Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Cách dùng dấu câu

.DOC
11
795
105

Mô tả:

Cách dùng dấu câu Tài liệu tham khảo bao gồm: - Ngữ pháp tiếng Việt – NXB Khoa học xã hội – 1983; - Tiếng Việt thực hành (dùng cho sinh viên không chuyên ngữ) – NXB Giáo dục – 1997; - Ngữ văn các lớp 6,7,8,9 – NXB Giáo dục – 2006 Dấu câu là một trong những phương tiện ngữ pháp (thay cho ngữ điệu khi nói). Nó có tác dụng làm cho nội dung của câu văn mạch lạc, khúc chiết; ngăn cách các thành phần trong cấu tạo câu. Dùng dấu câu không chuẩn xác hoặc dùng dấu câu không phù hợp trong văn bản sẽ làm cho câu sai hoặc có nội dung mơ hồ. Trong tiếng Việt có các dấu câu sau đây: 1. Dấu chấm Dấu chấm dùng để kết thúc câu tường thuật (câu kể) trên văn bản. VD: Anh ấy nói rằng: “Sẽ tới một ngày ta đòi nợ non sông!”. 2. Dấu chấm hỏi Dấu chấm hỏi dùng trong câu nghi vấn (câu hỏi) nhất là trong trường hợp đối thoại. VD: - Bạn có biết gì về tình hình Hoàng Sa và Trường Sa hiện nay? - Tôi không biết. Còn bạn? Cần chú ý: a/ Dấu chấm hỏi có thể dùng trong câu tường thuật, đặt trong dấu ngoặc đơn để biểu thị sự nghi ngờ. VD: - Chúng ta đã mất Trường Sa (?) - Chúng ta vẫn còn giữ được một số đảo! b/ Không dùng dấu chấm hỏi trong trường hợp có từ nghi vấn trong cấu tạo của câu ghép với nghĩa nêu lên một tiền đề cho ý kiến tiếp theo. VD: Trung Quốc là nước như thế nào, ai cũng biết. c/ Nếu muốn tỏ thái độ khinh bỉ, mỉa mai, đồng thời hoài nghi thì dùng dấu chấm than và dấu hỏi trong một ngoặc đơn. VD: Người ta đồn rằng hắn là kẻ lừa đảo (!?). 3. Dấu chấm than Dấu chấm than thường được đặt cuối câu cảm thán, câu cầu khiến, khuyên ngăn, mệnh lệnh. VD: - Câu cảm thán: Trời! Biển đảo Tổ quốc ta đẹp quá! - Câu cầu khiến, khuyên ngăn, mệnh lệnh: Việt Nam ơi xin nắm chặt tay! Dấu chấm than còn có thể đặt trong dấu ngoặc đơn để biểu thị thái độ mỉa mai hay dùng cùng với dấu chấm hỏi trong ngoặc đơn để vừa biểu thị thái độ mỉa mai, vừa hoài nghi. VD: Hắn tự hào vì người ta không tìm được hắn (!) 4. Dấu chấm lửng Khi nói, dấu chấm lửng được thay thế bằng từ vân vân. Khi viết cũng có thể dùng từ này (viết tắt “v.v…”) hoặc dùng 3 dấu chấm (…). Dấu chấm lửng dùng để: a. Đặt cuối câu khi người nói không muốn nói hết ý mình. VD: Sự thể là vậy nhưng hắn nào có muốn… b. Đặt cuối đoạn liệt kê khi người nói không muốn liệt kê hết sự vật, hiện tượng,… trong một chủ đề. VD: Câu trên cũng là 1 ví dụ. VD khác: Năm nay, các loại rau cỏ như: rau muống, mồng tơi, su hào, bắp cải,… đều lên giá. c. Đặt sau từ, ngữ biểu thị lời nói đứt quãng. VD: Tôi… không… còn… đủ… sức… nữa! d. Đặt sau từ tượng thanh để biểu thị sự kéo dài âm thanh. VD: Phù… Thế là xong! e. Đặt sau đoạn biểu thị sự châm biếm, hài hước. VD: Đẹp trai không bằng… chai mặt. 5. Dấu hai chấm Dấu hai chấm dùng để: a/ Liệt kê thành phần vị ngữ của câu đơn có động từ là hoặc trong thành phần vị ngữ có các từ biểu thị sự liệt kê ở sau các từ: sau đây, như sau, để,… VD: Một số yêu cầu khi viết bài trên diễn đàn là: - Viết đúng chính tả; - Trình bày dễ nhìn; - Không sử dụng các ngôn từ thiếu văn hóa. b/ Đánh dấu (báo trước) phần giải thích, thuyết minh cho một phần trước đó VD: Cầu vồng có bảy màu cơ bản: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. c/ Đánh dấu (báo trước) lời dẫn trực tiếp (dùng với dấu ngoặc kép) hay với lời đối thoại (dùng với dấu gạch ngang) VD: Bạn tôi hỏi: - Cậu rảnh hay sao mà lại tham gia vô mấy cái rắc rối đó? Tôi đáp: - Tôi không rảnh lắm nhưng tranh thủ chút thời gian vì tôi thấy mình cần phải làm một cái gì đó cho Hoàng Sa Trường Sa, cho đất nước. 6. Dấu gạch ngang Dấu gạch ngang dùng để: a/ Chỉ ranh giới của thành phần chú thích VD: Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – một người đã giành cả đời để nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa – sắp tới sẽ phát hành một cuốn sách mới b/ Đặt trước những lời đối thoại VD: - Anh đi đâu thế? - Tôi đi loanh quanh đây thôi. c/ Đặt ở đầu những thành phần liệt kê VD:Thi đua yêu nước để: - Diệt giặc đói; - Diệt giặc dốt; - Diệt giặc ngoại xâm. d/ Đặt giữa hai, ba, bốn tên riêng, hay ở giữa hai con số ghép lại để chị một diên danh, một liên số VD: Cầu truyền hình Hà Nội – Huế – TP. HCM đã sẵn sàng. Văn học Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 có nhiều tác phẩm đáng để đọc. e/ Dùng trong trường hợp phiên âm tiếng nước ngoài VD: Lê-nin, pô-li-me,… 7. Dấu ngoặc đơn a. Dùng để ngăn cách thành phần chú thích với từ ngữ trong thành phần chính của câu. VD: Tôi quen anh (rất tình cờ) qua một người bạn thân. b. Sự khác nhau giữa dấu gạch ngang và dấu ngoặc đơn có khi không được rõ. Theo thói quen, người dùng dấu này, người dùng dấu kia đối với thành phần chú thích. Tuy vây, cũng có thể nhận thấy giữa hai loại dấu này có sự khác nhau như sau: - Khi thành phần chú thích có quan hệ rõ với một từ, một ngữ ở trước nó, thì thường dùng dấu ngang; nếu quan hệ đó không rõ thì thường dùng dấu ngoặc đơn. VD: Chồng chị – anh Nguyễn Văn Dậu – tuy mới hai mươi sáu tuổi nhưng đã học nghề làm ruộng đến mười bảy năm. (Ngô Tất Tố) Từ biệt mẹ, tôi đi Cô bé nhà bên (Có ai ngờ!) Cũng vào du kích Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!) (Giang Nam) - Một trường hợp đáng chú ý là dấu ngoặc đơn có thể dùng để giải nghĩa cho một từ hoặc một yếu tố ngôn ngữ không thông dụng. VD: – Italia (Ý), Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) - Tiếng trống của phìa (lý trưởng) thúc gọi nộp thuế vẫn rền rĩ. (Tô Hoài) 8. Dấu ngoặc kép a/ Dùng để chỉ ranh giới của một lời nói được thuật lại trực tiếp. Trước dấu ngoặc kép, trong trường hợp này, thường dùng dấu hai chấm. VD: Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. b/ Dùng để trích dẫn một danh ngôn, một khẩu hiệu. Trong trường hợp này không dùng dấu hai chấm trước đó. Chữ cái đầu âm tiết của từ trong danh ngôn, tục ngữ, lời dẫn… cần được viết hoa. VD: Câu “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” là có ý khuyên người ta cẩn trọng trong ăn ở, đừng để tiếng xấu ở đời. c/ Dùng để biểu thị thái độ mỉa mai, chế diễu của người viết hoặc trích dẫn từ, ngữ của người khác hoặc đánh dấu một từ được dùng với nghĩa đặc biệt, khác với nghĩa thông thường.. VD: Xem chừng các anh chị ở đây đều theo chiều hướng “trăm năm cô đơn” hết cả rồi! Khoảng cách sau các dấu câu bao giờ cũng là một (1) khoảng trắng, sau đó bắt đầu đến ký tự đầu tiên của câu (vế) tiếp theo. Sau dấu chấm câu thì viết ký tự in hoa. Sau dấu phẩy ( , ), dấu chấm phẩy ( ; ) ngăn cách các vế của một câu thì không viết hoa. Đầu mối câu viết hoa ký tự đầu tiên. Tên riêng thì viết in hoa ký tự đầu. Các dấu bỏ ngay sau ký tự cuối cùng của câu (vế) mà không có khoảng cách. Tuy nhiên, hiện nay, trong các văn bản được in ấn thì người ta vẫn để khoảng trắng trước các dấu sau đây: - Dấu chấm hỏi; - Dấu chấm than; - Dấu hai chấm; - Dấu gạch ngang; - Dấu chấm phẩy. Nhưng đó chỉ là quy ước bất thành văn của các văn bản. *** DẤU CÂU TIẾNG VIỆT Dấu câu là một trong những phương tiện quan trọng giúp người viết thể hiện điều muốn trình bày một cách mạch lạc, chính xác nhất. Không chỉ sử dụng đúng dấu câu, cần vận dụng sáng tạo đa dạng, độc đáo để biểu đạt cảm xúc, đem lại giá trị mới mẻ cho mỗi loại dấu câu. Trên thực tế, dấu câu được sử dụng khá linh hoạt, có thể sử dụng các dấu câu theo lối thông thường hoặc tạo ra các kết hợp giữa một số dấu câu tạo thành những dạng đặc biệt như: ...!!! ...??? Trong trường hợp này, dấu câu không chỉ là hình thức ngắt đoạn mà còn là hình thức biểu thị những trạng thái tình cảm khác nhau để chê bai, nghi ngờ một cách hay hơn, tinh tế hơn. Một bài thơ ngắn giúp học sinh tiểu học nắm vững chức năng của dấu câu: Làm bạn với dấu câu Dấu câu phân biệt rạch ròi Không dùng, chỉ có người lười nghĩ suy Dấu nào cũng có nghĩa riêng Mỗi dấu đặt đúng vào nơi của mình Dấu phấy (,) thường thấy ai ơi Tách biệt từng phần, chuyển tiếp ý câu Dấu chấm (.) kết thúc ý rồi Giúp cho câu viết tròn câu rõ lời . Chấm phẩy (;) phân cách vế câu Bổ sung vế trước, ý càng thêm sâu Chấm than (!) bộc lộ cảm tình Gửi gắm đề nghị, mong chờ, khiến sai Chấm hỏi (?) để hỏi bao điều Hỏi người và cả hỏi mình tài ghê! Hai chấm (:) báo hiệu lời người Còn là giải thích ý vừa nêu trên Chấm lửng (...) xúc cảm dâng trào Hay thay cho lời không tiện nói ra Gạch ngang (-) lời nói mở đầu Nêu ý chú thích liệt kê trong bài Ngoặc đơn ( ) tách biệt từng phần Làm rõ cho lời chú giải bên trong Ngoặc kép (“ ”) trực tiếp dẫn lời Đứng sau hai chấm hay dùng nhấn câu Biết rồi em hãy siêng dùng Viết dấu đúng chỗ, điểm mười nở hoa. 1. Dấu thường dùng ở cuối câu Dấu chấm . Đặt cuối câu kể. 1. Giới thiệu về người, vật, việc Ví dụ: Ếch ồm ộp. Cóc kèn kẹt. Chẫu chàng chẳng chuộc. Ễnh Ương uôm oạp. Bọn có càng thì khua càng gõ mõ. Ầm cả lên. (Tô Hoài) 2. Miêu tả đặc điểm Ví dụ: Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa. (Tô Hoài) 3. Nêu ý kiến, nhận xét Ví dụ: Kéo co là một trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta. (Theo Toan Ánh) Bài tập: +Dòng nào dưới đây sử dụng đúng dấu chấm? A. Trên bầu trời cao xanh vời vợi. B. Mùa xuân, trăm hoa khoe sắc. C. Học hành chăm chỉ. +Có bạn viết vội nên không dùng dấu chấm. Em hãy viết lại cho đúng: Căn nhà tôi núp dưới rừng cọ ngôi trường tôi học cũng khuất trong rừng cọ tôi đi trong rừng cọ đến lớp mỗi ngày Dấu chấm hỏi ? Dấu chấm hỏi thường được dùng: 1. Đặt cuối câu hỏi bày tỏ những điều muốn được trả lời vì chưa biết, chưa rõ . Ví dụ: Mấy ngày nữa thì mẹ về hả chị? (Hồ Thu Hồng) 2. Đặt cuối câu hỏi được dùng với mục đích khẳng định Ví dụ: Trong nỗi đau, có ai hơn ai? (Báo Văn Nghệ) 3. Đặt cuối câu kể nhưng lại được dùng với mục đích nghi vấn. Ví dụ: Sáng nay, bạn Lan đi học? Bài tập: Dòng nào sau đây đã dùng đúng dấu chấm hỏi? A. Bài toán này khó? B. Bài toán này em không giải được phải không? C. Bài toán này không phải em không giải được? D. Hãy giải bài toán này? Dấu chấm cảm (chấm than) ! Đặt cuối câu cầu khiến hoặc câu cảm: 1. Bộc lộ trạng thái cảm xúc Ví dụ: Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! (Nguyễn Thế Hội) 2. Biểu thị lời hô, lời gọi Ví dụ: Lan ơi! Ngủ chưa, Lan? 3. Nêu ý đề nghị, yêu cầu, khuyên bảo Ví dụ: Dế Choắt, hãy giương mắt ra xem tao trêu con mụ Cốc đây này! (Theo Tô Hoài) Bài tập: Câu nào sử dụng dấu chấm cảm sai? A. Bạn giải bài tập đi! B. Bạn phải giải bài tập đấy nhé! C. Bạn giải bài tập mới nhanh làm sao! D. Làm sao bạn giải bài tập nhanh thế! 2. Dấu thường dùng ở giữa câu Dấu phẩy , Đặt ở giữa câu để: 1. Ngăn cách các thành phần cấu tạo ngữ pháp đẳng lập Ví dụ: Mai tứ quý, mai vàng miền Nam, song mai Đông Mĩ của thủ đô Hà Nội điểm xuyết những nụ tươi (SGK tiếng Việt 3) 2. Tách biệt phần trạng ngữ với nồng cốt câu Ví dụ: Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều. (Theo Thanh Tịnh) 3. Tách biệt phần chúthích Ví dụ: Đan-tê, một nhà thơ lớn của nước I-ta-li-a, là người rất ham đọc sách. (SGK tiếng Việt 3) 4. Tách biệt phần chuyển tiếp Ví dụ: Cứ thế, khoai và dâu phủ đầy màu xanh trên cát trắng. (Dương Thị Xuân Quý) 5. Tách biệt phần hô ngữ Ví dụ: Thưa anh, em cũng muốn khôn nhưng không khôn được. (Tô Hoài) Bài tập: 1. Dấu phẩy đặt ở vị trí nào dưới đây là đúng? A. Tiếng mưa êm sợi, mưa đều như dệt. B. Tiếng mưa êm, sợi mưa đều như dệt. C. Tiếngmưa, êm sợi mưa đều như dệt. 2. Đặt dấu phẩy trong đoạn văn sau: Gà bà Kiên là gà trống tơ lông đen chân chì có bộ giò cao cổ ngắn. Nó nhảy tót lên cây rơm thật cao phóng tầm mắt nhìn quanh. Nó xòe cánh nghểnh cổ chuẩn bị chu đáo, nhưng rốt cục chỉ rặn được ba tiếng ec e e cụt ngủn. Nó ngượng quá đỏ chín mặt hấp tấp nhảy xuống đất. Dấu chấm phẩy ; Dấu chấm phẩy được đặt giữa câu để: 1. Ngăn cách các bộ phận ngữ pháp đẳng lập (khi trong câu đã có bộ phận nào đó dùng dấu phẩy) Ví dụ: Tiếng đàn bầu khi thì mưa đêm rả rích, gieo một nỗi buồn vô hạn mênh mông; khi thì như chớp biển mưa nguồn, đêm dài lóe sáng, kích động lòng người. (Lưu Quý Kỳ) 2. Ngăn cách từng vế câu trong sự liệt kê nối tiếp nhau, hoặc khi vế sau có tác dụng bổ sung cho vế trước, tạo sự cân xứng về cấu tạo và ý nghĩa Ví dụ: Con đường dốc dần lên: ánh sáng đã hửng mờ mờ; rồi ánh sáng lóe lên. (Theo Xuân Khánh) Bài tập: Vì sao câu dưới đây tác giả lại dùng dấu chấm phẩy?(khoanh vào chữ cái trước ý đúng nhất) Hoa phượng tươi, tươi nhưng mà tươi quá quắt; hoa phượng đẹp, nhưng mà đẹp não nùng. (Xuân Diệu) A. để ngắt câu dài và có nhiều ý khác nhau B. để tạo sự cân xứng về cấu tạo và ý nghĩa C. để ngắt từng vế câu khi đã có bộ phận dùng dấu phẩy D. cả ba ý trên Dấu hai chấm : Dấu hai chấm được đặt ở giữa câu để báo hiệu bộ phận đứng sau: 1. Là lời đối thoại trực tiếp của nhân vật (thường được dùng phối hợp với dấu ngoặc kép hay dấu gạch ngang) Ví dụ: Chị Cốc liền quát lớn: -Mày nói gì? 2. Là ý giải thích cho bộ phận đứng trước Ví dụ: Rồi ngày mưa rào. Mưa dăng dăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống mặt biển óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc... (Vũ Tú Nam) 3. Là phần liệt kê cụ thể, kể ra những nội dung chi tiết Ví dụ: Truyện dân gian gồm có: -Truyện cổ tích -Truyện thơ -Truyện thần thoại... Bài tập: 1. Chọn ý dưới đây nêu đúng tác dụng của dấu hai chấm (:) trong câu sau: Nhìn xuống cánh đồng có đủ các màu xanh: xanh pha vàng của ruộng mía, xanh rất mượt của lúa chiêm đương thời con gái, xanh đậm của những rặng tre, đây đó một vài cây phi lao xanh biếc. A. dẫn lời nói trực tiếp B. báo hiệu ý giải thích C. liệt kê sự vật, sự việc Dấu ngoặc đơn () Dấu ngoặc đơn có thể đặt ở những vị trí khác nhau trong câu để tách biệt phần chú thích (đặt trong ngoặc đơn và luôn đi sau) với phần được chú thích. Phần chú thích có thể là một từ, một ngữ, một câu hoặc nhiều câu có tác dụng nêu rõ thêm cho phần được chú thích về tình cảm, thái độ, hành động, nơi chốn, v.v...Lưu ý: Trong một số trường hợp, có thể dùng dấu phẩy (hoặc dấu gạch ngang) thay cho dấu ngoặc đơn. Ví dụ: Tôi quê ở Hưng Yên (vùng có rất nhiều nhãn ngon) Bài tập: 1.Đặt dấu ngoặc đơn vào câu văn sau: Phiên chợ vùng cao nào cũng bán thắng cố món ăn truyền thống và độc đáo của người Hmong. Cậu bé người Hmong chủ một chảo thắng cố đang khéo léo múc thức ăn cho khách. 2.Đặt một câu sử dụng dấu ngoặc đơn có bộ phận chú thích về: - địa điểm - thời gian - tên tác giả - tên tác phẩm 3. Dấu có thể dùng ở nhiều vị trí khác nhau Dấu ngoặc kép " " Dấu ngoặc kép có thể đặt ở những vị trí khác nhau trong câu và dùng để tách biệt: 1. Lời nói trực tiếp của nhân vật (thường có dấu hai chấm đứng trước) Ví dụ: Rùa vàng không sợ người, nhô đầu lên cao nữa và tiến về phía thuyền Vua. Nó đứng nổi trên mặt nước và nói:" Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Vương". 2. Một số từ ngữ mượn lại của người khác được đưa vào trong bài viết (lúc này không cần đặt dấu hai chấm đứng trước) Ví dụ: Giữa khung cảnh vẫn "non xanh nước biếc" như xưa, chúng tôi mải mê nhìn những cánh đồng chiêm mơn mởn, những chiếc cầu sắt mới tinh duyên dáng, những mái trường, những mái nhà tươi roi rói bên cạnh rặng tre non... (Hoài Thanh - Thanh Tịnh) 3. Những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt (nhấn mạnh, mỉa mai, v,v...) Ví dụ: Một thế kỉ "văn minh", "khai hóa" của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt (Thép Mới) Bài tập: Hãy đặt câu, trong đó có sử dụng dấu ngoặc kép để dẫn những lời cho sẵn dưới đây: - Văn hay chữ tốt - Lá lành đùm lá rách - Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng Dấu gạch ngang Dấu gạch ngang có thể đặt ở những vị trí khác nhau trong câu để : 1.Tách biệt lời nói trực tiếp của nhân vật Ví dụ: Một hôm, Bác Hồ hỏi Bác Lê: - Anh Lê có yêu nước không? Bác Lê ngạc nhiên, lúng túng trong giây lát rồi trả lời: - Có chứ! (Trần Dân Tiên) 2. Tách biệt phần chú thích (có thể dùng dấu phẩy, dấu ngoặc đơn) Ví dụ: - Thí sinh cuối cùng - một em bé có dáng chắc nịch với nước da rám nắng - vào phòng thi và bước tới gần bàn của ban giám khảo. 3. Tách biệt từng nội dung liệt kê trong mối quan hệ với nhau Ví dụ: Hãy viết đúng các tên riêng dưới đây: - Buôn Ma Thuột - Đắc Lắc - Điện Biên Phủ (SGK Tiếng Việt 3) Bài tập: Viết một đoạn văn với nội dung tự chọn có sử dụng dấu gạch ngang để : - liệt kê các ý có quan hệ với nhau. - ngăn cách phần chú thích - nêu lời nói trực tiếp của nhân vật Dấu chấm lửng (ba chấm) ... Dấu chấm lửng có thể đặt ở những vị trí khác nhau trong câu để: 1. Thay cho những lời không tiện nói ra, hoặc không tiện trích dẫn Ví dụ: - U nó cứ yên lòng. Thế nào sáng mai tôi cũng về. Nếu tôi không ra tay, rồi quân cướp cứ nhũng nhiễu mãi, vùng này còn ai làm ăn gì được! - Đành vậy, nhưng nhỡ ra... (Nguyễn Công Hoan) 2. Biểu thị sự im lặng, sự kéo dài hay nghẹn ngào, xúc động không nói thành lời Ví dụ: - Mẹ ơi, con đau...đau...quá ...! - Trong tiếng gió thổi , ta nghe tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran và cả tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục từ trên các tầng than, bến cảng vọng lại. Những âm thanh của sự sống trăm ngã tụ về, theo gió ngân lên vang vọng... (TV5, tập 1) - Dấu ... trong câu kết của bài thơ sau có khả năng biểu đạt đặc biệt: Không gian trắng xóa cả rồi Chỉ còn dáng mẹ giữa trời. Và mưa... Hai từ "Và mưa..." thuộc câu thơ khác, một câu chỉ có từ mưa và dấu... nói lên sự vô tình của thiên nhiên, nhưng thể hiện rõ sự xót lòng, nghẹn ngào của người con. Bài tập: Biển vẫn lồng lộn. Nhưng chiếc tàu vẫn cứ đi, cứ tiến, từng tí...từng tí...Suốt đêm...suốt đêm... Dấu chấm lửng trong câu văn trên có tác dụng: A. thay cho ý không tiện nói ra . B. biểu thị sự kéo dài, kiên trì. C. dùng để ngắt ý, chuyển ý.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan