Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Hành chính nhà nước vương quốc anh quyen...

Tài liệu Hành chính nhà nước vương quốc anh quyen

.DOC
20
6076
158

Mô tả:

HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VƯƠNG QUỐC ANH Hạ Quyên 1. Khái quát về vương quốc Anh Vương quốc Anh là một quốc gia nằm ở phía tây Châu Âu, gồm 4 vùng lãnh thổ: đại công quốc Anh (Great Britain), hay còn gọi là Anh; xứ Uên (Wales); Xcốt-len (Scotland); và Bắc Ai-len (Northern Ireland). Vương quốc Anh là đảo quốc lớn nhất Châu Âu, với tổng diện tích đất liền và vùng có nước bao phủ là 152.033 dặm vuông 1. Dân số của Vương quốc Anh tính đến giữa năm 2006 là khoảng 60,6 triệu người, trong đó dân số nước Anh là 50.762.900 người, xứ Uên là 2.965.000 người, Xcốt-len là 5.116.900 người, và Bắc Ai-len là 1.741.600 người2. 2. Hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước ở vương quốc Anh Vương quốc Anh (trong bài viết này, có một số trường hợp được gọi ngắn gọn là “Anh”) là nước theo chính thể quân chủ lập hiến, tổ chức và hoạt động của Nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập. 2.1. Nguyên thủ quốc gia: Nữ hoàng Anh là nguyên thủ quốc gia, được thiết lập theo nguyên tắc thế tập, có quyền lực rất hạn chế. Về mặt hình thức, nữ hoàng là người đứng đầu cơ quan lập pháp và hành pháp, có quyền ký kết các điều ước quóc tế, bổ nhiệm Thủ tướng và các bộ trưởng, các thẩm phán của Toà án; đại diện cho đất nước trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, những quyền lực đó mang tính chất hình thức, chẳng hạn: Nữ hoàng có quyền phủ quyết luật, nhưng trong thực tế, gần 300 năm nay, chưa từng sử dụng quyền này; Nữ hoàng chỉ định Thủ tướng, nhưng 1 2 1 dặm = 1,6 km Theo http://ukinvietnam.fco.gov.uk/vi/visiting-uk/holidays-in-uk/uk-facts-figures người đảm nhận chức danh này không thể là ai khác ngoài người đứng đầu của đảng chiếm đa số ghế trong Nghị viện; v.v… 2.2. Các đảng chính trị: Các đảng chính trị ở Vương quốc Anh ra đời vào giữa thế kỷ thứ 19. Từ đó cho đến những năm 1920, Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do thống trị đời sống chính trị ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, năm 1923, Công Đảng – một liên minh giữa các nghiệp đoàn và nhiều tổ chức theo đường lối xã hội chủ nghĩa – giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và lên nắm quyền trong một thời gian ngắn. Trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến năm 1945, Chính phủ Vương quốc Anh là một liên minh hiệu quả của ba chính đảng. Ngày nay, ba đảng phái lớn nhất ở Anh là đảng Bảo thủ, Công đảng và đảng Dân chủ Tự do (đảng Tự do sáp nhập với đảng Dân chủ Xã hội mới được thành lập năm 1988 để lập ra đảng Dân chủ Tự do). Ba đảng này đại diện cho phái đoàn của Vương quốc Anh trong Nghị viện châu Âu 3 và các cơ quan phân cấp ở Xcốt-len và xứ Uên4. Ngoài ba chính đảng lớn đó, còn có một số đảng phái chính trị hoạt động trong phạm vi chính quyền phân cấp ở Xcốt-len, xứ Uên và Bắc Ai-len, như: các đảng phái theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Xcốt-len và xứ Uên (đảng Dân tộc Scốtlen, đảng Plaid Cymru ở xứ Uên); các đảng phái hình thành theo đường lối dân tộc và tôn giáo ở Bắc Ailen (đảng của những người liên hiệp Ulster (Ulster Unionists), đảng của những người liên hiệp Dân chủ (Democratic Unionists), đảng Dân chủ và Lao động (Social Democratic and Labour Party) và đảng Sinn Féin)... 3 Các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu được tổ chức 5 năm một lần ở tất cả 27 quốc gia thành viên. Các cử tri ở Vương quốc Anh bỏ phiếu theo danh sách tỷ lệ đại diện vùng, có nghĩa là số ghế một đảng nhận được tính theo tỷ lệ số phiếu bầu cho đảng đó. Nghị viện châu Âu có 785 Nghị sỹ (MEPs) thì 78 người trong số đó đại diện cho Vương quốc Anh 4 Ở Bắc Ai-len, đảng Dân chủ Tự do và Công đảng không tranh cử; còn đảng Bảo thủ có tham gia, nhưng nhận được rất ít sự ủng hộ, do sự gắn kết đảng phái ở đây chủ yếu dựa trên gốc gác tôn giáo và dân tộc của cá nhân. Trên thực tế, từ sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai năm 1945 cho đến nay, đảng Bảo thủ và Công đảng luôn thống lĩnh chính trị nước Anh, thay nhau lên nắm quyền. 2.3. Cơ quan lập pháp: Cơ quan lập pháp của Anh là Nghị viện, bao gồm hai viện là Thượng nghị viện (Viện của các quý tộc hay Viện nguyên lão) và Hạ nghị viện. Thượng nghị viện bao gồm các thành viên là các huân tước tinh thần (các tổng giáo mục và các giáo mục) và các huân tước thế tục. Các thượng nghị sĩ được chỉ định suốt đời và không đại diện cho đảng phái. Hạ nghị viện gồm 651 thành viên được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm. Vai trò chính của Nghị viện là: - Thẩm tra và chất vấn hoạt động của Chính phủ - Tranh luận và thông qua luật - Cho phép Chính phủ nâng thuế. Trên thực tế, khi nói tới Nghị viện Anh thì chủ yếu là nói tới Hạ nghị viện, vì quyền lực của Hạ nghị viện lớn hơn Thượng nghị viện rất nhiều: vai trò của Thượng nghị viện chỉ là phúc quyết các dự luật đã được Hạ nghị viện thông qua và chỉ có quyền trì hoãn việc ban hành một số dự luật nhất định tối đa 2 kỳ họp trong 1 năm. Trong đời sống chính trị của Anh, cuộc tổng tuyển cử vào Hạ nghị viện thu hút được sự quan tâm rất lớn: đó không chỉ đơn thuần là việc chọn lựa ra những người sẽ tham gia tranh luận tại Nghị viện, mà còn quyết định xem đảng phái nào sẽ là đảng cầm quyền, có quyền đề cử người đứng đầu đảng của mình lãnh đạo Chính phủ. Trong thời gian bầu cử, cả đất nước được chia thành 646 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị bầu cử bầu ra một nghị sỹ. Các nghị sỹ được bầu theo tiêu chí lấy từ trên xuống – có nghĩa là ứng cử viên nào có số phiếu bầu cao nhất ở mỗi đơn vị bầu cử thì sẽ trúng cử. 2.4. Cơ quan hành pháp: Đảng nào giành được nhiều ghế nhất tại Nghị viện trong cuộc tổng tuyển cử sẽ thành lập chính phủ, hay còn gọi là cơ quan hành pháp. Chính phủ quyết định và thực hiện chính sách trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Đứng đầu Chính phủ Anh là Thủ tướng. Hoạt động thực thi quyền hành pháp của Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ trưởng tuân thủ nguyên tắc “hành chính phải hợp pháp”, tức là không được trái với các đạo luật do Nghị viện ban hành và các án lệ5. Đứng đầu Chính phủ Anh hiện nay là ông David Cameron, nhậm chức sau cuộc tổng tuyển cử tổ chức ngày 6 tháng 5 năm 2010. 2.5. Cơ quan tư pháp: Cơ quan tư pháp ở Anh là hệ thống toà án. Đó là các cơ quan thực hiện chức năng xét xử, hoạt động độc lập trong cơ chế quyền lực nhà nước. Hệ thống toà án ở Anh được chia thành toà án trung ương và các toà án địa phương. Có một số điểm khác nhau về cách thức hoạt động của các tòa án ở các nước thuộc Vương quốc Anh: Mỗi nước có hệ thống tòa án riêng, xử lý hầu hết các vụ án. Ở Anh và xứ Uên, hầu hết các tòa án đều hoạt động theo hệ thống Tòa án Hoàng gia (HM Courts Service) 6. Ở Xcốt-len, mặc dù tòa án cấp quận do Hiệp hội Tòa án Xcốt-len phụ trách, song vẫn chịu sự quản lý của Cơ quan Tòa án Xcốt-len. Cơ quan Tòa Chấp pháp ở Bắc Ai-len phụ trách các tòa án ở cấp tỉnh. Ban tư pháp thuộc Thượng Nghị viện ở Anh đóng vai trò là giám đốc thẩm các trường hợp phúc thẩm các án dân sự và hình sự do các tòa án ở Anh, xứ Uên và Bắc Ai-len chuyển lên. Hiện tại ở Xcốt-len, chỉ có các vụ án dân sự mới được phúc thẩm lên Thượng Nghị viện. Theo thông lệ, về mặt hình thức, Thượng 5 Có tính chất là luật bất thành văn ở Anh Toà án Hoàng gia là toà án hình sự tối cao, có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự quan trọng đặc biệt như các tội phản quốc, giết người, diệt chủng, lộ bí mật quốc gia. 6 Nghị viện là toà án cao nhất; song trên thực tế, Thượng nghị viện không xét xử sơ thẩm, chỉ xét xử những vụ việc bị kháng án của tất cả các toà án nước Anh. Năm 2009, chức năng tư pháp của Thượng Nghị viện được chuyển sang cho Tòa án Tối cao mới được thành lập có thẩm quyền xét xử phúc thẩm đối với hầu hết các vụ án dân sự và hình sự ở Vương quốc Anh. 3. Bộ máy hành chính nhà nước 3.1. Bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương: Đứng đầu Chính phủ Anh là Thủ tướng - người đứng đầu đảng giành được đa số ghế trong Nghị viện qua cuộc tổng tuyển cử, do Nữ hoàng Anh bổ nhiệm. Quyền hạn của Thủ tướng Anh khá lớn: bên cạnh một số quyền hạn chung mà đa số các quốc gia trao cho Thủ tướng (như: trực tiếp lãnh đạo hoạt động của Chính phủ; quyết định phương hướng chính trị và đường lối hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; can thiệp vào các lĩnh vực nào thuộc quản lý nhà nước; lựa chọn và đề nghị Nữ hoàng bổ nhiệm các thành viên Chính phủ; bổ nhiệm và miễn nhiệm một số quan chức cao cấp), Thủ tướng Anh còn có quyền triệu tập, giải thể Quốc hội; tuyên bố chiến tranh; ký kết hoà bình… Hoạt động của Chính phủ do các bộ triển khai. Bộ trưởng là người đứng đầu một bộ, ngành có vai trò quan trọng; được bổ nhiệm bởi Nữ hoàng theo sự kiến nghị, cố vấn của Thủ tướng. Trên thực tế, không xảy ra trường hợp Thủ tướng đề nghị bổ nhiệm bộ trưởng mà Nữ hoàng không thông qua. Các bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về hoạt động của Bộ mình. Họ đóng vai trò nhà chính trị (đa số Bộ trưởng là thành viên của Nghị viện, chịu trách nhiệm tập thể trước Nghị viện về tổng thể chính sách của Chính phủ), còn tổ chức của Bộ thường được giao cho trợ lý và các nhân viên. Các thứ trưởng chịu trách nhiệm về từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của một bộ và có trách nhiệm báo cáo trước bộ trưởng. Dưới bộ trưởng và các thứ trưởng là các vụ chức năng. Nhân viên các vụ được gọi là viên chức có nhiệm vụ giúp xây dựng và triển khai chính sách của chính phủ. Một đặc điểm đáng lưu ý trong bộ máy hành chính nhà nước ở trung ương của Anh là có sự phân biệt giữa hai thiết chế Chính phủ và Nội các: Nội các là hạt nhân lãnh đạo của Chính phủ Anh, thành phần do Thủ tướng chính phủ ấn định, bao gồm các bộ trưởng của các bộ quan trọng nhất. Số thành viên Nội các có thể dao động, song nhất thiết phải có các Bộ trưởng của các Bộ Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Thương mại. Nội các lãnh đạo chung bộ máy hành chính, phối hợp hoạt động với các Bộ, xác định phương hướng cơ bản của Chính phủ, chuẩn bị các dự án luật, ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của mình. Nội các Anh thường xuyên có những phiên họp riêng, bí mật7, không bỏ phiếu và quyết định tập thể, lấy ý kiến theo đa số. Chính vì ở Anh có sự phân biệt giữa Chính phủ và Nội các nên có sự phân biệt giữa các Bộ trưởng là thành viên của Nội các với các Bộ trưởng không phải là thành viên của Nội các. Những Bộ trưởng không phải là thành viên Nội các có thể tham gia vào phiên họp của Nội các theo lời mời riêng để xem xét những vấn đề liên quan đến Bộ mình phụ trách. Văn phòng Nội các và các bộ phận giúp việc đảm nhiệm việc sắp xếp chương trình nghị sự của Nội các, ghi biên bản hội nghị Nội các, giữ mối liên hệ giữa Chính phủ với các Bộ, phụ trách biên tập và phân phát các báo cáo tình hình thực hiện các quyết nghị của Nội các. Ngoài ra, hầu hết các Thủ tướng có thể duy trì việc điều hành Chính phủ thông qua một “Nội các bên trong” không chính thức gồm các đồng nghiệp đặc biệt gần gũi. 7 Phương thức làm việc này bắt nguồn từ lịch sử: khoảng đầu thế kỷ XVII, khi vua nước Anh có công việc cơ mật quan trọng đều triệu tập một số người thân tín đến để bàn bạc bí mật. Thiết chế này hoạt động cho đến đời vua Sáclơ I (trị vì từ năm 1625–1649) thì được chính thức gọi là “Nội các” (Cabinet). Cơ cấu tổ chức Chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron hiện nay8 bao gồm: 1. Văn phòng Nội các 2. Bộ Công vụ 3. Bộ Tư pháp 4. Bộ Quốc phòng 5. Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng 6. Bộ Lao động và Trợ cấp 7. Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu 8. Bộ Giáo dục 9. Bộ Y tế 10. Bộ Giao thông 11. Bộ Môi trường, Thực phẩm và các Vấn đề nông thôn 12. Bộ Cộng đồng và Chính quyền địa phương 13. Bộ Phát triển quốc tế 14. Bộ Văn hoá, Truyền thông và Thể thao 15. Văn phòng Bắc Ailen 16. Văn phòng Scốtlen 17. Văn phòng Uên. 3.2. Bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương: Do Vương quốc Anh là tập hợp của bốn nước Anh, Scốtlen, Bắc Ailen và xứ Uên, nên tổ chức chính quyền địa phương không hoàn toàn đồng nhất. 8 Theo http://www.number10.gov.uk/ Luật Chính quyền địa phương (Local Government Act) ban hành năm 1972 quy định về cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương tại Vương quốc Anh. Theo đó, tại Xcốt-len, Bắc Ailen và xứ Uên, hệ thống chính quyền địa phương có một cấp. Trong khi đó, tại Anh, hệ thống chính quyền địa phương có thể một hoặc hai cấp: Ở các thành phố lớn, chính quyền địa phương được tổ chức một cấp; còn tại nông thôn, chính quyền địa phương được tổ chức theo hai cấp (county – tương đương tỉnh; và district – tương đương huyện). Ngoài ra, dù không thành một cấp, nhưng tại một số địa phận có hội đồng xã (parish). Tại mỗi cấp này đều có hội đồng dân cử, hình thành theo phương thức bầu trọn gói vào ngày thứ năm đầu tiên của tháng 5, có nhiệm kỳ là 4 năm. So với những người được bầu ở trung ương thì ở chính quyền địa phương, các uỷ viên hội đồng không mang đầy đủ ý nghĩa là nhà chính trị: uỷ viên hội đồng dân cử không được nhận lương, chỉ được nhận trợ cấp cho các hoạt động như hội họp, công tác… Thông thường, các hội đồng thành lập các bộ phận chức năng quản lý nhà nước và thuê các viên chức chuyên nghiệp. Các bộ phận chức năng này do các uỷ viên hội đồng điều hành. Mối quan hệ công tác giữa các uỷ viên hội đồng với các viên chức thực hiện việc điều hành hành chính tương đối chặt chẽ. Ngoài ra, một số địa phương được tổ chức theo mô hình “thị trưởng mạnh”. Dưới thời ông John Major (giữ cương vị Thủ tướng từ tháng 11/1990 đến tháng 5/1997), mô hình “thị trưởng mạnh” bắt đầu được áp dụng ở Luânđôn: thị trưởng được bầu trực tiếp; có 3 hoặc 4 phó thị trưởng và một bộ máy hành chính nhỏ gọn khoảng 250 nhân viên. Thị trưởng thiết lập các mục tiêu chính sách và ngân sách hàng năm để hội đồng dân biểu thông qua 9 và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn của mình. Chức năng của mỗi cấp chính quyền địa phương ở Anh được quy định trong nhiều văn bản luật như Luật về Kế hoạch và Đất đai của chính quyền địa phương ban hành 1980, Luật về Tài chính của chính quyền địa phương năm 1982, Luật về Thuế bất động sản năm 1984, Luật về chính quyền địa phương năm 1985, Luật về chính quyền địa phương năm 1986, Luật về Thuế bất động 9 Trước đây, ngân sách địa phương do Hội đồng dân biểu xác định sản bổ sung năm 1987, Luật về chính quyền địa phương năm 1988, Luật về Tài chính của chính quyền địa phương năm 1991. Theo đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương từng cấp trong cung ứng các dịch vụ ở địa phương là10: * Chính quyền đơn nhất (1 cấp): chịu trách nhiệm về tất cả các dịch vụ ở địa phương. * Chính quyền hai cấp: - Hạt (Hội đồng): chịu trách nhiệm về những dịch vụ có phạm vi rộng và có tính chiến lược như trường học, các dịch vụ xã hội, và vận tải công cộng. - Quận: chủ yếu chịu trách nhiệm về các dịch vụ trực tiếp trên địa bàn như nhà ở, thể thao, thu gom rác thải... Đối với một số công trình phúc lợi như công viên, đài tưởng niệm… thì cả hai cấp hội đồng cùng chia sẻ trách nhiệm. Tại những địa phận có tổ chức Hội đồng xã thì những nhiệm vụ chung này được giao cho Hội đồng xã đảm nhiệm. Có thể mô tả chức năng của từng cấp chính quyền địa phương ở Anh thông qua sơ đồ sau: 10 Theo http://www.ukipwitney.org.uk/index.php?option=com_content&task=view&id=107 Với những chức năng được trao đó, chính quyền địa phương ở Anh chiếm khoảng 25% tổng số chi tiêu công cộng, trong đó, khoản trợ cấp từ trung ương dao động trong khoảng 40% - 65%, còn lại là các khoản thu từ thuế và lệ phí. Tuy nhiên, hiện nay, ở Anh đang có một xu hướng muốn kiểm soát chặt chẽ đối với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo sự nhất quán trong các chuẩn mực về cung cấp dịch vụ xã hội11, mà chủ yếu là thông qua kiểm soát tài chính. 4. Công vụ - Công chức 4.1. Lịch sử hình thành và phát triển chế độ công vụ: Anh là nước xây dựng chế độ công vụ rất sớm và phát triển tương đối hoàn chỉnh. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chế độ công vụ theo nghĩa hiện đại ở Anh được hình thành và trải qua rất nhiều lần cải cách. Văn bản chính thức đánh dấu việc hình thành chế độ công vụ hiện đại ở Anh là “Báo cáo về việc lập chế độ công chức thường nhiệm của nước Anh” khởi thảo năm 1853, trong đó chỉ ra những bất hợp lý của chế độ quan lại theo kiểu “chia phần” của các đảng phái chính trị đương thời, từ đó đề xuất thiết lập 11 Xem “Giới thiệu về chính quyền địa phương của Vương quốc Anh”, Đỗ Thị Thu Hằng, Thông tin Cải cách nền hành chính nhà nước, tháng 9/2010 chế độ công vụ - công chức mới với những nội dung rất tiến bộ như thi cử để tuyển dụng người giỏi vào làm việc… Từ năm 1980, một loạt những cải cách quan trọng được thực hiện: năm 1982 thực hiện sáng kiến về quản lý tài chính, bước đầu giao quyền quản lý tài chính và nhân sự cho người đứng đầu các cơ quan quản lý theo ngành dọc; năm 1987 thực hiện cải cách trong việc trả lương theo hướng “linh hoạt” đối với một số vị trí công tác; năm 1994 thực hiện chương trình hành động mới đối với những người hạn chế về năng lực đang làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; năm 2006 ban hành Quy chế công chức. Hiện nay, nền công vụ Anh thực hiện kết hợp giữa vị trí việc làm với chức nghiệp. 4.2. Đối tượng, phạm vi công chức ở Anh Ở Anh, theo truyền thống trước kia, các quan chức chính trị, người làm việc trong các cơ quan tư pháp, quân đội, thậm chí cả thành viên của hoàng gia (hưởng bổng lộc của Nữ hoàng) cũng được coi là công chức. Năm 1977, Hạ viện Anh đã yêu cầu phải định nghĩa rõ ràng hơn về công chức, nhấn mạnh tới một đặc điểm thiết yếu của công chức là thay mặt Nhà nước để giải quyết công việc của nhân dân. Theo đó, khái niệm công chức chỉ bao hàm những nhân viên công tác trong ngành hành chính như nội chính và ngoại giao. Đến nay, theo quy định của Quy chế công chức Anh ban hành tháng 6/2006 thì công chức là những người làm việc trong bộ máy của Chính phủ trung ương, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí công tác xác định trên cơ sở cạnh tranh cởi mở, lành mạnh. Như vậy, công chức ở Anh chỉ có ở trung ương, không có ở địa phương, là những người làm việc trong ngành hành pháp, không có trong ngành lập pháp và tư pháp. Căn cứ vào tính chất công việc, công chức ở Anh được chia thành 3 nhóm: - Công chức thường xuyên: bao gồm những người làm việc trong ngành hành pháp, được nhận lương thường xuyên từ công quỹ và được bổ nhiệm vào một vị trí tương ứng với một bậc nhất định trong hệ thống các bậc của công chức; - Những người phục vụ trong Hoàng gia (những người được bổ nhiệm vào những vị trí nhất định phục vụ cho hoạt động của Nữ hoàng trên phương diện đối nội và đối ngoại); - Các công chức ngoại giao được bổ nhiệm giữ những chức vụ theo hệ thống ngoại giao của Chính phủ. Căn cứ vào ngạch, bậc, công chức Anh gồm 2 loại: - Công chức sơ cấp: bậc 1 - bậc 5; - Công chức trung cấp: bậc 6 - bậc 7; - Riêng công chức cao cấp làm việc theo chế độ hợp đồng (vấn đề áp dụng chế độ hợp đồng đối với công chức cao cấp ở Anh sẽ được đề cập kỹ hơn ở phần sau). Hiện nay, ở Anh có 640.720 công chức, trong đó có 3.720 công chức cao cấp; 220.000 công chức trung cấp; 417.000 công chức sơ cấp12. 4.3. Quản lý công chức a. Cơ quan quản lý công chức Cơ quan quản lý công chức ở Anh là Bộ Công vụ, do Thủ tướng kiêm nhiệm chức Bộ trưởng. Chức năng của Bộ Công vụ13 là: - Phụ trách quản lý nhân sự công chức, bao gồm việc tuyển dụng, đào tạo, thăng cấp, phúc lợi và việc ra các quyết định chính sách khác; - Quyết định chế độ tiền lương và điều kiện làm việc của công chức; - Kiến nghị với Thủ tướng về việc phân định chức trách và bổ nhiệm quan chức cấp cao giữa các Bộ. 12 Theo số liệu từ “Một số thông tin về chế độ công vụ của Anh và Hoa Kỳ”, Tạ Ngọc Hải, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 11/2009 13 Theo“Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới”, Thang Văn Phúc, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Thu Huyền, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.316 - Thúc đẩy sự phát triển, áp dụng kỹ thuật và trang bị mới trong lĩnh vực quản lý hành chính. b. Pháp quy quản lý công chức Một số văn bản quy định về quản lý công chức của Anh bao gồm: - Bộ luật công vụ gồm 19 điều, quy định về giá trị của công vụ; tiêu chuẩn ứng xử và quyền và trách nhiệm của công chức. Mặc dù rất ngắn gọn song nội dung của Bộ luật quy định khá súc tích, chặt chẽ về các tiêu chuẩn ứng xử của công chức như tính liêm chính, sự trung thực, tính khách quan, tính công bằng; những việc công chức được làm được làm và không được làm; và những giá trị công vụ được đề cao. Gần đây nhất, năm 2006, Bộ luật công vụ được bổ sung, hoàn thiện sau khi điều tra, lấy ý kiến của 2.150 công chức ở Anh. - Luật quản lý công vụ14, ra đời để bảo đảm việc thực thi bộ luật công vụ. Luật này cho phép Bộ trưởng Bộ Công vụ có đầy đủ quyền lực để xây dựng các quy định pháp lý để thực hiện Bộ luật công vụ và hướng dẫn quản lý công vụ trong nước. Luật này gồm có 12 chương, tại mỗi chương có hướng dẫn về kỹ thuật thực hiện. Ví dụ: Chương 1 quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, trong đó hướng dẫn cụ thể về từng nội dung như: bố trí công việc; thử việc; quyết định bổ nhiệm; chương trình tập huấn nhanh; bổ nhiệm và quản lý; bổ nhiệm lại; sắp đặt lại và tuyển dụng lại… - Một số luật quy định về những nội dung riêng biệt liên quan đến chế độ đối với công chức như Luật Bảo đảm vào nghề, Luật tiền lương bình đẳng, Luật giữ bí mật, Luật tăng tiền lương hưu… - Ngoài ra, các Bộ, ngành có thể ban hành các văn bản pháp quy quy định về chế độ quản lý nhân sự của Bộ, ngành mình. 4.4. Đặc điểm hệ thống công vụ - công chức Anh: Có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản sau đây của nền công vụ Anh: 14 Xem thêm “Về bộ luật quản lý công vụ của Anh”, Đỗ Phú Hải, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 9/2007 - Tính thường nhiệm với đại đa số các công chức làm việc theo chế độ chức nghiệp. - Tính trung lập và vô nhân xưng đối với đảng phái chính trị để có thể phục vụ cho bất kỳ đảng cầm quyền nào. - Cơ cấu theo hệ thứ bậc với chức vụ Thư ký thường trực là người đứng đầu công vụ tại mỗi Bộ. Có nhiều cấp và hạng khác nhau trong công vụ15. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra những đặc điểm nổi bật khác của nền công vụ Anh như: - Nền công vụ chủ yếu vẫn do nam giới nắm giữ, lực lượng lao động nữ chủ yếu thực thi các nhiệm vụ thông thường, kém cơ hội, kém ổn định; - Sự tham gia hạn chế của những người thuộc các dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng; - Mặc dù việc tuyển dụng đã được thực hiện theo hướng “mở”, song về cơ bản, nền công vụ Anh ngày nay vẫn kế thừa dấu ấn của đội ngũ quan chức “tinh hoa” trước đây, chủ yếu được tuyển dụng từ các trường công lập và các trường đại học danh giá như Oxford và Cambridge. Vào những năm 1980, tỉ lệ công chức xuất thân từ những sinh viên tốt nghiệp đại học Oxford và Cambridge chiếm tới 50% số lượng công chức của cả nước, và đa phần đều nắm giữ những vị trí cao cấp trong nền công vụ16. 4.5. Tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức Hiện nay, hệ thống công vụ Anh được vận hành trên cơ sở kết hợp giữa vị trí việc làm với chức nghiệp. a. Vấn đề xác định vị trí việc làm Anh áp dụng chế độ vị trí việc làm trong quản lý, sử dụng công chức. Cơ sở quan trọng nhất để áp dụng vị trí việc làm là chức năng, nhiệm vụ của cơ 15 Theo “Kinh nghiệm của một số quốc gia tron g việc áp dụng mô hình hành chính phát triển và kiến nghị áp dụng”, Nguyễn Khắc Hùng, trích dẫn nhận định của Jim Cordell 16 Xem thêm “Comparative public administration”, J.A.Chandler, Routledge, 2000. quan, tổ chức và ngân sách phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đó. Thông qua phân tích công việc, mỗi cơ quan, tổ chức sẽ xây dựng “chân dung công việc”, theo đó xác định đúng, đủ số lượng, chất lượng người cần tuyển để thực hiện tuyển dụng. Như vậy trách nhiệm chính trong xác định vị trí việc làm thuộc về mỗi cơ quan, tổ chức cụ thể. Cơ quan quản lý công chức liên bang xây dựng một khung chung về năng lực cho vị trí việc làm. Nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức có sự thay đổi, theo đó ngân sách cấp cho hoạt động cũng thay đổi, vì vậy vị trí việc làm cũng không phải bất biến mà trái lại, nó là yếu tố động để người đứng đầu cơ quan, tổ chức có điều kiện tổ chức tốt nhất nhân lực do mình quản lý để thực hiện nhiệm vụ (sử dụng nhân lực mềm dẻo). Xác định vị trí việc làm là sự khẳng định địa vị pháp lý của công chức theo hệ thống việc làm trong bộ máy hành chính. Có nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc xác định vị trí việc làm (sự thay đổi nhiệm vụ, mức độ ổn định của ngân sách...). Cơ quan xác định vị trí việc làm chính là các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng và trả lương cho công chức. Phương pháp chính được sử dụng để xác định vị trí việc làm là phân tích tổ chức và phân tích công việc, với nhiều bước cụ thể: liệt kê các hoạt động cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, xác định các yêu cầu về chất lượng chuyên môn của các hoạt động (độ phức tạp, các kỹ năng thao tác), xác định yêu cầu về năng lực của người thực hiện, xác định số lượng người đảm bảo cho việc hoàn thành nhiệm vụ, mức chi trả cho hoạt động thực hiện... Để thực hiện phân tích tổ chức và công việc được đầy đủ, chính xác các cơ quan, tổ chức có thể áp dụng các phương pháp bổ trợ như nghiên cứu tình huống, phỏng vấn với phiếu câu hỏi... b. Tuyển dụng công chức Nước Anh bắt đầu thực hiện chế độ thi tuyển công chức công khai từ năm 1918. Tất cả mọi vị trí chức vụ, dù cao hay thấp, đều phải trải qua thi tuyển. Tuy nhiên, cho đến trước thời bà Thatcher, mô hình tuyển dụng công chức ở Anh là tập trung, thông qua Uỷ ban Công vụ (quyết định khoảng 95% việc bổ nhiệm). Đến năm 1991, Chính phủ Anh đưa ra chủ trương “Cạnh tranh vì chất lượng”, áp dụng việc đưa yếu tố “thị trường”, đấu thầu vào trong hoạt động của nền công vụ. Những người có quan điểm cấp tiến trong Chính phủ muốn những cải cách đưa ra tác động đến cả các nhà hành chính cấp cao, chuyển họ sang chế độ lao động hợp đồng ngắn hạn. Hiện nay, cơ quan xây dựng chính sách tuyển dụng công chức ở Anh là Ủy ban công vụ; còn việc đánh giá và lựa chọn người dự tuyển được thực hiện bởi nhiều trung tâm độc lập thuộc Uỷ ban công vụ. Công việc được mô tả theo thứ bậc, từ những công việc văn phòng cho đến những nhiệm vụ điều hành, ra chính sách ở mức độ cao. Việc tuyển dụng nhân sự vào từng vị trí được thực hiện dựa trên những mô tả công việc này. Luật Quản lý công vụ Anh quy định cụ thể về nguyên tắc và cách thức tuyển dụng: - Về nguyên tắc tuyển dụng: Giống như đa phần các nước dân chủ trên thế giới, pháp luật Anh quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện trên cơ sở công bằng, công khai, mở, cạnh tranh. Nguyên tắc công bằng thể hiện trên hai phương diện: công bằng về cơ hội và công bằng trong đánh giá chất lượng của người dự tuyển qua kết quả thi tuyển. Nguyên tắc công khai thể hiện trên các mặt: công khai về số lượng vị trí việc làm cần tuyển; công khai về tiêu chuẩn đối với vị trí việc làm cần tuyển; công khai về kết quả thi tuyển... Nguyên tắc “mở” trong thi tuyển thể hiện ở chỗ không có một hạn chế nào với đối tượng dự thi trừ khi họ không đáp ứng được đúng, đủ các tiêu chuẩn của người dự tuyển theo quy định. Nguyên tắc cạnh tranh thể hiện chủ yếu ở việc có nhiều ứng viên cho một vị trí công việc để đảm bảo có thể lựa chọn được người thực sự xứng đáng. - Điều kiện dự tuyển chia thành 2 nhóm chính: các điều kiện về nhân thân (độ tuổi, sức khoẻ, đạo đức...) và các điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn (trình độ đào tạo, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm tích luỹ để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn...). Trong đó, điều kiện về tinh thần đạo đức được đề cao hơn. - Cách thức tuyển dụng:là thi tuyển và xét tuyển; trong đó thi tuyển là chủ yếu. Thi tuyển là cách duy nhất đang được áp dụng đối với các đối tượng dự tuyển vào vị trí công tác trong bộ máy hành chính trung ương. Trong những năm trước đây có sự kết hợp giữa thi viết với phỏng vấn trực tiếp trong tuyển dụng công chức, song trong những năm gần đây, hình thức phỏng vấn trực tiếp được áp dụng phổ biến. c. Đào tạo, bồi dưỡng Nước Anh có truyền thống mở các trường đào tạo, bồi dưỡng công chức. Các trường đào tạo công chức đầu tiên được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 17. Cho đến năm 1963, việc đào tạo, bồi dưỡng công chức mới chỉ tập trung trong phạm vi công chức cấp cao, với thời gian mỗi khoá là từ ba đến sáu tuần. Với mục tiêu hiện đại hoá công vụ, năm 1968, nước Anh thành lập Học viện Công vụ (Civil Service College) thuộc Văn phòng Nội các với nhiệm vụ chủ yếu là: - Soạn thảo các giáo trình huấn luyện, quản lý toàn diện đối với các công chức cao cấp. - Xây dựng giáo trình chuyên ngành có liên quan đến chức vụ, nghề nghiệp đối với công chức bậc thấp. - Tiến hành nghiên cứu về vấn đề hành chính và cơ cấu chính phủ. Tiếp đó, trong bối cảnh tư nhân hoá diễn ra mạnh mẽ ở nước Anh, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng được chuyển sang thực hiện theo cơ chế thị trường: Học viện Công vụ cũng chuyển sang hoạt động theo cơ chế cạnh tranh, thực hiện đào tạo theo hợp đồng và tổ chức cả các khoá đào tạo cho khu vực tư nhân. Song đến năm 1999, Chính phủ Anh nhận thấy cần tập trung hoạt động của Học viện Công vụ vào đào tạo, bồi dưỡng các công chức cấp cao, do đó chuyển lại Học viện này về Văn phòng Nội các. Hiện nay, ở Anh, ngoài Học viện Công vụ và các trường đào tạo công chức cho Chính phủ, còn có các phân trường thuộc một số trường đại học danh tiếng như Oxford cũng thực hiện các chương trình đào tạo công chức. Nội dung chương trình đào tạo công chức của các trường khá đa dạng, phù hợp với từng đối tượng người học, chẳng hạn đối với công chức cao cấp thì chương trình được xây dựng với nội dung: lãnh đạo quản lý tổng quan, chương trình dành cho người mới vào vị trí lãnh đạo, đào tạo theo các chuyên đề (quản lý kinh tế vĩ mô, quản trị nhân sự...) nhằm chuyển đổi tư duy của họ từ “quan chức” thành “nhà quản lý”. Ngoài các chương trình trên, các trường cũng thực hiện các chương trình đào tạo theo yêu cầu. d. Đánh giá công chức Việc đánh giá công chức được thực hiện hàng theo năm; hoặc có thêm đánh giá đột xuất trong trường hợp công chức được đề bạt, cất nhắc lên vị trí công tác cao hơn. Căn cứ để đánh giá bao gồm các quy định về trách nhiệm công chức, các yêu cầu nêu trong bản mô tả công việc công việc, kế hoạch công tác cá nhân... Phương pháp đánh giá được áp dụng phổ biến là chấm điểm vào phiếu đánh giá (được xây dựng với các mức độ cụ thể trên cơ sở căn cứ đánh giá). Người thực hiện chấm điểm là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý và sử dụng công chức chứ không phải là các thành viên trong đơn vị bỏ phiếu đánh giá. Kết quả chấm điểm sẽ phân công chức thành các loại: A (có thành tích đặc biệt xuất chúng), B (có thành tích rất tốt), D (có thành tích bình thường), E (có thành tích kém). Đối với những công chức không hoàn thành nhiệm vụ và bị đánh giá là kém, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức có trách nhiệm động viên, tạo điều kiện để công chức khắc phục các nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu sau đó, công chức vẫn tiếp tục không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan chủ quản thực hiện bước tiếp theo là áp dụng 90 ngày thử thách đặc biệt, ví dụ đưa đi đào tạo ngắn hạn hoặc phân công người kèm cặp, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng tác nghiệp... Trong trường hợp việc thực hiện nhiệm vụ của công chức vẫn không được cải thiện thì cơ quan chủ quản có thể áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như thay đổi vị trí công tác phù hợp hơn với năng lực, trình độ hiện tại của công chức hoặc hạ bậc công tác của công chức và cuối cùng là buộc phải ra khỏi cơ quan. e. Thực hiện chế độ hợp đồng đối với công chức cao cấp - một nội dung trong cải cách công vụ ở Anh: Hiện nay, một số nước trên thế giới đang áp dụng cơ chế hợp đồng đối với các công chức cao cấp nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong thực thi công vụ như Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, New Zealand, Anh. Ở Anh, một Uỷ ban Công vụ cấp cao (Senior Civil Service- SCS) trực thuộc Nội các được thành lập năm 1996, bao gồm 3300 công chức cao cấp của tất cả các Sở, ngành, chịu trách nhiệm về các chính sách chung về nguồn nhân lực của công vụ. Năm 2001, một hệ thống quản lý thực thi công vụ mới được áp dụng đối với chính các công chức của SCS: Hàng năm, mỗi công chức cao cấp và giám đốc các công ty nhà nước đều có một hợp đồng (cam kết) thực thi với Chính phủ được xây dựng trên cơ sở thoả thuận. Nội dung cam kết bao gồm các mục tiêu cần đạt được và các năng lực cần được phát triển. Để đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống quản lý thực thi mới này, hệ thống trả lương mới được xây dựng. Hàng năm, các thành viên của SCS được đánh giá trên cơ sở kết quả thực hiện cam kết, và những người đạt thành tích tốt sẽ được thưởng, ngoài tiền lương theo quy định của Nhà nước17. 17 Biên dịch và tổng hợp tư “Contractualisation of top civil servants: an international comparative research”, Putseys, Line và Hondeghem, Annie, Khoa Chính trị học, Viện Quản lý công, Khatholieke Universiteit Leuven, bài trình bày tại cuộc họp thường niên của nhóm nghiên cứu về hành chính công của Châu Âu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Contratualisation of top civil servants: an international comparative reasearch, Putseys, Line, Hondeghem và Annie, bài trình bày tại cuộc họp thường niên của nhóm nghiên cứu về hành chính công của Châu Âu. 2. Comparative public administration, J.A.Chandler, Routledge, 2000. 3. Giới thiệu về chính quyền địa phương của vương quốc Anh, Đỗ Thị Thu Hằng, Thông tin Cải cách nền hành chính nhà nước, tháng 9/2010. 4. Hệ thống công vụ và xu hướng cải cách của một số nước trên thế giới, Thang Văn Phúc, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Thu Huyền, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004. 5. Một số lý thuyết và kinh nghiệm tổ chức nhà nước trên thế giới, Thang Văn Phúc, Nguyễn Đăng Thành (đồng chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005. 6. Một số thông tin về chế độ công vụ của Anh và Hoa Kỳ, Tạ Ngọc Hải, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 11/2009. 7. So sánh các mô hình tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, luận văn Thạc sỹ quản lý nhà nước, Phan Ngọc Tú, Hà Nội, 2000. 8. Về bộ luật quản lý công vụ của Anh, Đỗ Phú Hải, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số tháng 9/2007.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan