Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Du ký quốc ngữ việt nam trong bối cảnh văn học giao thời...

Tài liệu Du ký quốc ngữ việt nam trong bối cảnh văn học giao thời

.DOC
24
89
101

Mô tả:

1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Du ký là thể tài văn học xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử văn học Việt Nam. Lấy việc thưởng du, ngoạn cảnh, đi và xem làm cảm hứng nghệ thuật cho việc sáng tác, du ký đóng góp cho nền văn chương nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị. Du ký ra đời và phát triển cùng chiều dài lịch sử văn học dân tộc, nhất là trong văn học Quốc ngữ buổi giao thời. Cũng như đối với việc đánh giá các tác phẩm viết theo thể loại, thể tài khác, việc đánh giá các tác phẩm du kí Quốc ngữ buổi giao thời, cần đặc biệt chú ý đến các giá trị tìm tòi, thể nghiệm, mở đường hơn là đòi hỏi hay tìm kiếm những giá trị, đóng góp khác. Nghiên cứu lịch sử văn học phải xuất phát từ cái nhìn toàn vẹn về nó. Có nhiều khuynh hướng nghiên cứu văn học sử khác nhau nhưng gần đây khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học qua các thể loại văn học bộc lộ nhiều ưu điểm nhất. Đúng như Bakhtin khẳng định: chính thể loại mới là nhân vật trung tâm của lịch sử văn học. Xuất phát từ quan điểm trên, khuynh hướng nghiên cứu thể loại văn học trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Việc nghiên cứu thể tài du ký cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đồng hành cùng công việc của các nhà nghiên cứu hiện nay đang làm, chúng tôi muốn khẳng định giá trị nghệ thuật và học thuật của các tác phẩm du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời. Từ đó, người đọc, người học có cái nhìn đầy đủ và khoa học hơn về một thể tài văn học rất thịnh hành – thịnh hành nhưng lại chưa được chú ý nghiên cứu đúng mức – trong một giai đoạn đặc biệt của nền văn học nước nhà: văn học buổi giao thời, trên đường hiện đại hóa. 2 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Có thể thấy, các bài viết, công trình nghiên cứu về du ký đã thu được kết quả, thành tựu nhất định với đóng góp cụ thể về nhiều khía cạnh. Tuy vậy, có thể do những nguyên nhân khác nhau, thành tựu nghiên cứu về thể tài này vẫn còn những khiếm khuyết cần được bổ túc. Cụ thể: - Chưa có một sự sưu tập đầy đủ hay tiến hành tổng kiểm kê tác phẩm, tác giả du ký trên khắp mọi miền đất nước để có được một bức tranh trung thực đầy đủ về du ký Quốc ngữ Việt Nam. - Nhìn chung các bài viết công trình còn thiên về giới thiệu bình chú tác phẩm hoặc xem xét một vài khía cạnh đơn lẻ, chưa có nhiều bài viết công trình xem xét một cách hệ thống toàn diện thể tài du ký, ứng dụng được thành tựu nghiên cứu lý luận văn học hiện đại. - Tác phẩm du ký và lao động nghệ thuật của tác giả du ký thường được nhìn nhận như là hiện tượng, sự kiện đơn nhất, chưa được xem xét trong bối cảnh, trong tính loại hình, tính quá trình của thể tài, của nền văn học. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của luận án chúng tôi là hệ thống tác phẩm du ký ra đời trong buổi đầu của nền quốc văn đã được tập hợp thành sách, được in trên báo chí Quốc ngữ ra đời ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, tác phẩm công bố trong các công trình của từng tác giả riêng lẻ (85 tác phẩm)… 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận án chúng tôi là định hình diện mạo của thể tài du ký Quốc ngữ trong tiến trình phát triển của văn học, vai trò của thể tài này trong bối cảnh văn học buổi giao thời. 3 3.3. Văn bản khảo sát, đối chiếu và thống kê Dựa trên các văn bản du ký Quốc ngữ sưu tầm rải rác trên báo chí, trong các hợp tuyển, chúng tôi tiến hành khảo sát, thống kê, phân loại một số phương diện cụ thể nhằm làm rõ đặc điểm và vai trò của thể tài đối với nền quốc văn. 4. Mục tiêu nghiên cứu Luận án hướng tới mục tiêu cụ thể là làm sáng rõ giá trị tiên phong của thể tài du ký trong bối cảnh non trẻ của nền quốc văn. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp loại hình 5.2. Phương pháp hệ thống 5.3. Phương pháp nghiên cứu lịch sử - xã hội Ngoài ra, luận án sẽ dựa vào thành tựu nghiên cứu thi pháp thể loại, kết hợp nghiên cứu đồng đại với nghiên cứu lịch đại, sử dụng rộng rãi các thao tác, khảo sát, thống kê, miêu tả, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa… 6. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án sẽ làm nổi bật những đặc trưng của thể tài du ký ở giai đoạn giao thời với tất cả những phương diện cơ bản nhất như yếu tố cấu thành, đặc điểm nội dung, nghệ thuật, nhiệm vụ lịch sử… 7. Những đóng góp của luận án Luận án chỉ ra cho người đọc thấy được giá trị của một thể tài văn học xuất hiện với vai trò “khai sơn phá thạch” nhưng chưa được giới nghiên cứu quan tâm đúng mực. Các tác phẩm du ký được phát hiện thêm có thể làm tài liệu cho các khoa học liên ngành tìm hiểu về giai đoạn này. 8. Cấu trúc của luận án 4 Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án được chia thành 03 chương như sau: Chương 1. Du ký Quốc ngữ trong diễn trình du ký Việt Nam Chương 2. Các tiểu loại và đặc điểm chính của du ký Quốc ngữ Việt Nam Chương 3. Vai trò tiên phong của du ký Quốc ngữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới văn học buổi giao thời Cấu trúc ba chương của luận án nhằm làm sáng rõ những đóng góp thực sự của du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời với sự hình thành, phát triển của nền quốc văn hiện đại. Chương 1 DU KÝ QUỐC NGỮ TRONG DIỄN TRÌNH DU KÝ VIỆT NAM 1.1. Định danh thể tài du ký 1.1.1. Thuật ngữ du ký trong văn học trung đại Việt Nam Các soạn giả của từ điển Từ Hải đã định nghĩa về du ký như sau: Du: “hành tẩu ngoạn thưởng…”. Du ký: “Văn thể đích nhất chủng, chuyên môn dụng lai ký lục du ngoạn tham quan kinh nghiệm. Như Liễu Tông Nguyên đích thủy đắc Tây Sơn yến du ký…”[154; tr.1130]. Du có nghĩa là đi dạo thưởng ngoạn. Du ký là một loại văn thể, chuyên dụng để ghi chép lại (những điều đã nghe thấy trên đường), kinh nghiệm, tham quan, du ngoạn. Như vậy, du nghĩa là đi xa, dạo bước khắp nơi. Ký là ghi chép lại. Du ký có thể dung nạp cả hai hình thức thể hiện đó là tự sự bằng thơ và tự sự bằng văn xuôi. Đồng thời, ở du ký có cả tự sự và trữ tình nhưng yếu tố tự sự vẫn chiếm phần quan trọng. Nếu tác phẩm là một chuyến du ngoạn hoàn chỉnh thì đó là du ký còn nếu chỉ là một khoảnh khắc tâm trạng, hay cảm hứng của người viết trước cảnh đẹp thì đó là thơ, phú đề vịnh phong cảnh... 5 1.1.2. Thể tài du ký trong văn học Quốc ngữ 1.1.2.1. Phân biệt thể tài và thể loại văn học Thể tài và thể loại văn học đều là một bộ phận nhỏ của “loại” văn học (có 3 loại văn học: tự sự, trữ tình, kịch), mỗi loại bao gồm các thể khác nhau. Thể loại là khái niệm chỉ phương diện tương đối ổn định, bền vững trong cấu trúc tác phẩm. Nếu như khái niệm thể loại chú ý nhiều đến hình thức mang tính nội dung thì thể tài nhấn mạnh hơn ở khía cạnh nội dung mang hình thức. 1.1.2.2. Thể tài du ký Xét về phương diện nội dung, các tác phẩm du ký thường được viết trong hoặc sau những chuyến đi, kể về những điều tai nghe mắt thấy, những điều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tác giả. Xét về phương diện nghệ thuật, nhìn từ phương thức tự sự, góc độ kết cấu, về ngôn ngữ nghệ thuật,… 1.2. Những tác động dẫn đến sự hình thành thể tài du ký trong văn học Quốc ngữ 1.2.1. Tác động ngoài văn học 1.2.1.1. Sự thay đổi cấu trúc văn hóa Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời chịu ảnh hưởng sâu xa, mạnh mẽ bởi quá trình tiếp xúc với nền văn minh phương Tây. Nhiều yếu tố của nền văn hóa mới xâm nhập bức tranh văn hóa trung đại. Với dụng ý không mấy tích cực, người Pháp muốn dần dần biến nước ta thành bản sao của Pháp quốc trên mọi phương diện. Người Việt với sự linh hoạt diệu kỳ đã biến những điều khả nguy trở thành khả an cho sinh mệnh văn hóa nước nhà. Những yếu tố của nền văn hóa mới là sản phẩm công cuộc nô dịch của thực dân nhưng cuối cùng lại trở thành nhân tố hỗ trợ đắc lực cho sự vận động, phát triển của văn hóa dân tộc. 6 1.2.1.2. Công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp Người Pháp vào Việt Nam, cho xây dựng nhiều tuyến đường, đem theo nhiều phương tiện đi lại hiện đại: ô tô, xe lửa, tàu thủy… Vô tình, họ đã mở ra cơ hội viếng thăm nhiều nơi của mọi tầng lớp trong xã hội. Người ta có thể đi lại khắp mọi vùng miền của tổ quốc mà không mất nhiều thời gian, không gặp trở ngại vì địa hình hiểm trở… Đó là cơ sở quan trọng để du ký hiện đại được hình thành, phát triển sâu rộng. 1.2.1.3. Sự thay đổi tâm lý, thói quen của con người thời đại Đi cùng với bước chân xâm lược của người phương Tây là tư tưởng văn hóa phương Tây. Tư tưởng thích khám phá, thích xê dịch, thích phiêu lưu, mạo hiểm của người Châu Âu có điều kiện thâm nhập vào người Việt, khiến những con người xưa nay vốn quen với lũy tre làng bỗng ham muốn thoát khỏi những ràng buộc vô hình để thưởng ngoạn, khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới… 1.2.2. Sự vận động bên trong của bản thân văn học 1.2.2.1. Sự thôi thúc của tình cảm con người thời đại Cùng với những biến chuyển trong đời sống xã hội đã dẫn đến sự thay đổi trong tư duy văn học. Hiện thực bộn bề đã tràn ngập vào thơ ca buộc nó phải bung ra, vỡ òa về hình thức. Tiếp nối theo sau thơ ca bất quy phạm là sự xuất hiện của nhiều thể loại văn xuôi. Sự thay đổi tư duy văn học từ thơ sang văn xuôi phản ánh nhu cầu tự bộc lộ của con người cá nhân với nhiều cung bậc khác nhau trong cuộc sống. Đó là cơ sở văn hóa, văn học giúp thể tài du ký nở rộ, phát triển ở cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. 1.2.2.2. Sự chuyển dịch thể loại văn học Do nhu cầu bức thiết của đời sống, để đáp ứng nhu cầu được bộc lộ những vấn đề phức tạp diễn ra trong đời sống, văn chương có 7 bước chuyển đột phá. Loại hình ký với khả năng uyển chuyển, linh hoạt trong bút pháp đã trở nên đắc dụng ở những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nếu văn chương thời trung đại chú trọng nhiều hơn đến tình thì văn chương thời hiện đại chú ý nhiều đến sự. Chính hiện thực đời sống là cơ sở để những thể loại văn xuôi đặc biệt phát triển trong thời đại mới trong đó có du ký. 1.2.2.3. Sự chuẩn bị của nền văn học trung đại Lịch sử văn học đã ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tác phẩm du ký. Từ những du ký ngắn, dung lượng nhỏ đến những du ký dài hơi, dung lượng lớn đều đã có mặt trong lịch sử văn học trung đại. Càng về sau, hiện thực được phản ánh trong du ký càng nhiều hơn, khả năng diễn đạt của câu văn xuôi ngày càng uyển chuyển hơn. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tiến trình hiện đại hóa nền văn học. 1.2.2.4. Sự tương tác của các thể loại văn học Hệ thống thể loại văn học có sự tương tác bên trong, vận động biến chuyển để hình thành nên những thể tài độc lập, mới mẻ hoặc thay đổi về chất. Đối với du ký, quá trình tương tác thể loại diễn ra có tuần tự và hết sức năng động: tương tác giữa ngôn ngữ Hán và Quốc ngữ, hướng tương tác giữa văn xuôi và thơ, tương tác giữa thể loại hư cấu và thể loại không hư cấu… 1.2.2.5. Sự bế tắc trong tư tưởng của trí thức Việt Nam Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xuất hiện nhiều du ký do tầng lớp trí thức tiểu tư sản, các nhà Nho sớm tiếp cận với chữ Quốc ngữ sáng tác. Hầu hết họ là những người không tìm thấy lý tưởng ở giai đoạn loạn lạc. Tuy nhiên, từ sâu trong tâm thức của đại bộ phận trí thức đương thời, tinh thần yêu nước vẫn là điểm tựa vững chắc cho hành động của họ. Nỗi bế tắc, tuyệt vọng trên con đường tìm 8 hướng đi đúng đắn của thời đại đã thôi thúc bước chân lãng du người trí thức tìm quên trong niềm vui sông núi. 1.3. Quá trình phát triển thể tài du ký 1.3.1. Du ký Hán Nôm 1.3.1.1. Sự hình thành và phát triển của thể tài du ký Hán Nôm Thời trung đại mở ra bước đầu hình thành của du ký, trong bước chuyển sang thời hiện đại du ký nở rộ, phát triển nhiều hình thái vô cùng phong phú. Du ký Hán Nôm là nền tảng quan trọng để đưa du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời phát triển cực thịnh. Có thể thấy sự tiếp nối của du ký Hán Nôm ở du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời qua các nhóm đề tài, nghệ thuật sáng tạo, sự phát triển ý thức cá nhân người cầm bút... 1.3.1.2. Đặc điểm nội dung thể tài du ký Hán Nôm Về đề tài, dựa vào nội dung phản ánh của du ký Hán Nôm, chúng tôi bước đầu gộp chúng thành những nhóm nhỏ như sau: du ký phong cảnh, du ký viễn du ngoại quốc, du ký khảo cứu địa danh. Mỗi nhóm du ký mang đặc điểm riêng về nội dung, tuy nhiên không phải chúng lúc nào cũng phân định rạch ròi mà có sự đan xen, hòa lẫn vào nhau. Tiêu chí quan trọng để xác định nội dung du ký là nếu tác phẩm chiếm dung lượng lớn về nội dung nào sẽ được xếp vào nhóm đề tài đó. 1.3.1.3. Đặc điểm nghệ thuật thể tài du ký Hán Nôm * Đặc điểm thứ nhất là hỗn dung thể loại. Ký là loại hình tự sự tương đối tự do về kết cấu, bút pháp nghệ thuật. Nó cho phép dung nạp nhiều thể loại khác nhau mà không làm cho tác phẩm rời rạc, lạc lõng. Người viết tự do tung hoành trên trang viết theo nhận thức, cảm xúc chủ quan mà tác phẩm vẫn hợp lý, cuốn hút. * Đặc điểm thứ hai là sử dụng phổ biến các chi tiết kỳ ảo. Văn xuôi thời trung đại tồn tại song song với nền văn xuôi thuộc văn học dân 9 gian. Cách thức tư duy của người nghệ sĩ trong văn học thời trung đại và người nghệ nhân của văn học dân gian không khác nhau là mấy. Vì thế, ta thấy trong các thể loại văn xuôi như truyền thuyết, cổ tích, yếu tố kỳ ảo đóng vai trò then chốt tạo nên đặc điểm, sức hấp dẫn của các thể tài này. * Đặc điểm thứ ba là nghệ thuật miêu tả không gian, thời gian. Nếu không gian là mảng màu chính của bức tranh du ký thì thời gian là cái trục để từ đó mọi chi tiết được triển khai. Thời gian như điểm tựa để tác giả ghi lại diễn biến cuộc hành trình. 1.3.2. Du ký Quốc ngữ 1.3.2.1. Sự tiếp nối và cách tân từ du ký Hán Nôm Tư tưởng hướng về thiên nhiên để thanh lọc, di dưỡng tinh thần của người quân tử thời trung đại vẫn còn tiếp nối ở các trí thức thời cận hiện đại. Ở du ký Quốc ngữ, tinh thần khám phá của văn hóa Châu Âu đã có ảnh hưởng đối với các tác giả giai đoạn giao thời. Người viết du ký chú ý nhiều đến sự hơn là cảnh. Không gian phản ánh rộng và sự chuyển dịch trong không gian cũng linh hoạt hơn. Về mục đích sáng tạo, người viết du ký Hán – Nôm, tức các tác gia trung đại ít quan tâm đến đối tượng tiếp nhận. Du ký Quốc ngữ đã có ý thức truyền bá tác phẩm đến đại bộ phận quốc dân nhằm mở mang tầm nhìn cho đại chúng: khai dân trí, chấn dân khí. 1.3.2.2. Du ký Quốc ngữ, thể tài đánh dấu sự thay đổi hệ hình mỹ học trong văn học Mười thế kỷ văn học trung đại, các tác gia chịu sự chi phối bởi mỹ học phương Đông. Bước chuyển từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX văn học đã chuyển sang ảnh hưởng của tinh thần thực chứng phương Tây. Du ký là thể tài đầu tiên thể hiện sự chuyển đổi hệ hình mỹ học đó. Bởi có thể xác quyết rằng du ký là thể tài văn học sáng tạo đầu tiên được in trên Gia Định báo từ cuối thế kỷ XIX. 10 Chương 2 CÁC TIỂU LOẠI VÀ ĐẶC ĐIỂM CHÍNH CỦA DU KÝ QUỐC NGỮ VIỆT NAM 2.1. Các tiểu loại du ký Quốc ngữ Việt Nam 2.1.1. Một số quan điểm phân loại du ký Quốc ngữ Việt Nam Du ký Quốc ngữ là đối tượng nghiên cứu tương đối mới mẻ nên việc nhận thức và đưa ra quan điểm lý thuyết về nó chưa nhiều. Những ý kiến phân loại trên của các nhà nghiên cứu hầu như chưa được phân tích kỹ lưỡng bằng công trình cụ thể. Do vậy, cần có những công trình tìm hiểu kỹ càng hơn về các tiểu loại của du ký để thể tài này được định hình rõ nét trong tương quan với các thể loại, thể tài văn học ra đời ở giai đoạn giao thời. 2.1.2. Cách phân loại du ký Quốc ngữ của tác giả Bảng 2.1. Bảng phân loại hệ thống du ký Quốc ngữ Loại hình lời văn nghệ thuật Nội dung phản ánh Du ký Du ký viết viết bằng bằng thơ/ DK DK viễn DK văn DK duy mỹ văn xuôi văn vần công vụ du hóa duy cảm 78 07 18 16 35 16 (91.76%) (8.24%) (21,2%) (18,8%) (41,2%) (18,8%) Sau đây chúng tôi sẽ mô tả, dẫn giải thêm về đặc điểm các tiểu loại du ký Quốc ngữ lần lượt trên hai bình diện nội dung và hình thức. 2.2. Du ký Quốc ngữ Việt Nam – Những đặc điểm về nội dung 2.2.1. Du ký công vụ Đây là nhóm du ký chú trọng ghi chép những vấn đề diễn ra trong quá trình tác giả đi công cán tức là thực hiện việc công do nhà 11 nước giao phó, do cơ quan đoàn thể phân công. Cũng có thể những chuyến công vụ đơn giản, bình thường thậm chí là vụn vặt nhưng lại mang bao điều lý thú thôi thúc tác giả cầm bút viết lại. 2.2.2. Du ký viễn du Đây quả thực là nhóm du ký có sức hút đối với độc giả bởi sự mới lạ, khối lượng kiến thức đồ sộ mà người viết cất công du khảo để mang về làm quà tinh thần cho độc giả trong nước. Du ký viễn du góp phần vào một việc hết sức quan trọng đó là làm chiếc cầu nối liền mọi nền văn minh trên thế giới đến gần nhau hơn. 2.2.3. Du ký văn hóa Thứ nhất, đó là hệ thống những tác phẩm du ký thiên về khảo cứu danh nhân lịch sử, truyền thuyết và sự tích liên quan tới một địa điểm cụ thể. Thứ hai, đó là hệ thống các tác phẩm du ký hướng tới khảo sát, giới thiệu cả một vùng văn hóa rộng lớn. Đây là dòng du ký có dung lượng dài và có giá trị lớn đối với văn hóa, văn chương nước nhà. 2.2.4. Du ký duy mỹ, duy cảm Chất thơ, thi vị, giàu xúc cảm… là những từ ngữ bao quát nhất để định tính cho nhóm du ký này. Người viết như say cùng cảnh vật để mặc cho cảm xúc tuôn trào mà không hề giới hạn bởi những vấn đề chính trị, xã hội, thế sự, nhân sinh… Nhóm du ký này đã chứng minh rằng nghệ thuật luôn là cái đích cuối cùng để văn học hướng tới. Kinh nghiệm mỹ cảm hoàn toàn chi phối ngòi bút của người viết. 2.3. Du ký quốc ngữ Việt Nam – những đặc điểm về nghệ thuật 2.3.1. Đặc điểm về phương thức tự sự 2.3.1.1. Tự sự đơn âm như là một cách thức khái quát sự việc Khác với tiểu thuyết, tính chất đa thanh trong nghệ thuật tự sự rất rõ, ở du ký ta chỉ bắt gặp lối viết đơn âm với sự hiện hữu của một chủ thể đó là tác giả. Tác giả là người dẫn dắt, đưa người đọc đi khắp mọi nơi, cùng trải nghiệm những cảm xúc, thưởng ngoạn thắng cảnh, 12 tiếp xúc từng sự kiện diễn ra trong cuộc hành trình. 2.3.1.2. Tính hấp dẫn từ thông tin tự sự Sự mới mẻ mang tính khám phá của thông tin đem lại sức hấp dẫn cho tác phẩm du ký. Những thông tin mới lạ về vùng đất, con người, phong tục tập quán được tác giả phát hiện trong quá trình “xê dịch” là nền tảng làm nên giá trị của tác phẩm du ký. 2.3.1.3. Sự mở rộng trường liên tưởng trong khả năng tự sự Bên cạnh việc kể, tả khách quan những điều mắt thấy, tai nghe, một phương thức tự sự quan trọng khác trong du ký đó là tự sự theo trường liên tưởng. Ngoại cảnh là nhân tố tác động người cầm bút liên tưởng đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Những vấn đề được liên tưởng tới thường cùng nằm trong một trường nội dung. 2.3.2. Đặc điểm về nghệ thuật phác họa con người và cảnh vật 2.3.2.1. Nghệ thuật thể hiện con người Khảo sát du ký Quốc ngữ, chúng tôi thấy có hai loại nhân vật được đề cập: nhân vật trong tác phẩm và nhân vật chủ thể, tác giả. Về hệ thống nhân vật trong tác phẩm, nhân vật du ký không được miêu tả qua các xung đột, biến cố, mâu thuẫn nội tâm hay mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật khác như trong kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn… Trong du ký Quốc ngữ sự thể hiện hình ảnh chủ thể - cái tôi tác giả là một yếu tố nghệ thuật trội bật. Du ký là nhật ký hành trình nên luôn hiện hữu một nhân vật suốt từ đầu đến cuối tác phẩm đó là cái tôi của người viết. 2.3.2.2. Về cách thức miêu tả cảnh vật Cảnh vật trong du ký đóng vai trò làm phông nền giúp du ký lôi cuốn người đọc. Vì thế, cách kể, tả cảnh vật đóng vai trò quyết định sự thành bại của một tác phẩm du ký. Cảnh vật trong du ký là hình ảnh, cảnh quan bên ngoài tác động sâu sắc vào tâm trí của nhà văn tạo nên sức bật mỹ cảm khiến nhà văn tái tạo lại trong du ký của 13 mình. Có hai loại cảnh quan khác nhau trong du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời: cảnh phi hư cấu và cảnh hư cấu. 2.3.3. Đặc điểm về ngôn từ nghệ thuật 2.3.3.1. Hệ thống từ Hán Việt và lối diễn đạt biền văn Trong giai đoạn giao thời, thời kỳ vắt ngang giữa hai nền học cũ – mới, những giá trị ngôn ngữ cũ vẫn còn bảo tồn trong ngôn ngữ văn học, cụ thể là một hệ thống đồ sộ từ Hán – Việt vẫn còn “di thực” vào văn chương viết bằng chữ Quốc ngữ. Bên cạnh việc sử dụng từ Hán – Việt là lối diễn đạt biền văn. Các sự vật được miêu tả luôn trong thế đối xứng, các vế tương hợp với nhau tạo thành mệnh đề phức hết sức phức tạp về cú pháp. Đi đôi với từ ngữ kiểu cách, khuôn sáo là lối diễn đạt câu dài, phức tạp, có nhiều liên từ. 2.3.3.2. Hệ thống từ cổ và phong cách diễn ngôn cũ Trong du ký Việt Nam giai đoạn giao thời, ta dễ dàng bắt gặp từ ngữ thuần Việt đã từng có thời gian sử dụng phổ biến trong lời nói hàng ngày, nhưng đến nay qua thời gian sàng lọc chúng không còn được sử dụng nữa mà chỉ còn in dấu lại trong những tác phẩm văn học. Gắn liền với hệ thống từ cổ là cách diễn ngôn cũ chỉ có trong văn bản giai đoạn giao thời. Những cách diễn đạt thuộc về văn pháp cổ văn xuất hiện với tần xuất cao trong văn chương du ký. 2.3.3.3. Hệ thống từ ngữ và lối diễn đạt khúc chiết du nhập từ phương Tây Trong bước đầu của nền quốc văn, văn phong du ký đã bắt đầu hình thành câu văn viết kiểu mới, mô phỏng lối diễn đạt mệnh đề của ngôn ngữ Châu Âu. Tuy nhiên chúng một mặt mang màu sắc khẩu ngữ, mặt khác, những từ ngữ Pháp đi liền với lối viết câu dài, cấu tạo phức tạp, dùng rất nhiều liên từ để nối các thành phần phụ. Đó là biểu hiện của sự tiếp xúc ban sơ giữa cú pháp tiếng Việt với cú pháp Ấn-Âu. Dần dần sự biến đổi của câu văn trong du ký mới thực sự khúc chiết, uyển chuyển hơn. 14 2.3.4. Sử dụng chi tiết kỳ ảo Trong du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời, việc sử dụng chi tiết kỳ ảo vẫn còn tồn tại nhưng mức độ đã giảm so với du ký thời trung đại. Các chi tiết kỳ ảo có mặt trong du ký Quốc ngữ thể hiện sự tiếp nối tư duy nghệ thuật của thời trung đại. Tuy nhiên, vì hiện thực là điểm tựa chính nên sử dụng loại chi tiết này như là cách thức để các tác giả giai đoạn giao thời tiếp cận hiện thực, giải thích cho hiện thực. 2.3.5. Sự hỗn dung thể loại Sự hỗn dung thể loại là một yếu tố nghệ thuật đặc trưng của văn du ký nói riêng, loại hình ký nói chung. Hỗn dung thể loại phản ánh sự tự do trong bút pháp của nhà văn và phong cách thể loại. Trong ba mươi năm đầu của nền Quốc văn, đặc điểm này được thể hiện một cách đậm nét. Đối với các tác giả là văn nhân thấm nhuần tư tưởng học thuật của Nho gia thì sự hỗn dung thể loại càng thể hiện rõ. Bởi tinh thần chủ tình trong phương thức sáng tạo nghệ thuật vẫn còn in đậm trong quá trình tiếp nhận hiện thực. Xu hướng chủ tình trong du ký Quốc ngữ chiếm số lượng ít hơn so với du ký viết theo tinh thần chủ sự của phương Tây bởi lực lượng chính trong sáng tác du ký là các tác giả Tây học. Chương 3 VAI TRÒ TIÊN PHONG CỦA DU KÝ QUỐC NGỮ VIỆT NAM TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VĂN HỌC BUỔI GIAO THỜI 3.1. Sự tiếp biến của thể tài du ký trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX 3.1.1. Tiếp biến văn học như là nhu cầu tất yếu của lịch sử văn học dân tộc Sự ra đời của văn học Quốc ngữ như là lựa chọn tối ưu của quá trình tiếp biến văn chương Việt. Nó hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thời đại, bối cảnh lịch sử mới của đất nước và thế giới. Nó không hề phủ nhận vai trò văn chương cổ điển với dáng vóc và đặc 15 trưng riêng. 10 thế kỷ ấy đã không ngừng vận động, tiếp sức cho nền văn học Quốc ngữ định hình trong những giai đoạn kế tiếp của lịch sử văn học Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn về tương lai trong cái nhìn phát triển, tích cực không thể không thấy sự hạn hữu của văn chương trung đại trong khả năng phản ánh, mở rộng biên độ ảnh hưởng. Từ cái hạn hữu của nền văn học đóng khung, chật hẹp, mang tính khu vực, văn học Quốc ngữ đã cho thúng ta thấy sự rộng mở của nền văn chương mới mang tính đại chúng, hiện đại và toàn cầu hóa. 3.1.2. Quá trình phát triển của du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời –một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn học dân tộc 3.1.2.1. Vai trò mở đầu của Philipphê Bỉnh và Trương Vĩnh Ký Kể từ khi được phát hiện và nghiên cứu từ năm 1968, Sách sổ sang chép các việc của Philipphê Bỉnh được xem là tài liệu quý giá. Những gì được tác giả của nó tâm huyết ghi tập là tất cả tâm hồn và trí tuệ phương Đông trong lần tiếp xúc ngoạn mục với văn hóa phương Tây trong 30 năm của nửa cuối thế kỷ XVIII. Tác phẩm Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) đáp ứng đầy đủ yêu cầu thể tài du ký về cảm hứng thẩm mỹ: cái khát vọng khám phá vùng đất mới để mở mang tầm mắt. Với Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1876) có lẽ không có gì bàn cãi khi đặt tác phẩm vào vị trí tiên khởi của thể tài du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời. 3.1.2.2. Những thử nghiệm độc đáo của Trương Minh Ký Có lẽ cũng cần nói thêm rằng, sự phát triển vượt bật của thể tài du ký Quốc ngữ đã có những đóng góp rất lớn của Trương Minh Ký. Thứ nhất, đó là sự kết hợp, gặp gỡ Đông – Tây trong những trang du ký Quốc ngữ của Trương Minh Ký. Thứ hai, ông là người khẳng định du ký là thể tài tiền phong trong buổi đầu của nền quốc văn. Thứ ba, ông là người đã phát triển ngôn từ nghệ thuật của du ký Quốc ngữ. 16 3.1.2.3. Sự phát triển và nhiệm vụ của thể tài du ký giai đoạn giao thời Bên cạnh sự khẳng định quá trình phát triển của thể tài du ký như một quy luật tất yếu, các nhà nghiên cứu cũng đã nêu bật những nhiệm vụ tiếp biến của du ký Quốc ngữ đối với văn học nước nhà giai đoạn giao thời. Nhiệm vụ tiếp biến nền văn học được trao cho du ký một cách ngẫu nhiên. Trước sự lụi tàn không thể tránh khỏi của văn học nhà Nho gắn liền với văn tự Hán – Nôm, du ký Quốc ngữ kịp thời xuất hiện để lấp vào chỗ trống vắng của lịch sử văn học dân tộc. 3.2. Du ký Quốc ngữ Việt Nam – thể loại mở đường cho nhiều thể loại văn học quốc ngữ Việt Nam buổi giao thời 3.2.1. Du ký Quốc ngữ trong bức tranh thể loại văn học buổi giao thời Mặc dù không phải thể loại mới xuất hiện nhưng du ký ở giai đoạn giao thời có bước chuyển mình mạnh mẽ để phù hợp với bức tranh thể loại ở thời kỳ mới. Du ký giai đoạn giao thời có sự đan xen phức tạp của du ký thời trung đại và du ký hiện đại của phương Tây. Ở du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời ta thấy tính chất trung gian, chuyển tiếp của thể loại trên các bình diện sau: Thứ nhất đó là tính chất trung gian giữa văn xuôi và văn vần; văn xuôi và thơ. Thứ hai là sự phát hiện khả năng tự sự của thể thơ song thất lục bát. Thứ ba là tính trung gian giữa hư cấu và không hư cấu, giữa tự sự và trữ tình. 3.2.2. Vai trò mở đường, “bệ đỡ” cho các hình thức tự sự hoặc tự sự - trữ tình khác Du ký là tác nhân thúc đẩy, hoa tiêu dẫn đường cho nhiều thể loại khác ra đời như hồi ký, bút ký, phóng sự, tùy bút hiện đại, tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại…Về nội dung, du ký đã chuẩn bị cho các thể tài thuộc loại hình ký chất liệu hiện thực cụ thể, chân xác. Sử dụng chất liệu ngôn ngữ đời thường vào ngôn từ văn chương. Vai trò thực sự của du ký trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 17 là vai trò mở đường, tiền đề nghệ thuật cho sự hình thành, phát triển của các thể tài cùng loại và các thể loại khác ra đời trong bối cảnh mới của văn chương nghệ thuật. 3.3. Những đóng góp quan trọng của du ký Quốc ngữ đối với quá trình cách tân, hiện đại hóa nền văn học 3.3.1. Thúc đẩy quá trình hoàn thiện chữ viết và câu văn Quốc ngữ Chữ Hán và chữ Nôm bộc lộ những hạn chế trong quá trình phản ánh hiện thực. Nó chỉ thực sự phát huy tác dụng với văn chương chuyên chở tâm – chí – đạo của người quân tử trong bối cảnh văn chương Đông Á. Để chuyên chở những diễn biến phức tạp của đời sống và tâm hồn con người trong bối cảnh toàn cầu hóa văn chương, cần phải có một ngôn ngữ mang tính đại chúng hơn. Chữ Quốc ngữ đã đáp ứng được yêu cầu đó. 3.3.2. Mở rộng phạm vi và biên độ phản ánh của văn chương Du ký không chỉ làm nhiệm vụ ghi chép những gì đang diễn ra mà nó còn dự báo cho những gì sắp đến bằng khả năng mở rộng phạm vi phản ánh cho văn chương. Không còn quẩn quanh trong các đề tài Tâm – Chí – Đạo, du ký báo hiệu cho sự bùng nổ về thông tin trong văn chương, sự phong phú trong biểu hiện xúc cảm của con người trong bối cảnh xã hội mới. 3.3.3. Mở đường cho sự định hình của cái tôi cá thể trong văn chương hiện đại Bước sang thời hiện đại, với thể tài văn học được hình thành bằng sự sáng tạo của trí tuệ cá nhân, du ký đã tạo nên một cái tôi với đầy đủ cá tính và danh xưng độc lập. Một cái tôi lãng du, vượt thoát để ngao du cùng trời cuối đất, xê dịch, khám phá thế giới mới mẻ xung quanh. Cái tôi ấy tự do phát biểu ý kiến, luận định về mọi việc 18 đang diễn ra. Cái tôi ấy không ngừng tự khẳng định sự hiện hữu của bản thân giữa cuộc đời, giữa mênh mông trời đất. 3.3.4. Cuộc chuyển giao nhiệm vụ giữa du kí với các thể loại hình thành sau nó và sự tiếp biến của du ký ở những chặng đường văn học tiếp sau Trong giai đoạn đầu của quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, du ký nổi lên như một lựa chọn cần thiết và tất yếu của thời đại. Sang các giai đoạn sau của lịch sử xã hội, văn học cần những thể loại khác hơn có thể phản ánh đúng nhịp thở đang sục sôi, gấp rút. Khi sự tiếp xúc đã đi đến giai đoạn loại trừ những yếu tố không phù hợp thì phải cần đến những thể tài, thể loại mới hơn, có sức công phá mạnh mẽ hơn để làm nhiệm vụ này. Du ký đã chuyển giao lại nhiệm vụ cho phóng sự, hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn… 3.3.5. Tiềm năng và giới hạn của du ký Trên hành trình phát triển của văn học, du ký có mặt mọi lúc, mọi nơi. Dù với cách thức nào du ký cũng chưa bao giờ mất đi trong lịch sử văn học dân tộc. Du ký là thể tài văn học không mới nhưng trong bối cảnh mới của văn chương, thể tài này buộc phải có sự thay đổi cho thích ứng với tâm lý của con người thời đại, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của số đông. Điều có thể khẳng định chắc chắn là du ký không thể mất đi theo thời gian bởi nhu cầu khám phá thế giới của con người là không có giới hạn. KẾT LUẬN 1. Du ký Quốc ngữ là sản phẩm tinh thần của thời đại mới, thời đại mà ranh giới của giữa các địa phương, các quốc gia chỉ còn rất mong manh. Thời đại toàn cầu hóa đã bắt nhịp cho du ký phát triển sôi nổi hơn bao giờ hết ở giai đoạn giao thời. Sự xuất hiện của hàng loạt du ký trên hầu khắp báo chí ở giai đoạn hội nhập Á Âu đã cho thấy khả năng lan tỏa và sức sống mạnh mẽ của nền văn học mới sinh thành. Du ký là thể tài tự sự, tự do về bút pháp, tự do về tư 19 tưởng nhưng vẫn những mang đặc điểm chung của loại hình ký. Những tác phẩm được xem là du ký phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như: nội dung viết về chuyến đi hoàn chỉnh của tác giả đến một nơi nào đó trong thế giới thực hoặc thế giới tưởng tượng nhằm ghi chép lại, kể tả những điều tai nghe, mắt thấy hoặc bộc lộ suy tưởng trong cuộc hành trình. Những ghi chép đó thường gắn liền với xúc cảm, gương mặt tinh thần của người viết dưới dạng luận bình hoặc trực tiếp tỏ bày. Du ký có hành trình phát triển qua thời gian dài, từ mười thế kỷ văn học trung đại đến thời hiện đại và còn tồn tại mãi theo thời gian. Mỗi thời đoạn, du ký xuất hiện với những diện mạo khác nhau do sự chi phối của các yếu tố ngoại sinh và nội sinh không giống nhau. Ở thời trung đại, du ký phổ biến chủ yếu những nội dung như du ký viễn du ngoại quốc, du ký phong cảnh, du ký khảo cứu địa danh. Nghệ thuật được các tác gia trung đại sử dụng trong du ký là sự hỗn dung thể loại, sử dụng chi tiết kỳ ảo, không gian hiện thực, thời gian theo bước chuyển của sự kiện là cơ bản. Sang thời hiện đại, nhất là ở giai đoạn đầu của nền Quốc văn, du ký có sự nối tiếp từ du ký Hán Nôm về đặc trưng chung của thể tài nhưng vẫn khác biệt do sự chi phối của thời đại. Du ký Quốc ngữ tiếp nối du ký Hán Nôm ở tinh thần gắn kết giữa con người và thiên nhiên, ở xu hướng thích bộc bạch tâm tình, tức trữ tình ngoại đề khi khảo tả hiện thực, tính chất nguyên hợp của loại hình ký nói chung, lối viết đăng đối réo rắt vẫn còn ở một số cây bút… Ít nhiều, tinh thần Đông phương vẫn còn trong du ký giao thời nhưng ảnh hưởng nhiều hơn vẫn là tinh thần Tây phương. Sự ảnh hưởng của Tây phương đưa ngòi bút của tác giả hướng đến sự nhiều hơn tình, chú ý đến cả những nét thô nhám của hiện thực, cái tôi cá nhân được tô đậm, khắc họa rõ nét hơn, đối tượng của du ký cũng được xác định rõ ràng khi hầu hết du ký đều lựa chọn báo chí để 20 đăng tải… Du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời đã cho thấy được khả năng tiếp nối không bao giờ đứt lìa của nền văn học dân tộc dẫu thời đại có đổi thay, đất nước có bị chia cắt. 2. Tuy không có nhiều tác phẩm đỉnh cao nhưng du ký Quốc ngữ vẫn tồn tại như một thể tài tiên phong trong đổi mới văn học buổi giao thời. Du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời được chúng tôi đề xuất chia thành các tiểu loại theo hai tiêu chí nội dung và phương thức tiếp cận đời sống, bút pháp chủ đạo. Về nội dung có du ký công vụ, du ký viễn du, du ký văn hóa, du ký duy mỹ, duy cảm . Các tiểu loại của du ký đều hướng đến phản ánh những không gian khác nhau của cuộc sống, từ thế giới thực đến thế giới tưởng tượng, từ thế giới phương Đông gần gũi thân quen đến thế giới phương Tây “kỳ lạ nghịch đảo”, từ những chân trời cao rộng, mênh mông đến mọi ngóc ngách nhỏ hẹp gần gũi với cuộc sống người Việt… Mỗi một nơi, người viết đều phát huy khả năng văn chương vượt trội để cống hiến cho độc giả những trang viết có giá trị. Đó là giá trị vững bền theo thời gian. Về nghệ thuật, du ký Quốc ngữ giai đoạn giao thời không điêu luyện, sắc sảo như văn chương giai đoạn sau này nhưng là bước chuẩn bị cần thiết để các giai đoạn văn học sau làm điểm tựa. Du ký Quốc ngữ lấy phương thức tự sự đơn âm (khác với đa âm) làm phương thức tự sự cơ bản; chú trọng các chi tiết làm tăng sức hấp dẫn của thông tin tự sự từ đó các tác giả luôn mở rộng biên độ của trường liên tưởng để dẫn dắt người đọc đi đến những điều bất ngờ diễn ra trong cuộc sống. Nghệ thuật miêu tả con người, cảnh vật trong du ký là sự chuẩn bị cho các thể loại tự sự ra đời sau này. Nhân vật khách thể xuất hiện với dáng nét trung thực bằng lời văn, nét bút được lựa chọn cẩn thận, con người chủ thể hiện hình qua diện mạo, qua ngôn ngữ, qua cách thức lựa chọn chi tiết, sự việc,…Cảnh vật trong du ký là cảnh quan bên ngoài đã tác động mạnh mẽ đến tâm
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan