theo phương pháp chủ nghĩa lãng mạn. Các thế hệ nhà thơ từ: Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Huy Thông… đến Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… đã có công trong việc tạo nên “hình hài” và “tầm vóc” cho phong trào Thơ mới. Để từ đó, Thơ mới trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ mới là trào lưu thi ca công khai phát triển trên văn đàn những năm 19321945. Thơ mới ra đời khi xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa… Do vậy, Thơ mới không xuất hiện trong sự êm đềm, bằng lặng, thuần nhất mà đã có những bước thăng trầm trên con đường “đi tìm cái Tôi” của nó. Thời kì 1932- 1935, Thơ mới ra đời và chiến thắng. Với bài thơ Tình già, Phan Khôi đã trở thành người tiên phong mở đường cho sự ra đời của Thơ mới. “Hồi bấy giờ, Phụ nữ tân văn đương thời kì cực thịnh. Những lời nói của ông Phan được truyền đi khắp nơi. Cái bài thơ Tình già ông dẫn ra làm ví dụ, không rõ được ai thích không, nhưng một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo giấu giếm của mình đã được bực đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận. [21, 3] Rõ ràng, với bài thơ này, ông Phan Khôi đã mở ra một chân trời cho Thơ mới. Ở đó, con người ta có thể bài tỏ cả “cái táo bạo giấu giếm của mình”- tức những cái hết sức riêng tư, thầm kín mà trước đây, người ta không dám nói đến cũng không được nói đến. Chính vì những điều mới mẽ như vậy, nên sau một thời gian đấu tranh giữa Thơ mới và Thơ cũ, bước sang những năm 1936, sự toàn thắng của Thơ mới đã hiện rõ. Từ những năm 1936- 1940, Thơ mới phát triển đến đỉnh cao và bắt đầu có dấu hiệu khủng hoảng. Ở giai đoạn này, trên thi đàn Thơ mới xuất hiện nhiều hồn thơ mới: 12 Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Anh Thơ… Họ góp phần đem đến cho thơ ca Việt Nam một hương sắc mới mẽ, lạ lẫm. Trong đó, Xuân Diệu được xem là “Nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới”. Ông gắn bó thiết tha với cuộc sống, cuộc đời. Chính những khát vọng mãnh liệt với đời, giao cảm với đời là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn trong thơ Xuân Diệu. Và có lẽ đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để khẳng định: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới”. Không chỉ có Xuân Diệu mà Huy Cận cũng có những đóng gióp to lớn góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú cho phong trào Thơ mới. Trước cách mạng tháng Tám- 1945, ông là nhà thơ mang nặng nỗi đau đời. Huy Cận đã từng tuyên bố thoát li cuộc sống và tôn thờ quan niệm “Dĩ bi vi mĩ”. Tuy nhiên, nỗi buồn trong thơ ông không quá não nùng, bi thiết nhưng cũng không gào thét, dữ dội mà đằm sâu, lặng lẽ. Bên cạnh hồn thơ Xuân Diệu, Huy cận thì Chế Lan Viên cũng góp cho Thơ mới những vần thơ thật mới lạ, độc đáo. Buổi đầu đến với thơ, ông đã sáng tạo ra tập thơ Điêu tàn mà theo Hoài Thanh thì nó “đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” [200, 3]. Khi tìm hiểu những giá trị trong thơ của Chế Lan Viên ở gia đoạn này, một trong những điều khiến ta phải suy ngẫm đó là thế giới kinh dị, siêu hình, là nỗi đau đời được tạo nên từ một tâm hồn đang trỗi dậy bao điều suy nghĩ, bao nỗi xót xa về cuộc đời, cuộc sống hiện tại. Hoài Thanh đã từng nhận xét về thời kì này của Thơ mới như sau: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng, ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta. Thực chưa bao giờ văn học Việt Nam buồn nhất là xôn xao đến thế” [ tr.47, 3] Ở giai đoạn văn học trung đại, người ta chỉ sống với tư cách con người công dân. Đi liền với đó là ý thức tập thể, ý thức cộng đồng. Và từ đó, ý thức cá nhân bị đè nén lại, bị gạt đi. Giờ đây “phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta” [47, 3]. Trong thơ ca, nhất là Thơ mới, con người gần như đã được giải phóng hoàn toàn. Họ tự do và thoải mái bày tỏ lòng mình, bày tỏ mọi cung bậc tình cảm thầm kín mà từ lâu phải kìm chế, 13 phải đè nén. Cái Tôi của thời kì này được biểu hiện một cách mạnh dạn hơn, phong phú, sâu sắc và trọn vẹn hơn những thời kì trước đó. Bằng những dòng thơ nồng nàn, rạo rực, các nhà thơ đã mở toang cánh cửa tâm hồn mà đón nhận tình yêu với tất cả sự đắm say, nồng cháy. Nhưng đôi Khi, cái Tôi ở giai đoạn này lại là nỗi buồn- một nỗi buồn thăm thẳm, đằm sâu như trong thơ Huy Cận. Đó không phải là hiện tượng đơn lẻ trong Thơ mới mà là nỗi buồn chung của thời đại, là nỗi buồn của lớp tri thức tiểu tư sản đang bất lực, tuyệt vọng trước hiện thực xã hội đầy rẫy những bất công. Ngoài ra, cái Tôi trong Thơ mới còn được biểu hiện ở những phương diện khác. Trong thơ Hàn Mặc Tử ta bắt gặp một tâm hồn đau đớn, quằn quại. Dù trong cơn bạo bệnh nhưng vẫn không dập tắt được ngọn lửa khao khát, thiết tha với cuộc sống, được giao cảm với cuộc đời của hàn Mặc Tử. Nhìn chung, trong thời kì này, Thơ mới phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Sau năm 1940, trước tình hình xã hội rối ren, xô bồ Thơ mới rơi vào tình trạng suy thoái và khủng hoảng. Sống trong không khí ngột ngạt, các nhà Thơ mới dường như rơi vào bế tắc. Để chống lại, họ đã thoát li cuộc sống và làm thơ thoát li theo nhiều hướng khác nhau. Vũ Hoàng Chương thoát li cuộc sống bằng cách trốn vào những cơn say, say liên tục, say triền miên; Xuân Diệu thoát li vào những cuộc tình lãng mạn, đắm say; Thế Lữ thoát lên tiên; Huy Cận tìm đến với vũ trụ bao la; Và Chế Lan Viên thì đi ngược dòng thời gian để tìm về với quá khứ của dân tộc chăm Pa… Mỗi người một cách nhưng cuối cùng, tất cả họ vẫn rơi vào ngõ cụt tối om. Nói tóm lại, cái Tôi trong phong trào Thơ mới tuy còn chịu nhiều ràng buộc, hạn chế về tư tưởng, nhưng thật sự nó đã đem đến cho thơ ca Việt Nam nhiều giá trị sáng tạo mới. Và ở đó, dấu ấn cá nhân in đậm trong từng phong cách, nhưng nó vẫn nằm trong quỹ đạo chung của những tâm hồn thơ chân thực, biết trăn trở tìm lẽ sống và cố giữ lại một nhân cách sống trong sạch cho đời, cho thơ. 1.2 Mấy nét về tiểu sử của Chế Lan Viên Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, bút danh khác là Thạch Hãn, Mai Lỉnh, Chàng Văn. Quên quán: ở Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị. Thời trai trẻ chủ yếu sống ở Quy Nhơn- Bình Định. Có thể xem đây là quê hương thứ hai của ông. Trước cách mạng tháng Tám- 1945, Chế Lan Viên ra học tại Hà Nội, rồi vào Sài Gòn làm báo, được một thời gian, ông ra Thanh Hóa rồi về Huế dạy học. 14 Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chế Lan Viên đến với cách mạng bằng sự hăng hái, nhiệt tình của tuổi trẻ. Ông làm biên tập cho báo Quyết thắng của Mặt trận Việt Minh, báo Cứu quốc, Kháng chiến của liên khu IV. Năm 1949, Chế Lan Viên được kết nạp Đảng. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập báo Văn học. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học. Từ năm 1963, ông là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, ủy ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Từ sau năm 1975, ông chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh và qua đời tại đó vào ngày 19.6.1989. Ông để lại cho nền văn học dân tộc một khối lượng tác phẩm đồ sộ. 1.3 Sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên 1.3.1 Trước cách mạng tháng Tám - Thơ: Điêu tàn (1937) - Văn xuôi : Vàng sao (1942) 1.3.2 Sau cách mạng tháng Tám - Thơ: Gửi các anh (1955), Ánh sáng và phù sa (1960), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Ngày vĩ đại (1975), Hoa thường ngày, Chim báo bão (1976), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Ta gửi cho mình (1986), Di cảo thơ I (1992), Di cảo thơ II (1993), Di cảo thơ III (1996). - Văn xuôi, tiểu luận, phê bình: Thăm Trung Quốc (1963), Nói chuyện thơ văn (1960), Phê bình văn học (1962), Vào nghề (1962), Những ngày nổi giận (1966), Suy nghĩ và bình luận (1971), Bay theo đường dân tộc đang bay (1977), Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân (1981), Nghĩ cạnh dòng thơ (1982), Ngoại vi thơ (1987) Nếu trước cách mạng tháng tám- 1945, Chế Lan Viên vì cứ triền miên trong nỗi đau chung của thời đại, của dân tộc nên nhìn chung, tiếng thơ của ông chỉ mang một cái Tôi bế tắc, cô đơn, buồn đau và nuối tiếc. Tất cả đều được tô đậm, khắt sâu bằng những thủ pháp nghệ thuật siêu thực. Cuộc cách mạng tháng Tám- 1945 đã tạo nên sự 15 chuyển biến to lớn trong tư tưởng, tình cảm của Chế Lan Viên. Ánh sáng cách mạng đã làm thay đổi ngòi bút của ông. Cái Tôi ngày trước giờ đây đã hòa vào cái Ta chung của toàn dân tộc. Hồn thơ của Chế Lan Viên đã đập chung nhịp đập với toàn bộ dân tộc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. 1.4 Những biểu hiện trong thơ Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám1945 1.4.1 Thơ mang tâm trạng u buồn, chán chường. Khoảng những năm 1935, lúc Thơ mới đang phát triển, trong khi Lưu Trọng Lư viết về những nỗi sầu muộn, Xuân Diệu viết về tình yêu, Huy Cận viết về vũ trụ… thì Chế Lan Viên– một cậu học sinh mới mười bảy tuổi cho ra đời tập thơ Điêu tàn. Hoài Thanh đã tững nhận xét: “Quyển Điêu tàn đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” [197, 3]. Ngoài quyển Điêu tàn, Chế Lan Viên còn có tập thơ Sau điêu tàn (1937- 1945). Những bài thơ trong tập thơ Sau điêu tàn mang nội dung kín đáo, nhẹ nhàng, sâu lắng hơn. Tuy nhiên dù là bài thơ nào đi nữa thì âm hưởng chung của các bài thơ này vẫn là nỗi buồn. Không phải đến giai đoạn 1932- 1945, nỗi buồn mới xuất hiện trong văn học Việt Nam, mà nó đã xuất hiện trước đó- từ giai đoạn văn học trung đại. Nhưng đến giai đoạn này, nỗi buồn trong Thơ mới không còn được nói chung chung như trước nữa mà nó đã mang màu sắc của cái Tôi rõ nét. Nỗi buồn này xuất phát chủ yếu từ nỗi đau nhân thế và nỗi đau thời đại, nhưng day dứt, ám ảnh nhất có lẽ là nỗi đau thời đại. Dường như đứng trước nỗi đau mất nước mà đành bất lực, nên trong tập thơ Điêu tàn và cả những bài thơ làm trước cách mạng tháng Tám1945, cái Tôi trong thơ Chế Lan Viên thường là buồn bã, chán chường. Năm 1937, tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên ra đời đã gây nên sự chú ý của nhiều người yêu thơ. Nó có âm hưởng trầm buồn, có nhiều hình ảnh lạ: tháp cổ, nấm mồ, một chiếc bành voi, bóng một người Chiêm nữ, âm ti, sọ người, xương kho, máu thịt, trăng sao… Trong Điêu tàn Chế Lan Viên không chỉ khóc than nức nở, rền rỉ, tiếc thương cho dân tộc Chiêm Thành đã rơi vào bước đường suy vong, mà còn để nói lên tâm trạng đau đớn của dân tộc Việt Nam đang trong vòng nô lệ của thực dân Pháp: Ai biết hồn tôi say mộng ảo Ý thu góp lại cảm tình xuân? Có một người nghèo không biết Tết Mang lì chếc áo độ thu tàn 16 (Xuân ) Sau hai lần khai thác thuộc địa, Pháp đã làm đất nước ta thêm tiêu điều, người dân phải sống cuộc đời nghèo khổ, cơ cực, lầm than. Mùa xuân về, với cảnh nghèo khó, họ không biết gì là Tết. Chính Chế Lan Viên đã từng nói “Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu?” (Lời tựa của Điêu tàn). Ông đã gửi gắm tâm sự yêu nước của mình qua những trang thơ viết về dân tộc Chăm Pa- một dân tộc đã bị tiêu diệt từ lâu. Những chất chứa đau thương trong thơ như bị dồn nén tự lâu, giờ đây được biểu hiện qua những suy tưởng sâu sắc. Tình cảm yêu nước bộc kín đáo mà tha thiết đúng như lời Tố Hữu nhận xét: “Chế Lan Viên thì gợi nên nỗi hoài vọng của ân tộc Chàm ngày xưa theo cách của anh, đó cũng là một lời ca yêu nước, bởi anh khóc số phận của những dân tộc bị đô hộ” [17, 1]. Chế Lan Viên đã ý thức được điều này. Về sau, trong bài Ngoảnh lại mười lăm năm ông viết: Tôi nhìn ra tha ma Hay quay vào trang sách Ôi! dân Chàm nước mất Kiếp dân mình đâu xa (Ngoảnh lại mười lăm năm) Như vậy, cái điêu tàn của dân tộc Chiêm Thành chỉ là một cái cớ vô cùng hợp lí để Chế Lan Viên khóc than, thương xót cho dân tộc Việt Nam đang trong vòng kìm kẹp của thực dân Pháp. Trước cách mạng tháng Tám- 1945, “trong tập Lửa thiêng của Huy Cận, tần số xuất hiện của những chữ mang tính chất sầu rất lớn, còn trong tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên, tần số xuất hiện của những chữ mang tính chất chán rất lớn” [1063, 2]. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Hoài Anh lại khẳng định như vậy. Trong bài thơ Ngậm ngùi, Huy Cận viết: Ngủ đi em, mộng bình thường! Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ Cây dài bóng xế ngẩn ngơ Hồn em đã chín mấy mùa thương đau Tay anh em hãy tựa đầu Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi… (Ngậm ngùi) 17 Mặc dù viết về tình yêu nhưng âm hưởng chung của bài thơ vẫn là nỗi buồn, và nỗi buồn dâng cao thành nỗi sầu. Nỗi sầu trong lòng nhà thơ cứ tụ lại, kết tinh lại thành “trái sầu”. Nỗi sầu giờ đây không trừu tượng nữa mà nó đã ngưng đọng thành “trái”, có hình dáng và có cả trọng lượng… và cuối cùng đã chín mùi. Từ một nỗi sầu vô hình giờ đây kết tinh lại thành trái chín phải trải qua một thời gian dài. Có lẽ, tâm trạng của thi sĩ cũng đã chất chứa rất nhiều nỗi buồn và phải chịu đựng nó trong thời gian dài mà chưa thể trút bỏ. Còn trong thơ mình, Chế Lan Viên viết: Trời hỡi trời! hôm nay ta chán hết Những sắc màu, hình ảnh của trần gian (Tạo lập) Cuộc sống trần gian với những sắc màu, hình ảnh… hôm nay tất cả đối với tác giả đều không còn ý nghĩa. Một tiếng kêu “trời” cùng sau đó là một lời than trách, và ẩn sau cùng là tâm trạng chán chường, tuyệt vọng. Ông dường như đã mất niềm tin vào cuộc sống này. Có lẽ vì thế mà có lần Chế Lan Viên đã muốn: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh Một vì sao trơ trọi cuối trời xa! Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh Bao ưu phiền đau khổ với buồn lo (Những sợi tơ lòng) Lẽ nào “một tinh cầu giá lạnh”, “một vì sao trơ trọi cuối trời xa” lại “dễ sống” hơn chốn trần gian này! Có lẽ vậy! Vì trần gian trong cái nhìn của các nhà Thơ mới giờ đây không còn sinh thú mà chỉ có ưu phiền, đau khổ, buồn lo. Trần gian là biểu tượng của hiên tại, vậy mà họ muốn thoát li. Cõi tiên, địa ngục… đều là cõi hư vô, cõi siêu hình, vậy mà họ lại muốn tìm đến: Hỡi thượng đế! tôi cúi đầu trả lại Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái! Nhận tôi đi, dầu địa ngục thiên đường (Lửa thiêng) Tuy nhiên, các nhà Thơ mới nói chung và Chế Lan Viên nói riêng tuy “quay mặt” với cuộc đời nhưng họ không “quay lòng”. Những lúc họ chán nản với cuộc đời cũng là lúc họ khao khát, tha thiết được gắn với cuộc đời nhất. Bằng chứng là khi cách 18 mạng tháng Tám- 1945 thành công, họ đã có những vần thơ đầy sức sống, đầy những khát vọng và niềm tin lẫn niềm vui. Huy Cận có tác phẩm Trời mỗi ngày lại sáng. Chế Lan Viên có tập thơ Ánh sáng và phù sa. Bầu trời này chính là tư tưởng của tác giả. Ánh sáng chính là ánh sáng của chân lí, và phù sa là nguồn dinh dưỡng nuôi sự sống, hồi sinh lại bao cuộc đời, làm sống dậy bao ước mơ và khát vọng. 1.4.2 Thơ giàu chất suy tưởng, giàu tính triết lí Bên cạnh những dòng thơ mang tâm trạng u buồn, chán nản, thơ Chế Lan Viên còn mang đậm chất triết lí, suy tư. Nó làm nên phong cách riêng của ông. Nhà thơ đã khái quát được nhiều vấn đề trong cuộc sống, và đưa nó vào thơ mình. Không chỉ có trong tập thơ Điêu tàn nói riêng hay những bài thơ trước cách mạng tháng Tám- 1945 nói chung, mà càng về sau, vấn đề này vẫn luôn luôn có mặt và liên tục được bổ sung ngày một phong phú. Tính triết lí vốn là một đặc điểm quan trọng trong thơ ca từ xưa đến nay. Từ thơ Đường, thơ Thiền Lí- Trần, thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều mang đậm tính triết lí và tính khái quát. Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu: Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử Hết cơm, hết rượu hết ông tôi (Thói đời) Ở đây, nhà thơ đang muốn đề cập một sự thật phũ phàng của cuộc đời: đó là sự vong ân, bạc nghĩa, sự hám lợi, giả trá… của nhân tình, thế thái. Và sự thật này quá phổ biến… đến nỗi nó trở thành một qui luật, thành thói đời. Đến thời hiện đại, nếu xem xét kĩ thì hầu như mọi nhà thơ đều có những câu thơ mang tính triết lí, dù nhiều hoặc ít. Nhưng khái quát vấn đề bằng triết lí một cách thường xuyên, có hệ thống và dần dần trở thành một nét phong cách riêng thì phải kể đến Chế Lan Viên. Ở Chế Lan Viên, bên cạnh một số những triết lí về những quy luật phổ biến, mang tính tất yếu, còn có dạng triết lí là sự khám phá từ chiều sâu đối lập của sự vật, từ sự thống nhất trong các mặt đối lập một cách bất ngờ. Như trong bài Bóng tối, Chế Lan Viên viết: Ngày mai đây muôn loài rồi tan rã 19 Vũ trụ kia rồi biến ra hư không (Bóng tối) Hoặc: Ngày phải tàn, ánh dương rồi phải tắt (Thời oanh liệt) Đây là một quy luật tất yếu, rất hiển nhiên của cuộc đời. Mọi thứ trên đời, có sinh thì có diệt. Đây là cách ông triết lí dựa vào những qui luật có sẵn. Bên cạnh đó, ông còn khám phá chiều sâu của sự vật bằng cách đặt những sự vật đối lập gần nhau: Vì u buồn là những đóa hoa tươi Và đau khổ là chiến công rực rỡ (Đừng quên lãng) Chế Lan Viên sáng tác dựa vào phương pháp sáng tác lãng mạn. Và câu triết lí này có lẽ cũng chịu ảnh hưởng từ đây. Ở đây, nhà thơ đã xác định rằng “u buồn” là “những đóa hoa tươi”. Ông xem cái đẹp phải là cái buồn, và càng u buồn sẽ càng đẹp, càng tươi. Tương tự như vậy, Chế Lan Viên cho rằng “chiến công rực rỡ” của con người chính là kết quả của những “đau khổ”, và càng chịu nhiều đau khổ thì chiến công lập được càng rực rỡ, càng oanh liệt. Huy Cận cũng có quan niệm gần giống như vậy của Chế Lan Viên , tức là “dĩ bi vi mĩ”, nghĩa là xem cái buồn làm cái đẹp. Cái đẹp thường là những cái xa vời mà con người luôn luôn đi tìm nó, mong muốn được hướng tới nhưng thường không bao giờ nắm bắt được. Vì vậy, nó thường tạo ra cảm giác buồn buồn, nhất là trong Thơ mới. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh của các nhà Thơ mới. Nó giải thích vì sao trong thơ của Chế Lan Viên và của nhiều nhà thơ trong phong trào Thơ mới đều mang âm hưởng u sầu, trầm buồn. Ai cũng thiết tha với cái đẹp của cuộc sống, mong muốn được giao cảm, gắn bó với cuộc đời. Nhưng thực tại xã hội Việt Nam lúc bấy giờ không làm cho họ được toại nguyện. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra nỗi buồn vời vợi, sâu thẳm và xuyên suốt trong Thơ mới. Tuy nhiên, với hình thức triết lí như vậy, ông viết: Sống!sống!sống! tôi chết đi vì sống (Sôi nổi) Câu thơ như một lời tự thúc giục bản thân của chính tác giả. Ngay cả nhan đề bài thơ đã thể hiện cái khí thế đó. Đó là khí thế quyết tâm, sôi nổi, hào hứng thực hiện công việc của một kiếp người là sống, và sống tốt. Chết tức là lúc bị hủy diệt, sống tức 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan