Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ 5 luận văn hà tiên thập cảnh khúc vịnhi...

Tài liệu 5 luận văn hà tiên thập cảnh khúc vịnhi

.DOC
88
499
150

Mô tả:

Luận văn bàn về tác phẩm Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh của Mạc Thiên Tích (luận văn thạc sỹ, bảo vệ đạt điểm A0
-1- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Văn học trung đại Việt Nam là một nguồn mạch lớn xuyên suốt mười thế kỷ của nền văn học dân tộc. Trong mạch nguồn trung đại ấy có nhiều ngòi nhỏ phân tán khắp trên cả nước tạo thành một hệ thống văn chương phong phú về số lượng và đặc sắc về nội dung. Nhắc đến văn học trung đại ta lại nghĩ ngay tới văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm (văn học quốc âm). Mặc dù ra đời sau bộ phận văn học viết bằng chữ Hán, song văn học quốc âm đã khẳng định được vị thế của mình với các tác phẩm của Nguyễn Trãi, của hội Tao đàn thế kỷ XV, của Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ XVII, và nẩy nở rực rỡ ở nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX với Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm (bản Nôm) của Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, hay thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan, thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, của Trần Tế Xương, … Tất cả đã khẳng định vị thế và vai trò của dòng thơ quốc âm đối với nền thơ dân tộc. Khi lãnh thổ nước ta đã được mở rộng đến vùng Tây Nam giáp vịnh Thái Lan nhờ công khai phá của chúa Nguyễn Đàng Trong và những cựu thần nhà Minh, lịch sử nước ta nói chung, lịch sử văn học nước ta nói riêng lại mở thêm trang mới. Tuy là vùng đất mới nhưng ở đây văn học cũng đã được chú trọng. Tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích vì yêu thích thơ văn nên đã lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các. Có thể nói đây là một điều đặc biệt vì ở chốn xa xôi này mà lại có cả một hội thơ, một tao đàn xướng họa thi ca. Tao đàn Chiêu Anh Các sáng tác, thù tạc bằng thơ chữ Hán rất nhiều. Không chỉ có những vị ở bản xứ tham gia mà hội thơ còn lan sang Trung Quốc, tức là phạm vi hoạt động của thi đàn này rất quy mô. Bên cạnh các tác phẩm xướng họa bằng chữ Hán như Hà Tiên thập vịnh, cùng những tác phẩm khác như Minh bột di ngư, Thụ Đức hiên tứ cảnh,… ta còn bắt gặp ở thi đàn này dòng thơ quốc âm do Mạc Thiên Tích sáng tác đó là Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Vậy một sáng tác ra đời nơi biên ải xa xôi ấy có đặc điểm nội dung thế nào? Tài năng gò câu luyện chữ của tác giả ra sao? Đây quả là một sự tò mò lớn khiến chúng tôi phải tìm hiểu. Xuất phát từ lòng mong muốn khám phá để trả lời những suy tư của bản thân, từ tinh thần của một người con sinh trưởng trên đất Kiên Giang muốn tìm hiểu, đưa ra những nhận định bước đầu về Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh chúng tôi mạo muội đi tìm hiểu, nghiên cứu đề tài: Đặc điểm tác phẩm Hà Tiên thập cảnh khúc vinh của -2- Mạc Thiên Tích (từ đây trở đi trong luận văn của mình, chúng tôi xin viết tắt Hà Tiên thập cảnh khúc vinh là HTTCKV). Mong rằng những tìm tòi của chúng tôi sẽ giúp ích phần nào cho công tác khảo cứu thi phẩm này. 2. Lịch sử vấn đề HTTCKV là một thi phẩm khá tiêu biểu của Mạc Thiên Tích nên cũng được nhiều học giả chú tâm nghiên cứu đến. Trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi tạm phân ra thành hai giai đoạn: các công trình nghiên cứu từ thế kỷ XIX trở về trước và các công trình nghiên cứu từ thế kỷ XX trở về sau 2.1. Các công trình nghiên cứu từ thế kỷ XIX trở về trước - Đầu tiên phải kể đến Hà Tiên trấn, Hiệp trấn, Mạc thị gia phả (1818) của Vũ thế Dinh (có tài liệu ghi là Vũ Thế Doanh). Quyển này thường được các nhà khảo cứu nhắc đến. Tiếc là bản thân tôi chưa được trực tiếp tiếp cận, nhưng theo lời của Đông Hồ trong Văn học Hà Tiên Chiêu Anh Các Hà tiên thập cảnh khúc vịnh thì sách này có nhắc đến công tích của Mạc Thiên Tích sau khi nối nghiệp cha là Mạc Cửu thì đức nghiệp ngày càng thịnh. Về văn hóa văn học, Vũ Thế Dinh cho biết Mạc Thiên Tích dựng Chiêu Anh Các để thờ Khổng thánh. Ông lại hậu đãi kẻ hiền tài. Danh sĩ từ chốn Thanh triều đến các nơi hải biểu nghe biết tiếng, kéo đến hội họp. Như vậy, Vũ Thế Dinh có nhắc tới Chiêu Anh Các, song chưa bàn sâu về thi phái này mà chỉ nhìn nó như một biểu hiện về công tích của Mạc Thiên Tích là chính. Còn về HTTCKV thì tác giả không nhắc đến. - Cuối thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục (1776) có ghi nhận như sau: “Ở phía tây nam Quảng Nam, ngoài phủ Gia Định có trấn Hà Tiên, nước Xiêm La giáp cõi với, có Tông Đức hầu Mạc Thiên Tứ, tự Sĩ Lân (...). Đời Vĩnh Hựu năm Bính Thìn, Thiên Tứ kế tập, đón mời văn sĩ, ưa thích thi chương, tài vận phong lưu, một phương mến trọng. (...), Không thể bảo rằng hải ngoại không có văn chương được.”[9; 343- 344] Ngoài những nhận xét này, Lê Quý Đôn còn chép bài tựa của Mạc Thiên Tích làm ở hiên Thụ Đức và đưa ra danh sách các vị gồm cả văn nhân Trung Quốc và Việt Nam tham gia xướng họa Hà Tiên thập cảnh của Mạc Thiên Tích. Một năm sau khi viết xong Phủ biên tạp lục, trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn lại dành nhiều dòng cho Tao đàn Chiêu Anh Các nội dung nhắc đến cũng như đã nói ở Phủ biên tạp lục, tuy nhiên ở đây Lê Quý Đôn có nói thêm về việc ai xướng, ai họa Hà Tiên thập cảnh và có nói thêm về những dòng thơ họa của Nguyễn Cư Trinh, một văn nhân nổi -3- tiếng xứ Quảng đương thời. Ngoài ra Lê Quý Đôn còn cho biết thêm về Thụ Đức hiên tứ cảnh: “Mạc Thiên Tứ có làm thể thơ hồi văn đầu đề là “Thụ Đức hiên tứ cảnh”. Bài họa của các văn sĩ (…) gồm 32 người, 88 bài, do Thu Bạch đề tựa…”[10; 274] Tác giả còn dẫn ra một số bài thơ của tác phẩm này. Điều đáng chú ý là các văn sĩ họa thơ Thụ đức hiên tứ cảnh lại không trùng với số văn sĩ họa vần Hà Tiên thập cảnh. Có thể nói đây là những phát hiện quý của Lê Quy Đôn. Tuy nhiên, dù có nói nhiều về Chiêu Anh Các, song ở cả hai tác phẩm của mình, Lê Quý Đôn không nói đến HTTCKV của Mạc Thiên Tích. Có lẽ trong lúc sưu tầm, tìm hiểu thi phái này, ông chưa được tiếp cận với mảng thơ Nôm chăng? - Đầu thế kỷ XIX, trong Lịch triều hiến chương loại chí (1809- 1819), Phan Huy Chú có đề cập đến trấn Hà Tiên trong phần Dư địa chí và thi phẩm Hà Tiên thập vịnh trong phần Văn tịch chí. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở chỗ giới thiệu sơ lược, còn HTTCKV thì không thấy ông đề cập đến. - Cũng đầu thế kỷ XIX, trong Gia Định thành thông chí (1820- 1841), Trịnh Hoài Đức nghi nhận như sau: “Mạc Thiên Tứ lập ra Chiêu Anh Các, mua sắm sách vở, thường ngày ông cùng các nhà Nho luận bàn kinh sách, lại có thơ vịnh mười cảnh ở Hà Tiên, được rất nhiều người hưởng ứng họa theo, từ đó văn phong mới nổi tiếng cả một dọi biển ấy.” [11; 160] Đây là những dòng nhận xét khái quát song khá đầy đủ về quy mô của Tao đàn Chiêu Anh Các, nhưng cũng không thấy Trịnh Hoài Đức nhắc đến thi phẩm Nôm của Mạc Thiên Tích. - Cùng thế kỷ XIX, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng chỉ nói sơ bộ về Mạc Cửu và việc ông xin dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn chứ cũng không đề cập đến tác phẩm HTTCKV của Mạc Thiên Tích. Ngoài ra, Đông Hồ [20] còn dẫn thêm các sách Thanh văn hiến thông khảo của Trần Kinh Hòa, sách Minh bột di ngư do Trịnh Hoài Đức trùng bản. Dù không có cơ hội trực tiếp tiếp cận các tài liệu này, nhưng qua sự giới thiệu của Đông Hồ, chúng tôi nhận thấy các sách ấy cũng chỉ thiên về phần tác phẩm chữ Hán của Mạc Thiên Tích còn thi phẩm Nôm HTTCKV cũng không được nhắc tới. Với những công trình vừa đề cập ở trên chúng tôi nhận thấy ở thời kỳ từ thế kỷ XIX trở về trước Tao đàn Chiêu Anh Các cũng như Mạc Thiên Tích và các sáng tác của ông đều được các nhà nghiên cứu, các học giả đương thời chú ý, nhưng các học giả ấy chỉ giới thiệu các tác phẩm chữ Hán, còn HTTCKV thì không thấy đề cập đến. -4- 2.2. Các công trình nghiên cứu từ thế kỷ XX trở về sau Nối tiếp thời kỳ trước, thời kỳ này Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các vẫn được tiếp tục tìm hiểu nghiên cứu. Chúng tôi cũng xin tạm tách các công trình nghiên cứu ở giai đoạn này thành hai nhóm là nhóm các công trình nghiên cứu trong các sách, giáo trình, tạp chí và nhóm các công trình đăng trên các trang báo điện tử. 2.2.1. Các công trình nghiên cứu trên các sánh, giáo trình, tạp chí Trên các sách, giáo trình, tạp chí chúng tôi tập hợp được những ý kiến, phê bình đánh giá như sau: - Đầu thế Kỷ XX, Đông Hồ một thi sĩ nổi tiếng, người con của đất Hà Tiên đã cất công sưu tầm, biên khảo cho ra mắt độc giả công trình Văn học Hà Tiên Chiêu Anh Các Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh năm 1970, được Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1996. Trong công trình này, Đông Hồ trình bày nguồn sử liệu phong phú, đồng thời, ông còn đề cập đến các sáng tác cả Hán lẫn Nôm của Mạc Thiên Tích. Đặc biệt, đây là công trình kỳ công của tác giả trong việc giới thiệu tác phẩm viết bằng chữ Nôm HTTCKV. Tác giả đã chú thích, bình giảng rất công phu về tập thơ bằng chữ Nôm này của Mạc Thiên Tích. Có thể nói đây là một tài liệu quan trọng cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về Tao đàn Chiêu Anh Các, về HTTCKV. Tuy nhiên công trình này cũng chỉ dừng lại ở việc bình chú chứ chưa quan tâm nhiều đến nội dung, nghệ thuật của HTTCKV. - Cuối thế kỷ XX, Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang đã cho xuất bản quyển 250 năm Tao đàn Chiêu Anh Các (1736- 1986). Đây là quyển tập hợp các bài báo cáo, tham luận của Hội nghị khoa học về Tao đàn Chiêu Anh Các do Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang tổ chức. Các bài viết xoay quanh hai vấn đề cơ bản: đánh giá sự cống hiến của Tao đàn Chiêu Anh Các đối với nền văn học dân tộc và đánh giá rõ hơn vai trò của họ Mạc. Trong đó có những bài nghiên cứu về HTTCKV với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Đây cũng là một tài liệu quan trọng, có tính chất vừa bao quát, vừa cụ thể về Tao đàn Chiêu Anh Các nói chung, HTTCKV nói riêng. - Tổng tập văn học Việt Nam (tập 7, 1997) do Bùi Duy Tân chủ biên dành số lượng trang tương đối để nói về Mạc Thiên Tích và các sáng tác của ông. Sau những dòng khái quát về cuộc đời Mạc Thiên Tích, sách trình bày về HTTCKV. Sau khi đưa ra căn cứ gọi tên tác phẩm là Hà Tiên thập cảnh ngâm khúc, sách đưa ra tình trạng văn bản với hai luồng cơ bản. Một luồng xem tác phẩm chỉ gồm mười bài thơ Nôm luật -5- Đường, một luồng xem tác phẩm gồm cả phần song thất lục bát và phần thơ Nôm luật Đường. Sách còn đưa ra bảy văn bản đáng chú ý của Hà Tiên quốc âm thập vịnh. Bên cạnh đó, sách còn đánh giá tác phẩm ở góc độ gieo vần “đáng chú ý là khúc ngâm gieo vần với các bài thơ Đường luật, lối gieo vần về sau vẫn được kế thừa trong các tác phẩm như Dương Từ- Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca,… ở Nam Bộ.” [54; 800] Nhìn chung, Tổng tập văn học Việt Nam (tập 7) đã cung cấp những cứ liệu khá quan trong xoay quanh HTTCKV, nhưng sách chưa đề cập nhiều đến nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. - Hà Văn Thùy với công trình biên khảo Trấn Hà Tiên và Tao đàn Chiêu Anh Các (2001) đã giới thiệu khá nhiều về lịch sử trấn Hà Tiên, Chiêu Anh Các cùng những tác phẩm cả Hán lẫn Nôm của thi phái, trong đó có HTTCKV của Mạc Thiên Tích. Công trình biên khảo này gồm ba phần: Nói về lịch sử trấn Hà Tiên xưa từ cách đó hai ngàn năm đến khi Mạc Cửu đến khai phá và xin xưng thần với chúa Nguyễn Đàng Trong. Tác giả còn nói về tổ chức chính trị, quân sự, quá trình mở mang kinh tế, phát triển văn hóa của họ Mạc ở Hà Tiên. Phần thứ hai, Hà Văn Thùy nói về văn chương Chiêu Anh Các cả các sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm. Ở thơ Nôm Chiêu Anh Các, tác giả chú trọng đánh giá tập Hà Tiên quốc âm thập vịnh (HTTCKV) về nội dung và nghệ thuật. Sau khi phân tích cụ thể, tác giả nhận xét chung như sau: “Có thể nói không quá đáng rằng: cả về mặt nội dung cũng như hình thức nghệ thuật, thơ Nôm của Mạc Thiên Tích đã đánh dấu một bước tiến của thơ ca dân tộc.”[61; 103]. Phần thứ ba, tác giả giới thiệu về tác phẩm của Chiêu Anh Các gồm Hà Tiên thập Vịnh với bài tự và bài bạt cùng mười bài xướng của Mạc Thiên Tích và mười bài họa của Nguyễn Cư Trinh; Thụ Đức hiên tứ cảnh cũng gồm thơ xướng và họa; Minh bột di ngư gồm bài tựa của Trịnh Hoài Đức lúc trùng bản tác phẩm với bảy bài thơ cùng đầu đề Lư Khê nhàn điếu và một bài phú Lư Khê nhàn điếu phú; Hà Tiên quốc âm thập vịnh (HTTCKV). Có thể thấy đây là nguồn tư liệu quan trọng mà tác giả đã dụng công sưu tầm, tập hợp trong công trình biên khảo của mình. Nhưng Hà Văn Thùy chưa tập trung nhiều vào HTTCKV. - Trong công trình Khảo và luận một số tác gia- tác phẩm văn học trung đại Việt Nam (tập 1, 1999), Bùi Duy Tân cũng giới thiệu về Mạc Thiên Tích cũng như Tao đàn Chiêu Anh Các. Sau khi đánh giá về công tích của Mạc Thiên Tích, tác giả đánh giá cao về thi phái này: “Qua các áng thơ văn còn lại của Chiêu Anh Các nói chung, Mạc -6- Thiên Tích nói riêng, ta thấy đây là một hiện tượng văn học mới, xuất hiện ở một vùng đất mới- Hà Tiên. Hiện tượng văn học này có lực lượng sáng tác mới: một số danh sĩ người Việt và khá nhiều danh sĩ người Hoa; có môi trường lịch sử, xã hội, văn hóa mới (….). Trình độ nghệ thuật, phong cách văn chương đạt đến mức khá cao, không thua kém văn học Đàng ngoài và ngay cả văn học Trung Hoa…” [56; 126]. Nhưng tác giả bài nghiên cứu cũng chỉ dừng lại ở những khái quát chung chứ chưa đề cập cụ thể về HTTCKV. - Từ điển văn học (bộ mới, 2004) không giới thiệu HTTCKV, nhưng có giới thiệu về Chiêu Anh Các. Sách đã giới thiệu khái quát thi phái này về quá trình hình thành, các sáng tác chính cũng như thành phần văn sĩ tham gia. Sau đó đưa ra nhận xét về nội dung thơ của thi phái này. Bên cạnh hạn chế như tính chất ước lệ, khoa trương, thi vị hóa cảnh vật…, thì ưu điểm là “tình cảm lạc quan, yêu đời của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống, niềm tự hào về đời sống hòa bình, no đủ của một vùng đất nước đang trên đà phát triển, và tinh thần trách nhiệm, ý chí muốn gìn giữ nơi biên cương của tổ quốc sao cho yên ổn và giàu mạnh. Sắc thái tích cực đó thấm quyện trong cảm hứng thẩm mỹ chung của tập thể tác giả, đã đưa đến những thành công đáng kể về nghệ thuật…” [19; 275]. Như vậy, quyển từ điển đồ sộ này cũng không bàn riêng về HTTCKV. - Tinh tuyển văn học Việt Nam Văn học thế kỷ XVIII (tập 5- quyển 1, 2004) do Nguyễn Thạch Giang chủ biên cũng có nhắc đến Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các. Sau khi giới thiệu tiểu sử Mạc Thiên Tích, sách nói đến các tác phẩm của ông. Trong đó có nói tới vấn đề văn bản của Hà Tiên quốc âm thập vịnh . Bên cạnh Hà Tiên quốc âm thập vịnh, sách còn đề cập đến Hà Tiên quốc âm thập cảnh ngâm khúc. Ngoài ra sách còn giới thiệu Lư Khê vãn khuyết danh nhưng lại xác nhận là của Chiêu Anh Các. Cũng như Tổng tập văn học Việt Nam (tập 7), các nhà soạn sách công nhận có hai thi phẩm Nôm riêng biệt, một chỉ gồm mười bài thơ Nôm luật Đường vịnh cảnh Hà Tiên, và một là một khúc ngâm gồm cả thể song thất lục bát và các bài thơ luật. Sách cũng chỉ dừng lại ở việc điểm qua các tác phẩm của Mạc Thiên Tích chứ không đề cập đến nội dung, nghệ thuật của HTTCKV. - Văn học Việt Nam (thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII) do Đinh Gia Khánh chủ biên (tái bản lần thứ chín, 2006) cũng đề cập đến Chiêu Anh Các và Mạc Thiên Tích như sau: “Ở Đàng Trong, đầu thế kỷ XVIII, xuất hiện nhiều tác phẩm của nhóm Chiêu Anh -7- Các ở Hà Tiên (….). Thơ văn của nhóm Chiêu Anh Các thường do xướng họa với Mạc Thiên Tích mà viết nên. Vì vậy có thể qua thơ Mạc Thiên Tích mà tìm hiểu được khuynh hướng chính của thi xã này. Bao trùm toàn bộ tác phẩm của Mạc Thiên Tích là tinh thần lạc quan yêu đời.”[26; 393] và đánh giá một cách khái quát “nhìn chung thơ văn của nhóm Chiêu Anh Các (…) đã có những đóng góp nhất định vào văn học viết đương đại.”[26; 395]. Sách còn kể tên một số tác phẩm Nôm của Chiêu Anh Các song không nhắc đến HTTCKV. - Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (tập 1, 2007) của Nguyễn Q. Thắng có dành khá nhiều trang nói về Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các. Tác giả đã khái quát được vai trò của họ Mạc trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, văn học ở trấn Hà Tiên xưa. Đồng thời, Nguyễn Q. Thắng cũng đánh giá cao thơ văn Chiêu Anh Các cả chữ Hán và Chữ Nôm: “Tiếng thơ đó trở nên một thứ vũ khí quyết định cho công cuộc khai phá, kinh dinh miền đất mới, và chỉ khu vực này đã sản sinh được tiếng nói chân thành, mộc mạc đó.”[60; 116] Nhưng bàn riêng về HTTCKV thì cũng không thấy tác giả nhắc đến. - Văn học Miền Nam lục tỉnh (tập hai, Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới, 2012) của Nguyễn Văn Hầu cũng có đề cập tới Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các. Sau khi trình bày tiểu sử Mạc Thiên Tích, tác giả giới thiệu về quá trình hình thành Chiêu Anh Các, liệt kê các tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Nôm của thi phái này, cũng như trích dẫn các tác phẩm của Mạc Thiên Tích. Tác giả còn nhận xét sơ bộ về tác phẩm của Chiêu Anh Các. Phần thơ Nôm, tác giả viết: “Mặc dù đang trong bước dò đường để tiến đến cái nhã thuần của quốc văn về sau, chúng ta vẫn thấy được nơi Mạc Thiên Tích những văn từ và những bút pháp kỳ diệu.”[18; 65] Tác giả cũng chỉ dừng lại ở nhận định chung chứ chưa nói riêng về HTTCKV. Ngoài các công trình đã kể trên, trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi còn tìm được quyển Hà Tiên gia phả họ Mạc (bản chữ Hán và chữ quốc ngữ), Thư mục và văn bản thi văn Chiêu Anh Các dưới dạng đánh máy. Cả hai công trình này đều không ghi rõ tên tác giả, năm xuất bản, nhà xuất bản. Trong đó Thư mục và văn bản thi văn Chiêu Anh Các đã tóm lược rất nhiều tài liệu liên quan đến Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các cũng như phần hiệu đính văn bản tác phẩm của Chiêu Anh Các. Đây cũng là một tài liệu quan trọng có tính chất khái quát về quá trình nghiên cứu Chiêu Anh Các. -8- 2.2.2. Các công trình đăng trên các trang báo điện tử Cùng với những công trình nghiên cứu trên các sách, các giáo trình như đã nêu trên, trên các trang báo điện tử, chúng tôi cũng ghi nhận được những khảo cứu, bàn luận có liên quan đến đề tài như sau: - Trên vanchuongviet.org có bài Hà Tiên thập vịnh (2006) của Huỳnh Công Tín. Tác giả đã giới thiệu lần lượt từng bài thơ một trong Hà Tiên thập vịnh. Trong quá trình giới thiệu ấy tác giả có dẫn cả những dòng thơ trong HTTCKV để đối chiếu, phân tích. Cuối cùng tác giả đưa ra kết luận “Những bài thơ xướng họa này không chỉ cho ta thấy được những vết tích của lịch sử một thời mà còn minh chứng cho một điều quan trọng hơn: vùng đất đồng bằng sông Cửu Long này không chỉ có lúa, cá, mà còn có thơ văn và nhạc lễ.” Có thể thấy, Huỳnh Công Tín đã đặt ngang hàng vị trí thơ Nôm với thơ Hán về thơ vịnh cảnh mười cảnh Hà Tiên. Tuy nhiên bài viết của tác giả cũng chỉ dừng lại ở mức độ phân tích mười bài thơ vịnh cảnh chứ chưa nghiên cứu chuyên biệt về tập thơ Nôm HTTCKV của Mạc Thiên Tích. - Trên Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Đồng Nai và Cửu Long, có bài Tìm hiểu đất Hà Tiên qua văn học (2008) của Vương Kim Hùng. Một phần của bài viết, tác giả dành để giới thiệu về Mạc Thiên Tích và Chiêu Anh Các. Về Chiêu Anh Các tác giả có những đánh giá khá xác đáng “việc xuất hiện Tao đàn Chiêu Anh Các không chỉ là tiếp nối truyền thống văn chương Việt Nam mà còn có tác dụng khích lệ hình thành những thi xã sau đó như: Bình Dương thi xã cuối thế kỷ XVIII, Bạch Mai thi xã giữa thế kỷ XIX.” Tác giả đã nhìn nhận vai trò của Chiêu Anh Các trong tiến trình văn học dân tộc, song đó mới là những nhận xét sơ bộ còn về HTTCKV thì tác giả cũng chưa bàn đến. - Năm 2010, trên Trang báo điện tử Văn học và Ngôn ngữ (thuộc Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh) có đăng bài Đông Hồ khám phá thơ Nôm Mạc Thiên Tích của Trương Minh Đạt. Ở bài viết này tác giả đưa ra nhiều cứ liệu và phê bình, đánh giá chung cũng như đưa ra những hình ảnh minh họa để góp phần xác định tác quyền của Mạc Thiên Tích với tập thơ Nôm HTTCKV. Chỉ trong một bài báo mà Trương Minh Đạt đã dẫn ra nhiều cứ liệu quan trọng. Điều này giúp ta hiểu thêm về quá trình sưu tập, biên khảo, giới thiệu tác phẩm của Chiêu Anh Các, mà nhất là tập thơ Nôm HTTCKV. Đây là nguồn cứ liệu quan trọng giúp ta hiểu thêm về hành trình sưu tập, giới thiệu tác phẩm Nôm quan trọng này của Mạc Thiên Tích. -9- - Cũng trên trang báo điện tử Văn học và Ngôn ngữ (thuộc Khoa Văn học và Ngôn ngữ trường Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh) có bài Từ Chiêu Anh Các đến Trí Đức học xá (2010) của Hà Thanh Vân. Bài viết giới thiệu về Chiêu Anh Các chủ yếu là về các tác phẩm của thi phái này. Tác giả đánh giá cao về nội dung, nghệ thuật của thi phái, nhất là vai trò của thi phái này trong quá trình phát triển văn học ở Nam Bộ: “Tao đàn Chiêu Anh Các là một hiện tượng văn hóa mới xuất hiện ở một vùng đất mới. (….) Với những hoạt động của mình, Tao đàn Chiêu Anh Các mà chủ soái Mạc Thiên Tích đã đặt nền móng cho tiến trình phát triển văn hóa ở vùng đất Kiên Giang và xứng đáng được nằm trong số những người mở đầu cho lịch sử văn chương Nam bộ. Công cuộc khai phá mở đất của con người ở đây, nói một cách hình tượng, gần như đồng nghĩa với công cuộc mở mang văn hóa.” Cũng như các nhà nghiên cứu khác, tác giả bài báo cũng không bàn riêng về HTTCKV. Điểm qua các tài liệu tìm được trên đây, chúng tôi nhận thấy HTTCKV ít được các tác giả bàn riêng hay nghiên cứu một cách độc lập mà thi phẩn Nôm này luôn được nghiên cứu trong hệ thống tác phẩm của Chiêu Anh Các. Cũng có những công trình nghiên cứu riêng về HTTCKV, ở những công trình này phần lớn các tác giả xoay quanh việc giới thiệu tư liệu, bình chú tập thơ là chủ yếu. Vì thế việc khảo cứu tương đối cặn kẽ về đặc điểm nội dung, nghệ thuật HTTCKV của Mạc Thiên Tích là một việc cần thiết nhằm bổ khuyết phần nào vào những thiếu sót trên. 3. Mục đích nghiên cứu Khi tìm hiểu đề tài này, chúng tôi không có ý nghiên cứu trên đại thể mà chỉ tập trung làm rõ mấy điểm như sau: - Khái quát lại một cách sơ bộ về Mạc Thiên Tích và thi phẩm Nôm HTTCKV của ông. - Tìm hiểu đặc điểm cơ bản về nội dung, nghệ thuật của HTTCKV . 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Với mục địch nghiên cứu như trên, chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu đặc điểm nội dung, nghệ thuật tập thơ HTTCKV của Mạc Thiên Tích lấy từ quyển Văn học Hà Tiên Chiêu Anh Các Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh của Đông Hồ (Quỳnh Lâm xuất bản 1970, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1996) và quyển Khúc vịnh mười cảnh đẹp Hà Tiên (Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang xuất bản năm 1986) nhằm làm rõ đặc điểm nội dung, nghệ thuật của thi phẩm này. Đặc biệt - 10 - là những điểm riêng, nổi bật về mặt nghệ thuật của thi phẩm để thấy được vị trí của nó trong tiến trình văn học. Để làm nổi bật điều đó chúng tôi cũng có đối chiếu so sánh với một số tác phẩm thuộc thể loại ngâm khúc hình thức song thất lục bát để làm sáng tỏ hơn vấn đề mà chúng tôi nghiên cứu. 5. Phương pháp nghiên cứu Để tiến hành thực hiện đề tài này, chúng tôi vận dụng một số phương pháp nghiên cứu như sau: - Phương pháp phân tích và tổng hợp, đây là phương pháp chủ yếu chúng tôi sử dụng để đánh giá, phẩm bình nội dung và nghệ thuật của HTTCKV. - Phương pháp đối chiếu, so sánh, phương pháp này được chúng tôi sử sụng để đối sánh HTTCKV với các tác phẩm Nôm cùng thời cũng như trước và sau thi phẩm này để rút ra những điểm tương đồng và dị biệt nhằm làm rõ hơn đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tập thơ. Trên đây là hai phương pháp chính chúng tôi sử dụng trong quá trình thực hiện luận văn, ngoài ra chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp khác như thống kê, phân loại để phụ trợ thêm cho việc tìm hiểu, nghiên cứu đề tài được thuận lợi và có tính khoa học. 6. Đóng góp của luận văn Đề tài chủ yếu tìm hiểu đặc điểm nội dung, nghệ thuật của HTTCKV nhằm củng cố và khẳng định thêm giá trị của tập thơ này. Với mục đích ấy, thiết nghĩ, ở một mức độ nào đó, đề tài có thể bổ khuyết phần nào những thiếu sót đã nói ở phần lịch sử vấn đề cũng như đề tài có thể là một nguồn tư liệu khả dụng cho những ai lưu tâm tìm hiểu về thi phẩm này. 7. Kết cấu của luận văn Ngoại trừ phần mở đầu, phần kết luận và phần phụ lục, luận văn được tổ chức thành ba chương: - Chương 1 Khái quát về tác giả và tác phẩm 19 trang - Chương 2 Đặc điểm nội dung Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh 20 trang - Chương 3 Đặc điểm nghệ thuật Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh 38 trang - 11 - CHƯƠNG 1 KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM Trước khi tìm hiểu đặc điểm nội dung, nghệ thuật HTTCKV chúng tôi thiết nghĩ cần khái quát lại đôi nét về tác giả Mạc Thiên Tích và giới thiệu sơ lược về HTTCKV. 1.1. Vài nét về tác giả 1.1.1. Thân thế Mạc Thiên Tích thuộc dòng dõi họ Mạc ở Hà Tiên cha là Mạc Cửu, người Trung Hoa, mẹ là người Việt. Do đó Mạc Thiên Tích có một gốc tích thân thế khá đặc biệt. Cho nên trước tiên, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về nguồn gốc dòng họ Mạc ở Hà Tiên. Nói tới nguồn gốc dòng họ Mạc ở Hà Tiên thì phải bắt đầu từ Mạc Cửu. Mạc Cửu là người xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1644, nhà Thanh thay thế nhà Minh, Mạc Cửu không phục tùng nên cùng gia quyến và đoàn tùy tùng xuống tàu vượt biển vào Nam đến nước Chân Lạp và được cho làm ốc nha, một chức quan của Chân Lạp thời đó… Một thời gian sau, thấy đất Mang Khảm thuận lợi nhiều mặt về kinh tế, giao thương, ông bèn xin lui về đó chiêu tập lưu dân, mở mang đồng ruộng và tiếp đón khách thương hồ đến để mua bán, mở sòng bạc… Chẳng bao lâu vùng đất này trở nên phồn thịnh và không tránh khỏi giặc cướp, giặc Xiêm La kéo quân đến xâm lăng. Mạc Cửu thế cô phải qua Xiêm trú ngụ một thời gian. Khi trở lại Hà Tiên, thấy chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang mở rộng thế lực đến tận vùng Đồng bằng sông Cửu Long, năm 1708 Mạc Cửu cho người đến xin xưng thần và được chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, phong chức Tổng binh trấn Hà Tiên. Mạc Cửu mất năm 1735, được chúa Nguyễn truy tặng Khai trấn thượng trụ quốc, Đại tướng quân Vũ Nghị Công. Trong ba nhóm người Minh Hương (Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu) thì có lẽ họ Mạc được chúa Nguyễn trọng dụng và ưu đãi nhất. Một trong những ân huệ đó là được chúa Nguyễn ban cho thất diệp phiên hàn để đặt tên con cháu. Với gốc tích dòng tộc như thế, ta thấy hiện tượng Mạc Thiên Tích là một điều khá độc đáo. Một vị tổng trấn Hà Tiên là người gốc Trung Hoa lại giỏi cả thơ văn ngâm vịnh, mà đặc biệt là sáng tác cả văn chương chữ Nôm. Điều này cho thấy sự dung hợp và sức hút kỳ diệu của tiếng Việt, cũng như tâm hồn thi nhân đậm đà trong con người vị tổng trấn gốc Hoa này. - 12 - Theo các tư liệu thu thập được thì Mạc Thiên Tích lúc đầu tên Mạc Thiên Tứ, nhũ danh là Tông, tự là Sĩ Lân sinh tại Trũng Kè. Cha là Tổng binh Mạc Cửu người Trung Hoa, mẹ là người Việt. Tương truyền lúc Mạc Thiên Tích chào đời, Trũng Kè xuất hiện điềm lạ: “Lúc sinh Mạc Tông thì nước dưới vụng Trũng Kè trong vắt, mặt nước trên trời hào quang sáng rực, thụy khí bao quanh, giữa đám hào quang thụy khí nổi lên một tượng phật. Các tăng nhân Chân Lạp trong vùng lấy làm một triệu cát tường kéo đến vì Mạc Cửu chúc tụng. Pho tượng phật thì bao nhiêu người cũng không mang đi được. Mạc Cửu đành phải cho cất tại đó một ngôi chùa để phụng thờ. ”[20; 152] Về năm sinh của Mạc Thiên Tích hiện nay còn nhiều ý kiến không thống nhất nhau. Nguyễn Văn Hầu [18] cho rằng Mạc Thiên Tích sinh năm 1706, mất năm 1780. Đông Hồ [20] cũng cho rằng Mạc Thiên Tích sinh năm 1706. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 5, quyển 1) cũng xác định Thiên Tích sinh năm 1706. Nhưng theo quan điểm nghiên cứu của Trương Minh Đạt [74] thì năm sinh 1706 là chưa xác thực. Ở bài viết của mình, Trương Minh Đạt dẫn rất nhiều cứ liệu có liên quan đến năm sinh của Mạc Thiên Tích và đi đến kết luận Thiên Tích sinh năm 1718 “Như cách ghi chép của ông Trịnh Hoài Đức, ta rút ra một điều duy nhất: Xiêm đánh phá Hà Tiên chỉ một trận, thời gian là “mùa xuân tháng hai”, kết quả “Mạc Cửu thua chạy về Lũng Kỳ”, và “Bà vợ ông Mạc Cửu sinh ông Mạc Tông, đêm mồng bảy tháng ba”. Năm ấy, sử Cao Miên nêu rõ là năm Mậu Tuất (1718).” Vấn đề năm sinh của Mạc Thiên Tích cần được xác định rõ. Nếu theo quan điểm của Nguyễn Văn Hầu, Đông Hồ và Tinh tuyển văn học Việt Nam tức là Mạc Thiên Tích sinh năm 1706, thì khi kế nghiệp cha năm 1735, lúc đó ông 29 tuổi, còn theo quan niệm của Trương Minh Đạt, Mạc Thiên Tích sinh năm 1718 thì lúc kế nghiệp cha ông mới 17 tuổi. Nhưng Trương Minh Đạt lại có căn cứ khác xác đáng về năm sinh này vì năm sinh của Mạc Thiên Tích gắn liền với sự kiện lịch sử Xiêm đánh phá Hà Tiên và Mạc Cửu cùng gia quyến phải lui về Lũng Kỳ (Mạc Thiên Tích sinh lại nơi này) và sự kiện này đã được sử Cao Miên ghi lại. Do đó năm 1718 là năm sinh của Mạc Thiên Tích có vẻ xác đáng hơn. Về việc đổi tên từ Thiên Tứ sang Thiên Tích, Nguyễn Văn Hầu [18] có lý giải như sau: Thiên Tứ: trời ban cho. Nguyên trước khi sinh Mạc Tông, có tượng phật nổi lên trên mặt nước Trũng Kè. Người ta coi đó là điềm lành và nghĩ rằng việc họ Mạc - 13 - (Mạc Cửu) sinh được con trai là chính trời ban. Thiên Tích: cũng có nghĩa trời ban, nhưng căn cứ vào một sự kiện lịch sử khác. Vốn chúa Nguyễn có phong cho họ Mạc Hà Tiên thất diệp phiên hàn, đem bảy chữ thiên, tứ, công, hầu, bá, tử, nam để làm chữ lót khi đặt tên con cháu và lấy năm chữ thuộc ngũ hành tương sinh dùng làm chữ tên: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bởi vậy Mạc Tông chữ lót là Thiên, còn chữ Tứ đổi ra Tích là vì đổi chữ bối thành chữ kim mà ra. Sự lý giải của Nguyễn Văn Hầu là có căn cứ vì từ xưa tới nay tên người luôn được xem trọng và thể hiện sự kỳ vọng, hay ý nghĩa nào đó đối với bản thân họ và gia đình dòng tộc. Về đặc điểm con người và tính cách thì Vũ Thế Dinh mô tả Mạc Thiên Tích là người đầy đủ đức tài, vừa giỏi võ nghệ thao lược lại làu thông kinh sử, tính tình thì trung hậu, ngay thật, nhân từ mà nghĩa dũng, rất trọng việc hậu đãi hiền tài (dẫn theo Nguyễn Văn Hầu [18; 43]). Nguyễn Cư Trinh cũng xưng tặng Mạc Thiên Tích là người ở địa vị cao mà nhún nhường, có độ lượng rộng mà bao dung lầm lỗi và rất xem trọng lời hứa của mình (dẫn theo Hà Văn Thùy [61; 75]). Năm 1735, Mạc Cửu qua đời Mạc Thiên Tích được kế tập nghiệp cha, giữ chức tổng binh trấn Hà Tiên, tước Tông Đức hầu. Ông tiếp tục mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Chu phong chức Tổng binh đại đô đốc. Ông tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến vùng đất Hà Tiên trở thành đất văn hiến, phồn thịnh, nhiều lần chống trả lại các cuộc xâm lấn của các lân bang như Xiêm La và Chân Lạp. Năm 1774, quân Trịnh Sâm vào vây Thuận Hóa, chúa Định Vương phải chạy vào Gia Định, Mạc Thiên Tích dẫn các con dến hành tại triều yết, được chúa phong tước Quốc lão quận công và các con cũng được ban cho chức tước. Khi Tân Chánh Vương bị Tây Sơn bắt, Thái Thượng Vương chạy xuống Kiên Giang, ông hết lòng phụng sự. Thiên Tích giúp chúa tìm kế phục hưng nhưng việc chưa đến đâu thì Thái Thượng Vương bị Tây Sơn bắt giết. Từ đó, Mạc Thiên Tích cũng bỏ Hà Tiên lánh mình sang Xiêm. Khi Nguyễn Ánh khôi phục được Gia Định, liền xua quân can thiệp mạnh để lập lại cuộc bảo hộ ở Chân Lạp. Việc này đã gây xích mích với Xiêm. Lại thêm việc quân lính của Nguyễn Ánh cướp thuyền hàng của Xiêm. Nhân có lời gièm pha và có thư giả mạo vu cáo Mạc Thiên Tích làm nội gián cho Nguyễn Ánh ở Xiêm, nên ông và các con bị bắt. Nhiều tùy tùng của ông bị tra tấn nặng nề. Có lẽ vì không chịu được nỗi oan khuất, nhục nhằn ấy, ông đã tự tử. Ông mất năm 1780. - 14 - Trên đà những thành tựu cha mình là Mạc Cửu đạt được, từ khi kế nghiệp, Mạc Thiên Tích đã không ngừng mở rộng, phát triển Hà Tiên về mọi mặt. Về chính trị, quân sự, ông tu bổ đồn trại, tuyển mộ và luyện tập quân sĩ, đóng thêm chiến thuyền, chăm nuôi voi, ngựa chu đáo. Ông còn mở rộng thêm đất đai Hà Tiên bằng việc khai khẩn thêm đất đai các vùng lân cận. Tính đến năm 1739, Mạc Thiên Tích mở thêm bốn huyện: Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu, Bãi Sâu). Sự phát triển này đã giúp Hà Tiên đứng vững trong những lần xâm lấn, thôn tính của lân bang và cướp biển: - Năm 1739, (kỷ mùi) Nặc Thâm (cũng gọi là Nặc Bồn) tấn công Hà Tiên bị Mạc Thiên Tích đánh lui. - Năm 1747, dẹp bọn cướp biển ở Long Xuyên chặn cướp thuyền chở tặng vật của chúa Nguyễn thưởng cho họ Mạc. - Năm 1767, dẹp bọn cướp do Hoắc Nhiên cầm đầu tại vùng Cổ Công. - Năm 1769, dẹp nhóm cướp Trần Thái người Triều Châu. - Năm 1770, dẹp bọn cướp lớn có sào huyệt ở Campốt, Vũng Thơm. Về kinh tế, Mạc Cửu khai thác ruộng vườn, mở mang phố chợ, chiêu tập lưu dân và quy tập người ngoại quốc ở nhiều nơi đến Hà Tiên buôn bán. Kế thừa cha, Mạc Thiên Tích cũng tiếp tục chính sách khoan dung rộng rãi đó. Tuy nhiên trong những năm đầu thế kỷ XVIII việc khai khẩn Hà Tiên diễn ra chậm chạp. Chỉ khi Mạc Thiên Tích mở rộng vùng đất sang đến bờ sông Hậu, nơi nước ngọt và thủy lợi thuận tiện tình hình nông nghiệp mới khả quan hơn. Đề cập đến việc này, Trịnh Hoài Đức nhận xét “Phong tục ở đây còn chịu ảnh hưởng phong hóa người Tàu mà ít có hạng thân sĩ. Người Việt, người Thổ ở xen nhau họ chuyên việc buôn bán. Phần lớn người Hoa, người Cao Miên, người Đồ Bà (Chà và) ở ven theo bờ biển, đất đai chưa được khai khẩn, dân không có đất đai chính thức, nên hay di chuyển bất thường. Ở hai đạo Long Xuyên (Cà Mau) và Kiên Giang ít nông dân nhưng biết chăm lo căn bản, cho nên cả trấn này đều nhờ lúa gạo hai đạo ấy cung cấp [11; 189- 190]. Ông cũng chú trọng việc giao thương với nước ngoài bằng đường biển. Nếu ở thời Mạc Cửu, ông đã phái người mang thương thuyền sang Nhật liên hệ việc mậu dịch, được chính quyền Nhật Bản cấp phép buôn bán, thì Mạc Thiên Tích trong các năm 1740 và 1742 cũng đã cho thuyền sang trao đổi mậu dịch với Nhật Bản. Điều này góp phần mở rộng giao thương, xuất nhập khẩu nên hoạt động kinh doanh, mua bán ở Hà Tiên luôn náo nhiệt. - 15 - Về văn hóa, ông cho lập nhà nghĩa học, mở hội Tao đàn Chiêu Anh Các, một thi đàn quy mô xướng họa thi văn khiến tiếng tăm Hà Tiên- Văn hiến quốc lan xa (chúng tôi xin nói kỹ hơn về Chiêu Anh Các ở mục sự nghiệp sáng tác). Với những gì Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích đã làm cho trấn Hà Tiên, các nhà nghiên cứu khi đánh giá công lao đều cho rằng họ Mạc ở Hà Tiên đã có những công tích như sau: Thứ nhất, tổ chức khai phá lập ra trấn Hà Tiên rồi dần dần mở rộng ra cả vùng hữu ngạn Hậu Giang và một số hải đảo, trong đó có đảo Phú Quốc. Thứ hai, mở mang phố chợ, phát triển quan hệ buôn bán nhất là với nước ngoài, làm cho Hà Tiên sớm trở thành một trấn thịnh vượng. Thứ ba, phát triển văn hóa vùng Hà Tiên. Trên lĩnh vực này, có vai trò nổi bật của Mạc Thiên Tích với Chiêu Anh Các do ông thành lập. Thứ tư, một công lao to lớn nữa của họ Mạc là đã tổ chức chiến đấu chống bọn cướp, chống ngoại xâm, bảo vệ sự an toàn và cuộc sống yên lành của vùng Hà Tiên. Những công tích của Họ Mạc ở Hà Tiên đã góp phần làm nên một Hà Tiên xứ thơ thu hút lòng người dù chưa đặt chân đến, công lao ấy của họ Mạc là vô cùng to lớn. Có lẽ đây là tiền đề ban đầu để văn hóa, văn học Hà Tiên sinh sôi, nẩy nở. 1.1.2. Sự nghiệp sáng tác Bên cạnh những đóng góp về chính trị, kinh tế, văn hóa, Mạc Thiên Tích còn có một sự nghiệp đáng ghi nhận về văn chương. Sự nghiệp văn chương của Mạc Thiên Tích gắn liền với Chiêu Anh Các. Vì thế ở mục này chúng tôi xin điểm qua hai nét chính trong sự nghiệp sáng tác của Mạc Thiên Tích là việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các và lược thuật các tác phẩm chính của ông. Sự nghiệp văn học lớn lao nhất của Mạc Thiên Tích là đã thành lập một hội thơ có quy mô rất lớn và là hội thơ đầu tiên ở Nam Bộ mở ra sự phát triển văn chương cho toàn vùng. Trước tiên cần giải thích Chiêu Anh Các là gì? Theo Vũ Văn Kính thì có thể định nghĩa Chiêu Anh Các một cách đơn giản như sau: “Chiêu là vời, mời, kêu gọi, triệu tập, Anh là anh tài, tinh hoa, chỉ những người có tài, ở đây nhằm vào tài về thơ văn, Các là cái lầu, cái nhà cao, nơi hội họp. Tóm lại, Chiêu Anh Các là nơi quy tụ những người có tài về văn chương, thi phú cùng nhau họp lại xướng họa, ngâm vịnh, luận đàm và sáng tác.”[40; 229] Những dòng định nghĩa trên giúp ta hiểu được hoạt động - 16 - văn chương của Tao đàn này. Tuy nhiên, việc thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các không chỉ đơn thuần là để ngâm vịnh, xướng họa thi ca. Từ thời Mạc Cửu đã có nhà nghĩa học, một ngôi trường đào tạo nhân lực, trí thức và quy tụ nhân tài để phát triển Hà Tiên. Đến lúc Mạc Thiên Tích kế tục cha mình, thiết nghĩ mục đích ấy vẫn không mai một. “Công việc của Chiêu Anh Các không chỉ là ngâm vịnh trứ tác mà thôi. Điều quan trọng cần nói đủ ở đây là quy tụ các anh tài để nghị luận đạo lý, bàn bạc quân mưu và mở trường dạy học”[18; 46]. “Đó là một Hội đồng Tư vấn bên cạnh chính quyền Việt Nam ở Hà Tiên, đảm nhiệm công tác văn hóa giáo dục”.[14; 291]. Cho nên Chiêu Anh Các không chỉ là một thi phái xướng họa thi văn. Hoạt động của Chiêu Anh Các gồm nhiều mặt. Nhận xét về hoạt động của Chiêu Anh Các, các nhà nghiên cứu đề cho rằng thi phái này có các hoạt động chính như sau: Thứ nhất, liên hệ rộng rãi với kẻ sĩ ở khắp nơi kể cả ở Đàng Ngoài và ở Trung Quốc để thường xuyên nắm bắt tình hình chung. Thứ hai, thông qua nhiều hoạt động phong phú khác nhau họ Mạc ra sức tập hợp vây cánh của mình. Có những người đến Hà Tiên không phải để xướng họa, thù tạc, và bản thân họ cũng không có bài thơ nào để lại cho đời. Tên gọi Chiêu Anh Các ở chừng mực nào đó cũng phản ánh một phần ý đồ cụ thể này của họ Mạc. Thứ ba, xây dựng một trung tâm giáo dục miễn phí, lấy Nho học làm nền tảng căn bản. Thứ tư, nhóm họp tao nhân mặc khách, xây dựng thi xã đầu tiên của Hà Tiên và cũng là thi xã đầu tiên của Đàng Trong. Đây là hoạt động nổi bật nhất, được sử sách ghi lại nhiều nhất, bởi vậy, có người lầm tưởng rằng đây là hoạt động duy nhất của Chiêu Anh Các. Như vậy Chiêu Anh Các có nhiều hoạt động gắn liền với việc phát triển văn hóa, kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, phồn thịnh cho Trấn Hà Tiên chứ không chỉ có xướng họa thơ văn. Đây chính là nguyên nhân chính thôi thúc Mạc Thiên Tích thành lập Chiêu Anh Các. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu và mang lại nhiều thành tựu nhất cho Chiêu Anh Các là hoạt động văn chương. Có lẽ cũng nhờ hoạt động văn chương rầm rộ, có quy mô như thế nên trải qua thời gian và chiến loạn, Chiêu Anh Các vẫn được người đời nhớ đến. Về hoàn cảnh hình thành Chiêu Anh Các thì các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng vào năm Bính Thìn (1736), có danh sĩ Trung Quốc là Trần Tử Hoài, tự Hoài - 17 - Thủy đi thuyền đến Hà Tiên được Mạc Thiên Tích tiếp đãi làm thượng khách, cả hai cùng nhau ngâm vịnh không dứt. Nhân đó Mạc Thiên Tích đem mười bài vịnh cảnh Hà Tiên xin Tử Hoài họa vần. Và “Trần Tử dựng cờ tao đàn thủ xướng phong nhã.”[61; 34] Tử Hoài còn đem cả mười cảnh Hà Tiên (thơ xướng) về Trung Quốc cho các văn sĩ bên ấy họa vần rồi lại đưa sang cho Thiên Tích. Mạc Thiên Tích cho khắc in. Ông còn cảm thán rằng : “Do đó biết núi sông nhờ được phong hóa của tiên quân mà thêm phần tráng lệ, lại được các danh sĩ phẩm đề mà thêm vẻ linh tú. Thơ này không chỉ cho chốn ven biển thêm phần tươi đẹp, mà cũng là một trang sử của Hà Tiên vậy…”[61; 34] Tao đàn Chiêu Anh Các đã ra đời như thế. Nội dung trình bày ở trên đã được Mạc Thiên Tích ghi nhận trong bài tự tập Hà Tiên thập cảnh: “Trấn Hà Tiên đất An Nam xưa là đất hoang, từ tiên quân khai sáng đến nay, đã hơn 30 năm, mà dân mới được ở yên, hơi biết việc trồng trọt. Mùa hè năm Ất Mão, tiên quân mất đi, tôi nối theo mối trước, trong khi chính trị thư rỗi, hàng ngày cùng với văn nhân bàn việc vịnh thơ. Mùa xuân năm Bính Thìn Trần Tử Hoài ở Việt Đông cưỡi thuyền tới đây, tôi tiếp đãi làm thượng khách, mỗi buổi hoa sớm trăng hôm, ngâm vịnh không dứt, nhân đem mười bài vịnh cảnh Hà Tiên để xin nhau họa vần. Trần Tử dựng cờ tao đàn, thủ xướng phong nhã. Kịp khi trở về Châu Giang, chia đề trong bạch xã, vâng được các ông không bỏ, theo đề vịnh tiếp, đóng thành một quyển, xa gửi cho tôi, nhân đem khắc in.” Như vậy trước khi Chiêu Anh Các ra đời, Mạc Thiên Tích cũng đã có thơ ca ngâm vịnh. Nhưng vì sao tới năm 1736 ông mới lập Tao đàn này. Theo Hà Văn Thùy [61] thì tuy Mạc Thiên Tích biết thơ mình đã được xung quanh thưởng thức nhưng vì khiêm tốn như một nhà thơ chân chính, lại ở nơi góc biển chân trời, nên ông chưa dám tin ở mình. Trần Tử Hoài xuất hiện là một cơ duyên. Chính con mắt tinh đời của Trần Tử Hoài đã phát hiện ra thi nhân Mạc Thiên Tích. Và ông đã dựng cờ tao đàn, mở hội thơ xướng họa. Sự ra đời của Chiêu Anh Các là một cơ duyên, và cơ duyên ấy đã đưa những sáng tác của thi phái lan rộng không chỉ giới hạn ở Đàng Trong mà còn lan sang cả Trung Hoa. Như vậy thi phái này không chỉ là một hội thơ có tầm quốc gia mà là một hội thơ có tầm quốc tế. Với hoàn cảnh ra đời như đã nói ở trên, số văn sĩ tham gia Chiêu Anh Các cũng rất đông đảo có cả văn nhân tại Hà Tiên, văn nhân vùng Thuận Quảng Đàng Trong và cả văn nhân Trung Quốc. Có người tham gia xướng họa trực tiếp, nhưng cũng có - 18 - người họa thơ một cách gián tiếp; có người tham gia xướng họa cùng thời, có người tham gia họa thơ khi tác phẩm đã được khắc in một thời gian. Tuy nhiên con số chính xác số người tham gia thi đàn là bao nhiêu thì vẫn chưa thống nhất. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, ông có nhắc đến thành phần tham gia Chiêu Anh Các như sau: - Văn sĩ Trung Quốc có tổng cộng 25 người là: Chu Phác, Ngô Chi Hãn, Lý Nhân Trường, Đơn Bỉnh Ngự, Vương Sưởng, Vương Đắc Lộ, Lộ Phù Cát, Từ Hiệp Phỉ, Trần Dược Uyên, Trần Minh Hạ, Trần Diễn Tứ, Tôn Thiên Trân, Tôn Thiên Thụy, Tôn Quý Mậu, Lâm Duy Tắc, Từ Huyễn, Lâm Kỳ Nhiên, Trần Duy Đức, Từ Đăng Cơ, Thang Ngọc Sùng, Trần Tự Phát, Hoàng Kỳ Trân, Chu Cảnh Dương, Trần Thụy Phượng, Trần Tự Lan. - Văn sĩ nước ta có 06 người là: Trịnh Liên Sơn, Phan Thiên Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Trinh, Đặng Minh Bản, Mạc Triều Đán. Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng nói về các văn sĩ tham gia Chiêu Anh Các như sau: - Văn nhân tỉnh Phúc Kiến gồm 15 vị: Chu Phác, Trần Minh Hạ, Châu Cảnh Dương, Ngô Chi Hàn, Lý Nhân Trường, Trần Duy Đức, Trần Diệu Uyên, Trần Tự Nam, Từ Huyễn, Lâm Duy Tắc, Tạ Chương, Đan Bỉnh Ngự, Vương Đắc Lộ, Từ Hiệp Bùi, Từ Đăng Cơ. - Văn nhân tỉnh Quảng Đông gồm 13 vị: Lâm Kỳ Nhiên, Tôn Thiên Thụy, Lương Hoa Phong, Tôn Văn Trân, Lộ Phù Cát, Thang Ngọc Vinh, Dư Tích Thuần, Trần Thụy Phượng, Lư Triệu Huynh, Trần Thiệp Tứ, Vương Sưởng, Hoàng Kỳ Trân, Trần Bá Phát. - Văn nhân phủ Triệu Phong (thuộc đất Thuận Hóa) gồm 04 vị: Phan Đại Quảng, Nguyễn Nghi, Trần Ngoan, Đặng Minh Bản. - Văn nhân phủ Gia Định gồm 02 vị: Trịnh Liên Sơn và Lê Bá Bình. - Văn nhân phủ Quy Nhơn gồm 02 vị: Hoàng Long hòa thượng và đạo sĩ Tô Tần Trong Kiến văn tiểu lục cũng của Lê Quý Đôn (sách được biên soạn sau Phủ biên tạp lục một năm), nhà bác học này có nhắc lại số văn sĩ tham gia xướng họa trong Chiêu Anh Các cũng gồm 25 văn sĩ Trung quốc và 06 văn sĩ nước ta. Tuy nhiên ở sách này Lê Quý Đôn lại không nhắc đến Vương Đắc Lộ, mà kể thêm Phương Minh. Bên cạnh đó, Lê Quý Đôn lại đề cập đến một thi phẩm khác của Mạc Thiên Tích là Thụ - 19 - Đức hiên tứ cảnh. Thi phẩm này cũng được xướng họa. Về số văn sĩ tham gia họa thơ gồm: Dư Tích Thuần, Uông Hễ Lai, Thái Đạo Pháp, Lê Giản Tư, Lý Sĩ Liên, Trần Thành Bích, Phương Thu Bạch, Thi Trù, Trương Giai, Trần Đình Tảo, Nghê Nguyên Khâm, Trần Trí Khải, Nhan Chung Hoàng, Chung Vĩnh Hòe, Lê Dự, Lương Loan, Lưu Chương, Phương Lộ, Trần Diệu Liên, Trang Huy Diệu, Trần Xuân, Lương Thừa Tuyên, Đỗ Văn Hỗ, Lê Chương Húc, Đàm Tương, Hoàng Đỗ, Mã Văn Chấn, Ngô Điển, Hoàng Nguyên Hội, Ngũ Đình Hiền, Phương Dự và Phùng Diễn. Tất cả 32 vị. Các vị này lại là một nhóm khác không phải các vị đã nhắc đến trên kia. Với những cứ liệu kể trên, chúng tôi thiết nghĩ thật khó xác định số lượng chính xác số văn sĩ tham gia xướng họa Chiêu Anh Các là bao nhiêu. Mỗi cứ liệu đều đưa ra số văn sĩ nhưng con số lại không khớp nhau. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục nêu 31 vị, tính cả Mạc Thiên Tích là 32. Còn Gia Định thành thông chí thì số văn sĩ là 36. Nhưng nếu xét thêm số văn sĩ xướng họa Thụ Đức hiên tứ cảnh mà Lê Quý Đôn nhắc đến trong Kiến văn tiểu lục thì số văn sĩ là 32 cộng 32 là 64 vị. Bên cạnh đó, Từ điển Văn học (bộ mới) lại đề cập đến các con số khác nhau 32, 36, 39 thậm chí 71 người. Việc xác định số người tham gia Chiêu Anh Các một cách chính xác quả là điều nan giải. Nhưng rõ ràng các cứ liệu trên cho thấy số người tham gia Chiêu Anh Các là khá lớn và không chỉ có một nhóm văn sĩ duy nhất tham gia xướng họa các tác phẩm của Chiêu Anh Các mà có thể mỗi tác phẩm của Chiêu Anh Các sẽ có một nhóm văn sĩ riêng xướng họa. Như trường hợp Hà Tiên thập cảnh và Thụ Đức hiên tứ cảnh rõ ràng là do hai nhóm văn sĩ khác nhau tham gia xướng họa. Đó là chưa nhắc đến trường hợp Nguyễn Cư Trinh tham gia họa vần Hà Tiên thập cảnh thời gian sau khi tác phẩm đã khắc in. Dù vẫn còn tồn nghi về số lượng văn sĩ tham gia Chiêu Anh Các nhưng điều mà chúng ta có thể khẳng định là Chiêu Anh Các dù thành lập nơi cùng trời cuối đất, chốn hải ngoại xa xôi nhưng vẫn thu hút được số đông các văn sĩ trong cũng như ngoài nước tham gia. Với quy mô và mục đích hoạt động như trên ta có thể nhận thấy: - Tao đàn Chiêu Anh Các là một thi phái, một hiện tượng văn học lớn của nước ta. Đã có nghi vấn khi nghiên cứu về Chiêu Anh Các: Chiêu Anh Các có phải là thi xã của văn chương Việt Nam hay không ? Thậm chí có người đã phủ nhận vị trí của nó trong lịch sử văn chương nước ta. Đó là quan điểm của Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà: “Chúng ta ngày nay mặc dù ghi nhận sự hiện hữu của nhóm thi nhân này - 20 - nhưng không thể xét về mặt tư tưởng hay ngôn từ như là đối tượng của việc nghiên cứu một trường phái của Việt Nam để tìm hiểu về một giai đoạn của lịch sử văn học Việt Nam.” Lý do họ nhận định như vậy là vì thành phần tham gia xướng họa trong Chiêu Anh Các hầu hết đều là người Trung Quốc và chưa sống ở Việt Nam, thơ văn lại gò bó trong việc họa vần, hạn đề nên không thể phản ánh được nếp sống, tâm tư của người Việt. Những căn cứ ấy là có thực. Song nếu xét trên nhiều phương diện, nhất là nhìn vào bản chất của vấn đề ta sẽ nhận ra nhiều điều. Thứ nhất, người sáng lập Chiêu Anh Các là Mạc Thiên Tích, một con người gắn bó với Hà Tiên. Điều này được minh chứng hùng hồn qua sáng tác của ông. “Đọc lại thơ Mạc Thiên Tích, càng thấy rõ Hà Tiên đã thành máu thành hồn, thành tiếng vọng tự hào, vừa sâu lắng của thơ ông. (...) Chính vì lẽ đó, Mạc Thiên Tích đã đi vào lịch sử văn chương Việt Nam như một tác gia đích thực.” [40 ; 186] Thứ hai, Chiêu Anh Các là thi xã hình thành tại trấn Hà Tiên, vùng đất của Đại Việt chứ không phải ở Trung Quốc. Đề tài xướng họa của thi xã này đều là cảnh đẹp ở Hà Tiên. Số lượng văn sĩ tham gia Chiêu Anh Các tuy nhiều, song lực lượng cơ hữu vẫn là người Việt. Thứ ba, Chiêu Anh Các không chỉ đơn thuần là một thi xã, hoạt động của nó rất phong phú như đã trình bày ở trên. Với những lý do trên ta có thể khẳng định một cách mạnh mẽ rằng “Chiêu Anh Các là hiện tượng của lịch sử văn chương Việt Nam.” [40 ; 186] - Chiêu Anh Các ra đời trong một hoàn cảnh địa lý, lịch sử- xã hội đặc biệt vì thế nội dung phản ánh cũng như hình thức nghệ thuật của thi phẩm Nôm có tính chất khác biệt so với văn học cùng thời, nhưng lại đảm nhiệm vai trò cầu nối rất quan trọng giữa truyền thống thơ Nôm trong văn học thời kỳ hậu Lê đến trước Trịnh Nguyễn phân tranh với những tác phẩm Nôm của Đàng Trong hay Nam Bộ sau này. - Chiêu Anh Các còn có sứ mệnh quan trọng là một hiện tượng văn học lớn ở Đàng Trong thời ấy, đặt nền móng vững chắc cho dòng văn học phát triển khá mạnh mẽ sau này ở Miền Nam mà các nhà nghiên cứu gọi là Văn mạch phía Nam. Theo Lê Trí Viễn [40] đặc điểm của văn mạch ấy là: gắn chặt với đất nước phía Nam mới lạ và phong phú, bộc lộ tính cách con người với những nét thật trội, sử dụng táo bạo ngôn ngữ nhân dân sáng tạo nhiều thể loại, thể thơ thể văn mới, đi trước trong một số vấn đề văn học, và bao trùm tất cả là một tinh thần dân chủ khá mạnh mẽ, một quan niệm thẩm mỹ gần thẩm mỹ nhân dân, quán triệt cả văn học dân gian lẫn văn học viết, nhích gần hai thành phần văn học này lại với nhau. Mạch văn ấy được khởi đầu với Đào Duy Từ,
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan