Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại của hồn thơ hồ chí minh...

Tài liệu Màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại của hồn thơ hồ chí minh

.DOC
55
3061
100

Mô tả:

Màu sắc cổ điển và tinh thần thời đại của hồn thơ Hồ Chí Minh Nhận định về tập thơ ''Nhật ký trong tù'' của Chủ Tịch Hồ Chí Minh có ý kiến cho rằng : "Căn cứ vào những bài hay và tiêu biểu của tập thơ ,người ta thấy màu sắc đậm đà nhất của hồn thơ Hồ Chí Minh là màu sắc cổ diển …Nhưng cổ diển mà vẫn thể hiện tinh thần thời đại." Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên ? Chọn và phân tích một số bài thơ tiêu biểu để làm rõ ý kiến ấy . HƯỚNG DẪN LÀM BÀI A-Yêu cầu chung: 1/Về kiến thức: Hiểu được các khái niệm "Màu sắc cổ điển " và " Tinh thần thời đại" và những biểu hiện cụ thể của "Màu sắc cổ điển" và "Tinh thần thời đại " trong thơ Bác nói chung và tập thơ "Nhật ký trong tù " nói riêng. Đồng thời qua đó biết phát biểu những suy nghĩ đúng đắn và sâu sắc về vai trò của "Màu sắc cổ điển " và "Tinh thần thời đại "trong việc đem lại giá trị tư tưởng và nghệ thuật cho tập thơ "Nhật ký trong tù " và góp phần làm nên nét đặc trưng tiêu biểu của phong cách thơ Hồ Chí Minh. 2/ Về kỹ năng: – Nắm vững kỷ năng, phương pháp làm một bài văn NLVH, vận dụng thành thạo 3 thao tác giải thích, bình luận, chứng minh trong đó bình luận và chứng minh chiếm phần quan trọng trong bài làm. -Biết lựa chọn, phân tích những bài thơ hay và tiêu biểu trong tập thơ "Nhật ký trong tù " B- Yêu cầu cụ thể : I) Trình bày suy nghĩ: HS có thể nêu nhiều ý khác nhau nhưng phải gắn với nội dung đề bài, khẳng định sự đúng đắn của ý kiến được nêu trong đề bài và bàn luận, mở rộng ý kiến đó. 1-"Nhật ký trong tù " là một tập thơ có nhiều tính chất đặc biệt : ra đời trong hoàn cảnh lao tù, nơi hiện thân của tội ác. Người làm thơ là một chiến sĩ CM đang sống trong cảnh tù tội, làm thơ để" ngâm ngợi cho khuây". Hơn nữa tập thơ lại được viết dưới dạng "nhật ký". Vì vậy, nhân vật trữ tình hiện lên trong tập thơ rất tự nhiên, chân thật, sinh động. Có thể xem "Nhật ký trong tù " là Bức chân dung tinh thần tự hoạ của Hồ Chí Minh. 2-Màu sắc đậm đà nhất của hồn thơ HCM là màu sắc cổ điển. -"Màu sắc cổ điển" trong thơ chính là nói đến những yếu tố về nội dung và thi pháp chịu ảnh hưởng của thơ ca cổ điển phương Đông về đề tài, thể thơ ,bút pháp , thi liệu ,cảm xúc … – Bac là một người phương Đông, xuất thân trong một gia đình Nho học, bản thân đã từng học chữ Nho, đọc nhiều thơ Đường ,thơ Tống … Vì thế chất Á Đông ăn sâu trong máu thịt của Người. – Bác rất yêu thiên nhiên, lại có tâm hồn thi sĩ .Điều này giải thích vì sao trong thơ của mình Bác luôn dành cho thiên nhiên một vị trí đáng kể. – Trong tập thơ "Nhật ký trong tù "căn cứ vào những bài thơ hay và tiêu biểu , ta thấy" màu sắc cổ điển " được thể hiện một cách phong phú và tinh tế , tạo thành một nét đăc trưng tiêu biểu trong phong cách thơ trữ tình HCM: giàu tình cảm đối với thiên nhiên, bút pháp chấm phá như muốn ghi lấy linh hồn của tạo vật, sử dụng những chi tiết mang tính ước lệ quen thuộc, hình tượng nhân vật trữ tình ung dung, nhàn tãn tâm hồn hoà hợp với thiên nhiên, vũ trụ. Hồn thơ ấy tự tìm đến hình thức ưa thích và phù hợp nhất : thơ chữ Hán, thể thơ tứ tuyệt cổ điển. 3– Nhưng cổ điển mà vẫn thể hiện tinh thần thời đại. – Cần khẳng định rằng sự nghiệp của Bác không phải là sự nghiệp thơ ca mà sự nghiệp Cách mạng. Bác đã sống và chiến đấu trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đó. -Bác viết văn, làm thơ bao giờ cũng gắn liền với sứ mệnh góp phần cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người đã từng quan niệm rằng " Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong. " – Bởi vậy trong sáng tác của Bác nói chung và tập thơ "Nhật ký trong tù " nói riêng " tinh thần thời đại " được thể hiện khá rõ nét : Hình tượng thơ luôn vận động một cách tự nhiên, khoẻ khoắn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Trong mối quan hệ với thiên nhiên, vũ trụ con người bao giờ cũng đứng ở vị trí chủ thể, nhân vật trữ tình không phải là ẩn sĩ mà là một chiến sĩ tràn đầy niềm tin, tinh thần lạc quan vào cuộc sống, dù trong hoàn cảnh nào vẫn tỏ rõ một bản lĩnh kiên cường, một ý chí sắt đá. II) Chứng minh : chọn và phân tích những bài thơ hay, tiêu biểu trong tập thơ "Nhật ký trong tù " – tham khảo thêm ở đây. Yêu cầu : – Chọn và phân tích ít nhất 03 bài thơ trở lên. – Trong quá trình phân tích mỗi bài thơ HS phải thể hiện năng lực cảm thụ thơ tinh tế, khám phá những điểm nổi bật làm nên "màu sắc cổ điển" và "tinh thần thời đại" trong thơ Bác. III) Đánh giá, mở rộng : -" Màu sắc cổ điển "và "Tinh thần thời đại" góp phần làm nên nét đặc sắc trong bút pháp của thơ Người : tả thực mà trữ tình, hiện thực mà lãng mạn, không mấy khi "nói chuyện thép" "lên giọng thép" mà vẫn thể hiện được "tinh thần thép". Đây chính là giá trị nổi bật làm nên sức sống của tập thơ "Nhật ký trong tù". – Ở Bác luôn có sự kết hợp độc đáo giữa con người chiến sĩ -con người thi sĩ, con người dân tộc -con người thời đại. Đó là tinh hoa, là cốt cách của một con người vĩ đại. Đề bài: Nhật ký trong tù của Bác luôn gắn liền với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm trọng tâm. Em hãy viết bài văn phân tích thiên nhiên trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Bác Hồ là một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc có tâm hồn của một thi sĩ rất mực tài hoa. Vì vậy khi bị bắt vào tù, Người mới có điều kiện mở lòng đón nhận những vẻ đẹp của thiên nhiên. Bởi thế mà trong Nhật ký trong tù bên cạnh những bài thơ thể hiện tinh thần "thép" trực tiếp của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh vĩ đại, còn có những bài viết về thiên nhiên rất đặc sắc. Các nhà thơ cổ điển Trung Quốc cũng như Việt Nam xưa nay vẫn luôn lấy thiên nhiên làm nguồn thi hứng cơ bản của thi ca. Qua những bức tranh phong cảnh, tác giả muốn bộc lộ cảm hứng về đất nước con người, biểu hiện ít nhiều tình cảm chủ quan của người viết. (Một cách tiếp xúc với phong cảnh, một cách nhận thức, một cách nhìn và mối quan hệ giữa tâm hồn con người với cảnh vật). Cho nên đằng sau những bài thơ tả cảnh khách quan, thiên nhiên trong thơ Bác cũng nằm trong quy luật khách quan đó, ta thường bắt gặp một con người. Tuy nhiên đi sâu tìm hiểu, chúng ta thấy thơ Bác vừa có cái chung, vừa có nét riêng đặc sắc. Thiên nhiên trong Nhật ký trong tù rất phong phú, đa dạng, mỗi bài thơ là một bức tranh nên thơ nên hoa, có những cảnh đẹp lộng lẫy thể hiện rõ khát vọng tự do, khát vọng lãng mạn của Bác. Thiên nhiên trong thơ Bác phong phú, đa dạng, đẹp đẽ nên thơ. Trong số một trăm ba mươi bài thơ của Nhật ký trong tù đã có trên dưới vài chục bài thơ tả cảnh. Ngay ở những bài thơ, Bác không chú tâm tả cảnh, ta vẫn bắt gặp rất nhiều hình ảnh thiên nhiên. Nhìn chung hình ảnh thiên nhiên trong thơ Bác có nội dung phong phú và có sự biểu hiện đa dạng, sinh động, đẹp đẽ và hấp dẫn. Bác Hồ chiêm ngưỡng thiên nhiên trong mọi thời khắc, có cảnh nắng, cảnh mưa cảnh sớm, cảnh trưa, cảnh chiều, cảnh tối. Có những cảnh mang vẻ đẹp lộng lẫy "Sông núi muôn trùng trải gấm phơi", có những cảnh mang vẻ đẹp bình dị, kín đáo thơ mộng. Đó là cảnh hoàng hôn với những âm thanh quen thuộc và cổ kính đầy gợi cảm: Chùa xa chuông giục người nhanh bước Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay. (Những câu thơ phảng phất giọng thơ Bà Huyện Thanh Quan) Cảnh thiên nhiên trong bài Mới ra tù, tập leo núi cũng thật đẹp nên thơ, vừa hùng vĩ, vừa êm ả sáng trong. "Núi ấp ôm mây, mây ấp núi". Không thể nào phân tích hết những câu thơ thể hiện cái đẹp tinh tế của thiên nhiên trong Nhật ký trong tù. Như vậy, nét đặc sắc dễ thấy về hình ảnh thiên nhiên trong thơ Bác là ngay trong chốn đọa đày, tù tội, xiềng xích, đói rét, ốm đau, đâu phải là hoàn cảnh thuận tiện cho cảm hứng thiên nhiên nảy sinh. Ấy vậy mà độc giả chúng ta vẫn được thưởng thức biết bao hình ảnh thiên nhiên nên thơ, nên họa, được Bác viết bằng một cảm hứng say đắm, dạt dào. Bởi lẽ: Nói đến thiên nhiên là nói đến khát vọng tự do, khát vọng lãng mạn. Những bài thơ nói về thiên nhiên của Bác là biểu thị một thái độ muốn vượt lên trên cái hiện thực bị giam cầm tù đày, đau khổ: Mặc dù bị trói chân tay Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng Vui say ai cấm ta đừng Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo, Khắp rừng hương ngát với chim kêu; Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được, Cỏ quanh đường xa, vợi ít nhiều Với quan niệm đó, tâm hồn Bác thường hướng đến những hình tượng thiên nhiên đẹp như tiếng chim hót, bông hoa ngát hương và đặc biệt có ý nghĩa là hình tượng vầng trăng và mặt trời. Trước hết là hình ảnh vầng trăng. Xưa nay, trăng thường tượng trưng cho ước mơ, niềm vui, hạnh phúc thanh bình, cho khát vọng tự do. Vì thế "Thơ Bác đầy tráng” (Hoài Thanh). Ở trong từ "không được tự do thưởng nguyệt", thì Bác đã để cho tâm hồn mình "bay theo vời vợi mảnh trăng thu" (Trung thu). Sống trong cảnh chân bị cùm, tay bị xích, nhưng Bác vẫn hiện lên trong tư thế của một thi nhân. Bài Ngắm trăng đã diễn tả khá chân thực và cảm động điều đó. Hiện thực nhà tù khô khan; không rượu cũng không hoa vẫn không thể ngăn cản nổi tâm hồn xốn xang dạt dào cảm xúc của Bác khi vầng trăng đẹp xuất hiện. Trong tù không rượu cũng không hoa Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ Và thế là bất chấp song sắt nhà tù tàn bạo, Người đã hướng tới vầng trăng trong một niềm cảm thông kỳ lạ. Người ngắm trăng soi… Trăng nhòm khe cửa… Qua hình ảnh thơ, chúng ta không còn thấy nhà tù đâu nữa mà chi thấy nổi bật lên trên trang thơ là hình ảnh một vầng trăng lung linh tỏa sáng và một thi nhân ung dung thư thái với tâm hồn đắm say với trăng. Đằng sau cái phong thái ngắm trăng ung dung ấy là cả một bản lĩnh thép phi thường của Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là một sự tự vượt ngục về tinh thần Thật kỳ diệu của người chiến sĩ cộng sản kiên cường". Thơ của Bác không chỉ là thơ của một thi sĩ tài hoa mà còn là thơ của một chiến sĩ cách mạng nắm vững quy luật vận động của cuộc sống, lịch sử. Vì vậy, cùng với hình ảnh vầng trăng, thơ Bác cũng rất nhiều hình ảnh mặt trời (Mặt trời luôn luôn ửng đỏ trong thơ Bác xua tan bóng tối âm u, đưa lại một bình minh tươi sáng). Bởi mặt trời là nguồn sinh khí trong cảnh tù đày, tăm tối, mặt trời cùng tượng trưng cho tương lai tươi dẹp của cách mạng và cuộc đời chung: Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc Đầu non sớm sớm vầng dương mọc Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng "Trời hửng" là một bức tranh thiên nhiên sinh động, dưới ánh nắng, đất trời hiện lên như một "bức thảm thêu bằng chữ bạc chữ vàng trên nền gấm đỏ" – Đặng Thai Mai. Đó là thiên nhiên được cảm nhận bởi một trái tim phơi phới lạc quan. Có thể nói chưa bao giờ có nhiều hình ảnh bình minh như trong Nhật ký trong tù, cảnh nào cũng rực rỡ tràn ngập ánh sáng và sức sống, được tả bằng một ngòi bút khoáng đạt hào hùng và mãnh liệt. Giữa đêm đen của ngục tối Hồ Chí Minh nhận ra ánh sáng bình minh bừng lên phía chân trời: Trong ngục giờ đây còn tối mịt Ánh hồng trước mặt đã bừng soi Đó là cảnh bình minh của đất trời, nhưng cùng là biểu tượng bình minh của thời đại. Những điều đã trình bày trên cho thấy Bác Hồ thực sự có một tâm hồn nghệ sĩ rất nhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiên, và tâm hồn Người đang mở ra với thiên nhiên. Đã thế ngòi bút của Bác lại tài hoa tinh tế nên mới có thể viết nên được những câu thơ vừa giản dị vừa đầy thiên nhiên như vậy. Trong thơ Bác, con người gắn bó hài hòa với thiên nhiên, là tri âm tri kỷ của nhau. Trăng đối với Bác như người bạn đã dành cả đến những cánh hoa hồng kia nữa cũng như thấu hiểu lòng nhà thơ nên đã nhờ làn hương của mình bay vào nhà giam để chia sẻ nỗi niềm với người tù bằng một mối cảm thông sâu sắc đến kỳ lạ (Vãn cảnh). Có khi thiên nhiên đã trở thành nơi bộc lộ tâm tình của thi nhân: "Vân ủng trùng sơn., như trần” mây núi hòa quyện vào nhau phải chăng còn nói tình cảm thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa bạn bè, đồng chí? Và lòng sống sạch như gương ấy chính là tấm lòng trong trẻo không chút bụi nào làm đục được của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc? Cổ điển và hiện đại vốn là nét phong cách nổi bật trong thơ trữ tình của Bác. Nét phong cách ấy được thể hiện đầy đủ nhất trong đề tài thiên nhiên. Màu sắc cổ điển trong thơ thường được biểu hiện ở việc hay tìm cảm hứng về thiên nhiên, nhất là trăng, thường viết về đề tài "đăng sơn ức hữu". Điểm nhìn trong thơ thường từ chỗ cao, xa, bao quát cả không gian cao rộng, trời mây non nước. Bút pháp cổ điển không tả kỹ chỉ phác họa một vài nét nhằm làm nổi bật lên cái hồn của cảnh. Và nhân vật trữ tình trong thơ thường hiện lên với phong thái ung dung nhàn tản giữa cảnh non nước bao la như một nhà hiền triết xưa (Bài thơ Ngắm trăng, Mới ra tù, tập leo núi Vọng nguyệt, Chiều tối… của Bác là những bài thơ tiêu biểu nhất cho phương diện này). Thơ Bác rất cổ điển mà cùng rất hiện đại. (Hiện đại vì có nội dung cách mạng, tư thế, cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của người cách mạng trong thời đại mới). Nếu như thiên nhiên trong thơ xưa, con người thường hòa tan hoặc chìm trong cảnh, thì ở thơ Bác, con người là trung tâm, ánh sáng, linh hồn của cảnh. Và cảnh ở đây rất sống động, luôn luôn vận động khỏe khoắn hướng về phía ánh sáng và tương lai, không tĩnh lặng như thơ xưa, vì nó được sức sống con người phả vào, và được nhìn thấy bằng "đôi mắt" lạc quan cách mạng nên rất vui. Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ. Cây cao chim hót rộn cành tươi Người cùng vạn vật đều phơi phới Hết khổ là vui vốn lẽ đời Bồi hồi độc bộ tây phong lĩnh Tìm hiểu những bài thơ viết về thiên nhiên của Bác, chúng ta thấy nhân vật trữ tình không chỉ xuất hiện với tư cách là một thi sĩ mà còn hiện lên với tấm lòng của một nhà nhân đạo luôn yêu-thương, gắn bó, quan tâm đến con người và cuộc sống. Đi qua một vùng được mùa, Bác đã hòa niềm vui với cái vui của nhân dân. Nhưng khi trông thấy nhân dân mất mùa, cánh đồng khô hạn thì Bác đã buồn nỗi buồn của nhân dân. (Từ Long An đến Đồng Chính). Có thể nói ở nhiều bài thơ, cảm quan thiền nhiên của Bác cũng là cảm quan nhân đạo. Thơ của Bác rất lãng mạn mà cũng rất hiện thực. Và Nhật ký trong tù trước hết là một tập thơ ghi lại những sinh hoạt của người tù trong nhiều cảnh ngộ thật cay đắng trớ trêu. Vì thế thiên nhiên không phải bao giờ cũng đẹp đẽ nên thơ, cũng có khi nó trở thành thiên tai đầy đọa hành hạ con người. Lúc này hình ảnh thiên nhiên được mô tả hết sức chân thực. Bác ghi lại nhiều đêm lạnh, không ngủ được khiến cho đêm như dài thêm ra; Hoặc phải chuyển lao trong cảnh "Rát mặt đêm thu trận gió hàn" hoặc "Gió sắc tựa gươm mài đá núi – Rét như dùi nhọn chích cành cây" hay "Đi đường mái biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao trập trùng". Và những hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt ấy chính là những thử thách khốc liệt mà con người phải vượt qua và con người đã chiến thắng: Núi cao lên đến… nước non. Thiên nhiên trong Nhật ký trong tù rất chân thực, đa dạng nhiều màu sắc. Thiên nhiên ở đây đã được nhân hóa tượng trưng hóa để trở thành phương tiện biểu hiện tình cảm phong phú của con người. Tình cảm thiến nhiên của Bác thấm nhuần cảm quan xã hội, khác hẳn với thơ xưa, chỉ nói đến thiên nhiên thuần túy. Đấy chính là nét đặc sắc của thơ Bác nói chung, thơ thiên nhiên của Bác nói riêng Đề bài: Phân tích một bài thơ của Bác trong Nhật kí trong tù có tinh thần thép Bài làm Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Ngoài thơ tiếng Việt, Người còn để lại nhiều thơ chữ Hán, tiêu biểu nhất là lập "Nhật kí trong tù" – một tập thơ "trăm bài trăm ý đẹp". Bên cạnh những bài thơ chứa chan tình còn có những bài thơ sáng ngời chất thép. Nói về chất thép trong thơ Hồ Chí Minh, nhà văn Hoài Thanh có viết: "Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép, mới có tinh thần thép". Đó là một nhận xét tinh tế, thú vị. "Nhật kí trong tù" được viết trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ (từ tháng,8-1942 đến tháng 9-1943). Trong bài "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi", Bác nêu quan điểm của mình "Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong". Vậy chất thép trong thơ là gì ? Căn cứ vào nội dung thơ Bác, chúng ta hiểu chất thép chính là tinh thần chiến đấu, là tinh thần lạc quan, tin tưởng, là nghị lực lớn lao của người chiến sĩ trong cảnh tù đày. Có điều là chất thép trong thơ Bác có lúc được biểu hiện một cách trực tiếp, có lúc lại diễn tả một cách gián tiếp. Dù ở dạng thức biểu đạt nào, nhưng cách nổi của Bác đều thâm trầm, bình dị, thấm thía. "Nhật kí trong tù" có một số bài khẳng định dũng khí của người chiến sĩ: "Đề từ", "Bốn tháng rồi", "Nghe tiếng giã gạo"… "Thân thể ở trong lao thần ngoài lao Muốn nên sự nghiệp lớn Tinh thần càng phải cao". (Đề từ) hoặc: "Kiên trì và nhẫn nại Không chịu lùi một phân Vật chất tuy đau khổ Không nao núng tinh thần" ( "Bốn tháng rồi”) Không cao đàm khoát luận. Là trang nhật kí, viết để đối thoại với mình, vần như mang tính "hướng nội", lòng tự nhủ lòng, tự an ủi động viên mình trong những tháng ngày "ác mộng’". "Tinh thần ở ngoài lao" "kiên trì và nhẫn nại", "không chịu lùi…", "không nao núng…", là chất thép, là ý chí kiên cường, là tinh thần bất khuất của người chiến sĩ vĩ đại. "Nhật kí trong tù" có rất nhiều bài thơ trữ tình không nói đến cách mạng, đến tinh thần chiến đấu, có nghĩa là không hề "nói chuyện thép" và "lên giọng thép", ấy thế nhưng "chất thép" lại ẩn chứa sau từng vần thơ, từng hình ảnh, từng câu chữ, hay đằng sau những nụ cười hóm hỉnh, hài hước hoặc mỉa mai. Trong tù, chân tay bị cùm trói, muỗi rệp, đói rét, "ghẻ lở mọc đầy thân", mà tù nhân vẫn thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng lọt qua cửa ngục, vẫn làm thơ, và "Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu". Đó là chất thép. Nhìn xiềng xích và dây trói quấn đầy mình lại ví: "Rồng cuốn vòng quanh chân với tay – Trông như quan võ quấn tua vai". Mỗi bước chân đi, tiếng xích sắt kêu loảng xoảng, bất chợt nảy ra so sánh thú vị: "Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung". Cái nhìn ấy, nụ cười hóm hỉnh ấy được hiện ra trong cảnh địa ngục trần gian thì chính đó là chất thép của một con người mà "uy vũ bất năng khuất". Có nhiều bài thơ ghi lại cảnh chuyển lao. Có hành trình "Năm mươi ba cây số một ngày – Áo mũ đầm mưa rách hết giày". Có cảnh bị giải đi "Hôm nay xiềng sắt thay dây trói". Có chặng đường khổ ải: "Gió sắc tựa gươm mài đá núi – Rét như dùi nhọn chích cành cây”. Đó là những gian khổ mà Bác đã nếm trải trên con đường lưu đày. Đó cũng là chất thép. Một nội lực ghê gớm, một bản lĩnh phi thường, một tinh thần bất khuất lạc quan mới có thể làm nên chất thép ấy. Chất thép trong "Nhật kí trong tù" có khi thể hiện trong cách nhìn của Bác đối với thiên nhiên, có lúc là niềm khoái cảm mà người tù cảm nhận được trong khoảnh khắc "tự do". Một tâm hồn chan hòa với thiên nhiên, luôn luôn làm chủ hoàn cảnh. Phong thái của người tù là cốt cách của một tao nhân mặc khách ung dung, tự tại: "Mặc dù bị trói chân tay, Chim cu rộn núi, hương bay ngát rừng. Vui say ai cấm ta đừng, Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu". (Đi đường) Thật là rõ ràng, bài thơ "Đi đường" không hề nói chuyện thép, "lên giọng thép" nhưng nó vẫn sáng ngời chất thép. Một làn gió mát, một mùi hương lạ, một tiếng chim rừng, một ánh trăng thu, một tia nắng sớm chiếu vào cửa ngục, một áng mây chiều, một lò than rực hồng nơi xóm núi, tiếng chuông chùa xa, tiếng sáo mục đồng… đều đem đến cho Bác nhiều xúc động. Thiên nhiên trong "Nhật kí trong tù" được Bác nói đến bằng những vần thơ đẹp mang phong vị Đường thi, biểu hiện một cách đa dạng và phong phú chất thép hàm chứa trong thơ. Chất thép ấy làm cho "Nhật kí trong tù" có sự kết hợp hài hòa giữa chất trữu tình và chất thép, giữa màu sắc cổ điển và tính chất hiện đại. Đúng như Hoàng Trung Thông đã viết: "Vần thơ của Bác vần thơ thép Mà vẫn mênh mông bát ngát tình". Bài thơ "Vọng nguyệt" trong "Nhật kí trong tù" theo ý của nhiều độc giả là một trong những bài thơ có "tinh thần thép" mà không hề "nói chuyện thép", "lên giọng thép". Ngắm trăng "Trong tù không rượu cũng không hoa, Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ; Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ". (Nam Trân dịch) Hai câu 1, 2 ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện, vốn là thi sĩ đang sống trong một nghịch cảnh: chân tay bị cùm trói, nằm trong ngục đầy muỗi rệp, bên ngoài cửa ngục là cảnh đêm thu rất đẹp. Người tù lấy làm liếc không có rượu ngon, hoa thơm để ngắm cảnh. Lòng Bác bối rối, xúc động vô cùng. Trăng, hoa, rượu là ba thú vui tao nhã của khách tài tử xưa nay. "Đêm nay" trong tù, Bác thiếu hẳn rượu và hoa để thưởng trăng. Nhưng lòng Bác vẫn dạt dào cảm xúc. Câu thơ nói lên nỗi niềm băn khoăn, bối rối của Bác: "Trong tù không rượu cũng không hoa, Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ". Sự tự ý thức về cảnh ngộ ấy đã làm cho tư thế ngắm trăng của người tù một ý nghĩa sâu sắc hơn các cuộc ngắm trăng, thưởng trăng thường tình. Chẳng phải "Vọng nguyệt hoài viễn" hay "Xuân giang hoa nguyệt dạ". "Đăng sơn vọng nguyệt" v.v… như người xưa. Ở đây qua song sắt nhà tù, Bác ngắm vầng trăng đẹp. Người thả hồn mình theo mảnh trăng thu vời vợi. Ngắm trăng với tất cả tâm hồn và tâm thế "vượt ngục” đích thực. Song sắt nhà tù không thể nào giam hãm được tinh thần người tù có bản lĩnh phi thường như Bác: "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ". Từ chốn tối tăm, chết chóc ngục tù, Bác hướng tới vầng trăng, hướng tới ánh sáng, làm đẹp tâm hồn mình. Song sắt nhà tù không thể nào ngăn cách được người tù và vầng trăng có nét mặt, có ánh mắt, có tâm tư. Cái nhìn của trăng là cái nhìn của tri âm, tri kỉ. Trăng được nhân hóa, từ viễn xứ lọt qua song sắt nhà tù đến thăm nhà thơ: "Nguyệt tòng ếwnỊi khích khán thi ị>ia". Trãng lặng lẽ ngắm nhà thơ mà ái ngại cam động. Cầu trúc câu thơ đăng đối, cân xứng hài hòa diễn tả cảnh "đôắì diện đùm tăm" giữa trăng với nhà ihứ: "Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt Nguyệt tong song khích khan thi gia” Ta thấy: "nhân- nguyệt" rồi lại "nguyệt – thi gia" ở hai đầu câu thơ, còn cái song sắt nhà tù thì chắn lạnh ở giữa. Trăng và tù nhân nhìn nhau, tâm sự với nhau qua cái song sắt nhà ngục. Khoảnh khắc giao cảm giữa thiên nhiên và con người đem đến một sự biến đổi kì diệu: tù nhân trở thành thi gia. Lời thơ đẹp, hồn nhiên, ý vị. Đúng là ý tại ngôn ngoại "Vọng nguyệt" thể hiện một tư thế ngắm trăng rất đẹp và hiếm có xưa nay. Tư thế ấy là phong thái ung dung tự tại, tinh thần lạc quan yêu đời, là tình yêu tự do và yêu thiên nhiên của người chiến sĩ vĩ đại. "Vọng nguyệt" là một trong những bài thơ trăng tuyệt bút của nhà thơ Hồ Chí Minh. Bác không hề "nói đến thép", "lên giọng thép" mà vạn sáng ngời chất thép. Trong cảnh khổ ải tù đày, Bác vẫn thảnh thơi, ung dung ngắm trăng. Đó là nét vẽ làm rõ thêm nhân cách Hồ Chí Minh, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã ca ngợi: "Ngục tối trái tim cùng cháy lửa Xích xiềng không khóa nổi lời ca" Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh Chiều tối chỉ vẻn vẹn bốn câu thơ thất ngôn song đã cho thấy tâm hồn vô cùng cao đẹp và tài năng văn chương của Bác. Sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và hiện đại đã mang đến cho bài thơ một vẻ đẹp vừa truyền thống vừa mới mẻ. Tuy văn chương không phải là sự nghiệp chính của cuộc đời nhưng với di sản thơ ca phong phú để lại cho đương thời và hậu thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn, một danh nhân văn hóa lớn không chỉ của Việt Nam mà của toàn nhân loại. Rất nhiều bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn Đường luật, trong đó sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và hiện đại đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Người. Điều đó thể hiện rõ nét qua nhiều bài thơ, tiêu biểu là bài “Mộ” - “Chiều tối” rút từ tập “Nhật ký trong tù”, tập thơ sáng tác trong hoàn cảnh tác giả bị giam cầm tại nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu 1943. Nói đến màu sắc cổ điển trong thơ là nói đến những yếu tố về nội dung và thi pháp có sự ảnh hưởng rõ nét của thơ phương Đông – chủ yếu là thơ Đường Trung Quốc, vốn được coi là mẫu mực về đề tài, thể loại, bút pháp, thi liệu. Do đâu thơ Hồ Chí Minh lại đậm đà chất cổ điển? Bác vốn xuất thân từ một gia đình Nho học. Ông ngoại và phụ thân của Bác vốn là những bậc túc nho nổi tiếng đương thời nên người con ưu tú của gia đình, con người Việt Nam đẹp nhất ấy đã tiếp thu, kết tinh được vẻ đẹp truyền thống của nền văn hóa cổ phương Đông. Với tâm hồn phong phú, trí tuệ anh minh, lại giỏi chữ Hán và am hiểu sâu sắc thơ Đường, thơ Người vì thế đậm đà chất cổ điển. Điều đó được thể hiện: giàu cảm hứng với thiên nhiên, bút pháp chấm phá như ghi lấy linh hồn của tạo vật, ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc ý tại ngôn ngoại. Bên cạnh đó, đã sống và làm việc, tiếp xúc với văn minh phương Tây, hồn thơ ấy rất sáng tạo và hiện đại, biểu hiện ở: tính chất dân chủ của đề tài, hình tượng thơ luôn vận động khỏe khoắn hướng về ánh sáng và tương lai, chủ thể trữ tình hòa hợp với thiên nhiên nhưng không là ẩn sỹ mà là chiến sỹ. Điều đáng nói là chất cổ điển và hiện đại luôn hài hòa trong thơ của Hồ Chí Minh mà bài thơ Chiều tối là một sáng tác tiêu biểu. Trong bài, mỗi hình ảnh thơ luôn có sự vận động kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại. Hình ảnh tuy mang dáng dấp của thi liệu thơ cổ nhưng ý thơ, cảm hứng thơ và nhân vật trữ tình lại hoàn toàn hướng về ánh sáng, hướng tới thiên nhiên và cuộc sống con người. Hai câu thơ đầu mở ra không gian cảnh núi rừng khi chiều tối: “ Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ Cô vân mạn mạn độ thiên không (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)” Cảnh được gợi lên qua bút pháp ước lệ quen thuộc của thơ cổ đồng thời nói lên thật đúng hoàn cảnh của Bác và mang những nét mới. Người đọc có thể hình dung cảnh người tù đang bị áp giải ngẩng mặt lên trời quan sát cảnh vật, nhận ra cánh chim bay và chòm mây trôi ngang qua bầu trời. Cảnh đó phảng phất một nỗi buồn hiu quạnh. Nửa đầu bài tứ tuyệt này, người đọc được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên có đường nét cánh chim bay tìm về tổ, có hình ảnh chòm mây trôi lững lờ. Những hình ảnh này xuất hiện thật tự nhiên, vừa song hành vừa đăng đối. Không có một chữ nào chỉ thời gian nhưng người đọc cảm nhận ngay được thời gian lúc này là chiều muộn. Chỉ bằng mấy nét chấm phá, tả rất ít nhưng lại gợi nhiều, tác giả tái hiện được cả linh hồn của cảnh vật: Cánh chim bay về rừng tìm chốn ngủ với dáng điệu mỏi mệt và đám mây lẻ loi trôi chầm chậm giữa lưng trời. Nghệ thuật đối ngẫu, một nét đặc trưng của thơ cổ, càng làm nổi bật dáng chim nhỏ nhoi và vũ trụ rộng lớn lúc hoàng hôn. Cánh chim ấy dường như mang bóng tối đang phủ dần lên cảnh vật. Câu thơ mang đậm phong vị cổ thi. Bởi khi tả cảnh chiều tối, các thi nhân xưa vẫn thường dùng hình ảnh cánh chim. Nguyễn Du, ngôi sao sáng chói trong bầu trời thơ ca Việt Nam thời Trung đại, trong kiệt tác Truyện Kiều đã viết: “Chim hôm thoi thót về rừng”. Và Bà Huyện Thanh Quan, bậc nữ lưu tài danh của dân tộc sống ở thế kỷ XIX, trong thi phẩm “Chiều hôm nhớ nhà” cũng viết: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Những áng cổ thi ấy đều dùng cánh chim tả cảnh chiều tà buồn vắng, hiu quạnh. Lý Bạch, bậc Tiên thi đời Đường ở Trung Quốc khi tả không gian trong bài Độc tọa Kính Đình sơn đã viết: “Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn” nghĩa là: Các loài chim bay cao hết/ Đám mây cô đơn nhàn hạ trôi. Cánh chim của Lý Bạch xưa dường như bay vút vào không gian, như tan biến vào cõi vĩnh hằng. Còn cánh chim trong thơ Bác không bay đi hết, nó chỉ chuyển trạng thái từ bay sang ngơi nghỉ để rồi lại tiếp tục chu trình tuần hoàn của sự sống. Còn hình ảnhchòm mây trôi nhẹ, lời thơ Nam Trân dịch đã uyển chuyển linh hoạt nhưng vẫn chưa lột tả được chữ “cô vân” – đám mây lẻ loi và chưa thể hiện được ý nghĩa của từ láy “mạn mạn” trong nguyên tác. Điều đó chứng tỏ ngôn ngữ thơ Hồ Chí Minh vô cùng hàm súc. Ở đây,cánh chim bay mỏi và chòm mây cô đơn dường như mang theo cả nỗi lòng của tác giả, một người tù đang bị đày ải “giải tới giải lui” khắp mười ba huyện ở tỉnh Quảng Tây, nơi đất khách quê người lạ lẫm - có hôm tới 53 cây số một ngày – phía trước lại là một nhà tù khác đang chờ đón. Thế nhưng tác giả không san sẻ cho cảnh vật nỗi niềm buồn đau của cảnh ngộ mình đang phải từng trải. Trái lại, Người đã quên mình để sẻ chia, đồng cảm, hòa hợp với thiên nhiên tạo vật xung quanh. Đằng sau bức tranh phong cảnh ấy là một phong thái ung dung của một con người đang khao khát tự do, tuy bị mất tự do nhưng vẫn làm chủ mình, làm chủ hoàn cảnh ở mọi tình huống. Cũng chính điều này còn cho thấy vẻ đẹp hiện đại của thơ Hồ Chí Minh ẩn chứa và hòa hợp ngay trong những thi liệu thơ đậm chất cổ điển. Phần sau của bài thơ đã tiếp nối mạch thơ ở phần trên thật tự nhiên, tái hiện bức tranh lao động và sinh hoạt thường nhật của con người nơi xóm núi. “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng (Cô em xóm núi xay ngô tối Xay hết lò than đã rực hồng)” Nếu bức tranh thiên nhiên phần đầu bài thơ có phần ảm đạm, buồn vắng quạnh thì phần thơ cuối này hoàn toàn ngược lại: Cô gái xóm núi xay ngô bên bếp lửa đã toát lên một vẻ đẹp khỏe khoắn, trẻ trung và ấm áp. Điều thú vị là tác giả đã dùng nghệ thuật vẽ mây nẩy trăng, lấy ánh sáng của lò than để nói về bóng tối của không gian vùng sơn cước lúc màn đêm buông xuống. Trời không tối, làm sao thấy được hình ảnh “lô dĩ hồng”. Hình ảnh thơ này thật bình dị và cũng rất sáng tạo, thể hiện nét mới, chất hiện đại của bài thơ. Hơn nữa trong bài, hình tượng thơ không tĩnh tại như thường gặp trong thơ cổ mà có sự vận động hướng về ánh sáng, về tương lai. Bài thơ rất phong phú về sự vận động: vận động của cánh chim, vận động của chòm mây, vận động của con người đang làm việc hăng say. Và ngay cả thời gian trong bài cũng vận động từ chiều muộn cho đến tối hẳn. Tâm trạng nhân vật trữ tình cũng có sự vận động: từ mỏi mệt, lẻ loi, lạnh lẽo sang vui tươi, ấm nồng cùng cảnh vật và con người. Cách miêu tả và quan sát trong bài của tác giả từ hướng ngoại sang hướng nội, từ cao đến thấp, từ xa đến gần. Trong thi phẩm, chữ “hồng” chính là nhãn tự, là điểm sáng của cả bài thơ có sức lan tỏa lớn. Lô dĩ hồng đã diễn tả được thời gian vận động rất tự nhiên của cảnh vật. Sắc hồng của lò than đang đượm đã xua đi bóng đêm và sự lạnh lẽo của núi rừng lúc chiều tối, lan tỏa hơi ấm ra xung quanh, nhân lên niềm vui, niềm lạc quan của con người, nó củng cố và mài sắc thêm ý chí của người chiến sỹ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày nghiệt ngã nơi xa xứ. Nghệ thuật ở hai câu cuối bài còn có một nét đặc sắc khác rất đáng lưu ý. Giữa câu thơ thứ ba và câu bốn có những cụm từ lặp lại theo hình thức đảo ngược: “ma bao túc” và “bao túc ma hoàn”. Hình thức này đã tạo nên kết cấu vòng tròn giữa hai câu thơ, gợi lên sự cảm nhận về vòng quay đều đều của chiếc cối xay ngô và từ vòng quay ấy gợi lên sự luân chuyển của thời gian tuần tự. Trước cảnh vật và cuộc sống con người nơi xóm núi, trong lòng tác giả dâng lên dạt dào cảm xúc. Qua đó, người đọc thấy được vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh: tha thiết yêu thiên nhiên, cuộc sống, con người. Hai câu thơ sau khiến người đọc vô cùng cảm động bởi đã ghi lại cảnh sinh hoạt quen thuộc, bình dị của một gia đình nơi xóm núi. Điều đó chứng tỏ trong hành trình hoạt động cách mạng, toàn tâm toàn trí vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, nhưng trong trái tim Bác Hồ vẫn có một khoảng dành cho tình cảm gia đình. Về tấm lòng yêu đời của Người ở hai câu thơ cuối, Hoài Thanh đã nhận xét: “ Một hình ảnh tuyệt đẹp về cuộc đời thiếu thốn, vất vả mà vẫn ấm cúng, đáng quý, đáng yêu. Những hình ảnh như thế không thiếu gì chung quanh ta nhưng thường nó vẫn trôi qua đi. Không có một tấm lòng yêu đời sâu sắc không thể nào ghi lại được”. Chiều tối chỉ vẻn vẹn bốn câu thơ thất ngôn song đã cho thấy tâm hồn vô cùng cao đẹp và tài năng văn chương của Bác. Sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và hiện đại đã mang đến cho bài thơ một vẻ đẹp vừa truyền thống vừa mới mẻ. Đây cũng chính là một trong những yếu tố làm nên đặc sắc nghệ thuật thơ Đường luật của Hồ Chí Minh - con người của tương lai ấy - luôn hướng về thiên nhiên, cuộc sống, con người với sự đồng cảm và trân trọng “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (Tố Hữu)./. Thuyết minh, giới thiệu về tác phẩm Nhật kí trong tù Hồ Chí Minh (1890 – 1969 ) là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, một danh nhân văn hóa xuất sắc của nhân loại. Hồ Chí Minh, tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An. Ngay từ ấu thơ Người đã chịu ảnh hưởng tinh thần hiếu học và yêu nước từ gia đình và quê hương. Năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người đã ra đi tìm đường cứu nước. Bôn ba ở nước ngoài suốt ba mươi năm với bao nhiêu gian khổ, Người đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước. Năm 1941 đến năm 1969, Người trở về nước lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng lên một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, độc lập hoàn toàn. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một sự nghiệp văn học vĩ đại gồm bộ phận chủ yếu: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Nổi bật trong lĩnh vực thơ ca là tác phẩm Nhật kí trong tù. Tháng 8 – 1942, Người từ Cao Bằng bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Khi đến thị trấn Túc Vinh thì bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giải qua ba mươi nhà lao của mười ba huyện thuộc tỉnh Quảng Tây suốt mười bốn tháng. " Ngục trung nhật kí" đã ra đời trong những tháng ngày Người bị giam cầm đó. Tập thơ gồm 133 bài thơ tứ tuyệt, được viết bằng chữ Hán thể hiện sự am hiểu tuyệt vời về Hán tự cũng như thể thơ Đường luật của Bác. Đọc Nhật kí trong tù, ta nhận ra sự ảnh hưởng đậm đặc của chất Đường thi, bút pháp cổ điển trong phong cách thơ của Người. Nghệ thuật đối, bút pháp ẩn dụ, điệp từ đã được Bác sử dụng rất tài tình và khéo léo. Điển hình trong bài thơ Vọng nguyệt, phép đối rất chỉnh đến từng ý, từng lời: " Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt / Nguyệt tòng song thích khán thi gia". Hai nhân vật trữ tình luôn luôn đối xứng trong giao cảm vận hành: người - trăng ; trăng – người. Cấu trúc đối này đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt giữa người và trăng, mối quan hệ từ lâu đã trở thành tri kỉ. Hay trong bài Tẩu lộ, việc lặp lại điệp từ " tẩu lộ" đã làm nổi bật ý thơ đường đi thật khó khăn, ý thơ thấm thía từ sự trải nghiệm của người đang trên hành trình gian nan. Và trong câu thứ hai của bài thơ này, điệp từ " trùng san" cũng được nhắc lại nhằm nhấn mạnh cái khó khăn vẫn đang nối tiếp. Đồng thời cũng là một ẩn dụ, gợi ra con đường cách mạng phía trước vẫn còn đầy gian lao, thử thách và hi sinh. Một đặc điểm nghệ thuật luôn bao trùm trong thơ Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, là sự hòa quyện giữa chất thơ và chất thép. Do vậy mà thơ Bác dù mang phong vị thơ Đường, Tống nhưng không u buồn, cổ kính như thơ Đỗ Phủ, Lí Bạch mà hình ảnh thơ luôn mới mẻ, hiện đại, phóng khoáng. Như bài thơ Chiều tối mang phong vị thơ Đường ở hình ảnh chòm mây lẻ loi và cánh chim mệt mỏi ở hai câu đầu. Nhưng ở hai câu cuối, hình ảnh " cô em xóm núi xay ngô tối" bên lò than rực hồng đã làm rạng rỡ, ấm áp cả bài thơ. Sức sống mãnh liệt tỏa ra từ ý thơ. Đó chính là dấu ấn tư tưởng, phong cách Hồ Chi Minh. Về giá trị nội dung, Nhật kí trong tù phản ánh chân thực bộ mặt xấu xa của chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch: " Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc / Giải người Cảnh trưởng kiếm ăn quanh" ( Lai Tân ). Tập thơ thể hiện tâm hồn phong phú, cao đẹp của người tù vĩ đại. Đó là hình ảnh một nhà ái quốc vĩ đại, lúc nào cũng nóng lòng, đau đáu hướng về Tổ quốc. Ngay cả trong lúc ngủ niềm thủy chung với cách mạng của Người luôn thường trực, trước sau như một: " Một canh… hai canh… lại ba canh / Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành / Canh bốn… canh năm vừa chợp mắt / Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh" ( Không ngủ được ). Đó còn là tinh thần, ý chí, khát vọng tự do cháy bỏng, mãnh liệt luôn cháy trong tâm thức người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù đang phải chịu cảnh lao tù, xiềng xích: " Thân thể ở trong lao / Tinh thần ở ngoài lao", hay: " Năm canh thao thức không nằm / Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi./ Xong bài, gác bút nghỉ ngơi. Nhòm qua cửa ngục, ngóng trời tự do". ( Đêm không ngủ ) Đó cũng chính là trái tim tràn ngập tình yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, trước nỗi đau của con người. Trong tù ngục, nhìn thấy cảnh bi ai đau khổ của những người dân Trung Quốc, Bác vẫn thấy xót xa cho họ: " Oa… Oa… Oa… / Cha trốn không đi lính nước nhà / Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi / Phải theo mẹ đến ở nhà pha" ( Cháu bé trong ngục Tân Dương ). Ta còn nhận ra một tâm hồn luôn rung cảm trước thiên nhiên dù thân thể bị giam trong bóng tối nhà lao, nhưng tâm hồn Bác luôn hướng ra ánh sáng để cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, của ánh trăng: " Người ngắm trăng soi ngoài của sổ / Trăng nhòm khe cửa ngăm nhà thơ" ( Ngắm trăng ). So với những tập nhật kí của các nhà văn khác như: nhật kí Đặng Thùy Trâm do nhà văn Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên hai tập nhật ký của bác sĩ- liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong đó nội dung là những suy nghĩ, cảm xúc của tác giả về gia đình, xã hội và cuộc chiến, khi trực diện với sự sống, cái chết đang diễn ra. Hay Nhật kí chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong là sự đúc kết những trải nghiệm, hiện thực sống động và khắc nghiệt của chiến trường. Nhật kí trong tù của bác là một thi phẩm, là một bức chân dung tự họa con người, tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua tác phẩm của mình, đã để lại cho dân tộc và nhân loại một di huấn tinh thần bất hủ - trong đó nổi bật nhất là vẻ đẹp của một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại. Nhà thơ Xuân Diệu khái quát: “Cái hay vô song của tập thơ là chất người cộng sản Hồ Chí Minh” I. Khái quát chung 1.1 Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp Hồ Chí Minh (1890 – 1969) quê Kim Liên, Nam Đàn,Nghệ An. Năm 1911 ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1919 gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam. 1920 tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1925 tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. 1930 triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. năm 1941 Người về nước thành lập Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước, lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 2/9/1945 đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Năm 1946 được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ 1946 – 1969 Đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong nhà nước, lãnh đạo toàn dân thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất”. 1.2. Tập thơ Nhật kí trong tù Tháng 8 – 1942 Nguyễn Ái Quốc đã đổi tên thành Hồ Chí Minh sang Trung Quốc với tư cách là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh để liên hệ với thế giới bên ngoài và tìm sự ủng hộ của thế giới. Nhưng khi đến Quảng Tây – Trung Quốc thì chính quyền Tương Giới Thạch nghi là hán gian nên bị bắt vào tù. Suốt mười ba tháng từ tháng 8 – 1942 đến tháng 9 – 1943 Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải đi ba mươi nhà lao của mười ba huyện thuộc tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc. Trong suốt thời gian hơn một năm đó Hồ Chí Minh đã sáng tác tập thơ để giải bày tâm trạng của mình và Người tập hợp lại thành một tập có tên là “Ngục trung nhật ký” tức “Nhật ký trong tù”. Tập thơ gồm 134 bài trong đó có một bài “Mới ra tù tập leo núi” được viết sau khi ra khỏi nhà tù. Tập nhật ký bằng thơ không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị nghệ thuật cao. Và được chia làm hai mảng đề tài chính: Thơ tuyên truyền vận động cách mạng và Thơ cảm hứng trữ tình. II. Phong cách thơ Hồ Chí Minh qua “Nhật kí trong tù” 2.1 Khái niệm phong cách thơ Phong cách sáng tác (phong cách nghệ thuật) là một phạm trù thẩm mĩ, chỉ sự thống nhất tương đối ổn định của hệ thống hình tượng, của các phương tiện biểu hiện nghệ thuật, nói lên cái nhìn độc đáo trong sáng tác của một nhà văn, trong tác phẩm riêng lẻ, trong trào lưu văn học hay văn học dân tộc. (Trong nghĩa rộng: Phong cách là nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình thức nghệ thuật, đem lại cho tác phẩm một tính chỉnh thể có thể cảm nhận được, một giọng điệu và một sắc thái thống nhất). (Từ điển thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB Giáo dục, 2004. Tr. 255, 256). Phong cách thơ là một trong những biểu hiện của tài năng thi ca đích thực. Tài nghệ thi ca đi liền với việc tạo lập nên nét riêng, không lặp lại người của nhà thơ. Đọc Nhật kí trong tù, ta nhận ra sự ảnh hưởng đậm đặc của chất Đường thi, bút pháp cổ điển trong phong cách thơ của Người. Nghệ thuật đối, bút pháp ẩn dụ, điệp từ đã được Bác sử dụng rất tài tình và khéo léo. Điển hình trong bài thơ Vọng nguyệt, phép đối rất chỉnh đến từng ý, từng lời: " Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt / Nguyệt tòng song thích khán thi gia". Hai nhân vật trữ tình luôn luôn đối xứng trong giao cảm vận hành: người - trăng ; trăng – người. Cấu trúc đối này đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt giữa người và trăng, mối quan hệ từ lâu đã trở thành tri kỉ. Hay trong bài Tẩu lộ, việc lặp lại điệp từ " tẩu lộ" đã làm nổi bật ý thơ đường đi thật khó khăn, ý thơ thấm thía từ sự trải nghiệm của người đang trên hành trình gian nan. Và trong câu thứ hai của bài thơ này, điệp từ " trùng san" cũng được nhắc lại nhằm nhấn mạnh cái khó khăn vẫn đang nối tiếp. Đồng thời cũng là một ẩn dụ, gợi ra con đường cách mạng phía trước vẫn còn đầy gian lao, thử thách và hi sinh. Một đặc điểm nghệ thuật luôn bao trùm trong thơ Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, là sự hòa quyện giữa chất thơ và chất thép. Do vậy mà thơ Bác dù mang phong vị thơ Đường, Tống nhưng không u buồn, cổ kính như thơ Đỗ Phủ, Lí Bạch mà hình ảnh thơ luôn mới mẻ, hiện đại, phóng khoáng. 2.2Tính giản dị và vĩ đại Tính giản dị: Tính giản dị thể hiện trươc hết ở khuôn khổ, kích thước mỗi tác phẩm. Hầu hết các sáng tác của người tù Hồ Chí Minh là những bài thơ tứ tuyệt. Do đó mỗi bài thường chỉ gồm 4 câu thơ, mỗi câu 5 đến 7 chữ, vô cùng ngắn gọn, nhẹ nhàng. Ở Hồ Chí Minh, thơ không tách ra khỏi sự sống hằng ngày. Tứ thơ của Người bình dị như sự sống lẫn vào trong sự sống hằng ngày. Nhưng đằng sau mỗi câu chuyện trong “Nhật kí trong tù” chính là mối quan tâm lớn đến niềm vui, nỗi buồn của quần chúng. Tính giản dị được Hồ Chí Minh thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc, gắn bó với đời thường và con người, nhẹ nhàng, gần gũi và bình dị: “Hỏa lò ai cũng có riêng rồi, Nhỏ nhỏ, to to mấy chiếc nồi; Cơm nước, rau canh, đun với nấu, Suốt ngày khói lửa mãi không thôi.” Đó là khung cảnh sinh hoạt trong nhà tù đã được Bác miêu tả lại thành thơ. Ta dễ dàng nhận thấy “Nhật ký trong tù” hầu như không có sự tưởng tượng mà cảm xúc thơ được xuất phát từ những câu chuyện nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày: “Năm mươi ba dặm, một ngày trời, Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi; Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ, Ngồi trên hố xí đợi ban mai.” Tác giả dường như không tưởng tượng gì cũng thành thơ, nhìn gì cũng ra thơ, nói gì cũng là lời thơ. “Nhật kí trong tù” là một tập thơ chữ Hán, phần lớn theo luật thơ Đường nhưng ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, bình dân và dễ hiểu. “Dữ tựa hung tần miệng trực nhai Đêm đêm há hốc nuốt chân người Có người bị nuốt chân bên phải Có người bị nuốt chân bên trái.” Cái cùm trước hết là chính nó. Đó là cái cùm, thứ dùng để xiềng xích, trói buộc tù nhân, ở đây không hề có ý nghĩa ẩn dụ, hoán dụ thường thấy trong thơ ca mà đơn thuần chỉ là niêu tả, hiện thực một sự vật. Cách cảm thụ trong thơ Hồ Chí Minh rất giản dị, đơn thuần là miêu tả. Nhưng toát ra từ cái chân thực, cái đơn sơ ấy, người ta nhận rõ được hiện thực tù ngục tù túng, trói buộc con người. Tính vĩ đại: Tuy chỉ được sáng tác trong một thời gian ngắn, trong hoàn cảnh tù ngục khó khăn thiếu thốn, song “Nhật ký trong tù” vẫn thể hiện trong đó những sâu sắc, tinh tế về nội dung và cả tài năng điêu luyện, độc đáo trong bút pháp, nghệ thuật. Nó thể hiện tâm - tài trí của một người nghệ sĩ vĩ đại, lớn lao.  Trước hết “Nhật ký trong tù” là một tác phẩm lớn, vì nó chứa đựng trong đó những nội dung tư tưởng vô cùng lớn lao. Đó là sự hòa quyện giữa giá trị hiện thực và nhân đạo, giữa chất thép và tình cảm. Có cái đau thương, cực nhọc nhưng lại xen lẫn ở đó những tiếng cười trào phúng; có sự đau khổ buồn bã nhưng cao hơn hết lại là niềm tin, khát vọng và sự lạc quan chưa bao giờ dập tắt: “Đôi ngựa ngày đi chẳng nghỉ chân, Món “gà năm vị”, tối thường ăn ...”
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan