Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Hành trình yêu nước của hồ chí minh...

Tài liệu Hành trình yêu nước của hồ chí minh

.DOCX
9
232
129

Mô tả:

Hành trình yêu nước của Hồ Chí Minh “Chủ nghĩa yêu nước nhen nhóm trong Nguyễn Tất Thành từ giai đoạn tuổi thơ ở Huế. Và khi cùng cha quay trở lại Kinh thành hơn 10 năm sau, 6/1906, lòng yêu nước ấy mới thật sự bùng lên”- Sử gia William Duike viết về Hồ Chí Minh. LTS: "Một người yêu nước mà đã từ lâu đeo đuổi lý tưởng phụng sự đất nước", chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự nhận mình như thế. Cho dù đã được thế giới công nhận là lãnh tụ cộng sản kiệt xuất có tầm ảnh hưởng to lớn trong thế kỷ 20, bác Hồ vẫn luôn chỉ giản dị nhận mình như một người yêu nước. Sử gia William Duiker tác giả cuốn sách nổi tiếng về cuộc đời Hồ Chí Minh từng nhận xét: "Trái với các nhân vật cách mạng kiệt xuất khác, Hồ Chí Minh rất ít quan tâm đến ý thức hệ hay tham gia tranh luận trên báo chí mà chủ yếu ông tập trung suy nghĩ và hành động của chính mình vào những vấn đề thực tiễn như làm thế nào giải phóng đất nước ông và các xã hội thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây." Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của bác Hồ cũng chính là hành trình lần theo những khát vọng và bước đi yêu nước của Người. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu hành trình ấy. Lòng yêu nước của Hồ Chí Minh khởi nguồn từ truyền thống gia đình. Nguời cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đỗ tới phó Bảng nhưng ban đầu đã từ chối ra làm quan cho triều đình bù nhìn. Ông quyết định ở lại làng Kim Liên mở lớp dạy học. Cậu bé Nguyễn Tất Thành vừa học trong lớp với cha và một số thày giáo khác, vừa tham gia các hoạt động bên ngoài. Nhà của cậu bé nằm cạnh một lò rèn và người thợ rèn tên Diễn có tài kể chuyện đặc biệt, cậu bé Thành thường cùng chúng bạn tụ tập ở nhà người thợ rèn để nghe nhiều câu chuyện về các hoạt động yêu nước đánh đuổi giặc Pháp của nhóm Cần Vương. Sử gia Duiker kể: "Cùng với những thanh niên khác, Thành được nghe những chiến công hiển hách như Lê Lợi và Mai Thúc Loan, những tấm gương đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược. Thành xúc động lắng nghe câu chuyện ông Vương Thúc Mậu tự vẫn và chuyện nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng đã chết bởi bệnh lỵ vào năm 1895 do thiếu thốn lương thảo và thuốc men khi phải đưa quân lùi sâu vào rừng núi dọc theo biên giới Lào. Thành cũng rất xúc động khi được biết một số người trong gia đình bên họ nội của cha mình đã hết lòng cho sự nghiệp cứu nước." Khi ấy, cậu bé Nguyễn Tất Thành mới có 11 tuổi. Ở cái tuổi đa số trẻ em còn ham đánh bi đánh đáo ấy, Nguyễn Tất Thành đã có những ham thích lớn lao hơn hẳn: tìm hiểu về lịch sử nước nhà. "Thành rất khó chịu khi phát hiện ra rằng hầu hết những cuốn sách cổ điển đang được sử dụng ở làng đều kể về lịch sử Trung hoa thay vì lịch sử Việt Nam và vì vậy, ông đã quyết định đi bộ đến thành phố Vinh để mua những cuốn sách nói về lịch sử đất nước mình. Khi thấy rằng những cuốn sách đó quá đắt tiền, Thành đã cố ghi nhớ những nội dung chính để có thể kể lại cho bạn bè khi về làng." Những biểu hiện của lòng yêu nước nồng nàn của cậu bé Thành thậm chí còn sớm hơn thời điểm năm 1901. Từ năm 1895, khi theo cha mẹ vào Huế để ông Nguyễn Sinh Sắc ôn thi Hội, cậu bé 5 tuổi Nguyễn Sinh Cung (tên khi ấy của bác Hồ) đã có những cảm nhận đầu tiên về đất nước dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Với những quan sát của một đứa trẻ, cậu "tò mò không hiểu tại sao ngay cả những quan lại danh tiếng của Việt Nam cũng đều phải xun xoe quỵ lụy tất cả những người châu Âu." Từ ấy, cậu bé: "trở nên không thích người nước ngoài khi nghe thấy có nhiều người Pháp đối xử tồi tệ với những người lao động làm thuê..." Chủ nghĩa yêu nước nhen nhóm trong Nguyễn Tất Thành từ giai đoạn tuổi thơ ở Huế. Và khi cùng cha quay trở lại Kinh thành hơn 10 năm sau, 6/1906, lòng yêu nước ấy mới thật sự bùng lên. Mùa thu năm 1907, Nguyễn Tất Thành thi đỗ vào trường Quốc học, cấp học cao nhất thời bấy giờ trong hệ thống trường Pháp Việt. Những mô tả về cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành thời ấy rất ngộ nghĩnh: "Với đôi guốc mộc, quần áo bà ba nâu và mái tóc dài, rõ ràng Thành là hình ảnh của một người nông dân trong con mắt các bạn học sành điệu hơn - nhiều người trong số họ mặc áo dài the, quần trắng theo lối truyền thống hoặc mặc âu phục có bày bán tại trường - nên Thành đã nhanh chóng quyết định cắt kiểu tóc ngắn hợp thời và mặc quần áo giống như các bạn để khỏi bị chế nhạo..." Tác phong bộc trực và nông dân của Nguyễn Tất Thành bị một số bạn học thượng lưu chế nhạo nhưng lực học của anh thì mọi người đều nể phục, chỉ một năm, anh đã hoàn thành khóa học của cả hai năm. Đặc biệt, quan điểm chính trị của Thành đặc biệt cấp tiến và yêu nước: "Sau mỗi buổi học, Thành thường lui tới bờ sông, nơi thường có những đám đông tụ tập tranh luận những tin tức mới nhất về ông Phan Bội Châu và cùng nhau đọc bài thơ "á Tế á" của ông, ngợi ca một châu á không có sự thống trị của người da trắng và kêu gọi mọi người tranh đấu vì độc lập dân tộc." Nguyễn Tất Thành bắt đầu tiếp cận với những quan điểm chính trị cấp tiến nhờ trải nghiệm và đọc những cuốn sách của các nhà cải lương Pháp, Trung Hoa, Việt Nam ở nhà thày giáo Hoàng Thông. Thái độ chỉ trích chính quyền thực dân phong kiến của chàng thiếu niên càng ngày càng mãnh mẽ và đã không ít lần anh công khai đứng ở sân trường phê phán sự nhu nhược của triều đình Huế và đòi bỏ chế độ sưu cao thuế nặng lên nông dân. Thành đã bị trường gọi lên khiển trách vì điều đó. Không dừng lại, hưởng ứng lời kêu gọi tất cả người Việt Nam cắt tóc để phản đối chế độ phong kiến cũ của nhà yêu nước Nguyễn Quyến. "Thành, lúc này bắt đầu bỏ học cùng bạn bè đi khắp các đám đông cắt tóc cho những khách qua đường cho dù chẳng có mấy ai yêu cầu. Nhiều năm sau. Hồ Chí Minh vẫn còn nhớ bài ca của họ: Lược bên tay trái Kéo bên tay phải Cắt! Cắt! Cắt đầu ngu dốt Cắt óc đần độn Cắt! Cắt!" Tuy vậy, mãi tới tháng 5 năm 1908, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành tròn 18 tuổi mới chính thức tham gia hoạt động chính trị đầu tiên. Thời gian đó, nông dân tràn vào kinh thành Huế để phản đối sưu cao thuế nặng, họ bắt cả tri huyện và nhốt vào cũi giải đến gặp quan Pháp ở kinh thành. Nguyễn Tất Thành đã đi theo đoàn biểu tình và trở thành phiên dịch. "Bất ngờ viên sĩ quan phụ trách ra lệnh cho toán lính xông tới dùng gậy đẩy để đẩy lùi đám đông. Thành đã chen lên hàng đầu và Thành đã bị trúng vài gậy khi đang cố gắng phiên dịch các yêu sách của những người nông dân cho nhà cầm quyền. Khi đám đông tiếp tục tràn lên, Thống sứ Levecque đã đồng ý cho phép một đại diện của những người biểu tình vào phòng làm việc của mình để thương thuyết các điều kiện để cho đám đông có thể giải tán. Thành đã trở thành phiên dịch." Quân Pháp sau đó đã bắn vào đoàn biểu tình còn "kẻ quấy rối" Nguyễn Tất Thành bị buộc phải thôi học và từ đó, bắt đầu bị liệt vào sổ đen của cảnh sát. Trốn tránh lực lượng an ninh, anh bôn ba vào Nam và tới đầu năm 1910, anh tới Phan Thiết để dạy Hán ngữ và chữ Quốc Ngữ cho một trường học ở đây. Những bài giảng của Nguyễn Tất Thành ngày đó ngập tràn lòng yêu nước, sử gia Duiker viết: "Thành đưa ra những chủ đề về lịch sử Việt Nam trong các bài giảng của mình và đọc những câu thơ trong các bài thơ nổi tiếng như "Bài ca hớt tóc" và bài thơ "áTế-á" của Phan Bội Châu. Bắt đầu buổi học, Thành yêu cầu các học sinh đọc những câu thơ trong hợp tuyển thơ ca của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (tạm dịch ý chính). Trời xanh có thấu cho chăng dân ta đang phải sống trong đói khát, bần hàn nặng gông cùm xiềng xích do bóc lột ngoại bang." Từ Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và từ đó, anh đã xin làm phụ bếp trên một con tàu để có thể sang Pháp. Giai đoạn niên thiếu của Hồ Chí Minh còn có nhiều tình tiết chưa hoàn toàn rõ ràng nhưng "điều không có gì đáng nghi ngờ là khi rời Sài Gòn vào mùa hè năm 1911, ông là một người lòng tràn đầy tình yêu tổ quốc cũng như thấu hiểu sâu sắc về sự bất công mà chính quyền thuộc địa đã gây ra cho đồng bào của ông. Đối với Thành, dường như không có cách nào khác để giải quyết vấn đề này ở trong nước. Có lẽ các điều đó có thể tìm thấy ở nước ngoài." "Con đường của Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, sự phẫn nỗ khi thấy đồng bào anh bị hệ thống tư bản chủ nghĩa mang tính đế quốc bóc lột và chèn ép"- Sử gia William Duiker. Nguyễn Tất Thành đã nói như vậy trong những ngày tháng bôn ba ở Pháp và nhiều nước khác. Mọi hành động và việc làm của anh trong giai đoạn này đều xuất phát từ khát vọng giành độc lập cho dân tộc. Ngay khi vừa đặt chân tới Pháp, Nguyễn Tất Thành đã tự chất vấn khẩu hiệu "khai hóa văn minh" của người Pháp với đồng bào anh. "Lúc đó cũng như bây giờ, Marseille vẫn là một thành phố nhộn nhạo, đường phố đầy những thủy thủ, ma-cà-bông, lái buôn và những tên trộm cắp thuộc tất cả các dân tộc. Trông thấy các cô gái điếm Pháp lên tàu với các thủy thủ, Thành đã nói với bạn: "Tại sao người Pháp không truyền bá văn minh cho chính đồng bào của họ trước khi họ làm như vậy với chúng ta?" Sang những nước thuộc địa khác ở Châu Phi và chứng kiến những người da đen bị chết chìm giữa biển khơi khi thực dân Pháp bắt họ phải bơi ra những con tàu giữa cơn bão tố, Nguyễn Tất Thành nhớ tới đồng bào mình ở quê hương đang có hoàn cảnh tương tự. "Ở trong nước, tôi đã chứng kiến cảnh này ở Phan Rang. Người Pháp phá lên cười trong khi đồng bào tôi bị chết đuối vì họ. Đối với những tên thực dân tại thuộc địa Pháp, cuộc sống của một người châu á hay châu Phi không đáng giá một đồng xu". Yêu nước là một tình cảm phổ biến của con người ở đa số các dân tộc, nhưng "coi nỗi thống khổ của đất nước và đồng bào như một nỗi lo luôn canh cánh hơn bất kỳ sự nghiệp nào khác" thì chỉ có ở một số người đặc biệt, tiêu biểu trong số ấy là Nguyễn Tất Thành. Những người quen biết anh tại nước Pháp trong thời gian ấy đều nhận xét Thành là "chàng trai rụt rè, khiêm tốn, rất nhã nhặn, ham học hỏi" nhưng "có một đặc điểm thể chất đặc biệt, chứng tỏ Thành không phải là một con người bình thường - đôi mắt đen của anh luôn rực sáng và đi sâu vào tâm hồn người mỗi khi nói chuyện." Lòng yêu nước đã biến thành quyết tâm sắt đá tìm cách giải phóng dân tộc và đồng bào khỏi ách thống trị thực dân. Lịch sử còn ghi lại bài thơ trong bức thiệp mà Nguyễn Tất Thành đã gửi Phan Chu Trinh trong những ngày ở Pháp: "Trước khó khăn như biển rộng, trời cao, Với quyết tâm noi gương anh hào, Cháu hứa tranh đấu cho đất nước". Hoạt động chính trị để giải phóng dân tộc Nguyễn Tất Thành là một người Việt hoạt động chính trị nổi tiếng ở Pháp từ khi anh gửi yêu sách 8 điểm tới Hội nghị hoà bình Versailles với cái tên Nguyễn Ái Quốc dưới danh nghĩa "Hội những người yêu nước An Nam". Sử gia Duiker kể lại nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc khi cố gắng thu hút sự chú ý của các nước lớn vào bản yêu sách này: "Thành cũng đã đi dọc các hành lang trong Cung điện Versailles để gửi bản yêu sách tới các phái đoàn của các cường quốc lớn. Để bảo đảm bản yêu sách phát huy tác dụng cao nhất, Thành đã thu xếp xin đăng các yêu sách này trên tờ Nhân đạo, một tờ báo cấp tiến ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Thành cũng ghi nhận đã sử dụng tiền ủng hộ của các thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động để in thêm sáu nghìn bản và phân phát trên các đường phố Paris." Nổi danh sau khi đệ trình bản yêu sách 8 điểm, Nguyễn Ái Quốc được gia nhập Đảng Xã Hội Pháp (06/1919). Con đường của anh đến với chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước, sự phẫn nỗ khi thấy đồng bào anh bị hệ thống tư bản chủ nghĩa mang tính đế quốc bóc lột và chèn ép. Trong mọi cuộc họp với các nhóm thuộc Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc luôn chỉ nói đến vấn đề thuộc địa và kêu gọi giải phóng cho các dân tộc thuộc địa. Không nhận được sự hưởng ứng từ phía những người xã hội Pháp, có lần Nguyễn Ái Quốc đã to tiếng: "Nếu như các anh không tố cáo chủ nghĩa thực dân, nếu như các anh không đứng về phía các dân tộc thuộc địa, thì làm sao các anh có thể làm cách mạng được?". Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường của Lenin, ủng hộ việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế cộng sản của Lenin cũng vì Lenin ủng hộ việc giải phóng các dân tộc thuộc địa. Lời kêu gọi tại Đại hội Tours cuối tháng 12 năm 1920 đã nói lên trọn vẹn động cơ và mục tiêu chính trị của Nguyễn Ái Quốc: cứu dân tộc. "Nhân danh toàn nhân loại, nhân danh tất cả những người theo phe xã hội chủ nghĩa cả cánh tả và cánh hữu, chúng tôi kêu gọi các bạn, các đồng chí, hãy cứu lấy chúng tôi". Làm báo để truyền bá tư tưởng cứu nước Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc rất tích cực làm báo. Bài báo đầu tiên của anh có tiêu đề "Vấn đề bản địa" được đăng trên tờ Nhân đạo ngày 02/08/1919, chỉ trích chính sách của người Pháp ở Đông Dương, đây cũng là chủ đề xuyên suốt trong các bài báo của Nguyễn Ái Quốc sau này. Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc thành lập hẳn một tờ báo riêng có tên "Người Cùng Khổ" để tố cáo sự đàn áp và bóc lột của thực dân. Sử gia Duiker viết: "Trong những năm sau đó, nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy ngỡ ngàng khi thấy một người có sức thu hút cá nhân mạnh mẽ và một nhân cách tinh tế như vậy lại có một lối viết thô mộc và nặng lời đến thế. Tuy nhiên, đây chính là điểm mấu chốt của tính cách của ông và hiệu quả chính trị trong nhiều năm. Không giống như nhiều nhà lãnh đạo Mác-xít khác, Nguyễn Ái Quốc thấy độc giả của mình bao gồm chủ yếu không phải là trí thức mà là dân thường như công nhân, nông dân, binh lính và công chức. Ông không mong muốn gây ấn tượng đối với độc giả bằng cách phô trương trí tuệ uyên bác của mình mà là thông qua cách viết đơn giản và sinh động, ông cố gắng thuyết phục họ." Báo chí là phương tiện của Nguyễn Ái Quốc trong cuộc đấu tranh chính trị mà mục tiêu cuối cùng đã được ông khẳng định rõ ràng trong cuộc gặp với Bộ trưởng thuộc địa Pháp năm 1922. Trước câu hỏi: "Ông thấy cần bất cứ điều gì, tôi luôn sẵn sàng giúp ông. Bây giờ chúng ta đã biết nhau, ông có thể trình bày trực tiếp với tôi". Nguyễn Ái Quốc đứng dậy và cảm ơn ông Bộ trưởng rồi nói "Mục tiêu chính của cuộc đời tôi và cái mà tôi cần nhất là tự do cho đồng bào tôi. Bây giờ, tôi có thể về nhà được chứ?". Đoạn tuyệt với chủ nghĩa tiến hóa Mặc dù sống nhiều năm trên đất Pháp nhưng Nguyễn Ái Quốc đã có một quan điểm chính trị khác biệt so với một số nhà yêu nước khác như Phan Chu Trinh. Trong khi Phan Chu Trinh muốn đấu tranh cải biến xã hội theo con đường tiến hóa, vẫn dựa một phần vào nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc lại ngày càng có xu hướng đi theo con đường cách mạng của Lenin. Ông nói: "Tại sao 20 triệu đồng bào ta lại không làm gì để buộc chính phủ Pháp phải đối xử với chúng ta như người đối với người? Chúng ta là con người và chúng ta phải sống như con người. Bất kỳ ai không muốn đối xử với chúng ta như vậy đều là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta không muốn sống chung với họ trên trái đất này. Nếu họ không muốn sống chung với ta như với con người, thì cuộc sống của chúng ta sẽ bị xúc phạm và trở rất nhục nhã trên trái đất này". Quan điểm cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cũng gặp phải không ít sự phản đối. Ngay chính Phan Chu Trinh cũng đã từng phản biện Nguyễn Ái Quốc rằng: "Anh muốn 20 triệu đồng bào của chúng ta phải làm gì khi mà trong tay họ không có chút vũ khí nào, nhưng lại muốn thách thức vũ khí khủng khiếp của người châu Âu. Tại sao chúng ta lại tự sát một cách vô ích như vậy?" Nhưng về sau, chính Phan Chu Trinh lại là người bênh vực Nguyễn Ái Quốc trước những lời chỉ trích, cụ Phan hiểu một điều quan trọng nhất rằng mọi suy nghĩ và hành động của chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc khi ấy đều xuất phát từ "một trái tim yêu nước". Trong một bức thư gửi cho người quen, Ông Trinh kết luận, "cháu Quốc đã lựa chọn con đường khó khăn và riêng để giải phóng đồng bào mình. Mọi người phải tôn trọng trái tim đầy nhiệt huyết của cháu".
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất