Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luận văn tiến sĩ định vị thời gian trong tiếng việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ h...

Tài liệu Luận văn tiến sĩ định vị thời gian trong tiếng việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận

.PDF
203
67709
154

Mô tả:

LUẬN VĂN TIẾN SĨ ĐỀ TÀI: Định vị thời gian trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (So sánh với tiếng Anh) 1 DẪN NHẬP 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 1.1. Lý do chọn đề tài Trong các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, quan hệ giữa con người với thời gian có một ý nghĩa đặc biệt. Có thể nói, quá trình phát triển của nhân loại gắn liền với thời gian lịch sử. Con người nhận thức thời gian và sự nhận thức này được phản ánh theo những hình thức biểu hiện riêng biệt của từng ngôn ngữ. Và như vậy, ngôn ngữ là một trong những công cụ tri nhận về thời gian của loài người. Trong ngôn ngữ học, vấn đề thời gian, định vị thời gian trong các câu phát ngôn của một số ngôn ngữ đã được nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm và nghiên cứu từ lâu. Đối với tiếng Việt, có thể nói rằng từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, vấn đề này chưa thật sự trở thành một đối tượng nghiên cứu có tính chất hệ thống. Chỉ bắt đầu từ năm 1883 - năm cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire de la language Anammite) của Trương Vĩnh Ký ra đời - trở về sau, mới có khá nhiều công trình ngôn ngữ học đề cập đến vấn đề tìm hiểu về sự định vị, nhận diện thời gian trong tiếng Việt, về phạm trù thời gian trong tiếng Việt, xét từ nhiều góc độ khác nhau (ngữ pháp truyền thống, ngữ nghĩa, logic, ngữ dụng, tri nhận, v.v…). Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thời gian, định vị thời gian trong tiếng Việt. Nhiều tác giả (trong nước và ngoài nước), khi viết về tiếng Việt, đều nhất trí cho rằng tiếng Việt cũng có phạm trù thì hiểu như một phạm trù ngữ pháp (một hiện tượng ngữ pháp hóa như các ngôn ngữ biến hình ở châu Âu) và cho rằng các từ như: đã chỉ thời quá khứ, đang chỉ thì hiện tại và sẽ chỉ thời tương lai (Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Thành…). Bên cạnh đó, còn có nhiều ý kiến khác. Có nhiều tác giả cho rằng tiếng Việt không có phạm trù thì, bởi vì, qua nghiên cứu những đặc trưng riêng của tiếng Việt, một số các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chỉ ra rằng tiếng Việt không có một lớp từ riêng biệt chuyên thể hiện thời gian như một phạm trù ngữ pháp (Nguyễn Đức Dân, Cao Xuân Hạo…). Lại có một số tác giả cho rằng trong một số trường hợp cụ thể, thời gian có thể được nhận diện thông qua các suy luận logic chứ không căn cứ một cách trực tiếp vào các yếu tố ngôn ngữ; những cơ chế ngôn ngữ tạo thành ý nghĩa thời gian logic có thể bị khác đi do chịu sự tác động của một số hiện tượng ngôn ngữ khác như các từ tình thái chẳng hạn (Nguyễn Đức Dân…). Cũng có các tác giả cho rằng khi định vị thời gian nên xét dưới góc độ tri nhận, qua đó, có thể đáp ứng được hướng đi tìm cái bản sắc, cái đặc thù riêng của ngôn ngữ dân tộc (Lý Toàn Thắng, Trần Văn Cơ …) v.v… Với sự ra đời của ngành ngôn ngữ học tri nhận, ngày càng có nhiều công trình đóng góp vào việc nghiên cứu ngôn ngữ về mặt tri nhận, trong đó có vấn đề tri 2 nhận về thời gian. Ngoài ra, như đã biết, ngôn ngữ không chỉ là công cụ tư duy, công cụ giao tiếp mà nó còn là một “sản phẩm” tinh thần của con người, mang những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Bên cạnh việc xác lập bức tranh chung về thời gian trong tiếng Việt trước đây theo lý thuyết ngôn ngữ truyền thống, việc xác lập bức tranh thời gian trong tiếng Việt dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận cũng là điều cần thiết. Cho đến nay, đề tài nghiên cứu về thời gian, về vấn đề định vị thời gian trong tiếng Việt theo góc độ tri nhận vẫn còn là đề tài hấp dẫn, thú vị, có sức mời gọi người nghiên cứu. 1.2. Mục đích nghiên cứu Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thời gian trong tiếng Việt. Chính sự khác biệt trong quan điểm và phương pháp nghiên cứu khác nhau của các tác giả đã dẫn đến sự nhận thức khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Có lẽ nên có thêm nhiều sự đóng góp nữa về vấn đề thời gian, định vị thời gian, cũng như xác lập bức tranh ngôn ngữ thời gian trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận; để từ đó, có thể tổng hợp lại các công trình nghiên cứu và đi đến một sự thống nhất về quan điểm, về phương pháp nghiên cứu, đồng thời triển khai, xây dựng và thống nhất vấn đề một cách có hệ thống. Trong lĩnh vực ý nghĩa của ngôn ngữ và tương ứng với nó là lĩnh vực khái niệm, ý niệm việc xác lập một số phạm trù ngữ nghĩa cơ bản dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận là một điều hết sức cần thiết để có thể xây dựng được một hệ thống ngữ nghĩa có tính chất đầy đủ và khoa học. Cũng như các phạm trù khác chẳng hạn như “không gian”, “tư duy”, “vật chất” v.v…, phạm trù thời gian trong tiếng Việt cần được ngữ nghĩa hoá một cách có hệ thống dựa trên cơ sở phân tích ý nghĩa và phân loại các thành tố ngôn ngữ nằm trong phạm trù này. Bên cạnh việc xác lập ngữ nghĩa thời gian, việc nghiên cứu thời gian và ngôn ngữ thời gian trong tiếng Việt có thể được xem xét từ nhiều góc độ (ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng, tri nhận, văn hóa,v.v…) , từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng xét cho cùng, cần dựa vào đặc trưng riêng của bản ngữ trong sự miêu tả, sự nhận diện thời gian chứ không nên dựa vào một định kiến có sẵn, một sự áp đặt khiên cưỡng nào. Và nếu có được như thế thì mới có thể thấy được cái tâm hồn, cái văn hóa dân tộc ẩn chứa trong cách biểu hiện thời gian của người Việt bằng chính ngôn ngữ dân tộc. 2. NHIỆM VỤ, ĐỐI TƯỢNG, GIỚI HẠN ĐỀ TÀI 2.1. Với những lí do và mục đích đã trình bày ở trên, nhiệm vụ cơ bản của luận án là mô tả và trình bày có tính chất hệ thống về vấn đề thời gian trong tiếng Việt ở góc độ ngôn ngữ học tri nhận. Tất nhiên, sự mô tả này chỉ có tính chất bước đầu trong mối liên hệ với những đặc trưng của tiếng Việt. Để thực hiện được điều này, luận án có nhiệm vụ tìm hiểu về những vấn đề cơ bản về lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận có liên quan đến luận án như vấn đề tri nhận và quá trình tri nhận, vấn đề ý niệm, điển dạng, các mô hình tri nhận, vấn đề ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm và vấn đề thời gian thông qua ẩn dụ và hoán dụ, sự 3 hoà trộn ý niệm trong lĩnh vực không gian và thời gian; tìm hiểu mối quan hệ nghĩa giữa không gian và thời gian, tìm hiểu về ngữ nghĩa thời gian, liệt kê và miêu tả việc định vị thời gian cũng như sự biểu hiện thời gian bằng ngôn ngữ dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận và theo sự tri nhận của người Việt; tìm hiểu ẩn dụ thời gian trong văn chương trong so sánh đối chiếu giữa tiếng Việt và tiếng Anh, từ đó, định hình phần nào về bức tranh thời gian có tính chất qui ước xã hội, có tính chất văn hóa, có tính chất mô-típ của cộng đồng người Việt. 2.2. Đối tượng khảo sát là ngôn ngữ tự nhiên trong mối quan hệ với con người theo nguyên lý “dĩ nhân vi trung”. Trong giới hạn của luận án, đối tượng khảo sát ở đây không phải là tất cả các phương tiện ngôn ngữ biểu thị thời gian, các cách thức định vị thời gian mà chỉ là một số yếu tố ngôn ngữ biểu thị thời gian, một số cách thức định vị thời gian có tính chất phổ biến và có giá trị tiêu biểu theo hướng tiếp cận lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận. Những yếu tố ngôn ngữ được miêu tả trong luận án chủ yếu là trích từ các văn bản nghệ thuật, văn bản chính luận của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam và nước ngoài, các tình huống giao tiếp trong đời thường. 2.3. Lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu của luận án này là tìm hiểu ý niệm thời gian trên cơ sở lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, để từ đó, tìm hiểu về sự định vị thời gian sự kiện trong câu phát ngôn tiếng Việt. Đồng thời, cũng từ đây, luận án bước đầu đi vào nghiên cứu vấn đề ẩn dụ ý niệm thời gian trong tác phẩm văn chương Việt Nam trong sự đối chiếu với văn thơ nước ngoài. 3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 3.1. Đã có khá nhiều công trình ngôn ngữ học ít nhiều đề cập đến vấn đề định vị, nhận diện thời gian trong tiếng Việt với nhiều góc độ khác nhau theo quan điểm truyền thống hoặc theo quan điểm tri nhận. Một số các nhà ngôn ngữ học Việt Nam (và người nước ngoài) theo khuynh hướng truyền thống cho rằng sự định vị thời gian trong tiếng Việt có liên quan đến thì của một số loại hình ngôn ngữ ở một số các nước Ấn Âu.Và vì vậy, họ cho rằng tiếng Việt có phạm trù thì hiểu như một phạm trù ngữ pháp. Lại có một số nhà ngôn ngữ học khác phủ nhận về một phạm trù thì trong tiếng Việt. Với sự ra đời của ngành ngôn ngữ học tri nhận, việc định vị, nhận diện thời gian trong tiếng Việt được nghiên cứu theo hướng đi mới. Điều cần thấy là, bên cạnh các ý kiến tương đối đối lập nhau, phần lớn các tác giả đều có một hướng đi chung: tìm ra những đặc điểm riêng về ý niệm thời gian, về sự định vị thời gian ở tiếng Việt trong sự so sánh đối chiếu với một hay nhiều ngôn ngữ khác. 3.2. Dựa trên quan điểm truyền thống và quan điểm tri nhận, phần lịch sử vấn đề trong luận án này sẽ được trình bày có tính chất tổng thuật theo hai nhóm ý kiến: 3.2.1. Theo quan điểm truyền thống: 3.2.1.1. Đại biểu các nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng Việt có phạm trù thời gian hiểu như một phạm trù ngữ pháp kiểu châu Âu: a) Có lẽ Trương Vĩnh Ký là người tiên phong trong việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Tuy chịu ảnh hưởng nhiều của ngữ pháp các tiếng châu Âu trong quá trình 4 soạn thảo ngữ pháp tiếng Việt nhưng tác giả có chú ý đến những điểm riêng biệt của tiếng Việt trong việc định vị thời gian. Ông nhấn mạnh đến vai trò của hư từ và các phụ tố trong việc định vị thời gian; đồng thời trong việc lấy cách nói thường ngày của người Việt (trong sự so sánh đối chiếu giữa các câu tiếng Việt và câu tiếng Pháp), chẳng hạn như các câu sau: (1) Hôm qua trời mưa. (2) Bây giờ trời nắng. (3) Đến mai tôi đi Biên Hòa. Cũng theo ông, tiếng Việt có ba thời: thời hiện tại, thời quá khứ và thời tương lai. Và được chia làm hai loại: -Thời nguyên khai: Dựa vào các từ đang, đã (đà), sẽ để phân định thời hiện tại, quá khứ, tương lai. -Thời phái sinh: Dựa vào những từ, ngữ như khi ấy, lúc đó, có + danh từ biểu thị thời gian, vừa khi, đoạn thì đã, thì sẽ v.v… để phân định thời hiện tại, thời quá khứ hoặc thời tương lai. b) Ba tác giả Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm cho rằng động từ tiếng Việt cũng như các từ loại khác là không biến đổi hình thái. Bởi vậy, “khi dùng một mình thì chỉ biểu diễn cái ý nói về cái dụng mà thôi…”; “muốn nói rõ cái dụng thi hành ra lúc nào đối với lúc người ta nói thì người ta đặt thêm một tiếng trạng từ chỉ thời gian để làm trường hợp túc từ.”, ví dụ: (1) Bây giờ tôi viết. (2) Hôm qua nó đến nhà anh. (3) Mai nó về quê anh. Các tác giả “Việt Nam văn phạm” nhấn mạnh vai trò của trạng từ chỉ thời gian trong việc định vị thời gian của sự tình trong câu tiếng Việt: “Khi người ta muốn biểu diễn một việc đang làm trong thời hiện tại, quá khứ hay tương lai thì người ta dùng tiếng trạng từ…”.Theo các ông, trạng từ chỉ thời gian được chia làm ba loại: - Trạng từ chỉ thời hiện tại: thể hiện bằng các từ ngữ chỉ thời gian như nay, rày, bây giờ, hôm nay, v.v… - Trạng từ chỉ thời quá khứ: thể hiện bằng các từ ngữ chỉ thời gian như khi nãy, lúc nãy, hôm qua, hôm trước, hôm kia, năm ngoái, năm trước v.v… - Trạng từ chỉ thời tương lai: thể hiện bằng các từ ngữ chỉ thời gian như lát nữa, chốc nữa, ngày mai, năm sau, từ nay về sau, v.v… Bên cạnh trạng từ chỉ thời gian, còn có trạng từ chỉ cục diện. Trạng từ này dùng để “chỉ về sự việc xảy ra của mọi việc hoặc có rồi hoặc đang có, hoặc sắp có” và được thể hiện bằng các từ, ngữ như đang, hãy còn, rồi, mới, vừa, vừa mới, sẽ, 5 sắp v.v… [42, tr. 111-114] c) Lê Văn Lý cho rằng để diễn đạt các ý nghĩa về thời gian trong tiếng Việt, người ta dùng các ngữ vị chỉ thì. Các ngữ vị chỉ thì này được thể hiện bằng các từ chứng như đã, đang, sẽ v.v… và được chia làm ba loại: - Ngữ vị chỉ kỳ gian: bao gồm những ngữ vị như đang (chỉ kỳ gian trong quá khứ cũng như trong tương lai), vẫn (chỉ kỳ gian trong hiện tại, quá khứ, tương lai), vốn (chỉ kỳ gian trong quá khứ). - Ngữ vị chỉ thì quá khứ: bao gồm các từ ngữ như đã, rồi, đoạn, vừa mới (những ngữ vị chỉ thì này có thể đứng trước hoặc sau động từ). - Ngữ vị chỉ thì tương lai: bao gồm các từ ngữ như sẽ, sắp, gần. Tiếng Việt không có ngữ vị riêng để chỉ thì hiện tại. [53, tr.72-77] d) Phan Khôi, tác giả của “Việt ngữ nghiên cứu”, khi so sánh đối chiếu giữa yếu tố không gian và thời gian, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thời gian trong ngôn ngữ của loài người nói chung và trong tiếng Việt nói riêng: “bất luận tiếng nói nước nào, thời gian được coi là quan trọng hơn không gian bội phần”, “tiếng ta cũng vậy, cũng coi trọng thời gian hơn không gian.”. Tác giả cho rằng động từ tiếng Việt cũng chia thì: “ … phải nói rằng tiếng Việt chia thì của động từ” nhưng “bằng một cách khác với mấy thứ tiếng Âu châu”. Tiếng Việt chia thì của động từ “bằng cách dùng một số phó từ chỉ thời gian và phó từ đặc biệt chẳng hạn như: bây giờ, hôm qua, mai…, đà, đã, đã rồi, đang, hiện đang, đang còn, sẽ, rồi sẽ, từng, vốn, vẫn, vừa, vừa mới, bưa vừa, sắp, rắp, chưa, còn chưa, để rồi, v.v….” .Và theo ông thì “Những chữ như đã, đang, sẽ mới thật là biểu diễn cái hồn của thì” [41, tr.114]. Tuy nhiên, bằng trực giác bản ngữ, tác giả cũng đã thấy được tính tương đối trong việc định thì của các từ đang, đã, sẽ. Một phó từ (trong nhóm phó từ đặc biệt này) có thể khi thì biểu thị thời hiện tại, khi thì biểu thị thời quá khứ, khi thì biểu thị thời tương lai, ví dụ: (1) Tôi đang đọc sách. (thực hữu của hiện tại) (2) Năm ngoái tôi đang ốm thì được tin em tôi hi sinh ở mặt trận. (thực hữu của quá khứ) (3) Rày về sau, khi tôi đang đọc sách thì các anh đừng hỏi gì tôi. (thực hữu của vị lai) Ngoài ra, tác giả còn dành một số trang viết để phản bác những quan điểm mâu thuẩn của Trần Trọng Kim khi ông này trình bày về vấn đề thời gian trong tiếng Việt. [41, tr.109-117] e) Hai tác giả Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê phân chia từ loại tiếng Việt 6 bằng cách dựa vào tác dụng của chúng. Mỗi từ loại khi sử dụng trong câu đều có hai tác dụng: ý nghĩa và cú pháp. Dựa vào tác dụng ý nghĩa, ta có loại từ tính (bao gồm: thể từ, trạng từ và trợ từ); dựa vào chức năng cú pháp, ta có loại từ vụ. Trên cơ sở phân định từ loại như trên và quan niệm của mình về thời gian, hai ông đã đưa ra những khái niệm về thời tuyệt đối - tương đối, thời điểm - thời hạn, thời gian hữu định - thời gian phỏng chừng. Qua việc khảo sát những tiếng có ý nghĩa thời gian, hai ông đã chia chúng thành ba loại: Bổ từ thời gian: năm, tháng, ngày, giờ, thời, mùa, lúc, chốc, lát, v.v…, Phó từ thời gian: bao gồm: đang, đã, sẽ, mới và một số từ khác như rồi, chưa, vừa, mới, bèn, liền, hãy và bắt đầu, sắp, gần, còn, vẫn, cứ, càng v.v.. Phó từ thời gian và bổ từ có thể được sử dụng trong cùng một câu. Phó từ cho động từ, tính từ cũng có thể làm phó từ cho danh từ, ví dụ: “ Mai đã Chủ nhật rồi.”, Hình dung từ bao gồm: trạng từ (luôn, thường hay, chậm, lâu, mãi, bất thình lình, bỗng, vụt, …), thể từ (lần, lượt…). [11, tr.237-393] f) Laurence C. Thompson [149] đã nghiên cứu thời gian trong tiếng Việt với hai phạm trù khác nhau: phạm trù ngữ pháp và phạm trù từ vựng. Xét về mặt phạm trù ngữ pháp, khi xác định các chỉ tố về thì trong tiếng Việt, cần phải dựa vào “thời gian cơ bản”. Đó là thời gian được xác định trong một ngữ cảnh cụ thể. Thời gian cơ bản là cái mốc và như thế chỉ tố đã xác định một hành động diễn ra trước thời gian cơ bản, còn chỉ tố sẽ xác định một hành động xảy ra sau thời gian cơ bản. Hành động xảy ra trước x (đã) TGCB X Hành động xảy ra sau x (sẽ) Trong những câu phức, việc xác định thời gian của mệnh đề phụ luôn phải được đặt trong mối tương quan với thời gian trong mệnh đề chính. Nói cách khác, thì trong mệnh đề phụ phải được đặt trong mối tương quan với thì của mệnh đề chính. [149, tr.209-220] g) Trần Ngọc Ninh, tác giả của “Cơ cấu Việt ngữ”, thông qua việc so sánh đối chiếu với hệ thống các phạm trù thời gian Ấn-Âu, trên cơ sở phân tích “dạng vị”, đã cố tìm ra những đặc trưng riêng biệt trong cách thể hiện phạm trù thời gian của tiếng Việt. Theo ông, thời gian ở tiếng Việt được phân định theo phép lưỡng nguyên (khác với đặc trưng tam phân: hiện tại, quá khứ và tương lai của các ngôn ngữ Ấn Âu). Trần Ngọc Ninh dựa trên bốn từ: đang, đã, sắp, sẽ để định ra phép lưỡng phân. Phép lưỡng phân cho ta hai dạng vị: quá khứ và hiện tại hợp nhất, tương lai. Dạng vị quá khứ và hiện tại hợp nhất (/đ-/ : đã và đang) chỉ rằng sự diễn tiến của sự trạng là một thực tế vì sự trạng ấy xảy ra ở một thời đã tới. Còn dạng vị tương lai (/s-/: sắp và sẽ) thì chỉ ra rằng sự trạng chỉ mới tồn tại trong quan niệm chứ chưa được tồn tại trong hiện thực. Phép lưỡng phân đưa đến những cặp phạm trù thời gian đối lập: cặp thực hiện / chưa thực hiện tương ứng với cặp không vị lai / vị lai. [57, tr.115-123] 7 3.2.1.2. Đại biểu các nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng Việt không có phạm trù thời gian hiểu như một phạm trù ngữ pháp kiểu châu Âu. Phạm trù thời gian trong tiếng Việt được nhận thức theo cách riêng, chủ yếu là trên phương diện từ vựng, ngữ cảnh, ngữ dụng. a) Bùi Đức Tịnh cho rằng động từ tiếng Việt không có những hình thức nhất định để chỉ các thời: hiện tại, quá khứ hoặc tương lai. Người phát ngôn khi nào cần thể hiện thời gian của sự kiện thì mới sử dụng trạng từ chỉ thời gian. Ông đưa các từ như đang, đã, sẽ, còn, vừa, vừa mới, v.v… vào lớp trạng từ đặc biệt. Ông cho rằng tiếng Việt có ba thời: thời hiện tại, thời quá khứ, thời vị lai. - Thời hiện tại: thể hiện bằng các từ ngữ như đang, còn, hãy còn. - Thời quá khứ: thể hiện bằng các từ ngữ như đã, vừa, mới, có, rồi, xong, xong rồi. - Thời vị lai: thể hiện bằng các từ ngữ như sắp, sẽ. Và theo ông, các thời trên chỉ có tính chất tương đối. Cũng từ đó lại có thêm những khái niệm như: “hiện tại trong dĩ vãng”, “dĩ vãng trong tương lai” v.v… Trong bài viết của mình, Bùi Đức Tịnh cũng nhấn mạnh đến vai trò của ngữ cảnh trong việc định vị thời gian ở tiếng Việt. [88, tr.53] b) Nguyễn Kim Thản, trong “Động từ trong tiếng Việt”, đã đưa ra một số nhận xét khá quan trọng về vấn đề thời, đánh dấu một bước tiến mới về quan điểm thời gian trong tiếng Việt, về vấn đề có thì hay không có thì trong tiếng Việt giữa quan điểm cũ và quan điểm mới. Tác giả có nhận xét như sau: - Việc nghiên cứu và xác định phạm trù thời đã có một lịch sử lâu dài: Arixtôt cho rằng động từ phải có đặc điểm là có “thời gian”; nhà ngôn ngữ học A.Mâyê cho rằng:“sự tiến bộ của nền văn minh nêu bật phạm trù thời và hướng về chỗ xoá bỏ những phạm trù có giá trị cụ thể và gợi cảm và dành cho những phạm trù trừu tượng một tầm quan trọng ngày càng to lớn….”. - Không nên đồng nhất phạm trù ngữ pháp với phạm trù logic mặc dù trong thực tế phạm trù ngữ pháp phản ánh phạm trù logic. - Sự tồn tại hay không tồn tại của một phạm trù ngữ pháp là một vấn đề của ngôn ngữ học chứ không phải là một vấn đề logic học. - Đối với động từ tiếng Việt, phạm trù thời không phải là một phạm trù ngữ pháp theo cách hiểu của châu Âu mà nên coi phạm trù này là phạm trù của vị ngữ. - Không nên coi những phó từ như đã, đang, sẽ, vừa, vừa mới, v.v… là công cụ ngữ pháp biểu thị phạm trù thời của động từ tiếng Việt. - Trường hợp nhất định phải sử dụng và trường hợp không thể sử dụng phó từ chỉ thể - thời. Tác giả đã đi đến kết luận: “phạm trù thời không phải là phạm trù ngữ pháp đặc biệt của động từ tiếng Việt. Đã, đang, sẽ, vừa, mới… là những từ chỉ thể - thời 8 tức là chỉ sự tiến hành hay hoàn thành trong thời gian và việc sử dụng những phó từ biểu thị thể - thời ở bộ phận vị ngữ thuộc về phạm vi cấu trúc của câu.” [75, tr.187 ] Nguyễn Kim Thản cũng đã phản bác quan niệm của Trương Vĩnh Ký khi ông Trương Vĩnh Ký cho rằng: “khi thời đã được biểu thị bằng một phó từ (chỉ thời gian) hay bằng một mệnh đề phụ thuộc thì không cần dùng đến tiểu từ chỉ thời nữa.”. Ông đã đưa ra các ví dụ sau [75 ,tr. 193] để minh họa cho điều phản bác nói trên: (1) Bây giờ phải đem con đi bán, u đã chết từng khúc ruột rồi đấy, con ạ. (Ngô Tất Tố) (2) Cuộc sống như cuộc sống của chúng ta đang sống bây giờ đã thật có gì đáng cho ta thấy vui chưa? ( Nam Cao) (3) Bây giờ tôi sẽ dẫn đồng chí đến khách sạn. (Trần Dân Tiên- những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Hà Nội, 1955) Tác giả đã đề cập về việc sử dụng phó từ có tính bắt buộc trong câu giả thiết:“Khi có vế câu giả thiết về một sự việc trong quá khứ, thì vế chỉ kết quả phải được phó từ chỉ hoàn thành - quá khứ xác định.” Ông cũng là người đầu tiên đã thống kê tần số sử dụng của những phó từ thể- thời này trong các phong cách ngôn ngữ và các văn bản khác nhau. [75, tr.183193] c) Nguyễn Tài Cẩn, trong phần trình bày động ngữ [6, tr.246-302], đã khảo sát và phân tích một số các từ như từng, đã, vừa, mới, đang, sẽ,…, hãy, đừng, chớ nằm ở phần đầu của động ngữ, đồng thời so sánh chúng với những thành tố phụ khác của động ngữ để từ đó có những nhận xét (về mặt ngữ nghĩa và về mặt ngữ pháp) như sau: - Nhóm từng, đã, vừa, mới, đang, sẽ…với ý nghĩa khái quát là chỉ thời gian của hành động.[6, tr.266] - Nhóm hãy, đừng, chớ là một nhóm có ý nghĩa thiên về ngữ pháp: ý nghĩa mệnh lệnh. Ý nghĩa mệnh lệnh, ngoài ý nghĩa chỉ liên quan đến hành động, là ý nghĩa liên quan đến tương lai.[6, tr.273] - Đã, đang, sẽ…là những từ có thể đi kèm với bất kỳ từ loại nào (danh từ, danh ngữ cũng như động từ, động ngữ, tính từ, tính ngữ,), ví dụ: (1) Mai đã chủ nhật rồi. (đã xuất hiện trước vị tố “chủ nhật”) (2) Đã ba năm nay nó không về quê. (đã xuất hiện trước trạng tố “ba năm nay”) 9 (3) Cái cụ già đã 80 tuổi đó, hiện vẫn còn rất khỏe mạnh. (đã xuất hiện trước định tố “80 tuổi”) [6, tr.263-264] d) Đào Thản, trong phần “Các từ biểu thị quan hệ không gian-thời gian” [71, tr.3948], thông qua việc so sánh đối chiếu một số từ có cùng ý nghĩa không gian và thời gian chẳng hạn như các giới từ: từ, trong, ngoài , trước, đầu, giữa, cuối; một số tính từ: dài - ngắn, gần - xa, thiếu - đủ …tròn - méo, đầy - vơi… ; các đại từ: đây, kia… ; các động từ chuyển động như: vào - ra, qua, sang…; các phó từ: ngay, liền, mãi, kịp,… ; các danh từ: bình minh, sáng, trưa, chiều, đêm, tối,… Tác giả của “Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật” đã đưa ra một số nhận xét như sau: - Ngôn ngữ tự nhiên của con người cũng có những đặc trưng về mặt biểu hiện không gian và thời gian của nó. - Các đơn vị từ vựng biểu thị thời gian, phần nhiều, đều có thể tìm thấy sự tương ứng hoặc mối quan hệ chặt chẽ với những đơn vị từ vựng biểu thị không gian. Sự mở rộng từ nghĩa không gian đến nghĩa thời gian thường diễn ra một chiều và không bao giờ có chiều ngược lại. - Mối quan hệ giữa nghĩa không gian và thời gian là một đặc trưng có tính chất phổ quát của nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Cứ liệu về mối quan hệ giữa không gian và thời gian trong tiếng Việt cũng đặc biệt phong phú và đa dạng. - Không gian và thời gian là thống nhất cả trong nhận thức và trong quan niệm của người Việt Nam. - Từ hiện tượng thống nhất này có thể rút ra một hệ quả có ý nghĩa thực tiễn đối với công việc biên soạn tự điển. [71, tr.39-47] f) Hai tác giả F.E Huffman và Trần Trọng Hai [119] nhấn mạnh vai trò của ngữ cảnh trong việc xác định thì của một phát ngôn. Trong tiếng Việt, thì (hoặc thời gian tương đối) của vị từ phần lớn do ngữ cảnh quy định. Do ngữ cảnh mà một câu có cùng một ý nghĩa mà có thể được viết ở nhiều thì khác nhau.Ví dụ trong câu “Tôi làm điều đó”, tùy theo ngữ cảnh mà có thể được viết như sau: I do that. (thì hiện tại). I’m doing that. (thì hiện tại diễn tiến) (Tôi làm điều đó.) (Tôi đang làm điều đó.) I did that (thì quá khứ). I’ve done that (thì hiện tại hoàn thành) (Tôi đã làm điều đó.) (Tôi đã làm điều đó.) I’ll do that (thì tương lai) (Tôi sẽ làm điều đó.) Tuy nhiên ở tiếng Việt, khi ngữ cảnh không có khả năng xác định thời gian hoặc khi nhấn mạnh vào mối quan hệ thời gian của các sự kiện thì cần sử dụng các chỉ tố thì như đang, đã, sẽ….Những chỉ tố này không có tính chất thuần túy ngữ 10 pháp như trong ngôn ngữ Ấn Âu mà trong một số trường hợp chúng kiêm nhiệm thêm một số chức năng ngữ nghĩa.[119, tr.261] g) Hồ Lê, khi đề cập đến phạm trù thời trong tiếng Việt, cho rằng ngoài phương tiện từ vựng để biểu thị thời gian (chẳng hạn như hôm qua, hôm nay, ngày mai,v.v…, đang, đã, sẽ,v.v…), tiếng Việt còn có những kiểu liên hội để biểu hiện phạm trù thời. Theo tác giả, phạm trù liên hội là một trong hai nội dung tạo thành phạm trù ngữ nghĩa - cú pháp siêu tuyến (phạm trù còn lại là phạm trù tình thái). Phạm trù này không được đánh dấu bằng hình thức trong câu mà thông qua sự liên hội, có nghĩa là phải thông qua việc so sánh nhiều đơn vị ngôn ngữ mới rút ra được phạm trù hiện thực này. Phạm trù thời ở đây không phải là phạm trù ngữ pháp như trong các ngôn ngữ biến hình mà là phạm trù hiện thực và việc biểu đạt cũng như việc nhận diện nó phải thông qua phép liên hội cho nên gọi là “phạm trù liên hội hiện thực”. Có nhiều kiểu liên hội: - Trật tự trước sau của các từ ngữ có ý nghĩa thời gian: tùy theo vị trí của đại từ nghi vấn: bao giờ / lúc nào mà câu có ý nghĩa quá khứ hay tương lai. - Những trợ từ như cho mà xem, cho (mà) biết, cho biết tay… luôn đi với hành động ở tương lai. - “Từ chỉ cách thức + mà + động từ ”: biểu thị hành động xảy ra trong tương lai. - Những câu nêu lên một nhận định, câu nói lên một cảm giác: thường gắn với sự kiện xảy ra ở thời gian quá khứ hoặc hiện tại.[47], [48], [49] h) Nguyễn Văn Thành, căn cứ vào phạm trù ngữ pháp của các cấu trúc thời - thể của động từ tiếng Việt, trên cơ sở sự phân chia từ loại dựa trên chức năng ngữ pháp của từ, cho rằng các từ phụ trợ (các hư từ chẳng hạn như đã, đang, sẽ, xong, hết, được, nổi, cạn tiệt, nhẵn, sạch… ) đóng một vai trò quan trọng tạo nên những cấu trúc đối lập về thời gian của một hành động: đang tiếp diễn hay đã hoặc sẽ hoàn thành. Loại từ này (hư từ) khi kết hợp với động từ sẽ diễn đạt các ý nghĩa ngữ pháp cố định về thời - thể của động từ, từ đó có thể xác định một phạm trù ngữ pháp của các cấu trúc thời - thể của động từ với hai hệ hình đối lập nhau ở cả ba bình diện thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. [77, tr.52-57] i) Nguyễn Đức Dân, trong chương “Lôgích thời gian”, đã đưa ra những nhận xét như sau: - Xét về mặt ngữ pháp, thời gian là một phạm trù ngữ pháp được biểu hiện qua động từ; xét về mặt ngữ nghĩa, thời gian biểu hiện trong các tình huống cụ thể của các trạng thái, sự kiện, hành động, phát ngôn….Thời gian là một phạm trù phổ quát trong ngôn ngữ. Hầu hết các ngôn ngữ đều có các phương thức thể hiện và nhận diện thời gian, trong đó có tiếng Việt. - Trong tiếng Việt, không có một lớp từ riêng biệt chuyên thể hiện thời gian như một phạm trù ngữ pháp. Nói cách khác, tiếng Việt không có phạm trù thì (tense). 11 - Các cấu trúc câu thể hiện ý nghĩa tuyệt đối gắn liền với hành động đã xảy ra hoặc chưa từng xảy ra. Cấu trúc bị động gắn liền với sự kiện xảy ra ở quá khứ. Các kiểu câu ghép (nguyên nhân - kết quả: chỉ sự kiện đã xảy ra, điều kiện - kết quả: chỉ sự kiện chưa xảy ra v.v…). Thứ tự (vị trí) của các đại từ nghi vấn: hoặc là chỉ sự kiện đã xảy ra hoặc chưa xảy ra (chẳng hạn như: Anh về bao giờ?: chỉ hành động đã xảy ra. Bao giờ anh về?: chỉ hành động chưa xảy ra). - Trong một số trường hợp, thời gian có thể được nhận diện thông qua sự suy luận logic chứ không căn cứ trực tiếp vào các yếu tố ngôn ngữ. Ngoài ra, những cơ chế ngôn ngữ tạo thành ý nghĩa thời gian logic có thể bị khác đi do chịu sự tác động của một số hiện tượng ngôn ngữ khác chẳng hạn như các từ tính thái (các từ có ý nghĩa phỏng đoán, các từ có ý nghĩa khả năng v.v…) - Trong bài viết, tác giả còn lưu ý đến những trường hợp bắt buộc, tùy ý, và không thể sử dụng các từ đã, đang, sẽ trong câu. Đồng thời, còn có những lưu ý đến việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. [17, tr.115-132] k) Cao Xuân Hạo có thể được xem là một trong những người có những phát hiện mới mẻ góp phần quan trọng trong việc định hướng cho việc nghiên cứu vấn đề định vị thời gian trong tiếng Việt. Trong công trình nghiên cứu về thời gian trong ngôn ngữ, tác giả đã đi sâu vào việc tìm hiểu về cách diễn đạt ý nghĩa “thời gian” trong tiếng Việt. -Về mặt quan điểm nghiên cứu, tác giả cho rằng bất kỳ một sự nhận định hoặc miêu tả nào về tiếng (ở đây là tiếng Việt) đều cũng phải dựa vào bản ngữ (ở đây là tiếng Việt) làm gốc, không thể áp đặt máy móc từ một định kiến nào khi nhận định hoặc miêu tả nó. Ông phủ nhận cái gọi là thì trong tiếng Việt mà trước đây một số các nhà ngôn ngữ học đã từng gọi nó, nghiên cứu nó, coi nó như là một phạm trù ngữ pháp.Và ông chỉ rõ rằng nếu như tất cả các ngôn ngữ đều có nhiều cách định vị các sự tình được nói đến trong thời gian thì không phải ngôn ngữ nào cũng ngữ pháp hóa cách định vị đó như cách làm của một số thứ tiếng châu Âu. - Tác giả nhấn mạnh đến vai trò của các từ ngữ chỉ thời gian trong việc xác định ý nghĩa thời gian của phát ngôn khi mà ngôn cảnh không cho biết gì về sự định vị thời gian đó. Nói cách khác, yếu tố từ vựng cũng là một trong những yếu tố xác định ý nghĩa thời gian trong câu. Nói về quá khứ, ông cho rằng: “Trong những trường hợp nhất thiết phải định vị sự tình trong thời gian quá khứ mà ngôn cảnh không cho biết gì về sự định vị đó, thì tiếng Việt bao giờ cũng dùng phương tiện từ vựng, tức là dùng một khung đề thời gian quá khứ như trước kia, trước đây, thuở trước,v.v... ” [34, tr.547] l) Trần Ngọc Thêm, trong Cơ sở Văn hóa Việt Nam, cho rằng “Ngữ pháp phương Tây là ngữ pháp hình thức, còn ngữ pháp Việt Nam là ngữ pháp ngữ nghĩa” [86, tr.164]. Ông chỉ ra rằng “ Trong khi ngữ pháp của các ngôn ngữ châu Âu là một thứ ngữ pháp chặt chẽ tới mức máy móc thì ngữ pháp tiếng Việt tổ chức theo lối dùng các từ hư để biểu hiện các ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp” [86, tr.164]. Ông cũng cho rằng “tiếng Việt có khả năng khái quát rất cao, có thể nói một câu không thời, 12 không thể, không ngôi ” [86, tr.165] . 3.2.2. Theo quan điểm tri nhận: a) Lý Toàn Thắng, qua bài viết “Ngôn ngữ và sự tri nhận không gian” cũng như trong quyển Ngôn ngữ học tri nhận - từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, đã đưa ra một số phương hướng nghiên cứu chung cho cả vấn đề không gian và thời gian trong ngôn ngữ. Vận dụng những nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, các ngành dân tộc học và tri nhận học, tác giả đã đi sâu vào việc việc phác thảo ngành Ngôn ngữ học tri nhận, vào việc nghiên cứu bức tranh ngôn ngữ về thế giới để từ đó, khảo sát mặt ngữ nghĩa các từ chỉ không gian trong tiếng Việt, và cho rằng đi theo huớng này chắc hẳn sẽ có những đóng góp không nhỏ đối với các ngành ngôn ngữ học tri nhận, dân tộc ngôn ngữ học, tâm lý ngôn ngữ học và đặc biệt là loại hình học ngữ nghĩa, để từ đó có cơ sở tìm đến cái “đặc thù tâm linh” của ngôn ngữ. Khi đề cập đến vấn đề ý niệm, ông cho rằng tri thức ngôn ngữ (tức là tri thức ý nghĩa và hình thức) về cơ bản là cấu trúc ý niệm và biểu hiện ngữ nghĩa về cơ bản là biểu hiện ý niệm … các biểu hiện về cú pháp, từ pháp và âm vị học về cơ bản cũng mang tính ý niệm - một tiền đề quan trọng của ngôn ngữ học [78],[80]. b) Trần Văn Cơ, trong Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ), đã đưa ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như tìm hiểu về sự hình thành của ngành khoa học mới: khoa học tri nhận, các vấn đề tri nhận và hoạt động tri nhận của con người, ý niệm và ý niệm hóa thế giới (bức tranh ngôn ngữ về thế giới), phạm trù và phạm trù hóa thế giới, ẩn dụ và ẩn dụ tri nhận ... .Ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt lưu ý đến hai thuộc tính của thời gian – đó là tính tuyến tính và tính không thể quay ngược trở lại [13, tr.64]. Khi trình bày những ý niệm về thời gian, ông đã đưa ra hai mô hình thời gian: mô hình thời gian hình tròn và mô hình thời gian tuyến tính. Ông cũng đề cập đến vấn đề “cảm nhận thời gian” và hai loại thời gian: thời gian chủ quan và thời gian khách quan [13, tr.153-158]. c) Nguyễn Đức Tồn, trong “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” [89], thừa nhận ẩn dụ không chỉ xảy ra trong phạm vi ngôn ngữ mà còn được coi là phương thức tư duy của con người. Và ông đưa ra khái niệm ẩn dụ ý niệm (ẩn dụ tri nhận). Ông phân loại ẩn dụ ra thành ẩn dụ sự vật, ẩn dụ hoạt động, ẩn dụ tính chất và ẩn dụ sự tình [89]. e) George Lakoff và Mark Johnson trong quyển Metaphor we live by [126] đã đưa ra lý thuyết ẩn dụ ý niệm theo phương pháp nghiên cứu của Ngôn ngữ học tri nhận (Cognitive linguistics). Theo các ông, ẩn dụ được xem là công cụ tạo nghĩa cho những phạm vi khái niệm mới gần với trải nghiệm sống trực tiếp của con người. Nghiên cứu ẩn dụ luôn phải dựa trên nền tảng trải nghiệm, không chỉ được xem xét ở riêng phạm vi ngôn ngữ mà ở cả phạm vi tư duy và hành động. Trong quyển Philosophy in the flesh [131], hai tác giả này đã nhấn mạnh đến vấn đề ý niệm, tính nghiệm thân (embodiment) trong ẩn dụ, hoán dụ, đặc biệt là đề cập đến vấn đề thời gian dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận. Hai ông cho rằng ý niệm về thời gian 13 xuất phát từ ý niệm không gian. Cũng trong Philosophy in the flesh, hai ông cho rằng ngữ nghĩa trong lý thuyết tri nhận trên cơ sở thần kinh chỉ có thể nảy sinh thông qua cơ thể và trí óc và trải nghiệm của con người khi được mã hóa trong bộ não [131, tr.256]. Trong More than cool reason [129], hai tác giả này đã nhấn mạnh đến vấn đề ẩn dụ trong thơ ca – một vấn đề then chốt trong học thuyết tri nhận, trong đó có ẩn dụ thời gian dưới góc độ ý niệm. f) Z.Kövecses, trong quyển Metaphor: A practical introduction [122], đề cập tập trung về vấn đề ẩn dụ ý niệm, trong đó có ẩn dụ ý niệm thời gian, phân loại ẩn dụ cũng như vai trò của ẩn dụ, hoán dụ trong thơ ca. Trong quyển Metaphor and Emotion [121], Kövecses nhấn mạnh đến những ẩn dụ ý niệm thuộc về cảm xúc có sự tham gia của yếu tố con người và yếu tố văn hóa. Những cảm xúc này xuất phát từ những trải nghiệm nghiệm thân (embodied experiences) của con người, cũng như sự tương tác của cơ thể người đối với thế giới bên ngoài. Trong Metaphor in culture Universality and Variation (2005), ông bàn đến tính phổ niệm và sự biến đổi ẩn dụ trong văn hóa. Khi nói về thời gian, xét dưới góc độ văn hóa, ông cho rằng ẩn dụ THỜI GIAN ĐANG CHUYỂN ĐỘNG được dựa vào sự nhận thức về sự chuyển động theo trục ngang (mang lại ẩn dụ TIME IS HORIZONTAL) nhưng thời gian cũng được nhận thức như là sự chuyển động theo chiều thẳng đứng (mang lại ẩn dụ TIME IS VERTICAL) trong một số ngôn ngữ, và theo ông, dạng thức của ẩn dụ được dựa vào sự chuyển động theo trục ngang dường như thông thường hơn trong ngôn ngữ thế giới. [123, tr.50]. g) Reddy, M.J , trong bài viết “The Conduit Metaphor” [138], giải thích rằng ngôn ngữ hoạt động giống như một đường dẫn (conduit). Khi chúng ta truyền ý nghĩ hay tình cảm vào từ ngữ và “từ ngữ chúng ta sử dụng hoàn tất quá trình dịch chuyển bằng cách lưu giữ ý nghĩ và tình cảm rồi chuyển chúng cho người khác. Trong khi chúng ta nghe người khác nói, chúng ta chiết xuất ý nghĩ, tình cảm từ từ ngữ của người nói.”. Ông cho rằng kiểu ẩn dụ này có ảnh hưởng và tác động vào quá trình tư duy của chúng ta. h) Trần Đình Sử, trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, chỉ ra rằng có hai loại thời gian trong thơ ca. Đó là thời gian vũ trụ bất biến và thời gian con người. Ông cho rằng: “cảm nhận thời gian con người ngắn ngủi, chóng tàn với thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến là hai chủ đề thời gian tiêu biểu trong thơ ca Trung quốc” và cũng là chủ đề thường gặp trong thơ ca trung đại Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến, tác giả nhấn mạnh tính chất vô thời gian trong thơ thiền Việt Nam. Ngoài ra, trong thơ, còn có “thời gian lịch sử, thời gian siêu nhiên, tiên cảnh, thời gian sinh hoạt ”. Do còn chịu sự quy định của quy luật cảm thụ toàn vẹn, thơ ca trung đại Việt Nam thường“ nhìn mọi sự với toàn bộ quá trình: hình thức tuần hoàn của thời gian thiên nhiên như ngày đêm, bốn mùa, sống chết; ý niệm lý tưởng hoá thời cổ xưa, một thời hoàn kim trong quá khứ; sự chuyển hoá qua lại của cảm nhận không gian và thời gian v.v… ” [68, tr.228]. i) Trong quyển Tâm lý học (bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Văn Hiếu), ở phần phân loại các tri giác, Ruđích P.A đã đề cập đến ba loại tri giác: tri giác không gian, tri 14 giác thời gian và tri giác vận động: “Cơ sở để phân loại tri giác là các hình thức tồn tại của vật chất - không gian, thời gian và vận động. Tương ứng với các hình thức đó, người ta phân biệt các tri giác không gian, thời gian, vận động.”[62, tr.162]. Ông đưa ra khái niệm tri giác thời gian như sau: “Tri giác thời gian - đó là sự phản ánh độ dài thời gian khách quan, tốc độ và tuần tự của các hiện tượng thực tế.”[62, tr.167] và ở phần “Tri giác tính liên tục của các hiện tượng”, ông cho rằng: “Tri giác tính liên tục của các hiện tượng là có liên quan đến các biểu tượng về hiện tại, quá khứ và tương lai.” [62, tr.169]. Ông cũng chỉ ra rằng: “Khi tri giác thời gian người ta thường gặp phải những sai lầm về đánh giá thời gian, hoặc là ảo tưởng thời gian thể hiện là thời gian có dài hơn hoặc có ngắn hơn.” [62, tr.169] Tóm lại , có nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về vấn đề thời gian trong tiếng Việt. Tiêu biểu cho quan niệm tiếng Việt có thì (một phạm trù ngữ pháp liên quan đến khái niệm “ngữ pháp hóa” của châu Âu) có thể kể đến là Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Lê Văn Lý, Nguyễn Văn Thành, …, tiêu biểu cho quan niệm tiếng Việt không có thì có thể kể ra ở đây là Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Đức Dân, Cao Xuân Hạo, … . Và nếu xem ngôn ngữ học tri nhận là một sự tăng cường phân tích vai trò của nhận thức đối với các đơn vị ngôn ngữ (nhất là ở phạm vi ngữ nghĩa), thì ở Việt Nam có nhiều tác giả quan tâm đến lĩnh vực này như Lí Toàn Thắng, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Đức Tồn, Trần Văn Cơ, v.v... . Nhiều vấn đề theo hướng nghiên cứu này sẽ đưa lại những phát hiện mới mà trong những nghiên cứu truyền thống trước đây chưa được làm sáng tỏ. Cần thấy rằng nhận xét này xuất phát từ một cái nhìn có tính chất tổng quát, chứ còn trên thực tế, từng tác giả cụ thể cũng chưa phân xuất thành những ranh giới rạch ròi. Tuy nhiên, từ nhiều quan điểm, phương pháp và nội dung nghiên cứu khác nhau, các tác giả nêu trên thật sự đã có những đóng góp quan trọng về vấn đề tìm hiểu về thời gian cũng như việc định vị thời gian trong tiếng Việt; từ đấy tạo tiền đề cơ bản cho những công trình nghiên cứu sau này có hệ thống, khoa học hơn. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Phương pháp làm việc chính ở đây là phương pháp so sánh - đối chiếu theo quan điểm đồng đại để tìm những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) khi nghiên cứu về vấn đề thời gian và định vị thời gian trong phạm vi của đề tài. Trong từng chương cụ thể, chúng tôi dùng phương pháp miêu tả, phân tích, phương pháp quy nạp, thống kê, phương pháp tổng hợp dưới dạng mô hình, biểu đồ trên cơ sở phân tích các cứ liệu rút ra từ các văn bản nghệ thuật, nghị luận, những câu phát ngôn của ngôn ngữ đời thường để từ đó, khái quát những vấn đề mà đề tài đặt ra. 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN Phạm trù thời gian (time category), sự định vị thời gian (location of time) trong tiếng Việt là những vấn đề phức tạp, đụng chạm đến nhiều vấn đề lí luận ngôn ngữ học. Luận án này không có tham vọng giải quyết những vấn đề phức tạp ấy. Ở đây với sự nỗ lực của cá nhân, luận án sẽ có những đóng góp sau đây: 15 5.1.Về mặt lý thuyết - Qua việc vận dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, luận án góp phần tìm hiểu về ý niệm, ẩn dụ ý niệm, đặc biệt là ẩn dụ ý niệm thời gian trong ngôn ngữ đời thường và văn chương, xác lập bức tranh ngữ nghĩa về thời gian trong tâm thức người Việt, cũng như góp phần tìm hiểu việc định vị thời gian trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận. - Góp phần về mặt phương pháp nghiên cứu vấn đề thời gian trong tiếng Việt, cụ thể như ngoài việc nghiên cứu về cấu trúc ngôn ngữ, luận án còn nghiên cứu các yếu tố phi ngôn ngữ, bao gồm: con người nhận thức, ngữ cảnh, tâm lý, văn hóa, logic, v.v… dưới góc độ tri nhận để từ đó, có thể nhận thức đầy đủ hơn, khoa học hơn về vấn đề này. - Góp phần tìm hiểu về các cách thức tri nhận thời gian của cộng đồng bản ngữ dựa trên ngữ liệu tiếng Việt để từ đó nhận thức rõ hơn về “bức tranh thời gian” có tính chất qui ước xã hội, có tính chất văn hóa, có tính chất mô - típ của cộng đồng người Việt. 5.2.Về mặt thực tiễn: - Ngôn ngữ phản ánh tư duy. Con người với tư cách là chủ thể nhận thức thế giới xung quanh sẽ phản ánh tư duy của mình về thế giới đó qua ngôn ngữ. Dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận, nghiên cứu việc định vị thời gian trong tiếng Việt giúp ta phần nào nhận diện được tư duy của dân tộc. - Góp phần tìm hiểu vấn đề tri nhận thời gian trong tiếng Việt trên cơ sở lý thuyết tri nhận, đồng thời góp phần tìm hiểu qui luật sử dụng ngôn ngữ trong việc diễn đạt các ý nghĩa thời gian của người Việt. - Ngày nay, nhu cầu giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các nước là một xu thế mang tính toàn cầu. Trong công cuộc giao lưu này, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài, đóng một vai trò quan trọng.Việc nắm bắt được ý nghĩa thời gian trong tiếng Việt sẽ là cơ sở giúp cho người nước ngoài sử dụng chính xác tiếng Việt, nhất là những thứ tiếng mà phạm trù thời gian được ngữ pháp hóa và ngược lại. 6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Ngoài phần dẫn nhập và phần kết luận, nội dung chính của luận án bao gồm ba chương: Chương một: Cơ sở lí luận Chương một nhằm khái quát một số vấn đề chung về lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận như vấn đề tri nhận và quá trình tri nhận, một số quan điểm và nguyên lý cơ bản về sự tri nhận thế giới bằng ngôn ngữ; vấn đề ý niệm – đơn vị trung tâm của lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, cấu trúc ý niệm, các loại ý niệm và những yếu tố xoay quanh vấn đề ý niệm như khung ý niệm, tính điển dạng, những mô hình tri nhận lý tưởng, mô hình tri nhận cụm, mối quan hệ giữa mô hình tri nhận và mô hình văn 16 hóa. Cũng ở chương này, luận án tập trung tìm hiểu về ẩn dụ ý niệm, sự hòa trộn ý niệm - những vấn đề nghiên cứu trọng tâm mà ngành ngôn ngữ học tri nhận đặt ra, cụ thể là tìm hiểu khái niệm ẩn dụ ý niệm, sơ đồ hình ảnh, vai trò của ẩn dụ, phân loại ẩn dụ ý niệm với bốn loại ẩn dụ mà các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận đề xướng: ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ bản thể, ẩn dụ định hướng và ẩn dụ kênh liên lạc, tìm hiểu mối quan hệ giữa hoán dụ ý niệm và ẩn dụ ý niệm; đồng thời tìm hiểu thêm về không gian tâm thức, về sự hòa trộn ý niệm về hai lĩnh vực: không gian và thời gian. Trong chừng mực nhất định, ở chương này luận án vận dụng các vấn đề có tính lý thuyết trên để tìm hiểu về vấn đề thời gian – đề tài mà luận án đặt ra. Chương hai: Định vị thời gian trong tiếng việt Ở chương này, trên cơ sở lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận về vấn đề định vị thời gian, luận án bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ nghĩa giữa không gian và thời gian trên cơ sở ý niệm, xác lập bức tranh ngữ nghĩa thời gian với các loại thời gian cụ thể, khái niệm về thuật ngữ “định vị thời gian”; từ đó, tìm hiểu và xác định những cách thức định vị thời gian trong tiếng Việt, bao gồm: 1) Định vị thời gian theo mức độ chuyển dịch gần – xa với ẩn dụ THỜI GIAN ĐANG CHUYỂN ĐỘNG và ẩn dụ NGƯỜI QUAN SÁT ĐANG DI CHUYỂN. 2) Định vị trước – sau / tới - lúc này trong thời gian với ẩn dụ THỜI GIAN ĐANG CHUYỂN ĐỘNG. 3) Định vị thời gian trong chuỗi sự kiện không có chủ thể (người quan sát) tham gia. 4) Định vị thời gian TRÊN –DƯỚI theo chiều đứng của chủ thể. 5) Định vị thời gian qua từ vựng có ý nghĩa thời gian. Chương ba: Ẩn dụ thời gian trong thơ văn Tư duy ẩn dụ thời gian trong văn chương là một thứ tư duy có tính chất phổ quát cho nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Do ẩn dụ là công cụ để hiểu được thế giới của chúng ta và chính bản thân mỗi người cho nên nó cũng gắn kết với những ẩn dụ thơ ca tạo thành cách thức quan trọng mà qua đó chúng ta hiểu được ý nghĩa cuộc sống của con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa thời gian với con người. Trong chương này, luận án tìm hiểu về ẩn dụ hình ảnh, ẩn dụ mở rộng những vấn đề có liên quan với việc tìm hiểu ẩn dụ trong văn chương và tập trung tìm hiểu về ẩn dụ ý niệm THỜI GIAN LÀ CON NGƯỜI trên cơ sở những ẩn dụ cơ sở như ẩn dụ THỜI GIAN LÀ KẺ CẮP, THỜI GIAN LÀ KẺ RƯỢT ĐUỔI, THỜI GIAN LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH, THỜI GIAN LÀ KẺ HỦY DIỆT v.v... ; phân tích những ẩn dụ này trong sự đối chiếu ở thơ ca tiếng Việt và thơ ca tiếng Anh. 17 Chương một CƠ SỞ LÝ LUẬN 1. SƠ LƯỢC VỀ NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN Khoa học tri nhận bước đầu hình thành và phát triển ở Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ XX. Lúc này ở Mỹ, lý thuyết tạo sinh – cải biến do Noam Chomsky khởi xướng tạo ra một hướng đi mới trong việc nghiên cứu ngôn ngữ. Thành quả của nó là vô cùng lớn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành tâm lý học tri nhận, ngành ngôn ngữ học tri nhận được hình thành mà tiền đề của nó là các công trình nghiên cứu của các học giả tên tuổi như Noam Chomsky với “Các cấu trúc ngữ pháp”, Ronald W. Langacker với “Ngữ pháp tri nhận”, Charles J. Fillmore với “Ngữ nghĩa học khung”, R. Jackendoff với “Ngữ nghĩa học ý niệm”, “Không gian tâm thức”, Gilles Fauconnier với “Sự ánh xạ trong tư duy và ngôn ngữ”. Ngôn ngữ học tri nhận thực sự phát triển mạnh với các các công trình nghiên cứu của George Lakoff với “Phạm trù ẩn dụ”, Mark Johnson với “Sơ đồ hình ảnh”, Leonard Talmy với “Tâm lý học Gestalt” và đặc biệt là khái niệm về “hình” và “nền”, Dirk Geeraerts với “Ngữ nghĩa học điển dạng lịch đại”, R.W. Langacker phát triển lý thuyết hình bóng ý niệm mà sau này trở thành vấn đề trung tâm của ngôn ngữ học tri nhận. Vào năm 1989, Hội nghị quốc tế về ngôn ngữ học tri nhận được tổ chức ở Duisburg, nước Đức. Ở hội nghị này, Hiệp hội ngôn ngữ học tri nhận (International Cognitive Linguistics Association, gọi tắt là ICLA) được sáng lập và tờ báo ngôn ngữ học tri nhận (do Dirk Geeraerts làm chủ biên vào năm 1990) cũng ra đời từ đó. Đến nay có nhiều hiệp hội ngôn ngữ học tri nhận được hình thành ở các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới. Con đường tìm hiểu về ngôn ngữ của lý thuyết ngôn ngữ tạo sinh – cải biến và của lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận có hướng đi khác nhau. Trong khi các đại biểu của lý thuyết ngôn ngữ tạo sinh – cải biến quan tâm đến sự hiểu biết về ngôn ngữ thì các đại biểu của lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận quan tâm đến sự hiểu biết của chúng ta về thế giới và nghiên cứu vấn đề ngôn ngữ tự nhiên đã đóng góp như thế nào đối với sự hiểu biết đó. Nếu như các đại biểu của học thuyết ngôn ngữ cải biến – tạo sinh chủ trương đi vào tìm hiểu chiều sâu của cấu trúc ngôn ngữ trên cơ sở những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được và cố gắng mô hình hóa chúng như những công thức toán học cụ thể thì các đại biểu của học thuyết ngôn ngữ học tri nhận chủ trương nghiên cứu ngôn ngữ thường nhật của con người trên cơ sở những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được và cả những dữ kiện không quan sát được như ý niệm, tâm lý, cảm xúc, đặc thù văn hóa dân tộc,v.v... . Tuy nhiên, các đại biểu của hai trường phái ngôn ngữ này có một hướng đi chung là cả hai đều quan tâm về những cấu trúc tinh thần cấu thành kiến thức và mục đích cuối cùng của họ là đi đến sự nhận thức về bản chất ngôn ngữ của loài người. Dirk Geeraerts và Hubert Cuyckens cho rằng ngôn ngữ học tri nhận là sự nghiên cứu 18 ngôn ngữ trong chức năng tri nhận của nó nơi mà sự tri nhận đề cập tới vai trò quan trọng của cấu trúc thông tin trung gian trong sự tiếp xúc của chúng ta với thế giới. Ngôn ngữ học tri nhận là sự tri nhận trong cùng một cách mà Tâm lý học tri nhận khi cho rằng sự tương tác của chúng ta với thế giới được suy nghiệm thông qua những cấu trúc thông tin trong bộ não. Tuy nhiên, nó đặc biệt hơn Tâm lý học tri nhận bằng cách tập trung vào ngôn ngữ tự nhiên như là một phương tiện trong việc tổ chức, xử lý, chuyển tải thông tin đó. Vì thế ngôn ngữ được xem như là nơi lưu giữ của sự hiểu biết thế giới, một bộ sưu tập có tính cấu trúc của các phạm trù có ý nghĩa mà qua đó giúp chúng ta bàn tới những kinh nghiệm mới và lưu trữ những thông tin về những kinh nghiệm và thông tin cũ; đồng thời cũng theo ông, ngôn ngữ học tri nhận không chỉ nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ mà còn mở rộng nghiên cứu ở lĩnh vực khác như những mô hình tri nhận của con người, giao tiếp, và văn hóa. [111, tr.4-5]. Trong bài viết Nhân học và Ngôn ngữ học (Anthropology and Linguistics), Roger M. Keesing cho rằng ngôn ngữ học tri nhận là một cuộc cách mạng mới trong ngôn ngữ theo hướng trải nghiệm: “một yếu tố quan trọng trong ngôn ngữ học mới này là sự quan trọng của tính trải nghiệm, đặc biệt là sự trải nghiệm của cơ thể trong việc hình thành ngôn ngữ. Trước sau như một, thông qua ngôn ngữ, chúng ta thấy một loại chủ quan có tính nghiệm thân mà trong đó những miền nguồn giàu chất trải nghiệm được sử dụng trong việc đặc điểm hóa những miền đích có tính chất trừu tượng hơn” [111, tr.1209]. Có thể nói rằng ngôn ngữ học tri nhận là “một trường phái mới của ngôn ngữ học hiện đại, tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm về sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó.” (Lý Toàn Thắng [80, tr.16]) 2. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN VỀ SỰ TRI NHẬN THẾ GIỚI BẰNG NGÔN NGỮ Đối với ngôn ngữ học tri nhận, nhìn chung, có một số quan điểm và nguyên lý cơ bản về sự tri nhận thế giới bằng ngôn ngữ như sau: 2.1. Trước nhất, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đều bác bỏ tư tưởng cho rằng ngôn ngữ là một cơ chế tự trị, và khẳng định rằng không thể miêu tả ngôn ngữ nếu không dựa vào quá trình tri nhận. Nguyên lý này đối lập với giả thuyết của ngữ pháp tạo sinh khi cho rằng ngôn ngữ là một khả năng tri nhận tự trị. Thứ hai, ngữ nghĩa, ngữ pháp là sự ý niệm hóa. Nguyên lý này cũng đối lập với ngữ nghĩa điều kiện chân ngụy. Ngôn ngữ học tri nhận cho rằng không thể quy cấu trúc ý niệm vào sự tương ứng đơn giản về điều kiện chân - ngụy với thế giới. Phương diện chủ yếu của khả năng tri nhận của con người là sự ý niệm hóa kinh nghiệm để giao tiếp và sự ý niệm hóa các tri thức ngôn ngữ mà chúng ta có được. Thứ ba, đối với ngôn ngữ học tri nhận, tri thức ngôn ngữ nảy sinh từ sự sử dụng ngôn ngữ. Nguyên lý này cho rằng các phạm trù và các cấu trúc trong ngữ nghĩa, ngữ pháp, từ pháp và âm vị đều được xây dựng trên cơ sở sự tri nhận của chúng ta về các phát ngôn riêng biệt trong khi sử dụng chúng. 19 2.2. Có ba xu hướng tiếp cận khi nghiên cứu ngôn ngữ dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận: 2.2.1. Sự tiếp cận có tính chất kinh nghiệm (experiential): theo hướng nghiên cứu này, người ta nhận thấy rằng những thuộc tính của sự vật khách quan được con người miêu tả dường như có phản ánh cái cách thức mà con người tri nhận về thế giới và tương tác với thế giới ấy, những kinh nghiệm tích lũy được của chúng ta về thế giới cũng được tàng trữ trong ngôn ngữ hàng ngày và do vậy những kinh nghiệm ấy có thể có thể thu lượm được từ cái cách thức mà chúng ta diễn đạt các tư tưởng. Với cách tiếp cận này, những vấn đề như các phạm trù tri nhận, các sơ đồ hình ảnh, các mô hình điển dạng khi phạm trù hóa sự vật, ẩn dụ và hoán dụ ý niệm (nội dung, cấu trúc,…) được đặt ra trong quá trình nghiên cứu ngôn ngữ. 2.2.2. Sự tiếp cận có tính chất chọn lựa – tức tính nổi trội (prominence): theo hướng nghiên cứu này, người ta nghiên cứu về việc các thông tin được lựa chọn và sắp xếp trong câu như thế nào hay nói khác đi là sự lựa chọn về hình (figure) và nền (ground), ví dụ như trong câu “Chiếc xe đâm vào cột điện ven đường.” thì trong trường hợp này chiếc xe là hình và cột điện là nền bởi vì chiếc xe là yếu tố nổi trội so với cột điện. Và vì vậy chiếc xe được chọn làm chủ thể đứng đầu câu. 2.2.3. Sự tiếp cận có tính chất thu hút sự chú ý (attentional) của các yếu tố và các bình diện khác nhau của một sự tình: theo hướng nghiên cứu này, nhà ngôn ngữ học tri nhận tập trung khảo sát khái niệm khung - tức là một tập hợp tri thức mà người nói có được về một sự tình nào đó, khảo sát việc người nói lựa chọn và nhấn mạnh những phương diện của các khung này và ứng với nó là những biểu đạt khác nhau trong một ngôn ngữ. Ví dụ như trong câu “Chiếc xe đâm vào cột điện ven đường.” thì trong trường hợp này, người nói chỉ tập trung miêu tả giai đoạn của của sự tình hiện tại còn những sự tình trước khi xảy ra tai nạn thì không được nói tới. 2.3. Nguyên lý “dĩ nhân vi trung” là cơ sở phương pháp luận của ngành ngôn ngữ học tri nhận khi nghiên cứu ngôn ngữ loài người nói chung và ngôn ngữ của mỗi dân tộc nói riêng. Cần thấy là cụm từ “dĩ nhân” trong nguyên lý này nhấn mạnh đến vai trò của con người bản ngữ, nói cách khác, là con người của một dân tộc nhất định. 2.4. Các ngôn ngữ tự nhiên đều có những cách thức riêng trong việc tổ chức các tài liệu ngữ nghĩa. Đồng thời, trong ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ đều có phản ánh một cách hình dung về thực tại khách quan của cộng đồng văn hóa - bản ngữ đó, thường được gọi là “bức tranh thế giới”. Mỗi “bức tranh thế giới” như thế, ngoài cái chung, cái phổ quát, có cái riêng, cái đặc thù, ứng với từng ngôn ngữ và phản ánh một cách tri giác, một cách nhận thức về thế giới của dân tộc ấy, được gọi là “cách nhìn thế giới”. Cần nên phân biệt “bức tranh ý niệm về thế giới” và “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”. “Bức tranh ý niệm về thế giới” là hình ảnh hay biểu tượng về thế giới hay một bộ phận của nó, tồn tại trong ý thức con người, ý niệm luôn gắn liền với văn hóa dân tộc; nó là cơ sở của “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”. Còn bức tranh ngôn
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng