Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ 79 câu hỏi và gợi ý trả lời về môn học tư tưởng hồ chí minh...

Tài liệu 79 câu hỏi và gợi ý trả lời về môn học tư tưởng hồ chí minh

.PDF
181
1416
106

Mô tả:

79 câu hỏi và gợi ý trả lời về môn học tư tưởng hồ chí minh
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THĂNG LONG ________  ________ THẠC SĨ ĐỖ QUANG ÂN 79 CÂU HỎI VÀ GỢI Ý TRẢ LỜI VỀ MÔN HỌC TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH Hà Nội, ngày 19 tháng 5 năm 2010 LỜI NÓI ĐẦU Chủ tịch Hồ Chí Minh là “vị anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là của dân tộc Việt Nam, mà còn thuộc về nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Vì vậy Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định tổ chức việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống, thường xuyên, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên, sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng. Để góp phần vào việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi biên soạn cuốn 79 câu hỏi và gợi ý trả lời về môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên các Trường Đại học và Cao đẳng đang học tập nghiên cứu môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung cuốn sách được trình bày một cách có hệ thống dưới dạng câu hỏi và gợi ý trả lời những vấn đề cơ bản quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác giả đã sắp xếp hệ thống các câu hỏi theo chương trình môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh và phần gợi ý trả lời, nêu lên những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với đối tượng đào tạo. Tác giả hi vọng cuốn sách này sẽ giúp ích cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các Trường Đại học và Cao đẳng. Trong quá trình biên soạn, Tác giả đã cố gắng vận dụng những kết quả quá trình giảng dạy và nghiên cứu, song không tránh khỏi thiếu sót, mong nhận được ý kiến đóng góp để lần tái bản được hoàn thiện hơn. Tác giả MỤC LỤC Câu 1: Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh? Gợi ý trả lời: Tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là biểu hiện quan hệ của con người với thế giới xung quanh. Bất cứ tư tưởng nào cũng đều do chế độ xã hội, điều kiện sinh hoạt vật chất của con người quyết định. Trong xã hội có giai cấp, tư tưởng bao giờ cũng mang tính giai cấp. Khái niệm “tư tưởng” liên quan trực tiếp đến khái niệm “nhà tư tưởng”. Theo Lênin, “Một người xứng đáng là nhà tư tưởng, khi người đó biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát”. Trong thuật ngữ “tư tưởng Hồ Chí Minh”, khái niệm tư tưởng có ý nghĩa ở tầm khái quát triết học. Khái niệm tư tưởng ở đây không phải dùng với nghĩa tinh thần - tư tưởng, ý thức tư tưởng của một cá nhân, một cộng đồng, mà với nghĩa là một hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm được xây dựng trên một nền tảng triết học (thế giới quan và phương pháp luận) nhất quán, đại biểu cho ý chí nguyện vọng của một giai cấp, một dân tộc, được hình thành trên cơ sở thực tiễn nhất định và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực. Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn bó với toàn bộ tiến trình cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh là quá trình đi từ thấp đến cao, từ những vấn đề cụ thể đến hệ thống hoàn chỉnh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2 - 1951) của Đảng, Đảng ta chính thức khẳng định: Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức Hồ Chủ tịch... Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch,. Sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nhất là từ đổi mới tư duy do Đại hội đại biểu toàn quốc lần VI (tháng 12 - 1986) của Đảng đến nay, Đảng ta đã liên tục khẳng định vai trò, ý nghĩa, tác dụng của đường lối chính trị, tư tưởng đạo đức, phương pháp phong cách... Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991) của Đảng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Đảng ta ghi rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ n cho hành động”.Văn kiện của Đại hội đã nêu “tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta và trong thực tế, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thanh một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của cả dân tộc”. - Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được tiến hành nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả nghiên cứu đó đã cung cấp luận cứ khoa học có sức thuyết phục để Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4 -2001) của Đảng xác định khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Định nghĩa trên đã làm rõ được bản chất cách mạng, khoa học, nguồn gốc tư tưởng lý luận, những nội dung cơ bản và ý nghĩa giá trị cuả tư tưởng Hồ Chí Minh. Dựa trên định hướng cơ bản cuả văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4 -2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà khoa học đã đưa ra một định nghĩa: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người”. Dù định nghĩa theo cách nào, tư tưởng Hồ Chí Minh đều được nhìn nhận với tư cách là một hệ thống lý luận, có cấu trúc, logíc, chặt chẽ và có hạt nhân cốt lõi, đó là tư tưởng về độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Câu 2: Trình bày hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam? Gợi ý trả lời: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm bao gồm nhiều lĩnh vực, là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học khác nhau. Đại hội IX (tháng 4 - 2001) của Đảng đã nêu hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam: “Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phòng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân... Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Câu 3: Trình bày nội dung cơ bản, cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh? Gợi ý trả lời: - Suốt đời mình Hồ Chí Minh đã kiên trì và nhất quán đi theo con đường cách mạng đã lựa chọn. Dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vững bước tiến lên giành được những thắng lợi lịch sử có tầm thời đại. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4-2001) của Đảng một lần nữa đã nhấn mạnh “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”1. Thế giới hiện nay đã thay đổi rất nhiều, song cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghía xã hội vẫn đang diễn ra phức tạp, đổi mới, mở cửa, hội nhập... là một xu thế tất yếu, trong đó các đối tác và hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau một cách gay gắt. Trong điều kiện đó làm sao để mở cửa, hợp tác, liên doanh... phát triển kinh tế mà vẫn giữ vững được độc lập, chủ quyền dân tộc, không đi chệch mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, chúng ta phải tạo ra được những năng lực nội sinh làm nền tảng vững bền cho sự phát triển của đất nước. Một trong những năng lực nội sinh đó, về mặt định hướng giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân” phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nội dung cơ bản cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. 1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hộ đại biểu toàn quốc IX Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83 - 84.. Câu 4: Hãy nêu đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu môn học tư tưởng Hồ Chí Minh? Gợi ý trả lời: Để xác định đối tượng nghiên cứu của môn học với tư cách là một hệ thống tri thức mang tính quy luật về đối tượng, cần căn cứ vào vai trò, chức năng của môn học các chỉ dẫn trực tiếp của Hồ Chí Minh khi Người xác định về nội dung các bài viết, bài nói, các tác phẩm, các quan điểm có tính định hướng của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối tượng nghiên cứu của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm, quan niệm, lý luận về cách mạng Việt Nam trong dòng chảy của thời đại mới mà cốt lõi là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Các quan điểm cơ bản của hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ được phản ánh trong các bài nói, bài viết mà còn được thể hiện qua quá trình chỉ đạo thực tiễn cách mạng phong phú của Người, được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng phát triển sáng tạo qua các giai đoạn cách mạng. Như vậy đối tượng của môn học tư tưởng Hồ Chí Minh là: Hệ thống các quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh; sự vận động tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đối tượng nghiên cứu, môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiệm vụ đi sâu nghiên cứu làm rõ các nội dung sau: - Cơ sở (khách quan và chủ quan) hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm khẳng định sự ra đời của tư tưởng Hồ Chí Minh là một tất yếu khách quan nhằm giải đáp các vấn đề lịch sử dân tộc đặt ra. - Các giai đoạn hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh - Nội dung, bản chất cách mạng khoa học đặc điểm của các quan điểm trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. - Vai trò nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. - Quá trình nhận thức vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh qua các giai đoạn cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. - Các giá trị tư tưởng lý luận của Hồ Chí Minh đối với kho tàng tư tưởng, lý luận cách mạng thế giới của thời đại. Câu 5: Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần nắm vững những nguyên tắc phương pháp luận gì? Gợi ý trả lời: - Muốn nghiên cứu, học tập có kết quả, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh phải nắm vững phương pháp luận khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin và bản thân các quan điểm có giá trị phương pháp luận của Hồ Chí Minh. Trong đó các nguyên lý triết học Mác - Lênin với tư cách là phương pháp luận chung của các ngành khoa học cần phải được sử dụng như một công cụ tư duy quan trọng. Một số vấn đề cơ bản về nguyên tắc phương pháp luận trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. 1. Bảo đảm sự thống nhất nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học - Tính đảng: khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải đứng trên lập trường quan điểm, phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính khoa học: Khách quan khi phân tích, lý giải và đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh việc áp đặt, cường điệu hoá hoặc hiện đại hoá tư tưởng của Người. - Tính đảng và tính khoa học thống nhất với nhau trong sự phản ánh trung thực, khách quan tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở lập trường, phương pháp luận và định hướng chính trị. 2. Quan điểm thực tiễn và nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng thực tiễn là nguồn gốc là động lực của nhận thức, là cơ sở và là tiêu chuẩn của chân lý. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn bám sát thực tiễn cách mạng dân tộc và thế giới, coi trọng tổng kết thực tiễn, để xây dựng và phát triển tư tưởng của mình. Quan điểm thực tiễn là biện pháp nâng cao lý luận, nâng cao năng lực hoạt động. Vì vậy khi nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh phải quán triệt quan điểm thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới để thấy giá trị thực tiễn hợp quy luật khách quan của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với quan điểm thực tiễn thì Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng việc kết hợp lý luận với thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm. Hồ Chí Minh khẳng định: Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng, dễ mắc bệnh chủ quan. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Vì vậy nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải quán triệt quan điểm lý luận gắn liền với thực tiễn học đi đôi với hành, phải biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, thực tiễn, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước mình. 3. Quan điểm lịch sử - cụ thể Trong nghiên cứu khoa học, theo V.I.Lênin, chúng ta không được quên mối liên hệ lịch sử căn bản, nghĩa là phải xem xét một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào? Vì vậy cùng với chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta cần vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Nắm vững quan điểm này giúp chúng ta nhận thức được bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh. 4. Quan điểm toàn diện và hệ thống Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam. Một yêu cầu về khoa học khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện tổng thể hay từng bộ phận là phải luôn luôn quán triệt mối liên hệ qua lại của các yếu tố, các nội dung khác nhau trong hệ thống tư tưởng đó và phải lấy hạt nhân cốt lõi là tư tưởng độc lập tự do, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. V.L.Lênin đã từng viết: Muốn thực sự hiểu được sự vật cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả mối liên hệ và “quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nắm vững và đầy đủ hệ thống các quan điểm của Người. Nếu tách rời một yếu tố nào đó khỏi hệ thống sẽ hiểu sai tư tưởng Hồ Chí Minh. Chẳng hạn tách rời độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh. 5. Quan điểm kế thừa và phát triển a. Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người đã bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều lĩnh vực quan trọng và hình thành nên một hệ thống quan điểm lý luận mới hết sức sáng tạo. Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ biết kế thừa, vận dụng mà còn phải biết phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong điều kiện lịch sử mới, trong bối cảnh cụ thể của đất nước và quốc tế. b. Kết hợp nghiên cứu các tác phẩm với thực tiễn chỉ đạo cách mạng của Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, lý luận mà còn là nhà cách mạng thực tiễn. Cho nên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ căn cứ vào các tác phẩm, bài viết, bài nói mà cần coi trọng hoạt động thực tiễn của Người, thực tiễn cách mạng dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng do Người đứng đầu, để thấy được sự sáng tạo cách mạng của Hồ Chí Minh trước hết là sự sáng tạo về tư duy lý luận, về chiến lược, về đường lối cách mạng. Điều đó giữ vai trò quyết định hàng đầu dẫn đến thắng lợi cách mạng. Tư tưởng lý luận cách mạng Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú thêm và phát triển lý luận cách mạng của thời đại, trước hết là về cách mạng thuộc địa. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã toả sáng vượt ra ngoài biên giới quốc gia Việt Nam đến các dân tộc và nhân dân lao động thế giới. Câu 6: Học tập nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải vận dụng tuân theo những phương pháp cụ thể gì? Gợi ý trả lời: Với ý nghĩa chung nhất, phương pháp được hiểu là cách thức đề cập tới hiện thực, cách thức nghiên cứu các hiện tượng của tự nhiên và của xã hội. Phương pháp là hệ thống các nguyên tắc điều chỉnh nhận thức và hoạt động cải tạo thực tiễn xuất phát từ các quy luật vận động của khách thể được nhận thức. Giữa phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu có mối liên hệ mật thiết và chi phối lẫn nhau, phương pháp phải trên cơ sở vận động của bản thân nội dung, nội dung nào phương pháp ấy. Vì vậy, ngoài các nguyên tắc phương pháp luận chung với một nội dung cụ thể cần phải vận dụng một phương pháp nghiên cứu cụ thể phù hợp. Trong đó việc vận dụng phương pháp lịch sử (nghiên cứu sự vật và hiện tượng theo quá trình phát sinh, tồn tại phát triển) và phương pháp logíc (nghiên cứu một cách tổng quát nhằm tìm ra được cái bản chất vốn có của sự vật, hiện tượng và khái quát thành lý luận) là hết sức cần thiết trong nghiên cứu giảng dạy học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Vận dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Là một nhà khoa học, nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của mình như một hệ thống bao quát nhiều lĩnh vực, tư tưởng triết học, tư tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị tư tưởng quân sự... trong mỗi lĩnh vực lại có thể tìm thấy hệ thống nhỏ.Trước một đối tượng nghiên cứu đa dạng và phong phú nhiều mặt như vậy, không một lĩnh vực nào có đủ năng lực bao quát hết để đưa ra một bức tranh tổng thể về tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, cần phải áp dụng các phương pháp liên ngành khoa học xã hội - nhân văn, lý luận chính trị để nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như mỗi tác phẩm lý luận riêng biệt của Người. Trong nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh; ngoài phương pháp nêu trên, còn sử dụng các phương pháp cụ thể thường được áp dụng có hiệu quả là: phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê trắc lượng, văn bản học, phỏng vấn nhân chứng lịch sử...Mỗi phương pháp này khi vận dụng vào nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh có những đặc điểm và đặt ra các yêu cầu khác nhau. Việc vận dụng các phương pháp và kết hợp các phương pháp cụ thể phải căn cứ vào nội dung nghiên cứu. Câu 7: Ý nghĩa của việc học tập nghiên cứu môn học tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sinh viên? Gợi ý trả lời: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam. Nội dụng cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh là mẫu mực của tinh thần độc lập tự chủ đổi mới và sáng tạo. Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng và nhân dân Việt Nam trên con đường thực hiện mục tiêu, dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh. Đối với sinh viên học tập tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thông qua học tập nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho sinh viên nâng cao nhận thức về vai trò vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đời sống cách mạng Việt Nam, làm cho tư tưởng của Người, ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ nước ta; để bồi dưỡng củng cố, lập trường, quan điểm cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tích cực chủ động đấu tranh phê phán, những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và rèn luyện bản lĩnh chính trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức, tư cách, phẩm chất cách mạng, cho cán bộ, đảng viên và toàn dân biết sống hợp đạo lý, yêu cái tốt, cái thiện. ghét cái xấu, cái ác; nâng cao lòng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, về dân tộc, về Đảng Cộng sản Việt Nam, tự nguyện “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Trên cơ sở kiến thức đã được học, sinh viên vận dụng vào cuộc sống, tu dưỡng, rèn luyện, bản thân, hoàn thành tốt chức trách của mình, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng, theo con đường mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Đối cới sinh viên, giáo dục tư tưởng, văn hoá đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh là giáo dục lý luận sống đạo làm người, hoàn thiện nhân cách cá nhân, trang bị cho tuổi trẻ trí thức và phương pháp tư duy biện chứng để trở thành những chiến sĩ đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam “đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như mong muốn khát vọng cuả Hồ Chí Minh. Câu 8: Trình bày điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX đã ảnh hưởng, tác động đến sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Gợi ý trả lời: Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác ở châu Á, châu Phi từ giữa thế kỉ XIX đã trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, sau khi cơ bản kết thúc giai đoạn vũ trang xâm lược, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Để bóc lột được lợi nhuận thuộc địa tối đa, thực dân Pháp duy trì phương thức sản xuất phong kiến, thiết lập một cách hạn chế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chúng thực hiện chính sách độc quyền kinh tế về các mặt: xuất nhập khẩu, khai thác mỏ, lập ra hàng trăm thứ thuế vô lý và vô nhân đạo. Chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tuỷ, khiến cho dân ta càng nghèo khổ, nước ta càng xơ xác tiêu điều. Chúng thực hành chính sách chuyên chế về chính trị, làm cho dân ta không có một chút tự do dân chủ nào. Cùng với độc quyền về kinh tế, chuyên chế về chính trị, về văn hoá thực dân Pháp thi hành chính sách ngu dân, nhằm giam hãm dân tộc ta trong vòng nô lệ. Những chính sách trên của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam thay đổi, từ một xã hội phong kiến độc lập, Việt Nam trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. - Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, với tinh thần yêu nước nồng nàn, bất chấp chủ trương đầu hàng của triều đình phong kiến, nhân dân cả nước đã vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1858 đến cuối thế kỉ XIX, phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp rầm rộ bùng lên, dâng cao và lan rộng ra cả nước, từ Trương Định, Nguyễn Trung Trực... ở Nam Bộ, Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng... ở miền Trung đến Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích... ở miền Bắc. Các cuộc nổi dậy đều được thúc đẩy bởi tinh thần yêu nước nhiệt thành và chí căm thù giặc sục sôi, song trước sau đều lần lượt thất bại vì chưa có một đường lối kháng chiến rõ ràng. Lãnh đạo họ là những sĩ phu văn thân mang ý thức hệ phong kiến, còn nặng tư tưởng tôn quân chưa thật tin vào lực lượng của nhân dân nên cũng chưa thật tin vào thắng lợi cuối cùng. Điều đó cho thấy sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến trước nhiệm vụ lịch sử. - Bước sang đầu thế kỉ XX, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta chuyển sang xu hướng dân chủ tư sản với sự xuất hiện của phong trào như Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội... Các sĩ phu Nho học có tư tưởng tiến bộ, thức thời, tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã có cố gắng tổ chức và vận động cuộc đấu tranh yêu nước chống Pháp theo mục tiêu và phương pháp mới. Song chủ trương cầu ngoại viện dùng bạo lực để khôi phục độc lập của Phan Bội Châu đã thất bại Chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ”, khai thông dân trí, nâng cao dân khí trên cơ sở đó mà lần lần tính chuyện giải phóng... của Phan Chu Trinh cũng không thành công. Nhưng tất cả các phong trào yêu nước này đều thất bại (thất bại không phải vì các phong trào này thiếu các anh hùng hào kiệt mà nguyên nhân chính là thiếu một đường lối cách mạng phù hợp với thời đại mới). Dù thất bại, nhưng các phong trào yêu nước trên đây đã nối tiếp nhau duy trì ngọn lửa đấu tranh giải phóng trong lòng dân tộc. Yêu cầu của lịch sử lúc này đòi hỏi, là phải tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Trước những đòi hỏi của lịch sử, ngày 5-6-1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Người tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin và nhận thức được muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản “đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự ra đời của tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm tất yếu của cách mạng Việt Nam và thế giới trong điều kiện lịch sử mới, không phải là ý muốn chủ quan hay một sự áp đặt nào. Đúng như C.Mác đã rất tâm đắc câu nói của Henvêxiuýt (1715- 1771) đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa duy vật và thần học Pháp hồi thế kỷ XVIII, và đã nhắc lại trong tác phẩm của mình. “Mỗi một thời đại xã hội đều cần có những anh hùng và vĩ nhân của nó và nếu không có những con người như thế thì, thời đại sẽ sáng tạo ra những con người như thế”. Câu 9: Thời đại Nguyễn Ái Quốc sống và hoạt động đã ảnh hưởng tác động đến sự hình thành tư tưởng của Người như thế nào? Gợi ý trả lời: Trong khi con thuyền Việt Nam còn lênh đênh chưa rõ bờ bến phải đi tới, việc cứu nước như trong đêm tối “không có đường ra” thì lịch sử thế giới trong giai đoạn này cũng có nhiều chuyển biến quan trọng: - Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản đã từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn tư bản độc quyền tức chủ nghĩa đế quốc đã xác lập quyền thống trị của chúng trên phạm vi toàn thế giới, phần lớn các nước ở châu Á, châu Phi, khu vực Mĩ La tinh đều trở thành thuộc địa hoặc phụ thuộc của chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc đã trở thành kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa. - Trên thế giới tồn tại những mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc và mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau. - Đầu thế kỷ XX, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc càng trở nên gay gắt, nhất là giữa các nước tư bản ra đời muộn với cả nước tư bản ra đời sớm đã tranh cướp hầu hết thuộc địa. Mâu thuẫn này đã dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) nhằm chia lại thị trường thế giới. Cuộc chiến tranh này đẩy chủ nghĩa tư bản thế giới suy yếu, khủng hoảng trầm trọng thêm, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân phát triển. - Ngày 7-11-1917, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra thắng lợi đã mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917) đã tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc vào đầu thế kỉ XX. Xu hướng đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản ngày càng phát triển mạnh mẽ ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. - Xuất phát từ lòng yêu nước và trên cơ sở rút kinh nghiệm của các thế hệ cách mạng tiền bối, ngày 5-6-1911 Nguyễn Tất Thành đã đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước sau một hành trình dài ngày, đặt chân lên khoảng gần 30 nước. Người đã gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lí lớn của thời đại. Khoảng cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ nước Anh về nước Pháp, đến sống và hoạt động tại Paris, thủ đô nước Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 6 năm 1919 Nguyễn Ái Quốc nhân danh những người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị hoà bình được triệu tập tại Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho Việt Nam. Những yêu sách đó đã không được chấp nhận. Nguyễn Ái Quốc rút ra bài học: Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người tìm thấy ở đó có con đường cứu nước theo lập trường giai cấp vô sản. Tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp. Người biểu quyết tán thành đứng về Quốc tế thứ ba, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, và trở thành người cộng sản đầu tiên của giai cấp công nhân, dân tộc Việt Nam. Sự kiện đó đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tư tưởng của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Lênin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Đây là bước ngoặt quyết định trong quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan