Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Tiểu học Lớp 5 5 quy tắc giáo dục học sinh...

Tài liệu 5 quy tắc giáo dục học sinh

.DOC
4
261
79

Mô tả:

5 quy tắc giáo dục học sinh “chưa ngoan” 1. Quy tắc 2H (Hiểu rõ – Hợp tác) 1.1. Hiểu rõ: - Tìm hiểu tình hình của lớp thông qua giáo viên chủ nhiệm cũ. Đây là dịp để kiện toàn lại đội ngũ cán bộ lớp, bổ sung những cái chưa làm được và phát huy những mặt mạnh mà lớp đã có. Từ đó giáo viên chủ nhiệm có thể triển khai dễ dàng kế hoạch giáo dục học sinh “chưa ngoan” dựa trên những bao quát khởi đầu mà giáo viên chủ nhiệm cũ cung cấp. - Tìm hiểu một cách hết sức tế nhị học sinh “chưa ngoan” từ cán bộ lớp đến cả những em thuộc “nhóm” của học sinh “chưa ngoan” để từ đó có kế hoạch hợp lý và phối hợp với gia đình để giáo dục các em. 1.2. Hợp tác: - Khi đã tiếp xúc được với phụ huynh của học sinh “chưa ngoan”, điều cần tránh là không nên gay gắt, dồn dập việc báo cáo và phê bình con em họ, vì hơn ai hết họ đã từng nghe nhiều lời ca thán và đã biết rõ con em mình. Điều đó sẽ không có tác dụng gì mà ngược lại làm mất đi ý nghĩa của sự hợp tác, phối hợp giáo dục. Vì vậy, cần phải giao tiếp ở một góc độ cởi mở một cách hết sức tâm lý và tế nhị nhưng chân tình, tạo cho phụ huynh học sinh một sự tin tưởng, một tình cảm gần gũi, thân mật, một thái độ tận tâm hợp tác để giáo dục con em họ trở thành người tốt. * Quy tắc 2H sẽ giúp giáo viên chủ nhiệm hiểu và chia sẻ với gia đình những khó khăn trong việc dạy dỗ các em, và ngược lại gia đình sẵn sàng hợp tác với giáo viên chủ nhiệm để giáo dục con em mình suốt năm học. Vấn đề ở đây là các em cần phải được giáo dục để hiểu, nhận ra và chống lại tác động tiêu cực của những con người và sự việc xấu bằng sự quan tâm của gia đình và của giáo viên chủ nhiệm. 2. Quy tắc 2Q (Quan tâm – Quan sát) 2.1. Quan tâm: - Giáo viên chủ nhiệm quan tâm bằng cách trực tiếp hỏi thăm học sinh “chưa ngoan” về hoàn cảnh gia đình để giúp các em dần dần ý thức về việc quan tâm đến gia đình mình kết hợp với quan tâm thăm hỏi học sinh “chưa ngoan” về bạn bè thân thích thường hay chơi với nhau. Đồng thời thông qua phối hợp chặt chẽ gia đình, giáo viên bộ môn để hiểu thêm về năng lực học tập cũng như thái độ và sự tôn trọng, lễ phép của học sinh “chưa ngoan” và gián tiếp giúp đỡ, quan tâm, ân cần hơn đối với các em. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong nhà trường để gắn các em vào những hoạt động mà các em ưa thích, hoặc chia sẻ, giúp đỡ các em những khó khăn. Kêu gọi và yêu cầu các em khác trong lớp biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn mình (là những học sinh “chưa ngoan”), không nên xem thường và cô lập bạn, hoặc phê phán một cách thái quá hay gay gắt dẫn đến mâu thuẫn chỉ vì thi đua của lớp quá thấp. Điều đó lại có thể thúc đẩy việc tìm kiếm bạn bên ngoài nhà trường (nhất là những nhóm thiếu niên hư hỏng sẽ có khả năng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc). 2.2 Quan sát: - Quan sát, theo dõi học sinh “chưa ngoan” hằng ngày về việc thực hiện nội quy, quy chế trường lớp, về thái độ học tập bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ giúp cho giáo viên chủ nhiệm nắm vững và sẽ không vội vàng kết luận mội vi phạm nào đó khi chưa tích lũy đầy đủ các sự kiện cần quan sát nhằm tránh làm tổn thương đến tâm lý và tình cảm của các em. 3. Quy tắc 2N (Nghiêm khắc – Ngọt dịu) 3.1. Nghiêm khắc: - Giáo viên chủ nhiệm cần xử lí những vi phạm của tất cả học sinh trong lớp với một thái độ nghiêm khắc, công bằng và tôn trọng học sinh, cho dù đó là cán bộ lớp hay học sinh “chưa ngoan”. Có như vậy những em “chưa ngoan” sẽ cảm thấy giáo viên chủ nhiệm đã tôn trọng tất cả thành viên trong lớp, không thiên vị, không hề “ghét bỏ” mình (theo suy nghĩ của các em). Cần lưu ý: nếu nghiêm khắc quá mức sẽ dẫn đến “phản sư phạm” và phản tác dụng. 3.2. Ngọt dịu: - Giáo viên chủ nhiệm phải là người tận tụy với công việc, có tình yêu thương, tấm lòng độ lượng và bao dung đối với học sinh. Tuy nhiên lòng yêu thương ấy không thể pha trộn với những nét ủy mị, mềm yếu và thiếu sự đề ra yêu cầu nghiêm khắc đối với các em, mà ngược lại. Quy tắc này sẽ xóa bỏ khoảng cách, làm cho học sinh “chưa ngoan” cảm thấy mình không bị “ghét bỏ” hay bị “bỏ rơi.” Tình cảm thầy-trò dần được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho những tâm sự, những chia sẻ... Khi đó những lời động viên, những định hướng của giáo viên chủ nhiệm sẽ đạt hiệu quả cao. 4. Quy tắc 2Đ (Động viên – Định hướng) 4.1. Động viên: - Trong việc giáo dục học sinh “chưa ngoan” thì sự động viên và khuyến khích có vai trò rất quan trọng. Học sinh “chưa ngoan” đa số là những em có học lực yếu kém, dẫn đến bất mãn, không thiết tha gì đến học tập, hay nói cách khác, không có động cơ, ý thức học tập. Chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm phải là người trực tiếp quan tâm, động viên các em trên tinh thần “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, “có công mài sắt, có ngày nên kim”. - Cần huy động và vận hành cả guồng máy: Gia đình - Giáo viên - Đoàn thể - Các tổ chức xã hội Bạn bè học sinh – và cả cá nhân học sinh “chưa ngoan” để động viên, hỗ trợ, giúp đỡ các em có được tinh thần, động cơ, và ý thức trong rèn luyện đạo đức và học tập. 4.2. Định hướng: - Học sinh “chưa ngoan” thường là những em không định hướng được mình cần phải rèn luyện những gì để giúp ích cho bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ của mình là học tốt và rèn luyện tốt. Chính vì vậy giáo viên chủ nhiệm sẽ là người giúp các em biết quan tâm đến bản thân, gia đình ... cũng như suy nghĩ đến việc chọn nghề để các em có hoài bão, ước mơ và trở thành người hữu ích. 5. Quy tắc 2T (Tâm huyết – Trách nhiệm) Chính tâm huyết và trách nhiệm sẽ giúp cho giáo viên chủ nhiệm có được năng lực “cảm hóa” học sinh nói chung, học sinh “chưa ngoan” nói riêng. Đó là năng lực gây ảnh hưởng trực tiếp của mình đến với học sinh về mặt tình cảm và ý chí. Tâm huyết và trách nhiệm nằm trong nhân cách của người thầy giáo. Giáo viên chủ nhiệm phải dùng nhân cách của mình để tác động vào học sinh, giáo dục các em nên người. Đây chính là dùng nhân cách để giáo dục nhân cách là vậy. Có thể nói rằng chỉ có người giáo viên nào luôn ý thức sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đào tạo và giáo dục thế hệ trẻ, lấy việc hy sinh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đào tạo con người làm hạnh phúc cao cả của đời mình thì mới có thể thực hiện được chức năng “người kỹ sư tâm hồn” một cách xứng đáng. Với những quy tắc đã nêu trên đây chúng ta hy vọng rằng công tác giáo dục học sinh “chưa ngoan” sẽ có những bước chuyển biến mới. Tuy nhiên việc giáo dục nhân cách cho học sinh không thể thành công trong một sớm một chiều, bởi giáo dục là cả một quá trình và không thể chỉ thực hiện bởi giáo viên chủ nhiệm, BGH và các tổ chức đoàn thể trong trường. Chính vì vậy chỉ có sự gắn kết của các bậc phụ huynh, các tổ chức xã hội cùng quan tâm ủng hộ nhà trường và tham gia công tác giáo dục học sinh “chưa ngoan” mới có thể tin tưởng đạt được kết quả tích cực và bền vững. Trần Đình Tuấn Đánh mắng trẻ ta được gì? mất gì? Một đứa trẻ đã sớm hình thành nhân cách từ thưở lên hai, lên ba, nhưng liệu có bao nhiêu thầy cô giáo thực sự để ý đến điều này? Rút kinh nghiệm từ con cả, tôi chưa đánh bé thứ 2 một lần nào. Lý do đó không đủ điều kiện để mình đánh bé Tôi cũng có con, con tôi cũng như bao trẻ khác, cũng phá phách, cũng đôi khi không vâng lời. Tôi cũng có đánh con (8 lần) hồi bé còn nhỏ, bé bây giờ lớn rồi và chẳng bao giờ hờn trách việc làm của cha nó, thậm chí nói theo xã hội, bé còn cám ơn ba nó đã dạy dỗ nó. Nhưng thật lòng, đến giờ tôi nghĩ mãi, thậm chí ân hận mãi, tại sao mình lại phải đánh con. Đứa bé giống như tờ giấy trắng, hàng chữ đầu đời ghi trên tấm giấy đó là hình ảnh của người dạy dỗ nó (cha mẹ, thấy cô). Hành xử của bé là một phần của cha mẹ nó, thầy cô nó. Vậy tại sao, bé làm sai ý mình, tôi nghĩ chỉ có 2 lý do: một là cha mẹ nó sai, hai là bé vẫn chưa ý thức được điều mình làm. Cả 2 lý do đó không đủ điều kiện để mình đánh bé. Người Việt Nam hay dạy theo kiểu thầy sao trò đó, cha mẹ sao con đó và chính vì sự bực tức trong mong muốn rập khuôn con mình nên bạn đánh bé. Tôi nghĩ không có lý do gì biện minh cho việc đánh trẻ cả. Thầy cô, cha mẹ thất bại trong việc dạy con (do họ không phải lúc nào cũng là nhà sư phạm), họ muốn khẳng định uy quyền của mình trước một tập thể nào đó, họ đánh bé. Chúng ta quen lối giáo dục đó và cho là cha mẹ, thầy cô đánh vì thương trẻ, tôi nghĩ không vậy, họ đánh bé cho chính bản thân mình. Tôi cũng là cha mẹ, bé thứ hai của tôi quậy hơn bé lớn, nhưng từ nhỏ đến giờ tôi không đánh nó (dù chỉ một lần). Tôi rút ra một bài học kinh nghiệm, mỗi khi con không nghe mình, đừng tức giận, hãy rút kinh nghiện bản thân mình, sẽ tìm ra cách xử lý. Trong sự yêu thương, hạnh phúc có tranh luận, có tranh đấu thậm chí có đối kháng nhưng không bao giờ có chỗ dành cho bạo lực. Cái roi là vết hằn suốt cuộc đời Cá nhân tôi cũng là mẹ của một bé trai năm nay đang học lớp 2. Tôi hiểu con mình không thể lớn lên, trưởng thành tốt đẹp nếu chỉ toàn lời đường mật. Nhưng tôi nghĩ, những bậc phụ huynh ngày nay, nhất là người trẻ, thường cố gắng lắng nghe con nói, trao đổi với con trước khi đi đến quyết định phải dùng roi vọt. Tôi không phải là người mẹ hoàn hảo, nhưng tôi luôn tôn trọng con, tôn trọng những ý kiến cá nhân của cháu, dù đã từng phải dùng đến roi, vọt để nhắc nhở. Nhưng đó luôn chỉ là một roi thật đau, thật kêu vào mông, sau khi đã phân tích cho cháu hiểu việc làm của mình là sai. Ông bà đã nói: "Đòn đau nhớ lâu", nhưng không phải vì thế mà chúng ta lạm dụng đòn roi với trẻ. Vì, cái nhớ lâu đó có thể để lại sự tổn thương lâu dài đối với trẻ. Cái roi đó sẽ là vết hằn đi suốt cuộc đời đứa bé, nếu nó xuất phát từ bạo lực, từ việc xả giận của một người lớn lên cơ thể trẻ em. Cái roi đó chỉ có ý nghĩa khi nó xuất phát từ tâm của người cha, người mẹ, thực sự mong con nên người. Vì vậy, tôi phản đối việc sử dụng bạo lực, roi vọt đối với trẻ trong nhà trường. Một đứa trẻ đã sớm hình thành nhân cách từ thưở lên hai, lên ba, nhưng liệu có bao nhiêu thầy cô giáo thực sự để ý đến điều này? Xin thưa, vô cùng ít. Đã có ai trong các bạn không cảm thấy đau lòng, khi biết cô đã mắng con trước cả lớp, chỉ vì con quên một quyển vở, quên mặc áo trắng khiến Sao Đỏ trừ điểm thi đua? Liệu khi buông ra những lời trách mắng, những hình phạt, mà với các cô thì quá bình thường nhưng khiến trẻ sợ đến như vậy, có phải thực sự là bởi cô nghĩ điều đó sẽ giúp hình thành nhân cách tốt đẹp cho các con sau này? Tôi nghĩ là không. Nếu nền giáo dục của ta tiên tiến, nếu thực sự các nhà trường có những thầy cô giáo từ tâm vì học sinh, nếu các thầy cô giáo đó trước khi sử dụng đến cái roi kia đã phải cân nhắc kỹ lưỡng và sẽ chỉ có thể là một hoặc ba roi, thì có thể hiểu và hoàn toàn thông cảm. Còn không thể chấp nhận khi đánh cho trẻ bầm người. Vài lời bộc bạch chân tình "Tôi cũng có con năm nay vào lớp 1, sau buổi học đầu tiên tại trường, về con kể là con và một số bạn bị cô phạt đánh vào tay vì không chịu viết bảng. Nhưng cũng sau đó mấy hôm cháu kể chuyện là cả lớp đã khóc ầm lên vì biết cô bị ốm. Hôm sau cô đi dạy, giờ ra chơi, trong lúc cô mải chấm bài cho các bạn cháu đã chạy lên thơm trộm vào má cô, sau đó các bạn khác cũng chạy lên thơm cô đến mức mà cô phải bảo các cháu xếp hàng lần lượt cô cho thơm. Như vậy, mặc dù có đánh các cháu, nhưng cô cũng phải thế nào mới dành được tình cảm đó từ học sinh của mình" Mẹ tôi cũng là giáo viên. Bà cũng thường kể tôi nghe về những học sinh cá biệt trong lớp, những trò nghịch ngợm, quấy phá, không chịu học bài. Nhưng không vì thế mà thầy muốn làm gì thì làm. Nói thì nói vậy, chúng ta cũng nên xem lại cách giáo dục con cái của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta nghiêm khắc với con ngay từ đầu, không bao che, dung túng cho sai phạm của con thì đâu đến nỗi thầy cô phải có hành động thiếu kiềm chế đến vậy? ____________phamkhac ___Sưu tầm và giới thiệu________
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan