Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Ca huế trên sông hương

.DOC
5
287
144

Mô tả:

CA HUẾ TRÊN SÔNG HƯƠNG Trăng lên. Con đò bồng bềnh trên dòng sông Hương. Gió miên man, dìu dịu. Người lái đò gác mái chèo cặp mạn, rồi chui vào trong khoang, nép mình ngồi xuống một góc, lặng lẽ nhìn về phía trước và chờ đợi. Giữa lòng con đò, các nhạc công đang lên dây đàn và ca nhi thì đang thử giọng để chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Khán giả chờ đợi trong tâm trạng náo nức đến rộn lòng. Xa xa trên bờ bên kia, chùa Thiên Mụ hiện ra mờ ảo trong khoảng trời đêm mênh mông. Ngọn tháp Phước Duyên như vươn cao hơn để tắm trọn ánh trăng vàng. Sóng nước ru vỗ mạn đò rồi lan xa, lan xa... Trong không gian tĩnh mịch ấy chợt rộn lên những âm thanh trầm bổng, du dương, réo rắt của một dàn hòa tấu gồm đủ loại nhạc cụ: tỳ bà, nhị, tranh, nguyệt, sáo, sanh... Bản hoà tấu gồm bốn nhạc khúc: Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ đã mở đầu cho một đêm ca Huế. Du khách đến Huế, sau khi đến thăm các lăng tẩm, chùa chiền cùng những thắng cảnh nổi tiếng của đất thần kinh và thưởng thức các món ăn đặc sản xứ Huế, họ vẫn còn muốn tìm đến một thú vui khác. Ðó là thú nghe ca Huế, một món ăn tinh thần quý giá, một thú vui tao nhã và đầy sức quyến rũ của đất kinh kỳ. Ðúng ra phải gọi là ca nhạc Huế bởi nó bao gồm hai yếu tố: ca Huế và nhạc Huế. Ca nhạc Huế là một hệ thống các thể điệu trên 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc nằm trên hai dòng lớn: điệu Bắc và điệu Nam. Những nhạc khúc thuộc về điệu Bắc, còn gọi là điệu Khách, mang âm sắc tươi vui, sang trọng như: Phú lục, Cổ bản, Long ngâm, Lộng điệp, Lưu thủy và mười bài Liên hoàn khúc (giới cầm ca ở Huế quen gọi là mười bản Tàu) gồm: Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bản, Tây mai, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Kim tiền. Các ca khúc thuộc điệu Nam nghe man mác, thương cảm như: Hành vân, Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Quả phụ, Tương tư khúc... Cũng có những bản nhạc vừa mang âm hưởng của điệu Bắc vừa pha phách điệu Nam như bài Tứ đại cảnh, bản nhạc nổi tiếng có từ thời Nguyễn mà nhiều ý kiến cho là tác phẩm của vua Tự Ðức. Tại sao lại có tên điệu Bắc, điệu Nam? Có lẽ phải đi ngược dòng trở về với tháng Sáu năm Bính Ngọ (1306), khi vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng đất châu Ô và châu Lý để cưới công chúa Huyền Trân, em gái vua Trần Anh Tông. Vâng mệnh cha, vì nghiệp nước và sự hòa hiếu với lân bang, người con gái cao quý, xinh đẹp của vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) và đất nước Ðại Việt đã phải dứt tình riêng, đem tấm thân ngọc ngà về làm dâu Chiêm quốc trong tiếng hát ly hương, xót xa, ngậm ngùi: Nước non ngàn dặm ra đi Khối tình chi Mượn màu son phấn Ðền nợ Ô, Lý... Theo chân nàng, hàng đoàn cư dân Ðại Việt bồng bế nhau vượt qua đèo Ngang đến sinh cư lập nghiệp ở vùng đất mới. Và cũng có đoàn đoàn, lớp lớp cư dân Chiêm Thành dắt díu nhau vượt qua ngọn Hải Vân tiến về gần với trái tim của nước mẹ Chiêm Thành nhưng vẫn không quên gửi lại nơi cố quốc cái nhìn xót xa, 1 tiếc nuối. Lớp cư dân mới đến nhanh chóng hội nhập với non sông, phong hóa bản địa để hình thành một cuộc sống mới, trong đó có cả nền văn hóa mang bản sắc riêng với những nét đặc thù, độc đáo. Ca nhạc Huế bắt đầu từ bối cảnh như vậy. Sự hình thành của ca nhạc Huế mang hơi ấm của cái nôi trĩu nặng phù sa xứ Bắc, nơi chôn rau cắt rốn của những lớp người tình nguyện đi mở rộng phên dậu phía Nam cho tổ quốc, hòa cùng tâm tư buồn cảm, tiếc thương của những người dân Chăm lìa xứ. Song trong đáy sâu của tâm hồn dân Việt vẫn đọng lại nỗi bâng khuâng xen sự cảm thông với hoàn cảnh của bao lớp dân Chiêm, bởi chính họ cũng là những kẻ ly hương đến để thay chân những kẻ ly hương khác. Cho nên trong lời ca tiếng nhạc của họ có cả không khí vui tươi, sôi nổi mang từ Bắc vào lẫn âm sắc buồn thương, ai oán của người dân bản địa. Có lẽ vì thế mà điệu Bắc và điệu Nam ra đời như để phản ánh tính hai mặt của một tâm trạng, như để gợi lại trong mỗi người nổi hân hoan về một miền quê mới lẫn nỗi buồn phải xa cố hương. Người ta đến với ca Huế là để được đắm chìm trong cảm giác xao xuyến trong sự buồn vui lẫn lộn đến lạ kỳ. Không ai biết ca Huế ra đời từ bao giờ, song dưới triều Tự Ðức đã lưu hành ít nhất 25 bản nhạc, trong đó có 10 bản có lời (9 bản viết bằng chữ Hán, 1 bản viết bằng chữ Nôm). Ðó là Lưu thủy, Hồ quảng, Kim tiền, Xuân phong, Xuân trình, Ðiểu ngữ, Nam xương, Tư Mã Tương Như, Tiên nữ tống Lưu Nguyễn, Bá Nha khấp Tử Kỳ, Tự trạo, Tự hán, Trường hán. Xứ Huế vốn là vùng dân ca nổi tiếng với những điệu hò mái nhì, mái đẩy dàn trải, khoan thai, đầy thương cảm, ngọt ngào; có lối hò bài thai, hò đưa linh mang phong thái độc đáo của một vùng đất. Xứ Huế còn có những điệu hò giã gạo, giã vôi, giã điệp... nao nức mà nồng đượm tình người; còn có những điệu lý như những vết son tuyệt mỹ góp vào kho tàng dân ca Việt Nam như lý con sáo, lý hoài xuân, lý hoài nam, lý tình tang... Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn có một dòng ca nhạc cung đình với tính trang trọng, kiêu sa của nhã nhạc đền miếu uy nghi như: giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc, tế nhạc, huyền nhạc, cung trung nhạc... Ca Huế nằm giữa hai dòng đó. Nó không phải là phiên bản của dòng nhạc dân gian cũng chẳng là dị bản của nhạc cung đình. Ca Huế có đặc trưng riêng, có thần thái riêng của một loại nhạc thính phòng, sau này đã lan ra tới vùng đất Nam Bộ và phát triển thành nhạc tài tử miền Nam, tiền thân của nhạc cải lương. Ca Huế có chất trữ tình, sâu lắng; có cái ngọt ngào, duyên dáng làm xao động lòng người; có buồn thương, luyến tiếc; có trong sáng, vui tươi. Lời ca trí tuệ, nhịp điệu bình thản, ung dung như nhịp sống của con người xứ Huế. Mà cũng phải thôi! Xứ sở có dòng Hương khoan thai chảy giữa một bầu trời của thơ, của hoạ thì nhịp sống của con người, tiết tấu của âm nhạc việc chi phải vội vàng, gấp gáp. Ca Huế không phải là lối giải trí mang tính khoa trương, xô bồ. Nó có sự chọn lựa khán giả. Ðêm ca Huế có thể được tổ chức trong một thính phòng nho nhã, xinh xắn với ban nhạc gồm 5, 6 nhạc công và 4, 5 ca nhi cùng 5, 7 khán giả. Ở đó có hoa, có rượu, có chậu cây, bể cạn, có cả những tấm lòng nặng ân tình với lời ca, điệu nhạc của con người xứ Huế. Nhưng thú vị nhất, hấp dẫn nhất là được nghe ca Huế trong một đêm trăng trên sông Hương. Bồng bềnh, chơi vơi trên sông nước nên tâm hồn của người nghe và lời ca của người hát cùng tiếng đàn của nhạc công như được thăng hoa, được chắp cánh bay tới vầng trăng kia. Phần đầu của một đêm ca Huế, nhạc công và ca nhi thường biểu diễn những tiết tấu âm nhạc rộn ràng, tươi vui của điệu Bắc. Sau đó là những bài 2 bản trang trọng, uy nghiêm như Long ngâm, hay những bản nhạc không vui, không buồn như Tứ đại cảnh. Ðêm càng về khuya, không gian càng yên tĩnh, sâu lắng cũng là lúc những điệu Nam ai, Nam bình, Quả phụ, Tương tư khúc... ai oán, buồn thương nhưng rất mục trong sáng và gợi tình, được cất lên giữa trời đêm lồng lộng. Thi thoảng, theo yêu cầu của khách, các nghệ sĩ cũng biểu diễn những khúc chầu văn hay hò mái nhì, mái đẩy, hoặc ca một vài điệu lý của dòng nhạc dân gian để đêm ca Huế có thêm nhiều phong cách, nhiều nội dung. Sau tuần rượu chúc mừng ban nhạc vừa biểu diễn xong bản hòa tấu, bài Lưu thủy được cất lên: Kể từ ngày gặp nhau Trao lời hẹn cho vẹn vàng thau Dây tơ mành ràng buộc lấy nhau Ðêm thu rày xui mình chạnh nhớ Cảm thương ngậm ngùi ba thu... Lời ca lúc đắm đuối yêu thương, khi giận hờn trách móc như thấm sâu vào hồn người bởi nỗi lòng của người con gái đang yêu. Có khi nó là lời tự sự, tỏ bày của “ai đó” trót thề non hẹn biển như lời ca trong bài Cổ bản: Tiếng đờn hòa ngâm vịnh Mời chén quỳnh, say sưa cùng mình sánh tày vai Nhơn nhơn nghĩa, nhơn nghĩa lâu dài Là vui nào dám sai Tâm đầu ý hợp, như rứa mấy người? Tiếng ca vừa dứt, nhạc trưởng giới thiệu một ca khúc mới gọi là Long ngâm. Tương truyền vào tháng 9 năm Canh tuất (1310), Thượng hoàng Trần Nhân Tông thăng hà. Lúc sắp đưa linh cửu của nhà vua rời khỏi cung Thiên Trù để đưa đi mai táng ở phủ Thiên Trường (Nam Ðịnh), thì quan dân khắp nơi đổ về xem vây kín các cửa cung, không làm sao đưa thi hài Thượng hoàng ra ngoài được. Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) cho vời Trịnh Trọng Tử, một viên quan tùy tùng, để bàn cách giải tỏa đám đông. Trịnh Trọng Tử bèn tập hợp binh lính về một phía, dạy họ hát khúc Long ngâm. Lập tức, dân chúng đổ về đó xem và các cửa cung được giải phóng. Khúc hát này nghe rất đau xót, trang nghiêm. Ðặc biệt, những âm thanh réo rắt, ai oán phát ra từ cây đàn nhị đã gieo vào lòng người nỗi xúc cảm đến rơi nước mắt. Cái thần của cây đàn nhị là tuy chỉ có hai dây đàn nhưng do ngón đàn tài nghệ của nhạc công nên đã tạo ra được một trường âm thanh với đủ mọi cung bậc, mọi độ rung, hòa với tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, sáo... tạo ra một bầu không khí trang trọng, đầy xót thương. Dàn nhạc ca Huế đầy đủ gồm: tranh, tỳ bà, nguyệt, nhị, tam (gọi chung là ngũ tuyệt). Ngoài ra còn có đàn bầu, sáo và cặp sanh để gõ nhịp. Ðôi khi, trong những buổi biểu diễn hiện tại, người ta còn vận dụng thêm những nhạc cụ mới “phát minh”: dùng đũa gõ vào chai lúc cao hứng, đặc biệt là việc sử dụng 4 chiếc chén trà bằng sứ, rung lên trong đôi tay uyển chuyển, mềm mại của những nữ nghệ sĩ đã tạo ra một bầu âm thanh rộn rã làm xao động tận đáy hồn người. Trong nghệ thuật ca Huế, người ta rất chú trọng đến việc khai thác nhạc cụ. Cùng một loại nhạc cụ nhưng phải dụng công với nhiều ngón đàn khác nhau như: ngón nhấn, ngón mổ, ngón vả, ngón bấm, ngón day, ngón chớp, ngón búng, ngón phi, ngón rảy... đòi hỏi nhạc công phải khổ luyện, trau chuốt. Nhấn thì có nhấn nửa bậc, một bậc cho đến 3 nhấn hai, ba bậc. Tất cả hòa cùng tiếng sáo, tiếng phách, tiếng trống để đệm nhịp và làm giàu thêm sức truyền cảm của lời ca. Tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt với những bậc 1/4, 1/8 cung lơ lửng rơi trên thang cung ngũ âm đã làm nên những tiết tấu độc đáo trong ca Huế, khiến thính giả như chìm trong tiếng nhạc với những mộng tưởng của họ. Cùng với sự tuyệt xảo của các ngón đàn là sự điệu nghệ trong cách thể hiện lời ca. Tùy vào nỗi niềm và sự hứng khởi, ca sĩ có những cách thức luyến láy diễn tả theo cảm xúc, thể hiện qua nhịp và hơi nhạc. Nhịp có các thể: thường, sắp, dựng, nhanh, chậm. Hơi nhạc có: hơi dựng, hơi xuân, hơi ai, hơi oán, hơi đảo, hơi thiền... diễn tả những sắc thái tình cảm, những phong cách và nhạc cảnh khác nhau. Một nét đặc sắc nữa là ca từ ca Huế rất trí tuệ, mang tính bác học; ngôn ngữ được trau chuốt đến độ hoàn mỹ chứ không mộc mạc như lời thơ của dân ca. Có điều này, vì ca Huế là một loại ca nhạc thính phòng của tầng lớp quý tộc. Họ là vua chúa, quan lại, nho sĩ có tài thi phú và học vấn uyên thâm nên đã soạn nên những lời ca súc tích, trau chuốt. Những thi sĩ nổi tiếng thời Nguyễn như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, ba nàng công chúa Trọng Khanh, Thúc Khanh và Quý Khanh - con gái vua Minh Mạng, hay vua Thiệu Trị, Tự Ðức... đều là những người đã từng sáng tác lời cho ca Huế. Những ca từ này ca ngợi cảnh đẹp, những món ăn ngon, những địa danh nổi tiếng của non sông xứ Huế, hay diễn tả tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người thuở ấy. Có người cho rằng bài Tứ đại cảnh do vua Tự Ðức viết ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị dưới bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là khúc ca ra đời trước thời Tự Ðức, nói về cảnh đẹp bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Ðó không phải là một bản Bắc, cũng không hẳn là một bản Nam nhưng chan chứa những nổi niềm khác nhau. Có lẽ lớp hậu duệ của những người dân tiên phong đi mở đất thuở trước đã du nhập, đã hòa quyện âm hưởng của hai làn điệu Bắc, Nam thành một tiếng hát chung với một niềm rung cảm trọn vẹn để hình thành khúc ca này. Càng về khuya, lời ca tiếng đàn như chùng lại bởi những khúc Nam ai, Nam bình... Tuy nhiên, trong sự thương cảm, ai oán đó không hề thấy sự bi luỵ, yếu đuối. Phải chăng bởi cùng có sự cảm thông chung của hai lớp người mang nổi đau phải xa quê hương, đều có những mất mát, tiếc nuối và điều đó đã xuyên suốt những khúc nhạc Nam, từ lời thơ đến phách nhịp, âm tiết. Đó là một Tương tư khúc tỏa ra nét buồn da diết; một bài Quả phụ ảo não sầu thương. Ai đó chợt đề nghị ca sĩ hò mái nhì. Và câu hò được cất lên như đưa hồn người nghe cùng lơ lững trong một bầu trăng nước. Những ai đã có những “đêm canh trường” nằm trên bến Phu Văn Lâu, để đợi tiếng chuông gọi canh của chùa Thiên Mụ và nghe giọng hò của một thiếu nữ chèo đò qua trước mặt, hẳn lúc này không khỏi xao lòng. Ðã nửa đêm, tiếng gà gáy bên làng Thọ Cương như khuấy động cả một vùng sông nước. Trong khoang đò, khách và chủ vẫn đắm mình trong lời ca tiếng nhạc. Ca sĩ đang ca điệu Nam bình với bài Gối loan trằn trọc, bài thơ do công chúa Diệu Liên (tức Thúc Khanh) sáng tác: Gối loan trằn trọc năm canh Mối sầu đoanh! Lệ tình chan chứa, vì nợ ba sinh 4 Một khối tình ghê gớm thay Bấy nhiêu sợi tơ mành Vương càng thêm rối, rối muôn lòng, khôn lần ra mối. Thiệt lạ cho đời! Có lẽ, ở trong khoang đò, nghe khúc ca này, hẳn thính giả cũng đang trằn trọc. Trằn trọc vì một mối tình mà họ đã dành cho ca Huế. Bởi lẽ, họ yêu quá, quý quá... nhưng làm sao ôm trọn vào lòng cái hay, cái đẹp, cái quyến rũ của ca Huế. Chỉ biết rằng, ngoài kia, người lái đò đã nhổ neo để đưa con đò xuôi về bến đợi... 5
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan