Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Chính sách kinh tế mới của lênin và sự vận dụng nó vào việt nam...

Tài liệu Chính sách kinh tế mới của lênin và sự vận dụng nó vào việt nam

.PDF
15
117
133

Mô tả:

z LUẬN VĂN: Chính sách kinh tế mới của Lênin và sự vận dụng nó vào Việt Nam LờI NóI ĐầU Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI ( tháng 12/1986), Đảng ta đã thực hiện một cuộc đổi mới mang tính toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có đổi mới kinh tế. Chính từ sự đổi mới đó, Đảng ta đã có được một bước đệm vững chắc trên con đường phát triển kinh tế sau này. Có được những đổi mới quyết định như vậy là nhờ có Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua những bài học kinh nghiệm quý báu từ Chính sách kinh tế mới của Lênin được tiến hành ở Liên Xô trong những năm 1921. Chính sách kinh tế mới của Lênin là kim chỉ nam, định hướng cho Đảng ta trong mọi bước đi, ngay kể từ khi nước ta mới tiến hành đổi mới cho đến những năm gần đây, khi chúng ta đã đi được một đoạn đường khá dài trên con đường đổi mới. Chính vì vậy, em chọn đề tài “ Chính sách kinh tế mới của Lênin và sự vận dụng nó vào Việt Nam” trong bài tiểu luận này. Để từ đó có thể tìm hiểu một cách cụ thể hơn về Chính sách kinh tế mới của Lênin cũng như có thể xem xét, đánh giá sự vận dụng chính sách này của Đảng ta. Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, trong toàn bộ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã vận dụng nhiều lý luận trong các học thuyết của Mác-Lênin làm cơ sở để định hướng đường lối và phát triển chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thời kỳ từ 1986 đến nay, Đảng ta đã thực hiện đổi mới toàn diện mô hình kinh tế thông qua những nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII và VII. Ngoài ra, Đảng ta đã vận dụng một cách có phát triển sách tạo những quan điểm cơ bản của Lênin về “Chính sách kinh tế mới” vào những điều kiện lịch sử ở nước ta đặt trong hoàn cảnh đất nước trong thời kỳ đổi mới. I. Hoàn cảnh ra đời và nội dung của Chính sách kinh tế mới 1.Hoàn cảnh ra đời của NEP 1.1. Tình hình chung của thế giới “Chính sách kinh tế mới” của Lênin ra đời trong một bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp. Trước hết,về tình hình chung của thế giới, cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều có những bước phát triển, biến đổi đáng kể. Đối với chủ nghĩa tư bản, vào những năm 90 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã chuyển sang chủ nghĩa tư bản độc quyền cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức độc quyền. Các tổ chức độc quyền còn liên minh xuyên quốc gia với nhau tạo thành các liên minh độc quyền quốc tế với thế lực chính trị và sức mạnh kinh tế hùng hậu. Còn đối với chủ nghĩa xã hội, Lênin đã vận dụng và phát triển học thuyết của C.Mác và Ph.ăngghen để từ đó đi đến những lý luận mới về chủ nghĩa cộng sản và về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển về mặt lý luận của chủ nghĩa xã hội. Chính từ đó, Lênin đã lãnh đạo giai cấp vô sản Nga giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1917. 1.2. Tình hình cụ thể của nước Nga Về tình hình cụ thể của nước Nga, ngay sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 đó, nước Nga đã đi vào thực hiện kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là tổng thể các nguyên lý, biện pháp kinh tế - chính trị - văn hoá - xã hội nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Trước hết, Lênin cho rằng nền kinh tế phải được xây dựng trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và tập thể. Thứ hai, ông còn thực hiện quốc hữu hoá xã hội chủ nghĩa, chuyển sở hữu tư nhân của giai cấp bóc lột về tư liệu sản xuất thành sở hữu toàn dân. Thứ ba, là hợp tác hóa, chuyển người lao động cá thể thành người lao động tập thể nhằm hình thành và phát triển sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất. Thứ tư, là vấn đề công nghiệp hóa để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất. Cuối cùng, Lênin tiến hành cách mạng văn hoá tư tưởng, xây dựng một nền văn hoá mới và con người xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lênin bị gián đoạn bởi cuộc nội chiến 1918-1920. Trong thời kỳ này, Lênin đã áp dụng Chính sách cộng sản thời chiến. Nội dung cơ bản của Chính sách cộng sản thời chiến gồm ba vấn đề, đó là, trưng thu lương thực thừa của nông dân sau khi dành lại cho họ mức ăn tối thiểu, xoá bỏ quan hệ hàng hoá- tiền tệ, xoá bỏ việc tự do mua bán lương thực trên thị trường và thực hiện chế độ cung cấp hiện vật cho quân đội và bộ máy nhà nước. Chính sách cộng sản thời chiến đã đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi của Nhà nước Xô viết. Nhờ đó mà quân đội đủ sức để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ được Nhà nước Xô Viết non trẻ của mình. Tuy nhiên, vào cuối năm 1920, sau khi chiến tranh kết thúc, Chính sách cộng sản thời chiến không còn thích hợp. Nó trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Hậu quả chiến tranh đối với nền kinh tế rất nặng nề, thêm vào đó, chính sách trưng thu lương thực thừa đã làm mất động lực đối với nông dân. Việc xoá bỏ quan hệ hàng hoá- tiền tệ làm mất tính năng dộng của nền kinh tế vốn dĩ mới bước vào giai đoạn phát triển. Vì vậy, khủng hoảng kinh tế chính trị diễn ra rất sâu sắc. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách kinh tế thích ứng thay thế. Vì vậy, đến đầu năm 1921, V.I.Lênin đã đề xướng thay thế Chính sách cộng sản thời chiến bằng Chính sách kinh tế mới, nhằm tiếp tục kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. 2. Nội dung của NEP 2.1. Thay chính sách trưng thu lương thực thừa bằng chính sách thuế lương thực Chính sách kinh tế mới của Lênin bao gồm bốn nội dung chủ yếu. Một là, thay thế Chính sách trưng thu lương thực thừa bằng Chính sách thuế lương thực. Theo chính sách này, người nông dân chỉ nộp thuế lương thực với một mức cố định trong nhiều năm. Thuế lương thực thấp hơn việc trưng thu gần hai lần, chẳng hạn như lúa mì, người nông dân chỉ phải nộp 240 triệu pút chứ không phải 423 triệu. Mức thuế căn cứ vào điều kiện tự nhiên của đất canh tác. Số lương thực còn lại sau khi nộp thuế, người nông dân được tự do trao đổi, mua bán trên thị trường. Để có thể thực hiện tốt chính sách thuế lương thực này, Ban chấp hành các Xô-viết toàn Nga đã ban hành một sắc lệnh về vấn đề này. Để thi hành sắc lệnh ấy, Hội đồng bộ trưởng dân uỷ đã công bố đạo luật về thuế lương thực. Tất cả các cơ quan Xô-viết có nhiệm vụ phổ biến hết sức rộng rãi cho nông dân biết đạo luật về thuế lương thực và giải thích ý nghĩa của đạo luật ấy. Đây là một chuyển biến quan trọng với mục tiêu chính là hướng vào nông dân, một lực lượng đông đảo nắm giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội. Người nông dân nào cũng biết rõ trước số thuế phải nộp. Do đó, sẽ ít có tình trạng lộng quyền khi thu thuế, nông dân cũng sẽ càng có lợi trong việc tăng diện tích gieo trồng, trong việc cải thiện kinh doanh của mình, trong việc chăm lo tăng thu hoạch. Thuế lương thực đã góp phần cải thiện đời sống của nông dân, khôi phục phần nào nền kinh tế, là một bước quá độ từ chế độ cộng sản thời chiến đến chế độ trao đổi xã hội chủ nghĩa bình quân. 2.2. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần Hai là, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Đối với nền kinh tế nước Nga bấy giờ, Lênin rút ra có năm thành phần kinh tế là : thành phần kinh tế nông dân gia trưởng, thành phần kinh tế sản xuất hàng hoá nhỏ của nông dân, thợ thủ công, cá thể và tiểu thương, thành phần kinh tế tư bản tư nhân, thành phần kinh tế tư bản nhà nước và thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. ở đây, Lênin không đặc biệt chú trọng thành phần kinh tế nào mà chỉ ra trong đó ba thành phần kinh tế cơ bản là: kinh tế sản xuất hàng hoá nhỏ, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế xã hội chủ nghĩa. Theo lý luận của Mac-Lênin, để phát triển nền kinh tế theo hướng xã hội chủ nghĩa, phải bắt đầu từ một chế độ tư bản phát triển với thành tựu khoa học, công nghệ đã lên tới đỉnh cao. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử nước Nga trước Cách mạng thang Mười là một nước tư bản phát triển yếu.Vì vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, việc đầu tiên phải làm là thiết lập một nền kinh tế phát triển mạnh. Chính vì lẽ đó, chính quyền Xô Viết mà đứng đầu là Lênin đã chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, kích thích mọi hoạt động của nền kinh tế trở nên mạnh mẽ với các hình thức như : khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nhỏ của nông dân, thợ thủ công, khuyến khích kinh tế tư bản tư nhân,sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, củng cố lại các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang chế độ hạch toán kinh tế, đồng thời, Lênin chủ trương phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế với các nước tư bản phương Tây để tranh thủ kỹ thuật, vốn và khuyến khích kinh tế phát triển. Điều này đã giúp nước Nga tận dụng được các ưu điểm của các thành phần khác nhau trong nền kinh tế, tạo nên đa dạng và phong phú các nguồn lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. 2.3. Mở rộng thị trường, phát triển thương nghiệp Ba là, mở rộng thị trường, phát triển thương nghiệp. Nhà nước Nga đã tăng cường và khuyến khích trao đổi hàng hoá giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành thị với nông thôn, giữa các vùng, các miền trong nước. Sự trao đổi hàng hoá giữa các thành phần kinh tế diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Không chỉ vậy, Nhà nước Nga còn cho thành lập lại các ngân hàng Nhà nước, các quỹ tín dụng, cho phát hành tiền và củng cố các quan hệ tài chính tiền tệ trong nước. Nhà nước vẫn nắm độc quyền trong thương nghiệp, tuy nhiên, Nhà nước cũng thực hiện những chính sách mới nhằm khuyến khích các hoạt động trao đổi, buôn bán hàng hoá trở nên tự do, sôi nổi hơn, đặc biệt là cho phép thương nhân được tự do hoạt động, vì vậy thương nhân đã có thể dễ dàng hoạt động đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu hàng hoá trong xã hội. 2.4. Sử dụng các hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước Bốn là, sử dụng các hình thức chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Theo Lênin, chủ nghĩa tư bản Nhà nước là sản phẩm của sự can thiệp của Nhà nước vào các doanh nghiệp tư bản. Đây là chủ nghĩa tư bản đặc biệt, do Nhà nước vô sản “sáng tạo ra”, “ đi theo tay lái ” của Nhà nước vô sản, Nhà nước vô sản có thể hạn chế, có thể quy đinh và giới hạn. Việc sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước là cần thiết để phát triển lực lượng sản xuất. Sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, Nhà nước vô sản huy động được vốn, vật tư – kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của các nhà tư bản, và cuối cùng vẫn thay thế được chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội. Lênin đã chỉ ra bốn hình thức cơ bản của chủ nghĩa tư bản nhà nước là: tô nhượng, thuê, giao và hợp tác xã. ở Liên Xô, Lênin đã áp dụng hai hình thức cơ bản là quốc hữu hoá và xã hội hoá, chuyển các quá trình sản xuất tư nhân thành quá trình sản xuất xã hội, một mặt quốc hữu hoá các tư liệu sản xuất thuộc về chủ nghĩa tư bản, một mặt giao những tư liệu sản xuất đó cho các nhà tư bản thuê để kinh doanh. Sử dụng những hình thức này vừa giúp cho chính quyền Xô Viết khai thác nguồn lực từ các thành phần tư bản lại vừa kích thích được dân chúng trong nước phát triển kinh tế. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện Chính sách kinh tế mới của Lênin, nước Nga đã khắc phục được nền kinh tế sau chiến tranh, biến “nước Nga đói” thành một nước có nguồn lương thực dồi dào, khắc phục được khủng hoảng chính trị, củng cố lòng tin nhân dân. Không chỉ có ý nghĩa với nước Nga, Chính sách kinh tế mới còn đánh dấu một bước phát triển mới về lý luận kinh tế đối với chủ nghĩa xã hội, là tấm gương sáng trong việc xây dựng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa cho các nước xã hội chủ nghĩa học tập và rút kinh nghiệm. Đặc biệt, nó có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam. II. Vận dụng NEP ở Việt Nam 1. Đặc điểm nền kinh tế thời kỳ quá độ ở Việt Nam Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do đế quốc Pháp và phát xít Đức để lại, đặc biệt là nạn đói. Tuy nạn đói có phần dịu đi do cách mạng phá kho thóc của Pháp – Nhật chia cho dân nhưng nạn đói vẫn rất trầm trọng. Chưa hết, khi Đảng ta vừa có những bước phát triển nhất định để cứu đói cho dân, khôi phục lại nền kinh tế sau chiến tranh thì Pháp lại tiếp tục gây chiến, vì vậy, nền kinh tế của ta phải nhanh chóng chuyển dần sang kinh tế thời chiến. Bước vào giai đoạn 1946-1954, ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, do ta thực hiện chính sách bất hợp tác và vuờn không nhà trống nên ở những vùng có chiến tranh, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đến khi cuộc kháng chiến gần tiến tới thắng lợi thì nhu cầu vật chất cho kháng chiến lại tăng, vì vậy, Đảng ta phải chủ trương vừa chấn chỉnh, phát triển kinh tế trong vòng kiểm soát của địch nhưng cũng đồng thời tăng cường bao vây phá hoại kinh tế địch. Nhờ đó, nền kinh tế kháng chiến 19461954 cũng có những bước chuyển biến tích cực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất cho kháng chiến và ổn định được đời sống nhân dân và cũng đồng thời làm suy yếu nền kinh tế địch. Đến thời kỳ 1955-1964, là lúc nước ta bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc giành được độc lập, còn miền Nam nằm dưới sự thống trị của Mĩ. Chính vì vậy, kinh tế hai miền cũng khác nhau, miền Nam vẫn phải đấu tranh để giành độc lập, còn miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến những bước dài chưa từng có, miền Bắc trở thành hậu phương lớn, căn cứ địa vững chắc để nhân dân cả nước có thể đánh thắng giặc Mĩ. Thời kỳ 1965-1974, miền Bắc vẫn chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời không ngừng chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong 10 năm chiến tranh đó, kinh tế miền Bắc ít bị xáo trộn, sản xuất vẫn có nhiều tiến bộ, là hậu phương vững chắc cho cả nước, là động lực không thể thiếu để đi đến thắng lợi ở miền Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất và giành được độc lập. Vì vậy, cả nước cùng bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn này ( 1975-1986), lẽ ra kinh tế nước ta phải phát triển nhanh chóng do đã thoát khỏi chiến tranh, tuy nhiên, đây lại là giai đoạn nền kinh tế nước ta bị khủng hoảng trầm trọng: kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm (1976-1980) chưa thu hẹp được những mặt mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân, sản xuất phát triển chậm trong khi dân số tăng nhanh, thu nhập quốc dân chưa bảo đảm đựoc tiêu dùng xã hội, một phần tiêu dùng xã hội phải dựa vào vay và viện trợ, nền kinh tế chưa tạo được tích luỹ, lương thực, vải mặc và các hàng tiêu dùng thiết yếu đều thiếu, tình hình cung ứng vật tư, tình hình giao thông vận tải rất căng thẳng, nhiều xí nghiệp sử dụng công suất ở mức thấp, chênh lệch lớn giữa thu và chi tài chính, giữa hàng và tiền, giữa xuất khẩu và nhập khẩu, thị trường vật giá không ổn định, số người lao động chưa được sử dụng còn đông, đời sống nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn. Có lẽ đó là do nước ta phải chịu đựng những đảo lộn kinh tế và xã hội với quy mô lớn sau cuộc chiến tranh ác liệt lâu dài với những tác động không thuận lợi của tình hình thế giới. Nhưng xét về phía chủ quan, đây là thời kỳ mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ một cách toàn diện mặt tiêu cực của nó, nhất là khi mô hình kinh tế đó đã phát triển ở mức cao và được áp dụng trong phạm vi cả nước nên hậu quả càng nặng nề trên quy mô lớn. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, tư duy mới từng bước hình thành, các quan niệm cốt lõi của mô hình kinh tế mới về cơ bản đã hình thành. Sự phát triển tiệm tiến này đã dẫn đến bước nhảy vọt trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) về mô hình kinh tế mới. 2. Quá trình vận dụng NEP vào Việt Nam 2.1. Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã quyết định những đổi mới mang tầm chiến lược được vận dụng từ Chính sách kinh tế mới của Lênin một cách sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh nước ta bấy giờ. Trong đó, việc làm đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của Đảng ta là xoá bỏ mô hình kinh tế cũ, xây dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với quy luật kinh tế khách quan, với trình độ phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, đó là sự biến đổi từ mô hình nền kinh tế bao cấp sang mô hình nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Bước chuyển biến sang mô hình nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là tất yếu khách quan. Ngoài ra, xã hội cũ để lại không ít các thành phần kinh tế và chưa thể cải biến nhanh được. Hơn nữa, sau nhiều năm cải tạo và xây dựng, quan hệ sản xuất mới đã xuất hiện thêm một số thành phần kinh tế mới như : thành phần kinh tế nhà nước, thành phần kinh tế tập thể, thành phần kinh tế tư bản nhà nước…Ngoài ra, theo đúng như lý luận của Mac-Lênin, để phát triển nền kinh tế theo hướng xã hội chủ nghĩa, phải bắt đầu từ một chế độ tư bản phát triển với thành tựu khoa học, công nghệ đã lên tới đỉnh cao. Nếu nước Nga trước Cách mạng tháng Mười 1945 là một nước tư bản yếu thì Việt Nam được coi là một nước nghèo, lạc hậu, kinh tế kém phát triển. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là hoàn toàn đúng đắn. Năm 1987, quyết định 27 của Hội đồng bộ trưởng chính phủ về phát huy vai trò tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước trong kinh doanh. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mọi hoạt động của nền kinh tế như trước. Đồng thời, luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, năm 1990, luật doanh nghiệp và công ty tư nhân được ban hành, Nhà nước thừa nhận thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Luật phá sản, luật khuyến khích đầu tư cũng được ban hành. Như vậy, Nhà nước đã chính thức cho phép các thành phần như : kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là các thành phần kinh tế của chủ nghĩa tư bản được cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế cơ bản : kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản nhà nước. Chính sách này sẽ góp phần kích thích mọi thành phần kinh tế tồn tại ở nước ta bấy giờ phát triển, cùng vực dậy nền kinh tế vừa trải qua khủng hoảng của Việt Nam. 2.2. Chính sách thuế nông nghiệp Chính sách thứ hai được Đảng ta đưa ra trong công cuộc đổi mới là chính sách thuế nông nghiệp. Mặc dù hoàn cảnh bây giờ của chúng ta không phải khó khăn, đói kém như những năm 1945, nhưng đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khổ cực, nhiều nơi vẫn tồn tại nạn đói. Chính vì vậy, cần phải có những biện pháp để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, giải quyết nạn đói cho người dân. Chính sách thuế trong nông nghiệp ở nước ta chủ yếu là chính sách thuế đối với ruộng đất chứ không phải là thuế lương thực như ở Liên Xô. Có sự khác nhau như vậy là do ở nước ta, về nguyên tắc, người lao động là chủ của đất đai vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng trong các hợp tác xã kiểu cũ, người lao động chỉ là người chủ trên danh nghĩa, còn thực tế, người lao động thờ ơ, xa lạ với đất đai. Từ khi có “khoán hộ”, người nông dân được giao đất, giao ruộng, vì thế họ gắn bó với đất đai. Điều đó chứng tỏ chính sách thuế nông nghiệp mà cụ thể là chính sách thuế ruộng đất đã đáp ứng được lợi ích của người nông dân, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển và đạt được những thành tựu to lớn trong những năm qua. 2.3. Sử dụng các hình thức tư bản nhà nước Chính sách thứ ba liên quan đến việc sử dụng các hình thức tư bản Nhà nước. Khác với Liên Xô trước đây, ở Việt Nam lại chú trọng đến việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự điều tiết và quản lý của Nhà nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời kì lịch sử mới hiện nay của nước ta. Nền kinh tế nước ta khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn mang nặng tính tự túc tự cấp, vì vậy, sản xuất hàng hoá phát triển sẽ phá vỡ dần kinh tế tự nhiên và chuyển thành nền kinh tế hàng hoá, thúc đẩy sự xã hội hoá sản. Nhờ đó, chúng ta đã bước đầu khai thác được tiềm năng trong nước và thu hút được vốn, kỹ thuật, công nghệ của nước ngoài, giải phóng được năng lực sản xuất, góp phần quyết định vào việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế với nhịp độ tương đối cao trong thời gian qua. Hiện nay, chúng ta đã cơ bản xoá bỏ được chế độ tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện lưu thông hàng hoá theo quan hệ cung cầu, hình thành giá cả trên cơ sở giá trị, quan hệ hàng – tiền và sức mua trên thị trường. Từ đó, chúng ta đã khá thành công trong cải cách giá cả, bãi bỏ việc định giá mang nặng tính bao cấp ở rất nhiều mặt hàng mà không gây rối loạn trong sản xuất – kinh doanh, thực hiện kiềm chế lạm phát ngày càng có hiệu quả cao. 2.4. Chính sách kinh tế đối ngoại Chính sách cuối cùng được Đảng ta đưa ra là chính sách kinh tế đối ngoại, đặc biệt là các hình thức đầu tư vốn nước ngoài, liên doanh, liên kết. Việt Nam thực hiện chính sách kinh tế đối ngoại mở rộng theo phương châm: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước, thực hiện đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá bạn hàng, khuyến khích và thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng những dự án phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trên cơ sở phát triển sản xuất trong nước, chúng ta vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa mở rộng quan hệ buôn bán với các nước trong khu vực và thế giới , từng bước tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác song phương, đa phương. Số nước và vùng lãnh thổ có quan hệ buôn bán với Việt Nam năm 1996 lên đến 105 với 352 văn phòng đại diện. 3. Những giải pháp trong việc vận dụng NEP vào Việt Nam 3.1. Chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách trên, vẫn còn rất nhiều hạn chế. Sau đây là một số giải pháp đưa ra trong quá trình vận dụng Chính sách kinh tế mới trong điều kiện lịch sử mới. Thứ nhất, trong việc chuyển sang cơ chế mới với mô hình nền kinh tế nhiều thành phần, từng thành phần kinh tế tồn tại với tư cách là đơn vị sản xuất hàng hoá đều đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế và cần có sự quản lý củ Nhà nước, nhằm đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh, đem lại thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội. Các thành phần kinh tế cần được thừa nhận và tạo điều kiện để chúng tồn tại, phát triển. Đồng thời, các thành phần kinh tế cần được bình đẳng trên mọi phương diện. Ngoài ra, nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần với định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu để tự phát nền kinh tế nhiều thành phần sẽ đi lên chủ nghĩa tư bản. Chính vì vậy, cần phải củng cố hai công cụ quan trọng là kinh tế nhà nước với vai trò chủ đạo của nó trong nền kinh tế và chức năng điều tiết kinh tế vĩ mô của nhà nước. 3.2. Chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn Thứ hai, về chính sách thuế nông nghiệp, cần phải chú ý đến những vấn đề sau: trình độ phát triển của nông nghiệp kém hơn so với các ngành kinh tế khác, vì thế nên mức thuế suất, các sắc thuế áp dụng cho nông nghiệp phải khác với các ngành, các lĩnh vực khác, kinh tế nông nghiệp phụ thuộc nhièu vào điều kiện tự nhiên, do vậy, khi thời tiết không thuận lợi hoặc thiên tai, cần có sự điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp, ở nước ta, nông nghiệp vẫn chiếm một tỉ trọng rất lớn nên các chính sách thuế phải đặt trong mối quan hệ phù hợp với các chính sách xã hội. 3.3. Chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài Thứ ba, đối với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, để thực hiện ngày càng có hiệu quả cả về số lượng lẫn chất lượng nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, đặc biệt là phát triển sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta cần phải : hoàn thiện chính sách, luật pháp , cải cách hành chính để huy động nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài và sử dụng có hiệu quả kinh tế – xã hội nhiều hơn các nguồn vốn ấy, có chiến lược quan hệ kinh tế đối ngoại cùng với quy hoạch và thực hiện nghiêm ngặt quy hoạch gọi vốn đầu tư nước ngoài, xác định đúng đắn đối tác, khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, kiểm soát vốn đầu tư bên ngoài, ngăn chặn sự đối lập giữa đầu tư nước ngoài với lợi ích quốc phòng an ninh, với việc gìn giữ nền văn hoá dân tộc, ngăn ngừa ý đồ chiếm lĩnh thị trường nội địa của tư bản nước ngoài, xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, vừa bảo đảm tốc độ phát triển kinh tế tối ưu, vừa bảo đảm thực hiện công bằng xã hội, có chính sách huy động nhiều tiềm lực trong nước để thực hiện chủ trương chiến lược lấy nguồn vốn trong nước là chính, tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển, xây dựng các khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã hội chủ nghĩa vững mạnh làm điểm tựa cho nền kinh tế quốc dân và cùng với các khu vực kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là nội lực làm đối trọng với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. 3.4. Chính sách kinh tế đối ngoại Cuối cùng, đối với chính sách kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn luôn luôn giữ vững quan niệm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” , tuy nhiên, hợp tác về kinh tế không có nghĩa là sẽ phụ thuộc về chính trị- xã hội. Vì vậy, khi kí kết các hợp đồng về kinh tế, mở rộng quan hệ với các nước cần phải đặc biệt chú ý, cẩn trọng và đặt lên trên hết là độc lập của dân tộc, chủ quyền của nước nhà. Kết luận Đổi mới là một cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện và triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ có Chính sách kinh tế mới của Lênin mà trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta đã tránh được nhiều sai sót và hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng Đảng ta đã biết vận dụng Chính sách kinh tế mới của Lênin một cách triệt để nhưng đầy sáng tạo và linh hoạt. Ngoài ra, ta còn cần phải chú trọng rằng công cuộc đổi mới ở nước ta thật sự là một cuộc cách mạng không kém phần gay go quyết liệt, đòi hỏi ta không được xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là Chính sách kinh tế mới của Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lấy đổi mới kinh tế làm trọn tâm nhưng vẫn phải mang nguyên tắc: Đảng cộng sản luôn giữ vững vai trò lãnh đạo trong đời sống kinh tế – chính trị đất nước. Khoa học- kỹ thuật ngày càng phát triển, công cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu, đặt ra cho phát triển kinh tế nước ta nhiều thời cơ và mang cả những thách thức, cả thuận lợi và khó khăn. Việt Nam phải kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng xây dựng Nhà nước vững mạnh, hiện đại và là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” như lời Chủ tich Hồ Chí Minh đã căn dặn. Danh mục tài liệu tham khảo 1. Bàn về thuế lương thực ( V.I. Lênin toàn tập – tập 43 ) 2. Giáo trình Kinh tế chính trị ( NXB Chính trị quốc gia ) 3. Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản ( NXB Sự thật 1976 ) 4. Những hạn chế của Liên Xô 1927 ( Tổng bí thư ĐCS Nga Stalin ) 5. Những nhiệm vụ cơ bản của chính quyền Xô Viết ( Lênin ) 6. Những vấn đề chủ yếu trong hoạt động thương mại ở nước ta - Tạp chí kinh tế và phát triển ( tháng 11/2001 ) 7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan