Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ CHUYÊN ĐỀ MÔN NGỮ VĂN Truyện ngắn Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành...

Tài liệu CHUYÊN ĐỀ MÔN NGỮ VĂN Truyện ngắn Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành

.DOC
19
2071
104

Mô tả:

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT NGUYỄN VIẾT XUÂN ---------------------------- CHUYÊN ĐỀ LUYỆN THI ĐẠI HỌC – CAO ĐẲNG MÔN: NGỮ VĂN Tên chuyên đề: Truyện ngắn Rừng Xà nu của Nguyễn Trung Thành Tác giả: Họ và tên: Nguyễn Thị Phú – Tổ trưởng tổ Văn – Giáo Dục Công Dân Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Vĩnh Tường, tháng 3/2014 0 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT NGUYỄN VIẾT XUÂN ---------------------------- CHUYÊN ĐỀ LUYỆN THI ĐẠI HỌC – CAO ĐẲNG Môn: Ngữ văn Tên chuyên đề: Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành A. Tác giả chuyên đề Họ và tên: Nguyễn Thị Phú – Tổ trưởng tổ Văn – Giáo Dục Công Dân Trường THPT Nguyễn Viết Xuân –Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc. B. Đối tượng học sinh bồi dưỡng Học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Viết Xuân. C. Hệ thống kiến thức sử dụng trong chuyên đề. - Kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa bao gồm các văn bản, hệ thống các câu hỏi, các bài tập nâng cao… - Các tài liệu hướng dẫn giảng dạy, các loại sách tham khảo dành cho giáo viên. - Các đề thi Đại học, Cao đẳng trong những năm gần đây. D. Hệ thống các dạng bài tập đặc trưng của chuyên đề. - Tái hiện kiến thức về tác giả, tác phẩm - Phân tích hình tượng nhân vật. - So sánh sự tương đồng và khác biệt giữa các nhân vật trong các tác phẩm. - Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật trong tác phẩm. E. Dự kiến số tiết bồi dưỡng: 10 tiết G. Hệ thống các phương pháp cơ bản - Đọc và tự phát hiện những nét cơ bản, sau đó giáo viên hệ thống tóm tắt (với loại câu hỏi 2 điểm) - Hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề, tìm ý, tìm dẫn chứng minh họa, giáo viên tóm tắt chọn phương án thích hợp.(với loại câu hỏi 5 điểm) H. Hệ thống các dạng đề minh họa cụ thể. 1 I. Dạng đề dành cho câu hỏi 2 điểm. Đề 1: Trình bày những nét chính về tác giả Nguyễn Trung Thành. 1. Cuộc đời. Nguyễn Trung Thành tên khai sinh là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyên Ngọc. Ông sinh năm 1932, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, ông gia nhập quân đội. Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông được chuyển làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V. Sau năm 1954, nhà văn tập kết ra Bắc. Năm 1962 ông trở lại chiến trường miền Nam, là chủ tịch chi hội văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ , đồng thời phụ trách tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung bộ. Sau năm 1975, ông ra Hà Nội làm Phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam đến năm 1983, Tổng biên tập báo Văn nghệ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, IV. Ông có nhiều hoạt động thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học. 2. Sự nghiệp văn học. -Những tác phẩm chính; Đất nước đứng lên; tiểu thuyết, giải nhất Giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Rẻo cao; tập truyện ngắn, 1961. Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc; tập truyện và kí 1969 Đất Quảng ; tiểu thuyết 1971-1974. Sáng tác của Nguyễn Trung Thành mang đậm tính sử thi: Phản ánh những nhân vật anh hùng, những vấn đề lớn của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đặc biệt là chiến trường Tây Nguyên, mảnh đất ông đã từng gắn bó sâu nặng. Đây cũng là thành công lớn nhất trong sự nghiệp văn học của ông. 2 Đề 2: Nêu xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). 1. Xuất xứ. Rừng xà nu (1965) ra mắt lần đầu tiên trên Tạp chí văn nghệ quân giải phóng miền Trung Trung bộ số 2- 1965, sau đó được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. 2. Hoàn cảnh ra đời. - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ- ne –vơ được kí kết, đất nước chia làm hai miền. Kẻ thù phá hoại hiệp định, khủng bố, thảm sát, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cách mạng rơi vào thời kỳ đen tối. - Đầu năm 1965, Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam và tiến hành đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Nguyễn Trung Thành và các nhà văn miền Nam lúc đó muốn viết “ hịch thời đánh Mĩ” . Rừng xà nu được viết vào đúng thời điểm mà cả nước ta trong không khí sôi sục đánh Mĩ. Tác phẩm được hoàn thành ở khu căn cứ của chiến trường miền Trung Trung bộ. - Mặc dù Rừng xà nu viết về sự kiện nổi dậy của buôn làng Tây Nguyên trong thời kì đồng khởi trước năm 1960 nhưng chủ đề tư tưởng của tác phẩm vẫn có quan hệ mật thiết với tình hình thời sự của cuộc kháng chiến lúc tác phẩm ra đời. Đề 3: Tóm tắt truyện, nhận xét cốt truyện và cách bố cục của truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). 1.Tóm tắt truyện. Làng Xô man ở trong tầm đại bác của giặc, đạn đại bác tàn phá rừng xà nu. Nhưng cũng như những người dân làng Xô man, rừng xà nu vẫn kiên cường bất khuất. Tnú về thăm làng sau ba năm đi lực lượng. Nhân dịp Tnú trở về, cụ Mết đã kể cho dân làng về cuộc đời Tnú. 3 - Hồi đó, Mĩ- Diệm khủng bố dã man nhưng dân làng vẫn tìm cách nuôi giấu cán bộ. Tnú được anh Quyết – cán bộ cách mạng dìu dắt. Tnú học chữ và làm liên lạc. Tnú bị bắt và bị giam cầm, tra tấn. Anh vượt ngục trở về cùng dân làng chuẩn bị vũ khí chiến đấu. Bọn giặc ập tới khủng bố. Mai và đứa con vừa tròn tháng tuổi bị giặc bắt. Trước cảnh vợ con anh bị hành hạ dã man, từ nơi ẩn nấp, Tnú lao ra với sức mạnh của lòng căm thù. Tnú bị bắt, vợ con anh bị giặc giết, giặc đốt mười ngón tay anh. Dân làng vùng lên cứu anh và giết bọn ác ôn. Rồi Tnú ra nhập lực lượng vũ trang và tìm giết những thằng Dục với mười ngón tay cụt. -Sáng hôm sau, cụ Mết và Dít tiễn Tnú ra đi trước cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời. 2. Nhận xét cốt truyện và cách bố cục của truyện. -Rừng xà nu được kể sau một lần về thăm làng của Tnú sau ba năm đi lực lượng. Đêm ấy, dân làng quây quần bên bếp lửa nhà rông nghe cụ Mết kể lại câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú và cuộc nổi dậy của dân làng Xô man. -Rừng xà nu là sự lồng quyện hai cuộc đời: Cuộc đời Tnú và cuộc đời dân làng Xô man. Hai cuộc đời ấy đều đi từ bóng tối đau thương ra ánh sáng của chiến đấu và chiến thắng , đi từ hai bàn tay không đến hai bàn tay cầm vũ khí đứng lên dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. - Cốt truyện Rừng xà nu căng ra trong xung đột quyết liệt một mất một còn giữa một bên là nhân dân, một bên là kẻ thù Mĩ- Diệm. Xung đột ấy đi theo tình thế đảo ngược mà thời điểm đánh dấu là lúc ngọn lửa của lòng căm thù ngùn ngụt cháy trên mười đầu ngón tay Tnú. 4 Đề 4. Ý nghĩa nhan đề của truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). - Nhà văn có thể đặt tên cho tác phẩm của mình là “Làng Xô man” hay đơn giản hơn là “Tnú” - nhân vật chính của truyện. Nhưng nếu như vậy tác phẩm sẽ mất đi sức khái quát và sự gợi mở. - Đặt tên cho tác phẩm là Rừng xà nu dường như đã chứa đựng được cảm xúc của nhà văn và linh hồn tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Hơn nữa, Rừng xà nu còn ẩn chứa cái khí vị khó quên của đất rừng Tây Nguyên, gợi lên vẻ đẹp hùng tráng, man dại - một sức sống bất diệt của cây xà nu và tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên. - Bởi vậy, Rừng xà nu mang nhiều tầng ý nghĩa bao gồm cả ý nghĩa tả thực lẫn ý nghĩa tượng trưng. Hai lớp ý nghĩa này xuyên thấm vào nhau toát lên hình tượng sinh động của xà nu, đưa lại không khí Tây Nguyên rất đậm đà cho tác phẩm. Đề 5. Ý nghĩa của hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) - Xà nu là một loại cây có thật, mọc nhiều ở Tây Nguyên. Miêu tả chân thực cây xà nu, nhà văn đã vẽ ra trước mắt người đọc một khung cảnh thực, một không gian thực, góp phần tạo nên khí vị Tây Nguyên cho tác phẩm. - Cây xà nu được nhà văn nhân hóa và xây dựng thành một biểu tượng nghệ thuật tượng trưng cho số phận và phẩm chất của người dân Tây Nguyên; chịu nhiều đau thương trong chiến tranh; sức sống dẻo dai, tinh thần bất khuất; khát khao tự do, vươn tới ánh sáng cách mạng; sự tiếp nối của các thế hệ người dân Tây Nguyên. -Hình tượng cây xà nu là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, vừa soi sáng chủ đề tư tưởng của tác phẩm vừa đem lại chất thơ và mầu sắc sử thi cho thiên truyện. 5 II Dạng đề dành cho câu hỏi 5 điểm. Đề 6: Phân tích hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của nguyễn Trung Thành 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất và con người nơi đây. Truyện ngắn Rừng xà nu ra đời năm 1965, khi đế quốc Mĩ bắt đầu đổ quân ào ạt vào miền Nam, là câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô man. Một trong những thành công nổi bật của tác phẩm là xây dựng hình tượng nghệ thuật độc đáo: hình tượng rừng xà nu. 2. Phân tích hình tượng rừng xà nu: a. Rừng xà nu được miêu tả cụ thể, gắn bó với con người Tây Nguyên - Cây xà nu hiện lên trong tác phẩm trước hết là một loài cây đặc thù, tiêu biểu của miền đất Tây Nguyên. Mở đầu và kết thúc tác phẩm cũng bằng hình ảnh của cây xà nu Cây xà nu, rừng xà nu như chính dân làng Xô man, như người dân Tây nguyên trên núi rừng trùng điệp: “đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời” - Cây xà nu gắn bó thân thiết với cuộc sống người dân Tây Nguyên trong sinh hoạt hàng ngày, trong đấu tranh chống giặc, thấm vào nếp nghĩ và cảm xúc. Rừng xà nu là lá chắn để bảo vệ làng Xô man trước đạn pháo của giặc: “Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”. - Cây xà nu có sức sống mãnh liệt: “trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy”. Đây là yếu tố cơ bản để xà nu vượt qua giới hạn của sự sống và cái chết. Sự tồn tại ngay trong sự hủy diệt: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên” b. Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ - Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác của kẻ thù gợi cho ta nghĩ đến đau thương mà đồng bào ta phải trải qua trong thời kì cách mạng miền Nam bị 6 khủng bố khốc liệt.Trong bom đạn chiến tranh thương tích đầy mình, cây xà nu vẫn hiên ngang vươn lên mạnh mẽ như người dân Tây Nguyên kiên cường bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù. - Cây xà nu rắn rỏi, ham ánh nắng mặt trời tựa như người Xô man chân thật, mộc mạc, phóng khoáng, yêu cuộc sống tự do. - Cây xà nu- rừng xà nu tầng tầng lớp lớp, kế tiếp nhau lớn lên trong bom đạn với một sức sống mãnh liệt không gì ngăn cản nổi gợi cho ta nghĩ đến sự tiếp nối của nhiều thế hệ người Tây Nguyên đứng lên đấu tranh giữ gìn xứ sở và truyền thống cha ông. - Rừng xà nu tạo thành bức tường vững chắc hiên ngang trước bom đạn cũng là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết của người dân Tây Nguyên khiến kẻ thù phải khiếp sợ. 3. Kết luận: Hình tượng rừng xà nu là một sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành, tiêu biểu cho vẻ đẹp hào hùng, đầy sức sống của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Với hình tượng này tác giả đã tạo nên chất sử thi, vẻ đẹp lãng mạn của tác phẩm. Đề 7: Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm Nguyễn Trung Thành là một nhà văn gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công về mảnh đất và con người nơi đây.Truyện ngắn Rừng xà nu là câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô man. Hình tượng nhân vật Tnú là một trong những thành công nổi bật của tác phẩm này. 2. Phân tích hình tượng nhân vật Tnú a. Khi còn nhỏ - Tnú là cậu bé gan góc, dũng cảm biểu lộ một tính cách táo bạo mạnh mẽ - Thay người già làm liên lạc, nuôi dấu cán bộ, nhanh nhẹn luồn rừng đưa thư, vượt qua suối lũ một cách dũng cảm 7 - Dám cầm đá tự đập vào đầu chảy máu ròng ròng khi học cái chữ không thuộc. Đặc biệt là sự gan dạ dũng cảm khi bị giặc bắt, chú bé này đã chỉ tay vào bụng mình và nói: “Cộng sản ở đây này”. Mặc cho những vết dao chém dọc ngang trên tấm lưng bé nhỏ. Tnú vẫn không khai báo, vẫn gan dạ kiên cường. b. Khi thoát ngục Kon tum trở về. - Tnú là một chàng trai cường tráng, hiểu biết, được tôi luyện qua nhiều thử thách - Tnú giống như một cây xà nu trưởng thành, vạm vỡ, căng tràn nhựa sống và ham ánh sáng. - Theo lời dạy của anh Quyết, Tnú thay anh làm cán bộ và một lần nữa anh lên núi Ngọc Linh nhưng không phải lấy đá để làm phấn mà là để mài giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. - Tnú nhìn thấy rõ con đường để đi theo cách mạng và có một cuộc sống hạnh phúc với tình yêu của Mai, với đứa con mới chào đời. Nhưng quãng đời hạnh phúc ấy thật ngắn ngủi, giặc đã cầm súng kéo về, buôn làng còn chưa kịp cầm vũ khí. Tnú cùng thanh niên trong làng phải trốn vào rừng để rồi một mình Tnú lại xông ra che chở cho mẹ con Mai trước đòn roi của kẻ thù, nhưng cả hai đều không sống được. Không những không cứu được vợ con, Tnú còn bị kẻ thù đốt cháy mười đầu ngón tay: “Mỗi ngón chỉ còn hai đốt…không mọc lại được”. Nỗi đau này là minh chứng hùng hồn cho câu nói của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. c. Khi cầm vũ khí chiến đấu - Hình ảnh Tnú hiện lên như những anh hùng thời nào trong các khan, trong các trường ca Tây Nguyên - Khi đốt cháy bàn tay Tnú, bọn giặc muốn dập tắt ý chí phản kháng, muốn tiêu diệt khát vọng chiến đấu của người Xô man. Nhưng Tnú và dân làng không cam chịu khuất phục, mà ngược lại họ đã phản kháng quyết liệt. Tiếng hét căm hờn, phẫn uất đã vang vọng khắp núi rừng Xô man. Xác mười tên giặc nằm ngổn ngang trên mặt đất. Một điều không thể thiếu khi nhắc tới cuộc đời Tnú đó chính là hình ảnh hai bàn tay của anh. Đôi bàn tay khi bị đốt cháy đã nhóm lên ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc của dân làng Xô man. Nó còn soi sáng cuộc đời anh. Anh đã thay mặt dân làng Xô man lên đường theo kháng chiến đi tìm những thằng Dục khác. Khi 8 đối mặt với kẻ thù, anh đã giết chúng bằng đôi bàn tay đầy thương tích ấy: “Tao giết mày bằng mười ngón tay cụt này thôi, tao bóp cổ mày thôi”. Đôi bàn tay ấy là đôi bàn tay cần cù, trung thành với Đảng, lớn lên là bàn tay yêu thương. Nó còn là biểu tượng cho ý chí bất khuất, cho sức sống mãnh liệt của Tnú. Đó là ý chí chiến đấu, là khát vọng chiến thắng.  Câu chuyện về cuộc đời và con đường của Tnú còn điển hình cho con đường đấu tranh đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, làm sáng tỏ chân lí của thời đại: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” - dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng. d. Nghệ thuật xây dựng nhân vật. Âm hưởng sử thi chi phối tác giả trong khi xây dựng nhân vật này. Tnú có cuộc đời tư nhưng không được quan sát từ cái nhìn đời tư. Tác giả xuất phát từ vấn đề cộng đồng để phản ánh đời tư của Tnú. Nhân vật hiện lên trong cách trần thuật đậm chất sử thi, những tình huống thử thách, vừa có nét cá tính vừa khái quát tiêu biểu; sử dụng bút pháp biểu tượng, ngôn ngữ mang sắc thái Tây Nguyên. 3. Kết luận: Xây dựng thành công nhân vật Tnú, nhà văn đã khắc họa được hình ảnh tiêu biểu của con người mang đậm dòng máu, tính cách của người dân Tây Nguyên. Qua hình tượng này, tác giả còn gợi ra số phân và phẩm chất của cả cộng đồng trong cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng. Nguyễn Trung Thành đã giúp người đọc thêm hiểu và thêm trân trọng con người Tây Nguyên với biết bao phẩm chất thật đẹp, thật cao quý. 9 Đề 8 Tính sử thi của tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) . 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm. Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều tác phẩm thành công viết về mảnh đất và con người nơi đây. Truyện ngắn Rừng xà nu là câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô man. Để minh họa cho một nền văn học in đậm tính sử thi trong văn học Việt Nam 1945-1975 thì Rừng xà nu là tác phẩm tiêu biểu. 2. Tính sử thi trong tác phẩm Rừng xà nu a. Tính sử thi được biểu lộ trước hết ở những sự kiện có tính chất toàn dân được nhắc tới. Những chuyện xảy ra với làng Xô man hoàn toàn không có ý nghĩa cá biệt. Chúng là chuyện chung của cả Tây Nguyên, cả miền Nam, cả nước trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mĩ. Tình thế bị o ép của làng Xô man trước ngày đồng khởi là bức tranh sinh động về cuộc sống đau thương của đồng bào miền Nam trong những ngày Mĩ- Diệm thi hành luật 10- 59, khủng bố dữ dội những người yêu nước, những người kháng chiến cũ. Khi làng Xô man đứng dậy thì gương mặt của làng lúc này lại chính là gương mặt của cả nước trong những ngày quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ- một gương mặt rạng rỡ, tự tin, điềm tĩnh đón nhận những thử thách mới. b. Rừng xà nu đã xây dựng thành công hình tượng một tập thể anh hùng. Những anh hùng được kể tới trong đó đều có tính đại diện cao, mang trong mình hình ảnh của cả một dân tộc. Tập thể anh hùng trong Rừng xà nu là tập thể đa dạng về lứa tuổi và giới tính. Mỗi nhân vật anh hùng đều có những nét riêng, thể hiện một số phận riêng trong cuộc đời chung. Tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực, một lòng một dạ đi theo cách mạng. Chiến công của mỗi người tuy đa dạng mà thống nhất. Cuốn sử thi vẻ vang của làng Xô man, của Tây Nguyên không phải do riêng một người mà do tất cả mọi người viết ra. Bản trường ca của núi rừng không chỉ trỗi lên một giọng mà là sự tổng hòa của nhiều giọng. Anh Quyết, cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, bé Heng là những nhân vật tiêu 10 biểu nhưng bên cạnh họ, đằng sau họ còn có bao người khác nữa cũng không chịu sống mờ nhạt, vô danh. Tất cả họ đều thi đua lập công, đều muốn góp phần mình vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Dĩ nhiên, hình tượng văn học nào cũng là sự thống nhất giữa cái cá biệt và cái phổ quát nhưng ở Rừng xà nu cảm hứng hướng về cái chung đã mang tính chất chi phối. c. Rừng xà nu đã miêu tả các sự kiện, các nhân vật anh hùng từ một cái nhìn chiêm ngưỡng, khâm phục. Các chi tiết đời thường ít được nhắc tới. Nhà văn chỉ tâm đắc với những chi tiết có khả năng làm phát lộ phẩm chất anh hùng của nhân vật. Tả cụ Mết, tác giả chú ý tới giọng nói “ồ ồ vang dội trong lồng ngực” của cụ. Tưởng như trong tiếng cụ nói có âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng của núi rừng, của lịch sử. Và quả thật cụ là hình ảnh tượng trưng của truyền thống vững bền. Mỗi lời cụ Mết thốt ra là kết tinh, trải nghiệm của cả một dân tộc. Nó cô đúc, sâu sắc, vang vọng như những chân lí. Cả làng Xô man nghe như uống từng lời cụ nói và cả rừng xà nu cũng “ào ào rung động” như một hòa điệu, một sự tạo nền. Cuộc đời Tnú, một cuộc đời trong thời hiện tại cũng được lịch sử hóa và nhuốm màu huyền thoại. Đêm đêm bên bếp lửa nhà ưng, cụ Mết đã kể chuyện Tnú cho lũ làng, cho thế hệ con cháu nghe. Tnú trở thành niềm tự hào của làng, một biểu tượng sống động của người anh hùng được tất cả ngưỡng vọng, học tập. d. Tính sử thi của Rừng xà nu còn được thể hiện ở giọng văn tha thiết mà trang trọng. Tác giả đã sử dụng khi kể về sự tích làng Xô man. Giọng văn ấy cũng thấm đượm trong việc miêu tả thiên nhiên, khiến cho hình ảnh rừng xà nu bỗng thổi tới trong lòng người đọc một cảm giác say sưa. Ta bị cuốn theo câu chuyện không gì cưỡng nổi, tưởng mình đang được tắm trên một dòng sông mênh mang, tràn trề sinh lực, hoặc tưởng mình đang bị thôi miên bởi một bản nhạc hùng tráng. 11 Đề 9. Phân tích và so sánh nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi). 1. Giới thiệu khái quát về hai tác giả và hai tác phẩm. Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội gắn bó với Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến, có nhiều thành công khi viết về mảnh đất và con người nơi đây. Truyện ngắn Rừng xà nu viết về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man. Nguyễn Thi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ. Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình kể về những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với cách mạng. Tuy cả hai tác phẩm đều nói về người dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhưng nhân vật trong mỗi tác phẩm cũng có những đặc điểm riêng. 2. Những nét chung. - Họ là những con người tha thiết yêu gia đình, quê hương, đất nước. - Có thù nhà, nợ nước. - Vượt lên nỗi đau, họ tự nguyện chiến đấu anh dũng kiên cường, xứng đáng là những người anh hùng ưu tú. Các nhân vật này góp phần tạo nên chất sử thi ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn nóng bỏng và hào hùng. 3. Những nét riêng. a. Nhân vật Việt. Việt hiện lên vừa gần gũi, bình dị vừa có những nét phi thường được đặt trong truyền thống gia đình vùng sông nước Nam Bộ. - Có những nét hồn nhiên, vô tư, “lộc ngộc”, giàu tình cảm, rất đáng yêu, dường như sinh ra không phải để đối mặt với đau thương, súng đạn( cách yêu quý chị, tranh giành với chị…) - Mang phẩm chất của một người anh hùng; bị thương, lạc đồng đội, đói khát nhưng vẫn kiên cường vượt lên tất cả. 12 - Việt được đặt vào tình huống truyện độc đáo, ngôn ngữ riêng để khai thức dòng tâm lí, tính cách sống động, đậm chất Nam Bộ. Truyện giàu chất trữ tình và màu sắc triết lí dung dị của cuộc sống.  Việt là hình tượng tiêu biểu cho con người Nam Bộ bộc trực, dù nhỏ tuổi nhưng chí lớn, vượt lên nỗi đau thương mất mát để chiến đấu. Nhân vật vừa gần gũi, đáng mến lại vừa lớn lao, đáng trọng. b. Nhân vật Tnú. Tnú được xây dựng theo bút pháp lí tưởng hóa. Tnú như bước ra từ trang sử thi đậm chất Tây Nguyên, gắn với truyền thống con người Tây Nguyên anh hùng : - Sinh ra rồi lớn lên, Tnú như cây xà nu chịu nhiều vết thương cả trên thân hình lẫn tâm hồn ; mồ côi cha mẹ từ sớm, bản thân bị địch bắt và tra tấn nhiều lần, vợ con bị giặc giết. - Cũng giống như cây xà nu kiên cường bất khuất, Tnú luôn ý thức phấn đấu để đến với cách mạng. Tình yêu gia đình, quê hương, lòng căm hận với kẻ thù đã thôi thúc anh trở thành thủ lĩnh của dân làng, chiến đấu chống lại Mĩ- Ngụy giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. - Tnú được khắc họa qua câu chuyện của cụ Mết, qua lời kể ồ ồ trong ánh lửa bập bùng, trong sự song hành với cây xà nu và số phận, phẩm chất của người Strá, người Tây Nguyên. Hình ảnh, chi tiết, giọng điệu, ngôn ngữ mang đậm chất Tây Nguyên và màu sắc sử thi.  Tnú là đại diện ưu tú của người Tây Nguyên bất khuất, kiên cường viết tiếp những trang sử thi hào hùng của dân tộc mình. 3. Đánh giá chung. - Những điểm gặp gỡ của hai nhân vật đã tạo nên âm hưởng chung có tính thống nhất cao của văn học kháng chiến với những nhiệm vụ lớn của đất nước. - Những nét riêng lại tạo nên sự phong phú đa dạng : phản ánh được hiện thực rộng lớn và cũng khẳng định được sức sáng tạo độc đáo của mỗi nhà văn. Bởi vậy, hai tác phẩm có sức sống lâu bền. 13 Đê 10. Có ý kiến cho rằng : Ở Tnú không có vấn đề tìm đường, nhận đường như nhân vật A Phủ. Câu chuyện về Tnú được mở ra từ chính câu chuyện về A Phủ dần khép lại. Anh/ chị hãy so sánh hai nhân vật A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và Tnú (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) để làm sáng tỏ ý kiến trên. 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần bàn luận. - Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam.Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của ông được viết trong thời kì chống Pháp. - Nguyễn Trung Thành là nhà văn quân đội gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Rừng xà nu của ông được viết trong thời kì chống Mĩ. Cả hai tác phẩm đều đề cập tới số phận người nông dân miền núi bị áp bức dưới ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc, tiêu biểu là hai nhân vật A Phủ và Tnú. 2. So sánh hai nhân vật. a. Giải thích: Vấn đề tìm đường, nhận đường - Tìm đường, nhận đường là vấn đề nhận thức về lí tưởng- mục đích cao nhất của cuộc sống. - Nhân vật A Phủ của Tô hoài được coi là nhân vật đang trên con đường đi tìm lí tưởng và nhận thức lí tưởng, nhân vật Tnú đã có lí tưởng ngay từ khi anh còn nhỏ. b. Điểm giống nhau và khác nhau b.1. Điểm giống nhau - Đều sinh ra từ những vùng cao, xa xôi hẻo lánh. Đều mồ côi, lớn lên là những chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, biết làm việc, sống hồn nhiên, yêu đời, yêu chính nghĩa. - Cả hai đều có phẩm chất dũng mãnh, căm thù cái ác, sự bất công và đi theo cách mạng. b.2. Điểm khác nhau * Nhân vật A Phủ : 14 - Lớn lên giữa núi rừng hoang dã, lao động giỏi, biết đúc lưỡi cày, săn bắn thạo, sống hồn nhiên. - Vì đánh nhau với A Sử, A Phủ bị bắt làm người ở gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Đánh mất bò bị trói đứng vào cột - Khi ánh sáng của Đảng chưa tới, A Phủ nói riêng và người nông dân trên các vùng núi cao nói chung có thói quen sống cam chịu. Họ sống như trong đêm tối không biết đường ra, không ai chỉ đường vạch lối, để đến khi cái chết cận kề, họ mới biết dựa vào nhau để giành giật lấy sự sống.  Tô Hoài đã chỉ ra để bạn đọc thấy đó là bước tìm đường, nhận đường của A Phủ để sau này sang Phiềng Sa được giác ngộ, sẵn sàng cầm súng trở thành du kích quay về giải phóng quê hương. * Nhân vật Tnú: - Tnú mồ côi nhưng được sống trong sự đùm bọc của dân làng Xô Man, được gần cán bộ cách mạng, anh đã có những điều kiện thuận lợi và những phẩm chất mới mẻ, vượt xa so với A Phủ. Anh được cán bộ cách mạng dạy chữ (Anh Quyết) để sau này tiếp nối làm cán bộ, lãnh đạo phong trào cách mạng ở quê hương. - Anh yêu làng, yêu nước, gan góc, dũng cảm, mưu trí, không sợ hi sinh, trung thành tuyệt đối với cách mạng. Tnú cùng Mai đi tiếp tế cho cán bộ, làm giao liên rồi bị bắt, bị tra tấn, tù đày…; khi vượt ngục trở về Tnú đã thành chàng trai rắn chắc, cao lớn, đẹp đẽ như cây xà nu cường tráng nhất khu rừng. - Bi kịch đau đớn nhất trong cuộc đời Tnú là phải chứng kiến cảnh kẻ thù tra tấn, giết chết vợ con mà không cứu nổi, chính bản thân anh cũng bị bắt và bị tra tấn dã man - Vượt lên hoàn cảnh đau thương, anh lên đường vào lực lượng vũ trang tiếp tục chiến đấu bảo vệ lũ làng, quê hương, đất nước. 3. Đánh giá chung A Phủ và Tnú đều là những người con ưu tú của núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp nối. 15 Đề 11 Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hai hình tượng nhân vật Việt (trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi) và Tnú (trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành) qua ngòi bút của mỗi nhà văn. 1 . Giới thiệu khái quát về hai tác giả, hai tác phẩm. 2 Cảm nhận về vẻ đẹp của hai hình tượng nhân vật a. Nhân vật Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi - Là đứa con trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Nam Bộ. Thù nhà, nợ nước đã nuôi dưỡng người con ấy thành người chiến sĩ giải phóng thời chống Mĩ gan góc, kiên cường, quyết liệt mà giàu tình thương yêu, dũng cảm và cũng thật hồn nhiên. - Nhân vật được khắc họa sống động, chân thật nhờ nhà văn chọn lối trần thuật theo ngôi thứ ba của người kể chuyện tự giấu mình nhưng điểm nhìn, lời kể thì theo giọng điệu của nhân vật. Nói cách khác, Nguyễn Thi đã trao ngòi bút của mình cho Việt để qua những dòng hồi ức miên man, đứt nối của nhân vật Việt khi bị thương nặng, bị lạc giữa chiến trường mà những suy nghĩ, tình cảm của mình được biểu hiện. b. Nhân vật Tnú trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành - Từ lúc còn nhỏ, Tnú là một cậu bé gan góc, dũng cảm, trung thực. Lớn lên, Tnú trở thành người chồng, người cha yêu thương vợ con, một người chiến sĩ kiên cường, bất khuất trước cái chết, trước kẻ thù, trung thành với cách mạng. Vẻ đẹp nhân vật được bộc lộ chói sáng trong đoạn cao trào, đầy kịch tính của truyện khi vợ con anh bị giặc giết dã man, khi bản thân anh bị kẻ thù đốt cháy mười đầu ngón tay bằng chính nhựa xà nu của quê mình. - Câu chuyện về Tnú được cụ Mết kể lại trong một không khí trang nghiêm của núi rừng. Lối kể chuyện của già làng như lối kể khan của người Tây Nguyên, lời kể của cụ Mết đan xen với lời trần thuật ở ngôi thứ ba. Vẻ đẹp tính cách của nhân vật được làm nổi bật qua những so sánh, chiếu ứng giữa thiên nhiên và con người 16 trong nghệ thuật miêu tả; đặc biệt hình ảnh bàn tay gây được ấn tượng đậm nét và sâu sắc. 3 . Những nét tương đồng và khác biệt a. Nét tương đồng: Cả hai nhân vật được miêu tả, khắc họa, ngợi ca bằng cảm hứng sử thi và có ý nghĩa điển hình. Ở họ có sự kết tinh sức mạnh, tình cảm, lý tưởng cao đẹp của cộng đồng qua nhiều thế hệ. b . Nét khác biệt: Việt đậm chất Nam Bộ ở ngôn ngữ, ở tính cách sôi nổi, bộc trực, trọng nghĩa. Tnú là nhân vật đậm chất Tây Nguyên với hình ảnh, vóc dáng vạm vỡ chứa trong đó cái mênh mang, trong sạch, hoang dại của núi rừng. I. Các đề tự giải: Đề 1. Dựa vào nội dung tác phẩm anh/chị hãy giải thích vì sao tác phẩm lại có tên là Rừng xà nu. Đề 2. Những nét nghệ thuật độc đáo trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Đề 3. Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện để chứng tỏ hình tượng này là sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà văn, góp phần quan trọng trong việc bộc lộ chủ đề của tác phẩm. Đề 4. Cây xà nu trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là hình tượng nghệ thuật độc đáo, tượng trưng cho phẩm chất sức sống của con người Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Hãy phân tích và chứng minh nhận định trên. Đề 5. Rừng xà nu là bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên trong chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Hãy phân tích tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành để làm sáng tỏ nhận định trên. 17 K. Kết quả triển khai chuyên đề tại đơn vị nhà trường. Năm học 2013-2014: Trong kỳ thi thử Đại học, Cao đẳng lần 3 tại trường THPT Nguyễn Viết Xuân cho học sinh hai khối C, D kết quả đạt được như sau: Khối C (34 học sinh) Điểm 8-8.5: 3 đạt 8,8% Điêm 7: 6 đạt 17,6% Điểm 5-6: 21 đạt 61,7% Khối D (120 học sinh) Điểm 8-8.5: 10 đạt 8,3% Điểm 7: 20 đạt 16,7% Điểm 5-6: 73 đạt 60,8% Vĩnh Tường ngày 3 tháng 3 năm 2014 Người viết chuyên đề Nguyễn Thị Phú 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan