Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khái niệm và quá trình hình thành, phát triển tư tưởng hồ chí minh...

Tài liệu Khái niệm và quá trình hình thành, phát triển tư tưởng hồ chí minh

.DOCX
7
199
143

Mô tả:

KHÁI NIỆM VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH 1. Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh “Khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh được xem như là chìa khóa để mở cửa đi vào kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh” . Vì vậy, để nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải tìm hiểu khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng gắn liền với quá trình phát triển nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta. Trong các văn kiện của Đảng, Đảng ta đã trân trọng ghi nhận vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời cũng đã đề cập đến khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể nói thời điểm đánh dấu rõ nét về nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) với sự ra đời của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội mà trong đó khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” . Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) tiếp tục khẳng định lại điều này và nêu rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” . Trong chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng nói: “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo”. Những nhận định, đánh giá của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh trong các văn kiện nêu trên có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu bộ môn khoa học này. Đó là những định hướng cơ bản cho các nhà nghiên cứu lấy đó làm cơ sở, làm tiền đề để đi đến thống nhất về khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc và công phu trong thời gian dài, khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh đã được định nghĩa một cách khoa học như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người” . Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là tập hợp đơn giản những suy nghĩ, những ý tưởng cụ thể, riêng lẻ của Hồ Chí Minh trong từng hoàn cảnh cụ thể mà đó là một “hệ thống” bao gồm nhiều quan điểm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, liên tục và nhất quán. Đó là hệ thống quan điểm toàn diện, bao quát và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao… Tuy nhiên, không phải tất cả đều có trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đề cập đến “những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”. Cách mạng Việt Nam bao gồm hai cuộc cách mạng không tách rời nhau là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam cũng chính là những vấn đề cơ bản của hai cuộc cách mạng này. Đó là vấn đề về mục tiêu cách mạng, mục đích cách mạng, tổ chức cách mạng, lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng… Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên cũng đã chỉ ra được nguồn gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải tự nhiên sinh ra, không phải “từ trên trời sa xuống”, cũng không phải hình thành từ ý muốn chủ quan của những người nghiên cứu mà tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc khách quan của nó. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ thực tiễn điều kiện lịch sử - xã hội lúc bấy giờ mà trước hết là tư tưởng và văn hóa truyền thống Việt Nam. Đó chính là chủ nghĩa yêu nước và ý chí kiên cường bất khuất được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái; tinh thần lạc quan yêu đời; là truyền thống cần cù, hiếu học, thông minh, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng có nguồn gốc từ tư tưởng và văn hóa nhân loại, trong đó bao gồm tư tưởng và văn hóa phương Đông qua những giá trị tích cực của Nho giáo, Phật giáo… và nền văn hóa dân chủ và cách mạng của phương Tây. Nguồn gốc thứ ba hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác – Lênin – “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất” . Đây là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguồn gốc thứ tư, nguồn gốc không thể thiếu, để hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh là những nhân tố chủ quan thuộc về phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh. Đó là trí tuệ thông minh, luôn tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, óc phê phán tinh tường, sáng suốt. Đó là sự khổ công học tập, là nghị lực phi thường nhằm chiếm lĩnh vốn tri thức của nhân loại, vốn kinh nghiệm đấu tranh phong phú của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân thế giới để có thể đến với chủ nghĩa Mác Lênin và vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là tâm hồn của một nhà yêu nước, một chiến sĩ nhiệt thành cách mạng mà suốt cuộc đời “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân” và hết lòng thương yêu những người cùng khổ, nhân loại bị áp bức. 2. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình lịch sử gắn liền với cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thuở thiếu thời đến lúc Người “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” . Đó là một quá trình gồm năm giai đoạn: 2.1. Giai đoạn từ 1890 – 1911: hình thành tư tưởng yêu nước và chí hướng cách mạng Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước trên mảnh đất giàu truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm, Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã sớm tiếp nhận truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của gia đình, quê hương và dân tộc. Được cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dạy dỗ từ nhỏ, lại được các thầy là các nhà nho Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và Trần Thân dạy học chữ Hán , rồi lại được học tập tại trường Quốc học Huế, Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu vốn văn hóa Quốc học, Hán học. Bên cạnh đó, Người cũng đã bước đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, Người học tiếng Pháp, biết đến nền dân chủ phương Tây với “tự do”, “bình đẳng” và “bác ái”. Người cũng đã sớm chứng kiến sự thống khổ, điêu đứng của đồng bào ta trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta. Đau lòng trước cảnh nước nhà bị nô lệ, nhân dân bị đọa đày, Nguyễn Tất Thành đã sớm có chí đuổi Thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Hoài bão cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh hình thành từ đó. Nhưng chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành không giống như các bậc tiền bối. Người không cứu nước theo ngọn cờ phong kiến của phong trào Cần Vương, hay khởi nghĩa “nặng cốt cách phong kiến” như cụ Hoàng Hoa Thám, Người cũng không theo chính sách cải lương “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương” của cụ Phan Châu Trinh, cũng không cứu nước theo phong trào Đông Du chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau” của cụ Phan Bội Châu. Chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành là hướng đến nền văn minh phương Tây, Người muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”. Người cũng muốn đi xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào để trở nên văn minh, phú cường rồi trở về giúp đồng bào mình. Với chí hướng cách mạng đó, vào ngày 05/6/1911, Người đã rời bến Nhà Rồng (Sài Gòn) để bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm, hành trình “đi tìm hình của nước” . 2.2. Giai đoạn 1911 – 1920: tìm tòi, khảo nghiệm và đến với chủ nghĩa Mác Lênin Đây là thời kỳ Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp các châu lục để tìm hiểu thực tiễn phong trào giải phóng dân tộc và cách mạng thế giới. Cuộc hành trình lịch sử có một không hai của một nhà yêu nước đã đưa Người đến tận sào huyệt của Chủ nghĩa đế quốc, Chủ nghĩa thực dân và các thuộc địa của chúng ở khắp các châu lục. Từ thực tiễn đó, Người đã nhận ra rằng “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”. Và cũng từ cuộc khảo sát thực tiễn này, Người đã bắt gặp ánh sáng chân lý của thời đại, tìm thấy được con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đó là con đường cách mạng tháng Mười Nga, con đường cách mạng vô sản. Năm 1920 là thời điểm đánh dấu sự kiện lịch sử này, sự kiện có tính chất bước ngoặt trong nhận thức và con đường tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1920, Người đã đọc được sơ thảo lần thứ nhất “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Tháng 12/1920, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, Người đã biểu quyết tán thành đứng về Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển về chất trong tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. 2.3. Giai đoạn 1921 – 1930: giai đoạn hình thành cơ bản tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam Đây là thời kỳ hoạt động thực tiễn và lý luận sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1921 đến 1923, Người phụ trách tiểu ban Đông Dương trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người Cùng khổ” (tháng 7/1921) nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thuộc địa. Từ giữa năm 1923 đến 1924, Người đến Liên Xô, tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất (tháng 10/1923), Đại hội Quốc tế cộng sản thanh niên lần thứ IV (tháng 6/1924), Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ V (tháng 6/1924), Đại hội Quốc tế cứu tế Đỏ lần thứ I (tháng 7/1924) và Đại hội quốc tế Công hội đỏ lần thứ III (tháng 7/1924). Trong thời gian này, Người cũng đã học tập tại trường Đại học Phương Đông và tham gia hoạt động, công tác ở Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1924, Người về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị và đạo tào cán bộ, đưa họ về nước hoạt động. Năm 1925, tác phẩm “Bản án chế độ Thực dân Pháp” của Người được xuất bản ở Pari, vạch trần tội ác của chế độ thực dân Pháp và vạch ra con đường cách mạng chân chính của các dân tộc bị áp bức là con đường cách mạng vô sản. Năm 1927, những bài giảng của Người ở các lớp huấn luyện ở Quảng Châu được tập hợp và xuất bản trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Tác phẩm này có giá trị như một văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng, đồng thời là cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Từ ngày 03 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản trong nước, thành lập một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Người cũng đã trực tiếp thảo ra các văn kiện Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình và Điều lệ vắn tắt của Đảng (Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng). Những sự kiện này đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam. 2.4. Giai đoạn 1930 – 1941: giai đoạn vượt qua thử thách, kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt Nam Đây là giai đoạn tồn tại sự bất đồng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với Quốc tế cộng sản. Do thiếu thông tin về phương Đông, về thuộc địa, về Đông Dương và An Nam, lại bị chi phối bởi quan điểm “tả’ khuynh, Quốc tế cộng sản đã chỉ trích và phê phán đường lối của Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra trong Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 của Đảng ta, theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, cũng đã ra Nghị quyết thủ tiêu Chánh cương và Sách lược vắn tắt, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương . Lúc bấy giờ, khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933) tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề, mâu thuẫn xã hội ở các nước đế quốc càng thêm gay gắt. Để đối phó với phong trào đấu tranh của quần chúng, bọn tư bản lũng đoạn ở một số nước đế quốc đã thủ tiêu các quyền tự do dân chủ tư sản và thi hành chính sách độc tài phát xít. Bọn phát xít Đức – Italia – Nhật Bản đã liên kết thành một “trục” có lực lượng mạnh. Chúng ráo riết chuẩn bị chiến tranh chia lại thị trường thế giới và xâm lược Liên Xô hòng xóa bỏ thành trì cách mạng thế giới. Trước nguy cơ của Chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới mới đang đến gần, Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7/1935) đã tự phê bình về sai lầm “tả” khuynh, “biệt phái”, “hẹp hòi” và chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân chống phát xít. Năm 1936, Đảng ta đề ra chiến sách mới, phê phán tư tưởng “tả” khuynh, cô độc, biệt phái trước đây. Trên thực tế, vấn đề phân hóa kẻ thù, tranh thủ bạn đồng minh… đã trở lại với Chánh cương, Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc. Điều đó phản ánh quy luật của cách mạng Việt Nam, giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh . 2.5. Giai đoạn 1941 – 1969: sự phát triển và thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh Đây là giai đoạn Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là giai đoạn tư tưởng Hồ Chí Minh phát triển và hoàn thiện trên một loạt các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam: về đường lối chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”; về xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, quá độ lên chủ nghĩa xã hội không trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong điều kiện đất nước bị chia cắt; về xây dựng Đảng; về xây dựng nhà nước kiểu mới; về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế… Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn này được thể hiện trực tiếp, cụ thể, rõ nét thông qua những đường lối, quyết sách lãnh đạo cách mạng của Người. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là những minh chứng sống động cho sự thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết đó là thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công công đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp đó là thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến “thần thánh” chống Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc ta. Đó là thắng lợi của ngọn cờ cứu nước Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã vạch ra./.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất