Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆN KHOA HỌC THUỶ LỢI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2...

Tài liệu KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆN KHOA HỌC THUỶ LỢI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2009-2014

.PDF
10
213
130

Mô tả:

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆN KHOA HỌC THUỶ LỢI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2009-2014
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆN KHOA HỌC THUỶ LỢI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2009-2014 (Báo cáo do PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt, Q.Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển của Viện, 12/11/2014) I. GIỚI THIỆU CHUNG Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (KHTLVN) tiền thân là Học Viện Thuỷ lợi Điện lực được thành lập năm 1959. Sau 55 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng những giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy vinh quang của đất nước. Viện KHTLVN đã từng bước phát triển, lớn mạnh và có nhiều đóng góp về KHCN quan trọng cho sự nghiệp xây và phát triển đất nước, đó là niềm tự hào, là vinh dự của tập thể cán bộ, lãnh đạo của Viện qua nhiều thế hệ. - Giai đoạn từ 1959 -1963, chặng đường đầu tiên: Năm 1959, gần như đồng thời với sự kiện thành lập binh đoàn 559, " xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước ", Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định thành lập Học viện Thủy lợi - Điện lực và giao trọng trách điều hành Học viện cho nhà trí thức yêu nước, vị kỹ sư Giao Thông công chánh đầu tiên của Đông Dương, Trần Đăng Khoa. Đến năm 1963, từ Học viện Thủy lợi - Điện lực, Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi (NCKHTL) được tách thành một đơn vị độc lập. Đây là thời kỳ đặt nền tảng cho sự nghiệp phát triển khoa học thủy lợi của Viện và là thời kỳ khởi đầu gắn công tác nghiên cứu khoa học thủy lợi với thực tiễn sản xuất để khôi phục kinh tế Miền Bắc mới được giải phóng, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. - Giai đoạn từ 1963 - 1975, chặng đường hoạt động trong hoàn cảnh chống Mỹ cứu nước: Sau khi trở thành một tổ chức nghiên cứu độc lập, Viện NCKHTL tiếp tục duy trì và mở rộng những hoạt động nghiên cứu, triển khai các đề tài phục vụ sản xuất và chiến đấu. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Viện đã từng bước hình thành và phát triển hệ thống các phòng, ban chuyên ngành, phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu đa dạng trong thực tế. Đặc biệt, Viện tập trung tiến hành các nghiên cứu, thí nghiệm về hàn khẩu đê chống lụt để chủ động đối phó với thủ đoạn tội ác ném bom phá hoại đê điều mùa lũ trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Cũng vào thời kỳ này, Viện đã tổ chức hàng loạt những hoạt động nghiên cứu về thủy nông, chống xói mòn đất, xử lý nền đất yếu, chỉnh trị sông, nghiên cứu các loại vật liệu xây dựng phục vụ việc phục hồi, tu sửa các công trình như đập Đô Lương, đập Đáy, Vân Cốc, xây dựng mới công trình thủy điện Thác Bà, v,v.. Đây là những công trình thủy lợi, thủy điện có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp nhất thời bấy giờ. Trong thời kỳ này, Viện đã chú trọng và đã thành công trong công tác xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cán bộ, gửi đi đào tạo ở các nước XHCN để hình thành bộ khung các cán bộ khoa học trình độ cao trong lĩnh vực thủy lợi của đất nước, tích cực chuẩn bị cho công tác xây dựng sau khi hai miền thống nhất. - Giai đoạn từ 1975- 1990, chặng đường sau khi đất nước thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới. Sau ngày giải phóng miền Nam, công tác nghiên cứu khoa học thủy lợi đã nhanh chóng được triển khai trên cả nước. Cùng với việc đẩy mạnh nhiều mặt hoạt động phục vụ phát triển kinh tế và xây dựng các công trình trọng điểm ở miền Bắc, nhiều cán bộ chủ chốt của Viện đã sớm tỏa đi tới các vùng miền còn nhiều khó khăn của miền Trung, miền Nam, đặc biệt là vùng đất chua phèn, nhiễm mặn, ngập úng, hoang hóa ở đồng bằng sông Cửu Long….để xác định các nhiệm vụ thủy lợi cho vùng đất đầy tiềm năng, vựa lúa tương lai của đất nước. Năm 1978, với sự ra đời của Phân Viện NCKHTL Nam Bộ, trực thuộc Viện NCKHTL đã triển khai kịp thời nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về cải tạo đất chua phèn, mặn, về xây dựng công trình cống, đập, đê, kè v.v… trên nền đất yếu vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng vào việc biến ĐBSCL thành vựa lúa và nguồn cung cấp thủy sản cho cả nước. Năm 1990, Phân Viện được nâng cấp thành Viện KHTL miền Nam. - Giai đoạn từ 1990 đến nay, chặng đường đổi mới và phát triển cùng đất nước: Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Viện KHTL, Viện KHTL miền Nam, đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác thủy lợi trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Với mục tiêu xây dựng một Viện Khoa học đầu ngành đủ mạnh nhằm giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho những năm trước mắt và lâu dài của ngành, ngày 10 tháng 5 năm 2007, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam (KHTLVN) trên cơ sở sáp nhập Viện KHTL và Viện KHTLMN. Viện KHTLVN được giao những chức năng, nhiệm vụ mới đặc biệt quan trọng, để tham gia trực tiếp và có hiệu quả vào chiến lược phát triển thủy lợi cũng như chiến lược phát triển khoa học của ngành, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu mới tạo cho Viện tổ chức, cơ chế tập hợp được sức mạnh trí tuệ của đội ngũ, cơ sở vật chất để giải quyết những nhiệm vụ lớn của ngành phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức và hợp tác quốc tế sâu rộng. Hiện nay, Viện có 17 đơn vị thành viên, trong đó có: 03 Ban chức năng, 03 Viện vùng, 06 Viện chuyên đề, 01 Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 03 Trung tâm nghiên cứu và 01 Công ty Xây dựng và Chuyển giao Công nghệ Thủy lợi. Lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ hiện này là 1150 người trong đó có: 03 giáo sư, 28 phó giáo sư, 1 TSKH, 75 tiến sĩ và 353 thạc sỹ còn lại là kỹ sư, cử nhân. Viện còn có những cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. II. MỘT KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC GIAI ĐOẠN 1990 ĐẾN NAY. Viện đã bám sát chiến lược phát triển của ngành, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình trọng điểm của Bộ và nhu cầu thực tế để đề xuất và thực hiện các đề tài, dự án khoa học có ý nghĩa thực tế, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nắm bắt những chủ trương lớn trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Chính phủ phê duyệt tháng 6 năm 2013, Đề án tái cơ cấu ngành Thủy lợi được Bộ phê duyệt tháng 4 năm 2014, hoạt động khoa học công nghệ của Viện đã tập trung xác định một số hướng nghiên cứu trọng tâm, bước đầu cho thấy những kết quả của các nghiên cứu theo định hướng trên là rất thiết thực và được đánh giá cao. Trong thời gian này Viện đã thực hiện hàng trăm đề tài, dự án khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, tỷ lệ đề tài, dự án có kết quả ứng dụng vào sản xuất, đời sống là 40%. Với tiềm năng, vị thế uy tín của Viện ngày một cao, nên tỷ lệ thắng thầu chủ trì các đề tài dự án rất cao (trên 80%). Kết quả nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian qua có thể tóm lược những nét chính sau: II.1. Lĩnh vực nghiên cứu phục vụ quy hoạch khai thác bảo vệ tài nguyên nước Viện đã chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu, tính toán đánh giá, dự báo và đề xuất các giải pháp phục vụ khai thác và bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước và môi trường, đó là: - Tính toán dự báo biến động nguồn nước sông Mê Công ứng với các kịch bản sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn, có xem xét tới các kịch bản biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Kết quả dự báo của Viện giúp Bộ, các địa phương chuẩn bị các phương án ứng phó chủ động; - Xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp tài nguyên nước các lưu vực sông Vu giaThu bồn, lưu vực sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; - Quy trình điều tiết liên hồ chứa các hồ chứa lớn thuộc lưu vực sông Hồng. II.2. Lĩnh vực cấp nước - Công nghệ dự báo và giám sát xâm nhập mặn đã được Viện nghiên cứu và triển khai ứng dụng tại vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đạt kết quả tốt, qua đó Viện đã được Bộ giao xây dựng đề án “Giám sát tình trạng xâm nhập mặn hạ du trên các hệ thống sông” với nội dung chính: Xây dựng phần mềm, chương trình tính toán diễn biến xâm nhập mặn cho 3 hệ thống sông chính để hỗ trợ quản lý điều hành cho Tổng cục Thủy lợi; - Nghiên cứu, đề xuất giải pháp cấp thoát nước cho một số loại hình nuôi tôm chính ở ĐBSCL (thâm canh, bán thâm canh, quảng canh và luân canh tôm lúa, tôm rừng). Đề xuất phương án quy hoạch, mô hình cung cấp nước ngọt ứng dụng cho các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển giàu tiềm năng ở ĐBSCL; - Công nghệ cấp nước, trữ nước cho vùng đất dốc, núi cao, biên giới, hải đảo: bơm va, bơm thủy luân, hồ treo, bể chứa nước bê tông thành mỏng, công nghệ đập ngầm và hào thu nước, công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt dùng năng lượng mặt trời. II.3. Lĩnh vực chỉnh trị sông, bảo vệ bờ biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai - Viện có phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực sông biển, và phòng thí nghiệm thủy lực ở Bình Dương với các trang thiết bị hiện đại, các phòng thí nghiệm này có đủ năng lực để có thể giải quyết được hầu hết những vấn đề phức tạp, bức xúc của thực tế. Ứng dụng mô hình vật lý, mô hình toán vào nghiên cứu quy luật diễn biến lòng dẫn, dự báo xói lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển và đề xuất các giải pháp chỉnh trị cho nhiều khu vực xói lở trọng điểm trên sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai-Sài Gòn, v,v… các vùng cửa sông ven biển Hải Hậu – Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Cửa Thuận An, cửa Định An v,v..; - Kết quả nghiên cứu rà soát đê biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã đề xuất được tuyến đê hợp lý và giải pháp nâng cấp hệ thống đê biển đáp ứng nhu cầu phát triển mới trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; - Trong thời gian vừa qua, Viện đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ: tiến hành xây dựng xong bản đồ ngập lụt hạ du các lưu vực sông theo cấp báo động cho các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên để phục vụ công tác điều hành mùa lũ năm 2014, xác định các nội dung cần thực hiện cho các năm tiếp theo; - Chủ động tính toán xây dựng bản đồ ngập lụt, nước dâng do siêu bão cho một số tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, ĐBSCL. Với những kết quả đã tính toán được, khẳng định Viện hoàn toàn làm chủ được công nghệ dự báo các thông số mực nước, nước dâng, trên cơ sở dự báo về bão của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho tất cả các tỉnh ven biển Việt Nam; - Công nghệ gây bồi tạo bãi trồng cây chắn sóng bảo vệ an toàn bờ biển, đê biển được Viện đặc biệt quan tâm nghiên cứu và liên tục hoàn thiện trong nhiều năm qua. Kết quả nghiên cứu các loại cây chắn sóng ven biển đã được ứng dụng vào khôi phục và trồng rừng ngập mặn bảo vệ cho các đoạn đê biển các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị và hiện đang tiến hành lập dự án để triển khai trồng tại các tỉnh ven biển ĐB sông Cửu long. II.4. Tưới cho lúa và cây trồng cạn Để chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện BĐKH, cạn kiệt nguồn nước hiện nay các nghiên cứu về lĩnh vực này của Viện tập trung vào các vấn đề sau: - Nghiên cứu xây dựng chế độ tưới, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn ở những vùng thường xuyên khô hạn Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ (cho thanh long, nho, chà là); tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa ở Đắc Lắc (cho cây cà phê, cây tiêu), tưới cho mía ở Quảng Ngãi, Bình Dương, tưới hoa và cà chua ở Sơn La, tưới cho cây dược liệu ở Phú Thọ, tưới cam ở Cao Phong - Hòa Bình; - Nghiên cứu chế độ tưới tiết kiệm nước (SRI) áp dụng tại hệ thống thuỷ lợi Cầu Sơn-Cấm Sơn (2010). II.5. Công nghệ xây dựng và bảo vệ công trình thuỷ lợi - Viện liên tục hoàn thiện công nghệ đập trụ đỡ, đập xà lan di động, đề xuất ứng dụng để xây dựng các công trình ngăn sông, ngăn mặn, giữ ngọt, chống úng ngập cho các thành phố lớn đã mang lại hiệu quả to lớn làm lợi cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Công nghệ đập xà lan đã ứng dụng xây dựng hàng trăm cống ngăn mặn giữ ngọt tại ĐBSCL; - Công nghệ cống lắp ghép bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đã và đang ứng dụng thi công 18 công trình tại Kiên Giang, Cà Mau và hiện đang chuẩn bị xây dựng trên 20 công trình khác ở ĐBSCL; - Công nghệ Jet – grouting ứng dụng xử lý thấm cho cống Tắc Giang – Hà Nam trong điều kiện dòng thấm mạnh, địa chất phức tạp, chống thấm cho công trình hồ Sông Bạc – Hà Giang, v,v..; - Viện đã nghiên cứu làm chủ công nghệ xác định thành phần cấp phối, công nghệ thiết kế, thi công đập bê tông đầm lăn. Kết quả nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng cho nhiều công trình thực tế như: công trình Định Bình, Sông Côn, Nước Trong, v.v.. góp phần đảm bảo an toàn, hạ giá thành cho các công trình; - Các công nghệ phát hiện và xử lý ẩn họa cho đê sông và đập thủy lợi, thủy điện, xử lý mối cho đê, đập của Viện đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an toàn cho hàng nghìn tuyến đê, đập trong phạm vi cả nước; - Mô hình vật lý thí nghiệm thuỷ lực là thế mạnh của Viện, với đội ngũ cán bộ khoa học có nhiều kinh nghiệm và cơ sở thí nghiệm hiện đại. Qua kết quả nghiên cứu thí nghiệm mô hình thủy lực các nhà khoa học của Viện đã chỉ ra rất nhiều bất cập trong các đồ án thiết kế, đã kiến nghị sửa đổi nhiều bộ phận công trình, chính vì vậy đã góp phần đảm bảo an toàn, chính xác cho công trình trong quá trình thi công, nâng cao chất lượng công trình trong thời gian vận hành và giảm đáng kể vốn đầu tư. Nhiều kết quả nghiên cứu đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, trong đó phải kể tới: tràn EA Rơk, tràn Đá Hàn, hồ chứa nước Tả Trạch, Ngàn Trươi, Bản Mồng, v,v… II.6. Thiết bị cơ điện chuyên dùng thủy lợi - Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo các loại bơm công suất lớn, cột nước thấp phục vụ chống ngập úng như bơm phục vụ nâng cấp, cải tạo trên 700 trạm bơm đã được xây dựng 50 – 60 năm trước trên hệ thống thuỷ nông Đồng bằng Bắc bộ, v,v... - Viện đã nghiên cứu và chế tạo thành công bơm hút sâu có ứng dụng cho vùng miền núi, trung du, những nơi có sự chênh lệch mực nước lớn trong năm. Ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, bơm hút sâu cải tiến cho phép hút xa nước biển đến hàng trăm mét đảm bảo chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản. - Nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị vớt rác tự động cho các hệ thống bơm lớn với giá thành đầu tư chỉ bằng 40 - 50% so với thiết bị cùng loại nhập ngoại. - Nghiên cứu, ứng dụng cửa van lớn phục vụ chống úng ngập cho TP.HCM, cửa van đóng mở cưỡng bức thay thế cửa van đóng mở tựu động để đảm bảo chủ động điều chỉnh độ mặn của nước. - Làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị sử dụng năng lượng nước và năng lượng tái tạo khác để bơm nước và cung cấp điện đã được ứng dụng tại nhiều vùng miền của đất nước. II.7. Lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hóa và phần mềm - Công nghệ tổ hợp, chế tạo thiết bị, lắp đặt các trạm giám sát tự động (giám sát mực nước, độ mở cửa tràn, cửa cống, đo mưa, độ mặn…) và xây dựng các module phần mềm chuyên ngành để tích hợp thành hệ thống thông tin quản lý, giám sát và hỗ trợ điều hành các công trình thủy lợi theo thời gian thực. Hệ thống đã từng bước giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành như: Quản lý cơ sở dữ liệu về hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi; dự báo lũ, dự báo ngập lụt vùng hạ du và hỗ trợ điều hành hồ chứa theo thời gian thực; vấn đề cảnh báo hạn, giám sát, dự báo và cảnh báo xâm nhập mặn; vấn đề kiểm soát lượng nước trên kênh tưới nhằm tưới tiết kiệm nước cho cây lúa. - Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám phục vụ giám sát và dự báo năng suất, sản lượng lúa, quản lý hạn hán, ngập lụt, xói, bồi bờ sông, bờ biển đã và đang được áp dụng tại. II.8. Lĩnh vực kinh tế, chính sách - Nghiên cứu áp dụng việc chuyển đổi phương thức hoạt động của các doanh nghiệp quản lý khai thác công trình từ cơ chế giao kế hoạch sang đặt hàng hoặc đấu thầu nhiệm vụ quản lý khai thác. - Xây dựng các sổ tay, hướng dẫn quản lý hệ thống thủy lợi nội đồng, quản lý tưới có sự tham gia của người dân (PIM). Xây dựng mô hình tổ chức thủy nông cơ sở phù hợp với từng vùng miền. - Nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá hiệu quả hoạt động hệ thống công trình thủy lợi và đề xuất kế hoạch hiện đại hóa (Rap, Masscote, Benchmarking); - Nghiên cứu cơ sở khoa học để hoàn thiện bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách mô hình quản lý công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi hiện có và theo hướng đa mục tiêu; - Nghiên cứu chính sách xã hội trong đầu tư và khai thác bền vững công trình thủy lợi. II.9. Hợp tác với các tổ chức quốc tế về nghiên cứu chuyển giao KHCN Trong thời gian qua Viện đã rất chú trọng công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tiếp thu và chuyển giao các thành tựu KHCN của thế giới vào Việt Nam, rút ngắn thời gian nghiên cứu để sớm tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến trên thế giới. Một số đối tác chiến lược của Viện có thể kể đến: - Tổ chức Nông – Lương thế giới (FAO), Tổ chức JICA Nhật bản, DAAD CHLB Đức, AFD Pháp. - Các Viện, trường và doanh nghiệp: KRC Hàn quốc, Công ty Niken, Công ty HALEX - Nhật Bản, Đại học Cologne CHLB Đức, Tổ chức Hàng không vũ trụ Nhật bản JAXA, Tổ chức BORDA (Đức), Viện khoa học và công nghệ Gwangju - Hàn Quốc, Công ty DHI – Đan Mạch, Công ty Netafim, Naan dan - Jain Israel. *Trong thời gian qua Viện đã được công nhận 11 bằng độc quyền sáng chế, 01 giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều các giải thưởng khoa học trong và ngoài nước khác; Viện đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ phê duyệt 30 tiến bộ kỹ thuật trong đó có 15 TBKT đã được Bộ công nhận, 10 TBKT đã được hội đồng Khoa học Bộ thông qua, đã có trên 20 công bố trên các tạp chí uy tín thế giới, v,v.. III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI III.1 Đáp ứng các thách thức và thực hiện các yêu cầu mới của ngành Viện cần đáp ứng kịp thời những thách thức và yêu cầu mới, đó là thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu; phát triển KT-XH ở thượng nguồn, hạ du các lưu vực sông; các bất cập tồn tại hiện của hệ thống công trình thủy lợi và yêu cầu mới của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi, đó là: 1. Viện phải đi đầu trong các nghiên cứu dự báo tác động ở của các thách thức trên trong dài hạn làm cơ sở khoa học phục vụ Quy hoạch khai thác tài nguyên nước tổng hợp theo các lưu vực sông và các vùng trong cả nước theo hướng Quy hoạch thủy lợi gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi. 2. Nghiên cứu, chuyển giao tưới tiên tiến và tiết kiệm trên diện rộng cho các cây trồng cạn chủ lực. Trọng tâm là các khu vực Tây nguyên, vùng núi phía Bắc, Đông nam bộ, duyên hải miền Trung. 3. Nghiên cứu, đề xuất nhằm quản lý rủi ro thiên tai hạn hán, lũ, lụt, bão, bão lớn, siêu bão, an toàn hồ đập trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Áp dụng các công nghệ tiên tiến quản lý rủi ro thiên tai và an toàn đập bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến và hiên đại để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. 4. Nghiên cứu phục vụ phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ thâm canh nuôi trồng thủy sản ở các vùng miền. Nghiên cứu các giả pháp chống bồi, xói cho các khu neo đậu tàu thuyền phòng tránh trú bão và các khu cảng cá. 5. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển bằng các công nghệ giá thành thấp, thân thiện với môi trường đặc biệt quan tâm đến giải pháp phi công trình. 6. Nghiên cứu Công nghệ mới, vật liệu mới kết cấu mới cho thiết bị và công trình thủy lợi. - Nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ mới trong khảo sát, thiết kế, thiết bị, thi công công trình thủy lợi (cống ngăn triều, ngăn sông khẩu độ lớn, cửa van lớn, công trình đập dâng có độ cao lớn..); tự động hóa trong xây dựng và vận hành hệ thống đầu mối công tình thủy lợi; - Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng hạ tầng nông thôn, công nghệ và sử dụng năng lượng tái tạo. 7. Nghiên cứu cơ chế chính sách đồng bộ phục vụ xã hội hóa đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi. Nâng cao tính tự chủ bền vững về tài chính, tạo động lực phát triển cho các công ty quản lý khai thác công tình thuy lợi; củng cố, đổi mới, phát triển bền vững tổ chức thủy nông cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu chính sách xã hội trong đầu tư và khai thác bền vững công trình thủy lợi. III.2 Tổ chức thực hiện Viện cần phải có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để đáp ứng các thách thức và các yêu cầu trên. Viện coi đây là trách nhiệm cần phải thực hiện nhưng cũng là cơ hội để phát triển. Viện cần tổ chức tốt, huy động các nguồn lực để giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài. Phát huy lợi thế là đơn vị vừa nghiên cứu vừa triển khai phục vụ sản xuất. Viện cần xem xét đổi mới mô hình phát triển theo hướng giảm tỷ trọng tư vấn tới mức hợp lý, tăng tỷ trọng nghiên cứu. Rà soát, xây dựng, đổi mới các quy chế, quy định, các đề án của Viện như: Quy chế đãi ngộ, tôn vinh các nhà khoa học và công nghệ; tiêu chí đánh giá cán bộ khoa học, tổ chức khoa học thuộc Viện; Quy chế quản lý KHCN; Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ; Cơ chế để đưa nhanh các sản phẩm nghiên cứu vào thực tế sản xuất; Cơ chế đầu tư tài chính nhằm ươm tạo và phát triển các nhóm nghiên cứu mũi nhọn, các nhà khoa học đầu đàn, v,v… để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện. Tận dụng các nguồn lực để đầu tư có trọng điểm cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm của Viện phục vụ nghiên cứu, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Viện tại Hòa Lạc. IV. KẾT LUẬN Các kết quả hoạt động khoa học công nghệ của Viện đã đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cho phát triển ngành thủy lợi nước nhà, tham gia trực tiếp vào các công trình thủy lợi lớn, việc áp dụng các kết quả nghiên cứu, công nghệ cũng như các giải pháp thi công đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, Viện đã thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, các cơ quan quản lý của Bộ NN&PTNT và các cơ quan ban ngành ngoài Bộ. Viện đã kế thừa, học hỏi và phát huy truyền thống từ các thế hệ trước, tập thể lãnh đạo, cán bộ của Viện luôn đoàn kết, sáng tạo, mạnh dạn vượt qua nhiều thử thách khó khăn. Viện đã tổ chức huy động tổng hợp nguồn lực hiện có để triển khai tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với KHCN, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ NN&PTNT, sự hỗ trợ và hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong cả nước và các tổ chức, cá nhân Quốc tế, đồng thời phát huy truyền thống, kinh nghiệm nghiên cứu KHCN của các thế hệ đi trước, năng lực, trí tuệ và sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ của Viện hôm nay, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng sự nghiệp khoa học công nghệ của Viện ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Trong buổi lễ trọng thể này, Viện xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN, các Bộ ngành, địa phương các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, cảm ơn những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, các nhà khoa học của Viện trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Viện 55 năm qua.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng