Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khảo sát chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư và một số yếu tố ảnh hưởng t...

Tài liệu Khảo sát chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư và một số yếu tố ảnh hưởng tại bệnh viện đại học y hà nội năm 2015

.PDF
13
604
83

Mô tả:

Khảo sát chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư và một số yếu tố ảnh hưởng tại bệnh viện đại học y hà nội năm 2015
KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA BỆNH NHÂN UNG THƯ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TẠI BỆNH VIỆN ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI NĂM 2015 TÓM TẮT Mục tiêu: (1) Mô tả chất lượng cuộc sống (CLCS) của bệnh nhân (BN) ung thư tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội. (2) Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến CLCS của BN ung thư. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Đối tượng: Gồm 175 BN đã được chẩn đoán xác định bệnh ung thư và đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong thời gian từ 18/02/2015 đến 10/05/2015. Kết quả nghiên cứu: CLCS của các BN ung thư là thấp, điểm trung bình theo bộ câu hỏi FACT-G là 47,03 điểm (SD= 13,84). Trong đó, lĩnh vực thể chất có điểm cao nhất là 16,24 điểm (SD= 5,49), thấp nhất là lĩnh vực hoạt động (6,14 điểm – SD= 4,16), hai lĩnh vực quan hệ gia đình xã hội và tinh thần lần lượt là 12,39 điểm (SD= 2,97), 12,26 điểm (SD= 6,14). CLCS của BN ung thư có mối tương quan với: trình độ văn hóa, giai đoạn bệnh, thời gian mắc bệnh và phương pháp điều trị. Thời gian mắc bệnh dài, giai đoạn nặng hơn của bệnh cũng như những BN đang được điều trị chăm sóc giảm nhẹ có CLCS thấp hơn có ý nghĩa thống kê. Từ khóa: Chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư, yếu tố liên quan chất lượng cuộc sống. A SURVEY ON QUALITY OF LIFE OF CANCER PATIENTS AND SOME RELATED FACTORS AT HANOI MEDICAL UNIVERSITY HOSPITAL IN 2015 Bui Vu Binh1, Do Thi Anh1, Duong Tien Dinh2, Truong Quang Trung2 Abstract: Objectives: (1) Describes quality of life (QoL) of cancer patients at Hanoi Medical University Hospital (HMUH); (2) Explores some related factors that affect QoL of cancer patiens. Method: a crossectional study. Subjects: 175 patients who were cancer confirmed diagnosis and undergone treatment at HMUH from 15/2/2015 to 14/5/2015. Results: QoL of cancer patients were low, the average Functional Assessment of Cancer Therapy – General (FACT-G) score was 47,03 (SD=13,84). Whilst, “Physical domain” had highest score of 16,24 score (SD=13,84), lowest score was on “Functional well-being domain” with 6,14 scores (SD=4,16), the two domains of “Social/Family” and “Emotional” were 12,39 score (SD=2,97) and 12,26 score (SD=6,14) respectfully. Quality of Life of Cancer patients had relations with: patient’s educational levels, cancer stages, and cancer diagnosed duration and treatment methods. The longer disease duration, later stage of cancer and the patients undergone palliative care has significally low QoL Key words: Quality of Life of cancer patients, facter associated to Quality of Life 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ung thư là căn bệnh nan y nguy hiểm với số ca mắc ngày càng gia tăng trên thế giới ước tính 14,1 triệu người năm 2012[12] và ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 150000 ca ung thư mới và có khoảng 75000 ca tử vong[4]. Đối tượng người bệnh nói chung và người bệnh ung thư nói riêng, chất lượng cuộc sống (CLCS) hiện đã được quan tâm. Đặc biệt là các BN ung thư, bởi họ có thể gặp nhiều vấn đề liên quan đến thể chất và tinh thần khiến cho chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng như: mệt mỏi, mất ngủ, rối loạn nuốt, ăn không ngon [13], suy giảm khả năng tình dục [1], rối loạn cảm xúc, đau khổ [6], đau đớn [11] và nhiều vấn đề khác. Mong muốn cải thiện CLCS được coi như một phần quan trọng trong chiến lược điều trị ung thư[3].Tuy nhiên việc đo lường CLCS lại không hề đơn giản, hiện tại có nhiều công cụ đo lường chất lượng cuộc sống đã được phát triển, và bộ câu hỏi Đánh giá chức năng của các liệu pháp điều trị ung thư – Ung thư chung (Functional Asessment of Cancer Therapy – General: FACT-G) là một bộ công cụ được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận là bộ công cụ đánh giá CLCS cho bệnh nhân mắc nhiều loại ung thư khác nhau. Đây là bộ công cụ được tổ chức FACIT (Đánh giá chức năng của các liệu pháp điều trị bệnh mạn tính – Functional Assessment of Chronic Illness Therapy) phát triển. Bộ câu hỏi này gồm 27 câu hỏi tự đánh giá chia làm 4 phần: Vấn đề thể chất, mối quan hệ gia đình xã hội, trạng thái tinh thần, tình trạng hoạt động. Các câu hỏi sẽ chia làm các mức độ từ: không đến rất nhiều tương ứng với thang điểm từ 0 đến 4 điểm. Tổng điểm chung từ 0 đến 108 điểm, điểm càng cao thì CLCS càng tốt và ngược lại[5] Các yếu tố ảnh hưởng lớn đến CLCS của bệnh nhân ung thư có thể kể đến bao gồm: các đặc điểm chung của người bệnh (tuổi, giới, điều kiện kinh tế) [8]hay tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của họ (loại ung thư, giai đoạn ung thư, thời gian điều trị, phương pháp điều trị) [7]. Trên thế giới có rất nhiều nghiên cứu về CLCS của BN ung thư nhưng Việt Nam có rất ít và đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chưa có nghiên cứu nào về CLCS của BN ung thư. Vì vậy, nghiên cứu được tiến hành với 2 mục tiêu: 1. Mô tả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thưtại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 2. Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. 2.2. Đối tượng nghiên cứu Tiêu chuẩn lựa chọn: Các BN đã được chẩn đoán xác định ung thư đang điều trị tại bệnh viện (cả nội và ngoại trú) trong thời gian 15/02/2015 đến 15/05/2015. Tiêu chuẩn loại trừ: - BN không đồng ý tham gia nghiên cứu. - Đã tham gia nghiên cứu trước đó (tái nhập viên trong thời gian thu thập số liệu). - BN bị bệnh nặng, hạn chế giao tiếp không thể trả lời bộ câu hỏi. Công cụ nghiên cứu: Bộ câu hỏi nghiên cứu gồm có 3 phần chính là: (1) Thông tin chung, (2) Tình trạng sức khoẻ và bệnh tật, (3) Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phần các câu hỏi về CLCS: sử dụng bộ câu hỏi FACT-G. Bên cạnh đó, các thông tin như tuổi, giới, tuổi, giới, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, bảo hiểm y tế và tình trạng bệnh như chẩn đoán, giai đoạn bệnh, thời gian mắc bệnh, phương pháp điều trị, bệnh lý kèm theo cũng được thu thập nhằm tìm hiểu mối liên quan đến chất lượng cuộc sống. Xử lý số liệu: Các số liệu được kiểm tra, làm sạch, phân tích bằng các thuật toán thống kê, sử dụng phần mềm SPSS 21.0. Với p < 0,05 là có ý nghĩa thống kê. Vấn đề đạo đức của nghiên cứu: Trước khi tham gia vào nghiên cứu, tất cả các đối tượng nghiên cứu sẽ được cung cấp thông tin rõ ràng liên quan đến mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Tất cả những thông tin thu thập được từ các đối tượng nghiên cứu sẽ được giữ bí mật. 3. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN 3.1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu Trong tất cả 175 BN tham gia các đặc điểm về tuổi, giới, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, điều kiện kinh tế và việc có hay không có bảo hiểm y tế là khá phù hợp với phân bố chung của người bệnh ung thư tại Việt Nam. 3.1. Tình trạng bệnh Trong 175 BN tham gia nghiên cứu thì trong đó có tới 107 BN (61,1%) bị ung thư hệ tiêu hóa, các BN nữ bị ung thư phần phụ như: ung thư vú, ung thu cổ tử cung, ung thư buồng trứng chiếm tới hơn 1/4 (44 BN- 25,1%), trong khi đó tất cả các loại ung thư khác chỉ chiếm 13,8% (24 BN). Có 64 BN (36,6%) mắc các bệnh lý khác kèm theo như: bệnh lý về tuần hoàn, hô hấp, tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới gần một nửa số BN tham gia nghiên cứu đang ở giai đoạn 4 của bệnh (78 BN – chiếm 44,6%), số BN ở giai đoạn 3 cũng chiếm tới gần 1/3 (52 BN- 29,7%), số BN ở giai đoạn 1 lại rất ít chỉ có 8 BN (chiếm 4,6%), còn lại là 37 BN ở giai đoạn 2 (chiếm 21,1%). Số BN ở giai đoạn 3 và 4 chiếm đa số nhưng thời gian mắc bệnh từ 1- 3 năm lại chỉ có 26,3%, số BN từ 3 năm trở lên rất ít (17 BN- 9,7%). Số BN mới phát hiện ung thư cách thời điểm nghiên cứu 3 tháng có 52 BN chiếm 29,7%, nhóm BN đã phát hiện bệnh ung thư trong khoảng từ 3 tháng đến 1 năm chiếm nhiều nhất (60 BN chiếm 34,3%). Khi được chẩn đoán ung thư, tất cả các BN trong nghiên cứu không ai trì hoãn điều trị bệnh, số đợt điều trị là tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi BN, số lượng BN điều trị từ 3 đợt trở xuống có 60 BN (34,3%) tương đương với số lượng đã điều trị từ 4 – 12 đơt (63 BN - 36%) và số lượng điều trị trên 13 đợt (52 BN – 29,7%). Tùy vào loại ung thư cũng như tình trạng bệnh mà mỗi BN sẽ có phương pháp và phác đồ điều trị khác nhau. Hầu hết các BN trong nghiên cứu đều đã được phẫu thuật (157 BN - chiếm 90,3%) trong đó có 22 BN được điều trị theo phương pháp phẫu thuật mà chưa kết hợp với phương pháp nào khác. Nhóm BN đã được phẫu thuật kết hợp điều trị hóa chất chiếm tỷ lệ cao nhất tới 50,8% (89 BN), nhóm phẫu thuật kết hợp với hóa xạ trị đồng thời chiếm tỷ lệ thấp (15 BN – 8,6%) tương đương với số BN của nhóm chỉ điều trị bằng hóa chất đơn thuần (14 BN – 8%). Có 35 BN (20%) thuộc nhóm BN không còn đáp ứng với điều trị và đang được chăm sóc giảm nhẹ. 3.2. Chất lượng cuộc sống của BN ung thư Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm trung bình CLCS của tất cả các BN ở mức thấp 47,03 điểm, độ lệch chuẩn là 13,84. Trong đó BN có điểm thấp nhất là 15 điểm và cao nhất là 84 điểm. Trong 4 lĩnh vực CLCS nghiên cứu thì điểm trung bình của lĩnh vực tình trạng hoạt động là thấp nhất chỉ có 6,14 điểm và điểm trung bình của lĩnh vực thể chất là cao nhất 16,24 điểm, tuy cao nhất nhưng cũng chỉ ở trên mức trung bình. Hai lĩnh vực còn lại là quan hệ gia đình xã hội và trạng thái tinh thần có điểm trung bình CLCS lần lượt là 12,39 điểm và 12,26 điểm. Kết quả nghiên cứu cho thấy điểm trung bình CLCS của tất cả các BN là ở mức thấp 47,03 điểm (SD= 13,84) con số này là thấp hơn so với nghiên cứu CLCS sử dụng FACT-G trên 120 BN ung thư sống sót tại Mỹ cho kết quả điểm trung bình CLCS là 69 điểm [9],và một nghiên cứu trên BN ung thư vú (63,89 điểm) [3] tuy nhiên vẫn thấp hơn điểm trung bình là 84 điểm. Theo y văn, những BN ung thư thường có điểm CLCS thấp hơn so với dân số nói chung. CLCS được đánh giá toàn diện dựa trên 4 tiêu chí: thể chất, tinh thần, quan hệ gia đình- xã hội, tình trạng hoạt động. Các BN ung thư gặp tất các vấn đề ở 4 tiêu chí trên, do đó CLCS của họ rất thấp. Hầu hết các nghiên cứu về CLCS của các BN ung thư đều cho thấy CLCS của BN ung thư là thấp [2],[ 6],[ 10]. Khi hỏi các BN về mức độ bằng lòng về CLCS hiện tại của mình thì hầu hết là không bằng lòng và đành chấp nhận, chỉ có một số BN thực sự bằng lòng với CLCS của mình. Với điểm Cronbach’s Alpha là ở mức chấp nhận được cho thấy bộ câu hỏi này đã được Việt hoá khá tốt và có thể được sử dụng rộng rãi về sau này với những điều chỉnh nhỏ. Chất lượng cuộc sống của người bệnh cho thấy các vấn đề cần được quan tâm theo dõi và chăm sóc như: Cảm giác nôn, buồn nôn; đau; trong khi sự hỗ trợ từ bạn bè là hạn chế. Nội dung được bệnh nhân hài lòng ở mức thấp là “đời sống tình dục”. Mức hài lòng về đời sống tinh thần là tốt, trong khi đókhả năng hoạt động của người bệnh bị ung thư tham gia nghiên cứu là khá thấp, họ suy giảm khá nhiều về năng lực hoạt động bởi việc phải nằm trong bệnh viện, tình trạng sức khoẻ hạn chế và phải trải qua các điều trị cần nhiều thời gian (như truyền hoá chất). Trong nghiên cứu này, CLCS của bệnh nhân có liên quan chặt chẽ với các đặc điểm về bệnh họ như giai đoạn của ung thư và thời gian mắc bệnh. Người bệnh có giai đoạn bệnh nặng hơn thì có điểm CLCS giảm hơn (điểm giảm từ 61,3 trong giai đoạn 1 về 41,6 trong giai đoạn 4) , và thời gian điều trị càng dài thì CLCS của họ cũng giảm (từ khoảng 50 điểm trong năm điều trị đầu tiên đến còn khoảng 40 điểm trong các năm tiếp theo). Điều này khá phù hợp với những diễn tiến trong quá trình điều trị và chăm sóc. Đối với các bệnh nhân mới chỉ trải qua phẫu thuật mà chưa được sử dụng thêm các biện pháp điều trị khác, CLCS của họ vẫn có điểm khá cao (55,1 điểm) trong khi đó, nếu họ không thể phẫu thuật mà chỉ điều trị hoá chất, hoặc sau khi phẫu thuật rồi điều trị hoá chất hoặc hoá xạ trị đồng thời thì CLCS sẽ chỉ còn tương ứng là 41,9; 49,1 và 45,2 điểm. Đối với những người bệnh nặng, đến giai đoạn cần được chăm sóc giảm nhẹ tích cực, CLCS của họ chỉ đạt mức 39,6 điểm. Loại ung thư và các bệnh lý kèm theo khác dù có làm CLCS của bệnh nhân thay đổi chút ít, song không đủ mang lại sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. KẾT LUẬN Chất lượng cuộc sống của các BN ung thư hiện điều trị tại Khoa Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là thấp. Điểm trung bình theo bộ câu hỏi FACT-G là 47,03 điểm - SD= 13,84 (trong khi điểm cao nhất theo FACT-G là 108 điểm). Trong đó, lĩnh vực thể chất có điểm cao nhất là 16,24/28 điểm (SD= 5,49), thấp nhất là lĩnh vực hoạt động (6,14/28 điểm – SD= 4,16), hai lĩnh vực quan hệ gia đình xã hội và tinh thần lần lượt là 12,39/28 điểm (SD= 2,97), 12,26/24 điểm (SD= 6,14). Một số yếu tố ảnh hưởng đến CLCS của BN ung thư bao gồm: trình độ văn hóa, giai đoạn bệnh, thời gian mắc bệnh và phương pháp điều trị. Trong khi đó, nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan với: tuổi, giới, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, bào hiểm cũng như loại ung thư và bệnh lý kèm theo. Thời gian mắc bệnh dài trên 1 năm sẽ làm CLCS của bệnh nhân giảm rõ nhất, tương tự các bệnh nhân ở các giai đoạn nặng hơn sẽ có CLCS rất thấp. Khi bệnh nặng hơn phải điều trị chăm sóc giảm nhẹ, người bệnh có CLCS là rất thấp. Tài liệu tham khảo 1. A. Alacacioglu và các cộng sự (2014), "Sexual satisfaction, anxiety, depression and quality of life in testicular cancer survivors", Med Oncol. 31(7), tr. 43. 2. M. Bai và các cộng sự (2014), "Exploring the relationship between spiritual well-being and quality of life among patients newly diagnosed with advanced cancer", Palliat Support Care, tr. 1-9. 3. Z. Bayram, Z. Durna và S. Akin (2014), "Quality of life during chemotherapy and satisfaction with nursing care in Turkish breast cancer patients", Eur J Cancer Care (Engl). 23(5), tr. 675-84. 4. Bộ Y Tế, "Chỉ thị số 01/2002/CT-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2002 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư trong các cơ sở y tế". 5. FACIT-Functional Assessment of Chronic Illness Therapy (2015), FACT-G: Functional Assessment of Cancer Therapy - General Illinois, truy cập ngày 15/01/2015, tại trang. 6. C. C. Hsieh và các cộng sự (2014), "The correlations of sexual activity, sleep problems, emotional distress, attachment styles with quality of life: comparison between gynaecological cancer survivors and noncancer women", J Clin Nurs. 23(7-8), tr. 985-94. 7. H. Lithoxopoulou và các cộng sự (2014), "Monitoring changes in quality of life in patients with lung cancer by using specialised questionnaires: implications for clinical practice", Support Care Cancer. 22(8), tr. 2177-83. 8. R. M. McCabe và các cộng sự (2014), "Can quality of life assessments differentiate heterogeneous cancer patients?", PLoS One. 9(6), tr. e99445. 9. E. A. Medeiros và các cộng sự (2014), "Health-Related Quality of Life Among Cancer Survivors Attending Support Groups", J Cancer Educ. 10. C. O'Gorman, S. Denieffe và M. Gooney (2014), "Literature review: preoperative radiotherapy and rectal cancer - impact on acute symptom presentation and quality of life", J Clin Nurs. 23(3-4), tr. 333-51. 11. K. G. Oliveira và các cộng sự (2014), "Influence of pain severity on the quality of life in patients with head and neck cancer before antineoplastic therapy", BMC Cancer. 14, tr. 39. 12. W.H. Organization., World Cancer Report 2014: p. Chapter 1.1. 13. C. S. Pierre và các cộng sự (2014), "Long-term functional outcomes and quality of life after oncologic surgery and microvascular reconstruction in patients with oral or oropharyngeal cancer", Acta Otolaryngol. 134(10), tr. 1086-93. ThS Bùi Vũ Bình, CN Đỗ Thị Ánh, CN Dương Tiến Đỉnh,TS Trương Quang Trung 1. Trường Đại học Y Hà Nội 2. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan