Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Chuyên đề quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học việt nam từ cách mạng ...

Tài liệu Chuyên đề quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học việt nam từ cách mạng tháng tám 1945 đến nay

.DOCX
35
1717
120

Mô tả:

TÓM TẮT ĐỀ CƯƠNG CHUYÊN ĐỀ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 ĐẾN NAY PHẦN MỞ ĐẦU I. Lí do chọn đề tài II. Mục đích của đề tài III. Bố cục chuyên đề PHẦN NỘI DUNG I. Khái quát quan niệm nghệ thuật về con người 1. Khái niệm 1.1. Đối tượng của văn học là con người 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người 2. Vai trò của quan niệm nghệ thuật về con người II. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay 1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ 1945 – 1975 1.1. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người a. Sự thống nhất trong quan niệm nghệ thuật về con người b. Quan niệm nghệ thuật về con người ở từng chặng đường văn học được biểu hiện cụ thể và có những đặc điểm riêng 2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay 2.1. Hoàn cảnh lịch sử và những chuyển biến về xã hội, văn hóa, tư tưởng 2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người a. Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người b. Những kiểu con người chủ yếu c. Vài nét về sự chuyển biến trong phương thức biểu hiện quan niệm nghệ thuật về con người III. Một số câu hỏi, đề bài luyện tập KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 ĐẾN NAY PHẦN MỞ ĐẦU I. Lí do chọn đề tài 1.1. Có nhiều con đường đi vào tìm hiểu tác phẩm văn chương và một trong những hướng khai thác được chú ý nhiều trong bối cảnh lí luận văn học hiện đại hiện nay là tiếp cận dưới góc độ thi pháp học. Quan niệm nghệ thuật về con người là một trong những phạm trù quan trọng chi phối sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, đặc biệt là miêu tả con người của văn học. 1.2. Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay đã phát triển trong những điều kiện lịch sử, xã hội đặc biệt, có nhiều biến động. Đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, rồi sau đó khi hòa bình trở lại, cả dân tộc quay trở về với quỹ đạo đời thường, hòa nhập sâu hơn với thế giới,…Văn học cũng có sự chuyển biến để phù hợp với tình hình mới. Từ 1945 đến 1975 là nền văn học phát triển trong thời chiến, từ sau năm 1975 đến nay văn học tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh hòa bình. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì con người cũng là mục đích và là đối tượng trung tâm của văn học. Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người sẽ giúp chúng ta cắt nghĩa, lí giải được hình tượng con người được biểu hiện trong tác phẩm, thông qua đó nhận thức được hiện thực cuộc sống đang diễn ra, những đặc sắc và những cách tân độc đáo trong nghệ thuật thể hiện, thấy được quá trình phát triển, đổi mới của các giai đoạn, các thời kì văn học,… 1.3. Trong thực tế, có rất nhiều các bài viết, các công trình nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người. Tuy nhiên những bài viết này thường tập trung tìm hiểu quan niệm con người của một tác giả cụ thể, một giai đoạn văn học nhất định. Có ít công trình đi vào nghiên cứu quan niệm nghệ thuật về con người trong cả thời kì văn học Việt Nam từ 1945 đến nay. Thực hiện đề tài này chúng tôi muốn góp phần làm rõ những nét cơ bản về quan niệm con người, vai trò của nó được thể hiện ở mỗi giai đoạn văn học, thông qua đó thấy được diện mạo chủ yếu, và sự chuyển biến của văn học Việt Nam từ 1945 đến nay. 1.4. Hiện nay trong nhà trường, những tác phẩm thuộc thời kì văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay chiếm vị trí quan trọng, đối với cả thi học sinh giỏi, tốt nghiệp và đại học. Việc nghiên cứu, tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người do đó không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang tính thời sự, tính thực tiễn đối với cả người học và người dạy văn. Nó cung cấp cơ sở lí luận cho việc xác lập các tiêu chí đánh giá văn học, rèn luyện tư duy phân tích, lí giải các vấn đề liên quan đến việc thể hiện con người của tác giả trong tác phẩm văn học, … II. Mục đích của đề tài Thực hiện đề tài này chúng tôi hướng tới mục đích chỉ ra các đặc điểm cơ bản trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, vai trò của nó trong việc thể hiện ý nghĩa hiện thực đời sống và sự lựa chọn các phương thức, phương tiện biểu hiện của văn học để biểu hiện con người, so sánh để thấy được sự chuyển biến 2 trong quan niệm con người giữa hai giai đoạn văn học: giai đoạn từ 1945 đến 1975 và giai đoạn từ sau 1975 đến nay dẫn đến sự thay đổi diện mạo của nền văn học. III. Bố cục của chuyên đề Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chuyên đề được chia làm ba phần: - Khái quát quan niệm nghệ thuật về con người - Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay - Một số câu hỏi, bài tập PHẨN NỘI DUNG I. Khái quát quan niệm nghệ thuật về con người 1. Khái niệm 1.1. Đối tượng của văn học là con người Gor-ki đã từng khẳng định Văn học là nhân học. Đúng vậy, đối tượng chủ yếu của văn học chính là con người. Dù có miêu tả thần linh, ma quỷ, đồ vật, con vật,… thì mục đích cuối cùng vẫn là để thể hiện con người. Thông qua con người, nhà văn thể hiện sự nhận thức, khám phá, đánh giá về hiện thực đời sống. Hiện thực ấy có chân thực, sâu sắc, có đi được vào lòng người hay không chính là nhờ con người. Con người vừa là phương tiện để đánh giá hiện thực nhưng qua việc đánh giá hiện thực nhà văn cũng nhằm mục đích miêu tả con người. Có thể nói con người là đối tượng trung tâm trong sáng tác văn học của mọi thời đại. Tuy nhiên con người trong tác phẩm văn học không hoàn toàn giống với con người ở ngoài đời thực. Nhiều khi đọc một tác phẩm, người ta ồ lên rằng: Tôi đã gặp anh ta ở đâu đó rồi. Sự giống nhau ấy chính là bởi hình tượng con người trong tác phẩm đã được xây dựng từ con người ngoài cuộc sống. Nhưng qua sáng tạo của nhà văn, đó không còn là những con người cụ thể, thô mộc ngoài hiện thực mà đã chuyển thể thành hình tượng nghệ thuật, gửi gắm trong đó những vấn đề có tầm khái quát lớn lao hơn rất nhiều. Con người trong tác phẩm vừa có giá trị thể hiện những nét cụ thể, cá biệt không lặp lại, lại vừa có khả năng khái quát, làm bộc lộ được bản chất của một loại người hay một quá trình đời sống theo quan niệm của người nghệ sĩ (Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử). 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người Theo cách hiểu trong Từ điển Tiếng Việt, quan niệm là hiểu, nhận thức thế nào đó về một vấn đề, Từ điển Bách khoa triết học định nghĩa là cách hiểu, cách cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, quá trình nào đó. Như vậy nói đến quan niệm là nói về sự nhận thức, sự cắt nghĩa, lí giải của chủ thể đối với khách thể. Trong tác phẩm văn học, nhà văn thể hiện sự nhận thức, đánh giá của mình về hiện thực, về cuộc sống thông qua hình tượng trung tâm là con người. Quan niệm nghệ thuật về con người theo giáo sư Trần Đình Sử là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong đó (Dẫn luận thi pháp học). Định nghĩa này khẳng định quan niệm nghệ thuật về con người sẽ đi vào phân tích, mổ xẻ, lí giải về con người và được thể hiện thành các nguyên tắc, biện pháp, qua đó thấy được giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đưa ra cách hiểu đó là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, nó gắn với cách 3 phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ thuật. Dù cách diễn đạt khác nhau nhưng cách hiểu quan niệm nghệ thuật về con người tương đối thống nhất, đều nói lên được bản chất, cốt lõi của vấn đề. Đó là cách nhìn, cách hiểu, cách cảm, cách phân tích, cắt nghĩa về con người được nhà văn biểu hiện trong tác phẩm thông qua các phương tiện, biện pháp nghệ thuật. Nhân vật trong tác phẩm chính là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học. Nhân vật có thể giống với con người ở ngoài đời thực (về ngoại hình, tính cách) nhưng cũng có thể không giống với đối tượng có thật. Đó là con người được sáng tạo trong những tình huống nhất định để thể hiện cách cảm thụ chủ quan của chủ thể. Quan niệm nghệ thuật về con người có cơ sở từ thực tế lịch sử, ảnh hưởng của nền văn hóa, tư tưởng trong thời đại xã hội ấy. Vì thế mà trong thời kì trung đại ở Phương Tây, người ta xem con người là sản phẩm sáng tạo của chúa Trời, thời kì Phục hưng đến Khai sáng, con người được xem là sản phẩm của tự nhiên, các tác phẩm văn học đều tôn vinh vẻ đẹp của con người trần thế (Các tác phẩm của Uyliam Sếch –xpia). Từ thế kỉ XIX, con người được xem như vừa là sản phẩm của tự nhiên vừa là sản phẩm của xã hội. Không chỉ chịu sự chi phối của nền văn hóa, tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người còn in đậm dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ, thể hiện cái nhìn độc đáo của mỗi tác giả về thế giới. Đó là lí do tạo nên sự đa dạng, phong phú trong thế giới nhân vật của các nhà văn, nhà thơ. 2. Vai trò của quan niệm nghệ thuật về con người Có một nhà văn đã từng viết: Con người trong sự miêu tả của nhà văn là một trong những trung tâm điểm từ đấy tỏa ra các sợi dây chi phối cơ chế nghệ thuật của tác giả. Là một tiêu điểm mà qua đó phong cách nhà văn được thể hiện sáng rõ hơn bao giờ hết (…). Và cũng chính những nguyên tắc miêu tả con người ấy đã cung cấp chìa khóa để giúp ra hiểu được phương pháp sáng tạo của người nghệ sĩ. Lời nhận xét ấy đã khẳng định được vai trò quan trọng của quan niệm nghệ thuật về con người đối với việc sáng tạo của nhà văn. Trên cơ sở cách nhìn, cách cảm, cách lí giải về con người tác giả sẽ lựa chọn và tạo nên những hình tượng phù hợp để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Ở mỗi một thời đại, với cách giải thích và cảm nhận mới về con người cũng sẽ làm cho văn học đổi mới. Khía cạnh này một lần nữa nhấn mạnh quan niệm con người đã tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật (Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử). Có những tác phẩm cùng sử dụng một đề tài, một tích truyện, cũng vẫn những nhân vật ấy, con người ấy nhưng dưới những góc nhìn khác nhau sẽ tạo thành những sáng tác có giá trị khác nhau. Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác dựa trên tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Dù có vay mượn cốt truyện, nhân vật nhưng với cách giải thích, cách cảm nhận hoàn toàn mới, Nguyễn Du đã tạo nên một kiệt tác có một không hai trong văn học Việt Nam. Nhà thơ đã biến một câu chuyện tình (tài tử giai nhân) thành một khúc ca đứt ruột về số phận của những người bạc mệnh, biểu hiện những cảm xúc nhân sinh về những điều trông thấy trong cuộc đời. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm luôn hướng vào con người với tất cả chiều sâu của nó, và theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đây chính là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn của một hiện tượng văn học (…). Người nghệ sĩ đích thực là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người (Dẫn luận thi pháp học). Nếu như không đi sâu vào tìm hiểu, khám phá con người, anh sẽ không mang được điều gì mới, tác phẩm của anh chỉ là sự minh họa giản đơn, hời hợt bên ngoài, không có chiều sâu, rất dễ sinh ra nhàm chán, và không động được đến trái tim người đọc. Bởi như chúng ta vẫn biết, con người là đối tượng trung tâm của văn học và cũng là cái đích mà văn học hướng 4 tới. Chỉ có những gì chạm vào sâu thẳm tâm hồn mới đủ sức lay động, và có thể làm thay đổi cả thế giới này. Giá trị nhân văn của tác phẩm nằm ở đó, nằm ở chỗ nhà văn cắt nghĩa, lí giải, cảm nhận sâu sắc ở mức độ nào về con người. Một tác phẩm hay là phải đạt tới sự hài hòa giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Các yếu tố hình thức cũng chịu sự chi phối của quan niệm con người, quy định sự lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn để xây dựng hình tượng (chẳng hạn như kết cấu, cốt truyện, nhân vật, giọng điệu trần thuật,… ). Trong những tác phẩm của Nam Cao, chúng ta có thể bắt gặp kiểu người rất phổ biến đó là con người tự ý thức. Hộ trong Đời thừa, Điền trong Giăng sáng, Thứ trong Sống mòn, và ngay cả Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên cũng có bóng dáng của kiểu người này. Nhân vật của Nam Cao thường mang trong mình những mâu thuẫn, giằng xé dữ dội giữa ranh giới của cái thiện và cái ác, lương tâm, trách nhiệm và hiện thực tàn khốc, giữa người và vật, giữa ý thức và vô thức. Tự ý thức giúp phân biệt con người với con vật, là quá trình đấu tranh với chính bản thân mình, vươn lên hướng tới sự hoàn thiện. Trong bi kịch của một nhà văn, Hộ khinh bỉ chính bản thân mình, tự mắng mình là một kẻ bất lương, đê tiện khi đã viết những tác phẩm nhạt nhẽo, để lại những tình cảm rất nhẹ, rất nông, không có ấn tượng gì. Hộ đau đớn, lương tâm của một nhà văn chân chính đang dày vò Hộ khiến anh ta cảm thấy mình là một người vô ích, một người thừa. Trong sâu thẳm tâm hồn Hộ vẫn khao khát về một cái gì đó rất xa xôi… những mộng đẹp ngày xưa… Quá trình tự ý thức, tự đấu tranh để vươn lên ấy cũng thể hiện rất rõ trong nhân vật Chí Phèo. Gặp được Thị Nở, cuộc đời Chí đã rẽ ngoặt sang một hướng mới. Con quỷ dữ của làng Vũ Đại một thời nay đang khao khát được làm người lương thiện và Thị Nở sẽ là người mở cánh cửa cho hắn trở về. Khao khát quá lớn va đập với hiện thực tàn khốc khiến Chí đau đớn, tuyệt vọng. Nhưng sự thức tỉnh của lương tâm đã khiến anh dứt khoát lựa chọn đứng về ranh giới của cái Thiện, để được chết như một con người, hơn là phải sống kiếp của một con vật bị người ta lảng tránh, ghê sợ. Có thể nói sự lựa chọn kiểu con người tự ý thức đã giúp cho Nam Cao phát huy được biệt tài miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật rất sắc sảo. Ông giống như một bác sĩ tâm lí khơi sâu vào trong đời sống tâm hồn của nhân vật để khám phá những góc khuất, để khơi lên những vẻ đẹp tiềm ẩn trong đó, để cho bản chất Người thực sự tỏa sáng. Ví dụ này chứng minh quan niệm nghệ thuật về con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật (Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử) Bên cạnh đó quan niệm con người còn có ý nghĩa quan trọng trong tiếp nhận tác phẩm văn học, mở đường cho độc giả hiểu được phương pháp sáng tạo, cá tính độc đáo của người nghệ sĩ. Tại sao như vậy? Bởi chính cách cảm nhận, cắt nghĩa về con người sẽ giúp người đọc lí giải được các mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, hiểu được sự lựa chọn các yếu tố nghệ thuật, khả năng đi sâu tìm hiểu, khám phá về con người của nhà văn. Nói cách khác quan niệm con người sẽ tạo cơ sở để bạn đọc nắm bắt được phong cách sáng tác của người nghệ sĩ. Có thể thấy được điều này qua những truyện ngắn của Thạch Lam. Con người trong tác phẩm của ông thường thiên về đời sống nội tâm. Chính cách quan niệm ấy đã giúp cho Thạch Lam đi sâu vào thế giới tinh thần của con người để mô tả đầy đủ và tinh tế những cung bậc tình cảm, những biến thái tinh vi, những cảm xúc, cảm giác mong manh trong tâm hồn con người. Đây chính là nét đặc sắc trong ngòi bút của Thạch Lam, tạo nên những trang văn thấm đẫm chất thơ, lắng đọng tình đời, tình người. Như vậy quan niệm nghệ thuật về con người có ý nghĩa quan trọng trong sáng tạo của nhà văn và trong cả quá trình tiếp nhận của độc giả. 5 II. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay 1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ 1945 – 1975 1.1. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội Văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945 đến nay phát triển trong điều kiện lịch sử, xã hội đặc biệt với nhiều biến động dữ dội. Cuộc cách mạng tháng Tám thành công không những đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam mà còn khơi dậy mạnh mẽ ý thức cộng đồng, tinh thần dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài ba mươi năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã tác động mạnh mẽ đến văn nghệ. Nền văn học giai đoạn này mang những đặc điểm cơ bản: chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước, tập trung hướng về đại chúng trước hết là công nông binh, đề cao vai trò vĩ đại của quần chúng nhân dân trong cách mạng. Các tác phẩm đã thể hiện được những sự kiện lịch sử trọng đại có ý nghĩa lớn lao của toàn dân, đất nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây dựng được những nhân vật kết tinh đầy đủ sức mạnh và phẩm chất của cộng đồng bằng vốn ngôn ngữ trang trọng, giàu tính ước lệ. Khuynh hướng sử thi đòi hỏi người cầm bút phải nhìn cuộc đời và con người bằng con mắt không chỉ của cá nhân mà chủ yếu bằng con mắt khái quát có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Tố Hữu gọi đó là con mắt nhìn bốn hướng / Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau / Trông bắc trông nam trông cả địa cầu. Còn Chế Lan Viên gọi là con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa. Cảm hứng bao trùm là cảm hứng lãng mạn, hướng về lí tưởng, về tương lai với niềm tin và niềm vui chiến thắng. Có thể khẳng định văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã có sự biến đổi trên nhiều phương diện, từ nội dung cảm hứng, đề tài, chủ đề đến ngôn ngữ, giọng điệu, nhân vật,… Sự biến đổi này đến từ nhiều nguyên nhân mà trước hết là sự thay đổi quan niệm về con người. Như ở trên chúng ta đã phân tích, quan niệm con người có ý nghĩa quyết định trong việc lựa chọn và miêu tả con người của nhà văn. Quan niệm ấy bao giờ cũng chịu tác động của văn hóa, tư tưởng của xã hội, thời đại. Một thời đại mới sẽ kéo theo những quan niệm mới. Tuy nhiên giai đoạn văn học 1945 – 1975 với sự thống nhất về khuynh hướng tư tưởng và nghệ thuật nên cũng không có sự phức tạp, đa dạng trong quan niệm con người. Các tác giả đều sáng tác dưới sự chi phối của một quan niệm thống nhất nhưng đó là sự thống nhất trên nét lớn. Trong từng chặng đường của văn học, quan niệm cũng có sự phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh của xã hội, của đất nước, của cách mạng. 1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người a. Sự thống nhất trong quan niệm nghệ thuật về con người * Về nội dung quan niệm: con người được nhìn nhận và đánh giá chủ yếu ở tư cách con người công dân, con người dân tộc, con người giai cấp (Nguyễn Văn Long). Nếu như trước đó, văn học Việt Nam luôn đề cao con người cá nhân đặc biệt là khả năng hướng nội, đào sâu vào cái tôi bản thể thì giờ đây, với quan niệm mới, con người chủ yếu được các nhà văn miêu tả trong mối quan hệ với xã hội, cộng đồng, dân tộc, với cách mạng. Tất cả đời sống vật chất, tâm hồn, tình cảm của con người đều xoay xung quanh những vấn đề có tầm vóc lớn lao, liên quan đến vận mệnh của đất nước. Những tình cảm cá nhân, đời thường không còn là tâm điểm chú ý của văn học. Vì thế ở giai đoạn này chúng ta rất hiếm khi gặp con người với tư cách đời tư, thế sự. Mọi sự đánh giá đối với con người cũng được quy chiếu trên lập trường chính trị. Bởi vậy những tình cảm chủ yếu của thơ ca giai đoạn này là tình cảm công dân, tình cảm chính trị. Đó là tình yêu nước, tình cảm đồng chí, đồng bào, tình quân dân, tình cảm đối với Đảng, với Bác Hồ,… Những 6 tình cảm riêng tư (tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng) không phải không có nhưng được nâng lên thành tình đồng chí, đồng đội. Chẳng thế mà tiếng súng giệt thù đã trở thành ngôn ngữ của tình yêu, của lòng chung thủy ở nhiều tác phẩm. Trong tiểu thuyết Người mẹ cầm súng, những đêm tập kích, hai vợ chồng ở hai nơi nhưng chị Út Tịch đã nói với chồng: Tôi chia lửa cho chồng đó nghen; trong Giấc mơ của đất vợ chồng chị Hạnh nói với nhau Đứa đầu ghềnh, đứa cuối bãi, thời buổi này lấy tiếng súng làm tin. Có thể nói phẩm chất chính trị đã trở thành thước đo của mỗi con người. Và để cổ vũ cho quan điểm đó, nhiều nhà văn đã xây dựng kiểu nhân vật người Đảng (nhân vật A Châu trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, anh Quyết trong Rừng xà nu của Nguyên Ngọc) – những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng đi theo tiếng gọi của Đảng. Sự giác ngộ cách mạng rõ ràng là minh chứng rõ nhất cho phẩm chất của con người trong thời buổi này, là khía cạnh được các tác giả đặt lên hàng đầu để ngợi ca, để tôn vinh vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng. Nói con người trong văn học 1945 – 1975 là con người giai cấp bởi vì cách mạng và kháng chiến phải dựa hẳn vào lực lượng công nông và trước hết nhằm giải phóng công nông. Cho nên văn học phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu tất yếu phải hướng về công nông binh. Đây chính là đối tượng phản ánh, là công chúng của văn học và cũng là lực lượng sáng tác chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đương thời khi trả lời cho câu hỏi Viết cho ai? cũng nhấn mạnh: Viết cho đại đa số công nông binh (…). Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Với quan điểm đó, nhiều tác phẩm văn học giai đoạn này đã thể hiện được vai trò vĩ đại của người nông dân trong cách mạng, tiêu biểu phải kể đến Đôi mắt của Nam Cao. Tác giả đã dùng biểu tượng đôi mắt để gửi gắm cách nhìn nhận cuộc đời, nhìn nhận về người dân quê. Cùng trước một hiện tượng là người dân quê, Hoàng nhìn vào chỉ thấy đó là những người ngu độn, lỗ mãng, ích kỉ, tham lam, bần tiện, vừa ngố, vừa nhặng xị thì Độ lại thấy được họ có thể làm cách mạng và làm cách mạng hăng hái lắm. Độ cũng thấy những người dân quê đó răng đen, mắt toét, gọi lựu đạn là “nựu đạn”, hát Tiến quân ca như người buồn ngủ cầu kinh nhưng khi ra trận thì xung phong, can đảm lắm. Đây cũng là cái nhìn của rất nhiều những nhà văn khác đặc biệt là những nhà văn đã được lột xác nhờ cách mạng… * Về nghệ thuật biểu hiện con người Để thể hiện quan niệm con người dân tộc, con người công dân, con người của giai cấp, văn học 1945 – 1975 đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật tiêu biểu như việc lựa chọn thể loại, giọng điệu, ngôn ngữ,… Khác với thơ ca thời kì trước đó, thời kì này, các tác giả thường hướng tới khai thác những hình thức nghệ thuật gần gũi với đại chúng, tiếp thu từ kho tàng văn học dân gian và truyền thống, ngôn ngữ nghệ thuật giản dị, dễ hiểu, gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân,… Ở đây chúng tôi đi sâu vào hai yếu tố chủ yếu là giọng điệu và ngôn ngữ. Về giọng điệu: Hình ảnh con người Việt Nam thời kì này được tái hiện bằng giọng điệu chủ đạo là ngợi ca, trang trọng, phù hợp với mục đích của một nền văn học phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Sắc thái hào sảng, lạc quan, tự hào là điều dễ nhận thấy trong các tác phẩm, đặc biệt là thơ ca. Những dòng thơ viết về đất và người Việt Bắc, những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp đều thấm đẫm chất anh hùng ca, tràn ngập niềm tự hào, tôn vinh của tác giả: Những đường Việt Bắc của ta/Đêm đêm rầm rập như là đất rung/Quân đi điệp điệp trùng trùng/Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan/Dân công đỏ đuốc từng đoàn/Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay/Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/Đèn pha bật sáng như ngày mai lên (Việt Bắc). Bản hùng ca của dân tộc đã được cất lên hùng hồn, khắc họa thành công hình ảnh của những đoàn quân đông đảo, lớn mạnh đang hồ hởi tiến ra mặt trận. Âm 7 thanh mạnh mẽ của một loạt động từ, tính từ rầm rập, điệp điệp, trùng trùng, bước chân nát đá, … đã cho thấy được khí thế ngất trời, có thể làm lay chuyển núi sông của quân dân ta. Những gương mặt anh hùng được ngợi ca, ngưỡng mộ xuất hiện ngày càng nhiều trong văn học: người con gái Việt Nam kiên cường Trần Thị Lý, anh Núp, chị Út Tịch, Tnú, Chiến, Việt,… và còn biết bao những con người Việt Nam có tên và không tên khác. Họ đã hóa thân mình để làm nên Đất Nước, làm nên một xứ sở huyền thoại, một lịch sử hào hùng. Nguyễn Minh Châu đã miêu tả tâm trạng của Thùy (trong tiểu thuyết Cửa sông) khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng với sự hứng khởi, say mê Từ bên này ngưỡng cửa của cuộc đời, Thùy thấy mọi vật đều đổi khác. Ba gian nhà trở nên ấm áp hơn, một mối tình đồng chí trong trẻo, chất phác tỏa lên từ khuôn mặt các đồng chí ngồi chung quanh. Thùy cảm thấy mình đang được bao bọc trong mối tình lớn ấy. Nguyễn Trung Thành lại dùng một thứ ngôn ngữ diễn tả sự tuyệt đối, phi thường để ngợi ca Tnú. Sự mau lẹ, dũng mãnh của Tnú được so sánh như một con cá kình, như một con sóc, sự căm thù đốt cháy trong đôi mắt Tnú như hai cục lửa lớn và mười ngón tay của anh bị đốt cháy thành mười ngọn đuốc,… Không chỉ trong chiến tranh, giọng điệu ngợi ca, tự hào cũng được sử dụng để khắc họa hình ảnh con người trong cuộc sống mới ở miền Bắc khi hòa bình lập lại. Sự đổi đời của người dân, niềm vui say với cuộc sống mới đã chắp cánh cho những tác phẩm của Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Huy Cận,… Trong chuyến đi thực tế ở Quảng Ninh, Huy Cận đã thực sự hòa nhập vào không khí làm việc hăng say, tràn đầy lạc quan, tin tưởng của người dân miền biển mặc dù cuộc sống còn nhiều vất vả: Mặt trời xuống biển như hòn lửa/Sóng đã cài then đêm sập cửa/Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/Câu hát căng buồm cùng gió khơi (Đoàn thuyền đánh cá). Có thể nói giọng điệu chính là phương tiện quan trọng để thể hiện hình tượng con người trong văn học thời kì này. Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ thơ văn cách mạng đã có sự biến đổi mạnh mẽ so với giai đoạn văn học trước đó, không còn cầu kì kiểu cách mà trở về với đời sống, phản ánh cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Đó là một thứ ngôn ngữ bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng. Trong thơ chúng ta bắt gặp cách sử dụng khá phổ biến từ ngữ, cách nói mang tính chất khẩu ngữ Anh kể chuyện tôi nghe/Trận chợ Đồn, chợ Rã/Ta đánh giặc chạy re/Hai đứa cười ha hả (Cá nước, Tố Hữu). Chất liệu ca dao, thành ngữ được sử dụng khá nhiều trong thơ ca, khắc họa thành công tâm tư, tình cảm của quần chúng Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng/Mình về mình có nhớ không?/Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn (Việt Bắc, Tố Hữu), Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/Gian nhà không mặc kệ gió lung lay/Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính… (Đồng chí, Chính Hữu). Trong văn xuôi, các nhà văn cũng rất chú trọng học tập lời ăn tiếng nói của quần chúng nhân dân. Tô Hoài nhận ra ngôn ngữ quần chúng là kho của cải vô giá, là nguồn bổ sung vô tận cho nhà viết tiểu thuyết, nhân dân chính là ông thầy lớn của mình về tiếng nói. Vì thế ông đưa vào trong tác phẩm cả những từ ngữ thông tục như đánh bỏ mẹ, sợ đếch gì, giã bọt mép,… ; những thành ngữ, quán ngữ như gà sống nuôi con, ngậm đắng nuốt cay, túng thiếu làm càn,... Nguyễn Thi lại rất thành thạo, nhuần nhuyễn trong việc sử dụng ngôn ngữ của người dân Nam Bộ. Hãy nghe cách nói của chú Năm hai đứa cháu tôi một lòng theo Đảng tôi cũng mừng. Xin trên cứ ghi tên cho cả hai. Việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong, rồi cách trả lời của Việt với Chiến bộ mình chị biết đi trả thù à?, cái cách mà Chiến thể hiện quyết tâm của mình Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à! (Những đứa con trong gia đình) Việc sử dụng ngôn ngữ đời sống đã giúp cho văn học 1945 – 1975 khiến cho người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, làm cho văn học thâm nhập sâu sắc vào quần chúng, nói lên được tiếng nói, 8 tâm tư, tình cảm của quần chúng, phục vụ xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, kháng chiến của dân tộc. b. Quan niệm nghệ thuật về con người ở từng chặng đường văn học được biểu hiện cụ thể và có những đặc điểm riêng * Chặng đường văn học từ 1945-1954  Hoàn cảnh lịch sử, xã hội Cách mạng tháng Tám thành công quả thực đã đem lại những ngày hội lớn lao cho non sông, đất nước. Trong không khí ấy, dường như tất cả mọi con tim chung một nhịp đập, đều hướng về Tổ quốc, về nhân dân, quần chúng, về tình nghĩa đồng bào, đồng chí. Một thời kì mới được mở ra cho dân tộc, một thời kì mới cũng mở ra cho văn học. Và tiếp nối sau cách mạng tháng Tám, nhân dân ta tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp (1946 -1954). Quan niệm nghệ thuật về con người trong chặng đường văn học này cũng được biểu hiện với những nét riêng.  Quan niệm nghệ thuật về con người Đắm mình trong không khí náo nức của ngày độc lập, các nhà văn đồng thời cũng phát hiện ra sức mạnh lớn lao của quần chúng cách mạng và vẻ đẹp bình dị ở nơi họ đã tạo nên thắng lợi vĩ đại. Hình ảnh quần chúng trong những ngày đầu giải phóng đã được ghi lại trong khá nhiều tác phẩm: kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, Một lần tới Thủ đô của Trần Đăng, Rãnh cày nổi dậy của Mạnh Phú Tư, Đường vô Nam của Nam Cao, bài thơ Đèo Cả của Hữu Loan,… Gương mặt quần chúng hiện lên sinh động với sự ngợi ca, trân trọng của các nhà văn. Nguyễn Huy Tưởng viết vở kịch Bắc Sơn giúp người đọc hiểu được ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và sức mạnh cảm hóa của cách mạng đối với quần chúng. Tác giả lấy bối cảnh của vở kịch là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (xảy ra năm 1940 – 1941) và những biến cố xung quanh gia đình cụ Phương, một gia đình người Tày. Cụ Phương và người con trai là Sáng hăng hái tham gia chiến đấu còn bà cụ Phương và cô con gái là Thơm lại ngại ngần, xa lánh. Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được một tình huống đặc biệt để làm nổi bật xung đột giữa lực lượng cách mạng và kẻ thù, đồng thời thông qua diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật Thơm – nhân vật trung tâm của vở kịch thấy được sức mạnh cảm hóa của cách mạng. Ban đầu, Thơm còn ngây thơ, còn cả tin vào người chồng theo giặc nhưng sau đó khi biết rõ sự thật, cô đã lột xác để trở thành một con người bình tĩnh, tự tin, can đảm, dám bảo vệ đến cùng những cán bộ cách mạng. Câu nói của Thơm trong cơn mê sảng đã chứng minh cho tình cảm với cách mạng, cũng là lời cổ vũ, sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân dành cho cuộc khởi nghĩa: Trường Vũ Lăng ta lại chiếm được kia kìa! Đi mau lên, các ông! Các ông cố lên nha! Mau lên! có phải cờ ta đấy không? Được thật rồi!. Trong lúc đó, tiếng hát của du kích quân cất lên vang lừng, hùng dũng, văng vẳng. Bước vào thời kì chống Pháp, văn học hướng hẳn đến đối tượng công nông binh. Vẫn là gương mặt quần chúng nhưng không còn chung chung nữa mà đã được xác định cụ thể hơn. Quần chúng đã trở thành nguyên tắc xây dựng nghệ thuật và chuẩn mực đánh giá tác phẩm: tác phẩm phải biểu hiện được tư tưởng, tình cảm, khát vọng của quần chúng. Sở thích và sự đánh giá của quần chúng là thước đo thành công và giá trị của tác phẩm nghệ thuật (Nguyễn Văn Long). Vì văn học viết cho đại chúng và muốn đi sâu vào đại chúng không thể hời hợt, bề ngoài, mà phải hiểu được đời sống, tâm tư, tình cảm của họ, giúp họ nói lên tiếng nói của tầng lớp mình. Vì văn học viết về đại chúng nên phải khai thác những cách thể hiện nghệ thuật quen thuộc với đại chúng mới dễ đi vào lòng người. Ngôn ngữ phải thật bình dị, là lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, cách diễn đạt phải thật dễ hiểu, phải gần gũi chứ không phải là những lời kiểu cách. Hình thức nghệ thuật dân gian được các nhà văn, nhà thơ tích cực khai thác, vận 9 dụng trong sáng tác: thể thơ lục bát, song thất lục bát của ca dao, chất liệu thành ngữ, tục ngữ, những giai điệu quen thuộc trong những khúc hát dân ca, những điệu hò ví dặm,…. Trong thơ ca, cảm quan hiện thực đã giúp các tác giả đưa thơ trở về gần với đời sống thực tại hàng ngày của quần chúng kháng chiến, xây dựng được hình ảnh của con người bình dị, gần gũi nhưng không kém phần cao đẹp. Đó là những người lính nông dân hiền lành, chất phác, ra đi từ nơi nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, vốn chẳng hẹn quen nhau nhưng lại gắn kết bởi cùng một lí tưởng, gọi nhau hai tiếng thiêng liêng đồng chí! Những chi tiết rất thực của đời thường đã ùa vào thơ làm sống dậy những gương mặt thật thân quen mà ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu trên đất nước này. Không chỉ có người lính, chúng ta còn bắt gặp hình ảnh của những người mẹ, người chị, người em, những anh vệ quốc quân, và rất nhiều những con người khác. Họ hiện ra đúng như cuộc đời thực của mình trong lao động, sinh hoạt, trong suy nghĩ, việc làm, trong đời sống tình cảm. Có thể kể đến những tác phẩm của các nhà thơ trong phong trào Thơ mới, các nhà thơ trưởng thành trong đấu tranh cách mạng như Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên… Và người thành công nhất với xu hướng này là Tố Hữu. Với một loạt những bài thơ như Cá nước, phá đường, Bầm ơi, Bà mẹ Việt Bắc, Voi,… Tố Hữu đã đem thơ lại gần với quần chúng và thật dễ hiểu vì sao thời ấy người ra thuộc thơ ông nhiều như thế, chính là bởi những dòng thơ bình dị, dễ đi vào lòng người: Em là con gái Bắc Giang/Rét thì mặc rét nước làng em lo (Phá đường, Tố Hữu) Cái tôi của Tố Hữu nhập thân vào quần chúng để thể hiện tâm tư, tình cảm của quần chúng. Đó là tình nghĩa gắn bó giữa hậu phương với tiền tuyến được thể hiện trong niềm nhớ thương của những bà mẹ nông dân với đứa con vệ quốc quân, là tình cảm cá nước của người cán bộ với anh bộ đội chỉ qua một lần gặp gỡ tình cờ trên dường kháng chiến, là mối tình gắn bó keo sơn giữa miền ngược và miền xuôi Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng (Việt Bắc) Bên cạnh xu hướng xây dựng con người bằng cảm quan hiện thực, một hướng khai thác khác cũng được chú ý đó là miêu tả con người bằng cảm hứng lãng mạn anh hùng. Xu hướng này xuất hiện trong những năm đầu thời kì chống Pháp. Hình ảnh con người được tập trung thể hiện thường là những người anh hùng (không phải là một người mà là tập thể anh hùng), ở họ luôn thấy thấp thoáng bóng dáng của những đấng trượng phu, tráng sĩ thuở trước: Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa (Ngày về, Chính Hữu); hay Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành (Tây Tiến, Quang Dũng). Trong đó, Tây Tiến được xem như một bài thơ xuất sắc, độc đáo, một thi phẩm toàn bích đại diện cho xu hướng này. Có một thời bài thơ bị xem là mộng rớt, là tiểu tư sản bởi những câu thơ như: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Thời gian đã chứng minh cho sức sống của bài thơ ấy trong lòng người, không phải là mộng rớt mà chính là sự lãng mạn, hào hoa, là nỗi nhớ sâu thẳm đã làm nên một hình tượng riêng độc đáo về người lính chống Pháp – những con người xuất thân từ tầng lớp thanh niên trí thức Hà thành. Truyện và kí thời kì này cũng trực tiếp hướng tới đối tượng là quần chúng kháng chiến với nhiều khám phá và cách thể hiện đặc biệt trên phương diện trần thuật. Đó là sự hòa nhập, thống nhất giữa quan điểm của tác giả - người kể chuyện với nhân vật quần chúng. Trong những tác phẩm ở thời kì đầu kháng chiến, khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật vẫn còn. Người đọc có thể hình dung được hình ảnh của tác giả đang hướng cái nhìn từ bên ngoài vào để 10 quan sát, miêu tả quần chúng, thấy được sự thay đổi, bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục trước sức mạnh và vẻ đẹp của họ trong Đôi mắt của Nam Cao, Một lần tới Thủ đô của Trần Đăng hay trong tùy bút Đường vui của Nguyễn Tuân… Nhưng càng về sau, khoảng cách này dường như không còn nữa. Người trần thuật đã nhập hẳn vào hình ảnh của con người, vào suy nghĩ, tình cảm của nhân vật quần chúng, nói bằng giọng điệu và ngôn ngữ của chính quần chúng chứ không còn là sự quan sát từ bên ngoài nữa. Cách trần thuật khách quan, để cho bản thân cuộc sống tự nói lên tất cả khiến cho tác phẩm thực sự trở nên gần gũi, chân thực hơn. Có thể nhận thấy sự hòa nhập này trong Làng của Kim Lân, tập truyện Tây Bắc của Tô Hoài,… Trong truyện ngắn Làng, Kim Lân dường như đã nhập vào nhân vật để miêu tả diễn biến tâm lí của ông Hai từ chỗ yêu làng một cách tuyệt đối đến chỗ thù làng trong nỗi đau đớn vô hạn, rồi khi cái tin làng Chợ Dầu theo Tây được đích thân ông chủ tịch làng lên tận nơi để cải chính, ông lại vui mừng tột độ. Tâm lí ấy rất chân thực, nếu như không hòa vào nhân vật chắc chắn nhà văn không thể viết được như thế, và viết bằng một vốn ngôn ngữ đặc chất của một người nông dân, chân lấm tay bùn nhưng yêu làng tha thiết Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù. Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài cũng tạo được một dấu ấn đặc biệt trong lòng người đọc nhờ cách kể chuyện của tác giả, nhất là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Nhiều đoạn, nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp giúp người đọc nhận ra được vẻ đẹp nội tâm của nhân vật, nghe được tiếng nói bên trong tâm hồn nhân vật, tạo được sự đồng cảm giữa nhà văn, nhân vật và người đọc. Khi Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha, bổi hổi, khi Mị uống rượu, cứ uống ực từng bát, khi Mị nhớ lại quá khứ tươi đẹp của ngày trước, Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đem đã thổi sáo đi theo Mị, rồi khi bị trói đứng vào cột nhà, tâm trạng nửa mê nửa tỉnh Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi... Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ… Đó là những đoạn độc thoại nội tâm sâu sắc mà ở đó ngôn ngữ nhà văn và nhân vật dường như đã hòa làm một, nhà văn sống trong nhân vật để nói lên tất cả những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật. Cách trần thuật này cũng giúp Tô Hoài đem được bản sắc của người dân miền núi vào trong tác phẩm, tạo được vẻ đẹp riêng khi viết về quần chúng kháng chiến. Như vậy trong chặng đường đầu tiên của văn học cách mạng, quan niệm nghệ thuật về con người đã được thể hiện tập trung trong hình ảnh của quần chúng kháng chiến mà tiêu biểu là công nông binh. Sự thể hiện ở mỗi tác phẩm có khác nhau nhưng đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản trong việc cắt nghĩa lí giải về con người: - Con người được khám phá chủ yếu với tư cách công dân, ở phương diện con người chính trị, hoàn toàn không có chỗ cho con người cá nhân tồn tại. Phương diện đời tư, thế sự ít được chú ý, và nếu có thì những tình cảm cá nhân ấy cũng hòa nhập trong những tình cảm có tính chất rộng lớn hơn: tình cảm cộng đồng, dân tộc. Những con người của gia đình, của làng xóm giờ đây ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại trong phạm vi nhỏ bé ấy mà phải tham gia vào những những biến cố của đời sống lịch sử, phải hòa nhịp với cuộc cách mạng của cả dân tộc, phải nói lên tiếng nói của cộng đồng. Sự thức tỉnh ý thức chính trị ấy đã nâng họ lớn lên, phát hiện ra họ đang gánh trên vai cả cuộc kháng chiến vĩ đại, nhận ra sứ mệnh và đồng thời cũng khám phá được sức mạnh lớn lao của giai cấp mình, thế hệ mình. Số phận và con đường đi của quần chúng hoàn toàn thống nhất với vận mệnh và con đường đi của toàn dân tộc, giai cấp. Thể hiện hình ảnh con người quần chúng, văn học giai đoạn này chủ yếu nói lên những tình cảm chung trong đời sống cộng đồng: tình đồng chí, đồng bào, lòng yêu nước, căm thù giặc, … Cảm hứng ngợi ca, tự hào là giai điệu xuyên suốt các tác phẩm giai đoạn này. 11 - Con người kháng chiến được miêu tả chủ yếu trong các sự kiện, biến cố của cộng đồng, tham gia vào diễn biến dồn dập của lịch sử. Họ hiện lên là những con người của hành động, của ý chí. Đời sống nội tâm mặc dù có được chú ý nhưng không có nhiều mâu thuẫn phức tạp mà thường đơn giản, trong sáng, dứt khoát. Con đường họ đi thẳng hướng đến tương lai với niềm lạc quan, tin tưởng và rất ít khi nhớ về quá khứ bởi đối với họ quá khứ chỉ là khổ đau, bất hạnh. - Một nguyên tắc miêu tả con người quần chúng của văn học giai đoạn này đó là xây dựng những hình tượng đám đông, tập thể. Con người ít được chú ý với tư cách cá nhân mà được đặt trong tập thể anh hùng bởi họ đã ý thức được sức mạnh vĩ đại của sự đoàn kết cộng đồng. Trong thơ ca, đó là tập thể những người lính Tây Tiến Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, là hình ảnh của những đoàn quân điệp điệp trùng trùng ra trận, những đoàn dân công với bước chân mạnh mẽ làm rung chuyển đất trời, đó còn là những người anh hùng áo vải rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước, Nguyễn Đình Thi). Trong văn xuôi, hình ảnh của đám đông quần chúng được xuất hiện ở nhiều tác phẩm như đại đội Trần Phú trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi, trung đội dân công Tiến Mạnh trong Bước đường 12, đám đông công nhân trong Vùng mỏ của Võ Huy Tâm,… * Chặng đường văn học từ 1955-1964  Hoàn cảnh lịch sử, xã hội Văn học giai đoạn 1955 – 1964 được phát triển với sự tác động mạnh mẽ của hoàn cảnh lịch sử, xã hội. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc với chiến dịch Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi trong chiến công của dân tộc đã thổi vào văn học hơi thở của niềm tự hào lớn lao, niềm vui hòa bình, độc lập. Tiếp sau đó là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam đã mở ra những nguồn đề tài và cảm hứng mới cho các nhà thơ, nhà văn. Quan niệm về con người trong hoàn cảnh này cũng có ít nhiều thay đổi chi phối việc xây dựng nhân vật và nghệ thuật biểu hiện của văn học.  Quan niệm nghệ thuật về con người Giai đoạn văn học 1955 - 1964 là bước phát triển tiếp theo của văn học chống Pháp. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội có nhiều thay đổi không có nghĩa sẽ làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về con người. Quan niệm này có sự phát triển trên cơ sở của sự kế thừa giai đoạn văn học trước đó. Sự kế thừa được thể hiện ở chỗ, các tác giả vẫn tiếp tục xây dựng hình tượng con người quần chúng. Tuy nhiên trong văn học 1945 – 1954, con người chủ yếu được khám phá trên phương diện con người công dân, con người chính trị, hoàn toàn không có chỗ cho con người cá nhân. Giờ đây, vẫn là con người công dân, con người chính trị đó nhưng con người cá nhân đã xuất hiện trở lại. Đó là điều tất yếu được lí giải từ đời sống xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vấn đề được đặt lên hàng đầu là dân tộc, là Tổ quốc, cho nên cái tôi không được thể hiện mà hòa tan trong tập thể. Nhưng khi đất nước đã bước sang thời kì hòa bình, nhiều vấn đề của đời sống đặt ra, con người cá nhân cũng theo đó mà trở lại. Tuy nhiên chúng ta không thấy sự đối lập giữa cá nhân và tập thể mà là sự hòa hợp giữa cái tôi riêng và cái ta cộng đồng, là con đường đấu tranh để từ bỏ cái cá nhân nhỏ hẹp, đi ra và hòa vào cuộc đời rộng lớn của nhân dân. Sự thống nhất riêng – chung chính là đặc điểm quan trọng nhất trong quan niệm nghệ thuật về con người trong giai đoạn văn học này. Trong thơ, Xuân Diệu chính là thi sĩ đầu tiên cần phải nhắc tới khi ông đã có hẳn một tập thơ nói về mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Riêng chung thể hiện những tình cảm thiết tha gắn bó, biết ơn cách mạng, biết ơn cuộc đời đã xóa đi những vết thương tâm hồn trong quá khứ, đã đưa ông trở về với nhân dân Xưa lệ sa ta oán hận đất trời mà nay Giọt nước mắt ta chan chứa tình người. Cái tôi cá nhân đã trở lại đặc biệt với những đề tài viết về tình yêu, hạnh phúc, vốn là thứ tình cảm riêng tư nhất của con người, là sự tự ý thức về nhu cầu, khát vọng của bản 12 thân. Khi con người quay trở về với cuộc sống đời thường, những tình cảm cá nhân ấy lại có cơ hội trỗi dậy, trở thành nguồn cảm hứng của các nhà thơ. Xuân Diệu vẫn tiếp nối tiếng thơ tình yêu và tuổi trẻ từ trước cách mạng với Riêng chung (1960) và nhiều tập thơ sau này nữa. Xuân Quỳnh lại đem đến những cung bậc tình yêu đầy nữ tính nhưng cũng thật táo bạo, nồng nàn với những Chồi biếc, hay Thuyền và biển,… Cái riêng ấy không mâu thuẫn, đối lập với cái chung mà đã tìm được sự giao hòa, đồng điệu cùng tập thể. Ta không còn thấy cô đơn, lạnh nhạt, hờ hững như trong Thơ mới, mà là thấu hiểu, yêu thương và chia sẻ: Hôm nay em đến chơi/Ta đón nhau từ cửa/Miệng chưa nói ra lời/Đã hiểu nhau một nửa (Em đến chơi). Anh yêu em như yêu đất nước (Nguyễn Đình Thi) nên xa em càng nhớ thương em, xa nước càng thêm yêu đất nước là những lời bộc bạch thật chân thành của Tế Hanh. Tình yêu riêng tư đã lớn lên trong tình yêu đất nước. Và trong tình yêu nước, tình yêu đôi lứa mới thật sự toàn vẹn, đủ đầy, hạnh phúc. Điều đó lí giải vì sao ngay từ ngày đầu đến với cách mạng, Tố Hữu đã cảm nhận sâu sắc sự ràng buộc giữa cá nhân và mọi người: Tôi buộc lòng tôi với mọi người/Để tình trang trải với trăm nơi/Để hồn tôi với bao hồn khổ/Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời (Từ ấy). Bởi chỉ có hòa mình vào khối đời chung ấy, ta mới lớn hơn, mạnh hơn, mới làm chủ được chính bản thân mình. Tư tưởng đó tiếp tục được thể hiện rõ nét trong tập Gió lộng (1961). Tố Hữu nhìn nhận vấn đề riêng – chung như là một lẽ sống của người cách mạng, là quy luật tất yếu của sự sống: Một ngôi sao chẳng sáng đêm/Một thân lúa chín chẳng nên mùa màng/Một nười - đâu phải nhân gian?/Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi! (Tiếng ru). Ánh sáng của một ngôi sao chẳng đáng kể để làm bầu trời lấp lánh, một bông lúa không thể làm nên mùa màng, một con người chẳng thể nào thay thế được thế gian. Những cá nhân ấy chỉ có ý nghĩa khi hòa vào cộng đồng rộng lớn mà thôi. Nghĩa tình cách mạng hay những niềm vui do cuộc sống mới đem lại đều được thể hiện cảm động trong sự thống nhất riêng chung: Con đã về đây ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ để dành cơm/Cho con cho đảng ngày xưa ấy/Không sợ tù gông chấp súng gươm (Mẹ Tơm). Tình cảm của người con với mẹ Tơm vừa là riêng tư của bản thân tác giả vừa là tình cảm của những đứa con cách mạng hướng về người mẹ Việt Nam với trái tim vĩ đại Buồng mẹ buồng tim giấu chúng con. Khi nước nhà độc lập, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Tố Hữu say xưa viết về cuộc sống mới, con người mới với niềm tự hào sâu sắc: Đi ta đi! Khai phá rừng hoang/Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng/Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?/ Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy/ Hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều? Hỡi những chàng trai, những cô gái yêu/ Trên những đèo mây những tầng núi đá/ Hai bàn tay ta làm nên tất cả/Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai/ Khói những nhà máy mới ban mai (Bài ca mùa xuân 1961). Quan niệm nghệ thuật về con người với sự thống nhất riêng – chung có ý nghĩa quan trọng đối với các tác giả trong việc lựa chọn cách thể hiện như xây dựng nhân vật, kết cấu tác phẩm, ngôn ngữ,… trong những tác phẩm truyện, kí. Các nhân vật có tính điển hình, vừa mang những nét chung tiêu biểu cho số phận và phẩm chất của quần chúng nhân dân lại vừa mang được những nét riêng về diện mạo, tính cách, về con đường đi của mỗi cá nhân trước những biến cố lịch sử của xã hội. Anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên, chị Tư Hậu trong Một chuyện chép ở bệnh viện,… là những nhân vật như thế. Xã hội mới đã đem đến nhiều cơ hội làm thay đổi cuộc đời của con người, góp phần khẳng định sự thống nhất riêng – chung trong văn học. Mùa lạc của Nguyễn Khải, Cái sân gạch của Đào Vũ, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Riêng chung của Xuân Diệu hay Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên,… đều cho thấy sự biến đổi về số phận và tính cách của nhân vật theo hướng ngày càng trở nên tốt đẹp khi sống trong môi trường tập thể. Đào là nhân vật chính của Mùa lạc từ một số phận có nhiều bất hạnh (cuộc sống không gia đình, không người thân, cô đơn, nay đây 13 mai đó khi đã luống tuổi) đến một cuộc đời hạnh phúc, có ý nghĩa (có gia đình, có bạn bè, có tương lai, có những ước mơ trong cuộc sống). Đào lên nông trường với tâm lí con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên đi cuộc đời đã chịu nhưng ở nơi đây, Đào đã xóa đi mặc cảm tự ti để hăng say lao động, tìm được niềm vui, hạnh phúc trong sự gắn bó, chan hòa, trong tình yêu thương với mọi người. Cũng trong mạch cảm hứng về sự hồi sinh ấy, Chế Lan Viên lại nói về sự đổi đời của chính bản thân mình qua tập Ánh sáng và phù sa : ánh sáng dọi soi tôi và phù sa bồi đắp tôi, ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất của lý tưởng tôi. Nếu như trước đây ông luôn băn khoăn với câu hỏi Ta là ai? thì nay câu hỏi mà nhà thơ muốn trả lời là Ta vì ai? Tìm được đáp án, Chế Lan Viên đã thắp lại triệu chồi xanh, phá cô đơn và hòa hợp với người. Không phải ngay từ đầu người ta đã tìm thấy sự thống nhất mà đó là cả một quá trình đấu tranh để tự vượt lên. Nếu như không thể hiện nhân vật với những dằn vặt như vậy thì rất dễ tạo nên cái nhìn hời hợt, dễ dãi, không phản ánh đúng hiện thực đời sống. Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên đã diễn tả sâu sắc sự phấn đấu trong tâm tưởng, trong tâm hồn của nhà thơ để từ bỏ quá khứ với những lầm lạc, cô đơn của mình, hướng tới hòa nhập với nhân dân: Suốt một đời ăn gạo của nhân dân/Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy/Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy/Chửa vì đời bằng một bữa cơm ăn (Đi thực tế). Quá khứ là ngọn gió siêu hình, là câu hỏi hư vô, là câu thơ nước chảy đã khiến nhà thơ khi nghĩ lại không khỏi nuối tiếc, day dứt, ân hận: Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn (Người đi tìm hình của nước). Cuối cùng nhà thơ đã vượt thoát ra khỏi nỗi buồn đau, bế tắc, không còn phải mải miết chạy theo cái mông lung, ám ảnh của một cánh chim thu lạc cuối ngàn như trước cách mạng nữa. Giờ đây Chế Lan Viên đã tìm lại được niềm tin và sức mạnh, tìm thấy chính bản thân mình trong cuộc đời rộng lớn của nhân dân. Thực ra quá trình đấu tranh ấy cũng là quá trình giải quyết mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung mà Chế Lan Viên gọi là đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui, từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người, từ phù du đến phù sa. Sự thống nhất riêng – chung thể hiện trong quan niệm con người văn học giai đoạn 1955– 1964 đã chi phối nhiều phương diện trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn, nhất là xây dựng nhân vật trong truyện kí và cái tôi trữ tình trong thơ. Một số tác giả đã khá thành công trong việc thể hiện sự đổi thay số phận, cuộc đời của con người theo hướng ngày càng tốt đẹp hơn, bộc lộ được những tình cảm sâu nặng của cá nhân với quê hương, đất nước, với đồng bào miền Nam ruột thịt. Tuy nhiên bên cạnh những thành công ấy cũng cần phải nhìn nhận một số hạn chế do quan niệm nghệ thuật con người giai đoạn này mang lại. Có những nhân vật được xây dựng quá công thức, khuôn sáo mang tính chất minh họa, đời sống nội tâm, cá tính không được chú ý làm nổi bật,… Phương diện đời tư, thế sự ít được khai thác mà chủ yếu là để thể hiện cái chung, cái cộng đồng. * Chặng đường văn học từ 1964-1975  Hoàn cảnh lịch sử, xã hội Cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra trên cả nước, kéo dài suốt mười năm với nhiều hi sinh mất mát nhưng cuối cùng đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Thơ văn chặng đường này cũng tham gia tích cực vào những sự kiện lớn lao đó, phản ánh cuộc kháng chiến vĩ đại của quân và dân ta. Quan niệm nghệ thuật về con người một lần nữa có sự chuyển biến để phù hợp với tình hình lịch sử, xã hội mới và phục vụ cách mạng  Quan niệm nghệ thuật về con người Nếu giai đoạn 1955 – 1964 đánh dấu sự trở lại của con người cá nhân được khai thác trong sự thống nhất với lí tưởng chung của tập thể thì giai đoạn này với sự chi phối của hoàn 14 cảnh lịch sử, con người cá nhân đã nhường chỗ cho con người của cộng đồng, dân tộc. Vẫn tiếp tục kế thừa quan niệm đã có trong những năm trước đó nhưng quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học 1964 – 1975 đã có sự phát triển mới, được đẩy lên mức độ cao nhất, lí tưởng nhất, đó là con người sử thi. Thực ra ở giai đoạn trước đó trong thơ, cái tôi sử thi cũng đã xuất hiện nhưng đến chặng đường này mới đạt tới đỉnh cao. Con người sử thi thường được thể hiện ở thang giá trị cao nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất. Tâm trạng của tác giả khi thể hiện những nhân vật sử thi hay cái tôi trữ tình mang tính sử thi là sự sùng bái và ngưỡng mộ. Lời nói của sử thi là lời của nhân dân, lời của cộng đồng… Văn học sử thi hướng tới cái chung, cái cao cả, sự kiện lịch sử, số phận toàn dân, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nó thường phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử và có tính cách toàn dân. Vì thế, sử thi không phải là những số phận cá nhân mà là tiếng nói của cộng đồng, của dân tộc trước thử thách quyết liệt. Nhân vật trung tâm không đại diện cho con người cá nhân, mà đại diện cho giai cấp, dân tộc, thời đại với tính cách dường như kết tinh đầy đủ những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Con người sống chủ yếu với hiện tại và tương lai. Phẩm chất cao đẹp của con người sử thi được thể hiện trước hết ở lí tưởng cao cả về độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, ý thức sâu sắc được tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc (Nguyễn Văn Long). Trong thơ, Tố Hữu đã dặt dân tộc ta vào vị trí của “người lính đi đầu” trong cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, hướng tới lí tưởng xã hội chủ nghĩa: Nếu được làm hạt giống để mùa sau/Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa/Vui gì hơn là người lính đi đầu/Trong đếm tối, tim ta làm ngọn lửa! (Chào xuân 67). Tầm vóc của con người, của dân tộc được tôn vinh với tất cả niềm tự hào, kiêu hãnh. Cùng với lí tưởng cao đẹp, cái tôi Tố Hữu ý thức rất sâu sắc về lịch sử và truyền thống dân tộc tạo nên âm hưởng sử thi trang nghiêm, hào hùng trong những trang thơ. Những hình tượng Mị Châu, Sơn Tinh, Thạch Sanh, Phù Đổng,… xuất hiện trong thơ ông không chỉ tô đậm ý thức về lịch sử truyền thống của dân tộc mà còn tạo sự kết nối với hiện tại và tương lai. Trong cái nhìn của Tố Hữu, lịch sử chính là dòng chảy liên tục và ở mỗi đoạn đều in dấu những chiến công vĩ đại, thể hiện sức mạnh to lớn và phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta. Khi nhận thức về Tổ quốc, về lịch sử dân tộc, con người sử thi bao giờ cũng đứng trên trục không gian và thời gian với tầm vĩ mô để phát hiện và chiêm nghiệm. Tố Hữu đối diện với cả hai mươi thế kỉ; nhìn Nam, Bắc, Tây, Đông (Chào xuân 67), Chế Lan Viên thấy Tên Tổ quốc vang xa ngoài bờ cõi; đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng (Thời sự hè 72, bình luận). Đất Nước hiện lên thật bao la tráng lệ trong chiều rộng không gian địa lí Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc/Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi (Đất Nước, Nguyễn Khoa Điểm), Một đảo vắng Hòn Ngư còn chớp bể/Một rặng núi Kì Sơn còn lắm lúc mưa nguồn (Chế Lan Viên). Bên cạnh đó, hình ảnh đất nước còn được khám phá trong chiều dài thời gian lịch sử và bề sâu văn hóa. Một mạch nguồn văn hóa dân gian âm thầm chảy trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã làm nên một góc nhìn rất riêng Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi/Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể/Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn/Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc/Tóc mẹ thì búi sau đầu/Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn,… (Đất Nước). Trong cảm nhận của nhà thơ, Đất Nước hiện lên thật bình dị, trong miếng trầu giao duyên nên nghĩa nên tình, trong búi tóc của mẹ, trong kho tàng truyện cổ tích, ca dao bà thường hay kể,…nhưng cũng thật lớn lao khi khơi dậy trong tâm thức người đọc cả một bề dày và chiều sâu văn hóa nghìn đời của dân tộc rất đáng tự hào. Chế Lan Viên lại chiêm nghiệm Đất Nước từ những trang sử hào hùng suốt bốn ngàn năm của dân tộc: Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng/Chưa đâu và trong cả những ngày 15 đẹp nhất/Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn/Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng). Câu hỏi Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? không chỉ là câu hỏi hướng về quá khứ mà còn là câu hỏi của hiện tại và tương lai. Như vậy Đất Nước không chỉ được nhìn nhận trong quá khứ, mà còn được nhìn nhận trong mối tương quan với thời đại, với nhân loại để khẳng định sứ mệnh lịch sử của dân tộc Việt Nam, vai trò, ý nghĩa của cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta. Cuộc chiến đấu của chúng ta còn là Vì ba ngàn triệu trên đời. Lí tưởng cao đẹp, nhận thức sâu sắc sẽ thúc đẩy ý chí và hành động của con người sử thi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì họ thấu hiểu trách nhiệm và sứ mệnh của mình: Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai (Bằng Việt). Những nhân vật trong văn học thời kì chống Mĩ đều là những con người sử thi tiêu biểu cho khát vọng, cho ý chí chiến đấu và quyết thắng của cả dân tộc, tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đặt nhân vật vào trong những tình huống thử thách ngặt nghèo, giữa ranh giới của sự sống và cái chết là một cách bộc lộ rõ nhất ý chí cách mạng của con người. Khi bị trọng thương, bị lạc đồng đội, chỉ còn một mình trong rừng, hai mắt không còn nhìn thấy, chân không đi nổi, toàn thân đau điếng và nhỏ máu, Việt (Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi) vẫn không hề sợ hãi. Nghe tiếng súng giặc vây bốn bề, cậu vẫn nghĩ: Tao sẽ chờ mày. Trên trời có mày, dưới đất có mày. Cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày. Đối với Việt, chúng chỉ là những kẻ tàn bạo nhưng hèn nhát: mày chỉ giỏi giết gia đình tao nhưng đối với tao mày chỉ là thằng chạy… Tư thế của Việt vẫn là tư thế sẵn sàng chiến đấu, vẫn nguyên vị trí này, … Bị giặc đốt mười đầu ngón tay bằng dẻ tẩm nhựa xà nu, Tnú không cảm thấy lửa cháy ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh đau đớn đến cùng cực, và càng đau đớn hơn, khi kẻ thù đã dùng chính lửa xà nu vốn rất gắn bó với dân làng để đốt cháy bàn tay anh. Nhưng Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: người cộng sản không thèm kêu van. Tnú vẫn nhớ lời dặn của anh Quyết và anh đã ứng xử như một người anh hùng trung dũng, bất khuất. Tội ác của kẻ thù và phẩm chất kiên cường của Tnú đã thổi bùng lên sự phẫn uất và ý chí chiến đấu của dân làng Xô Man. Kết quả bão táp nổi lên và kẻ thù phải đền tội. Hành trình lên đường chiến đấu của những con người ấy là minh chứng cho chân lí cách mạng trong lời cụ Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo (Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành), trong câu nói nổi tiếng của Chị Út Tịch: Còn cái lai quần cũng đánh (Người mẹ cầm súng, Nguyễn Thi),… bởi họ hiểu rằng Còn thằng Mỹ thì không ai có hạnh phúc nổi cả (Anh Trỗi trong Sống như Anh). Vẻ đẹp trong đời sống tư tưởng, tình cảm đã làm nên sự toàn vẹn của con người sử thi trong thời kì chống Mỹ. Tình yêu thương, lòng vị tha, đức hi sinh,…khiến cho khoảng cách sử thi được được kéo gần lại, hình tượng người anh hùng trở nên gần gũi, bình dị hơn và cũng có sức sống hơn. Người đọc thấy sự gan góc, dũng cảm phi thường của chị Út Tịch nhưng cũng thấy được sự thủy chung tình nghĩa của người vợ với chồng, tình thương sâu sắc của một người mẹ đối với con. Tnú mưu trí, mạnh mẽ, quyết liệt trước kẻ thù và cũng giàu tình yêu thương buôn làng, rừng núi, yêu gia đình. Khi xa nhà, anh nhớ da diết tiếng chày giã gạo vang lên mỗi buổi chiều. Nó gắn liền với hình ảnh của những người phụ nữ Strá dịu dàng, tần tảo như mẹ anh, như Mai, như Dít. Nó mang theo cả nhịp sống bình yên, đầm ấm của quê nhà. Nỗi xúc động đã khiến chân anh vấp mãi mấy cái rễ cây ở chỗ ngã quẹo vào làng. Tnú nhớ từng khuôn mặt người làng Xô Man từ những cụ già đến những đứa trẻ lau nhau, mặt mày lem luốc khói xà nu. Đặc biệt là cụ Mết vẫn quắc thước như xưa, mắt vẫn sáng, bàn tay nặng trịch, giọng nói 16 ồ ồ dội vang lồng ngực, ngực căng như một cây xà nu lớn… Và còn cả Dít nữa. Anh thấy trong Dít hình ảnh của Mai với đôi mắt mở to, bình thản, trong suốt… Nhớ lại quá khứ đau thương, nhìn cảnh vợ con bị tra tấn: Tnú nhảy xổ vào giữa bọn lính… Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai. Anh đã không thể nghe theo tiếng gọi của lí trí, không nghe theo lời khuyên của cụ Mết khi chứng kiến cảnh vợ con bị hành hạ. Dù biết rằng sẽ phải trả giá bằng tính mạng của mình, Tnú vẫn xông vào giữa vòng vây của bọn lính, dang đôi cánh tay vững chắc che chở cho mẹ con Mai. Có thể nói, tính chất khái quát, điển hình là đặc điểm nổi bật của con người sử thi, mỗi con người đều là đại diện tiêu biểu, kết tinh cho những gì tốt đẹp nhất của giai cấp, cộng đồng, dân tộc, thể hiện trọn vẹn ý chí, sức mạnh, phẩm chất của cả một tập thể. Vì thế cảm hứng ngợi ca, tự hào, ngưỡng mộ là cảm hứng chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm thời kì này. Các nhân vật được xây dựng thường đạt đến mức lí tưởng hóa, vừa là một thành công khi thể hiện được sức mạnh và vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam nhưng không tránh khỏi sự ca ngợi một chiều, có tính phiến diện về cuộc sống và con người trong chiến tranh. Nhận ra được điều này, những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ, một số tác giả đã có xu hướng đi sâu vào hiện thực, không chỉ ngợi ca mà còn chú ý đến sự khắc nghiệt của chiến tranh, những hi sinh, mất mát, hiện thực có phần gai góc khiến cho yếu tố sử thi bắt đầu nhạt dần. Nhưng nói chung thành tựu nổi bật vẫn là hình tượng con người sử thi. 2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay 2.1. Hoàn cảnh lịch sử và những chuyển biến về xã hội, văn hóa, tư tưởng Cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, bước vào thời kì hòa bình, xây dựng và phát triển. Những năm đầu, dư âm của cuộc kháng chiến vẫn còn trong cuộc sống và trong lòng người, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn vẫn được tiếp nối trong văn học. Bên cạnh đó, những điều kiện lịch sử mới cũng dần làm thay đổi cách nhìn nhận của con người. Cuộc chiến tranh vừa trải qua một lần nữa được nhìn nhận và đánh giá toàn diện, không chỉ ở thắng lợi vĩ đại cùng ý nghĩa lớn lao đối với đất nước mà còn cả ở những hậu quả mà chiến tranh để lại. Đất nước bị chia cắt, nền kinh tế lạc hậu, thấp kém, các làng mạc, thành phố bị tàn phá, bao nhiêu người đã ngã xuống, những hi sinh, mất mát quá lớn về cả vật chất lẫn tinh thần, … Thêm vào đó là sự cấm vận, cô lập của các thể lực thù địch càng đẩy Việt Nam vào tình thể khó khăn. Sự khủng hoảng và tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã tác động không nhỏ đến tình hình trong nước. Trước hoàn cảnh ấy, yêu cầu phải có sự đổi mới để đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khó khăn, khủng hoảng là điều cần thiết. Đại VI (1986) của Đảng đã đề ra chủ trương mở cửa, từng bước đưa nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa,… Sự chuyển biến trên lĩnh vực kinh tế, chính trị sẽ dẫn đến sự chuyển biến trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Trong thời chiến, cuộc sống cá nhân, riêng tư của con người bị thu hẹp đến mức tối thiểu để nhường chỗ cho đời sống chung của cộng đồng. Con người được nhìn nhận chủ yếu với tư cách của con người dân tộc, con người chính trị, con người của giai cấp. Khi hòa bình lập lại, quay trở về cuộc sống muôn mặt đời thường, với những thật – giả, tốt- xấu, trắng – đen lẫn lộn, ý thức cá nhân đã thức tỉnh với những nhu cầu mới, quan niệm thẩm mĩ mới. Nhiều giá trị trước đây được coi là bền vững nhưng giờ đây đang lung lay, rạn nứt trong khi những giá trị mới lại đang trong quá trình hình thành. Trong tình hình ấy, đời sống văn hóa – tư tưởng cũng có diện mạo diễn biến khá phức tạp, thậm chí có khi rơi vào khủng hoảng ở một bộ phận nào đó. Có khi sự phê phán những hạn chế, bất cập một thời đã qua được đẩy lên thành phủ định sạch trơn, 17 quay lưng lại với mọi giá trị truyền thống. Cũng có không ít người rơi vào tình thế lưỡng nan, trở thành kẻ bảo thủ, lạc hậu, không tìm thấy chỗ đứng trong xã hội mới. Một bộ phận trong giới trẻ chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, coi nhẹ các giá trị tinh thần, nhân bản,… Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa,… đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của văn học Việt Nam sau năm 1975. Hiện thực mới, nhu cầu thẩm mĩ mới đã khiến cho văn học cần phải thay đổi để theo kịp với thời đại, phản ánh được những vấn đề của cuộc sống . Nhu cầu đổi mới văn học đã được đặt ra một cách cấp thiết, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ nhà văn đến độc giả, từ nội dung đến hình thức, từ sáng tác đến tiếp nhận,… Không khí dân chủ trong đời sống văn hóa, văn học đã tác động rất lớn đến sáng tác của các nhà văn. Nhiều vấn đề trong quá khứ được xem xét và nhìn nhận lại một cách khách quan, trên nhiều bình diện hơn. Những vấn đề trước đây bị né tránh thì nay được đề cập đến và đánh giá sâu sắc,... Bên cạnh đó, quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế đã khiến cho văn học Việt Nam không còn khép mình như trước đây nữa mà đã từng bước giao lưu, mở rộng tiếp nhận ảnh hưởng của các nền văn học nước ngoài. Rất nhiều những trường phái, trào lưu, lí thuyết hiện đại của phương Tây như chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, phân tâm học, chủ nghĩa hậu hiện đại,… được giới thiệu và được tiếp nhận ở Việt Nam,… cũng khiến cho ý thức của các nhà văn thay đổi, đòi hỏi phải tìm tòi để đổi mới đáp ứng được yêu cầu hội nhập của thế giới, đồng thời thị hiếu của người đọc cũng ngày càng được nâng cao hơn,… Tất cả những điều kiện đó đã thúc đẩy sự đổi mới văn học một cách toàn diện trên tất cả các mặt trong đó quan trọng nhất là ý thức nghệ thuật của các nhà văn, mà hạt nhân chính là quan niệm nghệ thuật về con người. 2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người a. Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người Trong văn học Việt Nam trước 1975, con người hiện ra chủ yếu với tư cách là con người của dân tộc, cộng đồng, nói như Bakhtin, đó là con người luôn khoác bộ áo xã hội, luôn trùng khít với địa vị xã hội của mình, con người đơn giản, dễ hiểu, đẹp đến mức hoàn hảo, thánh thiện, còn như nhà nghiên cứu Niculin (Nga) thì đó là con người được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng. Nhưng văn học sau 1975 đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong quan niệm về con người được thể hiện ở hai điểm sau: - Điểm thứ nhất là sự chuyển biến từ quan niệm con người dân tộc, con người sử thi sang quan niệm về con người theo kiểu đời tư, thế sự. Các tác giả quan tâm và đào sâu hơn vào con người cá nhân – con người không trùng khít với chính mình, con người phức tạp, đa chiều, và đầy bí ẩn. Con người cá nhân trong Thơ mới khao khát được sống thật với chính mình, với mọi cảm xúc, rung động, trong tình yêu và khi bị đẩy đến mức cực đoan, nó trở thành con người cô đơn, hoài nghi với chính nó. Nhưng con người cá nhân trong văn học sau 1975 lại được đặt trong nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp: con người với xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác và với chính mình. Dòng chảy đời thường ở thời đại ý thức cá nhân phát triển tạo cho con người một diện mạo mới: phong phú, phức tạp, nhiều bí ẩn và nhà văn trong nỗ lực khám phá, chiếm lĩnh đời sống nhận ra mỗi cá thể là một “tiểu vũ trụ” không thể biết hết, không thể biết trước… (Nguyễn Văn Long (cb), Giáo trình văn học Việt Nam hiện đại, Tập 2, NXB Đại học sư phạm, 2007). Quan niệm con người phức tạp, đa chiều, con người được đặt trong nhiều mỗi quan hệ đời sống giống như một sự đối thoại với quá khứ (con người một chiều, con người đơn trị), đề cao những giá trị nhân bản. Nguyễn Minh Châu – người đã đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa, nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới nhận thấy trong con người tôi đang 18 sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ. Trong Bức tranh, người họa sĩ đã đặt mình trước tòa án lương tâm để phán xét, để đánh giá về chính bản thân. Hai tiếng nói cùng đấu tranh trong con người anh ta. Một mặt, anh ta biện hộ cho hành động thất hứa của mình và cho rằng Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc người nghệ sĩ là phục vụ cả một số đông người, chứ không phải phục vụ một người!. Nhưng mặt khác, khi đối diện với một người lính đã phải chịu quá nhiều mất mát qua chiến tranh, người mẹ vì không biết được tin tức của anh khóc đến lòa cả hai mắt, anh ta lại thấy mình là một kẻ dối trá. Tiếng nói tự vấn cất lên khiến người họa sĩ cảm thấy day dứt, không yên Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên quên tôi đi hả?... Có quyền lừa dối hả?. Chân dung của người họa sĩ là sự khắc họa khuôn mặt bên trong của chính mình, cho thấy hứng thú khám phá con người bên trong con người của Nguyễn Minh Châu. Quan niệm con người đa chiều, con người của những nỗi niềm nguồn cơn còn được thể hiện trong một loạt những tác phẩm sau này của ông như Hạnh, Cơn giông, Sắm vai, Chiếc thuyền ngoài xa, Mùa trái cóc ở miền Nam,... Những mâu thuẫn, giằng xé về tâm lí đã được Nguyễn Minh Châu khai thác rất sâu sắc làm hiện lên nội tâm đầy phức tạp của con người. Cùng quan điểm với ông, nhà văn Nguyễn Khải đã từng thấy ngạc nhiên khi có người ăn no mà buồn, không phải lo nghĩ mà buồn (Anh hùng bĩ vận), hiền lành là thế, hồn nhiên là thế mà có ngày sẽ trở thành sát nhân ư (Đổi đời). Chế Lan Viên thì nhấn mạnh Anh là tháp Bay-on bốn mặt/Giấu đi ba, còn lại đấy là anh (Tháp Bay – on bốn mặt). Con người đa ngã, hiện diện nhiều chiều và ở đó cái Thiện vỗ vai cái ác/ Cả hai cùng cười đi về tương lai (Trần Nhuận Minh). Nhưng con người không chỉ phức tạp mà còn rất bí ẩn, mỗi con người là một tiểu vũ trụ mà người ta không thể đoán trước được số phận, tính cách sẽ như thế nào, và thường có những hành động, những bước rẽ ngoặt bất ngờ. Đó là con người trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Vàng lửa, Con gái thủy thần, Chảy đi sông ơi, Kiếm sắc,… ). Nhà văn thấy ở đó hàng loạt những nghịch lí bất ngờ: ở hiền thì lại gặp bất trắc, đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa, bỉ ổi, đi tìm điều thiện thì gặp điều ác, những kẻ có trí thức thì giả dối, dâm ô,… Con người vừa là tự nhiên vừa là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội khiến cho nhân vật không giản đơn mà bí ẩn, khi hành động theo sự lí trí tỉnh táo nhưng cũng có khi lại đi theo tiếng nói của vô thức, từ sâu thẳm tâm linh. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong thơ sau 1975. Con người luôn khao khát đào sâu vào cái vũ trụ người, khám phá những vùng mờ của tâm linh, vô thức, có thể tìm thấy trong những tác phẩm của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng,… - Điểm thứ hai là con người được mở rộng khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện, nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm, đời sống tự nhiên, bản năng, những khát vọng cao cả và những dục vọng tầm thường, con người cá nhân, con người xã hội, con người nhân loại,…. Sự chuyển biến trong quan niệm nghệ thuật về con người có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi của văn học sau 1975 so với giai đoạn văn học trước đó. Dưới đây chúng tôi đi vào một số kiểu con người chủ yếu được thể hiện trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ thời kì này. b. Những kiểu con người chủ yếu * Con người cá nhân đời thường Văn học trước 1975 chủ yếu hướng vào phản ánh và ca ngợi hiện thực đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Nhưng giờ đây quan niệm hiện thực của các nhà văn đang thay đổi, mở ra nhiều góc nhìn mới. Đó là hiện thực đa chiều với các quan hệ thế sự đa doan, phực tạp làm nên những mạch nổi và mạch ngầm của đời sống. Con 19 người đặt trong hiện thực ấy không còn là con người lí tưởng, toàn vẹn như trong văn học cách mạng nữa mà là con người đời thường, con người phàm tục, con người không hoàn hảo, trộn lẫn cả những cái xấu và cái tốt, ma quỷ và thiên thần,… Những mặt trái, những cái được xem như là xấu xa, tầm thường được chú ý đã phá vỡ bầu không khí vô trùng của con người sử thi, bắt buộc con người phải lăn lộn, phải giằng xé trong những nghịch lí đời thường. Ta sẽ gặp trong tác phẩm những con người bị đồng tiền làm cho biến dạng, tha hóa, trở nên độc ác (Giọt máu, Nguyễn Huy Thiệp), con người nhạt nhẽo, đói khát, tham lam (Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Mẹ con chị Hằng của Nguyễn Minh Châu, con người cứng nhắc với những khuôn mẫu, những giáo điều (Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Mùa trái cóc ở miền Nam của Nguyễn Minh Châu), con người với những nỗi buồn vì cảm thấy khủng hoảng, mất niềm tin, vì bất an trước thời cuộc (trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ,… ) Thơ Việt Nam sau 1975 vẫn tiếp nối cảm hứng sử thi trong những năm đầu như một quán tính nghệ thuật với việc xuất hiện hàng loạt những trường ca tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc (Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh,… ). Tuy vẫn mang âm hưởng hào hùng, ngợi ca chiến thắng nhưng các nhà thơ đã nói nhiều hơn về sự hi sinh, về bi kịch, về nỗi đau của con người qua chiến tranh: Một mình một mâm cơm/Ngồi bên nào cũng lệch/Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền (Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh). Tính chất sử thi nhạt dần và con người đời thường, con người của những mối quan hệ thế sự, đời tư đang trở lại. Có những nỗi buồn trước kia giấu kín nay được công khai bày tỏ. Đó là khi phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh không dễ dàng, con người chỉ nghĩ về sự tồn tại mà xa dần truyện, bớt dần thơ (Nguyễn Duy), là khi nhận thức về hiện thực với biết bao bi kịch khổ đau, quan hệ của con người thì càng ngày càng lỏng lẻo, xã hội đầy những khiếm khuyết, những vẫn đề nhức nhối, những bất trắc, bất an,… Đối mặt với nó, con người thấy khủng hoảng, hoang mang, bế tắc, niềm tin đổ vỡ Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi (Tản mạn thời tôi sống, Nguyễn Trọng Tạo). Nỗi đau xót dâng lên khi nhìn thấy đất nước trong hiện tại thật nhiều khổ đau và những cảnh ngộ bất hạnh lắm ăn mày, lắm thứ ma, lắm trẻ con thất học, tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt,… (Nhìn từ xa… Tổ quốc, Nguyễn Duy). Nhưng quan trọng hơn, dù còn bế tắc, còn chưa trả lời được câu hỏi Người sống với nhau như thế nào?, con người vẫn luôn tìm kiếm, vượt lên hướng tới những giá trị chân – thiện – mĩ, vẫn thành thật bộc bạch những khát vọng về hòa bình, về tình yêu và hạnh phúc riêng tư. Xuân Quỳnh có lẽ là hồn thơ nồng nàn nhất, da diết nhất trong những khát vọng hạnh phúc đời thường. Luôn khát khao tình yêu dù biết rằng tình yêu không phải là vĩnh viễn hôm nay yêu mai có thể xa rồi nên nỗi lo âu lúc nào cũng thường trực Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết tình anh có đổi thay (Hoa cỏ may). Nhưng dẫu thế nào, người phụ nữ ấy vẫn luôn muốn yêu, khao khát được yêu đến tận cùng như lời Tự hát của chị Em trở về đúng nghĩa trái tim em/Là máu thịt đời thường ai chẳng có/Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa/Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi. Khát yêu, khát hạnh phúc, khát yên bình,… là những nỗi niềm thật đời thường, bình dị giữa cuộc đời nhiều sóng gió, thăng trầm. Con người trong thơ Ý Nhi cứ mải miết đi tìm một nơi chốn yên bình Này hỡi Yên bình, ngươi ở đâu? nhưng đến giữa yên bình lại thấy bồn chồn, xao xác. Hạnh phúc và buồn đau cứ đan xen nhau làm cõi lòng không thể tĩnh lặng: Giữa chiều lạnh/một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt dời/vội vã như thể đó là lần sau chót/…/Trong mũi đan kia ẩn chứa niềm hân hoan hay nỗi lo âu/trong đôi mắt kia là chán trường hay hi vọng (Người đàn bà ngồi đan). Có thể nói trở về với đời thường, phơi trải nỗi niềm riêng tư cá nhân đã trở thành một xu hướng lớn của thơ ca sau 1975. Đó cũng là điều mà Chế Lan Viên trong những năm cuối đời đã từng nhắn 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan