Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay luận văn ths....

Tài liệu đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử quốc hội ở việt nam hiện nay luận văn ths. khoa học chính trị

.PDF
140
629
114

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN  PHẠM THỊ PHƯƠNG HIỀN ĐẢM BẢO TÍNH CẠNH TRANH TRONG BẦU CỬ QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH TRỊ HỌC HÀ NỘI - 2012 1 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN  PHẠM THỊ PHƯƠNG HIỀN ĐẢM BẢO TÍNH CẠNH TRANH TRONG BẦU CỬ QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Chuyên ngành: CHÍNH TRỊ HỌC Mã số: 60.31.20 LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH TRỊ HỌC Người hướng dẫn khoa học: TS. LƯU VĂN QUẢNG HÀ NỘI - 2012 2 MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 NỘI DUNG Chương 1 Một số vấn đề lý luận chung về bầu cử và tính cạnh tranh trong bầu cử 10 1.1 Bầu cử và chức năng của bầu cử trong hệ thống chính trị 10 1.2 Tính cạnh tranh trong bầu cử 25 Chương 2 Tính cạnh tranh trong hoạt động bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay 39 2.1 Các nguyên tắc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam 40 2.2 Tính cạnh tranh trong giới thiệu và lập danh sách ứng cử viên 45 2.3 Tính cạnh tranh trong quá trình vận động bầu cử 60 2.4 Tính cạnh tranh trong việc phân chia đơn vị bầu cử và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử Chương 3 Những vấn đề đặt ra và một số kiến nghị nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay 3.1 3.2 Những vấn đề đặt ra đối với việc đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay Một số kiến nghị nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay 73 88 88 98 KẾT LUẬN 119 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 121 PHỤ LỤC 131 3 DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN ĐBQH: Đại biểu Quốc hội LBCĐBQH: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội MTTQ: Mặt trận Tổ quốc TTĐC: Thông tin đại chúng UBTVQH: Ủy ban thường vụ Quốc hội UBTƯMTTQ: Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc 4 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong nền chính trị hiện đại, bầu cử đóng một vị trí rất quan trọng, là sự kiện chính trị đặc biệt đối với tất cả các quốc gia, nhất là trong xu hướng dân chủ hóa hiện nay. Xã hội càng phát triển, dân chủ càng được mở rộng cả về nội dung và hình thức. Mặc dù có nhiều cơ chế khác nhau để thực thi dân chủ nhưng thực tế lịch sử chính trị cho thấy bầu cử vẫn là cơ chế chủ đạo và hiệu quả nhất. Nhìn vào hoạt động bầu cử, có thể hiểu được tính chất dân chủ và sự vận hành của hệ thống chính trị nước đó. Vì vậy, bầu cử được coi là trụ cột trong cấu trúc dân chủ ở bất kỳ nhà nước nào, “bầu cử tự do và công bằng là trái tim của dân chủ” đúng như Jame A.Baker - một chuyên gia nghiên cứu về bầu cử đã nhận định. Với ý nghĩa đó, một cuộc bầu cử dân chủ phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí mang tính phổ biến của nền chính trị hiện đại. Trong đó, tính cạnh tranh là một tiêu chí quan trọng. Từ khi lập nước đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trưởng thành qua mười ba khóa tương ứng với mười ba cuộc bầu cử ĐBQH. Nhìn chung, trong những cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, cùng với việc hoàn thiện luật bầu cử, cách thức tổ chức bầu cử đã có nhiều đổi mới và được tiến hành theo hướng dân chủ hơn. Điều này phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, cũng như chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Song, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hệ thống bầu cử Quốc hội ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế ở cả mặt pháp lý và quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, tính cạnh tranh tuy đã được thể hiện trong các công đoạn của quá trình bầu cử, từ khâu lựa chọn nhân sự, phân chia đơn vị bầu cử đến vận động bầu cử, nhưng nhìn chung còn khá mờ nhạt. 1 Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dân chủ của cuộc bầu cử, đến chất lượng đại biểu được bầu, làm giảm sự kết nối giữa người dân và các đại diện… Hơn nữa, để đáp ứng mục tiêu “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất…” như tinh thần của Đại hội Đảng XI; muốn Quốc hội chuyển từ cơ chế hoạt động nặng về “tham luận” sang cơ chế “tranh luận”, chuyển chất vấn “dĩ hòa vi quý” sang chất vấn “truy kích” thì cần phải đổi mới tư duy từ những vấn đề mang tính nguyên lý, tức là cần đổi mới từ “gốc”. Muốn có một Quốc hội thực sự sôi động trong hoạt động, chế độ bầu cử Quốc hội phải đảm bảo tính cạnh tranh. Do đó, đổi mới cơ chế bầu cử Quốc hội theo hướng đảm bảo tính cạnh tranh, sẽ là tiền đề cho việc đổi mới hoạt động của cơ quan đại diện và bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, vấn đề cạnh tranh trong bầu cử ở Việt Nam hiện nay vừa là một đề tài mang tính thời sự, nhưng đồng thời là một vấn đề khá nhạy cảm về mặt chính trị, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền. Điều này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá một cách thật thấu đáo toàn bộ quy trình bầu cử trên tinh thần khoa học. Từ đó có thể đem lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về quá trình này, đồng thời giúp cho Đảng, Nhà nước có thể điều chỉnh quy chế bầu cử hiện tại theo hướng dân chủ hơn. Vì những lý do trên, việc chọn tiêu chí tính cạnh tranh làm một góc nhìn mới để qua đó đánh giá hoạt động bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay là yêu cầu vừa cần thiết, vừa cấp bách về cả nhận thức và công tác thực tiễn. Đây cũng chính là mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu mà luận văn hướng tới. 2. Tình hình nghiên cứu Ở Việt Nam, những năm qua việc nhận thức về vai trò của bầu cử trong đời sống chính trị đã dần tăng lên. Trong những năm qua đã có một số công trình 2 nghiên cứu về hệ thống bầu cử nói chung và chế độ bầu cử ĐBQH đã được công bố như: - TS. Vũ Thị Loan với công trình (Luận văn thạc sĩ chính trị học) “Hoàn thiện chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta hiện nay” (2003), là công trình đầu tiên nghiên cứu mang tính chuyên sâu về chế độ bầu cử Quốc hội. Trong đó, tác giả đã đánh giá khái quát những thành công đạt được cũng như những vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chế độ bầu cử Quốc hội. - TS.Vũ Văn Nhiêm với công trình nghiên cứu (Luận án tiến sĩ luật học) Chế độ bầu cử ở nước ta – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (2009) đã phân tích những cơ sở lý luận về chế độ bầu cử và xã hội dân chủ nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tác giả cũng nghiên cứu thực tiễn chế độ bầu cử ở Việt Nam và đưa ra những kiến nghị nhằm đổi mới chế độ bầu cử để phát huy dân chủ. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu khá công phu về chế độ bầu cử ở Việt Nam này lại chủ yếu tiếp cận vấn đề dưới góc độ luật học. - TS. Đặng Đình Tân trong tác phẩm“Nhân dân giám sát các cơ quan dân cử ở Việt Nam trong trong thời kỳ đổi mới” (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006) đã khẳng định bầu cử là phương thức rất quan trọng và hữu hiệu mà thông qua đó, nhân dân giám sát Quốc hội. Dưới góc độ chính trị học, một số kết luận vừa khái quát, vừa sâu sắc về thực trạng của chế độ bầu cử nước ta đã được thể hiện rõ trong cuốn sách này. - PGS.TS Nguyễn Đăng Dung với cuốn “Sự hạn chế quyền lực Nhà nước” (Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2006) đã chỉ ra bầu cử là phương thức quan trọng để ngăn ngừa sự độc đoán, chuyên quyền đối với các thiết chế quyền lực Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao các cơ quan nhà nước cũng như các quan chức do nhân dân bầu ra phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. - GS-TSKH Đào Trí Úc (Chủ biên) với công trình “Xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam” (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006) đã khẳng 3 định vai trò quan trọng của chế độ bầu cử trong việc xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. - TS. Lưu Văn Quảng với công trình: “Hệ thống bầu cử ở Anh, Mỹ và Pháp – lý thuyết và hiện thực” (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) đã nghiên cứu ba hệ thống bầu cử ở ba hệ thống chính trị điển hình ở các nước phát triển, hoạt động tương đối ổn định trên các vấn đề như chức năng, nguyên tắc, công nghệ bầu cử và các hệ quả của hệ thống bầu cử… Từ đó rút ra những giá trị phổ biến và hạn chế của ba hệ thống đó, đồng thời đưa ra một số gợi mở cho việc đổi mới, hoàn thiện công tác bầu cử ở Việt Nam theo hướng dân chủ và khoa học. Bên cạnh đó, có nhiều bài viết của các tác giả đăng trên các tạp chí cũng trực tiếp đề cập đến vấn đề bầu cử dưới nhiểu góc độ luật học và chính trị học, về cả lý luận và thực tiễn rất phong phú đa dạng: Cùng bàn về bầu cử, vai trò của bầu cử trong chính trị và mối quan hệ giữa bầu cử với việc thực thi dân chủ, trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp có bài viết “Bầu cử và vấn đề dân chủ” đăng (số 5/2002) của đồng tác giả PGS.TS Nguyễn Đăng Dung và Chu Khắc Hoài Dương, và bài viết “Bầu cử và vị trí, vai trò của bầu cử” của PGS.TS Nguyễn Đăng Dung (số 23(98)/2007). Dưới góc độ luật học, trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6, tháng 7/2001 cũng có bài viết “Pháp luật bầu cử: một số vấn đề cần hoàn thiện” của TS. Bùi Xuân Đức. Bài viết này đã phân tích khá cụ thể về những hạn chế của chế độ bầu cử hiện hành và đưa ra một số giải pháp khắc phục những bất cập về đơn vị bầu cử, về tính đại diện, về cách thức xác định kết quả bầu cử ở Việt Nam. Cũng dưới góc nhìn luật học với hai bài viết:“Pháp luật bầu cử nhìn từ góc độ bảo đảm tự do công bằng cạnh tranh và tính đại diện” (tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2007) và “Đôi điều bình luận từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII” (tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 6(101)/2007), tác giả Vũ Văn Nhiêm đã chỉ ra một số hạn chế về mặt pháp luật bầu cử trong việc đảm bảo tính 4 đại diện và tính cạnh tranh trong chế độ bầu cử ở nước ta hiện nay, từ đó đưa ra những phương hướng khắc phục. Từ cách đặt vấn đề “Bầu cử: bầu ai và ai bầu” (đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 23 (98), tháng 5/2007), tác giả An Khánh đã cũng chỉ ra những bất cập trong bầu cử Quốc hội ở nước ta hiện nay như tiêu chuẩn ĐBQH, mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, việc cung cấp thông tin về ứng cử viên cho cử tri, quyền bầu cử trực tiếp của cử tri, số dư trong các đơn vị bầu cử, tình trạng bỏ phiếu thay... Với bài viết “Thực trạng và giải pháp đổi mới công tác bầu cử ở nước ta” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 4(97)/2007, tác giả TS. Phan Xuân Sơn đã chỉ ra những tồn tại của hệ thống bầu cử, từ đó đưa ra một số phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm đổi mới công tác bầu cử ở nước ta hiện nay. Cũng xuất phát từ nhu cầu đổi mới chế độ bầu cử, PGS.TS Thái Vĩnh Thắng có bài viết “Một số suy nghĩ về đổi mới chế độ bầu cử đảm bảo quyền bầu cử và ứng cử của công dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” đăng trên tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2011. Bài viết đã phân tích thực trạng chế độ bầu cử ở Việt Nam với việc chỉ ra những bất cập trong chín vấn đề chính: (1) về việc thành lập Hội đồng bầu cử, (2) về các ứng cử viên tự ứng cử, (3) về vận động tranh cử, (4) về đơn vị bầu cử, (5) về phương pháp xác định kết quả bầu cử, (6) về nguyên tắc bỏ phiếu tự do, (7) về đại biểu ngoài Đảng, (8) về mối quan hệ giữa hiệp thương và bầu cử trực tiếp, (9) về tính chất bình đẳng của lá phiếu cử tri. Trên cơ sở đó, tác giả cũng đề xuất một số kiến nghị đổi mới chế độ bầu cử nhằm đảm bảo quyền bầu cử, ứng cử của công dân Việt Nam trong điều kiện xây dựng nền dân chủ XHCN và nhà nước pháp quyền hiện nay. Tác giả Trần Thanh Hương cũng có bài viết khá sâu sắc về “Hiệp thương và tác động của hiệp thương đến việc phát huy tính tích cực của công dân trong thực hiện quyền bầu cử” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 4(97) năm 5 2007. Bài viết đã chỉ ra những ảnh hưởng của quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đến quyền bầu cử và ứng cử của công dân, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm đổi mới hiệp thương theo hướng dân chủ hơn. Với việc đưa ra những tiêu chuẩn của Tuyên ngôn về Tiêu chuẩn bầu cử tự do và công bằng, tác giả Lưu Đức Quang có bài viết“Tự do, công bằng trong bầu cử và những liên hệ với bầu cử ở Việt Nam” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số 1/2007), từ đó tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới nhận thức về bầu cử và hoàn thiện hệ thống pháp luật bầu cử ở Việt Nam hiện nay. Với cách đặt vấn đề “Đổi mới công tác bầu cử để có một Quốc hội mang tính đại diện cao” (tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 21/2007), tác giả Lưu Văn Quảng đã chỉ ra một số giải pháp đổi mới hoạt động bầu cử từ việc đổi mới nhận thức về bầu cử, tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên đến việc đặt giả thiết áp dụng hình thức đơn vị bầu cử một đại điện thay thế cho đơn vị bầu cử đa đại diện hiện nay. Cũng với góc nhìn đó, tác giả cũng có bài viết “Làm gì để đổi mới công tác bầu cử Quốc hội ở nước ta hiện nay?” đăng trên Tạp chí Mặt trận, số 41/2007. Bài viết cũng đưa ra năm giải pháp nhằm đổi mới công tác bầu cử ở nước ta hiện nay, đó là: đổi mới phương thức vận động bầu cử; tăng cường đối thoại rộng rãi, trực tiếp giữa ứng cử viên với cử tri; các ứng cử viên cần đầu tư thời gian và trí tuệ cho việc xây dựng chương trình hành động; kiên quyết chống gian lận, chống bệnh hình thức trong bầu cử; đa dạng hoá các hình thức bỏ phiếu. Hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII (2011), tác giả ThS. Nguyễn Thanh Bình cũng có nhiều bài viết lý giải tính chất dân chủ trong quy trình bầu cử ở nước ta, đặt biệt là trong công đoạn hiệp thương giới thiệu ứng cử viên và vận động bầu cử như “Công khai, dân chủ và bình đẳng trong vận động bầu cử” (tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4) và “Một quy trình dân chủ và công khai để lựa chọn, giới thiệu người có đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội” (Tạp chí Mặt trận, số 89). Cùng thời gian đó, tác giả Minh Vân cũng có bài “Vài nét về số 6 dư trong công tác giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân” đăng trên Tạp chí Mặt trận, số 89/2011. Là người làm công tác thực tiễn gắn với hoạt động bầu cử, TS. Bùi Ngọc Thanh có bài viết “Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII- những vấn đề từ thực tiễn” (Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 7(103), tháng 7/2007) và “Các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI và XII – một số vấn đề đặt ra cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII” (Tạp chí cộng sản, số 822, năm 2011). Với tư cách là Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI và XII, tác giả bài viết đã chỉ ra những tồn tại của công tác bầu cử nước ta và đề xuất một số biện pháp khắc phục. Như vậy, một số tác giả đã bàn về tính cạnh tranh và những vấn đề liên quan đến việc đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động bầu cử Quốc hội từ khi hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đến phân chia đơn vị bầu cử, vận động bầu cử và cả các tổ chức phụ trách bầu cử ở Việt Nam hiện nay. Song, thực tế trên cũng cho thấy việc nghiên cứu và đánh giá về hoạt động bầu cử Quốc hội dưới góc độ đảm bảo tính cạnh tranh vẫn còn là một vấn đề mới. Vì vậy, đề tài “Đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay” sẽ trên cơ sở phân tích thực trạng của hoạt động bầu cử ĐBQH để chỉ ra những vấn đề tồn tại của hệ thống và đề xuất các phương án nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử theo hướng dân chủ, khoa học. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu - Mục đích của luận văn: Trên cơ sở lý luận về tính cạnh tranh trong bầu cử, tác giả nghiên cứu thực trạng đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động bầu cử ĐBQH, chỉ ra một số vấn đề bất cập; từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử Quốc hội ở nước ta hiện nay. - Để đạt được mục đích trên, luận văn phải giải quyết các nhiệm vụ cụ thể sau: 7 + Làm rõ khái niệm, chức năng của bầu cử, các tiêu chí để đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử nói chung. + Nghiên cứu thực trạng tính cạnh tranh trong hoạt động bầu cử Quốc hội ở nước ta hiện nay. + Chỉ ra những vấn đề tồn tại và đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Luận văn sử dụng cơ sở lý luận và phương pháp luận (phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử) của chủ nghĩa Mác- Lênin. - Nghiên cứu trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của khoa học chính trị hiện đại. - Sử dụng một số phương pháp liên ngành cụ thể như so sánh, lôgic, lịch sử… 5. Giới hạn nghiên cứu của đề tài Luận văn không đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận của bầu cử, cũng không tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của chế độ bầu cử ĐBQH, mà chỉ tập trung nghiên cứu thực trạng đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động bầu cử ĐBQH ở Việt Nam hiện nay để làm rõ những vấn đề tồn tại và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện, đổi mới. 6. Đóng góp của luận văn - Đưa ra một cách tiếp cận mới - từ góc độ đảm bảo tính cạnh tranh trong vấn đề hoàn thiện cơ chế bầu cử ĐBQH ở Việt Nam. - Chỉ ra được những vấn đề tồn tại trong việc đảm bảo tính cạnh tranh trong tổ chức và tiến trình bầu cử Quốc hội ở Việt Nam. - Đưa ra một số kiến nghị nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trong hoạt động bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay. 8 7. Ý nghĩa của luận văn - Luận văn góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề bầu cử ĐBQH trong đời sống chính trị ở Việt Nam hiện nay. - Luận văn có thể được dùng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu các môn khoa học chính trị và hoạt động của các nhà chính trị thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ chế bầu cử Quốc hội ở Việt Nam hiện nay. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được kết cấu thành 3 chương, 8 tiết. 9 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ BẦU CỬ VÀ TÍNH CẠNH TRANH TRONG BẦU CỬ 1.1. Bầu cử và chức năng của bầu cử trong hệ thống chính trị 1.1.1. Sự ra đời của thể chế bầu cử Khi các giai cấp xuất hiện, nhà nước được hình thành với tư cách là một thiết chế đứng trên xã hội, đứng ngoài xã hội có chức năng thực thi ý chí của giai cấp thống trị, điều hòa những mâu thuẫn giai cấp, duy trì sự tồn tại, ổn định và phát triển của xã hội. Với sự phát triển của các hình thái nhà nước và ý thức chính trị của các thành viên trong xã hội, nhân dân đòi hỏi được tham gia vào quản lý xã hội và giải quyết các công việc của nhà nước. Sự tham gia này quyết định tính chất dân chủ của nhà nước đó. Vì thế có thể hiểu, dân chủ là hình thức thực thi quyền lực trong xã hội dựa trên cơ sở công nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, công nhận quyền tham gia của người dân trong việc giải quyết các công việc quốc gia, phù hợp với quyền tự do và quyền công dân của họ [94, tr.234]. Nói cách khác, cùng với sự phát triển của nhà nước, nhu cầu dân chủ cũng ngày càng phát triển, dân chủ là khái niệm gắn liền với nhà nước. Nhà nước dân chủ là nhà nước mà ở đó quyền lực thuộc về nhân dân, dân bầu ra các cơ quan nhà nước và ủy quyền cho họ để thực hiện ý chí và phục vụ lợi ích của dân. Dân chủ trở thành khát vọng và mục tiêu của nhân loại trong xây dựng chế độ chính trị, chế độ nhà nước. Cho đến nay trên thế giới có hai hình thức cơ bản để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Dân chủ trực tiếp là mọi quyết định mang danh quyền lực nhà nước đều phải do nhân dân trực tiếp thông qua bằng hình thức bỏ phiếu phúc quyết – tức là 10 thông qua trưng cầu dân ý. Với phương thức đó, dân chủ trực tiếp thường chỉ thực hiện trong điều kiện có ít người tham gia vào các quá trình chính trị trong một phạm vi hẹp. Do đó, cách làm này hiện nay chưa phổ biến do quy mô lãnh thổ ngày càng lớn và số lượng dân cư ngày càng tăng của các quốc gia. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về trình độ văn hóa của các nhóm dân cư, tính phức tạp và khẩn trương của công việc quản lý xã hội, của việc đưa ra các quyết định chính trị, kinh tế… khiến cho hình thức dân chủ trực tiếp không phải lúc nào cũng thực hiện được. Lúc này cần thiết phải có một hình thức dân chủ khác để cùng với hình thức dân chủ trực tiếp đảm bảo cho quyền lực của nhân dân được thực hiện, đó là dân chủ gián tiếp hay còn gọi là dân chủ đại diện. Dân chủ đại diện là hình thức nhân dân ủy quyền cho những người đại diện của mình thông qua các cuộc bầu cử để nhằm giải quyết các công việc của nhà nước, thực hiện ý chí và phục vụ lợi ích của nhân dân. Song, mặc dù đã ủy quyền nhưng nhân dân vẫn thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của các đại diện, thậm chí có quyền bãi miễn họ nếu họ không làm đúng chức trách và không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Trong tác phẩm "Tinh thần pháp luật", Montesquieu cho rằng: “Dân chúng có quyền lực tối cao phải tự mình làm lấy những điều có thể làm tốt được, còn những điều mà dân không thể làm tốt được thì phải giao cho các vị bộ trưởng thừa hành. Các vị bộ trưởng nếu không do dân cử thì không phải là của dân. Châm ngôn cơ bản của chính thể dân chủ là: dân bầu ra bộ trưởng tức là bầu ra người quan chấp chính để cai trị mình.” [47, tr.48]. Như vậy, bầu cử là sản phẩm trực tiếp của dân chủ, là hình thức biểu hiện của dân chủ đại diện. Dân chủ đại diện là quyền lực của nhân dân được thực hiện bằng người đại diện và cơ quan đại diện. Việc tiến hành bầu cử bắt đầu manh nha xuất hiện từ thời chiếm hữu nô lệ, khi tầng lớp quý tộc chủ nô họp đại hội để lựa chọn và ủy quyền cho những đại diện thành lập các cơ quan nhà nước để bảo vệ lợi ích cho tầng lớp, giai cấp mình như 11 Viện nguyên lão, Đại hội nhân dân, Hội đồng thành phố... ở nhà nước Hy Lạp – La Mã cổ đại. Đến thời kỳ Trung cổ, các cuộc bầu cử mang ý nghĩa dân chủ đã bị loại bỏ do sự chi phối của tôn giáo. Các cuộc bầu cử với các tiêu chuẩn tự do, công bằng và cạnh tranh, là những phát minh gắn liền với sự phát triển của loài người từ thời kì cận hiện đại khoảng giữa thế kỷ XVIII đến nay. Việc thực hiện bầu cử như thế nào cũng phản ánh trình độ phát triển về chính trị của một quốc gia và là một tiêu chí cơ bản của một xã hội dân chủ. 1.1.2. Khái niệm bầu cử và các khái niệm liên quan 1.1.2.1. Khái niệm bầu cử Có nhiều cách hiểu khác nhau về bầu cử, tùy vào góc độ nghiên cứu và phương pháp tiếp cận khác nhau mà các tác giả đưa ra những định nghĩa khác nhau về khái niệm này. Nhìn chung, khái niệm bầu cử được hiểu theo hai nghĩa rộng và hẹp. Từ bầu cử (election) có nguồn gốc từ từ eligere trong tiếng Latin, có nghĩa là “để lựa chọn”, nói một cách dễ hiểu là trong một số đông chọn ra một hay một số người để đại diện cho ý chí nguyện vọng của tập thể số đông đó. Xã hội càng phát triển, tính đại diện ngày càng cần thiết và trở nên phổ biến trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị đến văn hóa… Theo đó, bầu cử là một hoạt động xã hội mang tính lựa chọn của con người, là phương thức cơ bản để bầu ra những người lãnh đạo trong một phạm vi cộng đồng nhất định như một cơ quan, tổ chức, một địa phương, thậm chí là của một quốc gia, hay chỉ đơn giản trong một câu lạc bộ nào đó. Với cách tiếp cận đó, trong Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ, tác giả Jay M.Shafritz đã định nghĩa “bầu cử là một quá trình lựa chọn một hoặc nhiều người, cho một chức vụ công hoặc tư, từ nhiều ứng cử viên khác nhau” [64, tr.315]. 12 Đồng nhất với quan điểm trên, tác giả Vũ Hồng Anh trong tác phẩm Chế độ bầu cử ở một số nước trên thế giới hiện nay, cũng cho rằng: “Bầu cử là thủ tục mà theo đó một nhóm người xác định (nhân dân, cử tri, tập thể, cá nhân) bầu ra một hay nhiều người để thực hiện một chức năng xã hội nào đó.” [2, tr.10] Trong cuốn Hệ thống bầu cử ở Anh, Mỹ và Pháp – Lý thuyết và hiện thực, tác giả Lưu Văn Quảng đã đưa ra một định nghĩa mang tính tổng quát và toàn diện như sau: “bầu cử hiểu theo nghĩa rộng là sự tổng hợp của các ý thức, hành vi của các cá nhân và diễn ra khi việc đưa ra quyết định lựa chọn không thuộc thẩm quyền của một cá nhân cụ thể. Nó là cách thức để lựa chọn những con người thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, trong một cơ cấu xã hội nhất định.” [60, tr.16] Tóm lại, nội dung cơ bản của khái niệm bầu cử là cách thức để người dân chọn lựa giữa các ứng cử viên cho một vị trí công việc để thực hiện một chức năng xã hội nhất định. Đó là cách hiểu theo nghĩa rộng, còn hiểu theo nghĩa hẹp, bầu cử thường được tiếp cận từ hai góc độ là chính trị học và luật học. Các tác giả trong cuốn Tập bài giảng chính trị học định nghĩa: “Bầu cử là một hình thức ủy quyền và biểu thị sự tín nhiệm của công dân - cử tri (hoặc người bầu cử) bằng những nguyên tắc và thủ tục nhất định để chọn (ít nhất là từ hai lấy một) người đại diện của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước, hoặc các chức vụ của một thể chế chính trị.” [26, tr.289] Theo cách định nghĩa đó, bầu cử gắn liền với một chế độ chính trị, với nhà nước, trong đó, bầu cử không chỉ là phương thức lập ra tổ chức bộ máy nhà nước mà còn thể hiện ý thức chính trị và thái độ chính trị của người dân trước sự quản lý điều hành của chính phủ. Dưới góc độ luật học, các tác giả của cuốn Tổ chức và hoạt động của quốc hội một số nước quan niệm rằng: “Bầu cử là một trong những chế định pháp luật quan trọng của ngành luật hiến pháp, là cơ sở pháp lý cho việc hình thành các cơ quan đại diện - cơ quan quyền lực nhà nước. Bầu cử là việc công dân của một 13 nước lựa chọn những người đại diện để trao quyền cho họ thay mặt mình giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước” [91, tr.239]. Cách định nghĩa này coi bầu cử là tổng thể các quy định về tiến trình bầu cử chứa đựng trong các văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là hiến pháp và các văn bản pháp luật khác, là phương thức để người dân thực hiện quyền công dân, quyền tham gia quản lý đất nước thông qua người đại diện. Phương pháp tiếp cận này được dùng phổ biến trong các nghiên cứu về luật hiến pháp và các văn bản pháp luật. Như vậy, bầu cử không chỉ là cách thức để lựa chọn người lãnh đạo chính trị mà còn quy định một cách căn bản tính chính đáng của quyền lực chính trị và tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực chính trị. Vì thế, cùng với sự phát triển của nhà nước, bầu cử ngày càng mang tính chính trị - pháp lý sâu sắc. Hiện nay, những cuộc bầu cử phổ biến trong nền chính trị hiện đại bao gồm bầu cử quốc hội (hay nghị viện), hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố; một số nước còn bầu cử trực tiếp một số chức danh quan trọng như bầu cử tổng thống (hay thủ tướng), thống đốc bang hay thị trưởng các tỉnh/thành phố... Tùy vào vai trò, vị trí của đối tượng được bầu trong hệ thống chính trị mà bầu cử có quy mô lớn nhỏ khác nhau nhưng dù thế nào bầu cử cũng phải tuân theo những nguyên tắc, khuôn khổ mà luật pháp đã quy định. Trong luận văn này, thuật ngữ bầu cử được sử dụng theo nghĩa hẹp. 1.1.2.2. Các khái niệm liên quan Trong ngôn ngữ chính trị - pháp lý, gắn liền với khái niệm bầu cử là một loạt các khái niệm đi kèm, đó là: hệ thống bầu cử, chế độ bầu cử, hệ thống bỏ phiếu...  Khái niệm hệ thống bầu cử Theo nghĩa hẹp, hệ thống bầu cử chính là hệ thống bỏ phiếu, bao gồm các thủ tục, quy tắc và luật lệ để xác định người chiến thắng trong các cuộc bầu cử. 14 Theo nghĩa rộng, hệ thống bầu cử (electoral system) là một chỉnh thể bao gồm các nguyên tắc, các quy định của pháp luật về bầu cử, cùng các mối quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình bầu cử [60, tr.239]. Theo phân tích của TS. Lưu Văn Quảng, có thể nói, hệ thống bầu cử bao gồm nhiều yếu tố, nhiều quan hệ. Nó bao gồm cả những quy định thành văn (hiến pháp và luật) và những quy định không thành văn (các phong tục, tập quán, văn hoá chính trị); cả những quy định chính thức (quy định chung của nhà nước) và những quy định không chính thức (như điều lệ, quy định hay văn bản của các đảng, các nhóm lợi ích và các lực lượng xã hội) tham gia vào quá trình bầu cử. Các yếu tố, các quan hệ xã hội của hệ thống bầu cử được tạo thành theo một trình tự nhất định, từ việc xác định thời gian bầu cử, phân chia đơn vị bầu cử, thành lập cơ quan phụ trách bầu cử, lập danh sách cử tri, giới thiệu người ra ứng cử, đến bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố người thắng cử… Tất cả những quan hệ được hình thành theo trật tự trên gọi là trình tự bầu cử. Trong luận văn này, thuật ngữ hệ thống bầu cử được hiểu theo nghĩa rộng, song luận văn không đi sâu vào phân tích tất cả các hoạt động của quá trình bầu cử mà chỉ tập trung vào các yếu tố, các quan hệ có ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo tính cạnh tranh trong bầu cử mà thôi.  Khái niệm chế độ bầu cử Chế độ bầu cử là khái niệm gắn liền với nhà nước, với chế độ chính trị của một quốc gia - dân tộc nhất định. Nói đến chế độ bầu cử cần xác định rõ là chế độ bầu cử của nhà nước nào, không có chế độ bầu cử mang tính chung chung. Vì vậy, thông qua chế độ bầu cử có thể cho phép xác định được nguồn gốc, bản chất và hình thức của nhà nước đó. Thuật ngữ chế độ bầu cử cũng được hiểu theo hai nghĩa nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Theo nghĩa hẹp, có thể hiểu chế độ bầu cử bao gồm những quy định được chứa đựng trong những văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất (hiến pháp) và 15 trong các văn bản pháp luật nói về nguyên tắc bầu cử, trình tự lập danh sách cử tri, trình tự giới thiệu ứng cử viên, trình tự vận động bầu cử cho đến các quy định nói về cách thức xác định kết quả bầu cử [17, tr.111-112]. Hoặc, chế độ bầu cử bao gồm tổng thể các nguyên tắc, các quy định pháp luật quy định trật tự bầu ra các cơ quan đại diện quyền lực nhà nước, điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình bầu cử. Trật tự bầu cử được quy định bởi một loạt các văn bản quy phạm pháp luật gọi là luật bầu cử. Những cách thức, thủ tục bầu cử được luật bầu cử quy định tạo thành hệ thống bầu cử. [22, tr.240] Như vậy theo nghĩa hẹp, chế độ bầu cử là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của tổng thể các quy định của pháp luật về bầu cử. Theo nghĩa rộng, chế độ bầu cử là tổng thể những quan hệ xã hội có trật tự gắn với cuộc bầu cử vào cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Những quan hệ này hợp thành trình tự bầu cử [2, tr.15]. Cùng đồng nhất với quan điểm trên, trong Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, tác giả Nguyễn Đăng Dung cũng nêu quan điểm: Chế độ bầu cử được xác định bởi tổng thể các mối quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình tiến hành các cuộc bầu cử, từ lúc lập danh sách cử tri, cho đến khi kết thúc việc xác định được danh sách những người trúng cử. [17, tr.158] Thống nhất với nội hàm của khái niệm bầu cử trong các quan điểm nói trên, có thể khái quát rằng chế độ bầu cử là một bộ phận quan trọng trong thể chế chính trị của bất kì một quốc gia dân tộc nào, đó cũng là một trong những phương thức thành lập cơ quan quyền lực nhà nước. Chế độ bầu cử là một chỉnh thể bao gồm các nguyên tắc, các quy định của pháp luật về bầu cử và các mối quan hệ xã hội được hình thành trong tiến trình bầu cử. Như vậy, xét về nội hàm, thuật ngữ “chế độ bầu cử” tương đối đồng nhất với thuật ngữ “hệ thống bầu cử”. Bởi xét về mặt ngôn ngữ, trong tiếng Anh, “system” vừa có nghĩa là “hệ thống” vừa có nghĩa là “chế độ”. Tuy nhiên, ở Việt 16
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan