Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Bi kịch của người phụ nữ trong tác phẩm hồng lâu mộng...

Tài liệu Bi kịch của người phụ nữ trong tác phẩm hồng lâu mộng

.PDF
73
1437
138

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN QUÁCH CẨM GIANG MSSV: 6106387 BI KỊCH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TÁC PHẨM HỒNG LÂU MỘNG Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: BÙI THỊ THÚY MINH Cần Thơ, năm 2013 0 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Khái niệm thuật ngữ 1.1.1. Hình tượng 1.1.2. Hình tượng văn học 1.2. Khái niệm bi kịch 1.3. Tác giả 1.3.1. Tác giả 80 hồi đầu của Hồng Lâu Mộng 1.3.2. Tác giả 40 hồi cuối của Hồng Lâu Mộng 1.4. Tác phẩm Hồng Lâu Mộng 1.4.1. Đôi nét về tác phẩm 1.4.2. Tóm tắt tác phẩm 1.4.3. Giá trị của tác phẩm 1 Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT NỮ TRONG HỒNG LÂU MỘNG 2.1. Nhân vật nữ trong Hồng Lâu Mộng 2.2. Đặc điểm của người phụ nữ trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng 2.3. Số phận người phụ nữ trong Hồng Lâu Mộng 2.3.1. Bi kịch tình yêu 2.3.2. Bi kịch hôn nhân 2.3.3. Bi kịch cuộc sống 2.4.3. Bi kịch tinh thần Chương 3: GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT 3.1. Nghệ thuật miêu tả nhân vật 3.2. Nghệ thuật xây dựng bi kịch 3.3. Ngôn ngữ 3.4. Kết cấu tác phẩm PHẦN KẾT LUẬN 2 PHẦN MỞ ĐẦU 1.Lý do chọn đề tài Văn học có tác dụng làm nhân đạo hóa con người, là dòng sữa ngọt ngào, mảnh đất màu mỡ bồi đắp tâm hồn con người. Thêm vào đó, văn học còn là tài sản tinh thần vô giá của mỗi cộng đồng, tinh hoa của mỗi dân tộc. Chúng ta học tập và nghiên cứu những giá trị tinh thần đó là công việc vô cùng cần thiết và quan trọng, nhằm mở mang kiến thức, làm phong phú, dồi dào hơn mảnh đất tâm hồn. Trung Hoa là một quốc gia rộng lớn với hơn năm mươi sáu dân tộc và năm ngàn năm lịch sử, Trung Quốc đã tích lũy cho mình một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú đa dạng có sức sống mãnh liệt. Họ rất tự hào về bề dày lịch sử của mình. Trung Hoa còn được thế giới biết đến bởi những tác phẩm văn học xuất sắc, kinh điển như: Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Thủy Hử của Thi Nại Am, Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Bốn bộ tiểu thuyết này được xem là Tứ Đại Danh Tác của Trung Quốc cũng như của nhân loại. Ngày nay, nền văn học Trung Hoa phát triển rất mạnh và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Hồng Lâu Mộng là một trong những tác phẩm đã góp phần vào sự thành công của nền văn học Trung Quốc. Phùng Kì Dung một nhà Hồng học Trung Quốc đã từng nhận xét: “Hồng lâu Mộng là một thiên li tạo không vần. Từ khi Hồng Lâu Mộng ra đời, tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc không còn xuất hiện tác phẩm nào có thể vượt qua nó. Hồng Lâu Mộng đã bao quát hầu hết tư tưởng của thời đại lúc bấy giờ: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán những giáo điều truyền thống đã ăn sâu, bén rễ hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương, giải phóng cá tính, đòi bình đẳng và khát khao một lí tưởng sống mới. Điều làm nên sự vĩ đại cho tác phẩm là khả năng bao quát các phương diện đời sống, nghệ thuật và tư tưởng của tác giả”. Hồng Lâu Mộng đã góp phần làm cho đời sống văn học Trung Quốc nói riêng, văn học nhân loại nói chung trở nên sôi nổi. Có nhiều ý kiến xoay quanh tác phẩm, dù khen hay chê đều mạnh mẽ, quyết liệt và có giá trị nhất định. Thời gian trôi qua, những xúc cảm nóng bỏng và đầy tính nhân bản mà tác phẩm truyền tải đến người đọc đã chuyển sang sự nghiền ngẫm kĩ lưỡng. Vì thế tên tuổi Tào Tuyết Cần và tác phẩm 3 Hồng Lâu Mộng đã vượt tầm biên giới đất nước Trung Hoa để sánh vai cùng các tác phẩm của những văn sĩ đại tài, nổi tiếng trên thế giới. Có được vị trí như thế trên văn đàn bởi những vấn đề mà tác giả phản ánh được soi sáng ở mọi thời điểm và lúc nào vấn đề ấy cũng mới lạ, gây hứng thú cho đọc giả. Những vấn đề được phản ánh trong tác phẩm không nằm ngoài khát vọng của con người về hạnh phúc, về tình yêu nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của con người. Qua tác phẩm hình tượng và số phận con người được thể hiện một cách rõ ràng, đặc biệt là số phận người phụ nữ được lột tả sâu sắc mà hơn một lần tác giả đã thốt lên bằng cả một trái tim, một tâm hồn nâng niu và trân trọng. Từ hơn 2300 năm trước, trong “Nghệ thuật thơ ca”, Aristote đã đưa việc tìm hiểu phân tích con người và số phận con người lên hàng đầu. Cách tìm hiểu đó hướng tới đối tượng và mục đích của văn học. Cho đến nay, qua nhiều thành tựu của những nhà nghiên cứu khoa học, có thể khẳng định việc tìm hiểu con người trong tác phẩm văn học là cách tiếp nhận đúng đắn giá trị văn học của tác phẩm. Và người viết nhận thấy việc tìm hiểu “Bi kịch của người phụ nữ trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần ” cũng khá quan trọng và thú vị. Tiếp cận với vấn đề này sẽ giúp mọi người có thể hiểu sâu thêm về những số phận của người phụ nữ, tựa những đóa phù dung cánh mỏng, thấy được nét tư tưởng về số phận của họ qua cách viết mới của Tào Tuyết Cần, có thể cảm thông, trân trọng những thân phận liễu bồ trong tác phẩm cũng như ngay cuộc sống hằng ngày mà mỗi con người chúng ta đang sống. 2.Lịch sử vấn đề Có những tác phẩm văn học thiên tài, kết tinh văn hóa tinh thần của một đất nước, phô bày vẻ đẹp của một thứ tiếng, biểu hiện tài hoa của một dân tộc. Trở thành niềm đam mê tự hào của dân tộc đó và còn là chiếc cầu nối đem lại bao nhiêu tình yêu và lòng kính trọng của các dân tộc khác. Mỗi tác phẩm văn học cũng giống như những tiếng chuông ngân, có tác phẩm vừa ra đời đã bị loại bỏ và phản đối, có những tác phẩm lúc mới ra đời được công chúng đón nhận rầm rộ nhưng sau một thời gian thì đã bị quên lãng nhưng lại có một số tác phẩm cứ âm vang mãi trong cuộc sống và trong lòng người đọc. Cuộc sống có muôn màu, muôn vẻ, muôn sắc, muôn chiều. Nó cho nhân loại nhiều nhưng lấy đi cũng không ít. Mỗi tác phẩm văn học nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung, một khi đã sống mãi trong lòng độc giả dù năm tháng đi qua. Tác phẩm mang trong mình 4 sức sống vượt không gian và vượt cả thời gian kia đều là những tác phẩm chất chứa những tư tưởng, những nỗi niềm và mang cả hơi thở của thời đại. Hồng Lâu Mộng là một kiệt tác văn học được đánh giá là tác phẩm đạt được những thành tựu nghệ thuật cao so với những tác phẩm văn học cùng thời ở Trung Quốc. Ngay từ khi mới ra đời nó đã thu hút sự quan tâm rất lớn của độc giả và giới nghiên cứu. Theo đánh giá của các tác giả cùng thời, chưa có một bộ tiểu thuyết nào lại gây được sự hứng thú tìm tòi cho người đọc nhiều đến như vậy. Sự quan tâm của độc giả không chỉ có ở Trung Quốc mà còn lan rộng trên thế giới trong đó có Việt Nam. Từ khi ra đời Hồng Lâu Mộng đã tạo nên nhiều sóng gió và cũng chịu nhiều sóng gió. Người Trung Quốc tìm đến nó để nghiên cứu, mổ xẻ ở nhiều lĩnh vực. Có cả hội nghiên cứu riêng về Hồng Lâu Mộng gọi là Hồng Học. Trong công trình “Tri Nghiễn Trai trùng bình Thạch đầu kí” các bản Giáp Tuất (Càn Long năm thứ 19,1974), Kỷ Mão (Càn Long năm thứ 24), Canh Thìn (Càn Long năm thứ 25). Các nhà Hồng Học chia làm nhiều trường phái. Phái thứ nhất cho rằng: Hồng Lâu Mộng hoàn toàn vì Thanh Thái Tố và Đống Ngạc Phi mà sáng tác, đồng thời đề cập đến các Danh vương kĩ nữ đương thời, tiêu biểu cho trường phái này là Vương Mộng Nguyễn và Thẩm Bình Am. Phái thứ hai lại cho rằng: Hồng Lâu Mộng là tiểu thuyết chính trị của triều Khang Hy nhà Thanh, tiêu biểu cho trường phái này là Thái Khiết Dân. Phái thứ ba thì khẳng định: những tình tiết trong Hồng Lâu Mộng đều là việc của Nạp Lan Thành Đức con trai của tể tướng Minh Châu thời Khang Hy, tiêu biểu cho trường phái này là Trương Tường Hà. Nhưng nhìn chung các trường phái đều cho rằng Hồng Lâu Mộng viết về một câu chuyện có thật vào đời Thanh. Lỗ Tấn trong cuốn "Sơ Lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc" lại nghiên cứu tác phẩm ở góc độ loại hình. Tác giả đã đặt Hồng Lâu Mộng vào hệ thống tiểu thuyết "Nhân tình thế thái" đời Thanh. Lỗ Tấn đã khẳng định sự vượt trội của Hồng Lâu Mộng so với các tác phẩm cùng thời và trước đó về tư tưởng cũng như lỗi viết. Vào những năm 20 của thế kỉ XX, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác, việc nghiên cứu Hồng Lâu Mộng đã có những thành tựu đáng kể. Nổi bật là Thái Ngu, Vương Côn Luân với bài viết phân tích trực tiếp về hình tượng nhân vật Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Vương Hy Phượng, những bài viết ấy cho thấy họ đã thâm nhập vào tác phẩm và xem văn học là sáng tạo văn học của nhà văn. Thái Ngu chỉ ra rằng 5 “Bi kịch của Lâm Đại Ngọc là do mâu thuẫn giữa tính cách và thời đại”. Quan điểm này của ông được nhiều nhà nghiên cứu sau này kế thừa. Còn Vương Côn Luân thì dùng một câu để khái quát về Vương Hy Phượng: “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”, và bài viết của ông về nhân vật Vương Hy Phượng đến giờ vẫn còn giá trị tham khảo. Năm 2000, giới văn học Trung Quốc đã có một hoạt động lớn kỷ niệm 100 năm ra đời nền văn học mới của Trung Quốc (tính từ Lỗ Tấn) và 100 năm dịch thuật văn học Phương Tây tại Trung Quốc, bên cạnh những vấn đề hiện đại đó, có hoạt động đánh giá lại Hồng Học. Hai thập niên cuối thế kỉ XX, giới nghiên cứu phê bình văn học Trung Quốc trên cơ sở “phản tư”, họ nhận thấy lý luận văn học lạc hậu so với sáng tác văn học, vì thế họ ra sức giới thiệu thành tựu của lý luận và phương pháp nghiên cứu văn học Âu Mỹ cho giới nghiên cứu trong nước. Từ đó việc vận dụng phương pháp mới, khám phá tác phẩm dưới góc độ văn hóa, mỹ học, triết học, tâm lý học, chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa cấu trúc, phê bình mới, hiện tượng học, giải thích học… đạt nhiều thành tựu đáng kể. Những phương pháp ấy đã được vận dụng để nghiên cứu Hồng Lâu Mộng, mở ra nhiều cánh cửa, nhiều góc độ để người đọc khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ bản thân tác phẩm. Hồng Lâu Mộng đã được biết đến ở Việt Nam từ khi chưa có bản dịch đầu tiên vì các sĩ phu hiện giờ rất yêu thích chữ Hán, đến nay những công trình nghiên cứu Hồng Lâu Mộng được người đọc biết đến chỉ là một bộ phận trong văn học sử , như: “Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc” của Lỗ Tấn, “Lịch sử văn học Trung Quốc” của nhóm tác giả Dư Quan Anh, Tiền Chung Thư, Phạm Ninh, “Trung Quốc văn học sử” của Chương Bồi Hoàn, Lạc Ngọc Minh, “Tiểu thuyết sử thoại Trung Quốc” của Trương Quốc Phong, Thái Trọng Lai…Đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu phải được kể đến như: Lương Duy Thứ, Nguyễn Khắc Phi, Trần Xuân Đề, Phan Văn Các... Trong cuốn "Văn học Trung Quốc" của hai tác giả Nguyễn Khắc Phi và Lương Duy Thứ có đề cập đến Hồng Lâu Mộng và hướng nghiên cứu tài liệu này cũng không nằm ngoài hướng nghiên cứu của cuốn "Lịch sử văn học Trung Quốc" do các tác giả Trung Quốc biên soạn. Đó là phê phán chế độ phong kiến Trung Quốc, nghệ thuật miêu tả, kết cấu nghệ thuật và cả về ngôn ngữ. 6 Trong quyển " Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ Trung Quốc" đã nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng "Tiểu thuyết nhân tình thế thái lấy đề tài trong cuộc sống đời thường, nói đến những tình cảm thông thường và những số phận của con người bình thường, chẳng phải vua chúa, thần phật hay anh hùng hảo hán xa lạ. Loại này có thể xem Hồng Lâu Mộng là thành tựu tiêu biểu".[15; tr. 6] Có lẽ trong khối lượng đồ sộ tiểu thuyết đời Thanh Hồng Lâu Mộng được nghiên cứu đầy đủ và tỉ mỉ nhất. 3.Mục đích nghiên cứu Sau khi tiến hành khai thác, sơ khảo. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu về đề tài “Bi kịch của người phụ nữ trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần” nhằm hướng tới giải quyết, tìm hiểu một số vấn đề sau: Tìm hiểu về tác giả của Hồng Lâu Mộng để hiểu được thân thế, sự nghiệp sáng tác của Tào Tuyết Cần và người giúp ông hoàn tất tác phẩm là Cao Ngạc. Tìm hiểu về người phụ nữ và số phận của họ thời phong kiến cũng như trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng. Sự kế thừa và phát triển về tư tưởng của những người phụ nữ trong Hồng Lâu Mộng. Đồng thời nhằm khẳng định số phận bi kịch của người phụ nữ “hồng nhan bạc phận”. Tìm hiểu cái nhìn của Tào Tuyết Cần đối với người phụ nữ trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, từ đó khẳng định thêm giá trị của tác phẩm. 4. Phạm vi nghiên cứu Đối tượng khảo sát của luận văn này là tác phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần và sự tiếp nối để hoàn thành tác phẩm của Cao Ngạc. Dựa trên phần dịch của Vũ Bội Hoàng, Nguyễn Doãn Địch, Nguyễn Thọ. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh in năm 2010. Cùng với những tài liệu nghiên cứu về tác giả Tào Tuyết Cần và tác phẩm Hồng Lâu Mộng. Do tác phẩm có quá nhiều nhân vật nên chúng tôi chỉ tập chung vào một số nhân vật nữ xuất hiện nhiều trong tác phẩm. 7 5. Phương pháp nghiên cứu Để nghiên cứu đề tài này, người viết đã tìm đọc tác phẩm và dùng một số phương pháp để nghiên cứu tác phẩm: Phương pháp lịch sử, tìm nguồn gốc phát sinh, quá trình phát triền của tác phẩm. Vì tác phẩm không chỉ có một tác giả nên chúng tôi dùng phương pháp này để có thể biết rõ nguồn gốc hình thành và sự phát triển của nó. Phương pháp thống kê: dùng phương pháp này để thống kê các tài liệu có liên quan và giúp ích cho người viết trong quá trình nghiên cứu. Vì tác phẩm có rất nhiều nhân vật nên người viết dùng phương pháp này để thông kê số lượng nhân vật liên quan đến bài viết. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Phân tích: chia tách toàn thể thành từng bộ phận để xâm nhập sâu vào trong sự vật hiện tượng để xem xét, nghiên cứu và rút ra kết luận. Tổng hợp: sự kết hợp, thống nhất cái toàn thể thành cái bộ phận, tìm ra những mối quan hệ tất yếu những mặt đặt thù, tìm ra tính toàn vẹn quy luật và bản chất đối tượng. Hai phương pháp này có chiều hướng đối lập nhau nhưng chúng lại thống nhất, bổ sung cho nhau. Dùng phương pháp này để chỉ ra sự khác nhau và cả những điểm tương đồng của các nhân vật. 8 PHẦN NỘI DUNG Chương 1: Một số vấn đề chung 1.1. Khái niệm thuật ngữ 1.1.1. Hình tượng Hình tượng là một thuật ngữ chỉ nhiều đối tượng được hiểu “là một thứ xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật mà có thể nói lên những cảm giác và tình cảm của mọi người có thể phản ánh thế giới bên ngoài và mọi thức cảm tính của cuộc sống nội tâm con người” [5; tr. 22]. Có thể nói thế giới hình tượng rất phong phú. Điều đầu tiên phải kể đến đó là hình tượng văn học, tiếp theo là hình tượng nghệ thuật, hình tượng nhân vật, hình tượng về không gian, thời gian. Khái niệm về hình tượng được chia làm hai mảng: khái niệm hình tượng nghệ thuật và hình tượng văn học. 1.1.2. Hình tượng văn học Hình tượng nghệ thuật là “phương thức chiếm lĩnh và tái tạo hiện thực riêng biệt, và vốn chỉ có ở nghệ thuật. Bất cứ hình tượng nào được xây dựng lại một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật đều là hình tượng nghệ thuật; thông thường và quan trọng nhất là hình tượng con người” [5; tr. 141] Trong nội hàm của hình tượng nghệ thuật có nhiều đối tượng như hội họa, âm nhạc, điêu khắc, văn học … Nhưng vấn đề được quan tâm ở đây là hình tượng văn học. Đây là một dạng của hình tượng nghệ thuật được thể hiện bằng chất liệu ngôn từ, nên còn được gọi là hình tượng ngôn từ. Bản thân hình tượng văn học tồn tại bởi cái gọi là hình tượng con người hay còn gọi là hình tượng nhân vật. Nhân vật có thể thể hiện bằng những hình thức khác nhau nhất. Đó có thể là những con người được miêu tả đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm, có tính cách, tiểu sử như thường thấy trong tác phẩm tự sự, kịch. Cũng có thể nhân vật không được miêu tả ngoại hình nhưng lại có tiếng nói, giọng điệu, cái nhìn như nhân vật người trần thuật, hoặc chỉ có cảm xúc, nỗi niềm, ý nghĩ, cảm nhận như nhân vật trữ tình trong thơ. Tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì thông qua nhân vật thì tác phẩm cũng như tác giả mới khái quát được đời sống, truyền tải được nội dung đời sống và nội dung tư tưởng đến người đọc thông qua nhân vật. 9 1.2. Khái niệm bi kịch Ở phương diện đời sống, khái niệm bi kịch dùng để chỉ sự thất bại tạm thời của những cái đẹp, cái cao cả, cái tốt, cái mới. Ở phương diện nghệ thuật, bi kịch là loại hình văn chương viết cho sân khấu và bản thân hoạt động của sân khấu phản ánh các chủ thể, các mâu thuẫn, các tình huống đấu tranh giữa cái đẹp, cái cao cả gặp nhiều nguy hiểm đi đến thất bại. Nhìn chung, cái bi là một phạm trù mĩ học cơ bản chỉ những sự hy sinh, tổn thất, mất mát… có ý nghĩa xã hội của một tập thể hoặc cá nhân con người trong cuộc đấu tranh vì lí tưởng cao đẹp, vì khát vọng chính đáng, tạo ra sự xót xa đau thương vô hạn nhưng cũng tạo ra niềm cảm phục, vui sướng, tự hào nơi cộng đồng [10; tr. 35]. Số phận bi kịch của các nhân vật thường thấy trong văn học cổ điển. Đến văn học hiện đại nhà văn có cái nhìn lạc quan hơn hay đúng hơn là xã hội đã phát triển hơn nên trong văn học cũng ít xuất hiện những số phận bi kịch. 1.3. Tác giả 1.3.1. Tác giả 80 hồi đầu của Hồng Lâu Mộng Tào Tuyết Cần (1724? – 1763?) tên thật là Tào Triêm, tự là Mộng Nguyễn, hiệu là Tuyết Cần, Cần Phố, Cần Khê là một tiểu thuyết gia vĩ đại người Trung Quốc, tác giả của cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, một trong Tứ đại kì thư của văn học Trung Quốc. Gia đình thế hệ trước của Tào Tuyết Cần là một gia đình quan lại thuộc tầng lớp đại quý tộc thời nhà Thanh. Tất cả những gì mà Tào Tuyết Cần đã trải qua, không phải là cuộc sống bình thường. Gia đình là một hào môn vọng tộc, có quan hệ mật thiết với cung đình. Biểu hiện đầy đủ bản chất hủ bại của giai cấp bóc lột, càng phản ánh đầy đủ quan hệ phức tạp của mâu thuẫn xã hội đương thời. Trong gia đình Tào Tuyết Cần có thể dễ dàng nhìn thấy hoặc cảm nhận được nhiều khúc xạ của các hiện tượng lịch sử, xã hội quan trọng. Mọi thay đổi thịnh suy mà ông từng nếm trải đều có ý nghĩa khác thường, nó chuẩn bị sẵn vốn sống dồi dào cho những sáng tác của ông sau này. Tào Tuyết Cần sinh ra và lớn lên khi gia đình họ Tào đã sa sút, gia đình ông sống rất nghèo khổ ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi ông sống là Hố môn (tức nhà Tông học của triều Thanh), ở đây ông đã kết bạn với Trương Nghi Tuyền và hai anh em Đôn Mẫn, Đôn Thành, coi họ như tri âm, tri kỷ. Có thuyết nói Tào Tuyết Cần xuất thân là cống sinh, có thuyết là cử nhân. Ông có làm quan hay không cũng chưa rõ, có thuyết nói ông từng làm Nội vụ phủ đường chủ sự. 10 Về quá trình sáng tác Hồng Lâu Mộng, do các tài liệu còn lại hiện nay quá ít ỏi, nên vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi trong giới Hồng học. Nhưng qua những lời được ghi lại của các bạn ông như Trương Nghi Tuyền, Đôn Mẫn, Đôn Thành thì Tào Tuyết Cần là một người đa tài, giỏi thơ, giỏi họa, cao ngạo trước các thế lực đen tối trong xã hội. Ngoài tiểu thuyết Tào Tuyết Cần còn sáng tác nhiều bài thơ nhưng đều bị thất lạc. Tào Tuyết Cần là một người “tài cao, phận thấp”, tuy cuộc đời chìm nổi nhưng vẫn luôn phóng khoáng, có những năm tháng ông đã sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, trong nhà phải ăn cháo, rượu phải mua chịu, sống qua ngày nhờ vào bán tranh và sự giúp đỡ của bạn bè. Chính hoàn cảnh khó khăn đó đã thôi thúc Tào Tuyết Cần viết nên Hồng Lâu Mộng, một tác phẩm “Tự tự khán lai giai thị huyết, Thập niên tân khổ bất tầm thường” (mỗi chữ xem ra đều là máu, mười năm cay đắng chẳng tầm thường). Ông đã dồn hết cả tâm huyết để viết trong mười năm, năm lần sửa chữa. Sau đó ông đã qua đời trong bệnh tật và sự nghèo túng cùng nỗi đau đứa con trai duy nhất qua đời không bao lâu khi tác phẩm tâm huyết của ông vẫn còn dang dở. Người thân của ông chỉ còn lại người vợ góa, trong tay không có tiền nong, nên ông chỉ được tống táng sơ sài trong sự giúp đỡ của vài ba người bạn thương tình. 1.3.2. Tác giả 40 hồi cuối của Hồng Lâu Mộng Người thay Tào Tuyết Cần hoàn thành tác phẩm “Thạch Đầu kí”, về sau đổi thành Hồng Lâu Mộng là Cao Ngạc(1738? – 1815?), tự là Lan Thự, Vân Sĩ, biệt hiệu là Hồng Lâu ngoại sĩ. Ông là người trong Tương Hoàng nội vụ phủ, thời kỳ nhà Thanh, người tộc Mãn. Tổ tiên của Cao Ngạc ở huyện Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh. Ông là người tài năng thiên bẩm. Năm Càn Long thứ 53 (1788), Cao Ngạc thi Hương đỗ cử nhân. Năm Càn Long thứ 60 (1795), ông thi Đình đỗ tiến sĩ tam giáp, lần lượt làm chức Lịch quan nội các trung thư, Nội các thị độc. Năm Gia Khánh thứ sáu (1801), đảm nhiệm việc khảo xét kì thi Hương và khảo thí quan lại. Năm thứ 14 (1809), làm chức Giang Nam đạo Giám sát ngự sử. Có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề tác giả 40 hồi cuối của Hồng Lâu Mộng, có ý kiến cho rằng người đó là Cao Ngạc, có ý kiến là của Trình Vĩ Nguyên, cũng có ý kiến đó là một người khác và có ý kiến cho rằng toàn bộ Hồng Lâu Mộng là do một tay Tào Tuyết Cần tạo nên. Đến nay vấn đề này vẫn chưa có kết luận cụ thể nên người viết xin không bàn thêm về vấn đề này mà sẽ đi vào tìm hiểu tác phẩm. 11 1.4. Tác phẩm Hồng Lâu Mộng 1.4.1. Đôi nét về tác phẩm "Có thể lần theo tiến trình lịch sử để xây dựng một lược đồ phát triển của tiểu thuyết Minh Thanh. Thời Minh tạm chia ra hai giai đoạn, 150 năm đầu có Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du. Hơn 100 năm cuối có cả truyện dài, truyện ngắn tổng cộng 180 bộ. Dài như Kim Bình Mai, Liệt Quốc Chí Truyện, Đông Tây Hán diễn nghĩa, Đông Du Ký, Nam Du Ký, Bắc Du Ký... Ngắn như Tam ngồn, nhi phách, về sau tuyển lại 40 truyện gọi là Kim Cổ Kỳ Quan. Thời Thanh, khoảng 100 năm từ Kiền Long trở về trước có Thủy Hử Hậu Truyện, Nhạc Phi Truyện, Từ Đường Diễn Nghĩa, Liêu Trai Chí Dị, Chuyện Làng Nho, Hồng Lâu Mộng. Từ Kiền Long về sau nhan nhản những truyện tài tử giai nhân, cũng có bộ có giá trị như Kinh hoa duyên của Lý Như Trân. Những năm sau chiến tranh thuốc phiện chủ yếu là tiểu thuyết khiển trách." [15; tr.6] Triều đại nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng thống trị Trung Quốc. Mọi quyền hành đều do quý tộc người Mãn nắm giữ. Sự lạc hậu mang tính chất trung cổ của chế độ Mãn Thanh đã kiềm hãm xã hội Trung Quốc trong vòng trì trệ. Mâu thuẫn xã hội do đó ngày càng phức tạp và sâu sắc hơn. Ruộng đất tập trung vào tay quan lại, địa chủ. Người nông dân bị bóc lột tàn nhẫn. Nền tư bản thương nghiệp thâm nhập vào nông thôn làm người nông dân bần cùng phá sản. Bên cạnh mâu thuẫn giai cấp còn có mâu thuẫn dân tộc dẫn tới những cuộc khởi nghĩa liên miên. Nhân dân lao động phải chịu sưu cao thuế nặng, sản xuất bị tàn phá. Chiến tranh đã làm cho mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp càng thêm gay gắt, phức tạp. Để củng cố trật tự phong kiến, thủ tiêu tinh thần phản kháng, đấu tranh của nhân dân thì giai cấp thống trị Mãn Thanh đã đề cao Tống Nho hay còn gọi là Lý học như một thứ quốc giáo. Lý học là Khổng giáo đã được Trình Hạo, Chu Hi đời Tống giải thích lại nhằm phục vụ cho việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền. Về thế giới quan nó đề cao tư tưởng mệnh trời, khuyên mọi người an phận thủ thường; về luân lý xã hội đề cao tam cương ngũ thường khuyên răn con người vào khuôn phép. Đây là một thứ lý luận đào tạo quan chức phục tùng, đào tạo thuần dân rất màu nhiệm. Trong Hồng Lâu Mộng có một số nhân vật mang tư tưởng phong kiến bảo thủ như Giả Chính, Tiết Bảo Thoa. Trong các kì thi cử, thí sinh phải mô phỏng theo ngữ khí của người xưa, không được tự do sáng tạo. Đó là một thủ đoạn thâm độc nhằm hạn chế tự do tư tưởng. Cách 12 đào tạo nhân tài này làm sản sinh ra những con mọt sách. Nhà Thanh còn có một chính sách văn hóa hết sức tàn bạo, tiêu biểu là “Văn tự ngục”. Đây là một chính sách bắt giam, xử tội, thậm chí chặt đầu những nhà thơ, nhà văn dám mỉa mai châm biếm chế độ. Trong các vở kịch đào kép không được đóng vai vua chúa, hoàng hậu, cung phi, trung thần tiết liệt nhưng đóng các vai thần tiên, đạo sĩ, nghĩa phu, con hiền, dâu thảo thì được. Không ít nhà văn nhà thơ đã mất đầu vì một chữ, một câu bị coi là ám thị chính trị. Tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng cũng đã từng một thời bị triều đình Mãn Thanh cấm lưu hành vì mang nhiều tư tưởng tự do dân chủ. Tuy giai cấp thống trị nhà Thanh đã dùng mọi thủ đoạn để kiềm hãm những tư tưởng tự do dân chủ vẫn ra đời và phát triển. Việc buôn bán với nước ngoài cũng rất phát đạt, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã xâm nhập vào Trung Quốc. Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã tạo điều kiện cho việc nảy sinh một ý thức hệ mới chống lại ý thức hệ phong kiến. Sự nảy sinh và phát triển của tư tưởng dân chủ đã tạo nên màu sắc mới mẻ của hàng loạt tác phẩm văn học thời kì này. Hồng Lâu Mộng đã kế thừa những tư tưởng dân chủ ấy. Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc là hai nhân vật mang tư tưởng tự do dân chủ được xây dựng rất thành công trong tác phẩm. Hồng Lâu Mộng, một trong bốn kiệt tác “Tứ đại danh tác” của văn học cổ điển Trung Quốc. Ba tác phẩm còn lại là “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Tây du kí” của Ngô Thừa Ân, “Thủy hử truyện” của Thi Nại Am. Các tác phẩm này đều đã được chuyển thể thành phim, được lưu truyền đến ngày nay và vẫn được khán giả yêu thích. Hồng Lâu Mộng được Tào Tuyết Cần sáng tác vào khoảng giữa thế kỉ XVIII triều đại nhà Thanh. Đây là bộ tiểu thuyết chương hồi gồm 120 hồi, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, sau đó ông qua đời khi tác phẩm dang dở nên Cao Ngạc đã viết thêm 40 hồi để hoàn thành tác phẩm và soạn thành sách. Trãi qua thời gian Hồng Lâu Mộng vẫn luôn được mọi người đón nhận. Tác phẩm ra đời trong vương triều nhà Thanh, thời Ung Chính, Càn Long (1723–1795), đó là thời điểm kinh tế Trung Hoa cực thịnh. Các thành thị lớn như Nam Kinh, Dương Châu, Vũ Xương, Nhạc Châu… buôn bán, sản xuất sầm uất. Song song đó thì nền kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện trong lòng xã hội phong kiến chuyên chế mục ruỗng đang trên đà tan rã, nên đã sản sinh ra một lớp thị dân thành thị, có những nhu cầu thẩm mĩ mới. Hồng Lâu Mộng đã thể hiện những tư tưởng mới của thời đại: tinh thần dân chủ, tinh thần phê phán đời sống xã hội phong kiến mục nát, phê phán 13 những giáo điều cố hủ đã tồn tại hàng ngàn năm, đòi tự do yêu đương và mưu cầu hạnh phúc, khát khao tự do, bình đẳng. Từ khi ra đời Hồng Lâu Mộng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn học. Có hẳn một ngành học gọi là Hồng Học chuyên nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng. Giới nghiên cứu tổ chức định kì Hội thảo Hồng Lâu Mộng với quy mô toàn quốc. Sở nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng có tạp chí chuyên san để đăng tải những nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng. Hồng Học ngày nay đã trở thành một ngành học vấn ở phạm vi quốc tế. Trên thế giới chỉ có nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare là có vinh dự này. Hồng Lâu Mộng vốn có tên là Thạch Đầu Kí. Ngay từ khi lưu truyền trong xã hội dưới dạng bản chép tay thì bộ sách đã ngay lập tức nhận được sự yêu thích của mọi người. Sau này, Trình Vĩ Nguyên đã gộp bản do Tào Tuyết Cần viết với 40 hồi Cao Ngạc viết tiếp, rồi cho in hai lần bằng chữ rời. Kể từ đó, tác phẩm được in và lưu truyền rộng rãi. Người ta cho rằng cốt truyện của Hồng lâu mộng là do Tào Tuyết Cần dựa trên chính hiện thực của gia đình mình. Là sự nuối tiếc cả một thời kì vàng son của dòng tộc họ Tào, đồng thời phản ánh bản chất xã hội phong kiến Trung Quốc giai đoạn ông đang sống. Như lời Tào Tuyết Cần đã nói thì ông chỉ viết để bày tỏ tâm sự của bản thân, giải tỏa nỗi niềm phẫn uất nên không có ý định xuất bản. Tuy nhiên ông đã tốn nhiều sinh lực và bỏ vào đó nhiều tâm huyết trong 10 năm cuối đời. 1.4.2. Tóm tắt tác phẩm Tác phẩm xoay quanh câu truyện tình duyên trắc trở của hai anh em cô cậu Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Cuộc sống của một đại gia đình quý tộc đời Thanh từ lúc cực thịnh đến lúc suy tàn và số phận trắc trở của những người phụ nữ trong gia đình ấy. Tiểu thuyết mở đầu bằng huyền thoại Nữ Oa luyện đá vá trời, luyện được ba vạn sáu nghìn năm trăm lẻ một viên nhưng bà chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn thừa một viên bỏ lại chân núi Thanh Nghạnh. Một ngày nghe nhà sư và đạo sĩ nói đến chuyện vinh hoa phú quý dưới hồng trần mà viên đá động lòng phàm tục, xin nhà sư và đạo sĩ cho mình theo xuống trần. Còn cây Giáng Châu vì từng chịu ơn chăm bón của Thần Anh nên cũng xin xuống trần trả nợ. Từ đó cả hai cùng xuống trần và sinh ra bao nhiêu chuyện sau này. 14 Gia đình họ Giả là một gia tộc có nhiều công lao với triều đình, số lượng kẻ hầu người hạ trong nhà không thể kể hết. Sống trong hai tòa dinh cơ tráng lệ bậc nhất Kinh thành là phủ Ninh Quốc và phủ Vinh Quốc. Ninh Quốc Công và Vinh Quốc Công là hai anh em ruột. Ninh Công là trưởng, sau khi mất con là Giả Đại Hóa tập tước. Con cả Giả Phụ mất sớm, con thứ Giả Kính tập tước nhưng Giả Kính chỉ say mê tu tiên luyện đan nên nhường cho con lớn là Giả Trân tập tước, con gái thứ là Giả Tích Xuân được đem sang ở trong phủ Vinh Quốc. Giả Trân (vợ là Vưu Thị) có một đứa con trai là Giả Dung (vợ là Tần Khả Khanh), hai cha con phủ Ninh Quốc chẳng lo học hành, chỉ lo chơi bời cho thỏa thích, đảo lộn cả cơ nghiệp phủ Ninh. Còn Phủ Vinh Quốc, sau khi Vinh Công mất, con trưởng là Giả Đại Thiện tập tước. Sau khi Giả Đại Thiện mất, vợ là Giả mẫu (họ Sử) trở thành người cầm cân nảy mực của gia đình. Giả mẫu có ba con, con trưởng là Giả Xá (vợ là Hình Phu Nhân) được tập tước. Giả Xá có con trai là Giả Liễn (vợ là Vương Hy Phượng) và con gái (con nàng hầu) là Giả Nghênh Xuân. Em Giả Xá là Giả Chính (vợ là Vương Phu Nhân) được Hoàng Thượng đặc cách phong tước. Giả Chính có ba người con, con lớn là Giả Châu (vợ là Lý Hoàn) mất sớm để lại một con trai là Giả Lan, con gái thứ Nguyên Xuân tiến cung làm phi tử, Giả Bảo Ngọc là cậu ấm hai, sinh ra đã ngậm một viên ngọc trong miệng, là niềm hy vọng của cả gia đình. Ngoài ra còn có Giả Thám Xuân và Giả Hoàn là con của nàng hầu Triệu Di Nương. Giả Xá và Giả Chính còn có một em gái tên Giả Mẫn, lấy chồng là Lâm Như Hải người Cô Tô, làm quan Diêm Chính thành Duy Dương, có một cô con gái tên Lâm Đại Ngọc. Bố mẹ mất sớm nên Lâm Đại Ngọc được bà ngoại là Giả mẫu rước về ở phủ Vinh Quốc. Trong Vinh Quốc phủ còn có gia đình của Tiết phu nhân, vốn là em gái của Vương phu nhân, cùng con trai cả Tiết Bàn và con gái Tiết Bảo Thoa vừa vào Kinh cùng đến ở. Vì con gái của Giả Chính là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên Phi nên khi Nguyên Phi được về thăm nhà thì phủ Vinh Quốc xây dựng vườn Đại quan cực kì tráng lệ. Sau khi Nguyên Phi trở về cung thì các vị tiểu thư của hai phủ cùng Giả Bảo Ngọc dọn vào vườn ở. Cảnh sắc trong vườn chẳng khác nào khung cảnh thần tiên. Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc cùng nhau lớn lên, dần dần có tình cảm với nhau nhưng mọi người trong gia đình lại không muốn cuộc hôn nhân ấy diễn ra. Lâm Đại Ngọc là người con gái dung mạo tuyệt sắc, lại có tài, nhưng tâm hồn vô cùng nhạy cảm và mảnh mai, luôn nghĩ mình ăn nhờ ở đậu nên tính tình càng thêm sầu thảm, đau buồn 15 sinh ra bệnh tật. Trong khi đó Tiết Bảo Thoa là người con gái đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến. Nên Giả mẫu muốn cưới Tiết Bảo Thoa cho Giả Bảo Ngọc nhưng người Bảo Ngọc đã dành trọn trái tim mình là Lâm Đại Ngọc, mong muốn lấy nàng làm vợ. Trong lúc thế lực nhà họ Giả lung lay do mắc tội với triều đình, cả hai phủ đều phân li, kẻ chết người đi đày thì mọi người lại bày kế tráo hôn để cưới Tiết Bảo Thoa cho Giả Bảo Ngọc. Lúc đám cưới diễn ra cũng là lúc Lâm Đại Ngọc uất ức phát bệnh, ho ra máu mà chết. Còn Giả Bảo Ngọc khi biết cô dâu không phải Lâm Đại Ngọc mà là Tiết Bảo Thoa thì hết sức đau khổ, rồi lâm bệnh, cuối cùng xuất gia đi tu. Những người phụ nữ trong nhà họ Giả đều không ai có cuộc sống mĩ mãn. 1.4.3. Giá trị của tác phẩm Giá trị của Hồng Lâu Mộng đã vượt qua cái khung văn học đơn thuần, nó như một thành tựu văn hóa bởi tác phẩm có thể coi là tấm gương phản chiếu và tổng hợp nền văn hóa vật chất lẫn tinh thần của xã hội Trung Quốc. Tác giả đã thu hẹp xã hội vào một gia đình để phản ánh nó. Mọi lĩnh vực trong xã hội phong kiến từ chế độ, pháp luật, văn hóa, giáo dục, tôn giáo tín ngưỡng, tư tưởng, phong tục tập quán…đều được Tào Tuyết Cần phản ánh sâu sắc thông qua gia đình họ Giả. Tác phẩm giúp người đọc hiểu rõ hơn về xã hội và con người Trung Hoa lúc bấy giờ. Tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng như cuốn bách khoa sinh động về xã hội Trung Quốc thời phong kiến. Vừa mở đầu tác phẩm, tác giả đã đưa người đọc vào phủ Vinh quốc đầy vàng bạc châu báu nhưng cũng đầy nước mắt và bất hạnh.Gia đình họ Giả là biểu hiện của một xã hội thối nát suy tàn và bất lực. Hồng Lâu Mộng phản ánh nhiều hiện tượng xã hội phức tạp, vạch trần những hiện tượng đen tối của xã hội phong kiến. Ở đó hàng ngày sinh ra các hiện tượng thù hằn, nghi kị, dối trá, tranh đoạt giữa người với người. Nhưng tất cả đều được che giấu dưới lớp màn the êm ái của chế độ phong kiến. Tác phẩm đã phản ánh xã hội với tầm rộng lớn, Hồng Lâu Mộng được mệnh danh là bách khoa về văn hóa, xã hội Trung Quốc thế kỷ XVIII. Hồng Lâu Mộng còn là câu chuyện của những cá nhân con người, đó là những số phận điển hình cho một giai cấp, một tầng lớp. Sự cảm thương đối với người phụ nữ, những con người đã nếm trãi tất cả những vinh nhục thăng trầm, vui buồn của đời 16 người, đó là những con người biết ước mơ nhưng mơ ước đều không thành nên cuối tác phẩm là bi kịch, nỗi buồn. Tác phẩm trở thành bản cáo trạng đanh thép, tố cáo, phê phán xã hội đương thời. Chính cái nơi được trang hoàng tô điểm đẹp đẽ nhất trong xã hội đó lại là nơi bẩn thiểu nhất, xấu xa nhất. Trong cái phủ Giả đầy thi thơ hội họa kia, văn minh phong kiến chẳng qua chỉ là chiếc áo choàng đẹp đẽ, mềm mại, che giấu bao nhiêu tội ác mà thôi. Đồng thời tác phẩm thể hiện ước muốn cải tạo xã hội bằng hình ảnh những con người mới, mang tư tưởng dân chủ, đấu tranh cho tình yêu, bênh vực lẽ phải. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, rất ít tác phẩm có khả năng như Hồng Lâu Mộng, vạch trần được toàn bộ sự thối nát của xã hội phong kiến về mặt cơ cấu xã hội ở tầm rộng lớn như vậy. Hồng Lâu Mộng còn đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc Trung Quốc, đó là sự khởi đầu của tư tưởng và cách viết mới. Hồng Lâu Mộng báo hiệu một sự trở mình giữa tiểu thuyết cổ điển sang tiểu thuyết thời hiện đại. Đây là sáng tác của một cá nhân, không có sự lưu truyền, tích tụ của giai thoại từ nhiều đời thành các loại thoại bản như các tiểu thuyết chương hồi khác. Để có được hình tượng Tôn Ngộ Không trong sáng tác của Ngô Thừa Ân là một quá trình lâu dài . Tam Quốc Chí hay Thủy Hử đều là những tác phẩm với những thoại bản tồn tại trong nhân dân từ lâu đời. Trong khi đó Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần không có một thoại bản nào, chỉ dựa vào tài năng, sự trãi nghiệm, vốn văn hóa, Tào Tuyết Cần đã sáng tác một thiên cổ kỳ thư cho riêng mình. Tuy Hồng Lâu Mộng không phải là tác phẩm đầu tiên do cá nhân sáng tác vì vị trí đó đã được dành cho Kim Bình Mai. Có thể xem Hồng Lâu Mộng là sự kế thừa và phát triển những thành tựu của Kim Bình Mai, sự kế thừa ấy không đơn thuần chỉ là kỉ xảo nghệ thuật thông thường mà Hồng Lâu Mộng chính là kết tinh của sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật và tư tưởng mĩ học của Tào Tuyết Cần. Tào Tuyết Cần đã xây dựng được một thế giới lý tưởng, nhân vật được khắc họa mang nội dung mĩ học sâu sắc. Hồng Lâu Mộng đã phá vỡ những tiểu thuyết tài tử giai nhân. Tào Tuyết Cần đã mở ra một con đường mới cho tiểu thuyết hiện đại bằng phương pháp sáng tác hiện thực, căn cứ vào hiện thực và những gì đã trãi qua để viết lại. Tào Tuyết Cần rất sáng tạo trong việc xây dựng nhân vật trong Hồng Lâu Mộng, mỗi con người một diện mạo, phong phú về nội hàm tính cách, đời sống. Nhân 17 vật trong Hồng Lâu Mộng chiếm một số lượng đồ sộ với hơn bốn trăm nhân vật nhưng tất cả đều là những con người có thanh sắc, có da có thịt không thể nhầm lẫn. Có rất nhiều nhân vật bước từ đời sống văn học ra đời sống sinh hoạt với những đặc tính riêng như Bảo Ngọc, Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa, Vương Hy Phượng…Tất cả đều minh chứng cho sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ của cuộc sống con người, sự “đa nhân cách” với những mặt đối lập cùng tồn tại trong bản thân mỗi nhân vật. Từ đây con người trong văn học không còn là con người đơn giản, một chiều mà đã là con người sinh động, khó đoán, khó nắm bắt. Tuy nhân vật có nhiều điểm đối lập thể hiện sự đa nhân cách nhưng tính cách của họ vẫn thống nhất từ đầu đến cuối tác phẩm. Việc xây dựng hình tượng nhân vật trong bộ Hồng Lâu Mộng hết sức thành công. Trong tác phẩm có trên bốn trăm nhân vật, trong đó nhân vật điển hình vượt quá một trăm người. Tào Tuyết Cần hiểu biết vừa chuẩn xác vừa sâu sắc nữ giới, nhất là trạng thái tâm lý và thế giới tình cảm tế nhị, phức tạp, nhạy cảm, hay thay đổi của thiếu nữ. Với lòng đồng tình phong phú, ông miêu tả rõ lòng mong đợi đối với cuộc sống, nhất là lòng khát khao đối với tình yêu của họ. Tác giả vừa thể hiện tính cách phong phú và sâu sắc, vừa thể hiện rõ ràng sự ràng buộc và ảnh hưởng của môi trường và xã hội đối với họ, do vậy họ được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật cụ thể. Hồng Lâu Mộng là sự chuyển đổi căn bản về tính chất của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, từ tiểu thuyết sử thi đến tiểu thuyết đời thường. Tác phẩm là một minh chứng cho sự thành thục về phương diện sáng tác. Nhân vật ít nhiều không còn là nhân vật hành động mà đã có sự trăn trở, đắn đo, day dứt, suy tư không ngừng về cuộc sống và số phận con người. Tác phẩm đã chú ý đến việc mô tả những diễn biến tinh tế trong nội tâm nhân vật, có cách nhìn nhận con người không những ở chiều ý thức mà còn trong tiềm thức và vô thức. Như một sự cô đúc những giá trị đặc sắc mà tuyệt thế kỳ thư Hồng Lâu Mộng đã tạo được sự khởi đầu của tư tưởng và cách viết mới. Giá trị nghệ thuật của Hồng Lâu Mộng từ ngôn ngữ, kết cấu, xây dựng nhân vật đều đạt tới đỉnh cao của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Đến với Hồng Lâu Mộng người đọc sẽ thấy được giá trị của người phụ nữ qua ngòi bút độc đáo của Tào Tuyết Cần. Trong tác phẩm văn học cổ điển hình ảnh người phụ nữ luôn luôn được miêu tả rất xinh đẹp nhưng trong những tác phẩm khác thì ở những người phụ nữ đều có một tính chất riêng thể hiện những dục vọng của con 18 người. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa là hình ảnh những người phụ nữ nam quyền, họ nắm trong tay quyền hành, trong Thủy Hử là hình ảnh những người phụ nữ lẳng lơ, còn trong Tây Du Ký là hình ảnh những người phụ nữ ham muốn tính dục, ham muốn ăn uống. Nhưng trong Hồng Lâu Mộng hình ảnh những người phụ nữ đoan trang, nết na, họ xinh đẹp, thông minh, sắc xảo. Tào Tuyết Cần đã đưa vị trí của người phụ nữ lên tầm cao, xem phụ nữ là con người chứ không phải là thân phận chịu phụ thuộc như những tác phẩm trước. Qua nhân vật Giả Bảo Ngọc giá trị người phụ nữ được đưa lên một tầm cao mới, Giả Bảo Ngọc rất xem trọng người phụ nữ. Trên đây là những giá trị nổi bật của Hồng Lâu Mộng, tác phẩm đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn học Trung Quốc với các giá trị đối với xã hội, giá trị về nghệ thuật và đặc biệt là giá trị của người phụ nữ. Tác phẩm đã thể hiện hầu hết các phẩm chất của người phụ nữ trên thế giới. 19
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan