Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thể loại khác Chưa phân loại đề và đáp án môn thi viết công chức chuyên ngành tư pháp...

Tài liệu đề và đáp án môn thi viết công chức chuyên ngành tư pháp

.PDF
8
1815
85

Mô tả:

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc THI TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC Kỳ thi ngày 17 tháng 01 năm 2015 ĐÁP ÁN Môn thi viết: Chuyên ngành Tư pháp Câu 1 (2 điểm) Anh (chị) hãy nêu các hành vi bị cấm và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp quy định tại Luật Lý lịch tư pháp. Có 2 ý lớn - Ý I, có 6 ý, nêu đủ 6 ý được 0,5 điểm, thiếu mỗi ý trừ 0,2 điểm - Ý II, có 5 ý: + Ý 1, 2 và 4, mỗi ý được 0,1 điểm + Ý 3, có 10 ý nhỏ, nêu đủ 10 ý được 0,8 điểm, thiếu mỗi ý trừ 0,2 điểm + Ý 5, có 5 ý nhỏ, nêu đủ 5 ý được 0,4 điểm, thiếu mỗi ý trừ 0,2 điểm I. Các hành vi bị cấm 1. Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp. 2. Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật. 3. Giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. 4. Tẩy xoá, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp. 5. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng. 6. Sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân. II. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. 2. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. 3. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; 1 b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác lý lịch tư pháp; c) Quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; d) Bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia; đ) Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về lý lịch tư pháp; e) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp; g) Ban hành và quản lý thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về lý lịch tư pháp; h) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp; i) Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực lý lịch tư pháp; k) Định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp. 4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. 5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lý lịch tư pháp; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về lý lịch tư pháp; b) Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương; c) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về lý lịch tư pháp; d) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; đ) Định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về hoạt động quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương. Câu 2 (2 điểm) Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định việc lưu trữ và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như thế nào? Có 4 ý lớn - Ý I, có 4 ý, mỗi ý được 0,15 điểm - Ý II, có 2 ý, mỗi ý được 0,15 điểm - Ý III, có 2 ý, mỗi ý được 0,15 điểm 2 - Ý IV, có 3 ý + Ý 1, có 2 ý nhỏ, mỗi ý được 0,1 điểm + Ý 2, có 5 ý nhỏ, nêu đủ 5 ý được 0,4 điểm, thiếu mỗi ý trừ 0,2 điểm. + Ý 3, có 2 ý nhỏ, mỗi ý được 0,1 điểm I. Hình thức lưu trữ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp 1. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bao gồm hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử. 2. Hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy bao gồm các văn bản có chứa thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan, tổ chức gửi cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp theo quy định tại các điều từ Điều 16 đến Điều 21 Luật Lý lịch tư pháp và Lý lịch tư pháp của cá nhân do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp lập. 3. Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử bao gồm thông tin lý lịch tư pháp có trong hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy đã được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử. 4. Hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử đều là căn cứ để xác định một người có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. II. Lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy 1. Việc lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy phải theo nguyên tắc phân loại, sắp xếp thành hồ sơ của từng cá nhân; mỗi hồ sơ có ký hiệu riêng bảo đảm chính xác và thuận tiện cho việc tra cứu thông tin. 2. Bản sao bản án, trích lục bản án, quyết định thi hành án hình sự, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, Lý lịch tư pháp của cá nhân được lưu trữ tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp đến khi cá nhân qua đời. Các tài liệu khác trong hồ sơ lý lịch tư pháp được lưu trữ có thời hạn và có thể được tiêu hủy khi hết giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật về lưu trữ. III. Lưu trữ dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử 1. Dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử được xây dựng trên cơ sở số hóa hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy, có cấu trúc phù hợp với nội dung của hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy và được lưu trữ vô thời hạn tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp. 2. Trong trường hợp có sự sai lệch về nội dung giữa dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử và hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy thì Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp phải tiến hành kiểm tra, xác minh để điều chỉnh cho phù hợp. IV. Biện pháp bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh đối với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. 1. Các biện pháp bảo vệ chung: a) Các biện pháp phòng, chống đột nhập, trộm cắp dữ liệu; b) Các biện pháp phòng, chống cháy, nổ; phòng, chống thiên tai. 3 2. Các biện pháp bảo vệ đối với hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy: a) Xây dựng hoặc bố trí kho lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn quy định; b) Trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật, phương tiện bảo quản hồ sơ; c) Duy trì nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phù hợp với hồ sơ; d) Thực hiện các biện pháp phòng, chống côn trùng, nấm mốc, khử a xít và các tác nhân khác gây hư hỏng hồ sơ; đ) Tu bổ, phục chế hồ sơ khi bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị hư hỏng. 3. Các biện pháp bảo vệ đối với dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử: a) Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu; b) Các biện pháp bảo đảm an ninh mạng. Câu 3 (2 điểm) Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ quy định thẩm quyền trong việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật như thế nào? Có 3 ý - Ý I, có 4 ý + Ý 1, được 0,2 điểm + Ý 2, có 3 ý nhỏ, nêu đủ 3 ý được 0,4 điểm, thiếu mỗi ý trừ 0,2 điểm + Ý 3, có 2 ý nhỏ, mỗi ý được 0,1 điểm + Ý 4, được 0,2 điểm - Ý II, có 2 ý, mỗi ý được 0,2 điểm - Ý III, có 3 ý, mỗi ý được 0,2 điểm. I. Thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc kiểm tra văn bản 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ kiểm tra các văn bản có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Người đứng đầu tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện việc kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Người đứng đầu tổ chức pháp chế cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản thuộc lĩnh vực hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ. 2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra: 4 a) Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ đó hoặc liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước; b) Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; c) Nghị quyết do Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra các văn bản thuộc thẩm quyền kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. 3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thực hiện thẩm quyền kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này và giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra: a) Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; b) Các văn bản khác khi được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ giao. 4. Trường hợp có tranh chấp thẩm quyền kiểm tra thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. II. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc kiểm tra văn bản 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức kiểm tra văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc kiểm tra văn bản được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này. III. Kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực và đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. 2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền kiểm tra. 3. Trước khi thực hiện việc kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực, cơ quan kiểm tra phải thông báo cho cơ quan có văn bản được kiểm tra biết; 5 cơ quan có văn bản được kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với Đoàn kiểm tra trong việc thực hiện kiểm tra văn bản. Câu 4 (2 điểm) Trình bày nội dung quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 18/5/2012 của Chính phủ. Có 6 ý - Ý 1, 3 và 4, mỗi ý được 0,25 điểm - Ý 2, có 2 ý nhỏ, mỗi ý được 0,15 điểm - Ý 5, có 4 ý nhỏ, nêu đủ 4 ý được 0,5 điểm, thiếu nỗi ý trừ 0,2 điểm - Ý 6, có 3 ý nhỏ, mỗi ý được 0,15 điểm 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký 2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; b) Tổng kết, báo cáo Chính phủ về công tác quản lý nhà nước trong việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. 3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và viên chức lãnh sự, viên chức ngoại giao được giao thực hiện nhiệm vụ. 4. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. 5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện việc quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; 6 b) Kiểm tra, thanh tra hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của Ủy ban nhân dân cấp huyện; c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; d) Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong địa phương gửi Bộ Tư pháp theo định kỳ 6 tháng và hàng năm. 6. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong địa phương mình có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; b) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; c) Tổng hợp tình hình và thống kê số liệu về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ 6 tháng và hàng năm. Câu 5 (2 điểm) Anh (chị) hãy nêu vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế. Trình bày nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác xây dựng pháp luật, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ. Có 2 ý: - Ý I, có 2 ý, mỗi ý được 0,25 điểm - Ý II, có 3 ý: + Ý 1, có 7 ý nhỏ, mỗi ý được 0,1 điểm + Ý 2, có 2 ý nhỏ, mỗi ý được 0,2 điểm + Ý 3, có 2 ý nhỏ, mỗi ý được 0,2 điểm I. Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế 1. Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định này. 2. Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, 7 Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. II. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 1. Về công tác xây dựng pháp luật a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương trình Thủ trưởng cơ quan đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; d) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan; đ) Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi trình Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định việc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định; e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến. 2. Về công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; b) Định kỳ 6 tháng, hàng năm xây dựng báo cáo trình Thủ trưởng cơ quan gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp. 3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật a) Chủ trì giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; b) Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng cơ quan để gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. 8
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan