Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Tiểu học Lớp 5 Giáo viên có nên phạt học sinh...

Tài liệu Giáo viên có nên phạt học sinh

.DOC
4
322
105

Mô tả:

GIÁO VIÊN CÓ NÊN PHẠT HỌC SINH? 1) Tại sao phạt học sinh? Khi học sinh đến trường, các em học tập, sinh hoạt trong tập thể lớp học và tập thể trường học với những nội qui, qui định nhằm giúp học sinh học tập và rèn luyện nhân cách. Những nội qui, qui định này tương tự như pháp luật trong xã hội mà mỗi công dân phải tuân theo. Vậy thì, nếu học sinh làm trái, vi phạm những nội quy, quy định của nhà trường thì phải bị phạt ở mức độ nào đó. Việc phạt học sinh có nhiều tác dụng: - Đối với cá nhân học sinh: giúp em đó nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa, từ đó, sẽ tiến bộ và mục tiêu giáo dục mới có thể đạt được. - Đối với tập thể lớp học sinh: các em nhận ra rằng, cái gì có ích cho tập thể thì được khen ngợi, điều gì có hại cho tập thể thì bị phạt - đó là sự công bằng. - Tự tôn pháp luật: là công dân nhỏ tuổi, các em phải được giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật; tôn trọng nội quy, quy định nhà trường hôm nay thì ngày mai mới biết tôn trọng pháp luật nhà nước. Ngược lại, nếu nhà trường không phạt những học sinh vi phạm kỉ luật thì gây ra nhiều hậu quả: - Đối với cá nhân học sinh vi phạm: em học sinh này rất dễ coi thường tập thể và giáo viên, khó có thể trở thành công dân tốt biết tôn trọng pháp luật trong tương lai. - Đối với tập thể lớp: học sinh phát hiện ra sự bất bình đẳng trong cư xử giữa học sinh tốt và học sinh vi phạm; một số em có thể bắt chước; tinh thần và sự đoàn kết tập thể bị phá vỡ; chất lượng và hiệu quả hoạt động học tập và hoạt động tập thể bị đe dọa... - Cản trở hoạt động của giáo viên: giáo viên khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ giáo dục của mình vì bị gây nhiễu, cản trở... - Pháp luật bị nghi ngờ tính nghiêm túc, coi thường: hiện tượng nhờn pháp luật bắt nguồn từ tính thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện nội quy nhà trường. 2) Có thể phạt học sinh như thế nào? Nguyên tắc tối thượng liên quan việc phạt học sinh là: Yêu thương trẻ, cư xử thân thiện trong mọi trường hợp; tin tưởng vào sự tiến bộ của trẻ, coi lợi ích của học sinh là trên hết (lớp học sinh nói chung và cả trẻ vi phạm). Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều học sinh tiểu học không chủ ý vi phạm kỉ luật, do đó, cần giúp các em ý thức được, hiểu được cái gì tốt cần thực hiện, cái gì xấu cần tránh... Do đó, giáo viên nên coi việc trẻ vi phạm kỉ luật cũng là "chuyện bình thường"; không nghiêm trọng hoá vấn đề. Bất kì việc phạt nào cũng bắt đầu bằng việc tìm hiểu nguyên nhân, chớ vội áp đặt hay có định kiến với trẻ. Giáo viên nên nghĩ tích cực, tin tưởng rằng, bên trong các em vẫn luôn tiềm ẩn những nhân tố, những phẩm chất tích cực để tiến bộ. Nên dùng lời lẽ tích cực khi nói với trẻ vi phạm, ví dụ: một học sinh đánh nhau với bạn thì giáo viên nên nói là "cô muốn các em cư xử thân thiện, vui vẻ với nhau" hơn là "các em đừng đánh nhau". Giáo viên cần khuyến khích, động viên, ghi nhận sự tiến bộ dù nhỏ để tạo sự tự tin của mình và tin tưởng ở sự chân thành, lòng khoan dung của cô giáo. Nhiều lúc mình nghĩ, xử lý học sinh vi phạm kỉ luật cũng như bác sĩ chữa bệnh: bệnh nào thuốc đó, chữa bệnh nhẹ khác bệnh nặng, không có thuốc chữa bách bệnh... 2) Dưới đây mình gợi ý vài "cách chữa", mọi người thử xem có áp dụng được không nhé. - Nhắc nhở trẻ: Khi trẻ vi phạm một vài lần đầu, giáo viên nên nhắc nhở và bày tỏ kì vọng "cô hi vọng em sẽ không còn vi phạm nữa"... - Yêu cầu trẻ tự phân tích hành vi bản thân: Giúp trẻ tự nhận ra những yếu tố sai trái và hậu quả hành vi của mình và hứa không tái phạm. - Vỗ về, va chạm tích cực: Đó là cái vỗ vai, xoa đầu... với vài lời nhắc nhở, trách cứ nhẹ nhàng. Nó giúp học sinh cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi, khoan dung của cô giáo dành cho mình và sẽ tự nhủ sẽ cố gắng để không phụ lòng cô... - Cô lập tạm thời: Trẻ em có nhu cầu giao tiếp, vận động... rất cao, do đó, nếu bị cô lập (không được tham gia chơi trò chơi cùng bạn chẳng hạn...) sẽ làm cho trẻ tiếc và ân hận về hành vi sai trái của mình. - Dùng ''hệ quả tất yếu'': Đây là biện pháp kỉ luật tích cực - trẻ gây ra điều gì thì chịu hậu quả đó, tức là phải có trách nhiệm liên quan. Ví dụ: nêu đổ nước ra lớp học thì phải lau. - Dùng dư luận tập thể: Quan hệ bạn bè rất quan trọng đối với trẻ, các em muốn các bạn trong lớp chơi với mình, quí mến mình mà không muốn bị chê cười, cô lập. Do đó, giáo viên có thể dùng dư luận tập thể để nhắc nhở, phê bình những hành vi sai trái của trẻ. - Giải phóng năng lượng của trẻ: Đối với những trẻ hay ngộ nguậy, giáo viên cần tổ chức các hoạt động vui chơi, lao động... để giải phóng những năng lượng trong đứa trẻ. Khi đó (năng lượng bị tiêu hao) trẻ sẽ trở nên hiền hòa... - Sử dụng phương pháp "bùng nổ": Đây là phương pháp của A. Macarenco dùng để gây ''sốc'', bất ngờ đối với trẻ. Ông đã dùng phương pháp này để giáo dục đứa trẻ ăn cắp vặt bằng cách cho em này làm thủ quỹ của lớp. - Phối hợp với gia đình: Cha mẹ luôn coi con là khúc ruột của mình, yêu thương con và nhiều bậc cha mẹ cũng rất nghiêm khắc với trẻ. Do đó, khi trẻ vi phạm kỉ luật (nhưng không phải trong mọi trường hợp), nhà trường nên thông báo với gia đình (ví dụ dùng phiếu báo cáo sai phạm và đề nghị gia đình kí xác nhận...) để họ biết con họ là ai và như thế nào, đồng thời phối hợp giáo dục một cách phù hợp (''kẻo sau này có chuyện gì lại bảo giáo viên không báo trước...). 3) Những điều cần tránh trong việc phạt Phần đông giáo viên yêu thương học sinh, nhưng vì không biết kìm nén được cảm xúc, nên có thái độ và hành động quá đà, sai trái đối với trẻ. Giáo viên cần tránh những thái độ và hành vi sau: - Bỏ rơi, thể hiện thái độ khinh khỉnh, thờ ơ, bắn tín hiệu rằng "cô không còn quan tâm đến em nữa": Nếu giáo viên vi phạm điều này, học sinh sẽ cảm thấy tủi thân, đau khổ, tỏ thái độ tiêu cực, bất cần... - Thành kiến đối với trẻ, cho rằng trẻ hư hỏng không thể sửa chữa, tiến bộ: Điều này làm cho trẻ mất niềm tin vào bản thân, giáo viên, những người xung quanh... - Gây đau đớn về thể xác cho học sinh (như đánh đập, cào cấu, kéo tai...): Cách phạt này gây phản kháng tiêu cực của trẻ đối với giáo viên, kể cả bằng lời nói và hành động (thậm chí trả thù); giáo viên sẽ bị gia đình, xã hội lên án, bị kỉ luật... - Gây tổn hại tinh thần bằng lời lẽ thô tục, coi khinh trẻ, phủ nhận sự tiến bộ của trẻ, dùng những học sinh khác sỉ nhục trẻ, buộc trẻ thực hiện những hành động mang tính sỉ nhục (đã từng có giáo viên bắt trẻ liếm bàn...): Đây thực sự là đòn đau nhất đối với trẻ, thậm chí gây trầm cảm hay phẫn uất... Cũng phải nói thêm một chút: Cũng lạ, nhiều bậc cha mẹ ở nhà đánh con tới số, nhưng hễ ai chạm phải móng chân, móng tay con mình thì lồng lộn lên. Trong giáo dục, điều cực kì đáng sợ (cũng rất đáng trách) là THÁI ĐỘ THỜ Ơ, BỎ RƠI TRẺ (khó có thể phạt giáo viên được vì thái độ này). Các bậc cha mẹ hãy TỈNH TÁO, dè chừng điều đó!? GS.TS. NGUYỄN HỮU HỢP TẠI SAO HỌC SINH NÓI CHUYỆN VÀ LÀM VIỆC RIÊNG TRONG LỚP? 1) HS không có việc để làm: Các em nói chuyện và làm việc riêng chủ yếu trong những trường hợp GV giảng quá nhiều, các bạn phát biểu (còn mình không được phát biểu)... Khi đó, có thể các em không hiểu, không hứng thú khi nghe những điều GV nói, bạn trình bày. Có nhiều em giơ tay phát biểu không được GV gọi thì lập tức quay sang nói chuyện với bạn. LỜI KHUYÊN: GV nên tăng cường tổ chức hoạt động nhóm hoặc hoạt động cá nhân với những phương pháp như thảo luận nhóm, trò chơi, thí nghiệm, giải quyết vấn đề... nhằm phát huy tính tích cực, gây hưng thú học tập cho HS; hạn chế giảng. 2) Năng lực nhận thức của HS hạn chế: Có một thực tế là, năng lực và hứng thú nhận thức của học sinh trong lớp không giống nhau, có em nhanh, em chậm... Thường, những em chậm thì không hiểu lời giáo viên giảng, không làm được bài tập của mình, không theo kịp các bạn nhanh nên mất hứng thú, chán, đâm ra nói chuyện riêng, làm việc riêng. LỜI KHUYÊN: GV nên chú ý nhiều hơn đến những em chậm, ví dụ: cho ngồi các bàn phía trên, yêu cầu làm những bài tập cơ bản, hỗ trợ thường xuyên và kịp thời, cho học sinh giỏi ngồi cạnh để giúp đỡ, trao đổi với gia đình để kèm thêm ở nhà... 3) GV chưa có khả năng bao quát lớp: GV chỉ chú ý đến một số học sinh phía trên gần bục giảng, những em ngồi phía sau thì ít được chú ý hơn, thậm chí một số GV cứ quay lưng với lớp viết bảng, giảng giải.... Khi ít được chú ý, những em này dễ "tranh thủ cơ hội" để nói chuyện riêng. LỜI KHUYÊN: GV cần chú ý đến mọi HS, nhất là những em hay nói chuyện riêng. GV nên "ra tín hiệu" rằng "cô biết hết tất cả", thể hiện sự quan tâm nhưng nghiêm khắc của mình. Tránh, hạn chế hiện tượng quay lưng về phía các em. 4) Nội dung học tập nhàm chán, thiếu hấp dẫn: Học nhiều khi cũng như xem phim: Xem một bộ phim mà ta không hiểu nội dung, hay nội dung nhàm chán thì chỉ muốn tắt ti-vi. Mình nhớ câu nói rất hay: "Ta có thể dẫn con ngựa đến chỗ có nước, nhưng không thể bắt nó uống nước". LỜI KHUYÊN: GV nên đưa những nội dung hấp dẫn, gắn liền cuộc sống của trẻ, phù hợp với nhu cầu và khả năng nhận thức các em, sử dụng phương tiện trực quan thích hợp... 5) Thói quen xấu có từ lớp dưới: Nề nếp học tập được hình thành từ khi trẻ vào lớp 1. Nếu GV các lớp dưới không quan tâm, làm sai nề nếp này thì GV các lớp trên sẽ phải chịu "khổ" thôi. LỜI KHUYÊN: GV phải rèn nề nếp từ khi các em vào lớp 1, trong đó, giúp trẻ hiểu được nội quy học tập, tác hại của hành vi nói chuyện riêng, làm việc riêng trong giờ học... Nên nhớ: "Măng non dễ uốn". 6) HS có "đối tác" và cơ hội thuận lợi để nói chuyện riêng: Đó có thể là bạn cùng bàn "hợp cạ", chơi thân với nhau, ngồi phía sau ít "bị" chú ý... LỜI KHUYÊN: GV nên thường xuyên thay đổi các "cặp" HS cùng bàn, "chia cắt" những em "hợp cạ" ngồi tách xa nhau; đưa những em "lắm mồm" lên ngồi phía trên, ngồi gần cán bộ lớp, tổ; thường xuyên thay đổi vị trí ngồi của học sinh trong lớp. 7) HS ngồi học bị gò bó quá mức: Một vài GV yêu cầu HS ngồi nghiêm ngắn hệt như những bức tượng, điều đó gây căng thẳng, mệt mỏi, làm cho các em "buộc" phải cựa quậy, nói chuyện riêng cho "miệng được vận động". LỜI KHUYÊN: GV nên cho HS ngồi thoải mái, không gò bó (ví dụ: không nên bắt các em khoanh tay đặt lên bàn...); trong tiết học, nên dành vài phút cho học sinh vận động với những bài thể dục tại chỗ thích hợp. Khi có HS thiếu tập trung, nói chuyện riêng, làm việc riêng, GV có một số cách xử lý khác nhau: Nói với cả lớp: "Trong lúc cả lớp đang học tập nghiêm túc thì cô thấy bạn X. nói chuyện riêng (làm việc riêng). Có lẽ bạn cần sự giúp đỡ chăng?". Rồi đến gần em X., hỏi: "Cô có thể giúp gì cho em?". Hoặc GV tạm dừng và nói: "Cô muốn thấy em X. không nói chuyện riêng (làm việc riêng) vào lúc này"... Trong những trường hợp "khó trị", cần cho em đó ngồi riêng một bàn. Ngoài tác động của mình, GV cần liên hệ với phụ huynh để các bậc cha mẹ nhắc nhở trẻ, sử dụng tập thể HS để các em nhắc nhở lẫn nhau... Trong mọi trường hợp GV cần tôn trọng HS, đặt lợi ích của các em lên hàng đầu. TÔN TRỌNG + YÊU THƯƠNG + NGHIÊM KHẮC + PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC là "liều thuốc" hữu hiệu. Nói rộng ra, không riêng gì học sinh tiểu học nói chuyện riêng đâu nhé, sinh viên chính qui, GV tiểu học đang theo học các lớp tại chức, GD từ xa... cũng thế. Rồi các cuộc họp ở cơ quan nào cũng đều thế - thủ trưởng nói thì cứ nói, nhân viên thì cứ "buôn" rào rào. Mình đi du lịch nước ngoài thấy, đâu có người VN mình, y như rằng ở đó cười nói ầm ầm, ào ào, râm ran... Vậy, tật "lắm mồm" phải chăng là "TRUYỀN THỐNG", là "BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC" rồi? Con hư tại MẸ, cháu hư tại BÀ, trò hư tại THẦY? (Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Hợp)
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan