Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hình ảnh làng quê việt nam trong tác phẩm của trần tiêu...

Tài liệu Hình ảnh làng quê việt nam trong tác phẩm của trần tiêu

.PDF
90
471
106

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN LÊ THỊ HOÀI XUÂN HÌNH ẢNH LÀNG QUÊ VIỆT NAM TRONG TÁC PHẨM CỦA TRẦN TIÊU Luận văn tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ Văn khóa 32 (2006 -2010) Cán bộ hướng dẫn: HỒ THỊ XUÂN QUỲNH Cần thơ, 5-2010 LỜI CẢM ƠN Em xin chân thành cảm ơn quý thầy cô trong khoa Sư phạm, bộ môn Ngữ văn đã tận tình chỉ dạy, cung cấp cho em nhiều kiến thức bổ ích để em có thể hoàn thành luận văn tốt nghiệp và làm hành trang cho công tác giảng dạy sau này. Em xin kính chúc quý thầy cô luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc! ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. 2. Lịch sử vấn đề. 3. Mục đích nghiên cứu. 4. Phạm vi đề tài. 5. Phương pháp nghiên cứu. PHẦN NỘI DUNG Chương 1 LÀNG QUÊ - MỘT ĐỀ TÀI LỚN TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM 1.1. Văn chương trung đại. 1.2. Văn chương hiện đại. Chương 2 TRẦN TIÊU VÀ NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH CỦA TRẦN TIÊU VIẾT VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM 2.1. Giới thiệu về nhà văn Trần Tiêu. 2.2. Những tác phẩm chính của Trần Tiêu viết về làng quê Việt Nam. Chương 3 HÌNH ẢNH LÀNG QUÊ VIỆT NAM TRONG TÁC PHẨM CỦA TRẦN TIÊU 3.1. Cảnh làng quê bình dị, thân thương trong tác phẩm của Trần Tiêu. 3.2. Người làng quê lam lũ, chất phác, đôn hậu trong tác phẩm của Trần Tiêu. 3.3 . Những nét sinh hoạt của làng quê Việt Nam trong tác phẩm của Trần Tiêu. PHẦN KẾT LUẬN PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài: Làng quê là một đề tài lớn và phổ biến, xuyên suốt trong văn chương Việt Nam qua các thời kì trung đại và hiện đại. Ở mỗi thể loại, mỗi trào lưu văn học, hình ảnh làng quê Việt Nam được khắc họa với những sắc thái riêng. Nhiều nhà văn viết về nông thôn Việt Nam nhưng mỗi người vẫn tạo được nét riêng cho tác phẩm của mình và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Trong số đó, nhà văn Trần Tiêu, thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn đã chọn cho mình hướng đi riêng. Tác phẩm của ông đã khắc họa hình ảnh mộc mạc, gần gũi về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng tám1945 với cái nhìn đặc biệt. Khi các nhà văn cùng thời tập trung miêu tả những nét đẹp của người nông dân, của làng quê với những buổi chiều “êm ả như ru” thì Trần Tiêu lại nhìn thấy ở người nông dân sự nghèo nàn, dốt nát và một làng quê không hề êm ả với những hội hè đình đám, những lễ lộc, những tục lệ, …,cuộc sống tất bật cùng muôn ngàn nỗi lo, nỗi khổ. Chỉ những nhà văn có tâm hồn, tình cảm đặc biệt với cuộc sống, con người thôn quê mới viết nên những tác phẩm về làng quê Việt Nam chân thực và sống động đến vậy. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện hơn về làng quê Việt Nam và nhà văn Trần Tiêu, cần có thời gian nghiên cứu một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “ Hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm của Trần Tiêu” làm luận văn tốt nghiệp. 2. Lịch sử vấn đề: Trần Tiêu là một cái tên có vẻ hơi xa lạ với bạn đọc, đặc biệt là những độc giả trẻ. Những tác phẩm của Trần Tiêu hiện nay còn lại rất ít. Tuy nhiên, ông là một nhà văn có chỗ đứng hẳn hoi trên văn đàn, những tác phẩm của ông đã tạo được tiếng vang và nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. - Vũ ngọc Phan- Nhà văn hiện đại- Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh- 1951: “Người dân Việt Nam dưới ngòi bút của Trần Tiêu bao giờ cũng là người dân nghèo khổ và mê tín”, “họ nghèo vì những hủ tục và khổ vì những hủ tục này” [15; tr.52] - Nguyễn Đức Đoàn- Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán Việt NamNhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội- 1968: “Con trâu của Trần Tiêu ra đời trong thời gian này cũng là một điều có ý nghĩa. Phải nhận rằng trong Con trâu, Trần Tiêu đã thấy được cuộc sống quằn quại của người nông dân nghèo dưới ách tô tức của bọn địa chủ và trăm thứ tục lệ hủ lậu” [4; tr.33, tr.34] - Nguyễn Hoành Khung- Văn xuôi lãng mạng Việt Nam 1930- 1945- Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội- 1998: “Trần Tiêu luôn viết về nông thôn: chủ yếu nhằm khảo sát phong tục thôn quê, song phần nào cũng phản ánh được cuộc sống vất vả lầm than của người nông dân đương thời”. [11; tr.373] - Phan Cự Đệ- Văn học Việt Nam 1900- 1945- Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội- 1999: “Trần Tiêu hướng hẳn về nông thôn. Ông nói lên cái ước mơ suốt đời của người nông dân là có được một con trâu cày để làm ăn mát mặt hơn (Con trâu- 1938). Ông đi sâu vào những phong tục lễ nghi phiền phức tranh nhau ngôi thứ ở nông thôn của bọn hào lý, kỳ mục sâu mọt, hiếu danh (Sau lũy tre- 1940). Ông thông cảm với nỗi khổ của người đàn bà nông thôn “hết khổ về chồng lại khổ về con”, suốt đời thầm lặng hy sinh (Chồng con - 1939). Trần Tiêu không có được cái phong cách hiện thực nghiêm nhặt của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan trong khi trực tiếp miêu tả cuộc sống đấu tranh giai cấp gay gắt giữa nông dân và địa chủ, cường hào gian ác. Nếu như bút pháp hiện thực của Thạch Lam mang màu sẳc tình cảm thì ở Trần Tiêu, nó lại đậm đà màu sắc phong tục”. [ 3; tr.552] - Hoài Anh- Chân dung văn học- Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội2001: “Trần Tiêu là con một ông tuần phủ và là em ruột của Khái Hưng, vậy mà lại chuyên viết về nông dân với mối đồng cảm chân thành và một bút pháp hiện thực tâm lý với vốn sống phong phú, quan sát nhạy bén và phán đoán sắc sảo trong khi các nhà văn đương thời thường nhìn người nông dân qua cặp kính màu lãng mạn chỉ ưa ca tụng cái tình mộc mạc hay ngây thơ của các cô thôn nữ hay ngợi khen những vẻ đẹp của cánh đồng ruộng lúa mà nhắm mắt trước cảnh bùn lầy nước đọng, tối tăm …”. [1; tr.676 ] Những ý kiến của các nhà phê bình đều có cùng nhận định rằng Trần Tiêu là nhà văn chuyên viết về nông thôn Việt Nam. Tuy chưa có được thái độ cương quyết và mạnh mẽ như các nhà văn hiện thực phê phán đương thời nhưng Trần Tiêu đã là “người vạch những luống cày ngập ngừng đầu tiên trên cánh đồng tiểu thuyết nông dân”. [1; tr.674] 3. Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu đề tài: “Hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm của Trần Tiêu” giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về hình ảnh làng quê Việt Nam. Đồng thời biết thêm về nhà văn Trần Tiêu, phong cách nghệ thuật cũng như tình cảm của nhà văn với quê hương, làng quê Việt Nam. Qua đó thấy được đóng góp của Trần Tiêu cho nền văn học nước nhà. Bên cạnh đó, đề tài này giúp chúng tôi có thêm những kiến thức bổ ích về văn học giai đoạn 1930-1945 nói riêng và văn học Việt Nam nói chung, đặc biệt là tác phẩm của Trần Tiêu để phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. 4. Phạm vi của đề tài: Chúng tôi nghiên cứu đề tài “Hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm của Trần Tiêu” trong phạm vi những tác phẩm của Trần Tiêu, cụ thể là: tiểu thuyết “Con trâu”, “Chồng con”, tập truyện ngắn “Truyện quê”, truyện vừa “ Sau lũy tre”. Đồng thời, để làm sáng tỏ, phong phú thêm cho đề tài, chúng tôi có những so sánh, liên hệ với tác phẩm của các tác giả khác như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, … 5. Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu đề tài “Hình ảnh làng quê Việt Nam trong tác phẩm của Trần Tiêu” chúng tôi đã sử dụng các phương pháp diễn dịch, quy nạp, tổng hợp, khái quát vấn đề và những thao tác: tìm tư liệu có liên quan, phân tích, chứng minh, so sánh, … qua đó làm sáng tỏ vấn đề. PHẦN NỘI DUNG Chương 1 LÀNG QUÊ- MỘT ĐỀ TÀI LỚN TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM Văn học Việt Nam được hình thành từ rất lâu đời, gồm hai mảng: văn học dân gian và văn học viết tồn tại song song nhau. Trong phạm vi đề tài, nghiên cứu tác phẩm của một tác giả cụ thể- Trần Tiêu, chúng tôi chỉ đề cập đến mảng văn học viết để tiện so sánh đối chiếu về tư tưởng và dấu ấn phong cách tác giả. Văn học viết lại được chia thành hai thời kì: văn học trung đại (từ năm 938 đến cuối thế kỉ XIX), văn học hiện đại (đầu thế kỉ XX đến nay). Trong suốt tiến trình phát triển của văn học viết có rất nhiều tác giả viết về làng quê và rất nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng. Chúng tôi chỉ điểm qua một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu hoặc tác giả mà chúng tôi yêu thích trong mỗi thời kì. Đặc biệt, trong nội dung này, chúng tôi chỉ khảo sát đề tài tác phẩm, không đi sâu phân tích. 1.1. Văn chương trung đại: Một đặc điểm nổi bật của văn chương trung đại là “tả cảnh ngụ tình”. Trong cảnh luôn có tình, đó là tình cảm yêu quê hương đất nước của những thi nhân có “tâm”. Nổi bật lên trong số đó là Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến. Nhắc đến Nguyễn Trãi thì không thể không nhắc đến “Quốc âm thi tập”, tập thơ Nôm sớm nhất hiện còn, gồm 254 bài. Với tập thơ này, Nguyễn Trãi được xem là “một trong những người đặt nền móng và mở đường cho sự phát triển của thơ tiếng Việt”. “Quốc âm thi tập” phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi: người anh hùng với lý tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân; nhà thơ với tình yêu thiên nhiên, quê hương, con người, cuộc sống, … Qua một số bài thơ, có thể thấy được cảnh làng quê và cuộc sống làng quê thật hồn hậu, giản dị như chính nhà thơ, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Cảnh ngày hè của làng quê Việt Nam được Nguyễn Trãi thể hiện một cách sống động, hài hòa giữa âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người: Rỗi hóng mát thuở ngày trường, Hòe lục đùn đùn tán rợp giương. Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ, Hồng liên trì đã tiễn mùi hương. Lao xao chợ cá, làng ngư phủ, Dắng dỏi cầm ve, lầu tịch dương. Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng, Dân giàu đủ khắp đòi phương. (Bảo kính cảnh giới, bài số 43) Bằng tình cảm yêu thương dạt dào với thiên nhiên, con người, Nguyễn Trãi đã hòa nhập vào thiên nhiên, cuộc sống dân dã bằng tất cả các giác quan: xúc giác, thị giác, khứu giác, thính giác. Từ đó, cảnh làng quê mùa hè hiện ra với đầy đủ màu sắc, âm thanh, hình ảnh đặc trưng và cuộc sống làng quê náo nhiệt. Cảnh làng quê thanh bần với rau trong vườn, cá trong ao. Cuộc sống chan hòa với thiên nhiên tự cung tự cấp, lao động là niềm vui: “Quê cũ nhà ta thiếu của nào, Rau trong nội cá trong ao”. (Mạn thuật, bài số 13) Cuộc sống làng quê với hình ảnh lao động thường nhật của người thôn dã tiếp tục được Nguyễn Trãi thể hiện một cách sinh động: “Một cày một cuốc thú nhà quê, Áng cúc lan chen vãi đậu kê. Khách đến chim mừng hoa xẩy động, Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về”. (Thuật hứng, bài số 3) Cày cuốc là thú vui của người nhà quê, con người và thiên nhiên giao hòa, khăng khít: người đến thì chim mừng, hoa reo vui, trên đường gánh nước về thì có trăng bầu bạn. Dù con người chỉ có một mình nhưng không hề cô đơn, cuộc sống vẫn rất sôi động và đầy thi vị. Cảnh làng quê và cuộc sống làng quê thật bình dị, êm đềm qua cái nhìn tinh tế của nhà thơ, dù phận khó vẫn vui sống. Qua đó thể hiện tấm lòng thanh bạch và nhân cách cao đẹp của Nguyễn Trãi: “Ruộng đôi ba khóm đất con ong, Đầy tớ hay cày kẻo muộn mòng. Sự có cầu người nên rẻ mặt, Phận tuy rằng khó, miễn yên lòng. Thu êm cửa trúc mây phủ, Xuân tĩnh đường hoa gấm phong. Ai có của thông phòng thết khách, Một ao niềng niễng mấy đòng đòng”. (Thuật hứng, bài số 11) Cuộc sống thanh bần với thiên nhiên, với công việc lao động bình thường: vớt bèo, cấy muống, phát cỏ, ương sen. Rời xa chốn quan trường nhưng tấm lòng trung hiếu vẫn vững vàng: Thuật hứng, bài số 24 Công danh đã được hợp về nhàn, Lành dữ âu chi thế ngợi khen. Ao cạn vớt bèo cấy muống, Đìa thanh phát cỏ ương sen. Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc, Thuyền chở yên hà nặng vạy then. Bui có một lòng trung lẫn hiếu, Mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen. Là một nhà thơ thuộc lớp Nho học phong kiến, nhưng thơ Nguyễn Trãi không chỉ hướng tới những đề tài cao quý, sang trọng như: tùng, mai, lan, cúc, trúc. Hay những đề tài lớn, hệ trọng: vấn đề vận mệnh đất nước, nhân dân,…mà còn hướng tới những đề tài bình dân, nhỏ bé, cụ thể là những bài thơ trong phần “Cầm thú môn”, “Hoa mộc môn”. Đây là hai bài thơ trong phần “Hoa mộc môn”: Ba tiêu Từ bén hơi xuân tốt lại thêm, Đầy buồng lạ, màu thâu đêm. Tình thư một bức phong còn kín, Gió nơi đâu gượng mở xem. Giá Viện xuân đầm ấm nắng sơ soi, Áo tế hung hung thuở mặc thôi. Ăn nước kìa ai được thú, Lần từng đốt mới hay mùi. Có thể nói, cây chuối, cây mía lần đầu đi vào thơ cũng chẳng kém phần thi vị. Vì vậy mà hoa cúc vốn đã đẹp, qua tài năng Nguyễn Trãi lại càng đẹp hơn. Độc đáo hơn, nhà thơ còn cho thấy được nét đẹp tinh túy của hoa, làm cho người đọc như cảm nhận được mùi thơm của hoa. Đặc biệt là mùi hương hoa nở muộn: Cúc Nào hoa chẳng bén khí đầm hâm, Có mấy bầu sương nhụy mới đâm. Trùng cửu chớ hiềm thu đã muộn, Cho hay thu muộn tiết càng thơm. Điểm qua một số tác phẩm của Nguyễn Trãi, hình ảnh làng quê Việt Nam hồn hậu, giản dị, mộc mạc và tình cảm của nhà thơ được thể hiện một cách sâu sắc. Trải qua mấy thế kỉ thăng trầm cùng quê hương đất nước, văn chương không lúc nào thiếu những thi nhân kiệt xuất. Sau thời đại Nguyễn Trãi hàng mấy thế kỷ, chứng kiến buổi giao thời, thơ Nguyễn Khuyến có sự đổi mới rất nhiều. Tuy nhiên cái hồn thơ vẫn là tình yêu làng cảnh, đất nước, con người Việt Nam. Xuân Diệu đã mệnh danh Nguyễn Khuyến là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Điều đó thật có lý. Bởi Nguyễn Khuyến đã một đời gắn bó với làng quê Yên Đổ. Cảnh vật nông thôn, cảnh đời thôn dã nơi quê hương bùn lầy nước đọng đã quá quen thuộc với ông. Tình yêu quê hương, con người đã cho Nguyễn Khuyến một thứ “ánh sáng kì diệu” để nhìn cảnh, nhìn người một cách tinh tế, sâu xa, đầy khám phá, có sức rung động lòng người. Đặc biệt là ba bài thơ thu “hay nhất, điển hình nhất cho mùa thu ở Việt Nam, ở miền Bắc nước ta”: Thu vịnh Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào. Nhân hứng cũng vừa toan cất bút, Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào. Thu điếu Ao thu lạnh lẽo nước trong veo, Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo. Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, Ngõ trúc quanh co khách vắng teo. Tựa gối buông cần lâu chẳng được, Cá đâu đớp động dưới chân bèo. Thu ẩm Năm gian nhà cỏ thấp le te, Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe. Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe. Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt, Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe. Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy, Độ năm ba chén đã say nhè. Ba bài thơ tuy đều tả cảnh mùa thu nhưng mỗi bài vẫn có nét riêng. Trong đó có thể nói hay nhất, điển hình nhất cho mùa thu Việt Nam là “Thu điếu” với “ ngõ trúc quanh co” rất đặc trưng của làng quê. Từng nét thu: bầu trời, ao cá, chiếc lá, làn sóng gợn nhẹ, ngõ trúc, chiếc thuyền câu, con cá đớp bèo,… qua cái nhìn tinh tế của tác giả đi vào thơ một cách thi vị. Đặc biệt, hai câu cuối của ba bài thơ đều thể hiện tâm trạng tác giả: “Thu vịnh” là nỗi “thẹn” của một kẻ sĩ không được cống hiến cho dân tộc; “Thu điếu” là tâm trạng “chờ thời” của Nguyễn Khuyến, chờ thời thế thay đổi, để được góp sức cho đất nước; “Thu ẩm” là tâm trạng bất lực của nhà thơ trước cuộc đời, trước xã hội nhố nhăng đương thời. Đến đây, nhà thơ đã phải dùng đến rượu, dù chẳng muốn say nhưng vẫn phải say vì men rượu mạnh. Ngoài ra Nguyễn Khuyến còn chùm thơ về mùa xuân, hạ, đông, làm hoàn thiện chùm thơ bốn mùa của ông. Tuy chưa được gọi là những tuyệt tác như ba bài thơ thu, song cũng có những nét chấm phá đặc sắc, tiêu biểu cho từng mùa của cảnh sắc quê hương miền Bắc Việt Nam. Cảnh mùa xuân: Là là mặt đất lớp sương sa Ánh sáng ban mai vẫn mập mờ … Đầm đìa lệ sớm cành tre rủ, Lạc lõng canh khuya tiếng hạc qua… ( Xuân nhật I) Một mùa đông gió bấc, rét buốt: Xương buốt, tai ù, mình tưởng mượn, Nón che, tơi phủ, khách thưa lời. (Tiểu hàn) Một mùa hè oi bức, ngột ngạt: Nung trời, nấu đất mấy tuần qua Gió những đâu mà chẳng đến ta Lùm biếc tiếng chim kêu “rõ khổ” Dậu vàng dư dại bám bơ phờ Muỗi vo ve để người sầu não Liễu ủ ê mà ai thiết tha… (Hạ nhật cửa hạn, hĩ vũ tác) Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến bằng lặng, dịu hiền, mơ màng, thì mùa hè lại đầy biến động bất thường, náo động âm thanh, chói chang màu sắc. Nếu trong ba bài thơ thu, nhà thơ cảm nhận vẻ đẹp mùa thu chủ yếu bằng ấn tượng thị giác thì trong mùa hè nhà thơ đã cảm thụ bằng mọi giác quan: xúc giác, thị giác, khướu giác, thính giác: Tựa cửa gió reo man mát mặt Ngẩng đầu trời nắng hấp hay mi Thoáng thơm cánh mũi hoa đâu nhỉ Líu ríu cành tre có tiếng chim (Hạ nhật ngẫu thành) Cuộc sống làng quê với những tập tục truyền thống, một đêm giao thừa cổ truyền của Việt Nam thật nhộn nhịp sôi động: Ình ịch đêm qua trống các làng Ai ai mà chẳng rước xuân sang Rượu ngon nhấp miệng đưa vài chén Bút mới xô tay thử mấy hàng Trước lũy nhấp nhô cò cụ Tổng Cách ao lẹt đẹt pháo thày Nhang Mỗi năm một tuổi trời cho tớ Tuổi tớ trời cho tớ lại càng… (Khai bút) Đây là một bài thơ tả thật, thật từ tên người đến sự việc. Nó rất điển hình cho đêm giao thừa ở vùng chiêm trũng Bắc Bộ và tâm tình của con người trong phút đón chào năm mới. Con người gạt bỏ hết mọi lo âu, hứng khởi trước tương lai. Trong thơ Nguyễn Khuyến ta còn bắt gặp tục lệ cổ xưa ở miền Bắc như lễ lên lão sáu mươi. Bên cạnh đó ta cũng thấy được mối quan hệ làng xóm thân tình: Lên lão Ông chẳng hay ông tuổi đã già, Năm mươi ông cũng lão đây mà! Anh em, làng xóm xin mời cả, Giò bánh, trâu heo, cũng gọi là! Chú Láo bên người lên với tớ Ông Từ ngõ chợ lễ cùng ta Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ? Có rượu thời ông chống gậy ra. Cảnh chợ quê ngày tết cũng được thể hiện một cách sinh động: Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng, Năm nay chợ họp có đông không? Dở trời mưa bụi còn hơi rét, Nếm rượu tường đền được mấy ông? Hàng quán người về nghe xáo xác Nợ nần năm hết hỏi lung tung. Dăm ba ngày nữa tin xuân tới, Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng. (Chợ đồng) Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” cho thấy cuộc sống, một cảnh nhà tiêu biểu ở nông thôn với ao cá, vườn rau, trong vườn thì thả gà, giàn bầu, giàn mướp tươi tốt. Tác giả cũng cho thấy phong tục mời trầu tiếp khách của người Việt ta. Dù trong bài thơ tất cả những thứ đó đều không thể tận dụng được vì nhà tác giả là một cá biệt. Hay có thể nói, đó chỉ là một lời tự trào của nhà thơ: Chẳng mấy khi nay bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng chợ thời xa. Ao sâu nước cả khôn mò cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Cải đã tàn cây, cà chửa nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta! (Bạn đến chơi nhà) Đặc biệt, bài thơ là một lời tâm tình của một thi sĩ nghèo, một người bạn chân chính: “ Bác đến chơi đây ta với ta!”. Chỉ “ ta với ta”, “ta” ở đây gồm cả chủ thể và khách thể, có thể hiểu là bác với tôi, chỉ tấm lòng đối đãi tấm lòng. Khác với “ta với ta” của bà Huyện Thanh Quan trong bài “Qua đèo ngang”, chỉ một mình ta. Làng quê là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, có mảng tối và mảng sáng. Ngoài những nét đẹp bình dị yên ả là gam màu sáng thì những tệ nạn, hủ tục lại mang gam màu tối. Như một họa sĩ tài tình, Nguyễn Khuyến đã phản ánh nạn mê tín dị đoan, đồng cốt ở làng quê với một bức tranh lố nhố cảnh lên đồng: Chuông khánh điện ai vẫn bập bồng, Phụ hồn hiệp tính cũng thần thông. Có khi bóng gái ra ông quận, Ai ngỡ hồn trai hóa chúa Sùng. Ông gặp lúc nhàn vơ bụng chúa, Chúa ra phép thánh tát hàm ông. Sớm mai hồn phách về đâu tá? Để lại người đời một lũ gông! (Đồng cốt) Với tình cảm chân thành, sự đồng cảm và yêu thương với người nông dân, Nguyễn Khuyến đã hiểu thấu được nỗi khổ của người nông dân mất mùa, phải chịu thuế khóa nặng nề, nợ nần chồng chất, cuộc sống thiếu thốn khổ sở: Mấy năm cày cấy vẫn chân thua: Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa. Phần thuế quan Tây, phần trả nợ, Nửa công đứa ở, nửa thuê bò. Sớm trưa dưa muối cho qua bữa, Chợ búa trầu cau chẳng dám mua. Tần tiện thế mà không khá nhỉ Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho. (Nhà nông than thở) Tóm lại, từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Khuyến, làng quê Việt nam vẫn là một đề tài lớn. Tuy mang đặc điểm của văn học thời kì trung đại, bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo phong kiến, những nguyên tắc sáng tác và thể loại, nhưng tác phẩm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Khuyến đã thể hiện được hiện thực khách quan qua cái nhìn chủ quan của tác giả, từ chuyện bản thân mà nói được chuyện người, chuyện đời. Đồng thời, qua những bài thơ về làng cảnh, nhà thơ đã bày tỏ tình yêu quê hương đất nước và con người thiết tha, sâu đậm. 1.2. Văn chương hiện đại: Văn học hiện đại Việt Nam được chia thành bốn giai đoạn: giai đoạn 19001930, giai đoạn 1930- 1945, giai đoạn 1945- 1975, giai đoạn từ sau 1975 đến nay. Trong mỗi giai đoạn đều có những tác phẩm viết về làng quê Việt Nam tạo nên tên tuổi cho các nhà văn, nhà thơ. Đầu tiên, giai đoạn 1900- 1930 phải kể đến nhà văn Hồ Biểu Chánh, người được mệnh danh là “Banzăc của Việt Nam” với những cuốn tiểu thuyết viết về làng quê Nam Bộ làm rung động bao nhiêu thế hệ độc giả. Trong tác phẩm của ông, cuộc sống của vùng sông nước Cửu Long được thể hiện khá rõ nét: phương tiện giao thông chính là ghe, thuyền. Cái cách mà Hồ Biểu Chánh miêu tả những cuộc di chuyển bằng ghe, thuyền cho thấy tính ưu việt của phương tiện này: từ Gò công đi Mỹ Tho, từ Cần Đước lên thành Gia Định, chèo thuyền ngoài biển… Từ đó cũng cho thấy hình ảnh những người dân chèo thuyền đẹp uy nghi trong cảnh sông nước bao la, lấy sức mình đọ sức thiên nhiên. Hình ảnh làng quê cũng được Hồ Biểu Chánh miêu tả rất chi tiết: nhà của Lý Kỳ Nguyên (Ngọn cỏ gió đùa) là một ngôi nhà lá hai gian bên cạnh một con rạch nhỏ với những hàng so đũa sau nhà, những đám lá dừa ở mé sông, ngoài sân một bên trồng rau, một bên trồng bông; cảnh cô Lý Ánh Nguyệt cầm rổ xuống rạch xúc cá rất quen thuộc ở làng quê Nam Bộ. Cảnh bến nước trước nhà, chỗ ông cháu Lê Văn Đó ngồi câu cá có cây dừa oằn cũng rất tiêu biểu, gần gũi với người dân Nam Bộ. Nó làm sống lại bao kí ức tuổi thơ của người đọc. Bến nước quê hương nơi ta từng tắm mát, từng là nơi ta ngồi câu cá, chuyện gẫu với bạn bè… Đọc tác phẩm của Hồ Biểu Chánh làm ta xúc động vì chất văn rất thật, rất gần gũi. Cảnh đã thật, con người càng thật. Những số phận bất hạnh do xã hội bất công đem lại như: Lê Văn Đó vì nghèo đói, vì thương mẹ thương cháu đã ăn cắp trã cháo heo và bị đánh đập dã man, bị đày đi tù (Ngọn cỏ gió đùa); Trần Thủ Nghĩa bị vu oan, bị đánh đập và cũng bị đày đi tù (Chúa tàu Kim Quy), … rất quen thuộc với người dân Nam Bộ trong xã hội đương thời. Văn học Việt Nam giai đoạn 1930- 1945 với công cuộc hiện đại hóa văn chương đã thật sự tạo nên diện mạo mới cho nền văn chương hiện đại Việt Nam. Ở giai đoạn này không chỉ có sự phát triển về “lượng” mà điều cực kì đặc biệt là sự biến đổi về “chất” ngay trong mỗi tác phẩm của từng nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Tuy nhiên đề tài về quê hương đất nước, đặc biệt là làng quê Việt Nam vẫn
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan