Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Luận văn thạc sĩ khảo sát sự nghiệp phê bình văn học của vương trí nhàn...

Tài liệu Luận văn thạc sĩ khảo sát sự nghiệp phê bình văn học của vương trí nhàn

.PDF
122
984
149

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH Lê Thị Thúy Hằng Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS. TS. NGUYỄN THỊ THANH XUÂN Thành phố Hồ Chí Minh – 2010 LỜI CẢM ƠN Trước hết tôi xin gửi lời tri ân chân thành nhất đến PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, nhiệt tình hướng dẫn tôi thực hiện luận văn này. Qua quá trình làm việc với cô, tôi học được nhiều bài học về cách làm việc khoa học, cẩn thận, chính xác. Tiếp theo, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy cô giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm TP.HCM, những người đã truyền đạt cho tôi kiến thức quý báu trong suốt quá trình học tập. Đồng thời tôi xin cám ơn phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành khóa học. Đặc biệt tôi chân thành cảm ơn nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, người đã sẵn lòng dành thời gian để trả lời những câu hỏi phỏng vấn của tôi. Tôi cũng xin cám ơn cơ quan công tác đã giúp đỡ tôi trong việc học tập. Lời cuối cùng tôi hết sức cám ơn gia đình, người thân và bạn bè đã luôn động viên, giúp đỡ tôi trong việc thực hiện luận văn. Trân trọng kính chào Tác giả luận văn Lê Thị Thúy Hằng MỞ ĐẦU 1.Lý do chọn đề tài 1.1.Vai trò của phê bình trong đời sống văn học rất quan trọng. Phê bình là “ý thức triết học” (Biêlinski) của chính nền văn học. Hoạt động phê bình thể hiện khả năng tự ý thức của đời sống văn học. Đó là dấu hiệu trưởng thành của đời sống văn học và là điều kiện không thể thiếu của một nền văn học hiện đại: “Phê bình trở thành người bạn đường thường xuyên của văn học và không thể tưởng tượng được văn học mà lại thiếu phê bình” (Pospelov ). Trong đó nhà phê bình giữ một vị trí to lớn. Họ là một người đọc chuyên nghiệp có thể phát huy ảnh hưởng ngay cả trong quá trình sáng tác của nhà văn. Khi giới thiệu, giải thích tác phẩm, chính nhà phê bình đã tiếp tục công việc của nhà văn, truyền bá tư tưởng cảm xúc của tác giả theo cách riêng. Bằng cách đó, phê bình tác động lại sáng tác, gợi ý hay nêu vấn đề, kích thích sự tìm tòi của nghệ sĩ. Qua phê bình văn học, nhà văn có thể tự điều chỉnh mình trong lĩnh vực sáng tác. Phê bình văn học cũng có tiếng nói tác động đến sự phổ biến tác phẩm và thị hiếu của người đọc. Nó giải thích, hướng dẫn để người đọc hiểu được cái hay, cái dở của tác phẩm, giúp họ hiểu đúng chiều sâu tư tưởng của tác phẩm. Từ đó phê bình góp phần cải tạo hoặc nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, đánh thức cảm xúc về cái đẹp và tinh thần sáng tạo nơi người đọc. 1.2.Ở nước ta, cho dù nền văn học dân tộc vốn hình thành, phát triển từ sớm nhưng phê bình văn học với tư cách là một thể loại, một nghề chuyên môn thì lại ra đời khá muộn. Mãi đấn những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ XX, mới xuất hiện một số tác phẩm của một số nhà phê bình , nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như “Phê bình và cảo luận” (1933) của Thiếu Sơn, “Thi nhân Việt Nam” (1941) của Hoài Thanh- Hoài Chân, “Việt Nam văn học sử yếu” (1941) của Dương Quảng Hàm, “Nhà văn hiện đại” (1942) của Vũ Ngọc Phan,… Từ năm 1945 đến nay, dù đội ngũ phê bình đông đảo hơn nhưng lực lượng phê bình chuyên nghiệp rất ít ỏi, các nhà phê bình thực sự có uy tín được giới sáng tác và công chúng thừa nhận lại càng hiếm hoi. Trong số đó, có thể nói Vương Trí Nhàn là nhà phê bình chuyên tâm với nghề. Từ khi xuất hiện trên văn đàn đến nay, đã hơn 43 năm, Vương Trí Nhàn luôn dành nhiều tâm sức, thời gian, viết nhiều có hệ thống và để lại nhiều tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học. Ông đã tạo được một phong cách riêng, như Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Trong số những cây bút phê bình lý luận Việt Nam hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy”[7]. Tìm hiểu, nghiên cứu phê bình của Vương Trí Nhàn một cách toàn diện, nhất định chúng ta sẽ rút ra những bài học bổ ích, những kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển của nền phê bình văn học hôm nay. 1.3.Những trang viết của Vương Trí Nhàn gắn bó chặt chẽ với văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. Ông đã đi sâu tìm hiểu những khuôn mặt lớn của văn học quá khứ đến những hiện tượng đáng chú ý của văn học đương thời. Qua những trang phê bình của ông, bức tranh văn học Việt Nam ở các thời kì hiện lên thật sống động, chân thực. Khảo sát sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, chúng ta sẽ có điều kiện hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn toàn cảnh và động thái của văn học Việt Nam. 1.4.Hơn nữa, lâu nay, sáng tác thường được ưu tiên nghiên cứu hơn phê bình. Đã đến lúc cần có một sự quan tâm thích đáng về lĩnh vực này. Chọn đề tài “Khảo sát sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn”, chúng tôi muốn góp phần mang lại sự công bằng cho phê bình văn học. Mặt khác, giảng dạy và học tập văn chương trong nhà trường phổ thông tuy có những nét đặc thù, riêng biệt nhưng nhìn ở một phương diện nào đấy, nó cũng chính là một cách đưa văn học trở về với công chúng. Những tập sách giới thiệu, phê bình văn học đầy sức hấp dẫn của Vương Trí Nhàn vừa là một kho kiến thức, tư liệu văn học đồ sộ, vừa là những bài học có ý nghĩa cho những ai muốn thực sự đi vào con đường học tập, giảng dạy, nghiên cứu văn học. 2.Lịch sử vấn đề Những bài nghiên cứu đầu tiên của Vương Trí Nhàn được đăng báo Văn nghệ năm 1965. Nhưng đến đầu những năm chín mươi, nhà phê bình này mới được đánh giá cao. Những bài viết về Vương Trí Nhàn chủ yếu đăng trên các báo, các trang web trên mạng. Năm 1993, tập chân dung và phiếm luận Những kiếp hoa dại (NXB Hội Nhà văn) ra đời, được đông đảo các nhà phê bình và bạn đọc đã đón nhận nó. Trên báo Nhân dân chủ nhật ra ngày 8/5/1993, Nguyễn Văn Thành, trong bài “Từ người đến văn” đã cho rằng: “Những kiếp hoa dại không đi vào phân tích những tác phẩm văn học cụ thể mà thường xuất phát từ hiểu biết con người nhà văn, kết hợp với ấn tượng khi tiếp xúc với tác phẩm của họ để “tưởng tượng”, suy nghiệm ra những liên hệ giữa tác giả và tác phẩm”[108]. Bài viết đã phân tích một số nét đặc sắc về cách viết chân dung của Vương Trí Nhàn và đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Các tác giả khác cũng chỉ ra phong cách phê bình của Vương Trí Nhàn. Ngô Thế Oanh nhận xét: “Nhưng có lẽ đến “Những kiếp hoa dại Vương Trí Nhàn mới cho ta thấy hết phong cách viết chân dung của anh. Viết từ sở trường của một nhà phê bình văn học. Nghĩa là luôn luôn nhìn văn học trong dòng chảy của những biến động. Chỉ viết những gì đặt ra từ những yêu cầu, đòi hỏi của văn học đương đại”[92]. Cách viết của Vương Trí Nhàn hết sức phong phú, hấp dẫn: “Khi mực thước trân trọng, khi suồng sã thân mật, anh kéo ta đi cùng với anh qua những tưởng tượng đôi khi thật phóng túng nhưng bao giờ cũng thú vị. Ta có thể không đồng ý với anh, có thể trao đổi lại, tranh luận... nhưng bao giờ anh cũng giữ được cái duyên cho ngòi bút của mình”(Bài “Sự tận tâm nghề nghiệp”, Báo Phụ nữ TP.HCM 30/7/1994) [92] Gần với ý kiến của Ngô Thế Oanh, trên Tạp chí Văn học năm 1995, qua bài viết “Phác họa Vương Trí Nhàn từ “Những kiếp hoa dại”, Chu Văn Sơn nhận định: “Có lẽ Vương Trí Nhàn hợp với chất giọng có vẻ nghịch lý này: Lịch lãm mà suồng sã…Tỏ ra là một cung cách lịch lãm về kiến văn, sành sõi trong thưởng ngoạn, Vương Trí Nhàn đã đem đến cho Những kiếp hoa dại một vẻ trang trọng mà thân mật, tinh tế mà bình dị” [101, tr.52]. Còn nhà phê bình Thiếu Mai trong tập sách Hái giữa đôi bờ thì phát biểu: “Điều dễ nhận thấy trước hết, cũng là điều đáng quý qua những trang phê bình của Vương Trí Nhàn là một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước cái đẹp của nghệ thuật văn chương cũng như cái đẹp và những nỗi đau trong cuộc đời. Cây bút phê bình này khát khao "tự đào luyện thành một trí thức chân chính, điều ấy càng ngày càng hiện lên như một mơ ước". Anh chịu khó học hỏi, tích luỹ thường xuyên cho mình một thứ vốn liếng cơ bản về mọi mặt. Mặt khác anh có ý thức thu nhặt, lượm lặt các câu chuyện dưới dạng chuyện phiếm, tiếu lâm trong cuộc sống, cũng như quanh cuộc trò chuyện, tâm sự lúc trà dư tửu hậu của các văn nhân thi sĩ [61, tr. 146). Hai bai viết của Chu Văn Sơn và Thiếu Mai đã phân tích từ giá trị của tác phẩm đến quan niệm, tư tưởng, phương pháp giọng điệu phê bình của Vương Trí Nhàn một cách cụ thể, chi tiết. Trong lời tựa Những kiếp hoa dại, khi tác phẩm này được tái bản năm 2001, Văn Tâm cũng có những lời ngợi ca: “Trí tuệ và cả trái tim mẫn nhuệ của tác giả đặc biệt thể hiện ở chỗ: khi khái quát hoặc phân tích những đối tượng nghiên cứu phê bình văn học, đã thường xuyên phát hiện được nhiều điều mới lạ, thậm chí rất mới mẻ- dẫu rằng mấy đối tượng ấy của khoa họa văn học đã bao lần hiện diện trước mắt những cây bút nghiên cứu phê bình văn học khác” [72, tr.5-6] Cánh bướm và đoá hướng dương xuất bản năm 1999 và tái bản ngay năm năm sau với tên là Nghiệp văn đã được giới phê bình nồng nhiệt đón nhận. Trên báo Lao động ra ngày 31/7/1999, Lưu Khánh Thơ” viết:"Với Cánh bướm và đoá hướng dương, Vương Trí Nhàn đã tạo được cho mình một phong cách và giọng điệu riêng, là điều ít được gắn cho một cây bút phê bình…Các chân dung văn học của Vương Trí Nhàn không phải là những bộ mặt tinh thần đầy đủ, hoàn chỉnh của nhân vật đó, mà phần lớn chỉ là những nét phác họa, ấn tượng và đậm nét. Viết về ai anh cũng cố gắng nắm bắt và chỉ ra cái "thần" của riêng người đó, ghi nhận cái độc đáo có một không hai mà chỉ riêng họ mới có” [111] Còn Nguyễn Văn Thành trong bài “Cánh bướm và đoá hướng dương” (Phụ san Việt Nam quân đội (25/6/1999) thì cho rằng: “Vương Trí Nhàn cảm nhận văn chương thường ưa thích vận dụng so sánh, liên tưởng nhà văn này tới nhà văn khác, từ chuyện văn chương tới chuyện làm ăn, sinh hoạt nhằm cụ thể hóa sự lý giải của mình”[109] Với “Một người trong số… ít người…”(Báo Văn nghệ TP.HCM số 26 (bộ mới) ngày 22/7/1999), Nguyễn Đình Chính cũng chỉ ra nét độc đáo trong cách viết của Vương Trí Nhàn:"Ngày xưa... Vương Trí Nhàn là một cây bút viết phê bình tiểu luận văn học khá bài bản, kinh viện. Nhưng bây giờ, khoảng 10 năm đổ về đây Vương Trí Nhàn được biết đến như một nhà báo viết bình luận văn học sắc sảo, hóm hỉnh không thiếu sự sòng phẳng, cay nghiệt, cồm cộm” và “Điều cuối cùng mà tôi muốn nói khi đọc “Cánh bướm và đoá hướng dương” là cái công trạng “báo chí hóa” cách viết phê bình tiểu luận văn nghệ của ông Vương Trí Nhàn. Cách viết này nó tốc độ, nó ngắn gọn, đầy ắp thông tin cụ thể, ít lý luận con cà con kê, ít định kiến và nhiều dân chủ tạo ra sự hấp dẫn và mối giao lưu với đông đảo người đọc”[13] Nhà phê bình Xuân Sách thì chú ý cách thức làm việc của Vương Trí Nhàn: “Với lao động cần mẫn, học hỏi thể nghiệm, với vẻ nhút nhát khiêm nhường, nhưng Vương Trí Nhàn luôn trăn trở tìm cho mình một cách viết, một cách nghĩ và trau dối bản lĩnh của người cầm bút. Có lúc đúng, lúc sai nhưng Vương Trí Nhàn luôn kiên trì tin tưởng và theo đuổi con đường mong đạt tới sự thiêng liêng của nghệ thuật chân chính. Vương Trí Nhàn đã tạo cho mình một khuôn mặt riêng đặc sắc” [100] Nhìn chung, qua hai tập sách trên, các nhà phê bình và độc giả đánh giá cao những đóng góp của Vương Trí Nhàn. Trịnh Bá Đĩnh trong bài “Ba kiểu nhà phê bình hiện đại” (trang web talawas.com) xếp Vương Trí Nhàn vào mẫu nhà bình giải văn học: “Trong số các nhà phê bình nửa cuối thế kỉ theo tôi Vương Trí Nhàn và Nguyễn Đăng Mạnh cũng thuộc mẫu nhà bình giải văn học. Vương Trí Nhàn khi viết lời tự thú đã nói: “Tôi thấy mình thuộc một dạng phê bình cổ hơn” (so với phê bình phân tâm, phê bình cấu trúc, phê bình kí hiệu học) tức là phê bình dựa hẳn vào cảm nghĩ cá nhân và đặt phê bình vào khu vực của văn chương trước tiên, sau mới là của khoa học”. Dựa hẳn vào cảm nghĩ cá nhân là dựa hẳn vào thị hiếu và trải nghiệm riêng, quan niệm này ăn khớp với thực tiễn phê bình nhà văn và tác phẩm của ngòi bút Vương Trí Nhàn. Còn việc coi phê bình cũng thuộc khu vực của văn chương và là một thể loại tương đương với các thể loại văn học khác thì ta đã từng thấy ở các nhà phê bình “vị nghệ thuật”[25]. Nguyễn Huệ Chi thì cho rằng “Trong số những cây bút phê bình lý luận văn học hiện đại, Vương Trí Nhàn là một người từ mấy chục năm nay đã tạo được một giọng điệu riêng khó lẫn. Ông không phải là người tiếp cận thật sâu một vấn đề gì đó và triển khai nó đến tận cùng, mà thường vấn đề gì cũng lướt qua một cách nhẹ nhàng, nhưng lại có những nhận xét khá thâm thúy”(11/4/2006) [7]. Năm 2003, tác phẩm Cây bút đời người của Vương Trí Nhàn đạt giải B Hội Nhà văn Việt Nam và đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau. Phạm Khải có bài “Đời thường hóa, hay tầm thường hóa?” để trao đổi với Vương Trí Nhàn. Phạm Khải cho rằng: “Viết về cái tốt để mọi người noi theo, thấy yêu cuộc đời hơn. Viết về cái xấu để mọi người cảnh giác, tránh xa. Nhưng với trường hợp đối tượng phản ánh là các nhà văn nổi tiếng đã quá cố, câu hỏi đặt ra là: Viết về cái xấu của họ để làm gì? Để giúp độc giả nhận ra “chân tướng” của họ ư? Để độc giả bớt yêu tác phẩm của họ hơn? Vả chăng, những điều gọi là xấu ấy ai kiểm chứng? Chưa nói điều anh cho là xấu chắc gì đã xấu?” [45] Một số bài viết gần đây của Vương Trí Nhàn được đăng trên mạng cũng gây nhiều phản ứng khác nhau trong giới phê bình. Như về bài “Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải” (trên các trang web nguoibanduong.net, viet-studies.info, talawas.org), Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Bài anh Vương Trí Nhàn sắc sảo quá nhưng như một số bạn bè trao đổi với nhau, cũng khí cay nghiệt quá” [12]. Và mới đây nhất là bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” (trên trang web hoinhavanvietnam.vn) làm cho dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng ý kiến phản bác cũng không ít, tiêu biểu là hai ý kiến của Phạm Khải và Phan Thị Vàng Anh được đăng tải khá nhiều trên các trang web. Phạm Khải nhận định: “…với một người từng viết nhiều về Tô Hoài, và viết với thái độ thành kính như Vương Trí Nhàn trước đây, có nên chăng tung ra với mật độ khá dày những lời (cả của mình lẫn của đồng nghiệp) có tính thóa mạ bậc đàn anh một cách thoải mái, vô tư đến vậy?”(Bài “Ngạc nhiên và thất vọng”, phongdiep.net). Còn nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong bài “Nỗi hận của kẻ ở gần” (trang web phongdiep.net, vanchinh.net) thì nhận xét khá gay gắt: “Nghĩ mà buồn cười. Ông Vương Trí Nhàn lấy tên bài là “ở một khoảng cách gần”, nhưng những lời nói không hay về nhà văn Tô Hoài thì ông toàn nghe qua người này người nọ, tự ông hoàn toàn không có kiểm chứng, thậm chí bằng một phương thức đơn giản nhất là hỏi lại nhà văn xem có đúng thế không”. Cả hai tác giả đều không đồng tình với cách viết của Vương Trí Nhàn. Tóm lại, từ tình hình nghiên cứu vấn đề như trên, có thể thấy rằng, những trang viết của Vương Trí Nhàn thường được văn giới quan tâm. Tuy nhiên các bài viết trên chỉ đề cập một vài nét về đóng góp của Vương Trí Nhàn chứ chưa phải là một chuyên luận nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện những đóng góp của ông qua các tác phẩm phê bình. Vì vậy, luận văn này sẽ cố gắng tiếp cận đầy đủ tư liệu của Vương Trí Nhàn và phân tích, lý giải một cách hệ thống để đưa ra một cái nhìn tổng quan, toàn cảnh về sự nghiệp phê bình văn học của một nhà phê bình có thể nói là rất chuyên tâm với nghề. 3.Mục tiêu nghiên cứu Khảo sát toàn bộ sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, luận văn hướng đến các mục tiêu sau: -Tìm hiểu quan niệm về văn học và phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, coi đây là cơ sở nhận thức luận tạo nên phương pháp phê bình của ông. -Đánh giá thành tựu trong lĩnh vực phê bình, nghiên cứu văn học của Vương Trí Nhàn qua từng chặng đường. Đồng thời điểm lại những tác phẩm, công trình tiêu biểu, những mảng đề tài nổi bật gắn với tiến trình phát triển của nền văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. -Tiến hành so sánh Vương Trí Nhàn với một số nhà phê bình văn học tiêu biểu cùng thời nhằm bước đầu phát hiện những nét nổi bật trong phong cách phê bình của Vương Trí Nhàn. Từ đó khẳng định vị trí và đóng góp lớn lao của ông trong lĩnh vực phê bình nói riêng và đời sống văn học nói chung. 4.Đối tượng nghiên cứu 4.1.Đối tượng nghiên cứu của luận văn là toàn bộ tác phẩm phê bình của Vương Trí Nhàn, gồm: - Bước đầu đến với văn học (NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986) - Những kiếp hoa dại (NXB Văn nghệ, TP.HCM, 2001) - Nghiệp văn (NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001) - Buồn vui đời viết (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000) - Chuyện cũ văn chương (NXB Văn học, Hà Nội, 2001) - Cây bút đời người (NXB Trẻ, TP.HCM, 2002) – giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và Hội nhà văn Việt Nam - Ngoài trời lại có trời (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003) - Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, từ đầu thế kỷ cho tới 1945 ( NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005) 4.2. Ngoài ra luận văn còn khảo sát so sánh các công trình phê bình có liên quan đến Vương Trí Nhàn, cùng những sáng tác mà Vương Trí Nhàn đề cập trong trang viết của mình. 4.3. Cuối cùng, việc tham khảo một số tài liệu lý luận về phê bình văn học sẽ giúp cho người viết có những căn cứ lý thuyết để tiến hành nghiên cứu đề tài. 5.Phương pháp nghiên cứu: Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu và tính chất của đề tài, trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi vận dụng đồng thời những phương pháp cơ bản sau đây: 5.1.Phương pháp tập hợp, thống kê, phân loại: Sự nghiệp phê bình nghiên cứu văn học của Vương Trí Nhàn hết sức phong phú, đa dạng. Phương pháp tập hợp, thống kê, phân loại sẽ giúp cho việc sưu tập, sắp xếp các tác phẩm phê bình nghiên cứu của Vương Trí Nhàn theo trật tự thời gian và phân loại theo từng thể tài, từng vấn đề cần giải quyết để tăng cường chính xác trong nghiên cứu. 5.2.Phương pháp hệ thống: Người viết sẽ tập hợp sắp xếp lại những ý kiến của Vương Trí Nhàn theo các quan niệm phù hợp với yêu cầu của luận văn. 5.3.Phương pháp so sánh: gồm có hai cách so sánh nhau: -Đồng đại: so sánh các quan niệm, nội dung trang viết, phương pháp và phong cách phê bình văn học của Vương Trí Nhàn với các nhà nghiên cứu khác cùng thời với ông. -Lịch đại: đối chiếu với những quan niệm, nội dung trang viết, phương pháp và phong cách phê bình văn học của các tác giả trước đó và sau này, từ đó thấy được những nét đặc sắc trong phê bình văn học của Vương Trí Nhàn. 5.4.Phương pháp lịch sử: Người viết sẽ đặt hệ thống quan niệm và những nét chính của phê bình văn học của Vương Trí Nhàn vào dòng chảy của văn học nước nhà và văn học các nước khác có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam. Ngoài ra luận văn còn sử dụng các phương pháp như phân tích, liệt kê,… để hỗ trợ thêm cho công việc nghiên cứu. 6.Ý nghĩa khoa học và thực tiễn 6.1. Ý nghĩa khoa học: - Với đề tài này, trước hết, luận văn sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin xác thực và hệ thống về Vương Trí Nhàn. Thứ đến, là góp phần bổ sung vào việc nghiên cứu đời sống phê bình văn học Việt Nam và sau cùng là góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa phê bình và sáng tác. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn: -Qua việc khảo sát về sự nghiệp phê bình văn học của Vương Trí Nhàn, chúng ta có thể thấy được những vấn đề có ý nghĩa đổi mới đối với phê bình văn học hiện nay. Từ đó góp phần quan trọng vào việc học tập, giảng dạy văn học trong nhà trường phổ thông. 7.Giới thiệu sơ lược cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu (2 trang), Kết luận (2 trang), Tài liệu tham khảo (127 đề mục), luận văn gồm có các chương, mục chính như sau: Chương 1: Vương Trí Nhàn, quá trình hoạt động và quan niệm văn học (23 trang) 1.1.Vương Trí Nhàn, quá trình hoạt động văn học 1.1.1.Đôi nét về tiểu sử 1.1.2.Hơn 40 năm làm phê bình văn học 1.1.3.Qua tiếp nhận của đồng nghiệp 1.2.Quan niệm về văn học và phê bình văn học 1.2.1.Quan niệm về văn học 1.2.2.Quan niệm về phê bình văn học Chương 2: Vương Trí Nhàn với văn chương Việt Nam và thế giới ( 60 trang) 2.1.Tìm lại những mùa quá khứ 2.1.1.Những giá trị cổ điển 2.1.2. Những giá trị của buổi giao thời 2.2.Đứng giữa dòng 2.2.1.Dòng thơ ca 2.2.2.Dòng văn xuôi 2.3.Nhìn ra thế giới 2.3.1.Phê bình văn học Nga- Xô viết 2.3.2. Phê bình văn học phương Tây Chương 3: Vương Trí Nhàn, phương pháp và phong cách phê bình văn học (35 trang) 3.1.Một sự dung hợp nhiều phương pháp 3.1.1.Phác họa những chân dung văn học 3.1.2.Bình và giảng 3.1.3.Cái nhìn đa chiều 3.2.Phong cách phê bình nghệ thuật hay phong cách phê bình báo chí 3.2.1.Những trang văn giàu tính nghệ thuật 3.2.2.Những trang viết giàu chất thông tin Chương 1 VƯƠNG TRÍ NHÀN, QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ QUAN NIỆM VĂN HỌC 1.1.Vương Trí Nhàn- Quá trình hoạt động văn học 1.1.1 Đôi nét về tiểu sử Vương Trí Nhàn sinh ngày 15 – 11 – 1942 tại Hà Nội. Quê quán ông ở xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi ông sinh ra và lớn lên là một vùng đất có nhiều truyền thống văn hóa và văn học. Vương Trí Nhàn học khoa văn Đại học Sư Phạm Hà Nội, hệ 3 năm, cùng thế hệ với Ma Văn Kháng, Lâm Quang Ngọc, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Sau khi tốt nghiệp ông vào quân đội thuộc Quân khu Tây Bắc, đóng ở Sơn La. Trong quân đội, ông có nhiệm vụ chính là dạy học và về sau làm báo. Từ tháng 3 năm 1965, ông bắt đầu có bài viết đăng trên Văn nghệ, Văn nghệ quân đội. Từ năm 1985 trở đi, bài của ông còn xuất hiện trên các tạp chí Thể thao văn hóa, Tuổi trẻ chủ nhật, Kiến thức ngày nay và Tạp chí Văn học. Đầu năm 1968, Vương Trí Nhàn chuyển về công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội. Tới đầu năm 1979 nhà phê bình sang công tác ở Nhà xuất bản Hội nhà văn. Việc này có ảnh hưởng quyết định đến những tác giả, những đề tài mà ông quan tâm cũng như ảnh hưởng tới cách viết của ông. Năm 1977, ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Bắt đầu học tiếng Nga từ đầu thập niên 1970, Vương Trí Nhàn có một số bài dịch về một số tác phẩm văn học và biên soạn một tập sách mang tên Sổ tay truyện ngắn dựa vào tài liệu tiếng Nga. Lúc đầu ông chỉ tập trung về mảng văn học đương đại. Đến đầu thập niên 1980, ông quan tâm tới văn học sử, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Tới đầu thập niên 1990, trước các hiện tượng văn học quen thuộc, ông lại muốn ngả sang cách tiếp cận văn hóa học. Ông học thêm về lịch sử, dân tộc học, xã hội học. Hiện nay ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các hiện tượng văn hóa. Tóm lại, hơn 30 năm, Vương Trí Nhàn đã có một quá trình liên tục tự học hỏi, làm mới phong cách của mình. 1.1.2 Hơn 40 năm làm phê bình văn học Về sự nghiệp phê bình văn học, lúc đầu ông chỉ tập trung về mảng văn học đương đại. Trong tập phê bình – tiểu luận Bước đầu đến với văn học (NXB Tác phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam, 1986), tác giả đã nêu cảm nhận của mình về một số nhà văn hiện đại như Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nam Cao... Ở mỗi tác giả, ông chọn ra những câu thơ tiêu biểu, những truyện ngắn, bút kí để phân tích một số nét đặc sắc trong nội dung và nghệ thuật và đánh giá về những đóng góp của họ đối với văn học và cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, Vương Trí Nhàn cũng viết về các bài phê bình. Bước đầu đến với văn học cũng nêu lên một số suy nghĩ của tác giả về nhà văn, bạn đọc, về các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn. Thứ hai là tác phẩm Cánh bướm và đóa hướng dương, viết về chân dung các nhà văn dưới nhiều lát cắt khác nhau, bằng những trải nghiệm của mình, theo cách riêng của mình. Tập sách phác họa chân dung 39 nhà văn từ cổ điển tới hiện đại. Với các nhà văn cổ điển hay các nhà văn đã qua đời từ lâu mà ông chưa có dịp tiếp xúc, Vương Trí Nhàn dành nhiều công sức khảo cứu và khái quát phong cách của từng người: Tản Đà “tự nhiên, thành thực cùng một chút say sưa”, Ngô Tất Tố “nhà nho thức thời, ngòi bút tình cảm”, Phan Khôi “hình ảnh còn lại”, Thạch Lam “về với cội nguồn từ văn hóa”, Vũ Trọng Phụng “say mê và tâm huyết”, Hồ Dzếnh “người lữ hành đơn độc trong nữa thế kỉ văn học”, Hàn Mặc Tử “hồn thơ siêu thoát”…Nhưng có lẽ đều đặn và sinh động hơn cả là những trang viết về những đời văn kéo dài suốt hai nửa thế kỉ: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Tế Hanh, Thanh Tịnh,… và gần với chúng ta hơn: Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu,… Không chỉ qua tác phẩm mà còn qua chính cuộc đời của họ, Vương Trí Nhàn đã khắc họa rõ nét những chân dung tác giả trong nền văn học nước nhà. Thứ ba là tập phiếm luận Buồn vui đời viết (NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2000), tập hợp những bài viết các mục sổ tay văn nghệ, tạp ghi, phiếm luận,… của tác giả trên các tờ báo. Với lối trò chuyện thân mật, từ kinh nghiệm của một người trong cuộc, Vương Trí Nhàn đã phác họa lại đời sống văn học với một ít ngóc ngách cụ thể của nó. Qua tập sách, tác giả đã đưa ra những ý kiến của mình về phê bình văn học như bài “Phê bình trong cơ chế tự thỏa mãn”, “Làng văn có gì vui”, “Trả giá ắt là đau đớn”, … về nhà văn như các bài “Bao giờ có mặt hàng riêng”, “Nhớ lại một cuộc phiêu lưu có hậu”, …, về tác phẩm văn học và bạn đọc như bài “Ai biết hỏi ai”, “Còn phải tính tới bạn đọc nữa chứ”,… Ở các bài viết khác ông phản ánh tình hình văn học hiện tại với một số khía cạnh như: số phận của tác phẩm, những chuyện riêng của giới văn nghệ sĩ, những mặt trái trong nghề cầm bút, những yêu cầu của thời đại đối với văn học. Thứ tư là tập chân dung và phiếm luận Những kiếp hoa dại (NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2001). Với cách viết ngắn gọn, sinh động, Vương Trí Nhàn đã đề cập nhiều vấn đề của văn học Việt Nam từ cận đại tới ngày nay và một số tác giả của văn học nước ngoài. Những tác giả của văn học trung đại cuối thế kỉ XIX như Nguyễn Gia Thiều, Tú Xương, Hồ Xuân Hương đã được ông trình bày một cách rõ ràng, đặc biệt ông tưởng tượng ra cuộc phỏng vấn của mình với Tú Xương và Hồ Xuân Hương. Với văn học hiện đại, Vương Trí Nhàn cũng đi sâu tìm hiểu một số tên tuổi được xem như tiêu biểu của mỗi giai đoạn văn học: Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Xuân Quỳnh, Nguyễn Huy Thiệp,… Với những trải nghiệm trong cuộc sống và năng lực của bản thân, Vương Trí Nhàn đã khái quát được phong cách của mỗi tài năng trong nền văn học. Ông cũng đã phân tích những con đường sáng tạo riêng của những tác giả và có những phát hiện phong phú. Những phần sau của Những kiếp hoa dại Vương Trí Nhàn nêu lên một số vấn đề trong đời sống văn học và những suy nghĩ, trăn trở của ông về văn học cũng như công tác phê bình. Thứ năm là tập chân dung văn học Cây bút đời người (NXB Trẻ, TP.HCM, 2002). Đây là tập sách đạt giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội và Hội nhà văn Việt Nam năm 2003. Trong suốt cuộc đời làm nghề, tác giả có điều kiện sống gần gũi với các nhà văn nhà thơ, ở cùng cơ quan, hàng ngày trò chuyện với họ, cùng họ bàn bạc về công việc văn chương cũng như việc đời. Bên cạnh các tác phẩm, mỗi nhà văn nhà thơ có một cuộc sống riêng với những nét tính cách độc đáo khác nhau. Trong khi một số nhà phê bình có xu thế lý tưởng hóa những người viết văn, xem họ là những cây bút tâm huyết thì Vương Trí Nhàn cho rằng những người viết văn cũng bình thường như bao người khác, họ có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý, trừ một số tài năng sáng chói. Mỗi con người đều có một số phận riêng, một tính cách riêng. Ngoài những tài năng sáng chói nổi bật trên nền văn học nước nhà, tác giả còn tìm hiểu cuộc đời của những nhà văn không mấy nổi tiếng, phát hiện ra những nét riêng, cách phấn đấu riêng và bi kịch riêng của đời họ. Trong tập sách này, ông tìm hiểu về cuộc đời Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ với những bi kịch trong cuộc sống, từ đó giúp người đọc có cái nhìn cảm thông, đồng cảm với những nỗi niềm trong tác phẩm của hai nhà thơ. Bên cạnh đó, Cây bút, đời người còn đề cập đến hình ảnh của một số tác giả khác như Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thanh Tịnh,… đặc biệt trong đó tác giả còn tìm hiểu những nhà phê bình Nhị Ca, Xuân Diệu. Chân dung các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hiện lên thật đầy đặn và sinh động. Có những người Vương Trí Nhàn đã từng trình bày qua các tác phẩm trước, ở đây vẫn được tiếp tục trình bày một cách cụ thể, đầy đủ và đồng thời ông còn đưa ra những cách giải thích mới về họ. Quả thật qua những trang sách về văn học đương đại này, độc giả có thể có thêm nhiều bài học bổ ích trong việc tìm hiểu về tác giả và tác phẩm. Tập tiểu luận, phê bình cuối cùng về mảng văn học trong nước là Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX cho tới năm 1945 (NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2005). Việc tìm hiểu và đánh giá văn học Việt Nam giai đoạn này có thể tiến hành theo nhiều hướng. Trong tập sách, tác giả đã xem xét văn học lúc này như hình ảnh của một sự chuyển biến mạnh mẽ mang ý nghĩa đặc biệt. Nền văn học bấy giờ phát triển theo xu hướng hội nhập với văn học thế giới và đây là một giai đoạn đẹp đẽ, đáng ghi nhớ trong đời sống tinh thần của dân tộc. Phần đầu tập sách là những bài trình bày các vấn đề mang tính chất lý luận như giới thuyết về khái niệm hiện đại, sự phát triển của các thể văn xuôi như phóng sự, tùy bút. Sau đó Vương Trí Nhàn đi vào các tác giả cụ thể như Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Thạch Lam, Nam Cao,… Một số cây bút đã trở thành đối tượng miêu tả và đánh giá của nhiều công trình nghiên cứu. Ở đây Vương Trí Nhàn “tìm cách chỉ ra cách làm văn học của họ, cách tồn tại của họ trong văn học cũng như ý nghĩa xã hội mà người ta rút ra từ sự tồn tại này” [74, tr 8]. Đối với một số trường hợp, ông còn “đi vào cách viết của họ, những đóng góp của họ về mặt hình thức thể loại, nó cũng là phương diện cho thấy tinh thần hiện đại đã thấp sâu vào trong mỗi nhà văn và chuyển thành những giá trị nghệ thuật mới mẻ” [74, tr 9]. Mảng văn học nước ngoài cũng là một nội dung nghiên cứu trong các tập sách của Vương Trí Nhàn. Tập tiểu luận, phê bình Ngoài trời lại có trời (NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2003) tập hợp chân dung của một số tác giả Nga như Dostoievski, Tchékhov, Meyerhold, tác giả Pháp như Ehrenbourg, tác giả Mỹ như Hemingway, J. Baldwin, tác giả Anh như Maugham,… Những bài viết gợi ra nhiều vấn đề về con người và văn học. Ẩn đằng sau nhiều bài viết về văn học nước ngoài vẫn là những thao thức về đời sống văn học Việt Nam từ những năm 1980 đến nay, như sự cấp thiết phải thoát khỏi việc sa lầy vào chủ nghĩa quan liêu, làm sao để văn học trở thành chính mình, thành một tiếng nói trung thực, có ích,… Nhìn chung, những tác phẩm phê bình văn học của Vương Trí Nhàn đã phản ánh một cách chân thực, sinh động quá trình phát triển của nền văn học và sự đa dạng của nó. 1.1.3 Qua tiếp nhận của đồng nghiệp Về ý thức học hỏi của Vương Trí Nhàn, nhiều nhà phê bình đã đề cập đến. Nhà phê bình Thiếu Mai phát biểu qua tập sách Hái giữa đôi bờ “Cây bút phê bình này khát khao "tự đào luyện thành một trí thức chân chính, điều ấy càng ngày càng hiện lên như một mơ ước". Anh chịu khó học hỏi, tích luỹ thường xuyên cho mình một thứ vốn liếng cơ bản về mọi mặt. Mặt khác anh có ý thức thu nhặt, lượm lặt các câu chuyện dưới dạng chuyện phiếm, tiếu lâm trong cuộc sống, cũng như quanh cuộc trò chuyện, tâm sự lúc trà dư tửu hậu của các văn nhân thi sĩ [61, tr146]. Trong bài viết “Đọc Cánh bướm và đoá hướng dương” (trên trang web vuongdangbi.blogspot.com) nhà phê bình Xuân Sách nêu lên cách thức làm việc của Vương Trí Nhàn: “Với lao động cần mẫn, học hỏi thể nghiệm, với vẻ nhút nhát khiêm nhường, nhưng Vương Trí Nhàn luôn trăn trở tìm cho mình một cách viết, một cách nghĩ và trau dồi bản lĩnh của người cầm bút. Có lúc đúng, lúc sai nhưng Vương Trí Nhàn luôn kiên trì tin tưởng và theo đuổi con đường mong đạt tới sự thiêng liêng của nghệ thuật chân chính. Vương Trí Nhàn đã tạo cho mình một khuôn mặt riêng đặc sắc” [100]. Vương Trí Nhàn là một người luôn có tinh thần học hỏi, ông tích lũy kiến thức về cuộc sống theo nhiều cách khác nhau. Với chỗ đứng của một người trong giới, ông càng có điều kiện thu nhận những câu chuyện liên quan tới các nhà văn. Mặt khác, ông luôn trăn trở tìm ra một cách viết riêng, thể hiện bản lĩnh, cá tính của mình. Ở đây ý kiến của các nhà phê bình về Vương Trí Nhàn cho thấy quan niệm về phê bình của ông đã được thực hiện một cách đúng đắn. Cách thức phê bình của Vương Trí Nhàn cũng được nhiều nhà phê bình khác quan tâm tìm hiểu. Nguyên Trường trên trang web Báo eVan ngày 21/12/2006 thì nhận thấy: “Những trang viết của Vương Trí Nhàn không bao giờ tẻ nhạt. Ông viết về chân dung các nhà văn dưới nhiều lát cắt khác nhau, bằng những trải nghiệm của mình, theo cách riêng của mình” [123]. Và trên báo Lao động ra ngày 31/7/1999, Lưu Khánh Thơ trong bài “Cánh bướm và đoá hướng dương”đưa ra ý kiến:" Các chân dung văn học của Vương Trí Nhàn không phải là những bộ mặt tinh thần đầy đủ, hoàn chỉnh của nhân vật đó, mà phần lớn chỉ là những nét phác hoạ, ấn tượng và đậm nét. Viết về ai anh cũng cố gắng nắm bắt và chỉ ra cái "thần" của riêng người đó, ghi nhận cái độc đáo có một không hai mà chỉ riêng họ mới có” [111]. Như vậy do tựa hẳn vào cảm nghĩ cá nhân nên Vương Trí Nhàn có cách tiếp cận vấn đề riêng. Đặc biệt, những trang viết về chân dung nhà văn của ông khá sâu sắc và độc đáo. Nhiều nhà phê bình đã đồng tình về cách thức phê bình này của Vương Trí Nhàn và đánh giá ông rất cao. Cuối cùng, về phong cách và giọng điệu phê phê bình của Vương Trí Nhàn, Ngô Thế Oanh nhận xét: “Khi mực thước trân trọng, khi suồng sã thân mật, anh kéo ta đi cùng với anh qua những tưởng tượng đôi khi thật phóng túng nhưng bao giờ cũng thú vị. Ta có thể không đồng ý với anh, có thể trao đổi lại, tranh luận... nhưng bao giờ anh cũng giữ được cái duyên cho ngòi bút của mình”(Bài “Sự tận tâm nghề nghiệp”, Báo Phụ nữ TP.HCM 30/7/1994) [92]. Hay một ý kiến khác của Vũ Mạnh Tần đã khái quát được cách viết của Vương Trí Nhàn: “…là cách viết đa âm, nhiều giọng điệu khác nhau. Nhiều bài viết mang phong cách báo chí, ngắn gọn, chính luận, có tính thời sự”(Bài “Có một cách nhìn trong giọng bình văn”, Báo Hà Nội mới, thứ bảy 25-12-1993) [106] Giọng điệu của Vương Trí Nhàn là giọng điệu của một người trong cuộc, kiến thức uyên bác, nắm chắc những điều mình viết. Xuất phát từ chỗ đứng của một người trong giới, ông có cách nói thân mật, tinh tế về những người bạn văn của mình. Điều này tạo nên một giọng điệu riêng khó lẫn trong giới phê bình hiện nay. Ngoài ra giọng điệu lịch lãm, suồng sã cũng thể hiện phong cách phê bình báo chí. Đây là một cách viết mới trong văn phê bình thời bấy giờ. Cách viết này tạo không khí tranh luận dân chủ giữa nhà phê bình- nhà văn- bạn đọc, giúp cho văn phê bình lối cuốn hấp dẫn, tránh dài dòng tẻ nhạt. Về biện pháp nghệ thuật, Vương Trí Nhàn thường sử dụng biện pháp so sánh: : “Vương Trí Nhàn cảm nhận văn chương thường ưa thích vận dụng so sánh, liên tưởng nhà văn này tới nhà văn khác, từ chuyện văn chương tới chuyện làm ăn, sinh hoạt nhằm cụ thể hóa sự lý giải của mình”(Nguyễn Văn Thành, “Cánh bướm và đoá hướng dương”,Phụ san Việt Nam quân đội (25/6/1999), [109]. Đây cũng là một biện pháp nghệ thuật được nhiều nhà phê bình vận dụng. Nhìn chung, các nhà văn, nhà phê bình đã đánh giá cao Vương Trí Nhàn và tác phẩm phê bình của ông. Các ý kiến bổ sung cho nhau, khá thống nhất. Những đóng góp của Vương Trí Nhàn về phương pháp và phong cách phê bình đã được nhiều người thừa nhận. Tuy nhiên cách viết chân dung của Vương Trí Nhàn cũng gây ra một số ý kiến tranh cãi trong giới phê bình, sáng tác. Như gần đây, các bài viết “Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải” (trên các trang web nguoibanduong.net. viet-studies.info, talawas.org), “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” (trên trang web hoinhavanvietnam.vn) đã gây ra nhiều ý kiến, có những người phản bác như Nguyễn Huệ Chi, Phạm Khải, Phan Thị Vàng Anh (như phần Lịch sử vấn đề mà luận văn đã trình bày). Điểm chung của các ý kiến này là đều phê phán về việc Vương Trí Nhàn viết về mặt xấu của các nhà văn. Như vậy những bài viết gần đây của Vương Trí Nhàn đã gây ra những mâu thuẫn, va chạm trong giới nhà văn, nhà phê bình. Những sự kiện này cũng phản ánh đời sống văn học hiện nay- luôn vận động với nhiều biểu hiện phong phú, phức tạp. Đồng thời do sự phát triển của công nghệ thông tin với các hình thức báo mạng, những sự kiện văn học được nhiều độc giả quan tâm và bàn luận. Tóm lại qua tiếp nhận của đồng nghiệp, hình ảnh nhà phê bình Vương Trí Nhàn hiện ra là một người ham học hỏi, tìm tòi, khao khát trở thành nhà phê bình chân chính. Ông cũng được ngợi ca là nhà phê bình có phong cách riêng độc đáo. Điều này hết sức đúng đắn và đã được chứng minh qua những trang văn phê bình của ông. 1.2. Quan niệm về văn học và phê bình văn học Quan niệm là sự hình dung trước của con người về một công việc nào đó, hoặc nói rộng hơn là về một vấn đề, một đối tượng khách quan, một sự kiện nào đó. Quan niệm vừa là sự nhận thức đồng thời cũng là một hoạt động nhận thức biểu hiện năng lực tư duy của chủ thể sáng tạo. Quan niệm có thể được bổ sung điều chỉnh, thậm chí có khi phải thay đổi do hoàn cảnh cụ thể trong quá trình tiếp xúc với đối tượng, nhưng nó chính là cơ sở nhận thức luận có ý nghĩa quyết định thái độ ứng xử và phương pháp tiến hành công việc nhằm đạt tới mục đích. Trong các tập sách của mình, bên cạnh các bài phê bình – tiểu luận về các tác giả, Vương Trí Nhàn đã đưa ra một hệ thống những quan niệm về một số vấn đề lý luận văn học và phê bình văn học. Ông ý thức sâu sắc vai trò của tư tưởng, quan niệm trong quá trình lao động văn chương. Trong khi đi sâu vào chân dung của các tác giả, Vương Trí Nhàn cũng đề cập đến vấn đề này. Ví dụ như, nhận xét về tác phẩm của Nam Cao, Vương Trí Nhàn cho rằng: “Ẩn đằng sau cái việc làm kia, cố nhiên tác giả đã phải bắt đầu với một quan niệm không phải là ai cũng dễ dàng chấp nhận được: quan niệm rằng nghề viết cũng là một công việc như mọi nghề nghiệp khác” [ 75, tr81]. Hoặc khi tìm hiểu về Xuân Diệu ông lại phát biểu ý kiến: “Hóa ra, lại cái phương châm cũ của Xuân Diệu: Không sĩ diện. Mạnh dạn hút lấy tinh hoa của người khác” [70, tr285]. 1.2.1. Quan niệm về văn học 1.2.1.1. Quan niệm về nhà văn và bạn đọc 1.2.1.1.1. Quan niệm về nhà văn Là một nhà phê bình văn học, Vương Trí Nhàn quan tâm đến những khía cạnh của hoạt động sáng tác. Trong Bước đầu đến với văn học ông đã nêu một số ý kiến về người cầm bút. Công việc của người mới cầm bút cũng đầy rẫy những khó khăn gian khổ như mọi ngành nghề khác: “Đường đi nước bước của một người mới cầm bút cũng bao gồm mọi chặng như một người thợ mới học việc, một cán bộ khoa học trẻ trong những bước đầu” [75, tr104]. Người cầm bút nều có những năng khiếu bẩm sinh thì hết sức may mắn. Nhưng nếu năng khiếu ấy không được rèn luyện thì nhà văn không thể đạt được thành công. Quá trình rèn luyện phải được bắt đầu một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Người mới cầm bút phải chăm chút cho công việc của mình như những người làm những ngành nghề khác trong buổi ban đầu. Và những công việc này “đòi hỏi phải thật hết lòng, thật tự nguyện, không ai bảo mà tự mình buộc mình làm, lăn vào làm, say sưa, mê mải” [75, tr105]. Người cầm bút phải đến với văn chương bằng tất cả tấm lòng của mình, vì một tình yêu say mê đối với văn chương chứ không vì một mục đích nào khác. Trong Những kiếp hoa dại, Vương Trí Nhàn cho rằng để đánh giá nền văn học của một nước thì “xem cách đào tạo những cây bút tiêu biểu sống cả đời bằng nghề viết và trình độ những cây bút tiêu biểu đó so với các thời đại trước và so với trình độ ở các nước khác” [72, tr182]. Như vậy, theo Vương Trí Nhàn nhà văn phải là người có cái tâm với nghề và có quá trình rèn luyện trong một thời gian dài. Ở phần này ông đặc biệt nhấn mạnh: “… nhà văn là kẻ đời đời khởi nghiệp, cuộc đời người viết chỉ có nghĩa ở chỗ luôn luôn là những cuộc làm lại từ đầu” [ 72, tr182- 183]. Nhà văn phải luôn cố gắng, tận tụy trong từng tác phẩm, luôn tự làm mới mình, chinh phục độc giả,… Có như thế, tác phẩm của anh ta mới có chất lượng và tồn tại với thời gian. Còn nếu nhà văn chủ quan, ỷ lại, không phấn đấu, nhiệt tình với công việc thì tên tuổi của anh sẽ mất dần đi trong đời sống văn học. George Sand cũng từng lí giải: “Nghệ thuật không phải là một năng khiếu có thể phát triển mà không cần mở rộng kiến thức về mọi mặt. Cần phải sống, phải tìm tòi, phải xào nấu lại rất nhiều, phải yêu rất nhiều và chịu nhiều đau khổ, đồng thời không ngừng kiên trì làm việc” [107, tr121]. Đối với người cầm bút, Vương Trí Nhàn đặt ra một số yêu cầu. Ngoài sự nhạy cảm, tinh tế là “một đặc điểm nghề nghiệp, một thứ tính trời cho, nhiều khì không hề có ý thức, có gắng gượng” [72, tr106], ông còn cho rằng người cầm bút phải có một sự từng trải, một sự lịch lãm, và quá trình làm việc nghiêm túc. Nhà văn phải có vốn sống phong phú, kinh nghiệm về cuộc đời và nếu anh ta được sống trong những thời đại có nhiều biến động thì anh ta càng tích lũy được nhiều vốn sống: “Thật đáng ao ước nếu anh luôn luôn được sống giũa những cơn xoáy của thời đại, nếu mọi thăng trầm của cá nhân anh luôn luôn ăn khớp với mọi biến động của lịch sử, của nhân dân. Ấy là một may mắn không cùng” [75, tr107]. Chính thực tế phong phú này sẽ là nguồn cảm hứng, chất liệu để nhà văn sáng tạo. Lấy ví dụ cụ thể từ trong lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX, nhiều nhà văn, nhà thơ như Puskin, Lecmôntôp, L. Tônxtôi đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống chế độ nông nô đến mức phải chịu khổ sai, tù đày, thậm chí hi sinh. Còn ở nước ta những nhà văn, nhà thơ trong những giai đoạn đấu tranh của dân tộc cũng đi sâu vào cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân. Bên cạnh đó, bản thân cuộc sống tuổi thơ của nhà văn cũng là một nguồn tư liệu quý giá để nhà văn tham khảo. Từ đó, nhà văn tìm thấy mối liên hệ giữa cá nhân mình và mọi người: “mỗi cá nhân vẫn có một khía cạnh điển hình của nó. Phân tích mọi người, mỗi người cũng tự phân tích mình luôn thể. Bí mật của nghề văn là biến cho được cái riêng tư đó thành cái chung mọi người” [75, tr107]. Thông qua tác phẩm, nhà văn nói lên tâm trạng, suy nghĩ của mình đồng thời nói hộ tâm trạng, suy nghĩ của mọi người. Cái hay của nhà văn là đọc tác phẩm, độc giả thấy hình ảnh bản thân mình trong đó và nhận ra ở nhà văn một sự đồng điệu. Ngoài ra, vốn văn hóa của nhà văn có thể tạo dựng nên bằng cách đọc sách: “Đọc sách là cách nhờ người khác gọi lên trong mình những gì sẵn có. Đọc sách để vượt lên trên thời gian và tuổi tác, để có thể xuất phát ngay từ chỗ mọi người đã đến, rồi đây dù mình chỉ nhích thêm một tí thì cũng vẫn là đóng góp của mình” [75, tr108]. Việc đọc sách giúp cho nhà văn có thể làm chủ kho tàng văn học nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cũng như có kiến thức rộng rãi về nhiều mặt. Đó chính là phương châm mà người xưa từng truyền lại: “Độc thư phá vạn quyển. Dụng bút như hữu thần” (Đỗ Phủ). Theo Vương Trí Nhàn, ý nghĩa của việc đọc sách còn là giúp nhà văn nắm bắt những vốn văn hóa của thời đại mình đang sống để có thể hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Đọc sách còn giúp nhà văn biết được những giá trị văn học, văn hóa qua các tác phẩm vừa xuất bản, từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm riêng trong quá trình sáng tác. Nhà văn đọc nhiều tác phẩm đương thời để thấy được đóng góp của mọi người. Đến khi sáng tác tác phẩm, nhà văn sẽ có một hướng đi riêng để có thể có những đóng góp riêng của mình đối với nền văn học hiện tại. Đối với Vương Trí Nhàn, những công việc để tích lũy vốn sống phải: “xen kẽ vào nhau, xuyên thấm lẫn nhau, theo hàng ngàn kiểu, với hàng ngàn đường dây, ăn nổi ăn chìm, không phải bao giờ cũng tách bạch được rõ ràng, có khi tưởng như không sao hiểu nổi [75, tr108]. Như vậy quá trình tích lũy vốn sống là một quá trình lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi sự tận tâm, kiên trì. Con đường sáng tạo của nhà văn cũng là một hoạt động phong phú đa dạng không giống ai. Mỗi nhà văn có những thói quen, những đặc điểm tâm lí khác nhau. Đứng trước những hướng đi, việc chọn ra một hướng đi riêng cho mình đối với những người mới cầm bút là một việc khó khăn: “Lúc đó, người viết như phải phân thân. Vừa làm tất cả công việc như mọi người, vừa phải tách ra suy xét, tự mình xét mình, rồi tìm cách phô diễn, trao đổi [75, tr109]. Người viết phải tự nhận thức quan niệm sống của mình, mặt mạnh mặt yếu của mình để tìm ra một con đường phù hợp. Và bằng vốn sống, văn hóa của mình, người viết sẽ nhận ra nhiều điều quý giá: “Qua cuộc đời mình, từng trải của mình mà nói những người khác. Từ một chi tiết bình thường đến những quan niệm lớn lao, biết thứ gì là không cần cho mỗi người viết, biết thứ gì là không thể không mang vào trang sách nếu mình đã nhập vào nó, đã chiếu rọi cho nó một thứ ánh sáng [ 75, tr109]. Giữa những người cầm bút, tuy mỗi người có một hướng đi riêng, một phong cách riêng nhưng họ có mối quan hệ với nhau một cách chặt chẽ. Trước hết, nhiều phong cách khác nhau bổ sung cho nhau: “Cũng giống như mọi nghề mọi ngành, ở đây có đủ bộ, đủ kiểu, đủ phong cách. Những tính cách khác nhau bổ sung cho nhau” [75, tr111]. Việc trao đổi, trò chuyện với nhau giúp các nhà văn rút ra kinh nghiệm cho bản thân: “Thường xuyên hơn, kỹ lưỡng hơn là những tâm sự, những bàn bạc về cuộc đời, những ý nghĩ sau một chuyến đi, một ít điều thu hoạch được qua một quyển sách. Thảng hoặc có đọc nhau và trực tiếp trao đổi về nhau thì những nhận xét cũng kín đáo hơn, sắc nhọn hơn” [75, tr111]. Sau những lần trò chuyện, “ít tranh luận, gặp nhau để nghiền ngẫm những ý nghĩ là chính” [75, tr112] các nhà văn, nhất là những người mới cầm bút tìm thấy cho mình nhiều bài học. Họ cảm thấy “vừa có phần tự tin hơn, thấy mình hòa hợp trong những băn khoăn lo lắng của bạn bè. Vừa thêm phần lo lắng cho việc viết, thấy mình phải cố gắng để xứng đáng với mọi người” [75, tr112]. Như vậy việc tiếp xúc, trao đổi lẫn nhau hết sức bổ ích đối với những người cầm bút, khiến họ nhận thức được vai trò, giá trị của mình và có thêm động lực để làm việc. Sự tin tưởng, yêu mến của mọi người thôi thúc họ phải không ngừng nỗ lực để sáng tạo nên những tác phẩm chất lượng. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa những người cầm bút còn là mối quan hệ với lớp người đi trước: “Một mối quan hệ khác tính chất tình cảm sâu sắc trong mỗi lớp người mới viết còn là những trao đi đổi lại với lớp người đi trước” [75, tr112] Lớp người đi trước ở đây thường là những người nổi tiếng, có một vị trí nhất định trong nền văn học bấy giờ. Tên tuổi của họ đã in sâu vào tâm trí thế hệ trẻ ngay từ khi thế hệ này vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ có thể được coi như những người thầy, một số ngời trong lớp nhà văn trẻ còn chưa biết mặt họ: “Chúng tôi tự nhận là những học trò, dù học trò không bao giờ biết mặt thầy cả”. [75, tr113]. Những bậc tiền bối đã giúp đỡ những người mới cầm bút một cách nhiệt tình, chu đáo: “Các anh phân tích cặn kẽ và đầy sức thuyết phục về từng bước đi, từng thành công và thất bại của chúng tôi. Ngược trở lại, chúng tôi cũng sớm nhìn các anh như những người có thể tin cậy được để tâm sự, để nhờ trả lời cho bao nhiêu khúc mắc trong lòng về cuộc đời nghề nghiệp” [75, tr113]. Đối với những người cầm bút, việc học hỏi những người đi trước cũng là một cách thức để trau dồi và tích lũy kinh nghiệm, để tìm tòi những con đường sáng tạo cho riêng mình. Gorki cũng đã từng khuyên các nhà văn trẻ: “Các bạn hãy học viết ở tất cả các nhà văn có phong cách điêu luyện, nhưng các bạn hãy tìm lấy nốt nhạc và lời ca của mình”. [127, tr135]. Như vậy có thể thấy qua quan niệm về nhà văn, Vương Trí Nhàn đã thể hiện khát khao tự đào luyện mình thành một trí thức chân chính. Đối với ông, nhà văn phải làm việc hết mình, luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi để khẳng định bản sắc. 1.2.1.1.2 Quan niệm về bạn đọc Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm và tác phẩm đó được bạn đọc tiếp nhận. Bạn đọc cũng có một vai trò quan trọng đối với quá trình sáng tác. Vương Trí Nhàn có kể lại việc trong thời gian công tác ở chiến trường, trong những lúc rảnh rang ông trò chuyện với các chiến sĩ. Những người lính thì “hỏi han về nhà văn này nhà văn khác, dường như đó là những người anh thân từ lâu, dù chưa bao giờ anh gặp. Anh thăm dò thêm một vài chuyện nghe được về giới văn nghệ” [75, tr118]. Sự yêu thích sách, quan tâm tới đời sống văn học của bạn đọc tác động không nhỏ đối với người viết: “Những lần trò chuyện như vậy bao giờ cũng mang lại cho cả hai bên những niềm vui, nó cũng chính là sự tiếp xúc thường xuyên của người đọc đối với những người viết” [75, tr118]. Người đọc đông đảo nhất trong số lượng công chúng của thị trường văn học là người đọc phổ thông, bình thường. Trong các thành phần đa dạng của công chúng văn học, bao giờ cũng hiện hữu loại người đọc tích cực, có trình độ cao. Đó là những người có hiểu biết về văn học và luôn bày tỏ sự cảm thông, chia sẽ nỗi lo âu và niềm khát vọng sáng tạo của tác giả. Theo Vương Trí Nhàn thì “Rất nhiều người viết đã nói về những ngạc nhiên trước trình độ hiểu biết và tấm lòng ưu ái văn học khá sâu sắc ở những người đọc mới” [75, tr119]. Những người đọc này chính là nguồn động viên khuyến khích, là nguồn cảm hứng đối với tác giả. Hơn nữa họ thúc đẩy người viết có những khám phá riêng, tích cực đóng góp vào nền văn học. Trong việc quan tâm đến đời sống văn học, người đọc chú ý nhất đến những tác phẩm văn học hiện tại: “Nhưng có lẽ điều người đọc quan tâm nhất phải là những tác phẩm văn học hiện nay, những tác phẩm hàng ngày hàng giờ ra đời, đi theo mọi chặng đường gian lao, có khi đến với người lính ngay ở tuyến trước” [75, tr120]. Người đọc hiểu rõ những tác phẩm theo sát thời sự đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, giúp họ nắm bắt tình hình xã hội đương thời. Đặc biệt đối với Vương Trí Nhàn, khi ông tham gia kháng chiến và bắt đầu cầm bút, bạn đọc – những người lính có ý nghĩa rất quan trọng đối với ông và các nhà văn. Những người lính này hiểu rõ vị trí của mình trong văn học bấy giờ và ý thức được cuộc sống của họ là một thực tế lớn lao để nhà văn phản ánh. Vì thế họ phát huy vai trò bạn đọc của mình: “Anh không bằng lòng chỉ là một người đọc thụ động. Hơn thế nữa, anh còn muốn là một người kiểm tra những điều nói tới trong văn chương. Chính đây là chỗ xuất phát quan trọng, mà cũng là chỗ khác nhau rõ rệt giữa người đọc hiện nay và những người đọc trước kia. [75, tr120]. Người đọc không chỉ tiếp nhận tác phẩm để thưởng thức, hiểu rõ tâm tư tình cảm của nhà văn cũng như các vấn đề của cuộc sống mà còn xem xét lại tác phẩm để biết nó có phản ánh đúng hiện thực hay không. Qua đó ta thấy người đọc hiện nay đóng vai trò chủ
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan